- Truyền bá Chánh
Pháp
- HT Thích Trí Quảng
Quan sát lịch sử truyền bá Phật
giáo trên khắp năm châu trải qua hơn 25 thế kỷ, không bao giờ chúng ta thấy
có một nhà truyền giáo nào dùng sức mạnh vật chất để cám dỗ, mua
chuộc hay đe dọa người nhằm kéo họ đến với đạo Phật.
Trái lại, với phương cách hết sức
hiền hòa, tùy thuận, Phật giáo đã từng bước nhẹ nhàng hội nhập vào
những nơi có đủ duyên lành, không vì một ý đồ đen tối hay mưu cầu một
tư lợi nào, mà chỉ nhằm mang lại lợi ích, an lạc cho nhiều người.
Thật vậy, Đức Phật đã khẳng
định sự hiện hữu của Ngài trên cuộc đời này vì lòng thương tưởng
cho đời, vì hạnh phúc cho mọi người. Với bản chất của một đấng cứu
đời, vô ngã vị tha, Ngài hoằng hóa độ sanh một cách thanh thản. Không
một tấc sắt trong tay, không phô trương những lời hoa mỹ, Đức Phật chỉ
trải lòng từ, mang tri thức vô thượng đến cho người. Qua hình bóng giải
thoát và tâm hồn thánh thiện của Đức Phật đã tạo thành sức thuyết
phục, cảm hóa người đến với Ngài từ bỏ việc ác, sống với việc
lành.
Chỉ một thí dụ điển hình như
vua Ba Tư Nặc nhìn thấy thân tướng Phật từ bi, giải thoát, khiến ông
thay đổi tâm lý một cách đột ngột, không còn tin theo hủ tục lâu đời
ăn sâu vào nếp nghĩ của mọi người thời đó. Vua đã quyết định bãi
bỏ việc giết hại 500 dê, bò để cúng tế và xin Phật có dịp trở lại
để cứu độ ông.
Hàng đệ tử Phật tu tập theo Ngài,
như Mã Thắng cũng tỏa sáng phạm hạnh giải thoát. Trên đường hành đạo,
bước đi trong yên lặng tỉnh giác mà Mã Thắng đã tác động sâu xa tâm
hồn nhà đại hùng biện Xá Lợi Phất, khiến ông đột nhiên từ bỏ địa
vị giáo chủ đạo thần lửa, phát tâm quy ngưỡng Phật.
Đức Phật tại thế, hình bóng giải
thoát và tâm từ bi của Ngài cùng hàng Thánh chúng đệ tử đã tạo thành
sức sống an bình, lợi lạc cho xã hội đương thời.
Đến khi Phật Niết bàn, tinh thần
giải thoát, lợi lạc quần sanh vẫn là ngọn đuốc chỉ đạo cho đời sống
của các vị chân tu thật học ở khắp chân trời góc bể. Thậm chí có
những nơi mà đạo hạnh từ bi, giải thoát soi sáng bởi trí tuệ vô lậu
của các bậc tu hành đã một thời tác động những kẻ chiến thắng phải
hướng tâm tìm hiểu Phật pháp.
Lịch sử đã từng cho thấy khi
quân Mông Cổ hoặc Mãn Thanh sang chiếm Trung Quốc, họ phải cho dịch kinh
Phật sang tiếng Mông Cổ hay tiếng Mãn Thanh để nghiên cứu. Vì mặc dù
là kẻ chiến thắng, nắm quyền bính trong tay, nhưng họ vẫn cảm thấy e
dè trước sức mạnh văn hóa của Trung Quốc, mà tư tưởng Phật giáo bấy
giờ là chỉ đạo chính yếu.
Hoặc trường hợp người Mỹ có mặt
ở Nhật Bản với tư cách kẻ chiến thắng trong trận Thế chiến thứ
hai. Họ nhận thấy tướng lãnh Nhật tuy bại trận, nhưng nhờ ảnh hưởng
Phật giáo nên đã có thái độ điềm tĩnh lạ thường. Điều này khiến
một số người Mỹ phải kính nể và gợi cho họ ý thức muốn tìm hiểu
Phật giáo.
Chúng tôi xin đơn cử một thí dụ
về Thiền sư Philip Kapleau, là một trong những Thiền sư người Mỹ đầu
tiên. Ông nổi tiếng ở Mỹ và các nước châu Âu. Năm 1947, ông đến làm
việc tại Tokyo. Theo ông nhận xét, tinh thần Phật giáo thẩm thấu sâu sắc
vào dân Nhật, nên đối trước hậu quả khốc liệt của chiến tranh giáng
lên cuộc sống, họ chấp nhận với một thái độ bình tĩnh và ứng xử
sáng suốt. Điều này khiến ông ngạc nhiên và khâm phục, quyết định tìm
hiểu Phật giáo. Tại Kamakura, ông gặp Đại sư Suzuki giảng giải về thiền
Đại thừa. Ông rất vui mừng, từ đó tìm hiểu Phật giáo sâu hơn, cho đến
năm 1953 thì xuất gia.
Có thể nói, từ giai đoạn khởi
đầu ở Tây phương, phần lớn văn minh Âu-Mỹ đã tiếp xúc với thiền học
Nhật Bản và biết kết hợp hài hòa để tạo thành nếp sống văn minh vật
chất kèm theo hương vị giải thoát của đạo Phật.
Thật vậy, các Thiền sư Nhật Bản
nổi tiếng như Takakutsu, Suzuki, Kimura, họ truyền bá Phật giáo sang Tây phương
với tư cách vừa là du học tăng, vừa là giáo sư giảng dạy Phật học tại
các đại học ở Âu-Mỹ. Họ quan sát xem sự suy nghĩ của người Tây phương
như thế nào, để từ đó truyền tải Phật giáo sao cho người Tây phương
chấp nhận được.
Với hướng truyền bá như vậy, đạo
Phật đã thu hút được các học giả Tây phương và đi thẳng vào đại học,
trực tiếp truyền thông đến những nhà trí thức, tạo cho họ có cuộc sống
đẹp; chứ không phải tìm đến nước chậm tiến truyền bá để trục lợi.
Điều quan trọng chúng ta cần quan
tâm là chiều hướng phát triển của Phật giáo phương Tây ngày nay không
cần xây dựng chùa chiền. Điểm chính yếu là làm thế nào để tạo được
tâm lý cao cả và đời sống tốt đẹp.
Trên tinh thần ấy, ở Âu-Mỹ, Phật
giáo không phát triển mạnh về mặt số lượng tín đồ như các nước Á
châu. Tuy nhiên, người trí thức Tây phương tiếp thu Phật giáo với tinh
thần ứng dụng thực tiễn, họ rút ra được những tinh ba và thường có
khuynh hướng viết sách ghi lại hiểu biết, sở đắc của họ. Nhờ vậy,
người phương Tây hình thành được những tác phẩm Phật giáo rất có
giá trị về triết học, tư duy, đạo đức, hướng người đến đời sống
tỉnh thức, an lạc. Vì vậy mà người phương Đông muốn nghiên cứu Phật
giáo một cách rốt ráo, họ phải tìm đọc sách phương Tây.
Chúng ta có thể sơ lược vài tác
phẩm nổi tiếng về Phật giáo, ở Mỹ có quyển Three Pillars of Zen của
Philip Kapleau, đã dược dịch ra nhiều thứ tiếng, The Awakening of the West của
Stephen Batchelor, Brief History of Buddhist in Europe and America của De Jong... Ở Pháp
có dịch phẩm nổi tiếng về kinh Pháp Hoa của Hàn lâm học sĩ E. Burnouf,
dịch ra từ Phạn ngữ Népal năm 1925 còn lưu truyền đến ngày nay. Đặc
biệt là quyển chú giải kinh Duy Ma giúp chúng ta hiểu Phật giáo chính xác
và sâu sắc của tác giả A. Bareau v.v... Ở Anh, có bản dịch kinh Duy Ma The
Teaching of Vimalakirti của Sara Boin...
Ngày nay, cùng với làn sóng mới
trong việc truyền bá Phật giáo sang các nước phương Tây, Phật giáo Nhật
Bản, ngoài sự hoằng truyền ở trường đại học và phổ biến các tác
phẩm hướng dẫn tu tập, họ còn truyền bá đạo pháp dưới nhiều hình
thức kinh tế, xã hội, văn hóa. Sở dĩ Phật giáo Nhật phổ cập tư tưởng
Phật Đà qua các dạng thức đó vì người Nhật sớm chịu ảnh hưởng
tinh thần kinh Hoa Nghiêm, theo đó không giới hạn nhà truyền giáo trong
hình thức tu sĩ.
Hành đạo theo Hoa Nghiêm, Thiền sư
có thể là thương buôn theo mẫu Di Già hay Giải Thoát trưởng giả, hoặc
người lái thuyền Bà Thi La. Với phương cách hành đạo ấy, hầu hết Phật
giáo Nhật sinh hoạt ở châu Âu thường không phải ở chùa, mà ở các tiệm
buôn, các nhà máy sản xuất hay siêu thị. Ở những nơi đó, từ công
nhân đến giám đốc đều là thiền giả, nhưng đặc biệt tu hành của họ
tạo ra của cải, đóng góp lợi ích cho xã hội mà vẫn giữ được nếp
sống bình dị, tâm hồn thanh thản. Kết quả thiết thực của mẫu tu như
vậy được người Tây phương chấp nhận dễ dàng hơn là cách sống trong
các thiền đường quy củ, khắc khổ như ở Nhật thời xưa.
Ngoài ra, người Nhật còn đầu tư
hàng tỷ đô-la vào việc tạo lập công viên ở Pháp, Mỹ. Họ được chính
phủ các nước này cho phép xây dựng các công viên thật rộng lớn mang
dáng dấp thiền. Ở Paris và Toulouse đều có công viên giống như các đình
viên của các chùa ở Nhật, rộng cả trăm mẫu. Ở California cũng có vườn
Nhật Bản nổi tiếng. Khách tham quan đến các công viên này có thể hít
thở không khí trong lành, có thể thư giãn tâm hồn bên dòng suối trong vắt,
phong cảnh nên thơ với những bãi cỏ xanh mướt trải dài, đây đó hoa nở
xinh tươi, chim hót ríu rít. Vào đó, bao âu lo phiền trược dứt bỏ dễ dàng
và hướng tâm người hòa nhập vào dòng sống đại tự nhiên của vũ trụ,
đó là mục tiêu mà các nhà truyền giáo tạo lập vườn thiền này mong mỏi
khách thập phương đạt được.
Xưa kia, Đức Phật và Thánh chúng
đã thể hiện mô hình tiêu biểu sống như thế nào để trở về bản tâm
thanh tịnh, hòa nhập cùng pháp giới, vĩnh hằng bất tử.
Chúng ta hy vọng, trên đà phát triển
Phật giáo ở phương Tây với chiều hướng phục hưng theo những mô hình
nói trên sẽ giải tỏa những bế tắc của thời đại, mang lại nhiều lợi
ích cho mọi loài trên trái đất này ở thế kỷ 21./.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/058-truyenba.htm