- Duyên khởi và tính
không được đồ giải qua phương trình E=MC2 của nhà bác học
Albert Enstein
- Khải Thiên và Nguyễn Chung Tú
I. Tổng quan
về Duyên khởi và tính Không
Triết lý Duyên khởi
(Paticcasamuppàda) và tính Không (Sunyàta) là hai điểm giáo lý then chốt của
Phật giáo được trình bày xuyên suốt trong các kinh điển, từ Nikaya,
Agama cho đến các kinh điển thuộc văn hệ Đại thừa (Mahayàna). Đây cũng
là phần giáo lý độc nhất vô nhị của Phật giáo, mà không hề tìm thấy
trong bất kỳ hệ thống giáo lý nào khác trong lịch sử của tôn giáo và
triết học, trước cũng như sau thời Đức Phật. Đứng trên góc độ lịch
sử-tư tưởng, Duyên khởi được xem như là phần triết lý nền tảng của
cả hai hệ thống Nam tạng và Bắc tạng, từ thời kỳ Phật giáo Nguyên
thủy (Theravàda) đến Phật giáo Phát triển sau này. Riêng về triết học
tính Không, sự phát triển của nó bắt nguồn từ khởi điểm của Phật
giáo Mahayàna (Phật giáo Phát triển) và nội dung như đã được trình bày
cụ thể trong kinh Bát Nhã (Prajanaparamita Sùtra), một bộ kinh đầu tiên thuộc
văn hệ Đại thừa. Mặc dầu vậy, về nội dung triết lý, giữa Duyên khởi
và tính Không không có sự khác biệt về bản chất. Trên phương diện
logic học, mối quan hệ giữa Duyên khởi và tính Không được xem như là
"một dòng vận hành tất yếu", như nước trăm sông cùng đổ về
biển cả; nó vừa là nguyên nhân, lại vừa là kết quả sinh khởi nên vạn
hữu trong vũ trụ vô biên này. Sự thể như thế nào sẽ được trình bày
ở phần nội dung.
- II. Nội dung của Duyên khởi
và tính Không
- 1- Duyên khởi
Nếu như thế giới bao la mênh
mông này được chia thành hai loại: hữu tình chúng sinh (tức những loài
có tri giác như động vật, con người) và vô tình chúng sinh (tức những
loài vô tri như cỏ cây hoa lá, sông suối, đá đồi v.v...), thì Duyên khởi,
ở một góc độ nào đó, cũng có thể chia thành hai loại: một loại tập
chú vào sự hiện hữu của con người được Đức Phật dạy qua 12 Nhân
duyên, và một loại khác chỉ đến sự tương duyên, tương tác trong sự
hình thành và hiện hữu của thế giới khách quan, tự nhiên được dạy
qua định thức tổng quát về Duyên khởi. Tuy nhiên, cả hai đều trình
bày về sự thật Duyên khởi - nguyên lý tương tác, sinh khởi và vận
hành của vũ trụ nhân sinh. Ở đây, phạm vi của bài viết chỉ đề cập
đến Duyên khởi qua định thức tổng quát.
Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ I,
tr.291), Đức Phật đã trình bày tóm tắt về nguyên lý Duyên khởi như
sau:
"Do A hiện hữu nên B hiện hữu
Do A sinh khởi nên B sinh khởi
Do A không hiện hữu nên B không hiện hữu
Do A đoạn diệt nên B đoạn diệt"
Nguyên lý này bảo rằng, tất cả
hiện hữu trong thế giới bao la mênh mông này, không một hiện hữu (sự vật,
hiện tượng) nào có thể tồn tại một cách độc lập mà không nương tựa
vào nhau. Sự nương tựa và tùy thuộc nhau để hình thành và tồn tại
v.v... là nguyên lý vận hành của vũ trụ nhân sinh này; tương tự như thế
đối với hằng hà sa thế giới. Do đó, Đức Phật bảo rằng: "Do A
hiện hữu nên B hiện hữu... Do A đoạn diệt nên B đoạn diệt". Có
thể lấy tỷ dụ như nước và sóng gió, do có nước và gió nên mới có
sóng cuộn nhấp nhô. Nếu không có nước thì sẽ không bao giờ có sóng.
Sóng có mặt là do nương vào nước và gió v.v... Rồi tiếp tục suy luận
như thế, bản thân của nước cũng không phải do đơn độc hình thành,
mà cơ cấu của nước là H2O. Vì thế, qua đôi mắt bình thường,
nước là nước; nhưng qua lăng kính khoa học, nước không phải là nước,
mà nước là hợp chất của hydro và oxy v.v... Tương tự như thế đối với
tất cả hiện tượng, sự vật, cả hữu tình (động vật) và vô tình (thực
vật - hay vật vô tri). Sự có mặt của mỗi hiện hữu luôn luôn bao gồm
trong nó hàng loạt các giá trị của nhân và duyên. Đây là nội
dung cơ bản của định thức tổng quát về Duyên khởi.
2- Tính
Không
Tính Không (Sunyàta) không phải là
một khái niệm đối lập với Có, mà Không ở đây là thực tính của
các pháp (những gì có mặt trong cuộc đời). Tính Không cũng không phải
là chủ nghĩa hư vô không tận; nó vốn thoát ly mọi đối ngẫu phân biệt
giữa hữu-vô, sanh-diệt, thường-đoạn, khứ-lai, siêu việt lên trên tất
cả mọi phạm trù đối lập của thế giới nhị nguyên. Do đó, mọi khái
niệm về Không được xây cất trên tư duy logic đều không phải là thực
tại - tính Không; trái lại, ở đây đòi hỏi một sự thể nhập trực tiếp
vào thế giới thực tại sau khi mọi ý niệm tự ngã được buông bỏ. Như
thế, khi con người còn đầy ắp những tập khí, cảm nhiễm, những khát
vọng, mong cầu được thiết lập trên cơ sở của ý niệm về tự ngã,
thì sự bàn bạc về tính Không chẳng khác nào dã tràng xe cát.
Tuy nhiên, trên mặt hiện tượng, tính
Không được nhận thức như một hệ quả tất yếu trong tiến trình Duyên
khởi mà ngài Nàgàrjuna, qua Trung Quán luận, gọi là "Duyên khởi tức
Không". Điều đó cho thấy rằng, nếu thế giới vũ trụ này được hình
thành theo cơ cấu trật tự của Duyên khởi, thì đương nhiên nó cũng hoại
diệt theo cơ cấu hoàn diệt của Duyên khởi. Vì lẽ, một sự thể nếu
được hình thành từ nhiều nhân duyên (theo như định lý Duyên khởi nói)
thì chính sự thể ấy đã loại trừ cái mà gọi là thực thể (entity)
đơn nhất ngay nơi tự thân của nó. Do đó, trên bình diện công ước, tính
Không đã khước từ và phủ định hoàn toàn mọi ngã thể, nếu ngã thể
ấy được xem như là một thực thể độc lập bất biến hay thường tại
vĩnh hằng. Ở đây, cần ghi nhận rằng tính Không không phải là sự đồng
hóa hay đánh mất mọi bản sắc cá biệt của hiện tượng giới (the world
of phenomena). Mà trái lại, cội nguồn của "Duyên khởi tức Không"
giải trình hiện tượng giới qua ba tính chất đặc thù của một sự thể,
đó là: Giả danh, Không và Trung đạo.
a)- Giả danh: Thông thường, tất cả
sự vật, hiện tượng đều được định danh bởi một tên gọi khác
nhau, như nước, mây, mưa, hơi nước v.v... Nhưng các tên gọi đó chỉ là giả
danh, vì chúng tạm thời mà có. Như nước gặp sức nóng-hút của ánh
sáng mặt trời thì gọi là hơi, hơi ngưng tụ thì gọi là mây, mây rơi xuống
thì gọi là mưa, mưa đọng lại thì gọi là nước v.v... Vì thế, các tên
gọi mây, mưa, hơi nước... đều là tên gọi tạm thời được hình thành
trên bề mặt của mỗi mỗi sự vật, hiện tượng. Và cái mà gọi là bản
sắc cá biệt của hiện tượng giới chính là hiện thân của tác dụng
và tên gọi tạm thời đó.
b)- Không: Một sự thể, như đã đề
cập, xuất hiện là do các nhân duyên hình thành, và các nhân duyên đó
luôn luôn điều kiện hóa lẫn nhau. Trong khi đó, thực tính của các nhân
duyên đều là Duyên khởi; và, như đã nói, Duyên khởi tức Không, thế
có nghĩa Không là tự tính vô tính của Duyên khởi và là thực tính như tính
của Duyên khởi. Tỷ dụ, nếu phân tích bản chất của nước, hơi nước,
mây, mưa, ta sẽ không nắm bắt được gì ngoài hydro và oxy - công thức
là H2O. Và nếu tiếp tục phân tích cho đến độ không thể phân tích được
nữa, thì tự thân của hydro và oxy cũng là Duyên khởi của một dạng thức
năng lượng không hình thù, không màu sắc và không biên giới. Năng lượng
là vô biên, hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi. Ngay tại đây, chính năng
lượng hiển thị bản tính Không; nó xóa nhòa mọi khuôn khổ, chiều kích
trong từng mỗi bản sắc cá biệt của hiện tượng giới. Do vậy, sự thể
vốn không.
c)- Trung đạo: Trung đạo, trên mặt
triết lý, là lối dẫn vào thực tại tính Không - Niết bàn vô thượng;
trên mặt nhận thức, là sự phủ dẫm mọi định kiến về hữu-vô,
sinh-diệt, thường-đoạn, khứ-lai... Do đó, có thể nói Trung đạo là con
đường dắt dẫn mọi sinh linh một phen đi vào "đô thị tính
Không", một cảnh giới Niết bàn vô thượng hiển hiện ngay trên mặt
đất gồ ghề của trần thế này. Trung luận viết rằng: "Nếu không
y vào chân lý công ước (chân lý của kẻ còn vô minh) thì không thể đạt
đến chân lý tuyệt đối; nếu không đạt đến chân lý tuyệt đối (chân
đế), thì không thể hiểu được Phật pháp". Như thế, với Trung đạo,
một sự thể không thể nói là có hay là không, mà chỉ có thể nói nó
là Duyên khởi.
III. Duyên khởi
& Không qua phương trình E = MC2
Trước năm 1905, Einstein đã phát biểu
công thức E = MC2 trong thuyết Tương đối hẹp. Mặc dầu công thức
này không được in thành sách, nhưng Paul Langeoin đã giảng dạy nó cho sinh
viên. Công thức E = MC2 nói lên một sự thật Duyên khởi trong thế giới sự
vật, hiện tượng qua lăng kính của vật lý học. Ở đây, E biểu thị
cho năng lượng, M biểu thị cho khối lượng vật chất và C biểu thị cho
vận tốc ánh sáng trong chân không.
Về năng lượng (E), được ví như
những làn sóng vô hình mà con người không thể thấy, nghe hay sờ mó được.
Năng lượng E là cội nguồn của tất cả hiện hữu (thế giới thực tại
khách quan và con người); vì thiếu nó, thì mỗi mỗi sự thể M (hay khối
lượng vật chất) không thể hình thành. Cho đến sự vận hành của tâm
thức cũng được xem là một dòng năng lượng đặc biệt (năng lượng tâm
thức). Thông qua công thức E = MC2, ta có thể thấy rằng vật chất
chính là năng lượng được cô đọng lại, và năng lượng chính là vật
chất được phân tỏa đến độ tan biến vào hư không vô biên, như hạt
muối được bỏ vào dòng sông. Từ chi tiết này cho thấy rằng, thế giới
sum la vạn tượng này, mỗi hiện hữu, sự thể đều được tạo nên bởi
một bản sắc cá biệt, như: cây, củi, than, tro..., nhưng bản chất của nó
thật sự là chân không - Duyên khởi. Và, mỗi mỗi bản sắc cá biệt đó
luôn luôn mang tính cách lâm thời mà không phải là vĩnh hằng.
Cũng từ công thức E = MC2,
thí nghiệm cho biết rằng khi một điện tử âm mà khối lượng là M =
0,90 x 10-30 kg gặp một điện tử dương mà khối lượng cũng là
M, thì cả hai đều biến mất, để cho một tia gama mà năng lượng E = 1,01
mega-electron-volt. Đổi năng lượng này ra joule rồi chia cho 2M để được C2
, trong đó C là vận tốc ánh sáng trong chân không (300.000km/s). Và nếu đảo
lại, một tia gama mà năng lượng E = 1,10 mega-electron-volt có thể biến đi
để cho hai điện tử: một âm, một dương. Đây là sự trao đổi năng lượng
hai chiều giữa bức xạ và vật chất. Công thức E = MC2 trong vật
lý vi mô, như vừa trình bày, cũng tương tự với công thức W = MC2
trong ngành vật lý vĩ mô (thiên văn).
Từ một vài dữ kiện được
trưng dẫn qua phương trình E = MC2, hiện hữu chung quanh con người
- tức thế giới thực tại khách quan của vô số sự vật, hiện tượng -
được nhìn nhận không gì khác / ngoài nguyên lý Duyên khởi. Và tất
nhiên, chân lý đằng sau Duyên khởi chính là thế giới thực tại - tính
Không, mà Bồ tát Mã Minh, trong Mahàyàna-sradhotspàda-Sàstra, gọi là
Chân như - Duyên khởi.
Công thức: Chân như = Duyên khởi;
và đảo ngược: Duyên khởi = Chân như.
Công thức này sẽ trả lời cho người
trần một câu hỏi vĩ đại, rằng tại sao Chân như lại Duyên khởi?
Và nó cũng hiển thị cho thấy tính chất bất khả phân ly của thực tại
- hiện hữu:
Sóng về xóa dấu chân không
Bỗng dưng thuyền đã bên dòng chân như" -- (Sakya T.Th)
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/061-duyenkhoi.htm