Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tính thiết thực hiện tại của đạo Phật
Thích Phước Đạt

Trong tất cả mọi giá trị hiện hữu giữa cuộc đời này thì giá trị hạnh phúc của con người là cao nhất. Cũng vậy, giá trị tính thiết thực của đạo Phật nhằm đưa đến sự giải thoát khổ đau, xây dựng nếp sống hạnh phúc thật sự cho con người hiện tại quả là giá trị thù thắng.

Thực tế, lịch sử đã minh chứng lịch sử đức Phật Thích Ca là lịch sử của một con người. Nhờ nội lực tu tập tự thân, Ngài đã trở thành bậc Giác Ngộ giữa cõi đời này. Chính đức Phật đã từng tuyên bố hoài bão lớn nhất của Ngài là xây dựng nếp sống hạnh phúc an lạc cho mọi người ngay khi Ngài vừa thị hiện: "Ta ra đời vì sự hạnh phúc, vì sự an lạc cho chư Thiên và loài người". Tại đây, đức Phật đã xác định giá trị "Hạnh phúc" qua cuộc đời tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ, hoằng hóa độ sanh của chính mình.

Quả vậy, sau khi thành đạo, đức Phật đã khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh khắp các nẻo đường. Với nếp sống hướng thượng, thiết thực hiện tại, Ngài đã mở toang cánh cửa giải thoát cho những ai có tai để nghe, có mắt để thấy đạo giải thoát mà Ngài đã tự thân chứng ngộ. Hạnh phúc hay khổ đau đều do tự thân mỗi người quyết định. Tính thiết thực hiện tại cũng được đức Phật thiết lập theo quan điểm này, khởi đầu bằng lời tuyên bố mang tính thực nghiệm: "Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp" hay "hãy tự mình làm hòn đảo nương tựa cho chính mình, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi". Cho nên, đức Phật đã phản bác tất cả các vấn đề siêu hình không có khả năng đưa đến sự giải thoát khổ đau mà con người phải giáp mặt, gánh chịu hàng ngày, hàng giờ, hàng phút. Trầm tư về pháp thoại giữa Ngài với chàng Malunkyaputta trong Tiểu kinh Màlunkya thì sẽ hiểu giá trị quyết định sự hạnh phúc an lạc của mỗi người, đó chính là tính thiết thực hiện tại của đạo Phật được thực thi trọn vẹn một cách cụ thể rõ ràng. Tất cả vấn đề siêu hình thông qua 16 câu hỏi được Malunkyaputta đề cập đến như: Thế giới là thường hay là vô thường?... Như Lai có tồn tại sau khi chết hay không tồn tại?... v.v... được đức Phật trả lời bằng thái độ im lặng. Ngài đã chỉ rõ cho Malunkyaputta rằng: Thực tại cuộc sống thực chất là "sống về" chứ không phải "nói về". Cũng như câu chuyện người bị trúng mũi tên độc, vấn đề cấp thiết nhất, có ý nghĩa nhất trong giờ phút hiện tại đó và tương lai về sau là phải giải phẩu mũi tên độc không cho chất độc thấm vào cơ thể. Thật là sai lầm khi phải truy tìm tận nguồn gốc mũi tên độc từ đâu đến, người bắn mũi tên độc là ai... trước khi ngăn chặn chất độc xâm chiếm lan tràn khắp cơ thể. Mục đích tối hậu của con người là giải thoát tất cả các vấn đề khổ đau đang vây bủa, áp lực con người từ muôn phía, xây dựng hạnh phúc thiết thực ngay trong hiện tại, không cần phải tìm kiếm ở một thế giới bên ngoài con người đang hiện hữu. Cho nên, toàn bộ giáo lý của Ngài chỉ nói lên một chân lý sống rất đơn giản nhưng rất thiết thực hiện tại, đó là "sự thật khổ đau và con đường đoạn tận khổ đau". Tại đây, thái độ sống theo một tinh thần hướng thượng, giải thoát khổ đau, xây dựng nếp sống hạnh phúc an lạc được thiết lập, duy trì như là một lẽ sống hợp Chánh đạo. Chính đức Phật từng khuyến cáo mọi người hãy sống theo tinh thần thiết thực hiện tại đầy trí tuệ:

"Quá khứ không truy tìm; tương lai không ước vọng

Quá khứ đã đoạn tận; tương lai lại chưa đến

Chỉ có pháp hiện tại; tuệ quán chính nơi đây".

(Kinh Malunkya, Trung Bộ II)

Như dòng sông luôn trôi chảy không ngừng, cũng vậy, sự sống của con người phải tuân theo quy luật đó, tức là vẫn phải "đang là". Đây chính là ý nghĩa của sự sống. Một sự sống luôn luôn hiện hữu trong cơ chế "vận hành" và "chuyển hóa". Cho nên, giá trị hạnh phúc thực sự chỉ được thiết lập ngay trong hiện tại. Hay nói cách khác, chỉ có hiện tại mới định hình cho sự sống, và sự sống thật sự có ý nghĩa khi biết sống cho hiện tại với thực tại "đang là". Do đó, tất cả hình ảnh u buồn, những âm thanh, sắc, đường nét biểu lộ tâm lý chán chường, than thở của "một tâm hồn bé nhỏ, mang mang thiên cổ sầu" cần phải xua tan, chấm dứt; mọi sự mơ tưởng về viễn cảnh tương lai hão huyền cần phải có thái độ khép cánh cửa tư duy ngã lại để khỏi rơi vào thế giới phi thực giả tạo. Cả hai nếp sống "kéo về quá khứ" và "mơ màng về viễn cảnh tương lai" đều dẫn dắt con người đi vào con đường ngõ cụt, khổ đau. Trong khi đó, sự sống thực tế hiện tại cần phải bước ra ngoài những tác nhân gây rối loạn tâm lý, đi từ sự ly tham, ly sân, ly si. Tại đây, tất cả mọi ý tưởng, suy tư từ bên trong tâm thức cho đến hành vi, được biểu lộ bên ngoài đều được Tuệ soi rọi. Nơi nào có Tuệ xuất hiện thì nơi đó mới thiết lập được giá trị hạnh phúc chân chính. Thực tế cho chúng ta thấy rõ những tâm hồn bệnh hoạn, chứa chất tâm lý đố kỵ, ganh ghét, tham lam, nuối tiếc, lo âu sợ hãi hay mơ mộng về viễn cảnh tương lai hão huyền thường có thái độ sống bất cần và buông thả theo dòng đời. Họ không phân biệt đâu là điều bất thiện cần phải tránh xa, chấm dứt; đâu là điều thiện cần phải nỗ lực học tập, hành trình để đem lại sự lợi ích cho mình và mọi người. Đức Phật dùng hình ảnh "như cây xanh lìa cành" để ví von cho những kẻ đi vào ngõ tối không có đuốc trí tuệ soi sáng dẫn đường. Ngài từng dạy bảo mọi người về một đời sống hướng thượng được khởi đầu bằng thái độ sống đi từ Giới đức, Tâm đức, Tuệ đức để chuẩn hóa, phân biệt thiện hay bất thiện. Thái độ sống này cũng được Ngài phân biệt rõ ràng cụ thể qua việc xác định thế nào là sự nguy hại của sự bất thiện và các lợi ích mà hành động thiện đem tới:

"Ta tuyên bố một cách dứt khoát: Này A Nan Đà, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy thời có những nguy hại như sau được chờ đợi: tự mình chê trách mình, sau khi biết thời kẻ trí chê trách, tiếng ác đồn xa, bị si ám khi mệnh chung, sau khi chết bị sinh vào cõi dữ, cõi ác". Ngược lại, đức Phật cũng dạy rằng: "Này A Nan Đà. Ta tuyên bố dứt khoát rằng thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện là điều nên làm. Nếu làm những điều nên làm ấy thì những lợi ích như sau được chờ đợi: tự mình không chê trách mình, khi được biết kẻ trí sẽ thán tán, tiếng lành đồn xa, khi mệnh chung không bị si ám, sau khi chết được tái sinh vào cõi trời, cõi đời này".

Như vậy, giá trị thiết thực hiện tại của đạo Phật có tác dụng hướng dẫn con người từ bỏ nếp sống bất thiện - đem lại hạnh phúc, an lạc. Muốn đạt kết quả ấy, đức Phật thường xuyên khuyên bảo mỗi người cần phải phản tỉnh và phản tỉnh nhiều lần để nhận ra thiện ác lẫn lộn giữa lớp sương mù che phủ. Có như vậy, mỗi việc làm về thân, về lời nói hay ý nghĩ đều được xác định rõ ràng là thiện hay bất thiện. Nếu việc làm ấy dẫn đến kết quả bất thiện, hại mình hại người, thì nên chấm dứt. Nếu việc làm ấy là thiện thì nên nỗ lực, tinh tấn, sinh tâm hoan hỉ, làm cho tăng trưởng để lợi mình, lợi người, lợi cả hai. Chính đức Phật đã khuyến cho La Hầu La nên làm như vậy để xác định giá trị tự thân cno người:

"Này La Hầu La, khi nhà ngươi đang làm, đã làm thân nghiệp, nhà ngươi cần phải phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: thân nghiệp này ta đang làm, đã làm đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem quả báo đau khổ. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày với các vị đạo sư hay các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày cần phải phòng hộ trong tương lai".

"Lại nữa, nếu trong khi phản tỉnh, này La Hầu La, nhà ngươi phải biết như sau: thân nghiệp này ta đã làm, không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc. Do vậy, này La Hầu La, nhà ngươi phải an trú trong niềm hoan hỉ, tự mình tu học ngày đêm trong các thiện pháp".

Với lời dạy quý báu đó, một lần nữa xác định rõ giá trị cao cả nhất của đạo Phật là giá trị thiết thực hiện tại. Chính giá trị này đã đưa con người từ địa vị phàm phu trở thành bậc thánh giữa cõi đời này nếu tự thân biết tu tập, biết sống theo nếp sống đạo đức hướng thượng. Nếp sống này mở ra cho chúng ta một cách nhìn vào "thực tại đang là". Tự mình nhìn ra những nguyên nhân gây nên khổ đau, những lo âu sợ hãi để rồi tự mình dập tắt những nguyên nhân khổ đau bất hạnh. Thế thì, tất cả mọi giá trị của con người đều được xác lập trên mọi hành vi cụ thể được quy chiếu vào cặp phạm trù nhân quả biện chứng. Đức Phật cũng như mọi người đều phải sống theo nguyên lý này để thực thi quá trình chuyển hóa nội tâm, đi từ đời sống thiện đến sự thăng hoa của thiện, từ đời sống đầy nhân bản chuyển sang Phật bản. Đây chính là ý nghĩa sống cao cả nhất của đạo Phật, là mục đích tối hậu của con người trong suối nguồn hạnh phúc thực sự:

"Nghiệp làm không chánh thiện
Mắt nhuốm lệ khóc than
Và nghiệp làm chánh thiện
Hoan hỉ, ý đẹp lòng"
(Kệ 67-Pháp Cú)

Tóm lại, sống trong thế giới đầy biến động của những năm cuối thế kỷ 20 này, khi nhiều giá trị trong cơ chế kinh tế thị trường được thiết lập bằng thước đo của đồng tiền, hệ quả là khủng hoảng của môi trường sinh thái, tâm linh; các giá trị đạo đức truyền thống bị lung lay. Lúc này con người mới ý thức giá trị thiết thực của đạo Phật - hạnh phúc chỉ có ngay ở hiện tại và trong tự thân mỗi người. Vấn đề cuối cùng là chúng ta cần phải tự mình suy tư, tự mình chiêm nghiệm, tự mình hành trì theo nếp sống hướng thượng, theo lời Phật dạy, chắc rằng ai ai cũng được hạnh phúc an lạc ngay trong cõi đời này.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/087-thietthuc.htm

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang