...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Chánh ngữ
- Cư sĩ Chính Trực
Trong cuộc sống trên thế gian này, con người dùng ngôn
ngữ, tức là: chữ viết và tiếng nói, để hiểu nhau biết nhau, trao đổi
tin tức, phổ biến văn hóa. Lời nói với tâm thiện, với tâm thành, đúng
chánh đạo, dễ cảm thông. Trong kinh sách có câu: "Cảm ứng đạo giao
nan tư nghì", tức là: "Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn",
chính là nghĩa đó vậy. Chuyện không cảm thông nhau được qua lời nói,
thường đưa tới việc đổ vỡ hạnh phúc gia đình, tức nhiên cuộc sống
phiền não khổ đau, không sao tránh khỏi được.
Như vậy, chúng ta đồng ý với
nhau rằng: lời nói rất là quan trọng, nhứt là lời nói chân chánh, có
ảnh hưởng rất lớn lao, trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người
chúng ta. Theo các sách vở chỉ dạy cách xử thế của người đời, có rất
nhiều phương pháp để thu phục nhân tâm, bằng lời nói. Chẳng hạn như:
Làm sao khuyên bảo người khác, khi biết họ làm sai, nói sai, hay nghĩ sai?
Nói cách nào cho khỏi phiền lòng người nghe? Có nên nói cho gia đình người
khác biết, khi một người trong gia đình đó đang làm một việc sai trái?
Có hàng bao nhiêu nguyên tắc, bao nhiêu phương pháp, bao nhiêu kỷ thuật,
bao nhiêu sách vở, bao nhiêu tác giả, đã đề cập đến vấn đề này.
Tuy nhiên, trong đạo Phật, vấn đề
này được giải quyết một cách đơn giản hơn: Nếu muốn nói với tâm
Phật, tức là tâm từ bi hỷ xả, hay tâm thanh tịnh, thì chúng ta nên
nói, lời nói khi đó gọi là chánh ngữ. Nếu muốn nói với tâm ma,
tức là vọng tâm hay ác tâm, thì chúng ta không nên nói. Tại sao vậy? Bởi
vì, khi chúng ta bị tâm ma điều khiển để nói năng, lời nói khi đó gọi
là tà ngữ, tức là chúng ta đang tạo khẩu nghiệp, để rồi mãi mãi,
chính chúng ta bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi, khổ đau nhiều kiếp. Mình
còn chưa giúp gì được cho mình, làm sao giúp gì được cho ai đây?
Sách có câu: "Chuyện của ai nấy
lo. Đèn nhà ai nấy sáng".
* * *
Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ đề cập đến vấn
đề lời nói trong bát chánh đạo. Bát chánh đạo là con đường đúng đắn,
đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ và giải thoát, gồm tám điều chân
chánh, đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng,
chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.
Chúng ta hãy xét qua: Thế nào là
chánh ngữ? - Chánh ngữ là lời nói chân chánh, đúng với chân lý, hợp
với Chánh Pháp, có lợi ích thiết thực, đem lại yên vui cho mọi người,
hòa bình cho mọi nơi. Chánh ngữ là lời nói thành thật và sáng suốt,
ngay thẳng và bình đẳng, hòa nhã và rõ ràng, chơn chất và giản dị,
khuyến tấn và nhứt như. Chánh ngữ là lời nói hợp thời và đúng lúc,
hợp tình và hợp lý, mang đến cho người nghe cảm giác thương yêu, từ
bi và hỷ xả.
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
"Tâm khẩu nhứt như". Nghĩa là: "Tâm khẩu không
khác".
Tâm nghĩ sao, miệng nói vậy. Miệng
thường nói tốt, tâm nên nghĩ tốt. Như vậy, mới được an lạc, mới đúng
là người tu đạo. Ngược lại, tâm nghĩ một đàng, miệng nói một nẻo,
miệng nói như vậy, tâm không như vậy, dù có hình tướng nào, cũng là người
xạo, giả mạo mà thôi. Hoặc tệ hơn nữa, đó chỉ là người:
- "Miệng thì nói tiếng nam mô.
- Trong lòng chứa cả một bồ dao găm".
Hoặc nguy hiểm hơn, đó là hạng
người:
- "Bề ngoài đon đả nói cười.
- Bề trong nham hiểm giết người không dao".
Trong sách có câu: "Hãy uốn
lưỡi bảy lần truớc khi nói". Uốn lưỡi đến bảy lần thì khỏi
nói luôn. Lúc đó gọi là "ngộ đạo", bởi vì: "đạo bổn vô
ngôn thuyết" và "ngữ ngôn đạo đoạn". Nghĩa là đạo lý cao
siêu, vốn không thể nói, không có lời nào, diễn đạt được cả. Khi còn
nói được, chỉ là phương tiện, hướng dẫn mà thôi. Cho nên những ai,
muốn được kiến đạo, muốn được thấy đạo, đừng chấp lời nói,
đừng chấp văn tự. Thí dụ như có, người dùng ngón tay, để chỉ mặt
trăng, cho người khác thấy. Ngón tay chỉ là phương tiện. Mặt trăng mới
là: mục đích cứu kính. Thấy được mặt trăng, gọi là thấy đạo, hay
là kiến đạo. Cho nên những ai, muốn thấy mặt trăng, đừng chấp ngón
tay, thế này thế nọ, thế kia thế khác.
Trong sách có câu: "Tri giả bất
ngôn. Ngôn giả bất tri". Nghĩa là: "Người biết không nói.
Người nói không biết".
Người đã biết đạo, trong kinh sách
gọi là "người ngộ đạo", thường khi ít nói, hoặc là không
nói. Người không biết đạo, thường hay nói nhiều, nhiều khi nói bậy,
như vậy mích lòng, dễ gây tai họa, dễ gặp phiền não, dễ tạo khổ
đau!
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
- "
Dù nói hàng ngàn lời vô ích, không bằng
chỉ nói một lời đúng Chánh Pháp.
Lời nói đúng Chánh Pháp có ích lợi làm cho tâm
người nghe được an tịnh".
Ai thực hành được, chánh ngữ như
vậy, tức là người đó, đang tiến trên đường, giác ngộ giải thoát.
Giải thoát khỏi vòng, sanh tử luân hồi, và giải thoát khỏi, phiền não
khổ đau.
Trong sách có câu:
- "Lời nói chẳng mất tiền mua.
- Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
Trên thế gian này, nếu mọi người
đều nhớ nằm lòng và luôn luôn thực hành câu trên đây, cuộc đời hạnh
phúc biết là bao nhiêu, cuộc đời tươi đẹp biết là bao nhiêu. Dầu cù
là và thuốc nhức đầu chỉ còn được dùng khi trái gió trở trời mà
thôi! Làm được như vậy, trong các gia đình, vợ chồng con cái, trên thuận
dưới hòa, an vui hạnh phúc, không có tranh cãi, không có xào xáo. Làm được
như vậy, trong các xã hội, trật tự an ninh, luôn luôn bảo đảm, những
cuộc cãi vã, đưa đến ấu đả, án mạng rùng rợn, không thể xảy ra.
Làm được như vậy, nơi các quốc gia, hòa bình chắc chắn, bền vững
lâu dài. Một lời nói ra, người nghe hoan hỷ, mỉm cười tươi tắn, tâm
trí khinh an, đó là chánh ngữ.
Bằng như ngược lại, lời nói bất
chánh, hay là tà ngữ, đó là lời nói, không được chánh đáng, ngược ngạo
phi lý, tổn hại đời sống, cùng danh dự người. Một lời nói ra, khiến
cho người nghe, nhức óc nhói tim, tâm trí quay cuồng, hồn phi phách tán,
có khi ngất xỉu, đó là lời nói: sâu độc hiểm ác, đay nghiến nguyền
rủa, nhiếc mắng thô tục. Có nhiều trường hợp, ngay trong gia đình, hay
ngoài xã hội, ở khắp mọi nơi, lời nói đơn giản, rất dễ hiểu lầm,
người nào hay giận, chỉ khổ tâm thôi, chẳng ích lợi gì!
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có
dạy:
- "
Không nên nói lời vô nghĩa. Phải giữ gìn
lời nói.
Lời nói phải chân thật, đúng lúc, hợp Chánh
Pháp, ích lợi cho mình cho người".
Tuy nhiên trên đời, có rất nhiều
người, chỉ biết chửi nhau, đem gieo thương đau, cho bao người khác, nói
bóng nói gió, nói xiên nói xỏ, nói cho ghét bỏ, nói lời khiêu khích, lăng
nhục mạ lyﬠsuốt đời không biết, không bao giờ nói, bất cứ lúc nào,
chẳng kể đúng sai, chẳng hề mở miệng: nói lời xin lỗi, hay tiếng cám
ơn! Lời nói phát xuất từ tâm ý con người. Tâm ý con người, thay đổi
đổi thay, tùy theo hoàn cảnh. Cho nên lời nói, cũng thay đổi theo. Tâm thiện
lời hiền. Tâm ác lời thô.
Trong sách có câu:
- "Tâm buồn cảnh được vui sao.
- Tâm an dù cảnh ngộ nào cũng an".
Trong năm giới của người Phật Tử
tại gia gồm có: sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Giới thứ tư là giới về lời
nói. Giới này khuyên người Phật Tử tại gia chân chánh, không nên dùng lời
nói để lợi mình hại người, gọi là vọng ngữ hay tà ngữ, dù người
đó là người thân hay kẻ thù. Giới này khuyên người Phật Tử tại gia
chân chánh, nên dùng lời nói để lợi mình lợi người, gọi là chánh ngữ,
dù người đó là người thân hay kẻ thù. Tại sao vậy? Bởi vì trước hết,
khi dùng lời nói, để hại người khác, tâm của chính mình, chắc chắn
biến động, làm cho công phu, tu tâm dưỡng tánh, từ bao lâu nay, trở nên
vô ích. Kinh sách gọi đó: chính là khẩu nghiệp!
Một lời nói ra, làm cho tan vỡ, hạnh
phúc gia đình, của những người khác, làm cho mọi người, nghi ngờ lẫn
nhau, đó là lời nói: mập mờ không rõ, đặt điều thêm bớt, thay trắng
đổi đen, nước lã khuấy hồ, lộng giả thành chơn, có lại nói không,
không lại nói có, đều do tâm tưởng. Nhiều khi nói lời, cố ý hại người,
người chưa bị hại, mình đã lảnh đủ, hậu quả tức thì. Trong sách
có câu:
- "Gậy ông lại đập lưng ông.
- Gậy bà chẳng trúng thẳng xông lại bà".
Nhiều ông nhiều bà, tuổi tác
đã già, gần đất xa trời, sống nay chết mai, vẫn tạo khẩu nghiệp, ngậm
máu phun người, bươi chuyện cộng đồng, khích động bên đông, kiếm
chuyện bên tây, chuyên đâm bị thóc, khoái thọc bị gạo, cạo nhớt lưng
người, hay cười người khác, không nhớ có lời, cổ nhân đã dạy: "Ngậm
máu phun người, trước dơ miệng mình". Có rất nhiều người, nói
lời khích tướng, hướng tâm bất thiện, cho người kiện nhau, ghét nhau
thù nhau, phiền não khổ đau, người ngu mắc bẩy.
Sách có câu: "Lời nói thốt
ra, người ta ghim trong bụng". Nghĩa là lời nói lỡ phun ra rồi,
không thể nào lấy lại được. Có nhiều người, nghe một lời, sống để
dạ, chết mang theo! Thực là khủng khiếp!
Tuy nhiên, ai ai cũng biết rằng:
- "Ghim nhiều chỉ nặng trong lòng.
- Ngày ăn đêm ngủ đừng hòng được yên.
- Lời nào nghe được thì im.
- Bằng nghe không được, đừng ghim trong lòng".
Hiểu được như vậy, hành được
như vậy, chính là pháp môn, tu theo hạnh "xả", một trong tứ vô lượng
tâm của đạo Phật, gồm có: từ, bi, hỷ, xả. Người giữ gìn chánh ngữ
là người nói lời thật thà lương thiện, công bình ngay thẳng, có ích lợi
chánh đáng. Người giữ gìn chánh ngữ là người dè dặt khẩu nghiệp, cẩn
trọng lời nói, không bao giờ nói sai sự thực, không nói lời thiên vị,
không nói lời xuyên tạc, không vu oan giá họa, không hăm he hù dọa, không
đổi trắng thay đen, không thêu dệt thêm bớt. Người giữ gìn chánh ngữ
là người không nói láo, không nói xấu người khác, không thích nghe nói
láo nói xấu, và không tin những lời nói láo nói xấu. Người nào hay nói
láo, nói xấu người khác, hậu quả sẽ là không ai tin cậy, không ai thèm
nghe nữa.
Trong sách có câu:
- "Lời nói chẳng động tâm ta.
- Dù lời nói ngọt hay là đắng cay".
Làm được như vậy, cuộc sống khỏe
re. Bằng không như vậy, nhọc nhằn phiền lụy, phiền não khổ đau, bảo
sao chẳng mệt, hít thở phì phò, như bò kéo xe, chẳng ích lợi gì!
Chánh ngữ chính là: lời nói sao
cho, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, không hại một ai, tất cả
bình yên, an vui tự tại. Còn như tà ngữ, cùng là ác ngữ, là các lời
nói, bé xé ra to, đem chứa đầy kho, oán thù sân hận, tức giận bực
mình, khổ thân khổ não, khổ mình khổ người! Một lời nói ra, khiến
cho người khác, mang họa vào thân, đó là lời nói: vu khống cáo gian, vu
oan giá họa, không biết tiếc thương, hại người hiền lương, kiếm tiền
bồi thường, vài ba triệu bạc. Thực là thất đức, ác nhân vô cùng! Một
lời nói ra, khiến cho người khác, mê muội lầm lẫn, đó là lời nói:
không đúng sự thực, không có ngay thẳng, thiên vị dua nịnh, xuyên tạc
ngụy biện, trau chuốt bóng bẩy, mục đích thủ lợi. Một lời nói ra,
khiến cho người khác, xung đột oán thù, thưa gởi kiện tụng, đó là lời
nói: dối trá điêu ngoa, gây ra chia rẽ, thích đâm bị thóc, khoái thọc bị
gạo, di hại nhiều người, và cả muôn vật. Những người tự ái, khó
lòng nhịn được, khi nghe những lời, trái ý nghịch tai, không thuận theo
mình, thường hay tranh cãi, bằng bút bằng mồm, hoặc bằng thư rơi, gửi
khắp mọi nơi, cho mọi người biết.
Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy:
- "Không nên quan tâm chuyện thế gian.
- Không nên loan truyền các tin đồn".
Tây phương dịch như sau:
"You should not concern yourselves with worldly affairs, nor yet circulate
rumours".
Tại sao vậy? Bởi vì, các chuyện
thế gian, thường là những chuyện, nhơn ngã thị phi, phải quấy đúng
sai, tranh chấp hơn thua. Các loại tin đồn, thường không căn cứ, không
có xác thực, không đáng tin cậy, khó kiểm chứng được, chỉ nhằm làm
hại, thanh danh người khác. Những chuyện thế gian, các loại tin đồn, thảy
đều làm cho, tâm trí con người, bất an dao động, có hại mà thôi, chẳng
ích lợi gì, đem đi rao truyền! Chúng ta không cần, phung phí thì giờ, một
cách vô ích, để đi đính chính, những lời đồn đãi, sai lạc hoàn
toàn, nếu như hoàn cảnh, không bị bắt buộc, phải làm sáng tỏ. Những
kẻ xấu mồm, những người xấu miệng, lấy làm thích thú, khi thấy
chúng ta, bực bội bất an, vì những lời nói, cố ý của họ. Đó chính
là điều, mà họ mong muốn. Nếu như chúng ta, bình tĩnh thản nhiên, như
không có chuyện, xảy ra gì cả, những lời vu oan, sẽ tan biến dần, đi vào
quên lãng. Chúng ta chỉ nên, dành hết thì giờ, tập trung lo chuyện, tu
tâm dưỡng tánh, cho đến khi được: giác ngộ giải thoát.
Điều thứ mười trong "Mười
điều tâm niệm" dạy rằng: "Oan ức không cần biện bạch,
vì biện bạch là nhân ngã chưa xả. Hãy lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh".
Tại sao vậy? Bởi vì con người kiếp
trước tạo ít phước báo, gây nhiều nghiệp báo, cho nên kiếp này mới gặp
nhiều điều oan ức. Cho nên khi gặp chuyện oan ức, không cần phải than
trời trách đất gì cả. Muốn cuộc sống bớt những điều oan ức trái
ngang, con người cần tích cực tu tâm dưỡng tánh, cần cố gắng làm phước
nhiều hơn, cố tránh đừng gieo tiếng oán, đừng loan truyền tin đồn, đừng
vu oan giá họa, đừng làm đau khổ cho người khác, dù cho đó là kẻ thù
của mình, kẻ mình không ưa cũng vậy.
Trên cuộc đời này, có những chuyện
không có giải đáp nào thích hợp, không có giải pháp nào thỏa đáng,
không có lời khuyên nào chính xác, một cách tuyệt đối. Lúc đó, im lặng
lắng nghe, tâm không phán xét, không hề tranh cãi, đúng là thượng sách,
nên coi như vàng.
Bởi vậy sách có câu: "Lời
nói là bạc. Im lặng là vàng". Lời nói đúng lúc, thực có ích lợi,
đã là chuyện khó. Nhịn được nín được, giữ được im lặng, tạo nên
hòa khí, lại càng khó hơn. Khi một người thốt lời nói lên, người khác
có thể đoán hiểu được, trong tâm người đó muốn gì nghĩ gì. Nhờ yếu
tố này, các ông thầy bói, các bà xủ quẻ, tiên đoán tương lai, vận may
hay rủi, số hên hay xui, dù thầy bói đui, dựa theo kinh nghiệm, dựa theo tâm
lý, xuyên qua lời nói, của người khách hàng, đang có tâm sự.
Trong sách có câu:
- "Chẳng ai vui vẻ trong lòng.
- Đi xem xủ quẻ đục trong làm gì".
Tất cả hạnh phúc trên đời
đều bắt đầu từ lời nói của chúng ta. Chúng ta khởi đầu tất cả mọi
sự mọi việc. Chúng ta sinh sự thì sự sẽ sinh. Chúng ta hòa bình thì
bình yên tự tại. Đừng mong người khác nói lời dễ nghe, trong khi chính
mình chưa làm được như vậy.
Tây phương có câu: "Nothing will
change if we do not change anything".
Trong các gia đình, có rất nhiều
khi, lời nói cần thiết, để hai vợ chồng, thông cảm với nhau, cha mẹ
con cái, hiểu biết lẫn nhau, để anh chị em, hòa thuận chung sống. Nhưng
có nhiều người, già trẻ lớn bé, tự ái quá cao, quan trọng bản ngã, lại
không chịu nói, giữ sự im lặng, một cách lạnh lùng, làm cho cuộc sống,
ở trong gia đình, nặng nề khó thở, bực bội bất an. Phiền não khổ
đau, bắt đầu từ đó. Thực ra nhiều lúc, chính sự im lặng, rất là cần
thiết. Nhưng cũng có nhiều lúc, lời nói cần thiết hơn. Nói ra một lời,
thông cảm cảm thông, không còn phiền não, chấm dứt khổ đau, tại sao không
nói? Người nào cũng vậy, chẳng ai toàn thiện, luôn luôn nói đúng, chẳng
có lỡ lời, tại sao lại chấp, lời nói người khác?
Bởi vậy cho nên, kinh sách có câu:
- "Nói năng đúng Chánh Pháp.
- Im lặng đúng Chánh Pháp".
Chúng ta nên biết: người nào đạt
được "trạng thái vô tâm", nghĩa là trong tâm, không một niệm khởi,
tức là bên trong, không tâm nghĩ ngợi, lăng xăng lộn xộn, bên ngoài
không nói, im lặng từ bi. Không ai có thể, có đủ khả năng, đoán được
trong tâm, người đó muốn gì, hay đang nghĩ gì! Tại sao như vậy? Bởi vì:
"người đó vô tâm!". Thực là đơn giản!
Trong sách có câu:
- "Người nào đạt được vô tâm.
- Cuộc đời an lạc không tâm lụy phiền".
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ
Huệ Năng có dạy:
- "Tắng ái bất quan tâm.
- Trường thân lưỡng cước ngọa".
Nghĩa là những chuyện thương
thương ghét ghét, không làm bận lòng, chẳng có bận tâm, chúng ta sẽ nằm,
duỗi thẳng hai chân, mà an giấc ngủ, khỏi phải trằn trọc, lăn qua lộn
lại, trăn trở trở trăn, thấu suốt năm canh, nằm đếm suốt đêm, từ một
đến ngàn! Khỏe re, khỏe ru!
Cũng trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục
Tổ Huệ Năng có dạy:
- "Nhược ngôn hạ tương ứng. Tức cộng luận
Phật nghĩa.
- Nhược thực bất tương ứng. Hiệp chưởng linh
hoan hỷ".
Nghĩa là:
- "Nếu lời nói hòa hợp. Cùng nhau bàn nghĩa
Phật.
- Nếu như chẳng hòa hợp. Chấp hai tay hoan hỷ".
Lời nói thường có ngụ ý, ẩn
ý, thâm ý, diệu ý, có khi là chánh ngữ, có khi là tà ngữ. Nếu thực sự,
lời nói không hòa hợp được, ý kiến bất đồng, chúng ta không nên
tranh cãi. Tại sao như vậy?
Bởi vì, cũng trong Kinh Pháp Bảo Đàn,
Lục Tổ Huệ Năng có dạy: "Thử tông bổn vô tránh. Tránh
tức thất đạo ý". Nghĩa là: "Tông này vốn không tranh. Tranh cãi
mất ý đạo".
Con người muốn thấy được đạo,
tức là muốn cuộc sống được an lạc hạnh phúc, hãy bớt quan tâm chuyện
tranh cãi, hãy bớt bàn chuyện chuyện thị phi! Bớt được bao nhiêu, an lạc
bấy nhiêu! Cổ nhơn có dạy: "Nghe lời nói phê bình chê bai mà tức giận,
tức là châm ngòi cho người khác gièm pha. Nghe lời nói khen ngợi tán dương
mà mừng rỡ, tức là làm mồi cho người ta nịnh hót".
Người biết cách nói là người
đi gieo kinh nghiệm, tư tưởng. Còn người biết cách nghe là người đi thu
lượm kho tàng. Có những lời nói, hết sức cao quý, hết sức tác dụng,
ý nghĩa thâm trầm, người đời ghi lại, ở trong sách vở, gọi là danh
ngôn, hay tư tưởng đẹp, lời hay ý đẹp, hoa thơm cỏ lạ. Ngược lại
cũng có, những lời nói ra, người đời mỉa mai, gọi là ranh ngôn.
Trong sách có câu: "Cọp chết
để da. Người ta chết để tiếng".
Hoặc là:
- "Trăm năm bia đá cũng mòn.
- Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".
Điều này chứng tỏ, lời nói
con người, thực có hậu quả, khó thể đo lường! Trí tuệ con người, phát
triển thiền định, ở trong tĩnh lặng. Còn như nhân cách, tư cách con người,
phát triển ở trong, phong ba bão táp, nghịch cảnh thử thách, những bước
thăng trầm, vinh nhục được mất, trong sức chịu đựng, lời khen tiếng
chê. Trong kinh sách gọi đó là "Bát Phong".
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
- "Như ngọn núi vững vàng. Trong phong ba bão
táp.
- Người trí cũng như vậy. Bình thản trước khen
chê".
* * *
Tóm lại, muốn sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc,
người đời nên nói lời chân chánh, thật thà lương thiện, công bình
ngay thẳng, có ích lợi chánh đáng, cho mình và cho mọi người. Người giữ
gìn chánh ngữ là người dè dặt khẩu nghiệp, cẩn trọng lời nói, không
bao giờ nói sai sự thực, không thiên vị, không xuyên tạc, không vu oan
giá họa, không hăm he hù dọa, không gây phiền não khổ đau qua lời nói.
Chánh ngữ giúp con người cải tạo
hoàn cảnh. Hoàn cảnh phản ánh tự tâm. Tự tâm tức là tâm của mình. Tự
tâm bình thản, hoàn cảnh an vui. Tự tâm rối loạn, hoàn cảnh bất an.
Trong kinh sách, tự tâm được gọi là chánh báo, hoàn cảnh được gọi là
y báo. "Chánh báo thế nào thì y báo thế ấy". Người có
tâm lương thiện thì sống trong cảnh hiền lành. Người có tâm bất lương,
gian ác thì luôn luôn sống trong cảnh âu lo căng thẳng, thấp thỏm phập
phồng.
Trên thế gian này, sở dĩ có những
hoàn cảnh khổ đau, bởi vì con người không biết sống với chân tâm.
Chân tâm là tâm chân thật, không dính mắc với cảnh trần. Nếu mọi người
đều biết sống với chân tâm, thì thế gian này chính là thiên đàng, là
cực lạc. Đừng đứng núi này trông qua núi nọ. Nghĩa là thân đang sống
ở trần đời, ở thế gian này, nhưng tâm thường mơ ước cảnh thiên đàng
cực lạc. Những người như vậy, mơ ước như vậy, chỉ làm khổ thân,
khổ tâm mà thôi.
Chư Tổ có dạy: "Tùy theo chỗ
ở thường an lạc". Nghĩa là: "Hãy tìm thấy an lạc ngay nơi
mình đang ở". Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy:
"Tuy học rộng hiểu nhiều mà không tu
hành, cũng đồng như người không học không hiểu.
Chẳng khác nào người nói ăn mà không ăn, trọn
không thể nào no được".
Theo quan điểm của Phật giáo,
không cần phải thờ phượng Đức Phật Thích Ca, hay bất cứ vị Phật
nào, vị Bồ Tát nào, chỉ cần thực hành chánh ngữ, một cách đúng đắn,
trong cuộc sống hằng ngày, bất cứ người nào cũng đều được an lạc
và hạnh phúc, cao hơn nữa, đều được giác ngộ và giải thoát. Bằng như
ngược lại, lập bàn thờ Phật, tại chùa tại gia, đi chùa lễ lạy, lập
chùa chiền to, tạo pho tượng lớn, mà không thực hành, lời nói chân
chánh, tức là Chánh Ngữ, một cách đúng đắn, ở trong cuộc sống, dù
là Phật tử, tại gia xuất gia, cũng chẳng lợi gì! Đó mới thực là:
chí công vô tư, là chánh đạo vậy.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/091-chanhngu.htm
|
|