Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
CÁC CẤP ĐỘ HẠNH PHÚC
Thích Hiển Chánh

Trong các khoái lạc giác quan, sự ô nhiễm về cảm xúc (upakkilesaa), và các lậu hoặc tâm (aasavaa) ngày càng phát triển, trong khi trong thiền định, chúng càng ngày càng bị giảm thiểu, và chỉ với hạnh phúc niết-bàn, chúng mới hoàn toàn mất dạng.

***

Trong đạo Phật, thuật ngữ hạnh phúc được biết đến là sukha.[1] Sukha mang nhiều nghĩa và có thể được dịch là hạnh phúc, an lạc hay cảm giác vui sướng, dù là thuộc giác quan, thuộc tâm, hay giải thóa t. Trong kinh điển nguyên thuỷ, có hai loại hạnh phúc là hạnh phúc của khoái lạc giác quan (kaama-sukha), hay còn gọi là năm dục lạc (pa~nca kaamagu.na)[2] và hạnh phúc của niết-bàn (nibbaana'm sukha'm). Một phân loại khác đó là hạnh phúc thế gian hay vật chất (aamisa-sukha) và hạnh phúc phi thế gian hay tâm linh (niraamisa-sukha). Hạnh phúc thế gian bắt nguồn từ sự thoả mãn các giác quan trong khi hạnh phúc siêu thế gian bắt nguồn từ đời sống thiền định và tâm linh. Hạnh phúc giác quan (kaama-sukha) bao gồm hạnh phúc thuộc về thân (kaayika sukha) và hạnh phúc thuộc về tâm (cetasika sukha).[3] Khuynh hướng chung của chúng sanh phàm phu thường xem hạnh phúc giác quan là hạnh phúc cao nhất.[4] Phật giáo bất đồng với quan điểm phổ biến này, trái lại, dạy chúng ta một loại hạnh phúc ở cấp độ cao hơn, bao gồm hạnh phúc của niết-bàn. Chỉ có niết-bàn được người Phật tử xem là thứ hạnh phúc cao cấp nhất (nibbaana'm parama'm sukha'm)[5] mà con người có thể đạt được thông qua các nỗ lực cá nhân đúng phương pháp ngay trong đời sống hiện tại này.

Để chi tiết hóa, hạnh phúc có thể được phân thành ba nhóm chính, đó là, (i) hỷ và lạc từ các đối tượng giác quan (saamisaa piiti saamisa'm sukha'm), (ii) hỷ và lạc thoát khỏi các đối tượng giác quan (niraamisaa piiti niraamisa'm sukha'm), và (iii) hỷ và lạc vi tế thoát khỏi các đối tượng giác quan (niraamisataraa piiti niraamisatara'm sukha'm)[6] Loại thứ nhất được gọi là hạnh phúc giác quan, loại thứ hai là hạnh phúc thiền định và loại thứ ba là hạnh phúc niết-bàn. Ba loại hạnh phúc này tương ứng với ba cấp độ hữu tình và được phân loại từ thấp đến cao đó là hạnh phúc cõi người, hạnh phúc cõi trời và hạnh phúc niết-bàn, trong đó, hạnh phúc cõi người là thấp nhất và hạnh phúc niết-bàn là cao nhất.[7] Hạnh phúc cõi người bao gồm các hạnh phúc phát sanh từ các giác quan. Hạnh phúc cõi trời phát sanh từ thiền định. Hạnh phúc niết-bàn phát sanh từ sự thực hành con đường thánh gồm tám yếu tố. Phân loại ba hạnh phúc này được dựa trên mức độ nội dung và phẩm chất của hạnh phúc mà con người có thể có được tùy theo mức độ chuyển hóa tâm linh. Theo đức Phật, hạnh phúc của giác quan và hạnh phúc thiền định chỉ có giá trị bằng 1/16 (phân số biểu tượng một tỷ lệ rất nhỏ và không đáng kể) so với hạnh phúc của niết-bàn, sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ và tham ái.[8]

Hạnh phúc con người, cũng còn gọi là năm dục lạc (pa~nca kaamagu.na), phát sanh từ sự tiếp xúc của mắt đối với vật thể, tai với âm thanh êm dịu, mùi khả ái với mủi, vị ngon ngọt với lưởi và thân thể với sự xúc chạm êm ái. Bất kỳ cảm giác dễ chịu hay khoái lạc hay hạnh phúc nào phát sanh từ năm dục lạc trên đều được gọi là hạnh phúc giác quan.[9] Hàng chúng sanh phàm phu thường cho đây là khả lạc, khả ái, khả hỷ, thích thú, đam mê như thể chúng là các hạnh phúc quý nhất trên đời mà con người có thể đạt được. Nhiều người còn cho đó là mục đích tối thượng của cuộc sống, chẳng hạn như những nhà duy vật luận (Caavaarka or Lokaayatika), không biết đến các giá trị tâm linh, xem vật chất là thượng đế của mọi thứ trên đời.

Để cho thấy giá trị giới hạn của loại hạnh phúc giác quan, đức Phật giới thiệu chín cấp độ của hạnh phúc thiền định. Chín cấp độ này được chia thành ba nhóm, bao gồm, 4 loại hạnh phúc gắn liền với 4 cấp độ thiền định của thế giới sắc thể (ruupajjhaanaani), 4 loại hạnh phúc gắn liền với 4 cấp độ thiền định của thế giới vô sắc thể (aruupajjhaanaani) và hạnh phúc trong trạng thái không còn cảm giác và tưởng tượng (sa~n~naavedayitanirodha, diệt thọ tưởng định), như được ghi chép trong kinh Bahuvedaniya-Sutta[10] thuộc Trung Bộ, và trong một số kinh nguyên thủy khác.[11] Theo đức Phật, hạnh phúc giác quan sẽ dẫn đến luân hồi, trong khi đó, hạnh phúc thiền định là những thang bậc hướng ta đến sự chứng đạt hạnh phúc niết-bàn, một thứ hạnh phúc siêu việt hơn nhiều so với hạnh phúc giác quan. Hạnh phúc thiền định chỉ có thể đạt được bằng phương tiện của tuệ tri về bản chất thoả mãn tạm thời và nguy hiểm dài lâu của các giác quan và do nhìn thấy được nhu cầu thoát khỏi chúng. Điều này sẽ từ từ kéo theo sự thay thế lẫn nhau từ hạnh phúc giác quan sang thiền định bằng sự suy nghĩ và hiểu biết chân chánh:

Khi vị thánh đệ tử nghĩ rằng, "khoái lạc giác quan chỉ cung cấp ít thoả mãn nhưng mang lại nhiều đau khổ về lâu về dài, và sự thoát khỏi khoái lạc như vậy là có giá trị," vị ấy liền nhận chân ra được điều này, như chúng thật sự là, thông qua tuệ tri viên mãn, và vị ấy chứng đạt được cảm giác hỷ và lạc vượt khỏi các khoái lạc giác quan, nhờ đó vị ấy không bị các khoái lạc giác quan kích thích và chi phối.[12]

Sự thay thế các khoái lạc giác quan bằng các hạnh phúc thiền định được mô tả rất rõ trong câu kinh sau đây: "Bậc trí thực hành thiền định chỉ và quán, trở nên hân hoan với sự an lạc của giải thoát khỏi các khoái lạc giác quan và các lậu hoặc của tâm."[13]

Trong các khoái lạc giác quan, sự ô nhiễm về cảm xúc (upakkilesaa),[14] và các lậu hoặc tâm (aasavaa)[15] ngày càng phát triển, trong khi trong thiền định, chúng càng ngày càng bị giảm thiểu, và chỉ với hạnh phúc niết-bàn, chúng mới hoàn toàn mất dạng. Đoạn kinh sau đây mô tả rõ điều nầy: "các hoạt động tâm lý (citta), khi vun bồi một cách trọn vẹn bằng trí huệ (pa~n~naa), sẽ thoát khỏi các lậu hoặc của tham ái, tái hiện hữu, quan điểm và vô minh."[16] Nói cách khác, hạnh phúc niết-bàn chỉ đạt được thông qua sự chuyển hóa tâm lý thành tuệ (a~n~naa) và trí (pa~n~naa), trong khi đó, hạnh phúc giác quan sẽ dẫn đến sự gia tăng các chấp mắc về cảm xúc (aalaya/upaadaana). Kiến thức về diệt tận các tâm lý bất thiện luôn hiện hữu trong trạng thái hạnh phúc của niết-bàn. Đây là điều được mô tả trong kinh A.t.thakanaagara-sutta thuộc Trung Bộ:

"đối với người [đã đạt được hạnh phúc niết-bàn], dù là đi, đứng, nằm hay ngồi, thức hay ngủ, các lậu hoặc đã được dứt sạch, và khi vị này nghĩ đến điều này, vị ấy tuệ tri rõ rằng, "ta đã đoạn tận các lậu hoặc."[17]

Nói cách khác, khoái lạc giác quan chỉ là nguồn hay điều kiện để phát sanh chuổi vận hành (sa"nkaara-pu~nja) của tâm, miệng và hành vi, có thể làm tổn hại cho mình và người và cả hai. Sự tìm kiếm khoái lạc giác quan (raaga/kaama), tham ái (ta"nhaa) như là đối tượng khoái lạc cao nhất sẽ ngự trị trong những ai làm nô lệ cho các kinh nghiệm giác quan. Khoái lạc giác quan do đó đã trở thành chướng ngại vật của sự chứng đạt tuệ (a~n~naa) và trí (pa~n~naa). Thái độ và phản ứng của con người trước các khoái lạc giác quan cho thấy mức độ khác nhau của tâm đã được chuyển hóa hay chưa, nhiều hay ít. Khuynh hướng vướng mắc vào các đối tượng khoái lạc giác quan cũng như những phản ứng xoay lưng lại với những gì không khoái lạc (sukha-kaama hi sattaa dukkhapa.tikuulaa)[18] được thể hiện một cách khác nhau ở mỗi người, nhất là từ góc độ họ quan niệm, đánh giá và phản ứng chúng. Có thể tin tưởng rằng nhờ vào sự nhận chân sự giới hạn và phản ứng ngược chiều của các khoái lạc giác quan trong việc mang lại nhiều trở ngại và đau khổ cho hiện hữu người, đức Phật đã tầm cầu, phát triển, đạt được và giảng dạy các loại hạnh phúc cao hơn và cao nhất, có thể đem lại cho nhân loại và các chúng sanh khác nhiều giá trị đạo đức và tâm linh.

Đào luyện trong bốn cấp thiền cao cấp của thế giới sắc thể (ruupajjhaanaani) sẽ tạo nên những bước thang ban đầu để đạt được hạnh phúc cao nhất của niết-bàn. An trụ vào bốn cảnh giới thiền vô sắc thể là một bước tiến cao hơn. Duy trì mình trong trạng thái vắng mặt hoàn toàn các cảm giác và nhận thức (diệt thọ tưởng định) là một bước tiến cao hơn nữa. Theo đức Phật, không chỉ hạnh phúc giác quan không phải là hạnh phúc tối thượng, mà ngay cả hạnh phúc thiền định cũng chưa phải là đích đến cuối cùng, như nhiều người đã lầm tưởng và đánh đồng. Có một thứ hạnh phúc siêu việt hơn, vi diệu hơn các hạnh phúc thiền định đó là hạnh phúc của niết-bàn (nibbaana'm parama'm sukha'm),[19] thứ hạnh phúc của giải thoát (vimuttisukha) mà con người có thể đạt được ngay trong kiếp sống này.[20]

Các khoái cảm của Sukha thường giới hạn trong các khoái lạc giác quan thông thường, và trong ba mức độ đầu thiền thứ nhất (ruupaloka) mà thôi. Khoái lạc giác quan thường tạm bợ, chóng vánh và có thể trở thành đau khổ bắt cứ lúc nào, trong khi trong thiền định, hạnh phúc có mặt dưới hình dạng vi tế và siêu tuyệt hơn. Hạnh phúc của thiền thứ ba (tatiya-jhaana) được xem là tầm mức cao nhất của các hạnh phúc này. Chứng nhập và an trú trong thiền thứ tư, mặc dù không còn cảm giác (hạnh phúc và khổ đau), nhưng do có trạng thái "xả" (upekkhaa), an tĩnh, cũng được xem là loại hạnh phúc vi tế. Nói cách khác, hạnh phúc ở mức độ thông thường chỉ giới hạn trong cảm giác, hay chỉ là vấn đề của cảm giác, trong khi hạnh phúc ở mức độ cao hơn không còn là vấn đề của cảm giác nữa. Điều này có nghĩa là bất cứ cái gì không-đau-khổ đều được xem là hạnh phúc, trong đó, trạng thái "xả" là một loại điển hình.[21] Đây là điều được tôn giả Saariputta lập đi lập lại nhiều lần trong kinh Tăng Chi (A"nguttara-Nikaaya): "bản thân sự vắng mặt các cảm giác được xem là hạnh phúc."[22]

Về các cấp độ hạnh phúc khác nhau của thiền sắc giới (ruupajjhaanaani), kinh điển nguyên thủy[23] trình bày như sau. Điều kiện để vào thiền thứ nhất (pa.thama-jhaana)[24] là tỉnh thức trước các đam mê khoái lạc giác quan, và các trạng thái bất thiện của tâm. Ở đây, đam mê khoái lạc giác quan đã chấm dứt, các tư tưởng dẫn tâm (vitakka, tầm) tư tưởng duy trì tâm (vicaara, tứ) hoạt động, tràn đầy hỷ (pii.ti) và lạc (sukha), phát sanh từ đời sống yểm ly. Trong trạng thái thiền thứ hai (dutiya-jhaana), với sự niềm tin nội tại (ajjhatta'm sampasaadana'm) và sự tập trung chuyên nhất của tâm (cetaso ekodibhaava'm), chỉ có hỷ và lạc còn lại trong khi tầm và tứ đã chấm dứt (avitakka'm avicaara'm), tại đó, tâm trở nên an tịnh (passaddhi) và chuyên nhất (cittass ekaggataa). Lúc ấy, hỷ và lạc lan tràn toàn thân và trong từng giác quan một. Trong cấp độ thiền thứ ba (tatiya-jhaana), với sự không vướng mắc vào hỷ và lạc (pitiiyaa ca viraagaa), thiền giả cảm nhận được hạnh phúc của toàn thân với "xả" (upekkhaa), chánh niệm (sati) và tỉnh giác (sampaja~n~na). Trong cấp độ thiền thứ tư, tất cả các cảm giác như hỷ lạc của tâm (somanassa) khổ đau của tâm (domanassa) cũng như hạnh phúc của thân (sukha) và đau đớn của thân (dukkha) đều mất dạng. Đây là một trạng thái không còn đau khổ không còn hạnh phúc (adukkhamasukha), và theo đó, xả, chánh niệm, tỉnh giác và thanh tịnh (upekkhaasatipaarisuddhi) ngự trị. Các trạng thái tâm này được liệt vào nhóm hạnh phúc tương đối cao.

Theo sau sự chứng đạt thiền thứ tư (catuttha-jhaana) là bốn trạng thái thiền vô sắc giới (aruupajjhaanaani), an tịnh, vượt lên trên các hình thái vật thể (santaa vimokkhaa atikkamma ruupe aaruppaa).[25] Cấp độ thiền vô sắc thứ nhất là không vô biên xứ (aakaasana~ncaayatana), được mô tả như sau. Với sự khắc phục trọn vẹn các nhận thức về vật chất (sabbaso ruupasa~n~naana'm samatikkamaa), với sự mất dạng của các nhận thức về sự kháng cự (pa.tigha sa~n~naana'm atthagamaa), với sự không chú ý về các nhận thức về sự khác nhau (naanattasa~n~naana'm amanasikaaraa), ý thức vào không gian vô hạn (ananto aakaaso), thiền giả bước vào và an trú ở cảnh giới không vô biên xứ. Trong cấp độ thiền vô sắc thứ hai thường được biết đến với tên gọi thức vô biên xứ (vi~n~naa.na~ncaayatana), thiền giả bằng cách vượt qua trọn vẹn cái không gian vô hạn định và ý thức về "ý thức vô cùng," bước vào và an trú ở cảnh giới thức vô biên xứ. Trong cấp độ thiền thứ ba thường được gọi là vô sở hữu xứ (aaki~nca~n~naayatana), thiền giả nhờ vượt qua cảnh giới vô hạn của ý thức, và ý thức về cái không hiện hữu (abhaava) và rỗng không (su~n~nata), bước vào và an trú vào cảnh giới không vô biên xứ. Tiến trình chứng đạt cấp thiền vô sắc giới thứ tư này được mô tả như là sự vượt qua trọn vẹn cảnh giới không vô biên, thiền giả bước vào và an trú cảnh giới không-phải-nhận-thức-không-phải-không-nhận-thức (nevasa~n~naa naasa~n~naayatana, phi tưởng phi phi tưởng xứ).[26]

Sự chứng đạt các cấp thiền cao này đòi hỏi nhiều huấn luyện (sa'mvara), chẳng hạn như làm chủ các giác quan, thanh tịnh hóa quan niệm về thế giới dưới góc độ không thực thể, thực hành hạnh không chấp mắc (anaalaya) trước các dữ liệu giác quan, nhìn các sự vật như chúng là, loại bỏ các lậu hoặc (aasava), như tham dục (kaama), tái hiện hữu (bhava), quan điểm sai (di.t.thi) và vô minh (avijjaa).

Phá hủy trọn vẹn các lậu hoặc này được gọi là chứng đạt niết-bàn. Đây thật ra là sự chuyển hóa trọn vẹn nhân tính tâm vật lý. Về phương diện vật lý, bậc giác ngộ hay chứng đạt niết-bàn luôn trong trạng thái thư giản và an trú của thân (kaaya-passaddhi). Mặc dù phải đối diện với tuổi già, biến hoại và cái chết, bậc giác ngộ thoát khỏi các phản ứng và chấp mắc cảm xúc. Về phương diện tâm lý, bậc giác ngộ thoát khỏi các dòng chảy bất thiện và bất tịnh của tâm.


CHÚ THÍCH

[1] Cũng còn có nghĩa là dễ chịu, vui thích, hài lòng, dễ đồng tình, khoái lạc, an lạc, phúc lợi, lý tưởng và thành công. Xem Pali English Dictionary của PTS, mục từ sukha: 726a.

[2] M. I. 85, 92, 398, 454.

[3] S. IV. 231.

[4] M. II. 42-3.

[5] Dhp. 203-4; S. I. 125, S. IV. 371-2; M. I. 508-9; Ud. 10; Thag. 35.

[6] S. IV. 235.

[7] Ud. 11.

[8] Ibid.

[9] M. I. 398.

[10] M. I. 398-400.

[11] Chẳng hạn như D. III. 265, 290; A. IV. 410.

[12] M. I. 91: Yato ca kho Mahaanaama ariyasaavakassa: appassaadaa kaamaa bahudukkhaa bahupaayaasaa, aadiinavo ettha bhiyyoti evam-eta'm ?????????????? sammappa~n~naaya sudi.t.tha'm hoti, so ca a~n~natreva kaamehi a~n~natra akusalehi dhammehi piitisukha'm adhigacchati a~n~na~nca tato santatara'm atha kho so anaava.t.tii kaamesu hoti.

[13] Dhp. 181.

[14] M. I. 36.

[15] D. I. 84.

[16] D. II. 81: Pa~n~naaparibhaavita'm citta'm sammadeva aasavehi vimuccati seyyathiida'm kaamaasavaa bhavaasavaa di.t.thaasavaa avijjaasava.

[17] M. I. 532: . . . tassa carato ceva ti.t.thato ca suttassa ca jaagarassa ca satata'm samita'm khii.naa vaa aasavaa, api ca kho na'm paccavekkhamaano jaanaati: khii.naa me aasavaati.

[18] M. I. 341; S. IV. 172.

[19] Dhp. 203-4; S. I. 125, S. IV. 371-2; M. I. 508-9; Ud. 10; Thag. 35.

[20] S. II. 18, 34, 115; III. 163; IV. 141; M. III. 286.

[21] M. I. 400; S. IV. 228.

[22] A. IV. 415-6: Etadeva khvettha sukha'm yad ettha natthi vedayita'm.. Tham khảo thêm S. IV. 228; Sn. 739.

[23] A. IV. 408-18; D. I. 37, 74-6; M. I. 247-9, 398-400.

[24] Về các ẩn dụ của hạnh phúc của bốn cấp độ thiền, xem D. I. 74-6.

[25] M. I. 33.

[26] D. I. 183-4; A. IV. 415-6.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/094-tnt-hanhphuc.htm

 


Cập nhật: 1-1-2001

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang