Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
QUẢ VỊ GIÁC NGỘ DƯỚI CỘI BỒ-ĐỀ
Thích Nguyên Hiền

Nhân loại đã bước qua thiên niên kỷ thứ ba của Tây lịch. Nhưng từ đó đến nay, quả vị giác ngộ của Phật vẫn luôn luôn là thách thức lớn nhất đối với nhân loại – không phải vì quả vị ấy huyền bí, siêu hình hay không thực tế, mà vì mảnh đất thực tiễn của tâm ấy ít ai thử bước vào, thử nếm, thử trải. Do đó sự giác ngộ của Phật mãi mầu nhiệm trong ta.

***

I. TỔNG LUẬN

Giác ngộ và giải thoát là cứu cánh của Phật giáo. Không có giác ngộ thì toàn bộ lâu đài kinh điển Phật giáo chỉ được xây dựng trên những khái niệm trừu tượng của ý thức rỗng suông.

Nhan nhãn trong các kinh luận Phật giáo nói đến thí dụ: Nước biển chỉ có một vị, đó là vị mặn; Đạo Phật cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Vâng ! Không có giác ngộ giải thoát thì không có đạo Phật. Vì vậy, giây phút giác ngộ của Phật là giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Ngài. Danh từ Phật không có nghĩa nào khác ngoài ý nghĩa "Người giác ngộ." Trong kinh điển Đại thừa cho rằng Phật thành đạo ở tòa kim cang bằng cỏ cát tường dưới cội Bồ-đề chỉ là tướng Ứng thân thành Phật; còn Báo thân Phật thì thành đạo ở Ma-hê-thủ-la Trí Xứ thuộc Sắc cứu cánh thiên. Phẩm Như Lai Thọ Lượng trong Kinh Pháp Hoa nói: "Ta thành Phật đến nay lâu không thể kể được, tuổi thọ của ta dài đến vô lượng vô biên kiếp số. Ta vốn thường còn chẳng mất." Tư tưởng Bản địa thùy tích này của Bổn môn Kinh Pháp Hoa vốn xóa sạch khái niệm chấp trước về thời gian và không gian trong cách học giải của hàng phàm phu chúng ta. Nhưng dù chỉ là sự thị hiện, thuyết Bát tướng thành đạo vẫn được trình bày một cách khúc chiết, rõ ràng, mô tả một cách thứ lớp quá trình giác ngộ của Phật dưới cội Bồ-đề.

Như vậy giác ngộ là gì? Sự bừng sáng của tâm thức hay là tiến trình biện chứng của tâm linh ? Giác ngộ có phải là điểm rốt cùng của một chuỗi nhân quả trùng điệp, như cách trình bày pháp Thập nhị nhân duyên: … dứt Ái thì dứt Thủ, dứt Thủ là dứt Hữu, dứt Hữu là dứt Sanh, dứt Sanh là dứt Lão tử, dứt Lão tử thì dứt Vô minh … ? Giác ngộ có phải là tiến trình tư duy Tứ diệu đế Khổ Tập Diệt Đạo? Hãy nghe Đức Phật đáp cho một tín đồ ngoại đạo:

"Ta đã gội sạch hết ô trược (asava). Ta đã giải thoát tâm (ceto vimutti) và trí (panna vimutti); tại đây, trong thế giới hữu hình, ta đã tự mình tỏ rõ, đến đích, và làm chủ chánh pháp; ta đã ngộ nhập trong pháp, đã giải hết ngờ vực, đã gạt bỏ hết điên đảo, đã trọn đầy tín lực, ta ứng dụng vào thế gian, đã làm những gì phải làm, đã chặt đứt mối dây trói buộc vào vòng tái sanh, ta đã ngộ các pháp như thực vậy."

Đoạn văn trên đã trình bày tương đối đầy đủ nội dung giác ngộ của Phật. Nhưng cũng chính vì cách hiểu có vẻ "giáo môn" này dễ làm cho ta hiểu lầm nội dung của sự giác ngộ. Cách mô tả này dễ làm cho trí thức hiếu biện của ta nắm lấy và đặt thành đề tài suy tư, và như thế chúng ta chẳng còn nắm bắt được gì khi ta tưởng ta đã hiểu tất cả. Thực ra, Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên cho đến Bát chánh đạo đều không phải nội dung của giác ngộ. Chân lý bùng vỡ trong tâm Phật không phải là kết quả của một sự tư duy bằng lý trí. Nếu không nhảy ngay vào mảnh đất cụ thể của cuộc sống, thể nghiệm đời sống tâm linh bằng chính trực giác, thì chúng ta mãi đắm chìm trong vòng lý luận mà thôi !

Trong Kinh Pháp Cú, bản Hán dịch, câu 153-154, ta được đọc một bài kệ rất dõng dạc chuyển tải nội dung giác ngộ của Phật. Giác ngộ không gì hơn là tìm ra người chủ ngôi nhà (ốc xá giả), tức những hành động tạo tác của tâm thức, tâm tư duy, tư tưởng. Tóm lại giác ngộ là chỉ ra được bản mặt của Hành uẩn (sankhara), kẻ chủ lực của Vô minh. Các học giả ngày nay thường xem bài kệ này là khúc Khải hoàn ca, khúc Thánh hùng ca tối thắng:

"Trong vòng sống chết vô biên
Đến đi qua lại không giềng mối ra
Đuổi theo người chủ ngôi nhà
Bào thai tăm tối vào ra mãi hoài
Chủ nhà ta biết ngươi rồi !
Từ đây người chẳng còn nơi làm nhà
Cột kèo gãy đổ rời ra
Mái sườn rã nát trính đà mục hư
Tâm lìa hết mọi hành tư
Bao nhiêu trong ấy bây chừ sạch trơn"
(Nguyên Hiền dịch)

Giác ngộ là một cái gì tối hậu, tuyệt trù, chỉ có người giác ngộ mới hiểu hết chiều sâu của nó. Có lẽ Thiền tông Trung Quốc ra đời là nhằm hướng hành giả tự mình thể nghiệm chính điều này. Nếu không vì mục đích tối hậu ấy, Thiền tông Trung Quốc chỉ là những giai thoại phi lý của những đầu óc thực dụng mà thôi.

Tuy nhiên, kinh điển Phật giáo là những kinh nghiệm mà Phật đã giảng nói nhằm dắt dẫn chúng ta đến tòa lâu đài giác ngộ. Đêm giác ngộ dưới cội Bồ-đề đã được các kinh trình bày rất thứ lớp. Nếu không được luận giải, thứ lớp ấy sẽ được hiểu một cách máy móc, đầy tính tư biện và dễ phương hại đến sự thực tập của các hành giả trong quá trình Thiền quán. Vì thế, người viết xin trình bày tư duy của mình qua những kinh luận đã được đọc trong Đại Tạng Kinh.

 

II. THỨ LỚP CỦA QUẢ VỊ GIÁC NGỘ DƯỚI CỘI BỒ-ĐỀ

Sau 6 năm khổ hạnh, nhận bát sữa của mục nữ Sujata cúng dường, đến tắm bên dòng sông Naira"njanà, rồi ngồi nhập định dưới cội cây Pipàla giữa khu rừng Uruvelà thơ mộng, các kinh điển đã mô tả hình ảnh Đức Thế Tôn đơn sơ mà đầy ý vị, giúp ta dễ cảm nhận hình ảnh của Ngài bằng xương bằng thịt hơn là một mớ tư tưởng trừu tượng siêu hình của tâm thức Ấn Độ.

Trong Thích Ca Phổ quyển 4 (Đại Chánh Tạng tập 50, trang 34, hạ) ghi:

"Lúc bấy giờ Bồ-tát vận dụng Từ tâm, vào ngày mùng 7 tháng 2, khi đêm xuống, hàng phục các ma rồi, phóng đại quang minh, Ngài liền nhập định tư duy chân đế. Trong các pháp Thiền định tự tại, Ngài biết rõ hết tất cả các pháp đã tạo trong quá khứ, từ pháp này sanh ra pháp khác, phụ mẫu quyến thuộc, bần phú quý tiện, thọ mạng dài ngắn, danh tánh văn tự …, tất cả đều biết rõ ràng. Ngài liền đối với chúng sanh khởi đại từ tâm mà tự nghĩ rằng: Tất cả chúng sanh không có người cứu độ, luân hồi trong Ngũ thú không biết đâu bờ bến xuất ly, hết thảy đều hư ngụy, không có gì chân thật, rồi ở trong đó hoành sanh khổ lạc. Tư duy như vậy đến tận nửa đêm. Kinh Thụy Ứng Bản Khởi nói rằng: Đầu đêm hôm ấy đắc Nhất thuật xa. Tự biết túc mạng từ vô số kiếp đến nay xoay vần thọ thân không thể đếm hết. Đến canh hai đắc Nhị thuật xà, biết rõ hết mọi ý niệm trong tâm chúng sanh, pháp thiện, pháp ác, tai ương phước báo, sanh từ nơi đâu, chết đi về đâu … Đến cuối đêm đắc Tam thuật xà, các lậu đã tận, trói mở tự biết, sạch hết các tập khí đã tạo tác từ xa xưa…"

Tóm lại, trong đêm hôm ấy, Đức Phật chứng được Tam minh:

1. Túc mạng trí chứng minh (Phạn: Pùrva- nivàsànusmrﴩ-j"nàna-.Sàksàt-kriya-vidyà), còn gọi Túc trụ tùy niệm trí chứng minh, Túc trụ trí chứng minh, Túc trụ trí minh, Túc mạng minh, Túc mạng trí.

2. Sanh tử trí chứng minh (Phạn: Cyuty-upapatti-j"naana-sàk.sàt-kriya-vidyà), còn gọi Tử sanh trí chứng minh, Thiên nhãn minh, Thiên nhãn trí.

3. Lậu tận trí chứng minh (Phạn: Àsrava-k.Saya-j"nàna- sàk.Sàt-kriya-vidyà), còn gọi Lậu tận trí minh, Lậu tận minh, Lậu tận trí.

Trên đây là những danh từ quá nhiều nghĩa, quá hàm súc mà Việt ngữ chúng ta không thể nào tìm ra từ ngữ tương ưng. Minh là sự thấy biết, sự bừng sáng như ánh mặt trời. Dưới ánh mặt trời trí tuệ, không có một bóng đêm vô minh nào không bị xua tan. Đức Phật thấy biết những gì trong lần bừng sáng thứ nhất này? Kinh Tạp A Hàm quyển 31 (Đại Chánh Tạng tập 2, trang 223, trung) ghi:

"… biết rõ tất cả việc trong quá khứ, từ một đời đến trăm ngàn vạn ức đời, cho đến kiếp số thành hoại, tất cả túc mạng của mình và chúng sanh, tên tuổi là gì, đời sống như thế nào, tánh tình ra sao, ăn uống thế nào, vui khổ thế nào, sống lâu bao nhiêu, trụ lại bao nhiêu, ở đâu, sanh ra, chết đi ở cõi này và sanh về cõi khác, chết ở cõi khác sanh ở cõi này, có các hành động như thế, nhân như thế, tín tâm như thế, nói chung tất cả túc mạng đều biết rõ ràng. Đó gọi là Túc mạng trí chứng minh."

Như vậy, sau 49 ngày nhập định, đến đầu đêm mồng 8 tháng 2, Đức Phật thấy biết rõ quá khứ của mình và chúng sanh. Quá khứ ở đây được trình bày như một thực tại sinh động chứ không phải là một sự hiểu biết trừu tượng. Đức Phật thấy biết quá khứ như chính Ngài đang sống trong đó, nhìn ngắm quá khứ như tự thấy thân mình cũng vui buồn, đau khổ hoặc hạnh phúc trong ấy. Tôi thiển nghĩ cái minh của Đức Phật ở đây mà giống như chúng ta đang coi lại một cuốn phim của quá khứ thì cái đó không thể gọi là giác ngộ. Đức Phật không chiêm nghiệm đời sống bằng thứ tư duy hình ảnh. Ngài thấy được quá khứ sau khi đã hàng phục các ma. Tướng Hàng ma là một trong Bát tướng thành đạo từ Đâu-suất giáng thần đến Ta-la song thọ thị hiện Niết-bàn. Quá trình thời gian dài như vậy mà việc hàng ma chỉ xảy ra trong một thời gian rất ngắn, nhưng vẫn được lập thành 1 tướng trong 8 tướng, hẳn phải có một vị trí quan trọng như thế nào trong quá trình thị hiện của Phật. Rõ ràng, cái thấy ở đây là sự bừng hiện của tâm quang chứ không phải lần lượt lê thê diễn ra trước mắt Ngài như một cuốn phim. Các nhà Đại thừa rất sáng tạo khi gom hết bao nhiêu hình ảnh kể trên vào đầu một sợi lông xíu và trong một sát-na. Cảnh giới ấy ta có thể gọi là Bất tư nghì ?

Sao gọi là Sanh tử trí chứng minh ?

"… biết rõ như thật các chúng sanh khi sống khi chết, các sắc đẹp xấu, cao thấp, sanh vào ác thú, tùy nghiệp thọ sanh … Các chúng sanh ấy là do ác nghiệp của thân thành tựu, do ác hạnh của ý thành tựu, do hủy báng Thánh nhân, tà kiến mà thọ tà pháp, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục ác thú. Các hạnh thiện thân, khẩu, ý của các chúng sanh ấy không hủy báng Thánh nhân, thành tựu chánh kiến, thân hoại mạng chung sanh trong cõi lành trời người. Đó gọi là Sanh tử trí chứng minh." (Kinh Tạp A Hàm quyển 31, Đại Chánh Tạng tập 2, trang 223, trung).

Đọc qua đoạn văn trên, ta thấy dường như cái minh thứ hai này chẳng khác gì cái minh thứ nhất. Nghĩa là vẫn thấy biết hết tướng trạng chúng sanh trong các cõi, nhưng cái thấy ở đây là cái thấy bằng Thiên nhãn, đặc biệt là do cái gì thọ sanh ác nghiệp, do cái gì mà hưởng quả lành. Tức biết rõ nguyên nhân cũng như kết quả của các hành nghiệp sẽ thọ hưởng trong vị lai. Một cái thì thấy biết quá khứ, một cái thì hiểu rõ vị lai, thắng dụng mỗi cái khác nhau, nhưng sở đắc gần như tương đồng. Túc trụ tùy niệm trí chứng minh thì tùy theo niệm mà biết được túc mạng. Như nghĩ về 100 kiếp trước thì thấy 100 kiếp trước, nghĩ về loài nào thì thấy loài ấy, cái thấy còn bị hạn cuộc bởi không thời gian. Còn Sanh tử trí chứng minh thì thấy ngay ba đời trong một niệm. Cho nên Luận Đại Tỳ-bà-sa nói: "Đệ tứ thông (chỉ Túc mạng minh) năng trừ Thường kiến; Đệ ngũ thông (chỉ Thiên nhãn minh) năng trừ Đoạn kiến." Thường và Đoạn ở đây không phải là cái chấp thô của Tiểu thừa. Những tập khí vi tế từ vô lượng sanh tử trong một phút giây giác ngộ liền đoạn sạch. Nhưng cả hai Minh này đều chưa phải là Trung đạo Đệ nhất nghĩa. Bao nhiêu công quả tu hành của Phật không phải chỉ để được hai thứ này, dù đó là quả vị cao tột. Các nhà Thiên Thai đã trình bày quá trình đoạn Hoặc chứng Chơn của Bồ-tát theo thứ lớp, diệt trừ hai hoặc Kiến Tư, diệt trừ Trần sa hoặc và Vô minh hoặc bằng sự tư duy Thiền định, nên đã giả thi thiết hai pháp Minh này để hành giả có cơ sở tiệm đoạn. Cái mà gọi là trí tuệ lậu tận phải đợi đến lúc sao Mai vừa mọc:

"… biết rõ như thật Khổ, Khổ tập, Khổ diệt và con đường diệt Khổ. Biết rõ như thật tri kiến, Dục hữu lậu tâm giải thoát, Hữu hữu lậu tâm giải thoát, Vô minh lậu tâm giải thoát, giải thoát tri kiến, sự sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm, tự tri không còn thọ thân sau nữa. Đó gọi là Lậu tận trí chứng minh." (Kinh Tạp A-hàm quyển 31, Đại Chánh Tạng tập 2, trang 223, trung).

Khi sao Mai vừa mọc, ánh sáng từ sao Mai tỏa chiếu đến giọt sương ở rừng Uruvelà như không có thời gian, không gian ở đây cũng chỉ là một. Huệ tâm vừa bừng chiếu trong Đức Thế Tôn cũng như nút ấn của cổ máy huyền vi vừa được ấn vào, ánh sáng ngập tràn thiên địa, thụ cùng tứ tế, hoành biến thập phương. Trong giây phút đáng nhớ ấy, Đức Thế Tôn đã vẫy tay chào sanh tử với nụ cười tuyệt vời của một trang giác ngộ. Thế giới này là thế giới của tự tri, ngôn ngữ không có chỗ đứng, lý trí bị thiêu hủy toàn triệt, nhị nguyên bị xóa sạch khoảng cách, an trụ tự tại ở Trung đạo. Phật đã chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề, Minh Hạnh Cụ Túc viên mãn.

 

III. LUẬN VỀ TAM MINH VÀ LỤC THÔNG

Chúng ta thường nghe nói về Lục thông (Phạn: .Sa.d abhij"nàh) như quả vị chứng đắc cao tột của A-la-hán, tức chỉ cho sáu thứ năng lực tự do vô ngại và siêu vượt khả năng của thế gian. Lục thông gồm:

1. Thần cảnh thông (Còn gọi Thần cảnh trí chứng thông, Thân thông, Thân như ý thông, Thần túc thông): Chỉ cho năng lực tùy theo lòng muốn mà hiện thân vô ngại.

2. Thiên nhĩ thông (Còn gọi Thiên nhĩ trí chứng thông): Có thể nghe được mọi ngôn ngữ buồn vui khổ lạc của chúng sanh trong Lục đạo và mọi âm thanh của thế gian.

3. Tha tâm thông (Còn gọi Tha tâm trí chứng thông): Biết rõ mọi suy nghĩ trong tâm của chúng sanh trong Lục đạo.

4. Túc mạng thông (Còn gọi Túc trụ tùy niệm trí chứng thông ): Có thể biết rõ sở tác và túc mạng của tự thân và chúng sanh trong Lục đạo trăm ngàn vạn đời.

5. Thiên nhãn thông (Còn gọi Tử sanh trí chứng thông): Thấy biết tất cả các tướng sanh tử khổ lạc của chúng sanh trong Lục đạo và thấy các loại hình sắc của thế gian không hề chướng ngại.

6. Lậu tận thông (Còn gọi Lậu tận trí chứng thông): Đoạn hết hai hoặc Kiến và Tư trong Tam giới, không thọ sanh tử trong ba cõi, được thần thông vô lậu.

Lục thông là sở đắc của các bậc A-la-hán, Bích-chi Phật. Trong 6 thông, 3 thứ thần thông sau có tên gọi giống với 3 Minh. Vậy sở đắc của A-la-hán bằng Phật ? Vì sao trong Lục thông chỉ lập Tam minh ?

Theo Luận Đại Trí Độ quyển 2, hiểu biết túc mạng trong quá khứ gọi là Thông; biết rõ nhân duyên hành nghiệp của quá khứ gọi là Minh. Biết rõ chết ở chỗ này sanh ở chỗ khác, đó gọi là Thông; biết rõ mọi hành nghiệp, nhân duyên, thời gian, pháp hội … không quên mất, đó gọi là Minh. Đoạn hết kiết sử mà không biết nó có sanh lại hay không, đó gọi là Thông; nếu biết các lậu đã tận, lại không thể sanh khởi trở lại, đó là Minh. Tam minh là chỗ chứng đắc của bậc Đại A-la-hán và Đại Bích-chi Phật.

Các bậc Đại A-la-hán và Đại Bích-chi Phật đã chứng đắc Tam minh như là một quả vị cao tột, nhưng không thể gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vẫn còn một khoảng cách dù khoảng cách ấy có thể thu lại chỉ trong một niệm. Một niệm mà không xảy ra như sự hy hữu của hoa Linh Thoại thì mãi mãi Phật vẫn là bậc tối thắng trong các vị A-la-hán. Giống như một ly nước đã đầy, chỉ cần một giọt nữa nhỏ vào là ly nước sẽ tràn. Cái giọt huệ lung linh đó sẽ làm tràn ngập Tam thiên Đại thiên thế giới với bao kiết sử từ vô lượng kiếp rã tan như bóng bọt. Túc mạng trí của các bậc A-la-hán, Bích-chi Phật, dù biết rõ tự thân và tha nhân nhưng không thể biết cùng khắp. A-la-hán biết một đời hay hai đời, ba đời, mười đời cho đến trăm ngàn vạn kiếp, tám vạn kiếp quá khứ, nhưng cũng không phải là Biến Tri, nên Luận Đại Trí Độ gọi đó là Bất mãn (chưa đầy). Thiên nhãn minh biết rõ đời vị lai cũng như vậy. Còn Phật thì giác biết hết tất cả các kiết sử sở đoạn trong một niệm Sanh, Trụ và Diệt, tức các kiết sử phân minh, khi trụ như vậy, khi diệt như vậy, Khổ pháp nhẫn và Khổ pháp trí nhẫn như vậy … các kiết sử, các pháp hữu vi, vô vi …, "các Thanh văn và Bích-chi Phật không thể thấy biết; còn Phật thì chỉ trong một chớp mắt mà có thể biết nhân duyên của chúng sanh trong quá khứ, vị lai hiện tại cũng như thế, do đó mà gọi Phật là bậc Minh Hạnh Cụ Túc" (Đại Chánh Tạng quyển 25, trang 71, hạ).

Trong 6 thứ thần thông của quả vị Thanh văn, đã có đến 3 cái sau được gọi là Minh, dù "không đầy" như Phật. Chúng ta rất dễ lầm lẫn nếu không được các kinh luận giải thích tỉ mỉ. Ba thứ thần thông trước (Thần cảnh, Thiên nhĩ và Tha tâm) sao không gọi là Minh ? Nó kém hơn ba thứ thần thông sau như thế nào ?

Theo Luận Đại Tỳ-bà-sa quyển 102, Thần cảnh trí chứng thông chỉ là sự vận hành khéo léo; Thiên nhĩ trí chứng thông chỉ thủ đắc về thanh; Tha tâm trí chứng thông chỉ thủ đắc tự tướng. Cả ba loại này không có thắng dụng nên không gọi là Minh. Theo Tập Dị Môn Túc Luận quyển 3, Thông ở đây nghĩa là có diệu trí đối với các thần cảnh, các âm thanh và các tha tâm. Như thật biết có tham sân si thì lìa tham sân si. Các kiết sử từ vô lượng kiếp được đoạn trừ một khi hành giả thấy biết chúng một cách như thật. Quá trình thực hành Tứ diệu đế giúp hành giả đoạn Hoặc chứng Chơn một cách rốt ráo. Về mặt Nhận thức luận, ta thấy vẫn còn có cái gì đó như một thứ đối trị, một lần giũ hết sạch nhưng chưa tận hưởng được sự tự do vô ngại của người rồi việc. Hẳn ta không có quyền đem kiến giải Thiền Đông Độ để làm phép so sánh ở đây. Các kinh luận trình bày sự chứng ngộ Lục thông là việc yểm ly đối với sanh tử phiền não. Dù tinh thần tự do tự tại của các Thiền sư có tuyệt diệu đến đâu đi nữa vẫn không thể đem so sánh với quả vị giác ngộ của Phật.

Túc trụ tùy niệm trí chứng thông thấy biết việc quá khứ, sanh tâm yểm ly sâu sắc. Tử sanh trí chứng thông thấy biết việc vị lai, sanh tâm yểm ly sâu sắc. Lậu tận trí chứng thông đã yểm ly rồi còn hân lạc Niết-bàn, do đó có thể tùy thuận xả ly sanh tử, cho đến có thể thú hướng Niết-bàn cứu cánh. Đây là chỗ hơn hẳn so với 3 thứ thần thông trước. Các tài liệu gần đây do không phân biệt chỗ thắng dụng hơn kém của 6 thứ thần thông này, nên thường trình bày Lục thông theo một thứ tự khác: Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Tha tâm, Túc mạng, Thần túc rồi đến Lậu tận. Có thuyết lại xếp Thần túc, Thiên nhãn, Thiên nhĩ rồi đến Tha tâm, Túc mạng và Lậu tận. Trong Kinh Vu-lan-bồn, ta biết ngài Mục-kiền-liên đã chứng Lục thông, nên ta vẫn thường thắc mắc vì sao Lục thông hiển đạt như thế mà Mục-liên vẫn không làm chủ được mình khi đứng trước nỗi xót xa thấy mẹ khổ đau trong địa ngục. Khi được Phật chỉ dạy phải nhờ thần lực của mười phương tăng chú nguyện vào bữa cơm ngày Tự tứ thì mới cứu mẹ thoát khỏi khổ đau. Thần lực ở đây chính là Định lực. Dù thần thông hiển đạt mà chưa thực hành thâm hậu Tam giải thoát môn, còn chút Vô minh hoặc dính mắc ở đoạn thường thì chưa phải quả vị rốt ráo. Đây cũng là điểm khác biệt giữa Thông và Minh.

 

A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa Luận quyển 102 (Đại Chánh Tạng tập 27, trang 529, hạ) ghi:

"Đệ tứ thông năng trừ Thường kiến; Đệ ngũ thông năng trừ Đoạn kiến; Đệ lục thông đã lìa Nhị biên, an trụ Trung đạo, do đó mà có lực dụng thù thắng hơn so với ba thông trước. Lại nữa, Đệ tứ thông năng dẫn Không giải thoát môn; Đệ ngũ thông năng dẫn Vô nguyện giải thoát môn; Đệ lục thông năng dẫn Vô tướng giải thoát môn (…). Do những nhân duyên ấy mà trong Lục thông riêng lập Tam minh."

Như vậy hàng Nhị thừa Thanh văn Duyên giác ngoài Lục thông vẫn có thể chứng được Tam minh, dù Tam minh ấy không viên mãn như Phật. A-la-hán là quả vị cao tột của Thanh văn, có thể nhập vào Hữu dư và Vô dư y Niết-bàn. Phật thì thường hằng trong Tánh tịnh Niết-bàn, nhờ vậy không cần khởi niệm mà vẫn tự tri cùng khắp. Thân Phật là Pháp thân, Pháp thân ấy châu biến hàm dung, nhậm vận tự tại. Tạp A-tỳ-đàm Tâm Luận quyển 6 (Đại Chánh Tạng tập 28, trang 920, thượng) ghi: "Thanh văn Duyên giác tùy theo chỗ muốn mà khởi từ tiền thân cho đến thân rốt sau. Chỉ có Như Lai là tùy ý tự tại, hoặc trước hoặc sau, tùy theo chỗ thấy nghe mà ghi nhớ hết thảy."

Riêng đối với Tam minh mà Đức Phật chứng đắc dưới cội Bồ-đề sau 49 ngày nhập định vẫn có sự hơn kém khác nhau. Ta vẫn thường nghe đầu đêm chứng cái này, nửa đêm chứng cái kia … Rõ ràng trong tâm thức ta vẫn thấy cái sau phải hơn cái trước. Thực tế, sự giác ngộ của Phật là sự bùng vỡ của tâm thức chứ không phải một quá trình tư duy biện chứng các pháp. Đức Phật khi nhập định có thể đi từ Định này sang Định khác, từ Hữu sắc đến Vô sắc … Các kinh điển Nykàya đã trình bày trình tự này theo hai hướng Lưu chuyển và Hoàn diệt, nhất là trước khi Ngài nhập Niết-bàn. Trình bày như vậy là trình bày theo thứ tự, do kiến giải pháp chấp của chúng ta thủ đắc Tứ thiền Bát định như những cảnh giới có biên tế, nên sự diễn đạt này giúp chúng ta dễ hiểu hơn cảnh giới tam-muội siêu tuyệt của Phật. Như nói Túc trụ tùy niệm trí chứng minh thông đạt, hiểu rõ quá khứ (tiền tế); Tử sanh trí chứng minh thông đạt, hiểu rõ vị lai (hậu tế); còn Lậu tận trí chứng minh thì thông đạt và liễu giải tánh Niết-bàn. Hiểu quá khứ và vị lai để làm gì khi không thường trực trong Niết-bàn tự tánh ? Cho nên chính yếu là cái Minh thứ ba này. Ba thứ này chỉ xảy ra trong một niệm, còn nếu nó xảy ra trong những thời gian khác nhau thì sự hơn kém chắc chắn phải có. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau. Ở đây, chúng ta vẫn còn kẹt trong khái niệm pháp số. Nếu chứng được Lậu tận minh thì hai Minh trước có còn dùng nữa không ? Hay sẽ biến mất, nhập làm một với cái Minh thứ ba ? Cái Minh thứ ba vẫn có đầy đủ thắng dụng, có thể thay thế cả hai Minh trước, thế thì lập hai Minh trước để làm gì ? Trong Luận Đại Tỳ-bà-sa đã giải thích rất rõ điểm này. Quá khứ và vị lai cũng đều nằm trong nhất niệm, cho nên dù thông đạt tiền tế hay hậu tế đều gọi là Minh. Luận về quá khứ thì nói Túc trụ tùy niệm, luận về vị lai thì nói Tử sanh trí chứng. Khi hiểu được điểm này thì chúng ta dễ dàng làm quen với những phương tiện thi thiết trong kinh điển Đại thừa mà không bị kẹt ở nhị biên. Đại Chánh Tạng tập 27, trang 529, hạ ghi: "Hai cái Minh trước có một ít phần Minh tướng nên giả gọi là Minh. Nghĩa là đối lại với phiền não, không xen tạp phiền não, thuận với Thắng nghĩa minh, có thể đưa đến Vô lậu nên gọi là Minh. Vì thế Tôn giả Diệu Âm nói: Trong Tam minh chỉ có Lậu tận trí mới là Thắng nghĩa minh, hai loại kia có thể đưa đến Thắng nghĩa minh nên giả gọi là Minh (A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa Luận quyển 102).

Chúng ta đã khảo sát Lục thông và Tam minh của hàng Nhị thừa Thanh văn Duyên giác và của Phật theo thứ lớp. Tuy không khúc chiết và kỹ lưỡng như trong kinh luận, nhưng cũng phần nào giúp ta phân biệt được sự đồng dị giữa hai vấn đề. Trong Luận Câu-xá của ngài Thế Thân, vấn đề chứng đắc của Phật được đề cập rất rõ ràng, nhưng do sự chia chẻ có tính thiên nặng về hành tướng, khó khái quát trong phạm vi bài viết này, nên người viết tạm gát lại. Trong phần sau, nếu cần thiết chúng tôi sẽ đề cập đến hành tướng của Lục thông và Tam minh qua tư tưởng của Luận Câu-xá.

Có một điều tưởng cũng cần lưu ý, rằng những luận chứng trong bài này hầu hết được trích dẫn từ các kinh luận của thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ chứ không phải từ những kinh điển của hệ Phát triển. Điều này cho thấy thuyết Lục thông và Tam minh đã hoàn bị từ rất sớm trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ. Và hẳn nhiên đến kinh điển Phát triển, những cái mốc về thời gian và không gian sẽ được trình bày một cách sáng tạo hơn giúp cho ta dễ cảm nhận sự chứng đắc của Phật như một cái gì đó duy nhất và toàn diện. Đó cũng là lý do để người viết trình bày tiếp phần sau.

 

IV. VÔ MINH VÀ GIÁC NGỘ

Trong các kinh điển thuộc hệ thống A-hàm như Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả, Kinh Tu Hành Bản Khởi v.v…, khi vừa thành đạo, Đức Thế Tôn toan nhập Niết-bàn, vì Ngài cho rằng những điều Ngài vừa chứng được thâm diệu, khó hiểu quá, chỉ có Phật mới hiểu được những gì trong tâm một vị Phật khác, còn chúng sanh căn tánh ám độn, dầu Phật có chuyển pháp luân chắc chắn chúng cũng không thể nào hiểu được, rồi còn đâm ra phỉ báng, dấn sâu vào ác đạo và chịu khổ đau.

Theo các nhà Phật học Pàli và văn học A-hàm, những gì chánh thống do Đức Phật dạy đều tóm lược trong Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, Vô ngã và Niết-bàn. Chúng ta có bao giờ dám nghĩ rằng giáo lý Nguyên thủy e quá đơn giản không ? Làm sao chỉ bằng những khái niệm mang tính giáo điều như thế có thể hứa hẹn xây dựng ngôi nhà Phật giáo lớn lao như hôm nay với đầy đủ Tiểu thừa, Đại thừa, kể cả 10 hay 13 tông phái của Trung Quốc, Nhật Bản ? Phật giáo hiện nay đã hoằng hóa khắp thế giới, lẽ hiển nhiên là nhờ sự đóng góp lớn lao của Đại thừa Phật giáo. Ngoại trừ các vị Thánh đệ tử của Phật - những người trực tiếp rút tỉa được tinh hoa của giáo lý Phật bằng chính nguồn tâm lực vận chuyển trong họ. Còn chúng ta, chúng ta phải phóng nhãn quang đến tận cùng chỗ áo diệu của lời nói nếu muốn hiểu giáo lý của Ngài rốt ráo hơn.

Biện giải như vậy để thấy rằng chúng ta đã dễ dàng chấp nhận quả vị tu chứng của Phật một cách máy móc, phiến diện. Trong Luận Đại Thừa Khởi Tín của Mã Minh, Ngài trình bày Vô minh là "một niệm bất giác" khởi lên. Chỉ vì một niệm bất giác khởi lên mà chúng sanh phải bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi triền miên số kiếp. Ở đây chúng ta cần thấy rằng, nếu Vô minh chỉ là một niệm bất giác thì sự giác ngộ chính là một dấu chấm hết đối với vô minh. Dấu chấm hết đó cũng phải xảy ra trong một niệm. Không có chuyện gần chứng, chứng sơ sơ, chứng từ từ, bởi vì không có vô minh từ từ. Đây có lẽ là vấn đề then chốt của thuyết Đốn ngộ trong Đại thừa giáo, đặc biệt là Thiền tông.

Ngay cả vấn đề thần thông mà Phật và các Thánh đệ tử của Ngài chứng được, không phải chứng được cái này trước, cái kia sau. Thắng dụng thì có khác nhau, nhưng không có thứ lớp sâu cạn, tùy theo chỗ muốn mà thần thông hiển hiện. Phật thì cùng một lúc có thể vận dụng Lục thông một cách tự tại, còn hàng Thanh văn tùy niệm mà thành. Tạp A-tỳ-đàm Tâm Luận quyển 6 có đoạn viết: "Như ở Dục giới khởi thần thông, nhưng ở Sắc giới thì khác. Người tu hành nghe nói Sắc giới thiên mà không thấy, vì muốn thấy nên mới khởi Thiên nhãn. Thiên nhãn thấy nhưng không thể đến được nên mới khởi thần túc. Thần túc đến được nhưng không thể nghe nói được nên khởi Thiên nhĩ. Thiên nhĩ tuy nghe nhưng không biết tâm của chúng sanh ở đó trụ như thế nào nên khởi Tha tâm trí. Biết được Tha tâm nhưng không tự biết nó từ trước do đâu mà đến nên khởi Túc mạng trí. Như vậy thần thông không có sự chứng đắc theo thứ lớp, cũng không có sự chứng đắc siêu việt (không theo thứ lớp), không có sự chứng đắc theo chiều thuận hay chiều nghịch. Nên biết thần thông là thuộc về Giải thoát đạo chứ không phải thuộc về Vô ngại đạo" (Đại Chánh Tạng tập 28, trang 921, thượng).

Đoạn văn trên đã khơi mở cho chúng ta thấy rất rõ phần vị của Lục hành quán. Theo Luận Câu-xá quyển 23, phiền não được đoạn trừ ở Vô gián đạo (còn gọi Vô ngại đạo), duyên với các pháp hữu lậu ở Hạ địa, quán 1 trong 3 hành tướng Thô, Khổ và Chướng gọi là Vô gián đạo; còn Giải thoát đạo thì duyên với các pháp hữu lậu ở Thượng địa, quán 1 trong 3 hành tướng Tĩnh, Diệu, Ly. Vô gián đạo lấy việc đoạn Hoặc (phiền não) làm mục đích; còn Giải thoát đạo lấy việc chứng đắc chân lý làm mục đích. Khi đã đến Giải thoát đạo, việc chứng đắc Lục thông không còn là việc … bỏ cái này mới được cái kia nữa, tùy theo chỗ muốn mà khởi thần thông thôi.

Kinh điển Nguyên thủy trình bày 12 nhân duyên như một vòng luân hồi từ nhân quá khứ đưa đến quả hiện tại, hiện tại trở thành nhân đưa đến quả vị lai. Nếu không chặt đứt một mắc xích nào trong vòng nhân quả này thì vẫn mãi còn vô minh. Điều này hoàn toàn chính xác: dứt Thủ thì dứt Hữu, dứt Hữu thì dứt Sanh, dứt Sanh thì dứt Lão tử, dứt Lão tử thì dứt Vô minh. Đức Phật chỉ ra như vậy là để hàng Nhị thừa thấy được cái mắc xích dằng dai của vòng nhân duyên, chứ thực ra ta vẫn có thể nói một các dứt khoát rằng: dứt Ái là dứt Vô minh – hay nói ngược lại – giây phút giác ngộ là giây phút đặt một dấu chấm hết với Vô minh. Giác ngộ và Vô minh chỉ ở trong một niệm tâm, cho nên không phải giác ngộ choáng chỗ của Vô minh, đẩy Vô minh đi một chỗ khác, vì đâu thể có Vô minh khi đã Giác ngộ ? Cho nên Bát Nhã Tâm Kinh nói " Vô Vô minh diệt, vô Vô minh tận …" là vậy !

Tam minh của Phật chứng đắc cũng như thế ! Nói Tam minh là nói theo sự giải thoát tương ưng với mỗi phần vị của Vô minh, giả thi thiết chứ thật ra Tam minh chỉ là Nhất minh mà thôi. A-tỳ-đạt-ma Tập Dị Môn Túc Luận quyển 3 (Đại Chánh Tạng tập 26, trang 375, hạ) ghi: "Vô học túc trụ tùy niệm trí tác chứng minh thuộc về Tâm giải thoát; Vô học tử sanh trí tác chứng minh thuộc về Huệ giải thoát; Vô học lậu tận trí tác chứng minh thuộc về Vô vi giải thoát. Tâm giải thoát tương ưng với Vô tham; Huệ giải thoát tương ưng với Vô si; Vô vi giải thoát nghĩa là Trạch diệt."

Tam minh được nói ở đây có thêm hai chữ Vô học phía trước. Chính vì Vô học nên không có thứ lớp. Luận Câu-xá cũng cho rằng trong Lục thông thì Vô học vị nhiếp Đệ ngũ, Đệ nhị và Đệ lục thông làm tự tánh. Ba món này riêng gọi là Minh và theo thứ lớp đối trị Vô minh trong ba đời. Nói Minh tức chính nó là Vô học. Luận này còn nói rõ về Thể của Tam minh bằng Tam chủng thị đạo, nói rõ Lực và Dụng của ba món này trong tam giới cửu địa rất chi tiết (Xin xem Luận Câu-xá quyển 27, Đại Chánh Tạng tập 29).

Tóm lại, nếu hiểu rõ Thể và Dụng của Tam minh thì ta thấy sự giác ngộ của Phật dưới cội Bồ-đề là duy nhất và toàn diện. Cũng nhờ vậy mà Đức Phật được tôn xưng là Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc. Nếu hiểu Tam minh theo thứ lớp thì Phật chỉ đơn thuần chứng được cực quả Thanh văn là A-la-hán thôi. Chúng ta cứ miệt mài nghiên cứu giáo lý của Phật mà không khám phá bản thể của sự tự giác, cái mà các kinh thường nói rằng Ngài hoát nhiên đại ngộ khi vào Đại định, Tam-muội. Những gì Ngài dạy chẳng qua chỉ là phần giả thi thiết nhằm chỉ cho môn đệ thấy và thành những gì Ngài đã thấy. Kết quả thuần trí ấy dù được trình bày dưới bất kỳ hình thức nào cũng không diễn tả được tinh thần nội chứng của Phật. Tinh thần này được các nhà văn học Phật giáo tận dụng cả một kho từ ngữ để diễn đạt, như nói Trí, Huệ (Bát-nhã), Chứng, Ngộ, Giác, Như thật … , rốt cuộc vẫn không có từ ngữ nào giúp ta hiểu được bản chất của cái gọi là Bồ-đề, cho nên nếu không tự chứng biết được, cảnh giới giác ngộ của Phật vẫn mãi mãi là Bất tư nghì.

 

V. KẾT LUẬN

Đức Phật đã thành đạo từ vô lượng kiếp, nhưng nói theo Thùy tích ở thành Già-da, dưới cội Bồ-đề thì Phật thành đạo đến nay đã trên 2.500 năm. Nhân loại đã bước qua thiên niên kỷ thứ ba của Tây lịch, nhưng từ đó đến nay, quả vị giác ngộ của Phật vẫn luôn luôn là thách thức lớn nhất đối với nhân loại – không phải vì quả vị ấy huyền bí, siêu hình hay không thực tế, mà vì mảnh đất thực tiễn của tâm ấy ít ai thử bước vào, thử nếm, thử trải. Do đó sự giác ngộ của Phật mãi mầu nhiệm trong ta.

Chúng ta quá lạm dụng trí óc nhị nguyên đối đãi để hiểu Tự tánh chân như, cũng như hiểu cảnh giới Bất khả tư nghì của Phật. Chư Tổ đã phương tiện lập bày các danh ngôn văn tự để ta có manh mối hướng về giá trị thiêng liêng ấy. Ở đây người viết cũng xin mạo muội trình bày từ từ theo thứ lớp, luận về các thứ lớp ấy và những tư duy của mình về bản chất của Vô minh và quả vị Giác ngộ. Sự tỏ bày chỉ là vòm trời của một con ếch ngồi đáy giếng. Xin chắp tay hoa cùng nhau hướng về ngày Thành đạo của đức Từ phụ Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, quỳ xuống giữa đôi vầng nhật nguyệt, đảnh lễ vô cùng vô tận đấng Vô thượng Pháp vương.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/100-quagiac.htm

 


Cập nhật: 1-1-2001

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang