- BÀI HỌC THÀNH ĐẠO
- (Thân kính tặng Anh Chị Em Áo Lam)
- Tâm Minh
Có bốn ý nghĩa của thành đạo
là: (i) con đường đi đến Giải Thoát là Trung Đạo; (ii) bằng nỗ lực của
tự thân, với sự tu tập đúng Pháp, con người có thể giác ngộ ngay tại
đời này; (iii) nội dung của Thành Đạo là giải thoát, giải thoát đây
là giải thoát khỏi tham ái, chấp thủ mà không cần thiết phải chạy trốn
khỏi cuộc đời, và (iv) mười đạo quân của ma vương không phải là một
thế lực vô minh từ bên ngoài mà chính là ngay tại tâm ta.
***
Một mùa Thành Đạo nữa lại về.
Thành Đạo là tên gọi của sự kiện chứng ngộ Niết-bàn. Một lần nữa,
lòng chúng ta lại rộn lên niềm hân hoan chào đón ngày Đức Thế Tôn
hoàn thành công phu tu tập của Ngài, công phu chuyển đổi vọng tâm để
Niết-bàn hiển lộ. Thời điểm Thành Đạo là lúc sao Mai mới mọc, đêm
tối vô minh đã tan và ánh sáng trí tuệ đã đến: ánh sáng giải thoát
và giác ngộ. Tất cả những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Ngài từ
Đản Sanh, Xuất Gia, cho đến Tu Khổ Hạnh, chiến đãu với Ma Vương rồi
Thành Đạo, Nhập Diệt v..v.. Thế Tôn đều để lại cho chúng ta những
bài học vô cùng quí giá. Hôm nay mùa Thành Đạo đã về, chúng ta hãy
cùng nhau đi vào ý nghĩa Thành Đạo và rút ra những bài học tu tập Đạo
giải thoát qua thông điệp Thành Đạo của đức Thế Tôn.
Ý nghĩa thứ nhất của Thành Đạo
là: con đường đi đến Giải Thoát là Trung Đạo. Sau khi từ bỏ con
đường Khổ Hạnh và Thiền Định Ngoại Đạo, đức Thế Tôn nhập định
theo hướng mới (thiền định Phật Giáo) và đi đến chứng đắc Đạo Vô
Thượng. Áp dụng bài học này vào cuộc sống, người Phật tử chúng ta cũng
tránh xa hai thái cực: một bên là quá hăng hái năng nỗ, nhiệt tình, một
bên là quá giải đãi, buông lung, phóng dật. Sau mỗi lần tu hoc hay mỗi kỳ
Đại Hội, y như rằng chúng ta rất hăm hở về Đơn vị, gia đình
riêng... áp dụng, truyền đạt, tích cực đóng góp, xây dựng... nhưng cuối
cùng thì thường thường là ngọn lửa nhiệt tình ấy đã bị thả nổi,
buông lung, cho qua, rời rạc, và đâu lại vào đó. Chúng ta không có kế hoạch
để nuôi dưỡng sự tu tập, vun bồi những chủng tử tốt, loại bỏ những
cái xấu v..v.. Chúng ta chưa tự tạo ra thói quen tốt thường soi rọi lại
mình và tập cho đàn em chúng ta làm như vậy. Như thói quen ‘Viết Sổ Việc
Thiện’ chẳng hạn, đã có từ những ngày xưa (bây giờ là Sổ Hiếu, Sổ
Hạnh, Sổ Dũng) không được duy trì và nhắc nhở nên chúng ta không tiến
bộ về mặt tu tập. Anh Chị em chúng ta cần lưu tâm về việc này để khỏi
mang tiếng người con Phật, người Huynh Trưởng trong Gia Đình Áo Lam mà
có khi bị Tam Độc chi phối còn mạnh hơn là một người chỉ mới đến
với đạo Phật nữa.
Ý nghĩa thứ hai của Thành Đạo là:
bằng nỗ lực của tự thân, với sự tu tập đúng Pháp, con người có
thể giác ngộ ngay tại đời này. Thật vậy, sinh ra là một con người,
sống như một con người, Đức Phật đã thành đạt trạng thái giác ngộ
bằng chính sự kiên trì và nỗ lực cá nhân. Ngài không nói rằng chỉ một
mình Ngài có thể thành Phật mà ngài dạy rằng: "Ta là Phật đã
thành, các con là Phật sẽ thành." Tất cả chúng sanh đều có Phật
tánh, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có thể tu tập để đi đến giác
ngộ giải thoát khỏi phiền não khổ đau. Thế Tôn đã mở ra cho chúng ta
một niềm tin thoát khổ. Sự kiện Thành Đạo vì vậy, như là một lời
thọ ký cho tất cả chúng sanh sẽ thành Phật trong tương lai. Là con của
Ngài, hơn nữa là Huynh Trưởng GĐPT, sau lưng còn có đàn em, chúng ta nguyện
nỗ lực tinh tấn trong sự tu sửa mình, xứng đáng là con của Như Lai.
Như lai có nghĩa là nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Ở đây
chúng ta còn học được thêm một bài học sâu sắc về Thân Giáo của người
Huynh Trưởng: người Anh, người Chị phải luôn là tấm gương sáng cho đàn
em noi theo. Chúng ta không những dạy Phật Pháp cho các em, mà còn phải
hành Phật Pháp qua Thân, Miệng, Ý cho các em noi theo; không chỉ ở Chùa,
ở Đoàn, trong giờ dạy.. mà cả ở nhà, ở mọi nơi và trong mọi lúc nữa.
Nhiều người nghe nói ‘Thành Đạo trong hiện kiếp’ thì liền ‘la’
lên rằng ‘làm sao tu trong 1 kiếp mà thành Phật được?’ Nhưng họ đã
quên rằng Thành Phật trong hiện kiếp không có nghĩa là mới tu trong kiếp
này mà đã tu trong vô lượng kiếp và kiếp này là kiếp sau cùng, cũng
như Thái Tử Tất-đạt-đa vốn là Bồ-tát Hộ Minh từ cung Trời Đâu-suất
giáng trần vậy.
Một ý nghĩa nữa của ngày Thành
Đạo là: nội dung của Thành Đạo là giải thoát, giải thoát đây là giải
thoát khỏi Tham ái, Chấp thủ mà không cần thiết phải chạy trốn khỏi
cuộc đời. Thật vậy, tự ngã và lòng ham muốn mãnh liệt nơi ta là ngục
tù to lớn nhất giam giữ ta trong sinh tử luân hồi, trong phiền não khổ
đau. Trong cuộc sống trước mặt, dù đã có sẵn lý tưởng, phương châm....
đôi khi chúng ta cũng chán nản đến nỗi thốt lên rằng: làm việc GĐPT là
vướng vào phiền não, vừa tốn kém năng lượng, thời gian và tiền bạc...
Đó là vì chúng ta chưa biết áp dụng bài học này: cái làm cho chúng ta
phiền não, tiêu hao năng lượng vô ích không phải là vì sinh hoạt GĐPT mà
là vì trong khi sinh hoạt GĐPT, chúng ta còn quá nhiều tham vọng, cố chấp,
thị phi...... Nếu chúng ta biết buông bỏ những thứ đó, ‘đặt những gánh
nặng đó xuống’ nghĩa là làm việc với tâm vô tư, không thành kiến,
không phê phán, không kể công... thì ta sẽ được thanh thản nhẹ nhàng như
lời đức Thế Tôn: ‘Khi tâm ta thanh tịnh, ta thấy thế giới thanh tịnh.’
Cũng thế, với tâm thanh tịnh và an lạc, bất cứ môi trường nào,
hoàn cảnh nào, thời điểm nào và con người nào, đối với người biết
tu tập giải thoát đều thấy đó là môi trường lý tưởng, không cần phải
thay đổi hoàn cảnh, cuộc sống...gì cả mà chỉ cần thay đổi cách
nhìn, cách suy nghĩ đầy ngã tính đã thành tập khí lâu đời của chúng
ta.
Ý nghĩa thứ tư của Thành Đạo là:
Mười đạo quân của ma vương không phải là một thế lực vô minh từ
bên ngoài mà chính là ngay tại tâm ta. Thật vậy, đức Phật đã chỉ
tên rõ ràng 10 đạo binh của ma vương; đó là: ham muốn, nản chí, đói
và khát, ái dục, dã dượi, hôn trầm, sợ hãi, hoài nghi, gièm pha &
ngoan cố, chiếm đoạt, tự phụ & khinh thường người khác. Chúng ta thấy
rõ ràng đây chính là 10 ‘kẻ thù’ có thể làm cho chúng ta thân bại
danh liệt, càng ngày càng lún sâu vào mê lầm của ngã chấp. Do vậy,
thành công hay thất bại là do ta có thắng lướt được ‘10 tên giặc
trong nhà’ này không; chứ không có ai khác quấy phá chúng ta một cách mạnh
mẽ và ác liệt hơn 10 tên giặc này. Chúng không những quấy phá bản
thân chúng ta mà còn làm ảnh hưởng xấu đến Đoàn thể, tổ chức của
chúng ta. Ví dụ như ‘con ma dèm pha & ngoan cố’ làm mất tình đoàn kết
thương yêu giữa anh chị em mình; con ma ‘tự phụ & khinh thường người
khác’ làm ngã chấp tăng trưởng, xét đoán sai lầm, làm cho ta trở nên dễ
ghét & khó thân cận dưới mắt mọi người, bạn bè và anh chị em. Con
ma ‘đói khát’ cũng không kém nguy hiểm -đói khát đây không phải là đói
cơm khát nước mà là lòng tham không đáy về mọi thứ; đói khát đây sẽ
đưa đến chiếm đọat ( = chiếm hữu không chân chánh). Chiếm đoạt đây
cũng không phải là trộm cắp tiền bạc của cải mà là chiếm đoạt tiếng
tốt danh thơm và công lao hay tiếng vỗ tay của người khác chẳng hạn.
‘Con ma’ này luôn thúc giục ta thấy mình đúng - người sai, mình hay- người
dở, mình phải-người trái v..v.. nó lôi kéo chúng ta quay cuồng trong dục
vọng đen tối, điên đảo thị phi, làm cho ta mất đi cái tâm trong sáng bất
sinh của thuở ban đầu. Quả thật đạo quân Ma vương có khả năng lôi ta
xuống vực thẳm của khổ đau phiền não. Nhận diện được chúng, tất
nhiên ta có cách đối phó rồi. Vì vậy, tu tập là luôn tỉnh thức để
nhận biết khi chúng vừa xuất hiện dưới hình thức một vọng niệm nhỏ,
nhú lên trong tâm ta, đừng chạy theo chúng, nhìn thẳng vào chúng và duy
trì chánh niệm, để cho chúng tự sinh tự diệt - tự đến tự đi- thì
chúng không thể sai sử hay lôi kéo ta được. Đó là lúc chúng ta phải
dùng tới sức mạnh của định tâm; nhờ thường xuyên thiền tập, ta có
thể quán chiếu tâm mình, nhận diện chân tướng của 10 đạo quân này dưới
bất cứ hình tướng nào, nỗ lực tinh tấn loại bỏ chúng, từng tên giặc
một, cho đến khi tâm ta đạt được sự an lạc thảnh thơi. Để đối trị
và nhiếp phục chúng, ngay trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải chuyên
tâm tu tập thực hành hạnh Ít Muốn, Biết Đủ, khiêm tốn, bao dung và
luôn tinh cần soi rọi tâm mình, ghi nhớ lời Lục Tổ Huệ Năng: tự thấy
lỗi mình, không nhìn lỗi người.
Từ bốn bài học chung của sự kiện
Thành Đạo, chúng ta có thể rút ra những bài hoc nhỏ cụ thể riêng cho bản
thân mình, tập thể mình, đơn vị mình, gia đình nhỏ của mình v..v..
Thân kính chúc Anh Chị Em một mùa Thành Đạo an lạc, thảnh thơi và giải
thoát.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/103-baihoc.htm