- TÔI KHÔNG DÁM KHINH QUÝ NGÀI, VÌ QUÝ
NGÀI SẼ THÀNH PHẬT
- Nguyên tác: Mick Kiddle
- Lệ Tâm dịch
Nếu chúng ta chấp nhận
ý kiến "Tất cả chúng sanh đều bình đẳng và tất cả đều có thể
đạt đến Phật quả" thì lòng kiêu ngạo của chúng ta sẽ dần dần
biến mất. Sẽ không có tâm khinh thường đối với những người khác; cũng
không phủ nhận chân giá trị của những điều không vừa ý mình.
***
Hôm nay tôi muốn giới thiệu với
quý vị một ý tưởng Phật giáo "mới" hay một món quà đặc biệt
của kinh Pháp Hoa. Những gì tôi muốn nói ở đây thật sự là niềm tin
truyền thống cổ điển của Phật giáo đã có cách đây hơn 2000 năm. Tuy
nhiên, điều này luôn luôn mới mẽ và tươi tắn bất cứ khi nào chúng ta
đề cập đến, nhất là trong giai đoạn xã hội hiện đại. Bồ-tát Thường
Bất Khinh (Sadaparibhuta) đã từng nói rằng: "Tôi không bao giờ dám
khinh quý Ngài, vì tương lai quý Ngài sẽ thành Phật" (Kinh
Pháp Hoa, phẩm thứ 20). Lời nói này biểu lộ một ý nghĩa thâm sâu về
chân lý của cuộc đời, nghĩa là nhấn mạnh thái độ đối xử của chúng
ta với tất cả mọi người.
Như chúng ta đã biết, mỗi người
trên thế gian này thì khác nhau, có người thông minh, người ngu si, người
yếu đuối, khỏe mạnh, người năng động, người thụ động, người
được nâng cao, kẻ bị chà đạp . . . Từ những hình thái đó, chúng ta
sanh ra những tư tưởng phân biệt đúng sai, khinh trọng, những hành vi tốt,
xấu . . . Nhưng tất cả những sự sai khác này thì không bao giờ cố định
mãi mãi. Chúng ta không nên hiểu sự khác biệt đó là những phẩm chất
đặc trưng tốt hay xấu hoặc sự khác biệt căn bản trong tính cách của
từng cá nhân. Theo Phật giáo, sự khác biệt hiện tại giữa trí và ngu, mạnh
và yếu, giàu và nghèo, dữ và hiền là những bước trung gian trong tiến
trình của cuộc sống. Chúng không phải là mục đích cuối cùng. Khi chúng
ta chưa đạt được trạng thái tâm giác ngộ hoàn toàn, chúng ta còn bị
chúng chi phối trong tiến trình nhân quả, gặt hái các hậu quả của nghiệp
quá khứ và đồng thời chúng ta lại tiếp tục gieo trồng chủng tử cho tương
lai.
Những ai không tự nỗ lực hướng
đến ánh sáng, cuối cùng sẽ bị thoái hóa. Ngược lại những ai nổ lực
chính mình hành thiện thì sẽ tìm thấy được con đường hướng thượng.
Con người có khả năng và tiềm lực
mạnh mẽ để phát triển và thăng hoa thiện nghiệp cũng như tìm cầu sự
hoàn hảo tối thượng. Tất nhiên cuối cùng sau khi trải qua nhiều kiếp
tái sanh và tu tập, chúng ta sẽ đạt đến trạng thái toàn giác. Giống như
Bồ-tát Thường Bất Khinh nói: "Mỗi chúng sanh là một vị Phật sẽ
thành." Trong Phật giáo không có tội lỗi vĩnh cửu, không có tai họa
mãi mãi và không có sự thoái hóa cố định (nghĩa là "hồi đầu thị
ngạn," quay đầu sẽ thấy bến), chúng ta có thể từ tham sân si để
trở thành thức tỉnh và giác ngộ. Chúng ta có thể chuyển hóa từ các
phiền não để trở nên trong sáng và thanh tịnh để hiện tại và tương
lai luôn luôn trong trạng thái tốt đẹp và an lạc mãi mãi. Chúng ta nên
áp dụng ý tưởng này cho mình và cho nhận thức của mình đối với người
khác. Quan điểm sống tích cực và lạc quan này khiến cho chúng ta có đầy
đủ niềm tin và năng lực để vượt qua tất cả những khó khăn phía trước
mà không nản lòng.
"Chúng sanh đều bình đẳng
và tất cả chúng ta đều có thể đạt đến Phật quả" có được
lòng tự tin này có thể giúp chúng ta tránh sự coi thường người khác. Thế
nào là coi thường? Coi thường người khác có thể bao gồm việc hạ phẩm
giá của những khác bằng sự khinh thường, xúc phạm danh dự người khác
bằng sự kiêu ngạo của mình; lăng mạ người khác bằng những người khác
bằng hành vi xấc xược của mình. Trong khi đó thái độ khư khư chấp thủ
về ngã hơn thua luôn giữ hoài, còn chủng tử Phật tánh là cái có sẳn
trong mỗi chúng ta thì đối với chúng ta lại quá mơ hồ. Chúng ta có thể
bị lôi cuốn vào trong sự vô minh và vụng về, khiến mọi người ghét bỏ
chúng ta. Thông thường chúng ta tự dối mình và có khuynh hướng bắt nạt
kẻ khác. Việc đắm chìm trong kiêu ngạo là sự bóp méo chân ngã do bởi
những quan điểm sai lạc về chấp ngã đưa đến. Bất hạnh thay, sự rắc
rối phức tạp về "tự ngã" (tự cao tự đại) đã ăn sâu vào
trong tim óc của chúng ta trong suốt dòng sanh tử. Bản ngã này đã lôi kéo
chúng ta trong vòng sanh tử luân hồi vô tận. Chính ngã tham trói buộc
chúng ta ở trong sanh tử tương tục và làm cho thế giới này tràn ngập những
khổ đau.
Thái độ khinh người ngấm ngầm
đối với người khác dường như có thể xem là không nghiêm trọng, nhưng
đôi khi nó phát triển thành tính tự cao tự đại và cường điệu. Nó
khiến chúng ta dường như ra vẻ bậc đạo sư, bậc siêu phàm, người mà
có thể sai khiến người khác phải tuân lệnh mình, hoặc khiến họ phải
sẳn sàng hy sinh … đều nhằm mục đích để làm thỏa mãn tự ngã của
chính mình.
Đôi khi chúng ta mất đi lòng tự
trọng. Chúng ta đánh giá cao người khác nhưng thật sự trong tâm chúng ta
không chấp nhận người khác giỏi hơn mình. Ảnh hưởng của thái độ không
thật này làm khơi dậy sự căng thẳng, giận dữ, ganh tỵ, mưu đồ và
hung ác ở trong cả chính chúng ta lẫn những người khác, từ đó khiến
cho toàn bộ thế giới trở thành kẻ thù của chúng ta. Sự mâu thuẫn
trong tự ngã này đã cắm rễ vững chắc từ lâu trong nội tạng của
chính mình từ vô thủy.
Một số các nhà lãnh đạo tôn
giáo, chính trị, tư tưởng đã rơi vào khuyết điểm nghiêm trọng này và
đi đến việc tự coi tôn giáo hoặc triết lý của chính mình là duy nhất
tiêu biểu cho chân lý. Cách duy nhất được coi là đúng đắn và xứng đáng
để tồn tại này là hảy tin vào họ, theo họ, tuân theo sự chỉ dẫn,
và rồi hành động theo ý kiến của họ. Những ai không tin những vị
lãnh đạo tối cao này và không làm theo họ sẽ bị coi là như thể đã phạm
tội ác cực kỳ nặng, không luận là hiện tại có làm thiện bao nhiêu
đi nữa; vì như thể người đó đã phạm tội bội giáo và hẳn phải bị
giết. Sự đề cao tự ngã với tâm nhỏ hẹp này sẽ nuôi dưỡng trạng
thái nội tại đó mãi bằng cách tìm mọi thủ đoạn để đè bẹp những
đối thủ của chính mình. Điều này sẽ hủy hoại cả chính mình lẫn người
khác, cho nên cần phải được thay đổi.
Nếu chúng ta chấp nhận ý kiến
"Tất cả chúng sanh đều bình đẳng và tất cả đều có thể đạt
đến Phật quả" thì lòng kiêu ngạo của chúng ta sẽ dần dần
biến mất. Sẽ không có tâm khinh thường đối với những người khác; cũng
không phủ nhận chân giá trị của những điều không vừa ý mình. Người
Phật tử chân chánh phải có tâm rộng rãi, khoan dung, kính trọng và đối
xử tốt với mọi người. Một Phật tử chân chánh sẽ không xem những
tôn giáo khác hoặc những giáo lý tư tưởng khác như là vô nghĩa và vô
giá trị. Ngay cả nếu chúng không được hoàn hảo lắm, có lỗi lầm, có
lầm lạc nhưng chúng vẫn có thể mang đến vài điều tốt tương tự như
chân lý, hoặc có thể hoạt động rất có phẩm chất như tôn giáo của
ta. Bất kể người đó có đối lập với Phật giáo hay không, có đức
tin dị giáo, hoặc là không tin vào bất cứ cái gì, những khuyết điểm của
những người như vậy sẽ không coi là quan trọng. Điều này không nên kết
luận rằng người ấy là xấu hoàn toàn. Một người như thế có thể có
nhân cách cao thượng, hành vi thiện và thói quen tốt để phục vụ tốt
cho những nhu cầu xã hội. Ngay cả những người ấy xấu thật sự, thì
người ấy cũng không hoàn toàn không có tư tưởng hay hành vi tốt đáng
ca ngợi.
Niềm tin rằng "Tất cả
chúng sanh cuối cùng và chắc chắn sẽ đạt được Phật quả" sẽ
khiến cho tâm chúng ta tự nhiên trở nên thanh thản và sẽ cởi mở hơn
khi tiếp xúc với những người khác. Chúng ta sẽ hiểu rằng tương lai chúng
ta được quyết định bởi những hành vi hiện tại của chính mình. Hành
vi thiện hoặc ác sẽ đưa chúng ta tiến lên hoặc đi xuống, khổ đau hay
hạnh phúc... Nếu chúng ta làm ác, chúng ta sẽ mang lại khổ đau cho chính
mình và những người khác. Niềm tin trong Phật giáo giúp chúng ta sự tự
tin để đi vào con đường chân chánh, hướng thượng và bước vào trạng
thái tâm hoàn hảo hơn. Đức Phật dạy chúng ta không nên sân hận mà nên
thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý; nên thiết lập ý tưởng đạo đức cao
thượng, Bồ-đề tâm kiên cố và tu tập để trau dồi chính mình. Ngài dạy
chúng ta nên tạo nghiệp lành vì lợi ích của những người khác và thực
hành hạnh nhẫn nhục. Ngài cũng khuyến khích chúng ta nên cảm thông với
những người ác, không nên coi thường những người lỗi lầm mà ngược
lại giúp họ sửa đổi những sai trái đó. Rồi dần dần dùng những từ
trường tốt của mình để cảm ứng và chuyển tâm họ trở nên hoàn thiện
đạo đức hơn.
Việc đánh giá tính cách chân thật
và vẻ đẹp tuyệt đối của lý tưởng "Tất cả chúng sanh
cuối cùng và chắc chắn sẽ đạt được Phật quả" này có thể
giúp chúng ta hiểu được tại sao Đức Phật khuyên chúng ta "không
nên coi thường những người ngu dốt" và "không được coi khinh những
người đã xúc phạm chúng ta." Tất cả mọi người có thể đạt đến
Phật quả. Những người nhút nhác và ngu muội có thể học tập và ngày
càng trở nên thông thái và đức hạnh hơn. Những người phạm giới có
thể sám hối và dần dần hoàn thiện hành vi đạo đức khéo léo hơn. Với
những ý tưởng như vậy trong tâm chúng ta có thể sẽ trở nên có tình
thân hữu với những người khác và không hề muốn lợi dụng họ. Chúng
ta nên gieo trồng những điều tốt mà trong đó không có những mầm mống
của những xung đột, mâu thuẫn (chiến tranh giữa mình và người) và hãy
coi mình bình đẳng như người, không bao giờ xem mình hơn họ.
Vận dụng từ những ý tưởng này
chúng ta có thể tăng trưởng tâm từ bi đối với những người khác và tăng
cường quyết tâm để giúp tất cả chúng sanh. Chúng ta có thể trau dồi
trí tuệ vô ngã ("anatta" theo lời dạy của Đức Phật là không
có một chủ thể ngã nào có thật) và giúp chúng ta thành tựu quả vị Phật
bằng cách tu tập các ba la mật của Bồ-tát . Nếu chúng ta phát triển lý
tưởng này và khéo tu tập, thì chúng ta sẽ trở nên có hiểu biết hơn, có
lòng tin tưởng hơn để sẳn sàng giúp đỡ lẫn nhau và để cùng đạt
được hạnh phúc và an lạc lớn.
Bồ-tát Thường Bất Khinh đã nói
rằng "Tôi không bao giờ dám khinh quý Ngài, vì quý Ngài là Phật
sẽ thành." Câu nói này thật là một chân lý hoàn hảo và bất
diệt. Tôi đã bắt đầu với câu nói này và cũng từ câu nói này là lời
kết thúc của tôi.
Đó là một ý tưởng mới hay một
món quà đặc biệt của kinh Pháp Hoa mà tôi dành tặng cho tất cả
quý vị trong ngày hôm nay.
***
[Phỏng dịch từ "The new idea we
ought to have" edited by Mick Kiddle, Proofread by Neng Rong, translated into English
by Chai Gao Mao, 20/06/1995 trên internet: http://www.Buddhanet.net
]
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/104-thanhphat.htm