- PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN HOÁ
- VÀ TÂM NGUYỆN ĐỘ SANH CỦA ĐỨC
TỪ PHỤ
- Thích Nữ Như Nguyệt
Khổ vui là vấn đến cảm thọ,
và có cảm thọ là do có tâm. Như vậy muốn hết khổ thì việc cốt yếu
là chuyển cái tâm hiện tại của ta. Không chuyển tâm mà chỉ thay đổi
hoàn cảnh, thì không bao giờ có giải thoát thật sự, mà chỉ là thay đổi
kiểu đau khổ này sang đau khổ khác. Tu hành, nói gọn, chính là việc chữa
trị tâm bệnh hay chuyển tâm.
***
Trong địa hạt văn minh vật chất,
người tiến bộ là người biết chế biến những tài nguyên thiên nhiên
để sử dụng cho đời sống được tiện nghi hơn. Ví dụ: sử dụng năng
lượng mặt trời, năng lượng thác nước, năng lượng gió, năng lượng hạt
nhân ...
Mặc dù con người đã đạt đến
mức tiến bộ rất cao trên phương diện chuyển hoá năng lượng vật chất
để có năng lượng tối đa, song chính phát minh khoa học kỹ thuật cũng
đang đe doạ và có khả năng tiêu diệt toàn thế giới một khi chiến
tranh hạt nhân bùng nổ.
Nguyên do chính là con người chỉ tìm
cách chuyển hoá để làm chủ những năng lực ở ngoại giới, mà chưa làm
chủ, chưa kiểm soát được năng lực bên trong, đó là năng lực của dục
vọng. Lòng tham không bao giờ ngừng nghỉ, nên Phật đã mệnh danh cõi người
ta là cõi dục.
Cũng vì muốn đạt được đa hạnh
phúc chân thật và tối đa cho bản thân, cho nhân loại và cho tất cả hữu
tình, sau khi thành chánh quả dưới cội bồ-đề đức Phật đã công bố
một phương pháp chuyển hoá một cách thần kỳ. Từ đó Ngài đã mở
cánh cửa giải thoát khổ đau và bất tử cho chúng sanh Ta-bà. Bất cứ ai
biết áp dụng phương pháp đó cũng sẽ giác ngộ giải thoát như Ngài. Đó
là phương pháp chuyển hoá năng lực của tâm, tức chuyển Tham, Sân, Si
thành Giới, Định, Tuê﮼/p>
Vậy thế nào là chuyển hoá năng lực
tâm linh? Đó là việc chúng ta có thể và cần phải làm nếu muốn hết khổ.
Muốn chấm dứt khổ, ta phải biết nhận diện ra những hình thái của khổ
cùng những nguyên nhân và yếu tố hay điều kiện sinh khởi của nó để
diệt tận gốc. Cũng như muốn diệt kẻ thù cần phải nhận ra kẻ thù
và chổ ở của chúng.
Ai cũng thuộc lòng một bản kê đầy
đủ về khổ mà đức Phật đã dạy như ba loại khổ và tám loại khổ.v.v.
Nhưng Phật khuyên chúng ta, mỗi người phải nhìn vào bản thân mình để
thấy rõ đau khổ thật sự là gì ? Nó nằm ở đâu? Khổ cũng như vui, là
một cảm thọ. Nếu không có cảm thọ thì không có khổ. Vậy vấn đề
khổ vui, tóm lại, chỉ là vấn đề cảm thọ, tức là nhận vào, thâu nạp
một cảm giác, mà ta gọi là "cảm thọ của tôi." Cảm thọ tự
nó đã là khổ: Phật thường ví dụ đời sống cảm thọ như con bò bị
lột da, hết sức đau khổ, dù nó đứng bất cứ nơi nào, dưới nước
hay trên khô, gặp nóng hay lạnh.
Có cảm thọ là không bao giờ có
thoả mãn. Trong mọi cuộc vui, mọi yến tiệc, hay bất cứ tình trạng nào
được mệnh danh là hạnh phúc, luôn luôn người ta cảm thấy còn thiếu một
cái gì, còn có cái gì chưa trọn vẹn. Không bao giờ mọi sự sẽ diễn ra
hoàn toàn tốt đẹp như ý. Dù cho con người có sở hữu toàn thể vũ trụ,
nhưng một khi còn có cảm thọ thì vẫn còn đau khổ. Khái niệm khổ trong
Phật giáo được viết là dukkha trong tiếng Pali, vốn có nghĩa là
không thoả lòng hay không thoả mãn. Nói đơn giản, cái gì không thoả mãn
đều mang lại cảm giác đau khổ; thế gian này lại chứa đầy sự không
thoả mãn như vậy, như câu thơ của Bùi Giáng trong "Mưa nguồn:"
- Trời đất lạnh là lòng anh không thoả
- Gửi hồn đi phương hướng hút theo ngàn
- Hồn ngơ ngát loay hoay về hỏi dạ:
- Có bao giờ dạ thoả giữa không gian?
Cái khổ nguy hiểm hơn là khi ta
nghiền ngẫm, đặt tên, hay xem năm uẩn và các sự vật là "tôi"
và "của tôi."
Ngày xưa, có người hỏi Tôn giả
Xá-lợi-phất:
- Làm sao có hạnh phúc được, khi
không còn cảm thọ?
Tôn giả đã trả lời một câu rất
thâm thúy:
- Trạng thái không có cảm thọ mới
chính là hạnh phúc.
Ở đây ta phải hiểu câu trả lời
này trong bối cảnh đích thực của nó là phát ngôn của một bậc
A-la-hán, đã chứng quả Vô sinh, không còn chấp ngã, nên được tự tại
trước những bận tâm của thế tục như còn mất, vinh nhục, sống chết,
được thua,... đối với một vị như vậy thì Sinh như mùa đông mặc
thêm áo, Tử như mùa hè cởi bớt áo. Sinh Già Bệnh Chết, nơi vị A La Hán,
không còn là "Khổ" như quan niệm thường tình khi còn chấp thủ một
bản ngã.
Trong Kinh Đại Bát-nhã, Phật
cũng dạy rằng tính của thọ nơi người phàm là "nhận lãnh, thâu nạp
vào mình" nên phải khổ vì tâm luôn luôn dao động bởi những cuộc
thăng trầm. Nhưng đồi với Bồ tát thì thọ là "Không," vì Bồ
tát không nạp thọ những gì từ bên ngoài đưa tới, khi giác quan và đối
tượng (Căn, Trần) gặp gỡ.
Có lần một người ngoại đạo đến
mắng đức Phật, nhưng Ngài vẫn ngồi điềm nhiên như không. Người ngoại
đạo bèn hỏi sao Ngài có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công với
đủ lời sỉ nhục như vậy? Phật trả lời vì Ngài không thọ, cũng như
được ai biếu quà mà không nhận, chỉ có thế. Khi nghe lời ấy, người
kia được cảm hoá, xin trọn đời được quy ngưỡng. Đó là "tính
Không" của cảm thọ, mà người thiếu tu tập không thể làm nổi.
Nghe người khác mắng chửi nhục mạ
mình thì trừ phi tai mình bị điếc, hoặc ngu si không hiểu gì, mới làm
thinh được như Phật. Người thế tục thường dính mắc điểm này, tự
hỏi, thế thì tu hành hoá ra cũng như bị tàn tật, dốt nát hay sao? Tu
hành để đi đến chỗ không có cảm thọ như người bị bệnh tê liệt
thần kinh hay sao?
Cái cực thiện và cái cực ác có
một bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nên dễ đánh lừa người thiếu trí.
Người tu hành đến chỗ làm chủ được cảm thọ thì ngược lại rất bén
nhạy, thường được gọi là thần thông, như Tha Tâm Thông (biết tâm niệm
người khác), Thiên Nhĩ Thông (nghe rất xa), Thiên Nhãn Thông (thấy được
những gì người khác không thấy...). Người phàm phu chỉ nhạy cảm đối
với những gì liên hệ đến "tôi" và " của tôi" cho nên
cảm thọ của họ hết sức hạn chế và dễ gây đau khổ cho mình và người.
Đức Phật nhờ không thọ lời nhục mạ, nên Ngài không tự làm khổ
mình, không gây thêm thù oán, mà trái lại còn cảm hoá được đối
phương.
Nguồn gốc của đau khổ, như vậy,
chính là cảm thọ do chấp ngã, hay bám lấy quan niệm về một cái tôi,
mà Kinh Kim Cang gọi là Ngã Tưởng. Đây là Vô minh căn bản, còn gọi là
Si.
Sự yêu thích cài gì hợp với tôi
gọi là Tham. Ghét cái không hợp với tôi gọi là Sân. Chính là ba phiền
não, hay vọng tưởng căn bản Tham, Sân, Si này mà phát sinh những thói xấu
khác như bám víu, kiêu căng, ngã mạn, sân hận, nghi ngờ, ganh tị, .v.v.
Có đến tám muôn bốn ngàn thứ, nghĩa là rất nhiều. Duy thức học gọi
đấy là Bất Thiện Tâm Sở, nghĩa là tất cả đều là sở hữu tùy tùng
của một cái tâm vô hình, vô tướng nhưng lại là năng lực điều động
tất cảsự sống chết, vui buồn, mê ngộ, đau khổ và hạnh phúc của ta,
tùy theo cách sử dụng nó. Biết sử dụng những bất thiện tâm sở này
để chuyển hoá chúng vào mục đích tu học, thì cũng như khoa học gia chuyển
hoá năng lượng mặt trời và thác nước, hoặc như Gia Cát Lượng trong
Tam Quốc Chí đã dùng mưu lược, thu hết 30.000 mũi tên của quân Tào Tháo
bắn sang, đem về cho Châu Du.
Ở đây ta cần nhận diện Vọng Tưởng
đích thực là đau khổ. Người học Phật thì không đợi tới khi bị bắt
ngồi tù vì tội trộm cướp mới thấy khổ, mà thấy khổ ngay lúc bắt
đầu nổi lòng tham muốn chiếm đoạt của người khác, vì lòng tham ấy
phát xuất từ cái thấy sai lầm (Vọng tưởng) cho rằng cái tôi là trên hết.
Vậy bước đầu để chấm dứt khổ là nhận diện ra cái khổ: Sự chấp
ngã, vọng tưởng chính là nguồn gốc. Khi nhận ra nó rồi, muốn tận diệt
nó, ta phải tìm hiểu môi trường hoạt động của nó và những yếu tố
giúp nó tăng cường hoạt động. Cũng như người săn bắt cướp, cần phải
biết sào huyệt, sở thích, đường đi lối về của bọn cướp.
Chúng ta đã thấy rằng khổ vui là
vấn đến cảm thọ, và có cảm thọ là do có tâm. Như vậy muốn hết khổ,
thì việc cốt yếu là chuyển cái tâm hiện tại của ta. Không chuyển tâm
mà chỉ thay đổi hoàn cảnh, thì không bao giờ có giải thoát thật sự,
mà chỉ là thay đổi kiểu đau khổ. Tu hành, nói gọn, chính là việc chữa
trị tâm bệnh hay chuyển tâm. Chẳng hạn khi ta phải sống trong một môi
trường hay cãi cọ, mọi người ưa gây sự với ta, thay vì cảm thấy khó
chịu, đau khổ, bực tức, ta hãy nhớ lại rằng hoàn cảnh này là dư báo
của quá khứ. Có lẽ trong quá khứ ta đã gây nhiều oan trái với họ,
bây giờ đến lúc phải trả. Ta nên vui vẻ mà trả, đây là cơ hội tốt.
Khi nghĩ vậy, ta sẽ không gây thêm oan trái, mà còn có thể giải trừ được
những oán thù đã qua.
Trong kinh Kim Cang Phật dạy ai
tụng kinh ấy mà bị người khinh chê thì sẽ tiêu trừ được quả báo
ác nghiệt nhiều đời trước và mau đắc đạo. Ngược lại khi gặp thuận
cảnh, như được vinh dự, được thăng chức, được nhiều tiền, ta sẽ
từ bỏ bám víu tiền tài, danh vọng; nhớ lời Phật dạy về Vô thường,
Vô ngã, để đem san sẻ cho người khác những gì ta có. Tu tập như vậy
thì dù có bị mất mát bớt tài sản ta không buồn khổ lắm, vì ít ra cũng
đã sử dụng tài sản vào một vài việc hữu ích.
Đức Phật Thích-ca sau khi giác ngộ,
Ngài ngồi lại dưới cội bồ-đề nhiều ngày để suy nghĩ xem có nên
đem cái mà Ngài đã giác ngộ để nói cho mọi người nghe không? Đã có
lúc Ngài tự nghĩ sự giác ngộ của Ngài quá sâu xa vi diệu, người đời
khó có thể lĩnh hội, tốt hơn nhập Niết-bàn ngay. Nhưng rồi Ngài hồi tưởng
lại, cái hành tích của tất cả chư Phật trong thời quá khứ, bất luận
vị nào ra đời cũng cùng một tâm nguyện độ sanh. Song bản ý của chư
Phật trước sau vẫn là độ sanh, Ngộ Nhập Phật Tri Kiến.
Như vậy, Ngộ Nhập Phật tri Kiến
là như thế nào? Muốn thế thì việc đầu tiên ta phải có chánh kiến.
Cái nhìn đúng như thật về bản thân và mọi thứ bên ngoài. Cái gì hợp
với ta đều tốt. Cái gì chống lại ta đều xấu. Sự tốt xấu mà ta
gán cho người hay vật khác đều do tâm phân biệt tùy hứng của ta, hoàn
toàn không liên quan gì đến người hay vật. Mọi thứ là "Tính
Không."
Cùng một cảnh vật ấy, đối với
người này là thiên đường, mà đối với người khác lại là địa ngục.
Hoặc cùng một con người ấy, lúc đầu ta cho là bạn, lúc sau ta cho là kẻ
thù. Tất cả quan niệm trái ngược như, vui-khổ, tốt-xấu, bạn-thù, đều
do tâm chấp ngã pháp sinh. Sự thật hoàn toàn không có những thuộc tính
do ta thêm thắt vào như vậy, nên gọi là "Tính Không." Thấy được
điều này, tạm gọi là chánh kiến về tính không. Có chính kiến thì ta
không bị dẫn dắt bởi cơn thịnh nộ khi gặp người mà ta cho là kẻ
thù, cũng không bị lôi cuốn bởi sự ái luyến khi gặp người mà ta cho
là bạn thiết, cũng không thờ ơ lãnh đạm khi gặp một người mà ta cho
là người không thân. Có được hai yếu tố trên đây, chính kiến về
tính không và từ bỏ cái thấy đầy ngã chấp, cùng tất cả thói xấu
kèm theo (như phóng đại ưu điểm của những gì ta ưa, thổi phồng khuyết
điểm của những gì ta ghét). Đồng thời tu tập những đức tính như nhẫn
nhục ( do thấy rõ nhân quả) khiêm cung (do thấy vô thường, duyên sinh,
không có gì là tôi, và của tôi thật sự) là đã sống được một cuộc
đời giải thoát an vui. Tột đỉnh của sự tu tập là quả giác ngộ giải
thoát, thành Phật để cứu vớt chúng sanh. Bởi vậy cần có một yếu tố
quan trọng hơn tất cả trên đường tu tập đó là Bồ-đề tâm. Có phát
tâm bồ đê mới đi đúng quỹ đạo của Phật và thành Phật được. Nên
bồ-đề tâm được gọi là hạt giống Phật, và trong kinh điển Đại Thừa,
chỉ có Bồ tát, người đã phát tâm bồ-đề và đang thực hành Hạnh lợi
tha. Bồ-đề tâm là cái tâm lợi tha cầu giác ngộ thành phật để có thể
cứu vớt Vô lượng chúng sanh. Nhưng trước khi có được tâm bồ-đề, ta
cần phải từ bỏ cái thấy sai lạc là có một cái tôi biệt lập không
dính dấp gì đến người khác và có chính kiến rằng mọi sự khổ hay
vui đều không thật có, đều do tâm chấp ngã tạo ra. Vậy bồ-đề tâm
là cách chuyển hoá khổ đau tốt nhất trong bất cứ trường hợp nào. Sở
dĩ ta có thể chuyển hoá được là vì mọi thứ ta thấy theo kiểu chấp
ngã thông thường đều không thật, khổ vui và mọi thứ đối đãi khác
như Ta Bà, Tịnh Độ v.v. . . đều do tâm ta tưởng tượng. Cả hai đều không
thật chất, tính không, đều do tâm biến. Nhưng chúng sanh thì "biến"
theo lối ích kỷ hẹp hòi chấp ngã, đem lại đau khổ cho mình và mọi người,
mọi vật. Còn kiểu "biến" của Bồ Tát thì đem lại giải thoát
an vui cho mình và tất cả chúng sanh. Bởi vậy ta nên học cách "biến"
của Bồ tát, của Phật thì đỡ khổ bội phần và công đức vô lượng.
Thế thì con đường chuyển hóa và
tâm nguyện độ sanh của đức từ phụ đều đem lại an vui tuyệt đối
cho muôn loài.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/105-dosanh.htm