Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Ý NGHĨA PHẬT THÀNH ĐẠO
Thích Nữ Liên Chương

Phật thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại, chúng sanh

***

Cách đây hơn 25 thế kỷ, ở tại Bồ-đề Đạo Tràng (Ấn Độ), Bồ Tát Tất-đạt-đa sau sáu năm tu khổ hạnh và 49 ngày đêm ngồi tĩnh tọa dưới cội Bồ-đề để thể nhập chân lý, chứng đắc quả vị tối thượng trở thành Phật Thích-ca-mâu-ni. Ánh đạo vàng Ngài phát huy ra sáng soi vạn loại trải qua bao thiên niên kỷ. Ngày nay, những người con Phật khắp năm châu đang hướng về Bồ-đề Đạo Tràng để kỷ niệm ngày Phật Thành Đạo. Sự kiện Phật thành đạo có ý nghĩa lớn lao đối với Đạo Phật: chính thức xuất hiện vị Giáo chủ Thích-ca-mâu-ni để dắt dẫn chúng sanh hướng về nẻo giác. Nhân ngày kỷ niệm Phật thành đạo Phật lịch 2545 và chào mừng thiên niên kỷ mới, Tăng-Ni, Phật tử hơn lúc nào hết, cần thấu đạt ý nghĩa Phật thành đạo, xác định rõ con đường Ngài đi, đích Ngài đến để bày tỏ tâm thành tri ân đối với vị Đạo sư đã sáng soi chánh đạo, phát sâu chí nguyện đi trọn hành trình này trong kiếp sống nhân sinh. Hiểu rõ ý nghĩa Phật thành đạo là điều kiện tiên quyết để tiếp nối bản nguyện của chư Phật mười phương.

Thái tử Tất-đạt-đa thuộc giai cấp Sát-đế-lị, dòng họ Thích-ca, là con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya. Khi trưởng thành, Thái tử tìm cách thoát ra ngoài bốn bức tường bưng bít của ngai vàng điện ngọc để cảm nhận thực tế của cuộc sống đương thời và nỗi khổ lụy chung về sanh, già, bệnh và chết mà mọi người phải gánh chịu.

Trở về thành Ca-tỳ-la-vệ, dù ngày đêm ở bên cạnh người vợ hiền thục và kiều diễm bậc nhất, bao bọc bởi tiếng nhạc du dương cùng sơn hào hải vị của tiệc hội với đám tùy tùng đại diện thần dân túc trực, hầu hạ, chìu theo; Thái tử vẫn không sao quên được những nỗi đau buồn nhân thế và vòng quẩn quanh của kiếp sống. Những quyến rũ của vật dục thường tình không kềm hãm nỗi một tâm hồn cao cả muốn vươn tới những gì có ý nghĩa hơn, cao cả hơn, đưa đến hạnh phúc thật sự và nẻo thoát cho mọi loài. Ngài tâu với Phụ hoàng xin phép rời thành, xuất gia tầm đạo. Vua Tịnh Phạn ngạc nhiên không hiểu được con mình còn thiếu món gì và đi tìm kiếm những gì? Thái tử trả lời là đi tìm con đường thoát khỏi nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết và mang đến hạnh phúc lâu bền cho chúng sanh. Phụ vương không chấp nhận thỉnh cầu này. Cuối cùng đến năm 29 tuổi, Thái tử lúc đang đêm âm thầm từ giã Phụ vương, Mẫu hậu, vợ con, Hoàng gia và muôn họ, vượt thành để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của giác ngộ và tầm câu chơn lý.

Khắc khoải với lý tưởng cứu độ chúng sanh, Đạo sĩ Cù-đàm thấy thất vọng với những mục đích tối hậu của những đạo sĩ trứ danh nhất thời bấy giờ như Alara Kalama, Uddaka Ramaputta sau khi Ngài được những bậc thầy đó thừa nhận là đã chứng đạt được những tầng bậc cao nhất về niềm tin, năng lực, thiền định, trí tuệ và an lạc mà chỉ có họ và Ngài mới từng kinh nghiệm qua vì rốt cuộc nếu thoả mãn và dừng lại tại đây cả họ và Ngài rồi cũng bị trôi lăn trong nẻo luân hồi sanh tử. Nên sau đó, Ngài quyết định tự mình dấn thân trong một cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu, tìm tòi chân lý nhiệm mầu.

Theo niềm tin phổ biến thời đó, những vị xuất gia thoát tục cần tu tập khổ hạnh mới chứng đạo quả cao sâu. Hành giả Cồ Đàm trải qua nhiều phương pháp tu khổ hạnh tột bực được mô tả trong kinh Mahasaccka Sutta như: nghiến răng, đè lưỡi, tập trung cắt đứt tư tưởng, nín thở, nhịn ăn, ... và chịu đựng sự bức bách đau đớn khôn cùng nơi thể xác. Vóc dáng cường tráng, phương phi của Thái tử Tất-đạt-đa, một thời là hiện thân niềm kiêu hãnh của kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, sau sáu năm tu khổ hạnh chỉ còn lại tấm thân gầy trơ nắm xương da như ngọn lửa sắp tắt lụn.

Nhận thấy mục tiêu chưa đạt được mà thần chết đã cận kề nên Ngài quyết định thay đổi phương pháp tu hành, duy trì tấm thân mình để còn tiếp tục hành trình. Ngài nhận bát vàng đựng sữa với mật ong dâng cúng của nàng Sujata, con gái của Nadaca, vợ của trưởng giả Senani để phục hồi sức lực cho giai đoạn quyết định. Năm anh em Kiều Trần Như nghĩ rằng Ngài đã thối lui hạnh nguyện nên rời bỏ Ngài đi đến vườn Lộc Uyển tu riêng. Không thối chí, một mình một bóng, Ngài đến tắm nước sông Ni-Liên-Thuyền, thả bát vàng xuống sông để xác tín chí nguyện, rồi nhận bó cỏ kiết tường do một lão nông phu cạnh bờ sông dâng cúng, mang đến Gaya, nơi gốc cây Tất Bát La trải bó cỏ ngồi thiền và tự phát nguyện lớn:

"Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền vi của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát, xương tan, ta quyết không rời bỏ chỗ này."

Sau 49 ngày đêm thiền định, quán sát không gián đoạn, vào đêm cuối cùng khi nhìn sao mai mọc, Ngài chiến thắng tất cả ma quân, tượng trưng cho những tầng lớp vô minh của tâm thức từ vô thủy, chứng được Lục thông, Tam minh và thành Phật với danh hiệu Thích-ca-mâu-ni. Cây Tất-Bát-La trở thành cây Bồ-đề (cây Giác ngộ) và đất xung quanh cây Bồ-đề trở thành thánh địa gọi là Bồ-đề Đạo Tràng. Năm ấy Ngài 35 tuổi.

Nghiên cứu về lịch sử của Đức Phật, chúng ta thấy Ngài vừa là con người thật, cụ thể mang tính chất lịch sử vừa là con người biểu tượng. Ở nơi Ngài luôn chứa đựng những chân lý sống động, cao sâu. Học Đạo Phật, người Phật tử tiếp cận Thân giáo, Khẩu giáo và Ý giáo từ Đức Bổn Sư. Nhất cử, nhất động, nhất niệm, nhất ngôn của Đức Phật đều là những bài học quý giá, thiết thực muôn đời. Sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của Đức Phật, Phật thành đạo, hẳn nhiên để lại cho quần sanh bao ý nghĩa, diều dụng không thể nghĩ bàn.

Trước hết, Phật thành đạo có ý nghĩa đối với bản thân Ngài là một thành công viên mãn. Có trải qua biết bao tháng ngày dài trăn trở quên ăn bỏ ngủ, sáu năm trường khổ hạnh, công phu nhọc nhằn gạn lọc chân lý cạn sâu, dám hy sinh thân mạng và tất cả mọi thứ trên đời để tìm tòi mối đạo mới cảm nhận hết giá trị chói lọi huy hoàng của cái Ngày lịch sử Ngài được suy tôn lên ngôi Đại Giác. Một niềm an lạc sung mãn thấm đượm nơi Ngài đến nỗi Ngài trải qua tuần lễ đầu tiên sau khi Thành đạo để chứng nghiệm hạnh phúc tâm linh giải thoát và chính thức tuyên ngôn đoạn tuyệt với vòng luân hồi sanh tử khổ đau: "Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục."

Phật thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại, chúng sanh vì chí nguyện xuất gia của Ngài là để tìm phương cứu chữa cho đời sống chúng sanh ngập chìm trong đau thương, tăm tối như chính lời Ngài phân tỏ với Xa-Nặc lúc chia tay: "Chính vì đêm tối Ta mới đi tìm ánh sáng." Trong khoảng thời gian 49 năm còn lại của đời mình, Ngài soi rọi Ánh Đạo Vàng đến khắp muôn phương và hiển thị rõ ràng rằng: "Nếu cõi đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời." Ngài ra đời là "Vì an lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người" (Tăng Chi I). Động cơ cao thượng này khiến Ngài cảm thất thất vọng nơi chứng đắc tối hậu của hai đạo sĩ Alara Kalama và Uddaka Ramaputta mà bỏ ra đi.

Lời thố lộ tâm sự của Ngài với một chú cừu con què chân xấu số khi Ngài bế nó theo kịp cừu mẹ đến đàn tràng hy sinh tế lễ do Vua Tần-bà-sa-la tổ chức trong bước đường Ngài bôn ba tìm chơn lý phản ánh một tình thương lớn, chí nguyện lớn và trí tuệ lớn, cung cách ấy chỉ biểu lộ ở bậc thánh nhân: "Dù con về xa đến đâu, ta cũng sẽ bồng con theo mẹ con đến đấy. Trong lúc ta chưa tìm ra được phương thuốc để cứu độ toàn thể chúng sanh, thì ít nữa, ta cũng cứu được một mình con thoát khỏi đau khổ. Vì như thế còn hơn là ngồi trên núi như những kẻ tu hành kia để tự hành hạ thân xác và để cầu được thoát khổ với những vị thần bất lực." Ngài đã khuyên nhà vua đừng giết súc vật để tế thần. Đạo của Ngài là Đạo cho đời, Đạo của tình thương, đại nguyện của Ngài là cứu độ toàn thể chúng sanh thoát vòng đau khổ. Đó không phải là một Đạo đưa đến những sự chứng đắc lửng lơ, không ăn nhập với cuộc sống con người.

Sự kiện Phật thành đạo càng có ý nghĩa cứu tinh hơn nữa nếu chúng ta nhìn nhận vào chính ngay trong lòng xã hội thời Đức Phật. Thời kỳ này nảy sinh quá nhiều tư tưởng gia, gần một trăm hệ phái thần học, triết học khác nhau. Xã hội thật vô cùng phức tạp: tình tràng tâm linh con người rất đen tối, sự xáo trộn về trật tự gia đình, xã hội, tín ngưỡng đã bộc phát một cách mãnh liệt ở ngay nội tâm và ngoại giới. Con người lúc ấy chỉ còn là nạn nhân của các thánh kinh và các Đạo giáo. Tình trạng thật bi đát cho phụ nữ, cho giai cấp thấp bị bóc lột lao động và đối xử phân biệt, chiến tranh và thống trị diễn ra thường xuyên. Giữa hoàn cảnh bế tắc ấy, Đức Phật xuất hiện như một mặt trời sáng rỡ buổi sáng mai xua tan đi những bóng tối của đêm đen dày đặc đang che phủ cuộc đời. Không tuyên bố chính thức nhưng Ngài thực sự là một nhà cách mạng xã hội chân chính, mang đến bao nhiêu sự đổi đời theo chiều hướng tốt đẹp.

Nhìn lại hành trình đã đi qua, chúng ta càng thấm thía giá trị của tự nỗ lực và thực hành trong Phật giáo. Sự thành đạo của Ngài là kết quả tự nhiên của tự tu tự chứng chớ không mảy may chứa đựng bóng mờ của giao cảm với thần linh hay cứu rỗi. Hình ảnh gầy gò tiều tụy của Ngài trong sáu năm đăng đẳng nời Khổ hạnh lâm là ấn tượng sâu đậm nhắc nhở chúng ta tinh tiến trên con đường đã được khai quang bằng phẳng vì:

"Nếu chẳng bao phen sương buốt lạnh,
Hoa mai đâu tỏa ngát mùi hương!"

Suốt quãng đời giáo hóa, Ngài không ngớt nhắc nhở chúng ta qua bao lời dạy nời kinh điển ghi lại: "Các con hãy tự mình cố gắng, Đức Như Lai chỉ là bậc Đạo Sư," hay "Hãy tự mình làm hòn đảo, làm nơi nương tựa cho chính mình" và "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi." Đạo Phật chú trọng ở thực chứng: nước nóng lạnh uống vào tự biết chớ không chuyên hý luận suông, sáo rỗng vô ích hay cuồng tín và cầu nguyện che chở từ quyền uy tột bực của các đấng siêu nhiên. Con đương đời tranh đua danh lợi đã khó huống nữa là con đường "Nghịch lưu" cắt đứt dòng triền miên của sự sanh tử luân hồi đưa đến giải thoát tối hậu? Mỗi người Phật tử phải là một hành giả, một chiến sĩ trung kiên trên chiến trường thầm lặng vì chính những vô minh phiền não nơi bản thân ta là những kẻ thù nguy hiểm nhất và: "Chiến thắng vẻ vang nhất là tự thắng được lòng mình."

Một bài học mà Đức Phật suýt nữa phải trả giá bằng chính cái sinh mạng của mình mới nhận được và Ngài dạy lại thật ấn tượng ngay lời mở đầu của kinh Chuyển pháp luân cho năm anh em Kiều-trần-như, những người đã từng là bạn đạo đồng hành, chia xẻ cực nhọc tột bực với Ngài trên đỉnh Tuyết sơn, là: "Có hai tuyệt lộ mà người tìm chơn lý không nên theo. Hai tuyệt lộ ấy là những gì? Ấy là con đường buông lung theo dục lạc thấp hèn bất tịnh, không phù hợp với mục đích, và con đường khổ hạnh ép xác không sáng suốt, không phù hợp với mục đích. Không theo hai đường ấy, người tìm chơn lý giữ theo Trung Đạo, con đường đưa đến tuệ giác, đến tri kiến, đến sự tỉnh thức, Niết-bàn ... Ấy chính là con đường cao cả của Bát chánh đạo ..." Đó là con đường của Giới, Định, Tuệ và Lục độ ba la mật. Như một dây đàn không quá chùn hay quá căng sẽ phát ra những âm thanh du dương, vi diệu, sự tu tập cần phải tránh hai cực đoan: lợi dưỡng, thọ hưởng, trụy lạc với vật dục và ép xác, cưỡng bức quy luật phát triển tự nhiên, tham cầu chứng quả tức khắc. Phật tử phải là người cảm nhận an lạc, giải thoát, thăng hoa trong từng bước chân, từng hơi thở của cuộc sống hàng ngày. Bình thường tâm thị đạo.

Quan trọng hơn hết là chúng ta phải nhận chân được sự thành đạo chẳng qua là một sự trở về. Thực ra Đức Phật đã không vươn đến một ngôi vị cao xa, hay nắm bắt trong tay một đối tượng đặc biệt làm dấu ấn cho riêng mình mà đó là sự hiển lộ của gương sáng tự tâm sau khi bụi mờ vô minh đã tiêu tan. Sau này, Ngài dạy tất cả chúng sinh đều có: Phật tánh, Niết-bàn tự tánh, Viên giác diệu tâm, Chân như thật tánh, Bản lai diện mục, Như lai tạng ... Chúng ta mãi trầm luân sanh tử vì chúng ta như những cùng tử mang viên ngọc trong chéo áo mà không hề hay biết để đi lang thang, "bụi đời" khắp trong thiên hạ. Đó cũng là ý nghĩa mà Ngài dạy trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương: "Tu nhi vô tu, hành nhi vô hành, chứng nhi vô chứng." Nếu có ai đó trong chúng ta cảm thấy sự dị thường, vượt trội chấp nhặt và hãnh diện nơi sở đắc thì nên tự xem xét lại sự tu tập của chính mình.

Trong lịch sử nhân loại, chúng ta chưa hề thấy ai đã từng đề cao tinh thần bình đẳng như Ngài. Ngài bức xúc và chấn động tinh thần cao độ khi nhìn thấy mồ hôi nông phu trên luống cày và sự sống được đắp bồi bằng cái chết của sinh vật khác trong ngày lễ Hạ điền. Ngài kinh ngạc khi nhìn thấy nỗi khổ của kiếp nhân sinh ngoài thành và dừng xe lại hỏi Xa-nặc trước những cảnh tượng oái oăm mà ai cũng đều cho là bình thường, hiển nhiên trong đời sống: Cái gì vậy? Ai vậy? Có phải là người không? Ta có như vậy không? ... Có lẽ nếu mọi người đều đầy đủ tiện nghi để được hạnh phúc như Thái tử Tất-đạt-đa thì Ngài đã không băn khoăn trăn trở đi tìm lối thoát làm gì? Cử chỉ yêu thương vuốt ve, chăm sóc của Ngài với các sinh vật bé nhỏ như chim bồ câu bị bắn cung, cừu con sắp bị giết để tế lễ là bài học về tính không sát hại, tôn trọng mạng sống và bình đẳng trong Phật giáo.

Trên tất cả là Ngài đồng hóa địa vị của một vị giáo chủ với môn đồ trong lời dạy quan trọng bậc nhất mà Ngài từng để lại: "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành." Kinh Pháp Hoa, phẩm Thọ ký và Thường Bất Khinh Bồ tát lại tiếp tục hình tượng hóa lời dạy này. Cảm hứng cho chân lý ấy hẳn là những hình ảnh hoa sen thấp cao khác nhau, vươn trong hồ nước nhưng không vướng bùn nhơ hiện ra trong tâm trí Đức Phật giống như Phật tánh sẵn có nơi mỗi chúng sanh mà ngày nay chúng ta còn thấy hồ sen kỷ niệm bên phải Bồ-đề Đạo Tràng, để rồi Ngài quyết định thuyết pháp cao siêu nhiệm mầu đến với chúng sanh. Cánh cửa giải thoát đã mở ra cho tất cả chúng sanh. Phật tánh bình đẳng là cơ sở quan trọng để sau này Ngài thâu nhận một cách rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội: thiếu niên, kẻ phạm tội giết người, phụ nữ, kỷ nữ, người bần tiện, ngoại đạo, hoàng tộc ... vào trong giáo đoàn. Thật vĩ đại biết dường nào khi chúng ta nhìn thấy xã hội Ấn Độ ngày nay còn nặng đầu óc phân biệt giai cấp mà ngay từ thời tiền sử ấy, Đức Phật đã lên tiếng kêu gọi xóa bỏ giai cấp: "Tình thương là sợi dây liên lạc giữa người với người, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng măn. Một người sinh ra không ai mang sẵn từ trong thai vòng dây ở cổ hay dấu Ti-ca trên trán." Đức Phật đã đòi quyền làm người, nêu cao nhân phẩm mọi người. Sự việc Ngài đã cởi bỏ áo gấm tột bực cao sang của một Thái tử để khoác lên mình y bá nạp, cầm bát đi khất thực tân hang cùng, ngõ hẻm của đời sống là một sự hòa hợp lớn lao, thoát xác vĩ đại. Ngài là nhân tố tích cực quyết định trong việc cải sửa cái thành kiến khinh thường của vua Tịnh Phạn, đại diện cho tầng lớp cao quý nhất thời bấy giờ, đối với những người đi "xin ăn" này. Tất cả chỉ vì do đầu óc tham lam, muốn bóc lột và tự đề cao mình của con người mà nảy sinh ra hàng rào ngăn cách phân biệt trong quan hệ giữa người và người. Con người nên sống trong sự bình đẳng, hòa ái, tương trợ để hạnh phúc và giải thoát.

Đức Phật thành đạo là một bằng chứng xác đáng nhất cho chân lý: Niết-bàn tại thế hay: "Phiền não tức bồ đề, sanh tử tức Niết-bàn." Mọi người khỏi phải chờ đợi đến kiếp nào khác để đạt được quả vị tối cao và dừng công cuộc tìm kiếm vô bổ đến một Thiên đường, Niết-bàn xa xôi, huyền diệu. Hoa sen Niết-bàn nở ngay trong vũng bùn lầy thế gian nhơ nhớp, ô trược. Phật ra đời ngay trong lòng thế gian đau khổ và lìa chúng sanh là không có Phật. Cũng một con đường ấy nhưng mê là chúng sanh, ngộ là Phật. Với phàm phu, cõi đời này đầy rẫy ma chướng, ngũ trược ác thế nhưng với thánh nhân đây là bảo sở, là Phật quốc trang nghiêm, nghĩa là: Tâm tịnh, Phật độ tịnh. Chúng sanh mê mờ nên bị "Trần sử," gây tạo thêm nhiều nghiệp chướng, xấu ác; góp phần tạo nên thế giới khổ đau, u tối nhưng bậc giác ngộ lại "Sử trần" chuyển hóa và thăng hoa cuộc đời.

Có một số học giả lại nghi ngại rằng: quả thật đối với hết thảy nhân loại và chúng sanh, Đức Phật tu hành thành đạo trở thành một đấng Đạo sư đáng tôn kính, nhưng đối với Phụ mẫu, vợ con, hoàng tộc và xã tắc, Ngài chưa hoàn thành trách nhiệm chăng? Xin thưa rằng: Không!!! Ngài là con người toàn hảo về giá trị luân lý và đạo đức.

Với Hoàng tộc, Ngài đã là một Thái tử xứng đáng, văn võ toàn tài, xuất chúng. Với Phụ mẫu Ngài là người con chí hiếu: chấp nhận lấy vợ và sinh con để có người nối dõi trước khi Ngài quyết định xuất gia dù biết trước làm như vậy là gây thêm khó khăn trở ngại cho Ngài vì ân ái buộc ràng. Sau này, Ngài thuyết pháp khiến Tịnh Phạn Vương đạt đến thành quả thứ ba trước khi băng hà. Ngài còn đích thân khiêng quan tài của vua cha.

Ngài đã bao phen lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ, tiên nữ Maya. Khi đã nhập Niết-bàn, Ngài còn bật nắp kim quan để cho mẹ mình chiêm ngưỡng một phần tấm thân do cha mẹ đã tạo ra trong kiếp người lần cuối trước khi thi thể Ngài được hỏa táng tại Câu-thi-na. Dì Mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề được chấp nhận vào giáo đoàn dù Ngài biết trước rằng có những khó khăn phức tạp xảy ra khi chấp nhận nữ giới vào dòng thánh. Với vợ từ khi thành hôn, Ngài đã bao phen tâm sự, an ủi và gián tiếp báo trước rằng Ngài sẽ xuất gia một ngày không xa để mong nàng thông cảm, chấp nhận sự hy sinh, vắng bóng người chồng và nhờ đó nàng đã chịu đựng được sự đơn độc nhiều năm liền. Ngay trong đêm cuối cùng trước khi thành đạo, một lần nữa hình ảnh của công chúa Da-du-đà-la lại hiện ra vẫy gọi Ngài quay về với đời sống thế tục, điều đó chứng tỏ Ngài khó lòng quên được tình nghĩa, đời sống thủy chung và cố gắng lắm mới thoát khỏi vòng ân ái tục lụy. Khi thành đạo quay về thành Ca-tỳ-la-vệ, Ngài đã để cho Da-du-đà-la biểu lộ tình cảm tự nhiên theo ý thích của nàng du bao người lo lắng là làm như vậy sẽ tổn thương uy tín và suy giảm lòng tôn kính đối với một vị giáo chủ. Không lâu sau đó, Ngài chấp nhận cho Da-du-đà-la cùng Dì Mẫu thành lập Giáo đoàn Ni. Còn với con mình, Ngài sẵn sàng để cho con tự quyết định đời mình và chia gia tài theo ý con thích. Ngài chấp nhận thỉnh cầu của La-hầu-la, thâu nhận vào hàng thánh chúng. Vậy cả gia đình Ngài và Hoàng tộc đều có dự phần lợi lạc giải thoát: Tịnh Phạn Vương là vị Ưu-bà-tắc đầu tiên được chứng quả A-Na-Hàm, Tiên nữ Ma-Gia là vị đầu tiên được Phật thuyết pháp ngay chính thiên cung, Dì Mẫu và công nương Da-du-đà-la là phụ nữ đầu tiên được Ngài chấp nhận vào Giáo Hội và La-hầu-la là vị thiếu niên đầu tiên trở thành Sa-di và sau này là một trong thập đại đệ tử của Phật. Nhiều vị trong hoàng tộc theo bước chân của Ngài xuất gia đắc quả. Ngài đã bao phen ngăn cản nghiệp chướng chung của dòng họ Thích về thảm họa tiêu diệt nhưng rốt cuộc đành chịu thua trước tai họa "Lưu Ly Vương." Ngài đã dạy mọi người bỏ đi cái ân ái, hệ lụy thường tình để đi đến tình thương rộng rãi đại đồng hơn cùng vạn loại và xóa bỏ đi cái ranh giới hẹp hòi của quốc gia, xã tắc vì nó là mầm mống của chiến tranh, xung đột, hãy nghĩ đến các nước láng giềng và cộng đồng người. Bao quy tắc luân lý được Ngài thiết đặt sau này cho quan hệ tốt đẹp giữa người và người cũng như bao giới luật mà Ngài chế định là nền tảng luân lý đạo đức cho một xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

Đặc biệt Phật thành đạo là sự kiện đề cao giá trị nhân bản. Phật chứng quả ngay trong kiếp người, Phật là người giác ngộ; điều đó chứng tỏ con người có địa vị tối ưu để trở thành Phật như kinh Hoa Nghiêm dạy: "Nhân thị tối thắng, năng sinh nhất thiết chư thiện pháp cố." Được làm thân người là rất quý báu, khó khăn. Trong khi bao đạo giáo khác dạy con người phải hướng đến thần linh, phải trút bỏ đi kiếp người lỡ vướng mang, thì Đức Phật đã trả lại giá trị đích thực của kiếp người. Ngài là một bậc siêu nhân hơn tất cả mọi thần thánh mà loài người từng biết tới nhưng Ngài cũng mang một trái tim rất người. Ngài lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết mọi vấn đề bế tắc của thời đại, cả về nhân giới, tâm giới và siêu giới. Con người tự chịu trách nhiệm đối với cá nhân mình và hạnh phúc của chính mình chứ không có vấn đề ban phúc giáng họa từ một đấng tối cao. Đức Phật đã mang đến niềm tin, trí tuệ và giải thoát cho con người. Ảnh dụ "Người cùng tử" trong kinh Pháp Hoa là Đức Phật nhắc con người đừng đánh mất chính mình, hãy tìm và trở về với con người thật nơi chính mình. Đừng rồ dại vọng cầu nơi khác.

Một vấn đề mang tính chất thời đại mà nhân loại quan tâm là: bảo vệ môi trường sống. Đức Phật đã là chiến sĩ xung phong trên lãnh vực này. Ngài ra đời nơi một cành cây trong vườn Lâm-tỳ-ni, xuất gia tu học trên Khổ Hạnh Lâm, gắn bó với Sông Ni-liên-thuyền và ngồi thiền định trên bó cỏ, chứng quả dưới cội Bồ-đề khi sao mai vừa mới mọc. Sau đó Ngài chuyển pháp luân ở Vườn Lộc Uyển, an cư kiết hạ nhiều năm nơi làng mạc, rừng núi và cuối cùng Ngài Thị Tịch trên vùng Câu-thi-na còn hoang sơ thuở ấy. Ngài trải rộng tình thương đến tất cả mọi loài. Có lẽ do ảnh hưởng lớn của tinh thần tôn trọng sự sống nơi Ngài mà quan hệ giữa người và vật ở Ấn Độ rất thân thiện và xứ Phật còn có nhiều rừng nguyên sinh và số lượng cỏ cây, thú vật rất phong phú. Ngài sông hòa lẫn với thiên nhiên, thiên về những vẻ đẹp nơi bản chất tự nhiên chưa có bàn tay con người làm méo mó, dị dạng, lệch lạc đi. Tiếc rằng số lượng lớn nhân loại chưa chịu học tập và thực hành đầy đủ theo lời dạy của Ngài nên môi trường sống của chúng ta càng ngày càng tệ hại hơn và đưa đến sự khủng hoảng đến mức độ báo động về sự hủy hoại cuộc sống.

Phật thành đạo còn mang một ý nghĩa căn bản cho việc thiết lập một nền giáo dục toàn diện. Nền giáo dục cần phải đặt trên nền tảng của chuyển hóa, hướng thượng tinh thần, tâm thức con người. Tâm là chủ quyết định cho mọi hành động của con người. Con người là chủ thể xã hội. Vậy một nền giáo dục đích thực phải bắt đầu từ việc cải tạo tâm. Bao cuộc cách mạng xã hội đã thất bại vì chính những người làm cách mạng muốn chinh phục thiên nhiên, chinh phục xã hội trong khi chưa làm chủ được tâm mình. Kinh nghiệm phong phú, quý giá và thực tiễn trong việc chế ngự và điều phục, quy hướng tâm và hiển lộ chơn tâm xuyên suốt quá trình 35 năm suy tư và 6 năm thiền định của Đức Phật, kho tàng giáo lý trong 49 năm thuyết pháp đều nhằm hướng đạo có hiệu quả cho mọi người tu tập đối trị tám vạn bốn ngàn hay vô lượng phiền não phát khởi từ nơi vọng tâm của con người. Đổi mới tư duy là yếu tố quyết định cho mọi công cuộc đổi mới. Chúng ta cũng nên dè dặt, cảnh giác trong mọi sự trá hình, lẩn khuất và ngụy biện của tà tâm và ma đạo. Đạo Phật với tinh thần vô ngã, vị tha, tứ vô lượng tâm, lục độ ba la mật sẽ cung cấp chất liệu tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đưa xã hội loài người hướng đến Chân-Thiện-Mỹ và hiển lộ Niết-bàn tại thế.

Ngày nay, văn minh nhân loại đã vươn đến đỉnh cao, bao nhiêu nhà khoa học đã được cấp những bằng phát minh và đạt được giải thưởng danh dự nhưng thử hỏi xã hội loài người chúng ta đã thực sự yên vui hạnh phúc chưa? Đọc một trang báo, nghe một mẫu tin trên đài, thoáng nhìn vào màn ảnh ti vi là chúng ta thấy đầy dẫy những tệ nạn xã hội và nỗi đau khổ nhức nhối mà loài người còn đang gánh chịu: chiến tranh giữa các quốc gia, kỳ thị tôn giáo, sắc tộc, bệnh hoạn, thiên tai, môi trường sống trở nên khô cằn đang hủy diệt dần, buôn lậu, tệ nạn tham nhũng, quan liêu, bóc lột, tệ nạn xã hội, biểu hiện văn đồi trụy nhan nhãn, bao nhiêu người bế tắc tự tử ... Vậy những phát minh, tiến bộ ấy về khoa học kỹ thuật đã giúp cho loài người được bao nhiêu? Tỉ số phần trăm của những người trên hành tinh này được hạnh phúc là bao nhiêu? Hai cuộc chiến tranh thế giới xảy ra trong thế kỷ vừa qua, hai quả bom nguyên tử nổ tung nơi 2 thành phố Nhật Bản Hiroshima và Nagasaka, bao chất độc màu da cam và bom mìn trong lòng đất hủy hoại thế giới khủng khiếp còn tệ hơn tất cả những cuộc chiến tranh phá hoại sự sống từ thời nguyên thủy đến thế kỷ xx. Chính lòng tham lam, ích kỷ, sân hận và si mê của loài người đang tiêu diệt con người. Có một số nền văn minh mới đã sản sinh ra những con người muốn thâu tóm cả thế gian vào lòng mình, nhẫn tâm giẫm lên nỗi thương đau của bao người khác và bất chấp mọi thứ hậu quả nghiêm trọng nào sẽ xảy ra cho thế giới này. Thử nhìn một số nước, chúng ta ngậm ngùi khi bao nhiêu cuộc chạy đua, cạnh tranh sinh tồn đã làm cho xã hội nhân loại xáo trộn. Văn minh Tây phương hiện đại đã làm mọi giá trị đảo lộn, chỉ còn một giá trị duy nhất được tôn thờ là vật chất, hiệu quả sản xuất, khối lượng hàng hóa. Con người càng ngày càng lún sâu vào sự nô lệ của vật dục và sống một cuộc sống tâm hồn khô cằn, trống vắng, đơn điệu, nhàm chán. Thời đại công nghiệp đã quay cuồng mọi người trong nhịp độ sống khẩn trương đến mức có những người không còn có phút giây dừng lại để suy nghĩ trước khi hành động. Nhân loại có còn tồn tại không nếu một quả bom nguyên tử thứ ba bùng nổ.

Một điều thật trớ trêu là trong khi văn minh, khoa học kỹ thuật phát triển cao đến mây xanh thì văn hóa tâm linh của con người lại lún xuống bùn sâu. Nhân loại đang ở trong thế lựa chọn: thay đổi để tồn tại hay mặc nhiên chấp nhận sự diệt vong. Vậy nhân ngày Phật thành đạo này, nhân loại hãy dừng lại một phút giây để nhớ đến Ngài, học hỏi từ sự thành đạo của Ngài để tìm ra giải pháp thiết thực cho những khủng hoảng thời đại. Đức Phật xuất hiện vì con người còn đau khổ. Ánh sáng chơn lý của Ngài vượt thời gian, không gian sáng soi khắp vũ trụ thiên thu bất diệt vì Ngài luôn quan tâm đến vấn đề muôn thuở của con người. Chính vô minh và tham ái là kẻ thù độc hại nhất của loài người. Câu nói của Cố Thủ Tướng Ấn Độ Jawaharlaf Nerhu là lời nhắc nhở canh cánh bên tai chúng ta khi Ông kêu gọi con người hiện đại hãy quay về với những chân lý mà Đức Phật Thích-ca đã phát hiện và tuyên bố với nhân loại cách đây hơn 2500 tại Ấn Độ:

"Chúng ta sống trong một kỷ nguyên xung đột và chiến tranh, hận thù và bạo lực ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tất cả chúng ta cần thiết hơn bao giờ hết, phải nhớ lại bức thông điệp bất hủ của Đức Phật, người con vĩ đại nhất và cao cả nhất của xứ Ấn Độ, đã gởi đến chúng ta, đến các vị, đến tất cả mọi người trên thế giới. Bức thông điệp tuyên bố cách đây hơn 2500 năm, hiện nay vẫn sống động, vang động mãi trong tâm khảm chúng ta, cho chúng ta nguồn cảm hứng để đối phó với mọi khó khăn và rối ren, đang đe dọa tràn ngập làm chìm đắm chúng ta."

Cùng với ý nghĩa ấy, cựu Tổng Thống Ấn Độ, tiến sĩ Radhakrishna cũng tuyên bố trước sự hiện diện 60 học giả danh tiếng thế giới trong cuộc hội thảo tại Tân Đề Ly, năm 1956:

"Khoa học đã mang lại cho nhân loại nhiều quyền lực đến nỗi họ có thể tự phá hủy đời sống của mình, cho nên có thể nói rằng, nếu không vun trồng cho mình những đức tánh từ bi, bất bạo động thì loài người hủy hoại tất cả, hủy hoại hạnh phúc mình và chính bản thân mình nữa."

Vậy hơn lúc nào hết, ngày nay cả nhân loại cần phải hướng về trong Ánh từ quang lan tỏa từ khi Phật thành đạo dưới cội cây Bồ Đề.

Hơn 25 thế kỷ trôi qua, thế giới đã trải qua bao cuộc đổi thay. Hôm nay chúng ta đến đây thì: núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, khác một điều là chúng ta đã có ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật. Chúng ta đang thừa hưởng gia tài của Đấng Từ Phụ để lại. Nhớ đến công lao khó nhọc Ngài đã tìm ra Ánh Đạo Vàng sáng soi muôn loại, chúng ta không phải kỷ niệm Phật thành đạo trong một ngày, một giờ là đủ mà cần chuyển hiện, khơi nguồn sáng đó vào đời sống, vào thời đại từng giây, từng khắc, từng sát na, từng hơi thở đời mình. Công đức Ngài là vô lượng, vô biên, sự thành đạo của Ngài là cao quý, hy hữu như hoa Ưu-đàm-tất-la trăm ngàn năm mới nở một lần thì chúng ta khó có thể hiểu biết và bàn trọn vẹn về ý nghĩa của sự Thành đạo của Ngài. Chúng ta đang lần theo dấu vết hành trình Ngài và những kỷ niệm nơi Sông Ni-liên ngàn năm vẫn rì rào tâm sự, ngọn Tuyết Sơn trơ gan cùng tuế nguyệt, cây Bồ-đề thiêng liêng che chở tinh thần bao người chiêm bái, Tháp Đại Giác sừng sững uy nghiêm như bảo sở và Phật quốc giữa lòng nhân loại và hình tượng từ bi trí tuệ Ngài đang ngự nơi chánh điện và hỷ lạc trước sự trở về của những đứa con lạc loài bao năm tháng sẽ là hành trang tâm linh vô giá cho những người con Phật trên hành trình tu học. Chúng ta đang từng bước đến gần Ngài để tìm được phút giây hòa hợp trọn vẹn trong nền giao cảm với Ngài, với cây Bồ-đề và với thể tánh nhất như.

Nalanda,
Hướng đến ngày Phật Thành Đạo
Thích Nữ Liên Chương

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/116-thanhdao.htm

 


Cập nhật: 1-1-2001

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang