...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Tìm hiểu vấn đề Niết
Bàn của Phật Giáo
- Lê Ngọc Cương - NCS Đại Học
KHXH & NV
N iết Bàn (Nirvana) là khái niệm của Phật
giáo, một tôn giáo không công nhận và không thừa nhận có Thượng Đế,
có thần, có linh hồn trường cửu. Mục đích cao cả của Phật giáo là
Niết bàn. Ngoài Niết bàn và khao khát chứng đắc Niết Bàn, người Phật
tử không tìm kiếm và mong muốn gì khác. Vậy Niết Bàn là gì ? Niết Bàn
có tồn tại, hiện hữu không ? Nếu tồn tại, hiện hữu thì Niết Bàn
ở đâu? Nếu tồn tại, hiện hữu thì với tư cách là cái phản ánh, Niết
Bàn là khaí niệm được rút ra từ bản chất của một tồn tại thực
là khái niệm thực, có ý nghĩa. Nếu không tồn tại, hiện hữu thì cái gọi
là Niết bàn chỉ là ảo vọng do con người tạo ra để tự huyễn hoặc mình.
Câu hỏi nữa là tồn tại hay không tồn tại thì niềm tin vào Niết Bàn
có đem đến cho người một giá trị nào không ? Bài viết sẽ phân tích từng
vấn đề.
Muốn giải đáp những câu hỏi trên đây, điều nhất thiết là phải nắm
được tổng quát triết lý của Phật giáo. Có thể nói toàn bộ triết
lý của Phật giáo dựa trên kinh nghiệm ngộ (The Englightened) mà Phật tổ Như Lai đã đạt được. Theo Ngài, triết
gia dù có kiến thức như thế nào chăng nữa thì kiến thức phải phát
sinh từ kinh nghiệm của chính triết gia, cái kinh nghiệm đó chính là kiến
hay thấy. Phật tổ luôn luôn nhấn mạnh điều này. Tri phải luôn đi liền
với kiến, vì không có caí thấy thì cái biết không có chiều sâu, không
thể hiểu được bản chất của thực tại, của đời sống. Hiểu biết
sâu sắc là hiểu biết tự mình tìm ra. Hệ thống tư tưởng của Ngài dựa
trên cái kinh nghiệm ngộ mà Ngài đã chứng nghiệm sau sáu năm khổ tu và
49 ngày nhập định dưới cội cây Bồ đề. Tất cả những gì Ngài dạy,
những tư tưởng về vũ trụ, về nhân sinh và thái độ của con người đối
với cuộc đời ... là sự khai mở cái tri giác nội tại mà Ngài đạt
được lúc bấy giờ. Có thể tóm tắt cốt tủy tư tưởng của Phật giáo
như sau : Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết Bàn tịch tịnh. Vạn
vật đều vô thường. Vạn vật đều được tập hợp lại mà thành, đều
do nhân duyên chi phối tạo thành. Duyên hợp thì vạn vật tồn tại, hiện
hữu, duyên tan thì vạn vật không tồn tại, không hiện hữu, vạn vật bị
huỷ hoại. Vạn vật luôn luôn đang trở thành, đang vô thường. Vạn vật
đều vô ngã. Vạn vật đều do duyên nên không có tự tính, không có bản
tính của riêng mình, không tồn tại độc lập. Tất cả đều nương tựa
vào nhau, cái này có thì cái kia có, cái này không có, thì cái kia không
có. Không có cái nào tự mình có được. Không có vật nào là một thực
thể riêng biệt, không biến chuyển. Vô ngã do đó cũng là vô thường. Vô
thường là đứng về phương diện thời gian, vô ngã là đứng về phương
diện không gian. Kinh Lăng già viết : "Tất cả các sự vật đều không
có tự tính vì rằng chỉ có một sự tương tục ngay liền không gián đoạn
và những biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác được quán
thấy khắp hiện hữu. Nếu có tự tính không bị ảnh hưởng của sự
thay đổi và biến hóa thì cái dòng sinh hóa này của vũ trụ không bao giờ
xảy ra". Do nhân duyên tác động, sự biến hóa trở thành liên tục,
tuyệt đối nên vạn vật chỉ là hư ảo, không có vật nào tồn tại vĩnh
viễn. Không thực có sinh, có diệt, có sự vật này, có sự vật kia. Sinh
là diệt, diệt là sinh. Do nhân duyên thế giới trở thành vô thủy vô
chung, không đầu không cuối. Vạn vật vô thường, bất định và chỉ có
sự biến đổi vô thường bất định này mới là chân thực, vĩnh viễn,
thường hằng. Bản chất chân thực của thế giới là vô thường vô ngã
nhưng con người lại vô minh, không nhận ra chân tướng của thực tại đó.
Con người không thấy được thân xác ngũ uẩn của nó cũng là vô thường
vô ngã, cũng bị định luật nhân duyên chi phối, nên con người tham, sân,
si. Tham là muốn chiếm đọat làm của riêng, sở hữu riêng cho mình. Sân
là giận dữ, thù hận, ganh ghét vì không đạt được ý muốn. Si là u
mê, tăm tối chạy đuổi theo những giá trị hão huyền do vô minh tạo ra.
Vô minh dẫn tới ái dục. Vô minh và ái dục dẫn dắt con người nên đời
người là khổ, sống là khổ. Kinh Pháp cú viết : "Không có lửa nào
như lửa tham, không có ngục tù nào như lòng sân, không có lưới nào như
Vô minh, không có dòng sông nào như ái dục"(Kinh Pháp cú - Thích Minh
Châu, Thành Hội PG TP HCM ấn hành, 1986, tr.23). Do ái dục con người hành động
và hành động tạo thành nghiệp và nghiệp đưa con ngời quanh quẩn trong
luân hồi : sinh rồi chết, chết rồi tái sinh, tái sinh rồi chết. Sinh ra
làm người làm súc sinh, làm ngạ quỷ hay A tu laẨ là tùy thuộc vào hành
động của chúng ta. Tu đạo là để chấm dứt vòng luân hồi sinh tử, để
thoát ra khỏi vòng sinh tử tử sinh triền miên vô hạn, để đạt tới Niết
bàn.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là : Niết bàn với tư cách là sự chấm
dứt vòng luân hồi, thì nó là không gian thực hay là cái gì ? Nếu nó là
không gian thực thì Niết bàn ở đâu ? Kinh Milida - Pananà viết :
"Không có nơi nào nhìn về hướng Tây, hướng Nam, hướng Đông, hướng
Bắc, phía trên, phía dưới hay phía ngoài mà có thể nói là Niết Bàn ...
như lửa, không phải được tích trữ một nơi đặc biệt nào, nhưng khi hợp
đủ điều kiện thì lửa phat (1) sinh. Cũng thế ấy ta không thể nói là
Niết Bàn ở đâu nhưng khi đạo đủ duyên đầy thì quả Niết Bàn được
thành tựu (Đức Phật và Phật pháp - Nhà xuất bản Thuận Hoá và Thành Hội
PG TP HCM ấn hành 1994, tr.474). Kinh Đại Niết Bàn cũng viết : "Trong Niết
Bàn không có mặt trời, mặt trăng, tinh tú, lạnh, nóng, gió, mưa, sanh, già,
bệnh, chết, 25 cõi Ẩ. Niết Bàn như vậy là chỗ Như Lai ở thường không
biến đổi". (Kinh Đại Niết Bàn tập 1 Thành Hội Phật giáo TP HCM ấn
hành 1994, tr. 122-181). Lời giải thích của Đức Nàgasenna và của chính Đức
Phật cho ta thấy Niết Bàn không phải là không gian thực, tức là một nơi
chốn nào đó, không phải là một cảnh trời nào đó, và Niết Bàn cũng
không ở đâu cả. Nếu như vậy, thì phải chăng Niết Bàn là hư vô, là
không thực có. Phật giáo đưa ra câu chuyện như sau : Lâu lắm cá mới gặp
lại rùa. Cá hỏi :
- Chào chị rùa, chị đi đâu mà lâu rồi tôi không gặp ?
- A , chào chị cá. Tôi đi chơi ở trên đất khô -
Rùa trả lời.
- Đất khô à ? Cá ngạc nhiên - chị nói đất khô,
vậy đất khô là cái gì ? Đất làm sao mà khô được ? Tôi chưa khi nào
thấy đất màkhô. Đất khô chắc là không có gì hết.
- Chị muốn nghĩ vậy cũng được - Rùa đáp - Tuy
nhiên tôi đã đi chơi ở đất khô thật.
- Này, chị rùa, chị nói lại coi. Đất khô mà chị
nói ra làm sao, giống như cái gì ? Nó có ẩm ướt không ?
- Không, đất khô không ẩm ướt.
- Đất khô có mát mẻ êm dịu dễ chịu không ?
- Không, đất khô không mát mẻ, êm dịu và dễ chịu.
- Đất khô có trong suốt và ánh sáng rọi xuyên
qua được không ?
- Không, đất khô không trong suốt và ánh sáng cũng
không rọi xuyên qua được.
- Đất khô có mềm mại và dịu dàng để mình bơi
lội trong ấy được không ?
- Không, đất không mềm mại và không bơi lội
trong lòng nó được.
- Đất có di chuyển và trôi thành dòng không ?
- Không ,đất không di chuyển và trôi thành dòng.
- Đất có nổi sóng và tạo thành bọt không ?
- Không, đất không nổi sóng và cũng chẳng tan thành
bọt.
Cá cười vang và khẳng định với rùa :
- Tôi hỏi cái gì, chị cũng khẳng định là không
: đất không ẩm ướt, không mát mẻ, dễ chịu, không trong suốt và ánh
sáng không xuyên qua được, không di chuyển và trôi thành dòng, không nổi
nóng và không tan ra thành bọt. Như vậy, cái mà chị gọi là đất khô, đó
chỉ là hư vô, không có thật, không có cái gọi là đất khô.
Câu chuyện trên cho thấy Phật giáo khẳng định Niết Bàn là có thật.
Niết Bàn không phải là hư vô. Nhưng Niết Bàn có thật mà không ở đâu
cả, không là không gian thật, không là nơi chốn hay cảnh trời nào đó
trong vũ trụ, thì Niết Bàn là cái gì ?
Nghiên cứu các kinh Udanna Itivuttaka và kinh Đại Niết Bàn cho thấy: Theo
Phật Tổ Như Lai khi vô minh và ái dục dẫn dắt và làm chủ con người thì
con người không thể làm chủ thực tại như nó là mà chỉ có tri thức về
thực tại. Con người bị chấp chặt vào tri thức đó, bị dính mắc và bị
chúng điều khiển. Con người tạo nên khổ đau cho chính mình và cho tha
nhân. Kinh Đại Niết Bàn viết : " Kẻ nào bị ái dục thiêu đốt, bị
ái dục áp đảo, bị mù lòa vì nó, kẻ ấy có những ý định tai hại
cho chính mình, cho người khác, cho cả mình lẫn người và kinh nghiệm những
khổ đau nội tâm, phiền não" (Kinh Đại Niết Bàn, tập 1, Thành hội
Phật giaó TP HCM ấn hành 1994, tr.122-181). Muốn xóa bỏ ái dục thì thực tại
phải được nhận thức như nó là. Khi thực tại được nhận thức như nó
là thì vô minh và ái dục bị tiêu diệt và giác ngộ phát khởi. Giác ngộ
là giác ngộ thực tại của thế giới hiện thực. Kinh Đại Niết Bàn viết
:
"Kẻ nào nhìn được chân tướng của sự vật với tuệ giác, kẻ
ấy không còn ham muốn sự hữuẨ.bằng sự tận diệt mọi ham đắm mà
có sự bất tham, sự đình chỉ ở mọi khía cạnh Niết Bàn"( Kinh Đại
Niết Bàn, tập 1, Thành hội Phật giaó TP HCM ấn hành 1994, tr. 122-181).
Như vậy Niết Bàn là tận diệt vô minh hay tri kiến sai lầm về thực tại,
tận diệt ái dục hay mọi tham đắm do vô minh đưa lại. Niết bàn là chấm
dứt tham, sân, si, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi do vô minh và ái dục dẫn
dắt. Niết Bàn là tuệ giác về thực tại, là sự giác ngộ viên mãn, là
nhận chân đúng thế giới như nó là, là chấm dứt dòng lưu chuyển gây
đau khổ và sự bám víu vào tri kiến sai lầm. Kinh Tạp A Hàm viết
:"Niết Bàn là gì, hỡi đạo hữu ? Sự tận diệt tham, tận diệt sân,
tận diệt si. Đó, này đạo hữu, gọi là Niết Bàn" (Đức Phật và
Phật pháp , NXB Thuận Hoá và Thành Hội PG TP HCM ấn hành 1994, tr. 467). Sir
Edwin Arnorl cũng viết :"If any teach Nirvana is to cease, say unto such they lie,
if any teach Nirvana is to leave, say unto such they err, not knowing this. From a
metaphysical stanpoint Nirvana is deliverance from suffering. From a psychological
standpoint Nirvana is the eradication of egoism. From an ethical standpoint Nirvana is
destruction of lust, hatred, and ignoranca"(The Light of Asia or The Great
Renunciation By Sir Edwin Arnorl London 1948, tr. 153) (Tạm dịch Nếu có ai dạy Niết
bàn là chấm dứt, hãy nói rằng họ đã dối lừa. Nếu có ai dạy Niết
Bàn đang sống đó, hãy nói rằng họ đã sai lầm. Không biết điều này.
Về phương diện siêu hình Niết Bàn là sự giải thoát khỏi khổ đau. Về
phương diện tâm lý, Niết Bàn là tiêu diệt lòng ích kỷ. Về phương diện
đạo đức, Niết Bàn là diệt bỏ tham sân si). Niết Bàn như được miêu
tả trên đây là một đạo quả, chứ không phải là không gian vật lý,
hay dạng tồn tại bản thể nào. Nó là trạng thái tinh thần mà bằng trí
tuệ rốt ráo con người đạt được, là sự thành tựu tối thượng của
sự chuyển hóa của nhận thức. Vậy trong trạng thái Niết Bàn, trong trạng
thái đã tận diệt tham sân si, đã chấm dứt luân hồi, đã diệt bỏ vô
minh và ái dục, con người sống như thế nào ?Muốn đạt đến Niết Bàn
trước hết và trên hết phải lắng đọng mọi hoạt động của thân, khẩu,
ý. Phải dứt bọ mọi sự quyến luyến dínhmắc vào các dạng cảm thọ,
các khoái cảm giác quan do vô minh đưa lại. Phải tiến hành thiền định
(Dhyana) . Thiền định là con đường đưa con người vào Niết Bàn giải
thoát. Trong trạng thái thiền định con người thấy rõ chân bản của thế
giới. Thế giới muôn sai ngàn khác, với các sự vật hiện tượng khác
nhau ở hình tướng, nhưng đồng nhất với nhau ở mặt bản thể. Tất cả
đều vô thường, vô ngã. Nhận chân được bản thể của vũ trụ như vậy,
con người phát khởi đại trí, đại bi. Con người phút chốc bừng nở
tình thương vô hạn đối với muôn loài muôn vật. Tất cả đều là một,
chỉ vì tri kiến sai lầm nên con người mới tham sân, si, mới hành động
tạo nghiệp để thỏa mãn và nâng cao cái ngã vốn vô ngã. Với tuệ giác
do thiền định đưa lại, ranh giới ta và người , ta và tha nhân, ta và
chúng sinh, người và vật biến mất, tình thương vô hạn, tình yêu vô
biên vối biên giới và nhân giới bừng nở, dâng tràn. Tuệ giác đưa con
người vào mát lành, hạnh phúc, an lạc.
Kinh Đại Niết Bàn viết :"Đây là sự bình yên. Đây là sự bình
yên tối thượng" (Kinh Đại Niết Bàn, tập 1, Thành hội Phật giaó TP
HCM ấn hành 1994, tr. 122-181). "Y ٠thức vị kỷ hay sự chấp ngã chấm
dứt" (Kinh Đại Niết Bàn, tập 1, Thành hội Phật giaó TP HCM ấn hành
1994, tr. 122-181). "Nghĩ rằng mình không có linh hồn thường trú, kẻ
ấy thoát được nhữngkiêu mạn, vị kỷ do ý niệm "Tôi là" thể
hiện" (Kinh Đại Niết Bàn, tập 1, Thành hội Phật giaó TP HCM ấn
hành 1994, tr. 122-181). Như vậy đạt Niết Bàn con người an lạc, tự tại,
hạnh phúc, thanh tịnh, bất nhiễm, giải thoát. Phật giáo đưa ra ví dụ
để so sánh hạnh phúc Niết Bàn với hạnh phúc giác quan như sau : Như người
bị ghẻ ngứa cảm thấy sung sướng lúc gãi nhưng sau đó là cảm giác
đau đớn do sự gãi. Do bị ghẻ mà anh ta có sướng và có khổ. Nhưng khi
không còn bị ghẻ, anh ta có sự sung sướng trong một dạng hoàn toàn mới
lạ và cao đẳng hơn. Cách kinh nghiệm hạnh phúc thế tục được xem như
kinh nghiệm ghẻ ngứa, còn hạnh phúc Niết Bàn giống với sự không bị
ghẻ. Người Phật tử gọi hạnh phúc đạt được ngay trong kiếp sống hiện
tiền, trong lúc mang thân ngũ uẩn là "Hữu dư Niết Bàn". Ngoài đạo
quả này còn có đạo quả "Vô dư Niết Bàn" là đạo quả mà các
vị A la Hán, các vị Bồ tát đạt được lúc trút bỏ xác thân ngũ uẩn.
Nhưng đó là chỗ mà Phật Tổ nói trí tuệ hữu lậu của chúng sinh chưa
thể hiểu được. Từ những phân tích trên cho phép rút ra những kết luận
về Niết Bàn của Phật giáo như sau :Niết Bàn là đạo quả đạt được
chứng ngộ như một đối tượng tinh thần. Nó là kết quả của sự nỗ
lực, vươn tới hiểu biết thực tại, thế gian như nó là. Đạo quả đó
xuất phát từ lập trường chấp nhận mọi khía cạnh của thực tại và
giá trị của nó. Niết Bàn không phải là chạy trốn khỏi thế giới,
không phải là sự phủ nhận hay chối bỏ thế gian mà là tìm cách để
chuyển hóa cái tri kiến sai lầm về thực tại, tìm cách để thay đổi thái
độ đối với thế giới làm cho nó trở thành một nơi chốn dễ chịu và
hạnh phúc hơn. Niết Bàn là sự giác ngộ mang tính trí tuệ với thành quả
là sự viên mãn nhân cách và hoàn hảo luân lý. Sự giác ngộ đó được
đặt căn bản trên nhận thức về chân tướng của thực tại, trên một
tuệ giác chân chính về thực tại. Niết Bàn không phải do Phật tạo ra
mà càng không phải là sở hữu của riêng Phật. Phật không tạo ra Niết
Bàn, không có uy quyền gì với Niết Bàn. Phật không đe dọa để hứa hẹn,
càng không đặt điều kiện để tuyển chọn ai vào Niết Bàn và cho ai đứng
ngoài Niết Bàn. Với Niết Bàn Phật chỉ là người chứng ngộ, đạt đến.
Với Niết Bàn, Phật và chúng sinh bình đẳng vì Phật và chúng sinh đồng
bản tính. Với Niết Bàn Phật là người đã thành, chúng sinh là người
đang thành, sẽ thành, nếu khát khao chân lý và nỗ lực tinh tấn, bước lên
con đường cao thượng. Với Niết Bàn Phật và chúng sinh là một. Với Niết
Bàn cái tôi vị kỷ, cái tôi hẹp hòi bị sụp đổ. Ranh giới giữa ta và
tha nhân tan biến vì thế gian đồng nhất ở bản thể. Với Niết Bàn con
người phát triển nhân cách của mình trên bình diện tâm linh và xã hội.
Niết Bàn vì vậy không phải là không gian vật lý, không phải là cảnh trời
hay nơi chốn nào đó mà người ta phải đăng ký để được xét duyệt,
tuyển chọn. Niết Bàn là thanh tịnh, bất nhiễm, giải thoát, là trí tuệ
tuyệt đối và tình thương tuyệt đối.
- (Tạp chí nghiên cứu Phật học số 5/2000)
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/140-nietban.htm
|
|