- ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP
- Thích nữ Diệu Huệ
Gần đây, sự tiến bộ quá nhanh của khoa học kỹ
thuật đã tạo ra những khủng hoảng xã hội, mất thăng bằng về sinh
thái, về văn hóa, tâm lý, đạo đức ... Nhà Vật lý học
Albert Einstein cho rằng : "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn
giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học.
Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu
nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh
nghiệm tổng thể, gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy
ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy".
Con người thời đại đã thông cảm và ca ngợi đạo
Phật như thế. Còn đối với hàng Thích tử, dẫu biết rằng học sơ
trí thiển, cũng xin vận tâm chí thành dâng lên cúng dường Đức
Thích Tôn nhân mùa Phật đản.
Chúng ta đều nhìn nhận rằng nội dung của đạo Phật
không ở nghi lễ, triết học hay thần thoại, mà chính là ở trong
lối sống, trong cách ứng xử của bản thân, giữa con người với
con người, giữa con người với thiên nhiên vũ trụ. Nếu không
nhờ những đặc trưng trên, có lẽ giáo lý đạo Phật khó vượt
thắng bao nhiêu luận thuyết của ngoại đạo trong xã hội Ấn Độ
trước và cùng thời với Đức Phật, và cũng khó tồn tại trong
một chiều dài lịch sử hơn 25 thế kỷ. Nổi bật trong lối sống, trong
cách ứng xử đó, là tinh thần khéo hành xử Trung đạo. Cuộc
đời hoằng pháp độ sanh 49 năm của Đức Phật đã thể hiện sự
xóa bỏ nhị biên giữa các cặp phạm trù đối đãi "nhận và
khước từ", "nhớ và quên", "nói và không
nói", "đi và dừng".
1. Đức Phật khước từ tất cả
mà nhận tất cả
Khước từ những gì ?
- Khởi đầu là khước từ
cung vàng điện ngọc, gia đình, địa vị, cuộc sống vương giả an nhàn
;
nói chung là khước từ dục lạc, là việc lập hạnh đầu tiên của
người xuất thế tục gia vì "đa dục là khổ". Người hành
đạo phải thiểu dục tri túc, chỉ giữ những vật cần thiết để duy
trì mạng sống mà hành đạo.
- Đến lúc qua bên kia bờ
sông A-nô-ma, Đức Phật lại cạo bỏ râu tóc (thể hiện chấm
dứt phiền não), gởi trả châu báu, vương phục (thể hiện
cởi bỏ mọi ràng buộc với gia đình, với địa vị).
Nhận những gì ?
- Đức Phật đã nhận bát
sữa để đánh dấu sự từ bỏ khổ hạnh vô nghĩa, nhận tám bó
cỏ Kusa làm phương tiện tọa thiền, nhận y bát để làm phương tiện
hoằng hóa, nhận tinh xá Trúc Lâm, Kỳ Viên
để làm nơi
an trú cho Tăng đoàn. Tóm lại, Đức Phật nhận tất cả những gì
cần thiết hỗ trợ cho việc tu hành của cá nhân người tu sĩ hay
của tập thể Tăng đoàn, cũng có khi Đức Phật nhận vì lòng bi
mẫn đối với chúng sanh mà làm phước điền cho thí chủ.
Nhận hay khước từ, đó là Đức Phật đã tùy
duyên mà ứng xử vì LỢI MÌNH, LỢI NGƯỜI, LỢI CHO ĐẠO PHÁP,
trước sau chẳng mâu thuẫn nhau.
2. Đức Phật nhớ tất cả mà
quên tất cả
Nhớ tất cả :
- Khi sao Mai vừa mọc, Đức
Phật đắc đạo, liền dành thời gian bảy ngày chiêm ngưỡng cây
Bồ-đề, nơi đã che mưa đỡ nắng, trợ duyên cho Ngài an trụ trong
thiền định suốt 49 ngày đêm và đắc quả vị Phật.
- Sau đó, Ngài tuần tự
nhớ nghĩ đến hai vị Thầy dạy mình đầu tiên là "A-la-sa" và
"Úc-đa-ca", muốn tìm phương tiện độ cho được giải thoát,
nhưng cả hai vị đều đã qua đời, rồi đến năm anh em ông
Kiều-trần-như, nhớ lời ước hẹn với vua Tần-bà-sa-la, nhớ cô
thôn nữ Sujata dâng bát sữa, nhớ cậu trai Svastika dâng cỏ cát
tường để trải tòa thiền định, nhớ vua cha Tịnh Phạn và dòng họ
Thích-ca
Tóm lại, Đức Phật nhớ tất cả chúng sanh.
Quên tất cả :
- Là quên kẻ thù, kẻ làm
thân Phật chảy máu, quên mọi nguyên nhân làm mình khổ (quên
những sự thù hằn, thóa mạ, vu khống của ngoại đạo, quên tội
tày đình của Đề-bà-đạt-đa). Tóm lại, Đức Phật không nhớ
lỗi chúng sanh.
Ở đây, nhớ và quên không phải là mâu thuẫn, mà
là trạch pháp : Điều thiện dù nhỏ chẳng bỏ qua, điều ác dù nhỏ
phải dứt trừ. Vả lại, chư Phật thị hiện ở đời đều vì đại
bi, đại nguyện đối với chúng sanh nên bất cứ lúc nào, bất cứ
ở đâu, trong từng niệm, chư Phật đều vì chúng sanh, đều thương
tưởng chúng sanh.
3. Đức Phật nói rất nhiều mà
phủ nhận tất cả
Với 49 năm "giáo hóa độ xuân thu", cụ thể
nhất là với 82.000 bài kinh do chính Tôn giả A-nan ghi nhớ được,
chứng tỏ Đức Phật thuyết giáo rất nhiều, thế nhưng, cuối cùng
Ngài tuyên bố : "Ta chưa từng nói lời nào !"
?
Tuy Ngài nói vậy nhưng nào phải vọng ngữ ! Chẳng qua vì
chúng sanh căn cơ hạ liệt nên Đức Phật đã chọn lọc trong rừng
kiến thức của bậc Nhất thiết trí (ví như lá trong rừng) rút
ra những nhận thức cốt tủy của Phật pháp (ví như lá trong nắm
tay Phật) để phương tiện khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến
Phật. Đó là cách làm của bậc Y vương, biết căn bệnh trầm kha
của chúng sanh là chấp mắc nên cho món thuốc xả chấp đó thôi.
Giáo lý Như Lai dạy chỉ nên coi như thuyền bè đưa chúng sanh vượt
qua bờ sanh tử, đừng dại dột nắm giữ mãi chiếc bè, đừng để
bị kẹt vào giáo pháp mà hành xử một cách u mê, máy móc, thiếu
trí xét đoán, không đúng lúc, đúng thời. Quá chấp vào lời
kinh, để trở thành "tam thế Phật oan".
4. Đức Phật đi khắp nơi mà
dừng lại
Chỉ với đôi chân trần mà vì lợi lạc cho chư Thiên
và loài người, Đức Phật đã hành trình suốt từ Bắc Ấn đến
Nam Ấn, có lúc độc hành, có lúc cùng đại chúng và cuối cùng,
Ngài về Vesàli để nhập Niết-bàn :
- "Nhất bát thiên gia phạn
- Cô thân vạn lý du
- Kỳ vi sanh tử sự
- Giáo hóa độ xuân thu".
Đức Phật luôn khuyến tấn các đệ tử phải đi
và chính Ngài đã đi cùng khắp. Đi để giáo hóa, để đưa tất cả
trở về với giáo pháp chơn như, giáo pháp của TỪ BI, BÌNH ĐẲNG,
GIẢI THOÁT, nhưng Đức Phật lại bảo Angulimàla rằng : "Như Lai
đã dừng lại lâu rồi !" khiến kẻ đang say máu giết người
này bàng hoàng thức tỉnh, xuất gia theo Phật, và cuối cùng đạt
quả vị giải thoát. Cho nên, đối với các bậc Thánh nhân, không
có nhị biên giữa đi và dừng. Dừng là dừng mọi bất thiện pháp
và đi thì mỗi bước chân của chư vị đều nhiếp đủ cả Tam tụ
tịnh giới : Luật nghi giới, Thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình
giới.
Điểm nổi bật trong giáo lý của Đức Phật Thích-ca,
đó là tính nhân bản, tính bình đẳng, tính vô ngã và tính từ bi.
1. Tính nhân bản
"Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành
Phật".
Thật không một tôn giáo nào, không một hệ tư
tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như
đạo Phật. Theo Phật giáo, con người là chủ nhân mọi hành vi của
chính bản thân mình, là vị Thượng đế duy nhất toàn quyền thưởng
phạt mình, cho nên Đức Phật luôn luôn khuyên nhủ mọi người hãy
tránh ác, làm thiện, gột rửa nội tâm để trở thành một con
người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ.
2. Tính bình đẳng
Kinh Đại Báo Ân đã tán thán Đức Phật : "Như
cơn gió lốc thổi dồn tất cả các thứ lá lại một chỗ, Đức
Cồ-đàm giáo hóa tất cả, trí thức ngu si, vương giả bần cùng,
nghèo hèn giàu sang, già cả niên thiếu, đàn bà đàn ông, kẻ ác
người thiện, tất cả và hết thảy, Đức Cồ-đàm đều mang vào
giáo pháp và xem như nhau. Đạo của Đức Cồ-đàm là đạo bình
đẳng, không phân biệt vậy !"
Thành tích tuyệt vời đó sở dĩ Đức Phật làm
được là do từ nhận định hết sức bình đẳng : "Không có giai
cấp trong dòng máu cùng đỏ; không có hận thù trong giọt nước
mắt cùng mặn". Đức Phật đã ra sức giáo hóa, chiêu cảm,
cứu vớt, thương yêu, độ tận mọi loài chúng sanh, cuối cùng đưa
chúng sanh vào con đường giải thoát.
3. Tính vô ngã
Tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới
này đều hoàn toàn không có một cái chủ tể nhất định, luôn
chuyển động, đổi thay qua bốn giai đoạn "sanh, trụ, dị, diệt".
Ngay khi còn sống trong cung vui, Đức Phật đã từng than
thở cùng công chúa Da-du-đà-la : "Ta nghe trong ta, trong em và
trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ, dưới sức tàn phá
của búa thời gian, tất cả những gì quý giá của đời người
Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta,
như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương"
(PHẬT HỌC PHỔ THÔNG, q. 1, trang 248). Chủ tể đã không thì phải phá
bỏ ngã chấp, có vậy mới mong giải thoát tự thân và thực hiện
vị tha. Cái bi kịch của kiếp người không do một định mệnh khắt khe
nào, không do một đấng sáng thế nào sắp đặt, mà chính do con
người tự đày đọa mình trong vòng vô minh của NGÃ CHẤP vậy.
4. Tính từ bi
"Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ". Cứu
khổ ban vui, đó chính là trọng trách thiêng liêng của Phật giáo và
cũng chính nhờ sứ mệnh cao cả này mà Phật giáo tồn tại trên
một lịch sử lâu dài của nhân loại : TỪ BI là thứ tình thương
vượt qua mọi ranh giới, mọi quan hệ và bao trùm lên tất cả muôn
loài, không phân biệt đây kia, thân sơ, bạn thù, giàu nghèo, sang
hèn, người vật. Trên tinh thần đó, chắc chắn Phật giáo sẽ tồn
tại mãi mãi. Đức Phật dạy : "Hận thù không dập tắt
được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù,
đó là định luật của ngàn xưa".
Tồn tại 2545 năm lịch sử trong một thế giới có rất
nhiều tôn giáo, điều đó nói lên tính ưu việt của đạo Phật,
một tôn giáo không có giáo điều mà chỉ tùy duyên truyền đạt,
mang tính phương tiện nhất thời. Lối hành xử của Đức Phật
vượt ra ngoài mọi đối đãi nhị biên nên chẳng những đã phá
bỏ mọi chấp thủ mà còn đem lại sự giải tỏa mọi ức chế trên
tâm lý con người, vì thế đạo Phật sẽ mãi mãi tiếp tục được
sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại.
Tuy thành tựu vẻ vang và tuyệt vời trong công trình
hoằng hóa "có một không hai", nhưng Đức Phật chẳng bao giờ
tự nhận hay chấp nhận người khác tôn thờ mình như một người
sáng tạo ra học thuyết, hay một người có quyền năng của Thượng
đế hoặc Thần linh. Đến với đạo Phật để mà "thấy" chớ
không phải đến để mà "tin", đó là điều mà Đức Phật
muốn phát huy cái khả năng Phật tánh ở mỗi con người để tự
mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình.
Do những lẽ trên, con người thời đại ca ngợi đạo
Phật vì đã có dịp kiểm nghiệm vai trò tôn giáo của đạo Phật qua
thực tế cuộc sống, huống chi những người sinh ra đời gặp Phật,
được chứng kiến Thánh hạnh của Đức Phật, bản thân cũng tự
giác ngộ được những tri kiến "như thật", dĩ nhiên đã
không ngớt lời tán thán Đức Thế Tôn : "Thật vi diệu, như
người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra
những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn
sáng vào trong bóng tối để cho ai có mắt có thể thấy" (Kinh
Sa-môn Quả, TRƯỜNG BỘ KINH, trang 156).