Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tư Tưởng Tôn Giáo Phổ Biến
Thích nữ Liên Hiếu dịch

Trích dịch từ chương XI trong tác phẩm nổi tiếng A History of Early Buddhist Philosophy: Continues and Discontinues của Giáo Sư David J. Kalupahana, (Delhi, Motilal Banarsidass Publishers, 1994, pp. 110 - 118).

***

Nội dung triết học của giáo lý Đức Phật, như đã phân tích trước đây [1], thường được xem như là những điều xa lạ, thậm chí không tương thích với niềm tin và thực hành quần chúng trong đời sống thường ngày của Phật tử tại gia hiện nay. Giới học giả cận đại và các nhà đấu tranh cho nền giáo dục cứu phương Tây sau một thế kỷ nỗ lực hết sức mình để giải mã và tìm hiểu khung sườn khái niệm Phật giáo, các nhà xã hội học và nhân chủng học sau khi phân biệt hai khái niệm "Truyền Thống Lớn" (Great Tradition) và "Truyền Thống Nhỏ" (Little Tradition) trong Phật giáo [2] đã đi theo mô hình được Robert Redfield và các cộng sự viên của ông triển khai tại trường đại học Nhân Chủng Học ở Chicago suốt thập niên 1950. "Truyền Thống Lớn" được nghĩ là rất chú trọng vào kinh điển Phật giáo, được chư Tăng, các học giả, các nhà tri thức đã tán thành và được các vị có trình độ tri thức Phật giáo truyền bá. Ngược lại, "Truyền Thống Nhỏ" như là tôn giáo của quần chúng được thôn dân ít học thực tập, họ không am tường giáo lý cốt lõi của Phật giáo, họ đơn giản chỉ tiếp cận theo kiểu tín ngưỡng tế lễ thần linh như thời tiền Phật giáo.

Như đã được thực hiện ở các nước châu Á, lối giải thích Phật giáo kiểu này không chú ý đến vấn đề có ý nghĩa, đó là những giáo pháp căn bản của Đức Phật có thuộc về chân lý, thuộc về đạo đức, hay thuộc về một cái gì khác hay không mà giáo pháp đó đã thấm sâu vào tâm thức của giới tôn giáo bình dân thông qua các bài thuyết giảng đều đặn của chư Tăng Ni trong các ngôi chùa làng. Thật ra, trước khi các hình thức giáo dục phương Tây được những nhà chiếm hữu thuộc địa các nước châu Á giới thiệu ngang qua hệ thống của các trường công cộng và tư thục, ngôi chùa làng là trung tâm giáo dục độc nhất để phổ biến lý tưởng đạo đức tôn giáo và kiến thức của các môn học thế gian như y học và chiêm tinh học. Tăng Ni địa phương là những người duy trì giáo lý Đức Phật, họ chủ yếu đã dựa vào nguồn tài liệu văn học Phật giáo. Mặc dù đôi khi cũng có giải thích theo kiểu triết học lẩn quẩn nhưng chúng ta có thể thấy rằng có một dòng tương tục về quan điểm triết học, điều này phản ánh trong các nghi lễ tôn giáo và quần chúng của cả hai truyền thống Nguyên Thuỷ Phật Giáo (Theravaada) và Đại Thừa Phật Giáo (Mahaayaana) [3]. Phần lớn các nghi thức căn bản này được các nam (upaasaka) và nữ phật tử (upaasika) thực hành dù họ theo bộ phái nào. Nghi lễ căn bản này thông thường được xem như là lễ "Nương Tựa" (sara.naagamana) Ba Ngôi Báu (ratana): Đức Phật (Buddha), Giáo Pháp (Dhamma), và Tăng đoàn (Sa.ngha).

Ý tưởng "nương tựa" chủ yếu là làm thế nào để Phật tử thọ lãnh được Ba Ngôi Báu. Do đó, minh định được ý nghĩa Ba Ngôi Báu trước khi nghiên cứu bản chất và chức năng của nghi lễ là điều quan trọng. Ba lần phát nguyện vào lúc hành lễ "Nương Tựa" đưa ra một định nghĩa gần như đầy đủ về Ba Ngôi Báu, một định nghĩa phân định rõ ràng thế nào là Phật, thế nào là Pháp và thế nào là Tăng?.

 

ĐỨC PHẬT (BUDDHA)

Trong ngôn ngữ Paali, Đức Phật (Đấng Giác Ngộ) được mô tả như sau:

"Iti pi so Bhagavaa araha"m Sammaasambuddho vijjaacara.nasampanno sugato lokaviduu anuttaro purisadamma-saarathii satthaa devaamanussaanam"

Nghĩa là: Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư" [4].

Câu kệ trên đơn giản chỉ cho chín đặc tính của Đức Phật (navagu.na). Chín đặc tính này được hiểu tốt nhất là trong ngữ cảnh giáo lý mà chúng ta có thể tìm thấy trong những nguồn tài liệu sớm nhất, đó là các kinh do chính Đức Phật thuyết giảng.

Đặc tính thứ nhất của Đức Phật là "Thế Tôn" (Bhagavaa) (Fortunate One [5]). Cách dịch thông thường thuật ngữ trong tiếng Anh là "Lord" (Đấng Tạo Hoá, Đấng Thượng Đế). Chữ "Lord" này chuyên chở hàm ý thống trị kẻ khác, hay là chúa tể, một ý tưởng đã từng bị Đức Phật bác bỏ[6]. Cách chuyển ngữ thứ hai của thuật ngữ Bhagavaa là "Người Được Ban Phước" (Blessed One) với ý nghĩa là được người khác ban ân phước, một ý tưởng mà trở thành trào lưu trong truyền thống Phật giáo sau này, khi người ta tin rằng mọi vị Phật tương lai [Bồ-tát] phải được các vị Phật quá khứ thọ ký. Tuy nhiên, nếu chúng ta xét khái niệm Bhagavaa trong bối cảnh Phật Giáo Nguyên Thuỷ, thuật ngữ này được chuyển ngữ là "Thế Tôn" thì thích hợp hơn, vì nó tránh hai ẩn ý cực đoan, thống trị và nô lệ kẻ khác. Đấng Thế Tôn là vị sống trong môi trường thích hợp (pa.tiruupadesa), tận dụng môi trường đó triệt để bằng cách vận dụng đúng đắn (attasammaapa.nidhi), vì vậy vị ấy đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện.

Đặc tính thứ hai của Đức Phật là " Xứng Đáng" nhận sự tôn trọng và cung kính (Arhat) [Hán Việt: "Ứng Cúng"]. Đời sống của Ngài đáng được quý kính và nhân cách của Ngài đáng được tôn trọng, vì Ngài đã đạt đến viên mãn. Được sanh ra trong cuộc đời như bao chúng sanh khác, bị ràng buộc bởi nhiều duyên nghiệp và cũng chịu nhiều hình thức đau khổ khác nhau, mà Đức Phật có thể vượt qua những khổ đau ấy nhờ tu tập các đức tính đạo đức hoàn hảo của mình. Do đó, Ngài được mọi chúng sanh tôn kính và quý trọng, hoàn toàn khác với một sự kính trọng và tôn kính của mọi người đối với một đấng quyền năng có năng lực sáng tạo vô hạn. Đối với Đức Phật, lòng ngưỡng mộ của chúng sanh là nguyên nhân tạo nên sự tôn kính. Trong khi đó đối với đấng siêu nhiên, nỗi lo lắng, sợ hãi tạo nên sự tuân phục và kính trọng. Chính vì lý do này, sự "nương tựa" xuất phát từ lòng tôn kính khác xa với sự "nương tựa" vì lo lắng, sợ hãi.

Đặc tính thứ ba của Đức Phật chỉ cho sự "giác ngộ hoàn toàn" (Sammaasambuddha) [Hán Việt: "Chánh Biến Tri"]. Sự chứng ngộ hoàn toàn không có nghĩa là "toàn trí". Khái niệm " tất cả" hay "mọi sự vật hiện tượng" (sabba.m) thì rất ít được dùng trong văn học Phật giáo [7], những gì thuộc kinh nghiệm cũng như những gì có thể suy luận từ kiến thức kinh nghiệm như vậy đều rất giới hạn. Sự hoàn hảo này chỉ sự vắng mặt của các lậu hoặc (aasava), một trong các lậu hoặc là tìm kiếm bản chất tuyệt đối và thường hằng trong chủ thể cũng như khách thể. Vì vậy người nương tựa Đức Phật không thể mong chờ Ngài trả lời hết các vấn đề mà những người bẩm sinh có tính hiếu kỳ vô hạn đề ra [8]. Trí tuệ Đức Phật thuộc phạm vi những gì có thể được xác minh bằng kinh nghiệm và mang ý nghĩa đạo đức.

Đặc tính thứ tư của Đức Phật là "tri thức và đức hạnh toàn vẹn" (Vijjaacara.nasampanve) [Hán Việt: Minh Hạnh Túc]. Thuật ngữ này không đơn giản có nghĩa là Ngài chỉ có tri thức và đạo đức, nhưng thuật ngữ này có ý nghĩa sâu sắc hơn là đức hạnh và trí tuệ của Ngài tương hợp với nhau. Đức Phật bác bỏ bất cứ một tuyên bố nào về tri kiến tuyệt đối, Ngài cũng không khẳng định bất cứ hình thức nào về nguyên lý đạo đức tuyệt đối. Nếu không khẳng định một nguyên lý đạo đức nào, làm thế nào Ngài sống một đời sống có ý nghĩa đạo đức ? Thật ra, để sống một đời sống có ý nghĩa đạo đức, không cần thiết phải tuyên bố bất cứ một loại tri kiến về luật lệ đạo đức tuyệt đối nào. Thật vậy, theo Đức Phật, chính vì bám chặt vào luật lệ đạo đức tuyệt đối dẫn đến cản trở con người không nhận thức được nội dung đạo đức của các hình thức ứng xử, mà nội dung đó có thể không phù hợp với luật lệ đạo đức như vậy. Điều này không khác nhau mấy so với khi tuyên bố về tri kiến tuyệt đối mà tri kiến này không cho phép các khả thể khác. Mâu thuẫn và xung đột là kết quả cuối cùng. Không tuyên bố bất cứ một tri kiến tuyệt đối nào, nên Đức Phật đã nhận ra các nguyên lý đạo đức thích hợp với hoàn cảnh và có kết quả thiết thực, do đó Ngài từ chối gánh nặng mà Ngài không thể gánh vác. Thực sự Ngài đã đặt gánh nặng xuống (ohitabhaara); không như Khổng Tử ở Trung Quốc, người cùng thời với Ngài, Người xem việc tu dưỡng đạo đức như gánh nặng [9]. Yêu cầu của Đức Phật trong lãnh vực đời sống đạo đức là không làm hại mình và người khác; một lời tuyên bố mà Đức Phật đã duy trì đến giây phút cuối của cuộc đời Ngài.

Đặc tính thứ năm của Đức Phật là "khéo vượt qua" (Sugata), [Hán Việt: Thiện Thệ]. Vì Ngài đã thành tựu hạnh phúc tối thượng mà con người hằng khao khát, đó là "hạnh phúc" của thân tâm. Ngài không những đã thoát khỏi khổ đau do tham sân si tạo nên mà Ngài còn sống một đời sống hạnh phúc do cống hiến hết sức mình để phục vụ tha nhân. Đời sống đó như là kết quả của tri kiến, trí tuệ và lòng bi mẫn. Đời sống Đức Phật là thành tựu cho chính Ngài và cho tha nhân.

Đặc tính thứ sáu của Đức Phật là "liễu tri thế gian" (Lokaviduu) [Hán Việt: "Thế Gian Giải"]. Đối với Ngài, liễu tri thế gian không có nghĩa là làm sáng tỏ tất cả những điều huyền bí không có thật. Phần lớn các nhà siêu hình học nhìn thế giới với quan điểm thường hằng hay bất biến, gián đoạn hay ngẫu nhiên. Am hiểu những giả định về thế giới này cũng tốt như am hiểu về thế giới. Vì nhờ hiểu những khuynh hướng, thiên hướng của những người tuyên bố học thuyết này, nên người ta có thể tránh được cạm bẫy mà người ta có thể bị mắc phải khi khảo sát bản chất của thế giới. Do đó, sự giải thích của Đức Phật về thế giới như là "tuỳ thuộc phát sinh" (pa.ticcasamuppanna) [hay còn gọi là duyên khởi] là kết quả an tịnh các hành và từ bỏ tầm cầu hão huyền.

Đặc tính thứ bảy của Đức Phật là "Bậc vô song" (Anuttara). [Hán Việt: "Vô Thượng Sĩ"]. Như một người nào đó đã đạt đến mục đích tối thượng của nhân sinh, Đức Phật cũng chứng đạt như vậy. Đặc biệt đối với chúng đệ tử của Ngài, những vị đã đạt đến trạng thái hoàn hảo đạo đức tương tự, nhưng không ai và không có gì cao hơn Ngài. Đặt Đức Phật trong hoàn cảnh như vậy, Ngài tránh được hai giả định chuyên chế có thể xảy ra: (i) có một đấng tối thượng, còn tất cả chúng sanh là thuộc cấp, (ii)ó một luật lệ đạo đức tối thượng mà tất cả con người phải tuân thủ. Đức Phật chỉ tuyên bố có một điều mà điều đó phân biệt giữa Ngài với các đệ tử, Ngài chỉ là bậc Đạo Sư, (Satthaa). Điều này sẽ được sáng tỏ trong hai đặc tính kế tiếp.

Đặc tính thứ tám của Đức Phật là có khả năng cảm hoá hay điều phục các chúng sanh, như một mã phu lão luyện có thể điều phục được ngựa (Purisa-damma-saarathii), [Hán Việt: "Điều Ngự Trượng Phu"]. Mặc dù Ngài có thể hiển thị thần thông, các năng lực như vậy không phải là những điều giúp Ngài trở thành bậc điều ngự vô song. Hơn nữa, chính hiểu biết tâm lý chúng sanh cộng với lòng từ vô lượng đã làm Ngài trở nên "Bậc truyền giáo tuyệt luân". Những kẻ sát nhân như chàng Angulimaala và những kỹ nữ như nàng Ambapaali đã được Đức Phật điều phục và hướng dẫn tu tập một đời sống đạo đức, căn bản bằng cách trị liệu tâm lý, không phải bằng huyền thuật hay bị ép buộc. Trong thuật ngữ hiện đại, Đức Phật có thể được xem như là nhà tâm lý trị liệu tối ưu.

Đặc tính cuối cùng của Đức Phật là "Thầy của trời người" (Satthaa devaamanussaana"m), [Hán Việt: Thiên Nhơn Sư]. Đức Phật không phải là đấng cứu thế mang thông điệp của một người nào đó. Lại nữa, ở đây gánh nặng mà Ngài đảm nhận không phải là phi thường; Ngài đơn giản chỉ dạy lại những gì mà mình đã khám phá ngang qua tiến trình nỗ lực của rèn luyện đạo đức và tâm linh. Hiệu quả lời dạy của Đức Phật biện minh cho tính chất hoàn hảo đạo đức và tâm linh đó. Quả thật sự nghiệp giảng dạy thành công của Đức Phật đã buộc các đệ tử tôn xưng Ngài như là bậc lãnh đạo vô song, nhưng chính Ngài đã từ chối thừa nhận vị trí như vậy [10]. Hơn nữa, Đức Phật phủ nhận dứt khoát Ngài không phải là đấng cứu rỗi, Ngài chỉ là người dẫn đường [11]

Chín đức tính trên của Đức Phật được mọi Phật tử xưng tán khi hành lễ "Nương Tựa" Đức Phật - ngôi thứ nhất trong Ba Ngôi Báu. Thật ra, không thể trông chờ vào bất cứ một hình thức che chở (pati.t.thaa) nào từ Đức Phật, vì Ngài cũng chỉ là một người hoàn mỹ. Tuy nhiên, nếu nhận thức thường xuyên sự hoàn hảo đạo đức như vậy sẽ có lợi ích lớn, giống như một người tiếp tục tranh đấu với chính mình trong thế giới này. Thật vậy, người cư sĩ phật tử bình thường khi làm lễ "Nương Tựa" Đức Phật đồng thời cũng cầu xin che chở hoặc gia trì (pati.t.thaa) của các chư thiên, vì họ nghĩ rằng các chư thiên đã đạt được năng lực phi thường là do kết quả của đời sống đạo đức của các vị chư thiên ấy [12]. Nhưng thật ra, các vị thiên này không bao giờ đạt đến giác ngộ, giải thoát (nibbaana) trong các trạng thái tâm thức đó.

Như vậy "nương tựa" và "cầu xin che chở hay gia trì" là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau. Để nhận được sự che chở đó con người phải nịnh bợ các thần linh, phải bị mắc nợ hay phải mang ơn họ. Do đó, các Phật tử như đã nói trên thường làm các việc thiện ích như là một vật phẩm tượng trưng để đền ơn các chư thiên đó. Không có cách cúng dường như vậy đối với Đức Phật. Mặc khác, khi thờ cúng Đức Phật, con người không cần dâng nộp bất cứ một vật gì. Thờ cúng một Đức Phật có nghĩa là tôn trọng sự hoàn hảo lý tưởng đạo đức, và con người đã đạt được lý tưởng đó. Bất cứ một người theo tín ngưỡng tôn giáo nào đều có thể nhận ra một người đáng tôn kính và hoàn hảo như vậy.

 

GIÁO PHÁP (DHAMMA)

Nương Tựa Giáo pháp (Dhamma) thì ít mơ hồ hơn. Đoạn kinh trong Paali định nghĩa giáo pháp như sau:

"Svaakhaato Bhagavataa Dhammo sandi.t.thiko akaaliko ehipassiko opanayiko paccatta.m veditabbo vi~n~nuuhi ti".

Nghĩa là: Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng, pháp ấy là thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có hiệu năng hướng thượng, chỉ có người trí mới tự mình giác hiểu [13].

Đặc tính thứ nhất của Dhamma là "giáo pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng" (Svaakhaato bhagavataa dhammo). Khéo thuyết giảng không phải là đưa ra một chân lý "đệ nhất nghĩa đế" (Ultimate), hay là chân lý tuyệt đối mà là trình bày chính xác, rõ ràng, trong sáng sự thật mà chân lý đã hiển lộ. Mặc dù lối phát biểu chân lý được diễn đạt bằng phủ định của phủ định (double negations) đã vô cùng phổ biến trong triết học Ấn Độ truyền thống, nhưng cách phát biểu này đã bị Đức Phật lên án là đã phá huỷ nhận thức luận. [14] Trong cách phát biểu của Ngài, Đức Phật đã chọn phương thức trung dung để đánh giá, kể cả ngôn ngữ và chân lý. Trong khi phủ nhận một chân lý hay các chân lý tuyệt đối, Đức Phật đã tránh thái độ hoài nghi cực đoan bằng cách khẳng định chân lý mà chân lý ấy đã được phân ranh giới giữa nhận thức và văn tự. Tương tự, Đức Phật không phủ nhận khả năng diễn đạt chân lý của ngôn ngữ, Ngài công nhận ý nghĩa qui ước của ngôn ngữ, nhưng nó còn giới hạn bởi biên giới giữa nhận thức và văn tự. Không theo khuynh hướng chân lý thuộc khái niệm hoặc qui ước ngôn ngữ, Đức Phật trình bày chân lý thực nghiệm liên hệ thực tế bằng ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng.

Cách diễn đạt trong sáng (svaakhaata) này dẫn đến đặc tính thứ hai của Dhamma, đó là giáo pháp do tự thân Đức Phật "chứng nghiệm" (sandi.t.thika). Đức Phật nhấn mạnh rằng Ngài không có thuyết giảng bất cứ một vấn đề nào mà Ngài không kinh nghiệm (adi.t.tha) [15], sự kinh nghiệm này được giới hạn trong sáu căn và sáu đối tượng [16]. Hình thức cao nhất của tri kiến [17] hoàn toàn không tách khỏi kinh nghiệm xuất phát từ các căn. Trí tuệ (Pa~n~naa) đồng nghĩa với sự đoạn diệt các khuynh hướng lậu hoặc (aasavakkhaya). Điều này có nghĩa là sự khác nhau giữa các kinh nghiêﭠcủa một người bình thường, và các kinh nghiệm của một bậc giác ngộ không dính dáng gì đến đối tượng của kinh nghiệm. Hơn nữa đối tượng kinh nghiệm gắn liền với phương pháp mà vị ấy đã chọn vào thời điểm chứng nghiệm. Điều này đã cung cấp một mẫu số chung giữa kinh nghiệm bình thường và kinh nghiệm của một bậc giác ngộ, như vậy điều này cho phép phát biểu về kinh nghiệm đó bằng một ngôn ngữ dễ hiểu cho người bình thường. Như vậy, chính quan điểm (di.t.thi) đó có thể được liên hệ. Chính quan điểm đúng (sammaa di.t.thi) dẫn đến tư duy đúng (sammaa sa"nkappa), ngược lại, những quan điểm sai lạc (micchaa di.t.thi) đều dựa trên các khái niệm siêu hình (micchaa sa"nkappa). Sự thật giáo lý trình bày một quan điểm, mà quan điểm này có thể góp phần đi ngược lại với sự giải thích phổ biến của nó như là "không quan điểm".

Đặc tính thứ ba rất dễ bị hiểu lầm. Thuật ngữ "kaala" có nghĩa là "thời gian", "kaalika" có nghĩa là "thuộc thời gian", và akaalika có nghĩa ngược lại là "phi thời gian", hay thường hằng, bất biến. Nhưng cách giải thích như vậy sẽ mâu thuẫn hầu hết với giáo lý căn bản như vô thường và duyên khởi của Phật giáo. Và nếu chân lý được chấp nhận trong Phật giáo không phải là tuyệt đối và bất biến thì không cần phải phát biểu giáo pháp (Dhamma) này "vượt thoát thời gian". Trong trường hợp của quan điểm chủ trương phi tuyệt đối, thuật ngữ "akaalika" phải được hiểu như là "không bị giới hạn trong thời gian đặc biệt nào", nghĩa là giáo pháp có thể phù hợp với mọi thời gian. Học thuyết tương đối (relativism) trở thành một khái niệm không thể chấp nhận được đối với chủ trương của thuyết tuyệt đối (absolutism), nhưng nó có thể được chấp nhận trong trường hợp của chủ trương thuyết phi tuyệt đối (non-absolutism).

Đặc tính thứ tư của Dhamma là " tính có thể được xác minh" (ehipassika). Đây không có giáo pháp bí truyền hay giáo pháp chỉ được truyền xuống cho một vài người. Một người trước khi theo giáo pháp - bất chấp giai cấp hay tín ngưỡng, cũng không cần phải từ bỏ quan điểm triết học hay tôn giáo, không cần một lời cam kết nào, thì người ấy vẫn có thể đến và tìm hiểu giáo pháp. Thật vậy, những gì mà được quan sát thì không phải là chân lý tối thượng mà chân lý là kết quả của sự chấp nhận một đời sống đạo đức, đó là kết quả lành mạnh của thân tâm do đoạn trừ tham và sân; sự an tịnh có được là kết quả của từ bỏ sự tìm kiếm siêu hình trong những thực thể hão huyền, đó là sự vượt qua nguyên nhân của si mê nhận thức.

Đặc điểm thứ năm liên hệ đến đặc điểm thứ tư. Mục đích đời sống tu tập không phải là cái gì hoàn toàn tách biệt với các điều kiện kinh nghiệm của cuộc sống, mà là kết quả việc đoạn tận những nguyên nhân kinh nghiệm khổ đau, đó là tham, sân và si. Rất nhiều bài kinh đã tận lực giải thích kết quả xấu ác của ba triền phược này. Như bài kinh thuyết cho dân chúng Kaalaama, [18] thật rất khó cho một người phủ nhận rằng tham sân si tạo nên khổ đau cho chính mình cũng như người khác. Đặc trưng ý nghĩa quan trọng nhất của lời dạy Đức Phật là có thể thực nghiệm ngay trong đời sống này (đó là sự giải thoát tham, sân và si). Mục tiêu này trở thành mục tiêu tối thượng hay quả vị (paramattha) của đời sống tu tập. Như là một kết quả của mục đích tối hậu, mà mục đích tối hậu này lại bị giảm xuống thành một kinh nghiệm, nếu không được nâng lên thành một thực tại siêu việt, thì Đức Phật không khó khăn gì nói rằng giáo pháp hướng đến mục đích dục vọng (opanayika) (the Buddha had no difficulty claiming that the doctrine leads to desired goal).

Cuối cùng, Dhamma do "chính mình kinh nghiệm" (paccatta"m veditabbo). Nhận thức được tâm tính của chúng sanh- những người chỉ miễn cưỡng kiềm chế ái dục và tham lam v.v…và ngay cả những người sẵn sàng từ bỏ tham, sân…. Đức Phật cho rằng Giáo pháp phải được người trí (vi~n~nuuhi) chứng nghiệm. Những người này không đơn giản chỉ là những người thông minh lanh lợi, mà họ là những người khôn ngoan có thể nhận thức được hậu quả của cuộc đời vô đạo đức, và những người sẵn sàng chấp nhận cuộc đời đạo đức để dẫn đến hạnh phúc cho chính mình và cho người khác.

Giống như khái niệm "Đức Phật", Giáo pháp (Dhamma) như đã được trình bày, không còn là chướng ngại đối với bất cứ một người nào nỗ lực tu tập. Không có việc tuyển chọn chúng sanh đặc biệt nào mà họ có khả năng tiếp nhận lời chỉ dẫn giáo pháp hay không. Người Phật tử được mong mỏi là không nên có niềm tin mù quáng (amulikaa saddhaa) trước khi bắt đầu lãnh hội giáo pháp. Giáo pháp của Đức Phật là giáo pháp rộng mở cho mọi người.

Thật vậy, Phật giáo công nhận con đường tiệm tiến dẫn đến giải thoát, giác ngộ. Những người say mê với bản chất siêu hình trong chủ thể cũng như khách thể sẽ cần đến sự giáo huấn của một vị thầy về tiến trình "không thực thể", mà tiến trình "không thực thể" này cuối cùng nó sẽ giúp cho họ nhận thức được tính không thực thể của tất cả mọi sự vật hiện tượng (sabbe dhammaa anattaa - các pháp là vô ngã) [19]. Theo Đức Phật, đây là phương diện giáo lý khó nắm bắt nhất [20], bởi vì nỗi sợ hãi (paritassanaa) ngăn chặn con người không dám từ bỏ quan niệm về một bản ngã và các thực thể thường hằng, bất biến.[21] Trong tiến trình tiếp nhận giáo pháp, không có gì huyền bí mơ hồ được truyền thừa từ một vị thầy đến người học trò. Thật là một điều bất hạnh khi quan hệ giữa thầy trò và bản chất của sự truyền thọ đó trở thành quá bí ẩn trong vấn đề thuyết giảng tân thời của Phật giáo. Điều này dường như không thể tu tập giáo pháp được nếu không cắt tóc, mặc y vàng (hay lam), và ngồi bên cạnh thầy giáo để được truyền trao pháp vô ngôn đặc biệt đó!

 

TĂNG ĐOÀN (SA"NGHA)

 Ngôi Báu cuối cùng là Tăng đoàn hay cộng đồng môn đồ của Đức Phật, được mô tả bằng ngôn ngữ Paali như sau:

" Supa.tipanno Bhagavato saavakasa"ngho ujupa.tipanno Bhagavato ~naayapa.tpanno Bhagavato saavakasa"ngho saa"miicipatipanno Bhagavato saavakasa"ngho yadida"m cattaari purisayugaani a.t.thapurisapuggalaa eso Bhagavato saavakasa"ngho aahuneyyo pahuu.neyyo dakkhi.neyyo a~njalikara.niiyo anuttara"m pu~n~nakkhetta.m lokassa ti"

Nghĩa là: Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là đầy đủ diệu hạnh, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là đầy đủ trực hạnh, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là đầy đủ như lý hạnh, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn như chánh hạnh, tức là bốn đôi tám vị, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được ngưỡng mộ, là phước điền vô thượﮧ ở đời [22].

Đoạn văn mô tả dài dòng này chỉ đề cập bốn đặc tính của đệ tử Phật, đó là: khéo ứng xử (supa.tipanno), trung thực (ujupa.tipanno), có phương pháp (~naayapa.tipanno), và đđắn (saa.miicipa.tipanno).

Sự liên hệ giữa phương tiện và mục đích được làm sáng tỏ trong những thuật ngữ supa.tipanno (khéo ứng xử) và sugata (khéo vượt qua). Nhờ "khéo ứng xử" họ hướng tâm đến mục đích tối thượng và việc đạt được mục đích tối thượng này là do một người "khéo vượt qua" mà như đã được đề cập trước đây, như là một trong những đặc tính của Đức Phật.

Được khéo ứng xử nghĩa là hành vi trung thực, hay là hành vi không dối trá. Nhận chân được thực tại tối hậu vượt lên trên thế giới kinh nghiệm đời thường có khi góp phần cho "phương tiện" giả dối, mà lại được biện minh cho là "mục đích". Khái niệm "phương tiện thiện xảo" (P. upaaya-kosalla, Skt. upaaya-kau’salya) không bao gồm những phương tiện dối trá như vậy. Dù có nỗ lực để đạt được mục đích tốt hay xấu bằng bất cứ một hình thức dối trá nào trong Phật giáo đều không thể tha thứ được.

Có thể giaihích "tính trung thực" này như chỉ ra cách ứng xử nhất định, như là con đường đúng đắn độc nhất, nhưng điều này có thể mâu thuẫn với khái niệm chân lý mà chúng ta đã trình bày trong phần "Pháp" (Dhamma). Sự trung thực được cho ngang bằng với sự đúng đắn có thể tạo ra khái niệm "nhất thừa" (eka-yaana). Phật giáo không chấp nhận một con đường độc nhất. Thay vào đó, nên nói có "một mục đích" (ekaayana), mà mục đích này là đem lại sự hạnh phúc và giải thoát cho nhân loại [23]. Như vậy, "một" ở đây có thể nói là con đường tiệm tiến (anupada) [24], và điều này bao gồm ý tưởng một phương pháp thích hợp (~naaya). Phủ nhận chân lý tuyệt đối không có nghĩa cho rằng thế giới này là khối hỗn độn, tạp nhiêu. Giáo lý Duyên Sinh (Pa.ticcasamuppaada) tránh xa hai cực đoan của thuyết định mệnh khắc nghiệt (strict determinism) và thuyết bất định mệnh hỗn loạn (chaotic inderterminism) [25]. Quán niệm (anupassanaa) dưới dạng một niệm liên tục (sati), đó là phương tiện của việc tìm ra phương pháp ứng xử thích hợp trong thế giới nhiều hoang mang, phong phú và sáng tạo [26]. Một người có được chánh niệm này dần dần có thể phát triển phương pháp ứng xử mà không cần phải tuân theo khái niệm "nhiệm vụ" đã định trước.

Nhận chân được bản chất thế giới là vô thường, không thực thể, và duyên sinh, một vị đệ tử có niệm và tỉnh thức chọn lựa một phương tiện mà phương tiện đó dẫn đến hạnh phúc an vui cho chính họ và cho người khác. Một phương pháp như vậy là cách ứng xử đúng (saa"miici-pa.tipanna) mà người đệ tử Phật cần phải có.

Nếu những vị đệ tử của Đức Phật được trang bị với bốn đặc tính này, họ xứng đáng được ngưỡng mộ, quý trọng, tôn kính và cao thượng. Họ biểu trưng cho nguồn phước đức vô biên (pu~n~nakkhetta) cho nhân loại, vì họ là nguồn cảm hứng sống động cho lý tưởng đạo đức mà Đức Phật là người đại diện. Nếu lý tưởng đạo đức này không gây trở ngại nào cho những người có tín ngưỡng khác thì không có lý do gì những người khao khát lý tưởng đạo đức đó lại bị tín đồ của tôn giáo khác kỳ thị như những người khác chủng tộc. Tăng đoàn sẽ là nguồn phước đức thật sự, nhưng không phải vì quyền lợi cho chính Tăng đoàn, nhưng vì tăng đoàn đại diện một tập thể tu tập theo một lý tưởng đạo đức thánh thiện (dhamma-caari).

Vì những lý do này, vấn đề dịch chữ "Sara.na" là "Nương Tựa" (hay Quy Y) cần phải xem xét lại. Chúng ta đã chỉ rõ sự khác biệt giữa sara.napati.t.thaa. Trong ý nghĩa của thuật ngữ pati.t.thaa có ít nhất một tác nhân trung gian bên ngoài (một chúng sinh có năng lực như các vị thần thánh) để che chở [cho những người van xin]. Nhưng sự che chở ấy không "sẵn sàng" lắm, bất chấp người đó tốt hay xấu. Các vị thần thánh che chở cho người sống cuộc đời đạo đức không phải là kẻ ác, xấu. Vì chính các vị đó trở thành thần thánh cũng do chính kết quả đạo đức của họ mà thôi. Trong trường hợp đầu (ý nghĩa của thuật ngữ sara.na) không có năng lực trung gian bên ngoài, mà chính cuộc sống đạo đức trở nên nguồn che chở cho chính họ (dhammo have rakkhati dhammacaari"m) [27]. Trong nghĩa này, một người "Nương Tựa" Ba Ngôi Báu tức là họ trở về với chính mình (attaa hi attano naatho) [28], đời sống đạo đức của chính họ sẽ là "bùa hộ mạng" giúp họ tránh khỏi những mối rắc rối cuộc đời. Như vậy "Nương Tựa" Ba Ngôi Báu không gì hơn là dựa vào hành vi đạo đức của chính mình để thoát khỏi những tai hoạ. Mặc dù những cách thức lễ "Nương Tựa" đã được Phật tử bình thường không thông thạo ngôn ngữ Paali tụng đọc trong khi hành lễ, nhưng họ không phải là hoàn toàn không biết về những gì họ đang đọc theo, điều này rất có ý nghĩa. Đó là nhờ chư Tăng thường trình bày các khái niệm liên quan đến lễ "Nương Tựa" khi các vị ấy thuyết giảng kinh pháp. Những tác phẩm bằng ngôn ngữ bản địa của các nước Phật giáo đã mổ xẻ chi tiết về bản chất và chức năng của Ba Ngôi Báu rất phong phú. Ví dụ những tác phẩm bằng ngôn ngữ Tích Lan như Butsara.na (Nương tựa Phật), Dahamsara.na (Nương tựa Pháp), và Sangasara.na (Nương tựa Tăng) rất phổ biến trong nhiều thế kỷ qua. Điều này không đúng khi cho rằng " Truyền Thống Nhỏ" (Little Tradition) bao gồm những niềm tin thần bí và lễ nghi tôn giáo. Nếu những tín đồ bình thường của phật giáo trong thế giới ngày nay không hiểu biết sâu sắc về giáo lý, chính là do sự du nhập của hệ thống giáo dục phương Tây từ khi thuộc địa hoá các nước này, và do loại bỏ hầu như toàn bộ cách truyền bá những tư tưởng đạo đức và triết học phật giáo trong quần chúng.

 

CHÚ THÍCH

[1] Vì đây là chương thứ XI của tác phẩm. Ý tác giả nói là đã phân tích trong các chương trước.(ghi chú của người dịch).

[2} Bài nghiên cứu gần đây nhất , "Great Tradition and Little Tradition in Theravaada Buddhist Studies" được Terence P. Day biên tập (Queenston, Ontario: Edwind Mellon Press, 1987). Xem thêm Village India: Studies in Little Community, do Mariot Mckim biên tập, (Chicago: University of Chicago Press, 1955).

[3] Xem chương 12, cùng tác phẩm.

[4] Diigha Nikaaya 3.5, tr. 227. Tác giả đã cắt 2 chữ trong nguyên văn: "Buddho Bhagavaati", nghĩa là Phật , Thế Tôn. (ghi chú của người dịch)

[5] Cách dịch chữ Bhagavaa sang tiếng Anh là Fortunate One thật ra cũng không diễn đạt trọn vẹn chữ Thế Tôn được. Vì chữ "Fortunate One" vốn có nghĩa là "Người May mắn" hay là "Người Hạnh Phúc". Các dịch giả Trung Hoa chuyển ngữ chữ "Bhagavaa" là The World- Honoured One là chính xác nhất. (chú thích của người dịch).

[6] Cùng kinh trên 2, tr. 100.

[7] Xem chương III, cùng tác phẩm.

[8] Diigha Nikaaya.1. tr. 193.

[9] Confucius, The Analects, [Khổng Tử, Luận Ngữ] 8.7 do D.C. Lau dịch, (Middlesex: Penguin Books, 1979) tr. 93

[10] Diigha Nikaaya 2, tr. 100.

[11] Dhammapaada, 276.

[12] Sa.myutta Nikaaya 2, tr. 228.

[13] Diigha Nikaaya3.5, tr. 227. Đoạn văn trên dựa theo bản dịch của Hoà Thượng Minh Châu.(ghi chú của người dịch).

[14] Xem thêm chương III, cùng tác phẩm.

[15] A"nguttara Nikaaya 2, tr.25.

[16] Sa.myutta Nikaaya 4, tr.15.

[17] Như đã được giải thích trong phần Sammaasambuddha.

[18] A"nguttara Nikaaya 1. tr.188 và các trang kế tiếp.

[19] Majjhima Nikaaya 1, tr.228.

[20] Udaana, tr.80.

[21] Majjhima Nikaaya 1, tr. 136.

[22] Diigha Nikaaya 3.5, tr. 227. Đoạn dịch phía trên dựa theo bản dịch của Hoà Thượng Minh Châu. (ghi chú của người dịch).

[23] Majjhima Nikaaya 1, tr. 55-56.

[24] Cùng kinh trên, tr. 148.

[25] Sa.myutta Nikaaya 2, tr. 17.

[26] Majjhima Nikaaya 1, tr. 55-63.

[27] Theragaathaa, tr. 330.

[28] Dhammapaada, tr. 160.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/154-lienhieu-tutuongtongiao.htm

 


Cập nhật: 5-5-2000

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang