- PHƯƠNG PHÁP LIỄU SANH THOÁT
TỬ
- HAY CỨU ĐỘ
- TRUNG ẤM THÂN
Hiểu được lẽ sống, thoát ly
được sự chết và sanh về Cực Lạc, tức là bất sanh bất diệt. Nhưng
hiểu được lẽ sống và thoát được sự chết, đâu phải là việc dễ!
Đối với Phật pháp, phải có một lòng tin chắc chắn, phải tu trì có sẵn,
hay nhờ có thiện căn đời trước, đến khi lâm chung gặp được thiện
tri thức chỉ giáo cho mà chăm lòng niệm Phật. Nhờ thần lực của Phật
và Bồ tát dắt dìu, mà được sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây,
hay vãng sanh về Tịnh độ ở phương khác. Như thế, vẫn không phải như
lời sai lầm của kẻ si mê trong thế tục đã nói: "Chết rồi là
xong".
Bởi vì chưa rõ được việc sống,
thì đâu biết được việc chết? Sống rồi chết, chết rồi sống; sống
với chết không bao giờ thôi, xoay vần quanh quẩn thì làm sao xong được?
Những người tin Phật, đối với
thế tình xem bằng đôi mắt lãnh đạm, xét được kỹ, nhận được sâu,
thấu hiểu cuộc đời là khổ, nhân sinh là đáng thương; vì đối thế tình
nhận được rõ ràng, mới gọi là hiểu được lẽ sống. Còn thế nào
là thoát được sự chết? Tức như chúng ta đang sống đây, không luận việc
công hay việc tư, thư nhàn hay bận rộn. Đối với một câu danh hiệu A Di
Đà, nếu đem toàn thân mà nương tựa, niệm nào, niệm nào cũng cầu đến
Lạc bang, tâm nào, tâm nào cũng chán nhàm uế độ. Được thế, thì đến
khi chết quyết được vãng sanh; và được thế mới gọi là thoát được
sự chết.
Nhưng những kẻ chưa được liễu
sinh, chưa chứng thoát tử, thì như trong Kinh Phật đã dạy: "Họ phải
đi vào giai đoạn Trung ấm". Thân Trung ấm ấy sẽ tùy theo nghiệp lực
mà thọ sinh, thời gian thọ sinh có lâu mau không quyết định. Những điều
đã thuật lại trong tập này là đem phương pháp niệm Phật mà cứu độ
cho thân Trung ấm ấy được siêu sinh thoát tử, và được sanh về cõi Cực
Lạc.
Nay chia ra từng điều mục và thuật
lại như sau. Nếu ai xem rồi, chịu tuần tự y theo pháp mà thực hành cứu
độ, thì sẽ chứng được Vô sanh pháp nhẫn và chắc chắn được liễu
sinh thoát tử vậy.
1- THUYẾT MINH VỀ TRUNG ẤM.
Trung ấm cũng gọi là Trung hữu; tức
như chúng ta khi thân này đã chết, thì gọi là Tử ấm cũng gọi là Tử hữu.
Đến khi tái sinh thân sau, thì gọi là Sinh ấm cũng gọi là Sinh hữu. Giữa
khoảng đã chết và chưa sanh, trải qua 49 ngày, riêng có một cái thân thì
gọi là Trung ấm (thế tục gọi là linh hồn, kỳ thật tên tuy đồng,
nhưng ý nghĩa thì khác). Nói một cách thiển cận hơn thì sau khi đã rời
khỏi chỗ này, chưa sanh vào chỗ khác, trong khoảng đã chết và chưa sanh,
không dính gì với hai bên, ở giai đoạn trung gian ấy, thì gọi là Trung hữu
hay Thần thức, tức là Trung ấm vậy. Chỉ trừ những người đã sẵn có
tu trì và những người chí thiện thì liền thọ sanh; hoặc sanh về Tịnh
độ hay sanh lên Thiên giới. Còn những người cực ác cũng như thế, tắt
hơi thở liền đọa vào ác thú; không vào thân Trung ấm. Ngoài ra đều phải
trải qua giai đoạn Trung ấm vậy.
(Đúng theo trong kinh thì ý nghĩa của
thân là tích tụ; nghĩa là chứa nhóm; tức như cái thân của chúng ta đây
là do nhiều nguyên chất hòa hiệp nhóm góp mà tạo thành, nên gọi là
tích tụ. Thế thì sau khi thân này đã chết và chưa thọ thân sau, trong
giai đoạn ấy không thể gọi là thân được. Vì trong đó chỉ có nghiệp
thức mà thôi, chưa có tinh huyết của cha mẹ hòa hiệp và những nguyên chất
khác để cấu tạo. Cho nên tuy trong giai đoạn ấy có thể tạm gọi là
thân, vì đủ có sự thấy, nghe, hay, biết, qua, lại v. v... nhưng dó chỉ
là cái giả ảnh do nghiệp thức biến hiện, trong kinh Phật có chỗ gọi
là Sắc công năng: là cái sắc thân do nơi chủng tử của nghiệp thức
mà biến hiện. Cho nên thân Trung ấm là một trạng thái tinh tế, không phải
có mắt, tai thô tướng như thân này, mặc dù nó vẫn đủ tác dụng thấy,
nghe, hay biết. Thế nên nó có thể xuyên qua tất cả chướng ngại vật và
cũng bởi thế nên ta không trông thấy được).
2- TUẦN TỰ VÀ TRẠNG THÁI KHI BỐN ĐẠI PHÂN
LY.
Trong thân người, chất cứng rắn
thuộc về đất, chất lưu động thuộc về nước, hơi ấm thuộc về lửa,
sự chuyển động thuộc về gió, bốn nguyên chất này cùng khắp cả thế
giới nên gọi là đại.
- Trạng thái địa đại lấn áp thủy đại
:
Lúc đó, khắp trong thân người,
cho đến một lỗ lông; đều có cảm giác nặng nề mỏi mệt xâm lấn
vào trong tạng phủ, cho đến trong các lóng đốt, đều cảm thọ sự áp bức
chướng ngại đau đớn xâm ngất, không thể tả được. Thế nên biểu hiện
những trạng thái: tay chân co rút, gân mạch run rẩy. Đây là những triệu
chứng về địa đại lấn áp thủy đại vậy.
2. Trạng thái thủy đại lấn
áp hỏa đại:
Lúc đó, hơi lạnh truyền khắp
trong thân thể rồi thấm vào cốt tủy thì nội tạng rung động, gan ruột
đều giá lạnh, khí lạnh trong ngoài xâm lấn nhau, dù cho lửa lò cũng khó
trừ được sự khổ ấy. Tuy nằm trên băng tuyết cũng không thể sánh nổi
một phần trong muôn phần! Bấy giờ bề ngoài nhan sắc nhợt nhạt, hơi thở
khò khè, thân mình run rẩy; Đấy là triệu chứng của thủy đại lấn áp
hỏa đại vậy.
3. Trạng thái hỏa đại lấn áp
phong đại:
Lúc đó, sinh cơ đã lui mất hơn phân
nửa, sức chống chọi đã yếu dần, sự khổ lại thêm nhiều, nên phong
đại thổi hỏa đại, nóng như lửa đốt. Trong thì ngũ tạng, ngoài thì tứ
chi, khác nào nung nướng, thừa lóng đốt như bị cắt chặt đau đớn quá
nên cứng đơ như lẻ gỗ. Khi đó, hiện ra ngoài nhan sắc ửng đỏ, tinh
thần tối tăm, hơi thở ra thì nhiều nhưng hít vào thì ít. Đấy là triệu
chứng của hỏa đại lấn áp phong đại.
4. Trạng thái phong đại phân ly:
Lúc đó, thân thể của người bệnh
bỗng nhiên cảm thọ một thứ gió mãnh liệt thổi bạt thân thể tan nát
như vi trần, hết sức đau đớn rã rời. Khi ấy, bốn đại đều phân ly,
sáu căn bại hoại, chỉ còn nghiệp thức (trong này nói là nghiệp thức cũng
như thông thường nói là thần thức) tùy theo nghiệp lực đã tạo lúc sống
còn mà thọ sanh.
Xét ra, nếu được sanh về Tịnh
độ ở phương Tây thì được nhờ oai thần của Phật A Di Đà, Ngài đến
dẫn đi. Nếu sanh lên Thiên giới thì có chư Thiên nghinh tiếp, nhờ ở thiện
nghiệp của mình nên khi nghiệp thức bỏ thân được nhiều khoái cảm,
và không bị những cảnh khổ như trên. Chỉ có một điều rất cần là:
gia nhân quyến thuộc phải dè dặt chớ khóc lóc rộn ràng. Vì sợ làm cho
kẻ chết bị tình thương lôi quấn, tham đắm theo cảnh thế gian, chướng
ngại cho sự vãng sinh vậy; Cũng không nên gấp rút động đậy như dọn dẹp
mền nệm, chùi rửa thay đổi áo quần, cần phải để yên độ tám tiếng
đồng hồ, rồi sẽ tắm rửa thân thể, thay đổi quần áo và nhập liệm.
Nếu không theo như thế, thì khi nghiệp thức chưa hoàn toàn bỏ thân, bị
xúc động phải cảm thọ sự đau đớn nhân đó mà sinh ra hận tức phải
đọa vào ác đạo.
Lại nên xét kỹ lúc sanh thời của
người chết, hoặc tuy rằng tin Phật, nhưng biếng nhác không tu trì, hoặc
vì chưa đủ tín nguyện thâm thiết, vì nghiệp chướng nặng nề, thì khi
lâm chung bị mê mờ, tức là hiểu được người đó chưa được vãng
sanh. Khi ấy, nên mời các vị Thiện tri thức tu Tịnh độ tôn đối trước
thi thể của người chết, hay đối trước linh sàng của người chết, vì
vong linh mà khai thị. Còn gia quyến phải mỗi ngày ba phen luân phiên niệm
Phật cứu độ, để dắt dìu cho nghiệp thức của người chết chăm chú
về Cực Lạc, vì khi đó chỗ thọ sinh chưa quyết định, có thể chuyển
đổi, nên nếu đúng như pháp mà cứu độ thì có thể trở vọng về chơn,
chuyển phàm thành Thánh một cách dễ dàng.
3- BẮT ĐẦU VÀO CẢNH TRUNG ẤM.
Sau khi người đó hơi thở đã tắt,
thần thức rời khỏi thân, nếu chưa liền được giải thoát, thì phần
nhiều phải trải qua một trạng thái tối tăm mờ mịt trong một thời hạn
lâu đến ba ngày rưỡi hoặc đến bốn ngày rồi sau mới có cái cảm
giác minh mẫn, đó là bắt đầu vào cảnh Trung ấm. Nhờ ở sự minh mẫn
ấy nên có thể ở trong một khoảnh khắc mà thấy được gia nhân quyến
thuộc...
Lại nữa, thông thường người chết
khi nghiệp thức đã rời thân, thường hay mê muội, nên cứ đắn đo mà tự
hỏi: Ta đã chết hay chưa chết? Người đó cũng hay mơ màng mà thấy được
thân thuộc, mỗi mỗi đều hiện ra trước mắt, in như gặp nhau trong cảnh
mộng.
Xét ra thì trong lúc đó, người chết
không tự biết rằng mình đã chết hay chưa chết, thì những thân thuộc
nên mỗi ngày ba phen vì họ mà luân phiên niệm Phật, để nhờ oai lực của
Phật dắt dìu họ được vãng sanh về Cực Lạc. Như thế thì dù có nghiệp
duyên cũng không trở ngại được; Ví như mặt trời đã mọc lên, thì
phá tan đêm tối. Cũng như thế, trí tuệ thanh tịnh sáng suốt của Phật
có thể tiêu diệt nghiệp lực tăm tối của chúng sanh vậy.
Vả lại trong lúc ấy, nghiệp thức
của người chết hoặc đi vào thế giới mới, chính họ cũng đang ngơ ngác,
chưa biết mình sẽ đi vào đâu là phải. Thế nên phải nhờ phương pháp
niệm Phật để cứu độ cho họ. Phải mời những bậc Thiện tri thức
khai thị cho họ biết xu hướng về nước Cực Lạc.
Thiện tri thức sẽ dùng những lời
sau đây mà khai thị: "Nguyễn mỗ... nếu người đến trên mặt nước
hoặc trước tấm gương mà soi thì ngươi sẽ không thấy được diện tượng
của ngươi hiện vào nữa, vì thân Trung ấm này đã rời sắc thân tứ đại
do huyết nhục tạo nên trong nhân gian. Ngươi nên biết, khi đã vào giai đoạn
Trung ấm thân, chỉ có một điều cần thiết là: Lúc này ngươi không nên
nhớ nghĩ gì nữa, chỉ nên chuyên tâm niệm Phật A Di Đà và Bồ tát Quán
Thế Âm đến cứu độ. Khi đó, Phật A Di Đà cùng Bồ tát Quán Thế Âm sẽ
cảm ứng mà đến. Mong ngươi phải khéo tự phát ý niệm Phật".
Thiện tri thức phải như trên đọc
ba phen cho rõ ràng mà khai thị. Gia quyến phải một ngày ba phen luân phiên
niệm Phật để cứu độ.
4- SỰ XÚI GIỤC CỦA NỖI LÒNG QUYẾN LUYẾN.
Thân Trung ấm khi chưa được giải
thoát, hay chưa trải qua giai đoạn đầu thai thì nghiệp thức ấy khi mê muội,
khi minh mẫn. Có khi bỗng thấy bà con, bạn bè ở vào một nơi nào đó, giống
như gặp nhau trong cảnh mộng. Cho nên, họ sẽ đến trước các người
trong cảnh mộng đó mà nói năng kể lể; nhưng các người đó hoàn toàn
không hiểu được. Khi ấy họ buồn rầu không thể tả xiết, giận dữ
khác thường. Bỗng lại nghe người ta gọi đến tên mình mà than khóc;
thì liền thấy được bà con bạn bè đến một bên thây xác của mình
than khóc, hay thấy được các phẩm vật đã sắp bày trên bàn thờ. Rồi
họ sẽ tự lẩm bẩm rằng :"Ta đã chết rồi! Làm thế nào? Làm thế
nào?" Khi đã sanh ra một niệm ấy, thì tự biết hết sức đau khổ,
khác nào con cá bị nướng trong lò lửa đỏ! Nhưng đây còn là ở trong sự
mờ tối, cho nên khi thấy vợ con than khóc liền đến vỗ về an ủi:
"Ta còn đây, không nên khóc!" Nhưng các người than khóc kia cũng vẫn
không thôi nghỉ. Khi dó, trong lòng họ giận dữ, phẩn uất, cho nên vội
vàng bỏ đi. Nhưng trong chừng khoảnh khắc vì lòng ái kiến vọng chấp chưa
trừ cho nên vội vàng trở lại, để mong đáp lại sự tức giận khi trước
đã gặp. Nhưng rồi cũng vẫn không vừa ý những cảnh tượng đã gặp
và đã cảm thọ; cho nên vẫn có thái độ như trước. Cứ thế mãi, trải
qua đôi ba phen gặp gỡ như thế, nên sự buồn bực dập dồn; càng trải
qua càng thêm mãnh liệt. Vì lòng phiền muộn xúi giục càng thêm mạnh mẽ,
đến nỗi họ không muốn suy xét đến cảnh giới lành dữ như thế nào,
dù cho có mất giá trị thế nào, ta cũng không cần mến tiếc. Chỉ cần
được thác sanh, để cởi bỏ cái khổ bơ vơ không nơi nương tựa. Những
kẻ đầu thai vào ác đạo thường thường đều bởi duyên cớ ấy cả.
(Thân Trung ấm tuy còn luyến ái
bà con bạn bè, nhưng ngặt nỗi đã bị cách đời, nên không làm thế nào
được, cho nên chớ có một mảy may luyến ái; và dù cho trở lại được
sắc thân tứ đại, thì cũng chẳng qua trở lại chịu khổ sanh tử mà
thôi. Vậy nên phải dẹp bỏ cái vọng tưởng được sống trở lại; hãy
tự yên ổn, chăm lòng niệm Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế Âm, để cầu
Ngài cứu đoä).
Thiện tri thức phải theo như lời
đã nói trên mà khai thị. Gia thuộc phải vì họ mà niệm Phật để cứu
độ cho họ.
5- NHỮNG CẢNH TƯƠ.NG RÙNG RƠÏN DO ÁC NGHIỆP
CHIÊU CẢM.
Khi nghiệp thức đã ở vào giai đoạn
Trung ấm, thì mê rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại mê, phải cảm thọ những
điều không yên ổn, không tự tại. Và có một thứ nghiệp phong mãnh liệt,
thổi đưa nghiệp thức đi vào phương hướng vô định; cũng như mảy lông
bị gió cuốn: qua, lại, lên, xuống đều tùy theo chiều gió thổi. Cái
thân ấy không do ở ý mình, phải phiêu lưu không nhất định. Bỗng nhiên
lại gặp một thứ ánh sáng vô cùng mãnh liệt, vùn vụt chớp lòe, tia
sáng chói lòa, không thể mở mắt mà xem được. Ánh sáng ấy chuyển biến
giống như áng mây mùa thu, hiện ra những hình thái lạ lùng để hăm dọa
người đã chết. Và ở trong những chỗ ánh sáng mạnh mẽ, lớn lao ấy
đã xuyên qua, phát ra một thứ tiếng rất dữ dội, không có gì sánh kịp.
Nó có thể mạnh gấp ngàn lần sấm sét. Một khi nghe đến càng thêm ghê
rợn; có thể tan gan nát mật.
Lại có một loại quỷ Dạ-xoa thật
là đáng sợ, nắm cầm rất nhiều binh trượng, hầm hét dậm đạp đua
nhau mà đến; muốn giết tính mạng của người chết. Bọn ấy rất đông,
giành trước giựt sau, nhảy nhót mà đi đến. Hoặc hiện ra vô số loài
ác thú hung tợn rượt đuổi theo; hoặc biến làm người tàn ác để áp bức,
hoặc làm cuồng phong, bão vũ, sấm chớp, sương mù phủ kín; đem kẻ chết
nhốt vào trong đó. Hoặc là núi lở, bể dậy sấm. Hoặc biến thành luồng
lửa mạnh bay đi thiêu đốt. Tất cả những cảnh tượng đã thấy. Tiếng
tăm đã nghe, làm cho thân Trung ấm khiếp sợ muốn ngất, hoảng hốt không
chỗ nương tựa, lại không có đường để tránh thoát, chỉ có cách là
mong nhờ cuồng phong đưa đẩy để lánh thân mà thôi. Trong thấm thoát lại
bị đuổi theo lấn áp, rồi chạy đến trên chót núi nhìn xuống thấy có
ba cái hố: một trắng, một đen và một đỏ; hết sức sâu thẳm và lại
bị thúc giục, toan nhào đầu xuống, khi đó thân Trung ấm không thể
không quay mình tìm nơi ẩn núp. Hoặc vào trong hang núi để lánh nạn. Thế
nên chuyển sinh đầu thai làm thân: rắn, muông, lang, beo, cọp v.v... luôn
luôn phải ở trong khổ thú.
(Như trên đã thuật nên khai thị:
"Biến thành nghiệp phong mãnh liệt, biến làm ánh sáng mênh mông, biến
làm tiếng tăm rùng rợn... đều do nghiệp lực mà chiêu cảm. Nếu biết
thân Trung ấm không phải là thân huyết nhục, mà chính là cái thân do một
thứ vi tế tứ đại tạo thành; thì tuy có cuồng phong, lửa cháy, sấm
sét... vẫn không thể hại được. Tức như ba cái hố: một đen, một trắng,
một đỏ kia cũng là do ba độc tính căn bản là: Tham dục, sân khuể, ngu
si từ nhiều đời nhiều kiếp mà hiện ra đó thôi. Trong khi ấy nên thật
nhận rằng: Bao nhiêu ác tướng kia đều do nghiệp thức biến hiện, nhưng
nay vì không may phải trải qua cảnh giới ấy, thì chỉ có cách yên lòng
không rối loạn, chuyên cần niệm Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế Âm
để cầu Ngài đến cứu độ").
Thiện tri thức phải theo như trên
mà khai thị. Đại chúng phải niệm Phật để giúp cho họ được tiêu trừ
nghiệp chướng, thì sẽ được sinh về Cực Lạc luôn luôn khỏi các khổ
não.
6- PHÂN PHÁN MÀU SẮC HƠN KÉM CỦA HÀO QUANG.
Thân Trung ấm vì trải qua cảnh khổ,
nên tự nghĩ rằng: "Thương thay! Chỗ cảm thọ của ta vì sao mà khổ
thế! Ta sẽ đi tìm chỗ nào có thân thể để sống". Nhân đó bèn chạy
khắp bốn phương, tâm ý tán loạn không chịu dừng nghỉ. Có khi thì ở nơi
cầu cống, có khi thì ở nơi miếu vũ yên lặng và có khi ở nơi các lăng
tháp... Nhưng đó chỉ nghỉ tạm trong một lúc chẳng được lâu dài, vì
cái sắc thân tứ đại Trung ấm rất nhẹ nhàng, khác hẳn cái sắc thân
lúc sống còn thường làm trở ngại. Cho nên, khi đó không khỏi buồn rầu
tự biết mình bấp bênh mất chỗ nương tựa. Buồn lo quá đỗi, nên tự
nghĩ rằng: "Ta nay chỉ muốn được thân người, dù cho phải đổi mất
giá thế nào cũng không tiếc". Cho nên lần lữa tìm lại cái thi thể
của mình trước kia, nhưng thi thể ấy, đã bị bà con bạn bè đem bỏ vào
hòm, hay đã chôn xuống đất, hoặc đã dùng lửa mà đốt rồi. Vì thế
không có thây nào mà nhập vào, nên buồn rầu khôn xiết. Tâm hồn nguội
lạnh như tro tàn: lo buồn rối rắm. Khi đó liền có những luồng ánh
sáng yếu ớt của lục phàm (nhân, thiên, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc
sanh) bỗng nhiên hiển hiện trong đó tùy theo nghiệp lực của kẻ chết cảm
ứng với đạo nào thì luồng ánh sáng của đạo ấy sẽ càng rực rỡ hơn
lên. Ánh sáng của đạo trời thời hơi trắng, ánh sáng của đạo người
thì hơi vàng, ánh sáng của đạo A-tu-la thì hơi lục, ánh sáng của đạo
địa ngục thì như khói đen, ánh sáng của đạo ngạ quỷ thì hơi đỏ,
ánh sáng của đạo súc sanh thì hơi xanh.
Lại nữa, các cõi Phật trong năm
phương cũng phóng ra những hào quang rực rỡ và mạnh như: hào quang sắc
xanh chói lòa, hào quang sắc trắng trong sạch, hào quang sắc vàng trong bóng
như ngọc, hào quang sắc đỏ mãnh liệt. Như thế có rất nhiều thứ hào
quang của Chư Phật chói lòa lẫn nhau. nhưng vì nghiệp lực nên kẻ chết
sợ hãi những hào quang mãnh liệt của Chư Phật đã soi đến, mà chỉ ưa
thích những thứ hào quang yếu ớt trong sáu đạo: thiên, nhơn, A-tu-la, địa
ngục, ngạ quỷ, súc sanh đã soi đến mà thôi. Cho nên họ đã đầu thai vào
lục đạo, luôn luôn chịu các khổ não.
(Như trên đã thuật, những ánh
sáng của lục đạo dịu dàng dễ chịu, nên làm cho kẻ chết có những cảm
giác vừa ý nhưng ánh sáng ấy chính là những ánh sáng lục đạo, không
nên tham đắm, cần phải tránh xa. chỉ nên chăm lòng thành kính tự mình
phát tâm, phấn khởi tinh thần mà niệm Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế
Âm. Phải bỏ cái dễ mà đi đến cái khó, không nên khiếp nhược, phải
đi đến chỗ hào quang mãnh liệt, vì hào quang mãnh liệt ấy là hào quang
của Chư Phật, hào quang ân huệ, hào quang giải thoát, là hào quang vượt
phàm thành Thánh. Nếu đem toàn thân mà nương vào trong đó, tức là bước
lên cõi Phật thường thường an vui, xa lìa cái khổ não đắm chìm trong lục
đạo).
Thiện tri thức, phải theo như trên
mà khai thị, gia thuộc phải ở trong bốn mươi chín ngày ấy, theo tuần tự
luân phiên mỗi ngày ba phen niệm Phật để cứu độ. Bởi vì thông thường
người chết, nghiệp của họ phải trải qua bốn mươi chín ngày biến
vào giai đoạn Trung ấm. Nếu ở trong bốn mươi chín ngày đó mà niệm Phật
cứu độ, thì quyết định có một ngày nào trong những số ngày ấy, chắc
được như pháp mà giải thoát.
7- SỰ PHÂN PHÁN CỦA CẢNH GIỚI MINH PHỦ.
Người ta lúc sống còn, làm lành
hay làm dữ, đều có quỷ thần xem xét. Nếu làm việc lành thì có thiên
thần coi về việc lành, ghi lại công việc của mình đã làm. Nếu làm việc
dữ thì khi đó cũng có ác thần coi về việc dữ ghi lại những việc dữ
của mình đã làm. Cho nên thân Trung ấm một phen thấy vị thần kia, không
khỏi hết sức lo sợ khủng khiếp, toàn thân run rẩy, nhưng cứ ngu si mà
nói dối rằng: "Tôi chưa từng làm những việc dữ như thế". Khi
đó quỷ vương chủ mạng bảo với người chết rằng: "Thì đây, ta
có cái gương chiếu nghiệp này, ngươi nên soi vào đấy. Khi ấy tức thì
trong gương, nghiệp lành hay nghiệp dữ đều hiển hiện rõ ràng; cho nên
dù có chối cãi cũng không ích gì. Khi đó có kẻ ngục chủ hình dáng dữ
tợn, lấy dây buộc vào cổ người tội mà dắt đi, và dùng những cực
hình để hành phạt như: chặt đầu, mổ bụng, moi bụng, hút não, ăn huyết
thịt, nhai xương... hết sức đau đớn nhưng vẫn không chết, và sau khi
thân thể đã tan nát rồi, dần dần đầy đủ trở lại như cũ và lại
chịu cực hình tiếp luôn không ngớt.
(Trong khi các vị thần chủ việc
lành hay chủ việc dữ hiện ra ở trước mắt để sát hạch tội lỗi,
thì không nên sợ hãi, cũng không nên chối cãi, vì phải biết rằng: thân
Trung ấm dù phải trải qua bao phen tan nát đi nữa cũng không thể chết
được, huống chi thật tính của tự thân là không thật có, thì cần gì
phải sợ? Tức như bọn ngục tốt kia cũng là nghiệp thức biến hiện, tự
thể của nó là không, thì không đúng với lẽ phải. Nếu khi thấy có quỷ
vương chủ mạng đến, thì ngươi nên tự xưng với quỷ vương chính trực
ấy rằng: "Tôi, pháp danh... quy y với...". thì khi đó dù cho người
có chịu cực hình đi nữa, cũng không tổn hại).
Thiện tri thức phải theo như trên
mà khai thị. đại chúng phải niệm Phật mà cứu độ, thì dù phải trải
qua bốn mươi chín ngày mà chưa được vãng sanh đi nữa,cũng vẫn có khả
năng đắc độ vậy.
8- NHỮNG PHƯƠNG THỨC LÚC CHUYỂN SINH.
Nếu người chết lúc sống còn đối
với Phật pháp chưa đủ sự tín ngưỡng thâm thiết, thì thân Trung ấm phải
trải qua đường lối quanh co, dần dà không quyết định. Vì vọng niệm bồng
bột, cho nên dù đã trải qua nhiều phen khai thị, vẫn chưa được vãng
sanh. Chính trong lúc đó, người chết cũng không tự biết là mình đã gần
đến chỗ thọ sanh. Bấy giờ, thân Trung ấm hoặc gặp phải cuồng phong
bão vũ, giá tuyết, mưa đá... làm cho họ tối tăm mù mịt và các loài ác
thú xua đuổi theo sau, trong nhất thời sáp đến; nếu người nào nghiệp
chướng nặng nề, thì sẽ bị hăm dọa và vì trốn tránh mà đi vào cảnh
khổ, còn ai có đủ nghiệp lành thì đi đến chỗ an vui. Trong một khoảnh
khắc quan hệ và mau chóng ấy nếu đời trước họ chưa có công phu tu tập
đoạn tâm, thì cảm thấy được hai thân nam, nữ giao hội, khi đó tà niệm
dấy động, sanh lòng yêu ghét, nên tức thì thác sanh. Hoặc thác thai vào
các loài súc vật, hoặc thác thai lại làm thân người, tùy theo nghiệp lực
sai khác của người chết mà cảm thọ. Nếu người nào về nghiệp đàn
ông nhiều thì thấy đàn bà liền sanh lòng yêu mến. Còn người nào về
nghiệp đàn bà nhiều, thì thấy đàn ông liền sanh lòng yêu mến. Khi đó
vì cảm thọ sự dục lạc nên bị tối tăm và mất cả trí giác. Đấy là
thân Trung ấm đã diệt, mà sanh vào thai sanh hay noãn sanh vậy. Sau khi đã
thác thai vào một loài nào, thì phải trải đủ những thời gian tương
đương với loài ấy rồi mới được sanh nở. Nếu phải thác sanh làm
thân chó, thì tìm ổ mà nương tựa cho đến lúc khôn lớn. Nếu làm thân
một con lợn thì đi đến trong chuồng mà nương tựa cho đến khi khôn lớn.
Nếu làm thân một con kiến, thì bò vào trong hang mà ở, cho đến khi khôn
lớn. Nếu làm thân một con trùn, một con giòi, một con nghé, một con
dê... đều tùy theo nghiệp lực sai khác, đáng sanh vào loài nào thì phải
sanh về loài ấy, đều phải trải qua ngày tháng và thọ mạng được bao
nhiêu, mỗi mỗi đều được tương đương với loài ấy. Khi đã thọ sanh
những thân hình ấy, thì dù muốn tránh thoát, cũng không sao thoát được.
Và còn có những nỗi khổ kịch liệt như đui, điếc, câm, ngọng, ngu si,
nhơ bẩn và mặc dầu cho người ta giết hại, sự đau đớn kịch liệt
kia không thể nào kể xiết được.
(Còn có những khổ sở phải sa
vào trong ngạ quỷ, địa ngục v.v... rộng như trong kinh đã nói. Nếu được
may mắn thì sanh lên cõi Trời, cõi Người, và A-tu-la tức là ba đạo lành,
nhưng các cõi đó đều phải chịu khổ sanh tử luân hồi, không bao giờ
thôi nghỉ. Cho nên Thiện tri thức phải theo những lời như sau đây mà
khai thị:
Thương thay! Người làm những
ác nghiệp gì mà bị kết xâu khổ sở như thế. Người từ nhiều kiếp
đến nay phải đắm chìm trong sanh tử mà chưa được ra khỏi, đều do bệnh
căn của ác tập này vậy. Nay đây nếu không tự cứu độ, cứ chất chứa
những lòng ghen ghét thương yêu, thì có khác chi tự hãm mình vào trong bể
khổ; trải qua nhiều kiếp không thể ra khỏi đó sao?! Ngươi phải mạnh mẽ
mà phấn khởi lên; phải luôn luôn trừ bỏ tà niệm thương ghét rất đê
tiện ấy đi, đừng để sanh khởi làm nhơ nhớp tâm niệm, ngươi phải tự
trách, tự răn mình như thế, phải lập lời thệ nguyện mạnh mẽ, quyết
định không dối mình. Cho nên trong kinh đã nói: "Chỉ có lời thệ
nguyện mới đóng bít được thai môn mà thôi".
9- CHUYỂN SANH LÊN THAI GIỚI.
Vì cái niệm cầu sinh của người
chết quá bồng bột, dù đã trải qua nhiều phen khai thị cũng vẫn không
trừ được lòng huyễn vọng ấy, cho nên vẫn chưa được vãng sanh Tịnh
độ. Khi đó, thân Trung ấm vì nhờ sức thiện nghiệp mà thấy được cảnh
giới chư Thiên (các cõi trời) nào là kỷ nữ trang nghiêm chơi bời vui thú,
biết bao cảnh tượng đẹp tươi. Khi đó sanh lòng ưa thích, vội vàng đi
đến. Vả có thiên thần đem thiên y (áo của trời) và kỹ nhạc đến rước.
Bấy giờ bà con tống táng, dù có than khóc thảm thiết đến đâu cũng không
thể làm lay chuyển lòng họ; trái lại ta thấy người chết vẫn mỉm cười
hớn hở, nhan sắc tươi vui. Vì tâm của Trung ấm thân đã duyên vào cảnh
giới vui vẻ của chư Thiên, cho nên người đời dù than khóc thảm thiết,
họ cũng không nghĩ đến. Nhưng nếu Sinh ấm (thân sau) chưa thành, thì
thân thuộc khóc than còn có thể lôi kéo được lòng họ.
(Sanh lên thiên giới tuy là vui sướng
hơn ở nhân gian, nhưng vẫn còn trong vòng tam giới: dục giới, sắc giới
và vô sắc giới, chưa khỏi luân hồi, thì cũng không khỏi được cái khổ
hỏa trạch (ví dụ sự khổ trong ba cõi cũng như lửa nung nấu, nên gọi
là hỏa trạch) sao bằng sự vui vô lậu hoàn toàn ở Tây phương Cực Lạc!)
10- CHUYỂN SANH VỀ BỐN CHÂU.
Thân Trung ấm đủ có cái thông
linh không thể nghĩ ngợi, thông linh ấy chính do nghiệp lực của Trung ấm
mà cảm được, có thể ở trong một chốc lát, đi khắp cả bốn đại châu:
hoặc quanh núi Tu-di mau chóng hơn trong khoảng một phen cánh tay co duỗi.
Tùy theo ý muốn, mống niệm liền đến; cho đến đủ có những huyễn
pháp biến hiện.
1. Sanh về Đông Thắng Thần
châu. Nếu thân Trung ấm được cảm sanh về Đông Thắng Thần châu
thì liền thấy biến thành một cái hồ, trong đó có những chim hồng, chim
nhạn, kết thành bầy lũ, trống mái đuổi nhau dạo chơi trên mặt nước.
Nếu kẻ chết đi đến chỗ ấy, tức là sanh về Đông Thắng Thần châu.
(Cần phải cẩn thận chỗ khởi
tâm, phải cương quyết chớ đi đến châu ấy: vì đến châu ấy, dù được
an vui, nhưng đắm trước theo sự an vui đó, làm xao lãng chỗ tấn tu, thì
không thể siêu sanh thoát tử được, cho nên không nên đến).
2- Sanh về Nam Thiệm Bộ châu (nghĩa
của nó là Thắng kim; vì ở châu này có thứ kim sắc đặc biệt), thân
Trung ấm nếu được cảm về Nam Thiệm Bộ châu, thì cảm thấy hiện ra
những cung điện huy hoàng của châu ấy, thấy như vậy tức là sẽ sanh về
Nam Thiệm Bộ châu.
(Nếu ai chưa hết ý niệm cầu sanh
thì nên cầu sanh về châu này; vì ở đây hiện có Phật pháp lưu hành, vẫn
có thể tu trì mà siêu thoát)
3. Sanh về Tây Ngưu Hóa châu
(cõi này buôn bán đổi chác đều dùng bằng trâu, không dùng đến tiền tệ),
thân Trung ấm nếu sắp được cảm sanh về Tây Ngưu Hóa châu thì sẽ thấy
có một cái hồ, hai bên bờ có trâu gặm cỏ, thấy như vậy tức là sẽ
sanh về Tây Ngưu Hóa châu.
(Châu này tuy là giàu có thật, nhưng
cũng không nên đến; vì sự giàu có hay làm tăng trưởng tham tâm, mà phế
bỏ đạo nghiệp, cho nên không nên đến).
4. Sanh về Bắc Câu Lô châu.
(Châu này gọi là Thắng xứ; vì ở đây sung sướng như cõi Trời). Thân
Trung ấm nếu được cảm sanh về Bắc Câu Lô châu thì sẽ thấy có một
cái hồ, và trên bờ cũng có các loài súc vật và cây cối… thấy như vậy
tức là sẽ sanh về Bắc Câu Lô châu.
(Châu này tuy sống lâu và sung sướng,
nhưng ở đây không có Phật pháp lưu hành thì càng không nên đi đến, mà
cần phải trở lại gấp).
Thiện tri thức nên đối trước
linh sàng, theo như trên mà khai thị để cho họ biết mà lựa chọn thân
sau.
Trung ấm thân mặc dù rong ruổi ở
chốn xa xôi, nhưng một khi nghe kêu gọi thì lập tức trở lại; vì họ đủ
có thần thông nghiệp lực hữu lậu và những khả năng đặc biệt có thể
ghi nhớ những điều đã trải qua và hiểu rõ được sự lý. Lúc sống
còn, tuy là tai mắt không minh mẫn, nhưng lúc này thì tính thấy, tính nghe
càng minh mẫn hơn, ngặt nỗi nghiệp duyên lôi cuốn nên không khỏi trở
vào sanh tử. Lại nữa, thân Trung ấm đã thoát khỏi sắc thân huyết nhục
không còn là sắc thân thô ngại nữa; cho nên dù là đất, đá, gò, nhà cửa
cho đến lớn như Tu-di cũng không qua được. Chỉ có Pháp tọa Kim cang của
Phật và tử cung trong thân mẹ thì không thể qua khỏi; vì một khi đã
vào trong tử cung, tức thành thân sau vậy.
(Xét trong Mật giáo có nói về
cách thức chọn thai rất hay, cho nên thiện tri thức phải theo như sau đây
mà khai thị cho kẻ chết: "Ngươi hãy lắng nghe! Vì ngươi cũng đủ
có ít nhiều thần thông, thì nên đi khắp trong các châu mà xem xét; nếu
thấy châu nào có Phật pháp lưu hành thì nên đến đó thọ sanh. Nếu sẽ
do nơi vật bất tịnh giao cấu mà xuất sinh (bất tịnh: chỉ chỗ tinh huyết
của mẹ cha) thì ngươi liền cảm giác được một thứ hương vị, nghe rồi
sanh lòng ưa đắm; tức là bị nó hấp dẫn vào trong thể chất bất tịnh
mà thác thai. Cho nên trong khi đó, dù có sắc tướng gì hiện ra trước mắt
ngươi (đây chỉ cho trạng thái trong thai) thì ngươi không nên khởi lên cảm
giác để phân biệt về sắc tướng của vật đó. Như thế đã không nên
có tham tưởng, cũng không nên sanh lòng ghen ghét vì thông thường thiện
thai hay nhận lầm là ác thai, và ác thai hay nhận lầm là thiện thai. Thấy
thiện thai cũng không nên sanh lòng ưa đắm, thấy ác thai cũng không nên
sanh lòng chán nhàm, chỉ phải một lòng an trú nơi cảnh vô phân biệt. Nếu
trái lại thì bị hoặc nghiệp tà niệm mà phải đọa vào súc sinh. Bởi vậy
trong khi có thai tạng nào hiện ra truớc mắt ngươi thì ngươi cứ yên tâm
không nên lo lắng, cần phải chăm lòng quy y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), phải
khởi lên ý niệm như sau này: Tôi nay phát nguyện, nguyện làm vị thế vương
hay là Bà-la-môn hoặc làm con vị trưởng giả vĩ đại, hoặc làm con bậc
Tất địa thành tựu là dòng dõi trong sạch không nhơ bẩn đủ có chánh
tín về Phật pháp và có đại phúc đức, có thể làm lợi ích cho chúng
sanh, bởi thế cho nên tôi nguyện sanh vào những dòng dõi ấy.
Phát nguyện xong, đợi đến khi thấy
được hào quang sắc trắng của chư Thiên hay hào quang sắc vàng của loài
người; trong đó những cung điện quý báu, nhà cửa đồ sộ, cho đến vườn
tược v.v… thì ngươi hãy buông lòng mà đi thẳng vào trong đó chớ có
đoái hoài. Được vậy, thì được sanh vào Thiên đạo".
Thiện tri thức phải theo như trên
mà khai thị bảy phen.
(Nếu phải thác sanh vào nhà hạ tiện,
thì người chết sẽ nghe có bao nhiêu tiếng tăm rộn ràng ức hiếp, và thấy
thân mình đi vào trong cảnh bụi rừng lau sậy, những cảnh không vừa ý.
Như sanh vào nhà tôn quý thì sẽ thấy hoàn toàn yên lặng, hoặc nghe thấy
mình được bước lên cung điện ở vào những cảnh tượng vừa ý vậy).
11- TÌNH HÌNH KHI SANH VÀO ÁC ĐẠO
Người chết thường vì nghiệp
duyên nên gặp phải rất nhiều cảnh tượng nguy hiểm như: tối tăm, bão
táp, sấm sét, sương mù v.v… khi đó khiếp sợ quá đỗi nên phải tìm phương
trốn tránh bỏ thân mạng mà tuôn chạy, thì lại thấy ở trước mắt: núi
đèo, hang hố, cây cối, bụi rừng. Vì muốn vội vàng tránh thoát cho khỏi
nên không rảnh rang để lựa chọn chỗ nào; chỉ biết được núp vào một
chỗ nào tức không muốn ra khỏi. Vì sợ rằng nếu ra khỏi tức là bị
khổ. Chỉ vì tỵ nạn không muốn ra, nên rốt cuộc không ngờ mình đã trở
lại thọ thân hèn hạ và chịu rất nhiều đau khổ. Nay hãy đem tình trạng
khi đã trở vào ác thú mà lược thuật như sau:
Nghiệp thức của kẻ chết, nếu sắp
sanh vào đạo A-tu-la thì sẽ thấy: có những vườn cây khả ái và những
vầng lửa lẫn lộn chuyển xoay. Nếu thấy những cảnh tượng ấy mà sanh
lòng vui vẻ đi đến đó, tức là đầu thai vào đạo A-tu-la.
Nếu nghiệp cảm của kẻ chết sắp
sanh vào đạo súc sinh, thì họ tự cảm thấy có những núi non, hang hố,
hay có những vực sâu hiện ra trước mắt; nếu muốn đi vào trong đó tức
là đầu thai vào đạo súc sinh.
Nghiệp cảm của kẻ chết nếu sắp
sanh vào đạo Ngạ quỷ thì họ tự thấy có một bãi sa mạc không cây cối,
hoặc có những hang hố, cỏ cây khô héo… đấy là cảnh tượng của Ngạ
quỷ, nếu sanh vào trong đó thì luôn luôn đói khát và hết sức khổ sở.
Chủng loại của quỷ thú rất nhiều,
không thể kể xiết được. Nhưng đại khái có thể chia làm hai loại là:
quỉ có oai đức và quỉ không có oai đức. Quỉ có oai đức cũng gọi là
quỉ có thế lực; vì đã có thần thông lại giàu của cải. Tuy ở trong
loài quỉ nhưng không bị đói khát. Như quỉ Dạ-xoa, quỉ Cưu-bàn-trà.
Loài không có oai đức thì đại khái chia làm ba loại: a/ Loại ít đói như
quỉ hy tự (mong cầu người ta thờ cúng), quỉ hy khí (mong cầu đồ vật
người ta vất bỏ để mà ăn). b/ Loại đói nhiều, như quỉ châm mao
(lông như kim), quỉ xú mao (lông hôi thối), quỉ đại anh (thân đầy lở lói).
c/ Loại hoàn toàn đói như quỉ cự khẩu, quỉ châm yết, quỉ xú khẩu (cự
khẩu: miệng như lửa; châm yết: cổ như kim; xú khẩu: miệng rất hôi thối).
Đến như loài quỉ có oai đức, vì đời trước có làm việc bố thí cho
nên khi chết cảm được đón rước long trọng và hưởng thọ cảnh vui,
như khi ở đời được làm quan tước, lấn áp nhân dân, trị dân không đúng
phép, nhưng biết đem của cải mà bố thí, thì chết rồi đọa vào loài
quỉ mà làm quỉ Cưu-bàn-trà. Quỉ ấy có thể biến làm cảnh giới ngũ
trần vui sướng để hưởng thọ. Còn những kẻ tính tình hay giận hờn,
say đắm rượu thịt, nhưng lúc sống còn hay làm việc bố thí thì sau khi
chết rồi, đọa vào loài quỉ Địa hành dạ-xoa (địa hành: đi đất) luôn
luôn được nghe những âm nhạc vui vẻ và được ăn uống (như trong kinh
Chánh Pháp niệm xứ đã nói rõ, ở đây không thể chép hết được).
Nghiệp cảm của người chết nếu
sẽ sanh vào địa ngục thì bấy giờ bỗng nghe có những khúc ca hết sức
bi ai buồn bã; nếu họ đi vào trong cảnh ấy, thì thân không được tự
do, hoặc bị xua đuổi vào trong đó mà không có cách gì ngăn cản được.
trong cảnh ấy (địa ngục) mịt mù tối tăm, nhà cửa hoặc sắc đen hay
trắng. Dưới đất thì có hang hố sâu thẳm, đường xá mịt mờ, hoặc
là bị những luồng lửa nung đốt, hoặc bị giá lạnh ngâm thân; có vô số
điều khổ sở, chịu khổ ở trong ấy trải qua cũng nhiều kiếp nhiều đời,
chẳng biết đến bao giờ ra khỏi được.
Nếu nghiệp cảm của người chết
sẽ sanh vào địa ngục, thì cảm thấy trong thân mình như bị gió lạnh
lùng áp bức. Và họ tự thấy, những ngọn lửa bồng bột của địa ngục
bốc lên, vì ưa sự ấm áp nên vội đi vào trong đó. Nếu kẻ chết sẽ
sanh vào địa ngục đại hàn, thì trước hết cảm thấy trong thân mình như
bị chạm phải luồng gió nóng, hay bị lửa hồng nung đốt, cho nên khi hơi
mát trong địa ngục đại hàn bốc lên, thì họ cảm thấy sảng khoái dễ
chịu. Vì ưa mát mẻ nên vội vàng đi vào trong cảnh ấy, tức là bị bó
buộc không thể nào tránh thoát được nữa.
Lại nữa, nếu lúc đang sống còn,
trong khi gây nghiệp, thường có bạn bè giúp đỡ, thì khi lâm chung sẽ thấy
bạn bè đồng nghiệp với mình ngày trước hiện ra trước mắt. Khi đó
vì xúc động đến cảm hứng ngày xưa nên vội vàng chạy đến trong cảnh
đó. Nhưng khi đã đến rồi thì cảnh ấy hoàn toàn thay đổi và phải chịu
mọi điều khổ sở.
(Trong khi thấy, những cảnh tượng
như trên, phải giữ vững tâm chí, chớ nên vội vàng đi đến, cần phải
nên chăm lòng cung kính Đức Phật A Di Đà bên thế giới Cực Lạc để cầu
Ngài đến cứu độ cho mình là hơn).
Thiện tri thức phải theo như trên
mà khai thị bảy phen, để cho họ được vãng sanh Cực Lạc. Bởi vì thân
Trung ấm có được tính ghi nhớ phi thường, so với lúc sống còn có thể
mạnh hơn gấp mười. Tuy khi đang sống còn chỉ là tầm thường ngu độn,
nhưng khi đi vào trong giai đoạn Trung ấm thì nhờ nghiệp lực mà có cái
sáng suốt phi thường. Cho nên Thiện tri thức nên theo như những lời trên
mà khai thị, thì quyết định có công hiệu. Nhưng hoặc thời họ chưa có
đủ tín, nguyện để xu hướng về Tây phương, song nhờ ở sức niệm Phật,
cũng có thể cải tạo được ác thú mà sanh lên Nhân đạo hay Thiên đạo.
Cho nên công đức niệm Phật quyết không luống uổng.
12- CHUYỂN SANH VÀO LOÀI BÀNG SANH.
Nghiệp cảm của kẻ chết nếu sẽ
sanh vào bàng sanh thì đại khái có thể chia ra bốn loài là: Thai, noãn, thấp,
hóa.
1. Đọa vào thai sinh và noãn sinh.
Nếu người nào lòng xan tham tật đố nặng nề, thì sẽ đầu thai làm
các loài như: chó, đó... (thai sinh). Còn ai lòng sân hận quá nặng, thì đọa
làm loài rắn rết, bò cạp... trong các loài này hoặc thai sinh hoặc noãn
sinh không nhất định). Còn người nào lòng dâm dục nặng nề, thì đọa
làm loài uyên ương, chim tước, chim cáp v.v... (Vì những loài này dục
tình nặng nề lắm). Cho nên đến người nào ưa chơi bời lung lạc, thì
đọa làm loài vượn loài khỉ v.v... (thuộc về thai sinh).
Tóm lại, cội gốc của tội lỗi
là do ở ngu si mà ra.
Lại nữa, có khi đối với chỗ mình
sẽ sanh đến, thì bỗng thấy những loài hữu tình đồng loại vừa ý,
nên vội vàng chạy đến. Tuy trong các loài này cũng nương theo nhơn duyên
hòa hợp của cha mẹ mà đầu thai, nhưng những đều kiện câu thúc so với
nhân đạo thì có phần giản dị hơn nhiều; cho nên rất dễ đọa vào.
2. Thấp sinh. Loài thấp sinh
(là nương vào chỗ ẩm thấp mà tạo được sanh thân) thì có khi vì ngửi
được hương vị của chỗ mình sắp đến thọ sanh, sanh lòng ưa đắm mà
liền đến nương vào đó để thọ sanh (hương vị: đại khái như chỗ
ẩm thấp, bùn lầy nhơ nhớp, lấy cái đó làm tự thể. Trong đó không
có tinh huyết của cha mẹ hòa hợp). Đi đến nương vào chỗ ẩm thấp để
thác sanh hoặc là bạ vào vật gì mục nát, hoặc là phân bón v.v... tùy
theo nghiệp lực của mình mà đến gần gũi ưa đắm thác sanh.
3. Hóa sinh. Tức như loài rồng
là loài kim sí, cũng là gốc ở trong bốn loài: thai, noãn, thấp, hóa mà
ra; nhưng nó là loài hóa sinh đặc biệt. Sự hưởng thọ của nó sung sướng
như các cõi Trời.
Trung ấm thân nếu thác sanh trong
loài này, thì được cảm thọ cảnh giới sung sướng, đồng như cõi trời
không khác. (Những loài này còn thuộc về súc sanh, nó là một trong ba ác
đạo, vẫn không khỏi sanh tử luân hồi và chịu nhiều khổ não khác).
13- NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN PHẢI ĐỦ TRONG KHI
TIẾN BẠT.
Y theo trong Mật giáo (các kinh điển
về Mật tông) để nói, thì thành tựu Bồ-đề có thể chia ra ba bực: 1-
Thượng căn, thì tức thời thủ chứng (thành Phật). 2- Trung căn,
thì sau khi chết rồi mới được siêu thăng. 3- Hạ căn, thì đi vào
giai đoạn Trung ấm mới được thành tựu. Cho nên nếu thân thuộc biết
vì họ mà làm những việc công đức thì chắc chắn có công hiệu, nhưng
phải lấy niệm Phật làm chủ. Vì thân Trung ấm đủ có thần thông hữu
lậu, cho nên sau khi đã trải qua nhiều cảnh tượng hãi hùng hăm dọa, áp
bức; họ sẽ tự nghĩ rằng: "Có những pháp lành gì để cứu ta được
ra khỏi?" Bởi thế, nếu lúc đó có người chỉ bảo cho họ niệm Phật
để cầu siêu thăng, thì họ sẽ hết lòng vâng lãnh vui thích ưa nghe, cho
nên hiệu lực không thể tưởng tượng. Nhưng cần phải giữ đúng ba điều
kiện sau đây:
1-Trai giới, cả nhà ai nấy
đều phải nhất luật giữ gìn trai giới, dù có khách khứa cũng không
được thiết đãi rượu thịt; ngoài ra các thứ ô uế khác đều phải dè
dặt giữ gìn.
2- Thành khẩn, đối với kẻ
chết phải hết lòng thành kính, nghĩ nhớ để cầu cảm thông, không nên
chỉ trang sức bề ngoài mà thôi và cũng không nên giao phó công việc ấy
cho kẻ khác làm. Theo như trong bộ bút ký của ông đồ Trường Khanh đời
Tống có chép: "Ở Thông Châu có ông Tư Mã Dưỡng Khiêm, đã từng vì
vong phu nhân (tức người vợ chính đã chết) mà làm rất nhiều Phật sự.
Nhưng vài năm sau người tiểu thiếp của ông, một hôm bỗng chết, cách một
đêm mới tỉnh lại, mà than khóc bảo với Tư Mã rằng: "Thiếp chết
đi vào nơi Minh phủ, thấy vong phu nhân bị giam trong một ngục tối, phu
nhân nói với thiếp rằng: "Ở đây khổ sở không thể nói được. Vậy
xin gấp gấp vì tôi mà làm việc công đức để cứu độ". Thiếp hỏi:
"Vậy sau khi phu nhân đã chết rồi, Tướng công đã từng vì phu nhân
làm nhiều Phật sự, đều là vô ích cả sao?". Phu nhân đáp:
"Chính thế, vì việc tụng kinh sám hối vẫn phải chọn những nhà Sư
hữu đạo, gia chủ phải trai giới chí thành thì mới có thể diệt tội
thêm phúc được. Nhưng đây thì trái lại; trước kia thầy Sa-môn tụng
kinh nhà trên, mà Tướng công thì đánh cờ nhà dưới như vậy thì có
ích gì?". Tư Mã nghe nói cũng khóc òa lên, và sau đó mới chọn những
danh Sư có giới đức, sửa sang rất chỉnh đốn, làm đạo tràng luôn ba
đêm ngày".
Đấy chính là những việc Trường
Khanh đã mục kích, mà cũng là việc của kẻ con hiền cháu thảo phải
nên biết vậy.
3- Tuyển trạch, đối với Pháp
sư phải chọn những bậc đạo hạnh chơn chính mà cầu thỉnh; ngoài ra những
hạng phóng đãng phá giới và chỉ biết nhìn đến tài lợi mà thôi thì
đều không nên cầu thỉnh vậy.
Những hạng Pháp sư đối với Giới
luật tịnh hạnh còn thiếu phạm, hoặc hoài nghi không đứng đắn và
ngông cuồng... thì Trung ấm thân vì đã có thần thông, cho nên họ biết
đó là lừa gạt họ; tức là họ sẽ thất vọng mà sanh ra hối hận. Vì
hối hận nên sanh ra tức giận rồi phải đọa vào khổ thú. Cho nên Thiện
tri thức phải dùng những lời như sau đây mà khai thị:
"Phật biết rằng thân của
bậc Tăng-già tên... tức là thân của Phật. Ngươi phải khởi ý tưởng rằng
chỉ nương theo pháp chứ không nương theo người. Mặc dù người tác pháp
đó có lầm lẫn thế nào, đều là do cái lỗi của ý thức nơi ta chưa
được trong sạch đó thôi. Tỷ như người soi gương, vì mặt mình không sạch,
nêncái bóng trong gương cũng nhơ bẩn. Vậy thì biết chắc rằng sở dĩ
khi tác pháp có sai lầm, đều do tâm niệm của ngươi chưa trong sạch vậy.
Ngươi nên khởi tưởng như thế và phải hết lòng cung kính ái mộ thì
làm phúc gì cũng đều biến thành Phật sự thanh tịnh và vẫn không mất
lợi của chính mình".
Trong gia quyến nếu muốn rước Pháp
sư để làm Phật sự, thì nên đối trước bàn linh mà chỉ giáo bảy phen
như thế thì dù trong khi làm Phật sự có đôi chút sai lầm, cũng vẫn được
lợi ích.
14- VÃNG SANH VỀ TỊNH ĐỘ.
Những hạng người đã sẵn có tu
theo Tịnh nghiệp, thì khi lâm chung họ liền đi đến chỗ họ muốn đến,
tức là vãng sanh Tịnh độ. Không còn phải trải qua những cảnh giới như
trước đã nói. Nhưng trong khoảng 49 ngày, nếu ta biết vì họ mà niệm Phật
thế, thì cũng có thể làm tăng thêm phẩm vị không đến nỗi uổng công.
Đến như việc vãng sanh Tịnh độ,
thật ra thì Tịnh độ trong mười phương đều nên vãng sanh; nhưng chỉ có
thế giới Cực Lạc là có cơ duyên đặc biệt với chúng sanh... xưa nay số
người được vãng sanh không thể kể xiết.
(Trong khi vãng sanh thì chỗ cảm thấy
có nhiều cách, nay nương theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ mà chia làm chín phẩm,
để thuật lại như sau:
1- Thượng phẩm thượng sanh, thì
cảm thấy có Tam thánh (Di Đà, Quán Âm, Thế Chí) và vô số hóa Phật, trăm
ngàn Đại chúng Tỳ-kheo và vô số chư Thiên cùng cung điện thất bảo hiện
ra trước mắt; dùng đài Kim cang đem đến để đón tiếp. Khi đó, liền
sanh về Cực Lạc, được nghe Phật nói pháp, chứng được Vô sanh pháp nhẫn.
Sau đó, tùy theo ý mình mà đi khắp mười phương Phật độ và theo thứ tự
được Phật thọ ký.
2- Thượng phẩm trung sanh,
cũng cảm thấy cả Tam thánh và vô số Đại chúng làm quyến thuộc đoanh
vây, dùng đài Tử kim đến đón rước. Thấy rồi liền được sanh về
trong ao Thất bảo bên cõi ấy; trải qua một đêm thì hoa mới nở và được
thấy Phật.
3- Thượng phẩm hạ sanh,
cũng cảm thấy có Tam thánh và các vị Bồ tát nắm hoa sen vàng chung cùng
với các vị hóa Phật đi đến đón rước. Thấy rồi liền được sanh về
trong ao Thất bảo bên cõi kia; trải qua một ngày đêm hoa sen mới nở và
phải nở trong thời hạn bảy ngày mới được thấy Phật.
4- Trung phẩm thượng sanh,
được cảm thấy Phật A Di Đà và các vị Tỳ-kheo làm quyến thuộc đoanh
vây; phóng ra hào quang sắc vàng, hiện ra trước người đó để tỏ lời
khen ngợi. Người ấy sẽ ngồi trên đài Liên hoa mà sanh về Cực Lạc.
Sanh rồi hoa sen liền nở, được nghe Pháp âm nhiệm mầu, chứng được quả
A-la-hán (A-la-hán: nghĩa là Bất sanh: không còn luân hồi sanh tử)
5- Trung phẩm trung sanh, cũng
thấy có Phật A Di Đà cùng các quyến thuộc phóng ra hào quang sắc vàng; nắm
hoa sen Thất bảo đi đến đón rước. Người chết thấy rồi liền sanh về
trong ao Thất bảo trong cõi ấy; trải qua bảy ngày hoa sen mới nở, khi đó
khen ngợi Đức Di Đà Thế Tôn, nghe Pháp sanh lòng vui vẻ và chứng được
quả Tu-đà-hoàn (Tu-đà-hoàn: Nhập lưu, tức là đã được vào hàng
Thánh).
6- Trung phẩm hạ sanh, căn cơ
của hạng này rất kém, chỉ nhờ nghe lời Thiện tri thức chỉ giáo, mà
vui vẻ tin và thực hành; cho nên khi lâm chung chỉ nhờ nguyện lực mà
thôi, chứ không thấy được cảnh gì. Nhưng khi đã sanh về cõi ấy rồi,
trải qua bảy ngày mới được gặp hai vị Bồ tát: Quán Thế Âm và Đại
Thế Chí, được nghe Pháp âm, rồi cũng chứng được quả Tu-đà-hoàn.
7- Hạ phẩm thượng sanh, thì
chỉ cảm thấy hóa thân của Phật, và hóa thân của Đức Quán Thế Âm
và Đại Thế Chí đến rước mà thôi; nhưng cũng được nương trên hoa
sen Thất bảo, theo hóa thân mà sanh về trong ao Thất bảo bên cõi ấy. Trải
đến 49 ngày hoa nở và được hai vị Bồ tát ấy nói Pháp cho nghe. (Hóa
Phật: tức là hóa thân của Phật; là một trong ba thân của Phật).
8- Hạ phẩm trung sanh, thì trước
hết thấy có lửa dữ trong địa ngục bốc lên sau lại bỗng hóa thành luồng
gió mát để nâng đưa Thiên hoa; trên hoa ấy có hóa Phật và Bồ tát đi
đến đón rước người ấy. Khi đã sanh về trong ao Thất bảo bên cõi ấy
rồi, phải trải qua sáu kiếp mới được hoa nở và thấy hai vị Bồ tát
nói Pháp cho nghe. (kiếp, nói cho đủ là kiếp-ba; 6 kiếp tức là 6 thời hạn).
9- Hạ phẩm hạ sanh, thì thấy
có hoa vàng như vầng mặt nhật hiện ra trước mắt, khi đó liền được
vãng sanh. Sanh rồi phải ở đủ trong hoa sen 12 kiếp, mới được hoa nở và
được thấy hai vị Bồ tát nói Pháp cho nghe.
Ba loại vừa nói trên đây (tức
là từ Hạ phẩm thượng sanh trở xuống) đều do Thiện tri thức
chỉ giáo mà phát tâm niệm Phật và tự mình biết sám hối mà cảm được
vậy.
Nói tóm lại, tùy theo trình độ và
năng lực mà chia ra có chín phẩm cao thấp không đồng, nhưng khi đã được
sanh về Tịnh độ, thì đều được khỏi sanh tử luân hồi và hoặc chậm
hoặc mau đều thành Phật quả vậy.
15- NHỮNG TIÊN TRIỆU ĐƯƠÏC SANH VỀ
TỊNH ĐỘ.
Bậc đã chứng được Vô sanh pháp
nhẫn (tức là chứng được thật tánh bất sanh bất diệt của muôn pháp)
thì đối với Tịnh độ trong 10 phương, đều có thể tùy theo ý muốn của
mình mà vãng sanh. Còn những kẻ phàm phu hoặc nhờ nguyện lực của mình,
hay nhờ thần lực của Phật gia bị mà được sanh về Tịnh độ; thì đều
thuộc về hạng "Đới nghiệp vãng sanh" (nghĩa là nhờ ở
nguyện lực của Phật mà được sanh về Tịnh độ, nhưng chưa trừ sạch
hoặc nghiệp; nên gọi là Đới nghiệp vãng sanh). Hai cảnh giới này
tuy có cao thấp không đồng nhau nhưng chỗ siêu việt cảnh giới Ta-bà thì
vẫn là một.
Những tiên triệu trong khi lâm chung
tùy theo mỗi người mà cảm thấy có khác nhau; nhưng không ngoài Tịnh cảnh
hiện ra trước mắt. Hạng thù thắng thì thấy có Y báo, Chánh báo trang
nghiêm đều đầy đủ. Hạng kém hơn thì chỉ thấy Phật và Bồ tát. Hạng
kém hơn nữa, thì chỉ thấy hoa sen. Nhưng những tiên triệu ấy, đều không
dính dấp gì với mọi người chung quanh, nên họ không thấy được. Nếu
nói đến những tiên triệu mà mọi người chung quanh cũng được cảm thấy;
thì từ những chứng tích vãng sanh của các bậc Thánh hiền xưa nay ta có
thể khảo cứu mà chia ra làm 10 món thoại ứng:
1- Nhất tâm bất loạn: Tâm niệm
được chăm chú vào một cảnh.
2- Biết trước thời chết đã
đến.
3- Tịnh niệm không mất, tức
là tâm niệm chỉ ưa cõi Tịnh độ và quyết chí bỏ cõi Ta-bà.
4- Biết trước mà lo tắm rửa
và thay áo quần.
5- Tự mình hay niệm Phật hoặc niệm
có tiếng hay niệm thầm.
6- Ngồi ngay thẳng và xấp tay mà
chết.
7- Có mùi thơm lạ khắp nhà.
8- Có hào quang sáng soi vào thân thể.
9- Nhạc trời trỗi giữa hư không.
10- Tự nói ra bài kệ để khuyên
đồ chúng (đệ tử)
Nếu tất cả 10 món điềm tốt trên
đây đều được đầy đủ, thì phẩm vị chắc chắn là cao. Còn ai chỉ
có đủ một vài điềm tốt cho đến 5 điềm tốt mà thôi, thì cũng được
vãng sanh.
Đến như nghiệp thức rời bỏ thân
này, thì không phải đồng thời toàn thân đều lạnh, có khi ở trên thân
lạnh trước, rồi dần dần lạnh xuống, có khi ở dưới thân lạnh trước,
rồi dần dần lạnh lên. Như có bài kệ đã nói: "Nghiệp lành, dưới
lạnh trước; Nghiệp dữ, trên lạnh trước. Tim còn lưu chút hơi ấm rất
lâu, các chỗ khác hơi ấm dần dần hết. Người được xuất thế thì
trên trán lạnh rốt sau. Sanh lên trời, thì nơi mặt lạnh sau. Sanh vào cõi
người thì nơi rốn lạnh sau. Sanh vào ngạ quỷ thì hai bên bụng lạnh
sau. Sanh vào loài bàng sinh thì đầu gối lạnh sau (bàng sinh: những loài
thân thể nằm ngang như: trâu, bò v.v...) Sanh vào địa ngục thì dưới chân
lạnh rốt sau".
Cứ theo đây chứng nghiệm thì quả
báo tương lai của người chết, ta cũng có thể dự đoán mà biết được
trước vậy.
(Theo ý nghĩa trong bài kể trên đây
để giải thích thì người nghiệp lành ở dưới thân lạnh trước, vì
nghiệp thức lưu chuyển ở trên; cho nên dưới thân lạnh trước, trên
thân lạnh sau. Còn kẻ ác nghiệp thì nghiệp thức lưu chuyển ở dưới:
cho nên trên thân lạnh trước, dưới thân lạnh sau. Đến như hàng xuất
thế, thì trên trán lưu hơi ấm rất lâu; tức là triệu chứng sanh về
Tây phương vậy).
Về tiên triệu của các thú, sở dĩ
có khác nhau, là vì nghiệp nhân lành, dữ của chúng sanh gây ra từ trước
mà cảm được. đến khi lâm chung, thì nghiệp nhân ấy sôi nổi trong tâm
thức. Nghiệp nào mạnh, thì sẽ lôi vào cảnh giới khác tương đương với
nó để thọ báo. Như nghiệp lành mạnh, thì sẽ hiện ra cảnh giới sung sướng;
Nghiệp dữ mạnh thì hiện ra cảnh giới khổ sở.
Cảnh giới sung sướng là tiên triệu
sanh lên Thiên thú; cảnh giới khổ sở là tiên triệu sanh vào ác thú. Nếu
tới trong hai cảnh giới khổ, vui đó để phân biệt, nó sẽ lôi ta đi đến
đâu, để chia làm từng điều mục mà nói; thì nương vào kinh Thủ Hộ
Quốc Giới Chủ để thuật lại những điều cốt yếu như sau đây:
A) Nếu nghiệp duyên sẽ lôi cuốn
vào Địa ngục, thì sẽ thấy có 15 món tiên triệu: 1- Gặp phải con trai,
con gái và bà con đều nhìn kẻ chết bằng cặp mắt hung dữ ghét bỏ. 2-
Người chết đưa hai tay lên mà rờ mò giữa hư không. 3- Thiện tri thức dầu
có chỉ bảo, họ cũng không chịu tùy thuận. 4- Kẻ chết kêu gào than
khóc. 5- Đi ra đại tiện và tiểu tiện mà vẫn không hay biết gì. 6- Nhắm
nghiền đôi mắt không mở. 7- Thường hay che úp mặt mày. 8- Nằm nghiêng
mà ăn uống. 9- Mình mẩy, miệng mồm đều hôi hám. 10- Gót chân, đầu gối
luôn luôn run rẩy. 11- Sống mũi xiên xẹo. 12- Mắt bên trái hay động đậy,
ta gọi là máy mắt. 13- Hai mắt đỏ ngầu. 14- Úp mặt mà nằm. 15- Thân
hình co rút và tay bên trái chấm xuống đất mà nằm.
B) Nếu phải bị lôi vào trong Ngạ
quỉ, thì có 8 món tiên triệu: 1- Ưa liếm môi miếng. 2- Thân nóng như lửa.
3- Thường lo đói khát và hay nói đến việc ăn uống. 4- Mắt thường
trương lên mà không nhắm. 5- Hai mắt khô khan như mắt chim gỗ. 6- Không
có tiểu tiện nhưng đại tiện thì nhiều. 7- Đầu gối bên phải lạnh trước.
8- Tay bên phải thường nắm lại, tức là biểu hiện ôm lòng bỏn xẻn.
C- Người chết nếu bị lôi vào
bàng sinh, thì có 5 món tiên triệu: 1- Yêu mến vợ con, đắm đuối không bỏ.
2- Ngón tay và ngón chân co quắp. 3- Khắp trong thân mình toát ra mồ hôi. 4-
Tiếng nói ra khò khè. 5- Miệng thường ngậm đồ ăn.
D) Nếu được sanh vào nhân đạo
thì có 10 món tiên triệu: 1- Đến khi chết hay khởi niệm lành, tức là
lòng dịu dàng, lòng phúùc đức, lòng vui vẻ, lòng vô tư. 2- Thân không
đau khổ. 3- Ít sự nói phô, chăm lòng nhớ nghĩ cha mẹ. 4- Con trai, con gái
đều đem lòng thương mến và gần gũi, coi như việc thường, không ưa không
ghét. Tai thường muốn nghe tên họ của anh em, chị em, bậu bạn. 5- Đối
với việc lành hay việc dữ, lòng không lầm loạn. 6- Tâm tính chính trực,
không dua nịnh. 8- Thấy bà con chăm sóc sanh lòng vui mừng. 9- Di chúc việc
nhà, có cất đặt của cải ở đâu thì mách bảo. 10- Sanh lòng tịnh tín,
thỉnh Phật, Pháp, Tăng đến, để đối diện quy y.
E) Nếu nghiệp duyên sẽ lôi lên
Thiên thú cũng có 10 món tiên triệu: 1- Khởi lòng thương mến. 2- Phát khởi
thiện niệm. 3- Lòng thường vui vẻ. 4- Chánh niệm được rõ ràng. 5-
Không có những điều hôi hám. 6- Sống mũi không xiên xẹo. 7- Lòng không
giận dữ. 8- Của cải, vợ con, bà con, lòng không lưu luyến. 9- Mắt được
trong sáng. 10- Ngửa mặt lên mỉm cười mà nghĩ tưởng Thiên cung đến rước
ta.
Năm khoản vừa kể trên đây,
không phải nhất định mỗi mỗi đều phải hiển hiện; chỉ có những
điều kiện thiết yếu sẽ được hiển hiện mà thôi. Ta nên xét cho kỹ
lưỡng: như hai thú Nhân và Thiên thì ý thức của họ đều trong sạch, nên
gọi là khởi thiện niệm. Nhưng một bên chỉ nghĩ đến Thiên cung mà
lãng bỏ việc đời; một bên thì thương nhớ bà con mà dặn dò việc
nhà. Như thế thì rất khác nhau vậy. Còn hai thú Địa ngục và Ngạ quỉ,
thì ý thức của họ đều mê man nên hiển hiện ra khổ. Nhưng một bên
thì rất trái với từ hòa, thay đổi thái độ; một bên thì nóng nảy, đói
khát đáng thương. Như thế cũng rất khác nhau vậy. Đến như thú bàng
sinh thì thân thể đã ra mồ hôi, tiếng tăm khàn nghẹt; vẫn còn thương
tiếc bà con. Như trong kinh có nói: "Nếu sắp sanh vào loài người, thì
có trạng thái thế này: Đưa tay ra giữa hư không mà bắt nắm hoặc để
kháng cự vật gì chướng ngại, so với tướng trạng thác sanh vào Địa
ngục thì họ cũng đưa tay lên mà rờ mò giữa hư không, hai triệu chứng
ấy vẫn là giống nhau. Lại có người đến khi chết thì tâm hồn thành
vô ký (vô ký: không hiểu lành dữ là thế nào) thì tình hình khổ vui
không thể thấy được. Hạng này vẫn là số đông, nếu muốn dự đoán
hạng ấy sẽ sanh vào chỗ nào, thì ta phải đợi đến khi bỏ hơi ấm
trong thân mới có thể quyết đoán được (Nên coi bài kệ ở trên kia).
16- CÁCH LÀM VIỆC PHÚC
Cái yếu điểm của việc phúc, phải
lấy hạnh bố thí làm gốc; hoặc đem di sản của kẻ chết thì tốt hơn
hết, nếu không thì lấy của cải của bà con bạn bè mà giúp vào cũng
được, để làm việc phúc đức; thì người chết chắc chắn được lợi
ích. Như trong kinh Vô thường đã nói: "Nếu như sau khi tính mạng
đã lâm chung, thì nên lấy y phục mới mẻ của người chết, hoặc lấy
những vật thọ dụng của kẻ còn sống: chia làm 3 phần, vì người chết
đó mà cúng dường Phật-đà, Đạt-ma và Tăng-già (Tam bảo). Nhờ đó mà
người chết dù cho nghiệp nặng cũng trở thành nhẹ và được công đức
phúc lợi thù thắng. Không nên đem những y phục tốt đẹp mà mặc cho người
chết, để đem đi tống táng. Vì sao? Vì không có lợi ích vậy".
Đấy là cái lệ thường làm ngày
xưa bên Ấn Độ, đến như hiện đại, thì nên đem di sản ấy mà đổi lấy
tiền tệ; để dùng trang nghiêm Phật tượng, ấn tống kinh điển, cúng dường
Tăng-già. Và làm những việc như: tế bần phóng sinh, hoặc làm việc gì
có ích cho xã hội.
Nhờ những công đức làm việc
phúc đó, thì người chết dù đọa vào Ngạ quỉ, cũng được hưởng rất
nhiều lợi ích. Trong Kinh Ưu-bà-tắc có nói: "Nếu người cha chết rồi
bị đọa vào trong Ngạ quỉ, mà người con vì họ làm những phúc đức, nên
biết người cha liền được hưởng thọ. Nếu được sanh lên trời thì họ
không nghĩ đến vật dụng trong cõi người nữa. Vì sao? Vì trên cõi trời
đã được đầy đủ bảo vật thù thắng vậy. Nếu phải đọa vào Địa
ngục, thì thân họ phải chịu bao nhiêu khổ não, cũng không được rảnh
rang để nhớ nghĩ, vậy nên không được hưởng thọ. Đọa vào súc sanh,
nên biết cũng như thế. Nếu hỏi tại sao ở trong Ngạ quỉ liền được
hưởng thọ lợi ích; thì vì người ấy sẵn có lòng tham lam bỏn xẻn,
cho nên phải đọa vào Ngạ quỉ. Nhưng khi đã làm Ngạ quỉ thường hay hối
hận tội lỗi ngày trước, suy nghĩ muốn được lợi ích, bởi thế cho
nên được hưởng".
Đấy là nói rõ chỗ lợi của quỉ
thú, còn đối với công phu làm việc phúc thật không luống uổng; vì
không những kẻ chết được hưởng, mà bà con hiện tại cũng chung phần
được hưởng. Như trong kinh nói: "Nếu như kẻ chết đã thác sinh vào
các đạo khác, nhưng còn bao nhiêu bà con còn đọa trong Ngạ quỉ; nếu có
làm việc phúc, tức thì cũng đều được lợi ích. Vậy nên, người có
trí, nên vì Ngạ quỉ mà siêng năng làm việc công đức".
(Trong khi lấy di sản của kẻ chết
mà làm việc phúc đức, để cứu độ cho họ; trước hết phải xét rõ
người ấy lúc còn sống, tính họ có bỏn xẻn hay không, thì khi thấy
được bà con đem đi di sản mà làm Phật sự hay bố thí, tất họ thấy vật
dụng của họ bây giờ thành sở hữu của kẻ khác, liền sanh lòng giận
hờn tiếc nuối. Nhân đó mà khởi lên tà niệm, liền bị nghiệp lực dắt
vào ác đạo. Cho nên Thiện tri thức hay là gia quyến của họ phải khai thị
cho họ những lời như sau đây.
"Ngươi tên... nay ta vì ngươi
mà đem di sản của ngươi làm Phật sự hay làm việc phúc đức, làm như
thế, tức là của cải hữu lậu làm việc vô lậu, nhờ ở công đức này,
sẽ được siêu sanh Tịnh độ. Ngươi phải chăm lòng thành kính niệm Phật
A Di Đà cầu Ngài đến cứu độ cho. Đối với di sản cần phải rời bỏ
chớ nên bận lòng, phải hoàn toàn không mến tiếc tham đắm đê tiện mới
được. Vì những thế tài (tài sản thế gian) dù có hoàn toàn để lại
cho ngươi, ngươi cũng không thể thọ dụng được nữa. Như thế, đối với
ngươi nó đã thành vô dụng rồi vậy".
17- CÁCH SẮP ĐẶT CÚNG TẾ
Về cách sắp đặt cúng tế, thì rất
kỵ việc sát sanh, vì việc sát sanh càng làm liên lụy khổ quả cho người
chết. Cho nên thân Trung ấm nếu một phen thấy được việc ấy tức thì
bảo thôi; nhưng ngặt nỗi âm, dương cách trở, nên không thể nào nghe
được. Vì thế kẻ sống còn, vẫn trở lại làm sát sanh như thường. Đối
với kẻ chết không thể ngăn nổi sân niệm khởi lên. Đã thế, nếu một
phen sân tâm khởi lên, liền phải đọa vào địa ngục; cho nên người sắp
đặt cúng tế cần phải chú ý. Nếu muốn cúng tế, thì nên dùng đồ
chay, hương, hoa, sữa, bánh và đồ trái, chớ dùng những đồ uế tạp và
sát hại sanh vật. Như trong Kinh Địa Tạng đã nói: "Làm những việc
sát hại, cho đến bái tế quỉ thần; đã không có một mảy may phúc đức,
không có lợi gì cho kẻ chết mà còn kết thêm tội lỗi càng sâu nặng.
Dù cho kẻ chết về đời sau của họ, hoặc trong đời này có thể chứng
được Thánh quả, hoặc sanh lên Trời; nhưng khi lâm chung bị bà con làm
ác nhân ấy (tức là nhân sát hại) cũng làm cho họ phải liên lụy nhiều
bề, chậm sanh về chỗ lành. Huống chi kẻ chết đó khi sống còn chưa từng
làm một chút việâc lành, chỉ một bề nương theo gốc nghiệp mà tạo
tác, lẽ phải chịu ác thú, nỡ nào bà con lại gây thêm nghiệp cho họ?
Trong luật Thuận Chánh Lý, quyển
thứ ba nói: "Có con quỷ tên là Hy Tự, nó hành động được tự do, có
thể đi hết các phương dễ dàng cũng như chim bay giữa trời, qua lại không
ngăn ngại. Sở dĩ nó phải đọa làm thân quỷ, duyên cớ có hai: 1- Là
lúc bình sanh của nó, mê say theo lối bàn luận của thế tục, chắc rằng:
chết rồi quyết phải thành quỷ. Cho nên luôn luôn mong mỏi sau khi chết rồi,
sẽ được con cháu đem đồ ăn đến cúng tế. Vì chấp chặt tà kiến ấy,
và nhờ có căn lành đời trước, nên mới đọa vào loài quỷ này, luôn
luôn mong mỏi thờ cúng, bởi thế nên gọi là quỷ Hy tự. 2- Là lúc bình
sanh hay ưa gần gũi giao thiệp và vì muốn được giàu có, cho nên chỉ biết
tích trữ của cải cho mình, ôm lòng bẩn chật, dù cho dư dật cũng không
chịu bố thí. Vì ác nghiệp ấy, nên phải đọa vào loài quỷ này. Luôn
luôn vì lòng ưa mến của cải ở đời, cho nên thường hay nương náu
chung quanh nhà cửa hoặc những nơi nhơ nhớp. Bởi thế, nếu bà con, bạn
bè cúng tế, thì sanh lòng cảm khái và hối hận sự bẩn chật của mình
ngày trước. Do cái niệm lành ấy, nên được cái phúc hưởng thọ cúng tế".
Trong Kinh Quán Đảnh, quyển thứ sáu
cũng có nói: "Những kẻ trong lúc bình sanh không làm lành, cũng không
làm dữ; thì sau khi chết rồi không có quả báo gì xuất hiện, cho nên sẽ
làm loài quỷ và được tự do. Nhưng loài quỷ này thường hay nương náu
nơi mồ mả của mình hoặc mồ mả của kẻ khác; dựa theo cái dư khí của
cốt tủy mà được hiển linh. Cho nên nếu ai có cúng tế, thì cũng được
hưởng thụ. Đến khi xương tủy đã mục nát, thì mất chỗ nương tựa,
tức liền tìm đến chỗ nào xương tủy chưa mục nát và vô chủ để
nương tựa". Trong Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, quyển thứ 16 cũng nói:
"Có một loài quỷ tên là Hy vọng, vì trong lúc sống còn, hay ưa buôn
bán tính toán, chẳng kể gì đến phải chăng, gạt người lấy của, làm
như thế mà tự cho là vừa ý. Còn những việc bố thí, thành tín, phúc đức,
giới cấm v.v... thì không bao giờ nói đến. Luôn luôn đem lòng bỏn xẻn
ganh tỵ, không ưa gần gũi bạn lành. Cho nên, đến khi lâm chung phải đọa
vào làm quỷ này. Loài quỷ này mặt mày đen xám, luôn luôn rơi lụy, tay
chân lở loét, tóc tai bù xù, kêu gào thảm thiết. Nếu như con cháu có
lòng nghĩ đến tiên linh mà cúng tế, thì quỷ này mới được uống ăn.
Ngoài ra, không bao giờ được hưởng thọ.
18- CÁCH VẬN CHƯỞNG ĐỂ GIÚP ĐỠ
SIÊU THĂNG.
Sau khi hơi thở đã tắt, nhưng thân
thể chưa toàn lạnh hẳn, thì cần phải đến gần một bên tai kẻ chết
mà kêu gọi; và chuông, khánh phải đánh luôn luôn chớ cho dừng nghỉ, nếu
như toàn thân đều đã lạnh, chỉ có đầu và trán là còn ấm thì có thể
biết chắc người chết đó được sanh về Tây phương, không phải ngờ vực,
và không nên kêu gọi nữa. Cho nên, chỉ vì họ đánh chuông, niệm Phật,
mải cho đến khi hơi ấm ở trên trán đã tản hết, đấy là điều cần
mà thôi.
(Hơi ấm dồn vào dưới bàn chân,
ấy là sa vào địa ngục; hơi ấm dồn xuống đầu gối, tức sanh loài
súc sinh; hơi ấm dồn vào bụng, là đọa vào ngạ quỷ; hơi ấm dồn vào
ngực, là chuyển sanh về Nhân đạo; hơi ấm dồn lên giữa chân mày, là
sanh lên cõi Trời; hơi ấm dồn lên trán, là siêu sanh về Cực Lạc).
Xét biết trên đầu và trán lạnh
trước, còn ngực, bụng, đầu gối và các chỗ khác hãy còn hơi ấm, thì
biết nghiệp thức của kẻ chết còn ở chỗ dương ấm. Khi đó, tiếng niệm
Phật, tiếng chuông cứ luôn luôn không ngớt và nên mời người dùng phương
pháp vận chưởng (dùng tay mà vần chuyển) để giúp đỡ cho nghiệp thức
của kẻ chết được từ nơi chỗ ấm đó mà đi dần lên đến đỉnh môn
(trán). Vì kẻ được sanh về Tây phương cần phải từ nơi đỉnh môn mà
ra.
Phương pháp vận chưởng phải
đưa hai tay ngang nhau mà chuyển lần, và phải úp hở trên chỗ ấm, không
nên cho động đến thân, phải cách thân độ nửa tấc. Rồi dùng hai bàn
tay xoay trở lên trán mà vận chuyển, thẳng lên cho đến trán. Tinh thần của
hai con mắt mình phải chăm chú nơi hai tay và thầm tưởng tượng nghiệp
thức của kẻ chết phải theo tay mình mà trở lên trên trán để đi. Khi
đó trong miệng thầm khấn rằng: "Nam mô Đại từ, Đại bi A Di Đà Phật,
xin Ngài đến tiến dẫn cho vong linh tên... sẽ từ trên đỉnh môn mà ra,
mà sanh về thế giới Cực LạÏc phương Tây; quyết định vãng sanh!".
Phải luôn luôn vần chuyển hai tay, luôn luôn khấn khứa như thế và niệm
danh hiệu Phật A Di Đà và danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm.
Như vậy, tinh thần chăm chú, tay vần,
miệng niệm, cả ba nghiệp đều thi hành, nếu mỏi, thì đổi người khác
luân phiên tiếp tục. Hoặc nửa ngày hay một ngày, không nên nửa chừng
mà thôi nghỉ. Phải làm cho đến khi khắp các chỗ trong thân đều lạnh hết,
chỉ còn lưu lại một chút hơi ấm trên đỉnh mới thôi. Như thế, nghiệp
thức của kẻ chết đã được hiệu Phật và tiếng chuông cảnh tỉnh
không thôi; lại được kẻ vận chưởng tâm thần chăm chú trợ niệm
không nghỉ, thì hoặc chậm, hoặc mau, chắc chắn phải xoay trở lên theo
đỉnh môn, mà được thấy Phật A Di Đà và vãng sanh về Cực Lạc vậy.
Nhưng người chú nguyện và vận chưởng đó, cần phải mời được những
người tu niệm Phật đã lâu và sẵn lòng từ bi thì tốt hơn cả.
HỒI HƯỚNG
- Nguyện đem công đức này,
- Hồi hướng cho tất cả,
- Tôi và các chúng sanh,
- Đều được thành Phật quả.
Dịch xong ngày mồng
10,
tháng 11, Kỷ Sửu
Phật lịch 2512
(Nếu không sai, thì có lẽ các bạn
đang còn bỡ ngỡ với danh từ Trung ấm thân, mặc dầu nội dung của cuốn
sách này đã cung cấp cho bạn thấy rõ trạng thái và năng lực của Trung
ấm thân.
Trong Đạo Phật thường dùng danh từ
Trung ấm thân để chỉ cho năng lực, động tác của con người – hay một
sanh vật cũng thế – trước khi đầu thai và sau khi đã chết (ở giữa
thân trước và thân sau, nên gọi là Trung ấm thân).
Đấy, chúng ta thấy tương tự như
quan niệm LINH HỒN của người đời thường hiểu. Bời thế cho nên dưới
đây chúng tôi xin trích đoạn văn nói về "Cái Hồn" đăng trong báo
Viên Âm số 4, năm thứ nhất. Mong rằng với đoạn văn ngắn ngủi này,
có thể giúp ích nhiều cho các bạn trong khi nghiên cứu về vấn đề Trung
ấm thân hay là LINH HỒN cũng vậy).
Mùa Đông năm Kỷ Sủu
Dịch giả cẩn chí
CÁI HỒN
TÍNH CÁCH: Tính cách của
cái hồn cũng như tính cách của ngàn muôn pháp (sự hay vật) khác, theo chỗ
hiểu mỗi người, ý nghĩa không y nhau; nên trước khi bàn về cái hồn, cần
phải định rõ tính cách của cái hồn, rồi mới có thể bàn được. Định
tính cách, chỉ định theo ý tưởng của đại đa số người mà thôi, xin
chớ nhận lầm rằng đó là tính cách nhất định của cái hồn theo lý
nghĩa Đạo Phật.
Trong thế gian, khi chết thì nói hồn
ra khỏi xác, khi ngủ thì nói hồn đi chơi, khi dậy thì hồn nhập xác, cho
đến khi chiêm bao có làm việc gì, cũng nghĩ là hồn mình làm, thậm chí
có nhà Thôi miên thuật, đem riêng một cái hình lờ mờ ra ngoài cho là
cái hồn, khi chích kim vào, hồn ấy cũng biết đau nữa. Xét như vậy, thì
theo ý tưởng thông thường, cái hồn cũng đủ mắt, mũi, tay chân, biết
thấy, biết nghe, biết thương, biết ghét như người thường, chỉ khác
vì người sống không thể thấy hồn được, hoặc chỉ thấy lờ mờ mà
thôi.
DUYÊN CỚ: Mấy lâu nay, vì không định
rõ tính cách cái hồn, nên các nhà học Phật đã thường cãi nhau về vấn
đề ấy, cãi nhau mãi là vì mỗi người hiểu mỗi cách.
LỜI LUẬN: Như nói rằng, riêng một
phần hồn cũng thấy, cũng nghe, thì tôi xin hỏi: Đương khi mình sống,
cái thấy, cái nghe của mình là hồn thấy, hồn nghe hay thân thấy, thân
nghe? Nếu như nói thân thấy, nghe, thì người chết vẫn còn mắt, còn tai,
sao lại không thấy, không nghe được? Còn như nói hồn thấy, hồn nghe,
thì cái thấy nghe kia phải nương theo xác thịt mới có, hay riêng một phần
hồn cũng có? Như nói nương theo xác thịt mới có thì cái hồn ra ngoài
xác chắc không còn thấy nghe nữa, sao người đời lại tin rằng một mình
cái hồn cũng thấy, cũng nghe? Vả chăng, nếu hồn cần phải nương theo xác
mới thấy, nghe được thì chỉ nên nói người sống (hồn và xác) thấy,
người sống nghe mà thôi, chớ không thể nói riêng phần xác hay là riêng
phần hồn cũng thấy, cũng nghe được. Còn như nói chỉ một phần hồn cũng
thấy, cũng nghe, không cần đến xác, thì hồn ấy ra thế nào? Khi mình đứt
một cánh tay, hồn có đứt cánh tay không? Nếu hồn cũng đứt cánh tay
thì hồn với xác là một sao lại chia làm hai? Nếu hồn như hư không
không thể đứt được, thì làm sao hồn của những người mắc bệnh đui
không tự thấy đường mà đi, lại phải nhờ người dắt? Dầu cho rằng
hồn chỉ có tánh biết, không phải là thấy nghe, không phải là cái cảm
xúc cũng không được; vì ngoài cảm xúc và di ảnh của xác thịt, chúng
ta thật không còn cái gì gọi là tánh biết nữa.
Đến như chiêm bao thì không thể
nói là hồn hay là xác được; chiêm bao do tư tưởng của mình biến ra mọi
sự, tư tưởng trong sạch thì thấy những điềm lành, tư tưởng độc ác
thì thấy những điềm dữ, chớ không chi khác. Nếu như nói thân trong
chiêm bao là hồn của mình, thì còn cả cảnh giới trong chiêm bao là ai? Cảnh
giới ấy thật có hay không thật có? Nếu như thật có, thì làm sao những
người chung quanh mình lại không thấy? Nếu như do tư tưởng mình mà
thành ra, thì tất cả cảnh giới trong chiêm bao đều là mình, riêng chi một
cái thân kia đâu, mà lại nhận là hồn, là xác.
Xét như vậy thì đủ biết cái hồn
biết thấy, biết nghe, biết có mình, có người, biết thương ghét, buồn
vui kia, không thật có.
LỜI QUYẾT NGHI: Không thật có…
làm sao có nhiều người thấy ma chán chường, lại có người đánh đồng
thiếp thấy rõ ông bà, cha mẹ? Muốn trả lời câu này, tôi xin hỏi thêm
một câu nữa là nhân vật trong chiêm bao thật có hay không thật có? Chắc
ai cũng trả lời rằng không, vì nếu thật có, sao khi tỉnh dậy lại
không thấy.
Nhân vật trong chiêm bao không thật
có, nhưng vì chiêm bao nên in tuồng là có, cũng như con ma vẫn không thật
có, nhưng vì lòng mê tín và lòng khiếp sợ nên hóa ra có. Đánh đồng thiếp
thấy cái hồn ông bà dưới âm phủ, nào khác chi những người xem múa rối,
mắc phải thôi miên thuật, thấy có trâu đi qua ống tre, đó là do tư tưởng
của mình hóa ra, chớ không chi khác.
Có người lại nghi rằng: không có
hồn thì làm sao ngày nay chúng ta lại sống được. Nghĩ như vậy là chưa
hiểu, chớ tôi nói không có hồn là không có cái hồn theo như lối thông
thường, nghĩa là cái hồn có mắt, có mũi, có tay,có chân, biết người,
biết mình, biết thương, biết ghét kia, chớ không phải tôi nói không có
cái gì làm cho chúng ta sống đâu. Cái làm cho chúng ta sống, khi nào cũng vẫn
có, sau khi thân chết rồi cũng vẫn có, vì nếu cái ấy không có thì cái
sống cũng không có, làm sao mà sống được? Nhưng cái ấy là cái ấy, chứ
không phải như cái hồn theo lối thông thường đâu. Trong khi cái ấy làm
cái thân chúng ta sống; thân chúng ta mới theo cảm giác của loài người mà
phân biệt; Nầy là thân, này là cảnh, này là mình, này là người; rồi
tưởng tượng ra cái ấy có mắt, mũi, tay, chân. Thật ra thì không phải
thế; cái ấy vẫn làm cho thân sống, vẫn làm cho mắt thấy, tai nghe, vẫn
làm cho ta có tư tưởng. Nhưng thật ra cái ấy không riêng một thân nào,
không riêng một đời nào cả? Ví như điện khí vẫn khắp cả vũ trụ,
không nơi nào là không có, mà tùy theo chỗ dùng của mình, có luồng điện
mạnh, có luồng điện yếu, có đèn sáng, có đèn lu; cái ấy cũng vậy, cái
ấy cùng khắp mọi nơi, mà cũng tùy theo chỗ hành động của mình khi làm
sống cho thân này, khi làm sống cho thân khác, rồi tùy theo thân mình mà in
tuồng như có mình, có người, có sống, có chết.
LỜI KẾT LUẬN: Muốn cho có đèn
sáng, cần phải làm ra luồng điện mạnh, làm ra cái đèn tốt, cũng như
muốn được thân trong sạch, muốn được cảnh vui vẻ, cần phải hành động
một cách chánh đáng, đó là lẽ tất nhiên; chớ cái làm cho chúng ta sống
đây không thể kêu bằng chi được, gượng mà phải gọi là
"TÂM"; một điều chắc chắn là không phải cái hồn tự một
mình biết thương, biết ghét, biết thấy, biết nghe đâu.
(Trích trong báo VIÊN ÂM,
số 4, năm thứ 1)
Nguyện hồi hướng công đức ấn
tống 1.1000 quyển "LIỄU SANH THOÁT TỬ" cầu siêu cho em là Đào
Nguyệt Thu, pháp danh DIỆU ĐẲNG được vãng sanh Cực Lạc quốc.
TKN Thích Nữ Phương Thanh.
- "Vô thường mau lẹ sớm hồi đầu,
- Thân này tuy có chẳng bền lâu,
- Mải lo danh lợi, chiều nhắm mắt,
- Khá mau niệm Phật kẻo bạc đầu.
- Khuyên ai tinh tấn tìm giải thoát,
- Sống tu kẻo chết biết về đâu!
- Ngày đêm gắng nhớ câu niệm Phật,
- Nguyện về Cực Lạc khỏi đọa sâu."
Đây là những câu kệ tôi tìm thấy
trong những tài liệu tu học mà Diệu Đẳng để lại. Tôi nghĩ rằng: Diệu
Đẳng đã dùng những câu kệ này để tỉnh giác cho chính mình. Cho nên đến
giờ phút cuối cùng Diệu Đẳng vẫn còn nhất tâm niệm Phật không nghĩ
đến bất cứ điều gì ngoài câu niệm Phật. Trước khi mất một tháng,
Diệu Đẳng và tôi đồng nghe mùi thơm hương trầm ngạt ngào trong phòng của
Diệu Đẳng.
Nguyện cầu tất cả chúng sanh
trong pháp giới đồng quay về giác ngộ, đồng niệm Phật, đồng về thế
giới Tây phương Cực Lạc.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
- Chân thành cảm ơn sư cô Như Ngọc
đã tặng bản vi tính