- GIA CHỦ HỎI PHÁP
Phật tử nghiên cứu và học hỏi giáo lý của
đức Phật là cốt tìm một phương pháp giải thoát và an lạc cho chính
mình. Cũng như ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế, các vị cư sĩ cũng
đi đến với Ngài là để cầu sự chỉ giáo của Ngài, hầu mong đem lại
cho họ một cuộc sống hạnh phúc an vui.
Kinh Tăng
Chi Bộ tập IIIA ghi lại rằng:
"Một hôm, một vị cư sĩ
tại gia đệ tử của Ngài tên là Dìghajamnu (Ðầu gối dài)
đi đến Ngài, đảnh lễ và bạch rằng:
- Bạch đức Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ,
đang hưởng thọ các dục, sống hệ phược với vợ con, dùng các thứ hương
hoa phấn sáp, lãnh thọ vàng bạc; bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết
pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để pháp ấy đem
đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và hạnh phúc an lạc
cả trong tương lai".
Ngày nay,
các Phật tử tại gia trong thời đại
chúng ta, dù không nói ra những điều thầm kín trong tâm tư của mình, nhưng
có lẽ cũng ôm ấp một hoài bảo tương tự, ấy là, làm thế nào để với
tư cách là một tại gia cư sĩ, còn thọ hưởng dục lạc, có được một
đời sống hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và cả về tương lai?
Mặc dù vị
thương gia Dìghajamnu (Ðầu gối dài) này sống với dục lạc thế gian, nhưng
ông nhận thấy những tài sản vật chất chỉ giúp cho ông được sống,
chứ không giúp cho ông được an lạc. Ông sống trong vòng vây giữa quyến
thuộc vợ con đầy đủ, danh vọng tràn trề, tài sản sung túc, nhưng tâm
tư còn trĩu nặng những lo âu sợ hãi, tham lam thù hận, ước vọng thèm
khát không bao giờ dừng nghĩ, ông nghĩ rằng ông không bao giờ có được
an lạc. Ông cầu mong đức Phật dạy cho ông một phương pháp để đem lại
cho đời sống tại gia như ông một cuộc sống an lạc và hạnh phúc lâu
dài. Ông cư sĩ ấy còn nhấn mạnh, trong khi vẫn thụ hưởng dục lạc thế
gian, chứ không phải xuất gia, sống đời sống khất thực như các vị Tỷ-kheo.
Ðó là một
lời thỉnh cầu rất tha thiết và chân thành, đồng thời cũng là một
viên đá thử vàng đối với đạo Phật. Ðạo Phật với một lòng từ bi
vô hạn, với một nền giáo lý siêu việt, nhưng liệu có giúp ích gì cho
đại đa số con người đau khổ, còn lăn lóc trong thế gian hay không?
Câu trả lời
của đức Phật sau đây cho chúng ta thấy rằng, đức Phật đặc biệt chú
trọng đến đời sống của người tại gia cư sĩ biết là dường nào.
I. Bốn pháp đưa đến hạnh phúc, an lạc cho hiện tại.
Ðức Phật
dạy cư sĩ Dìghajamnu rằng: "Này Cư sĩ, có bốn pháp này đưa đến hạnh
phúc và an lạc ngay trong hiện tại". Thế nào là bốn?
- Ðầy đủ sự tháo vác,
- Ðầy đủ sự phòng hộ,
- Làm bạn với thiện,
- Sống thăng bằng điều hòa.
1.
Này Cư sĩ, thế nào là "đầy đủ sự tháo vác"?
Nghĩa là tại
gia cư sĩ dù làm nghề gì cũng cần phải tinh xảo, siêng năng không biết
mệt mỏi, biết suy tư tìm hiểu, biết phương tiện hành động để vừa
tự làm và điều khiển người khác làm cho có lợi ích và đạt hiệu quả
kinh tế cao.
2.
Thế nào là "đầy đủ sự phòng hộ"?
Nghĩa là những
tài sản do tháo vác siêng năng mà thu hoạch được, do mồ hôi đổ ra đúng
pháp tìm được, thì phải khéo giữ gìn phòng hộ, để cho khỏi bị vua tịch
thâu, bị trộm mang đi, bị lửa đốt, bị nước trôi, bị con cái hư hỏng
phá tan.
Ðây là những
lời dạy rất thiết thực, vì hàng tại gia không như hàng xuất gia khất
thực để sống, họ còn nhiều bổn phận đối với cha mẹ, vợ con quyến
thuộc nên cần phải có một nghề nghiệp sinh sống chính đáng để làm
ra của cải. Muốn thế cần phải siêng năng, tinh xảo trong công việc và
nghề nghiệp của mình. Nếu không siêng năng tháo vác thì sẽ bị lôi cuốn
vào những việc bất chính, làm rối loạn xã hội chỉ vì đồng tiền không
do mồ hôi đổ ra. Mỗi khi tiền của do bất chính tạo ra không do sức
mình thì tiền của vật chất ấy là tiền của phi pháp, nó sẽ bị vua
chúa tịch thu. Vậy cách giữ gìn của cải vật chất khỏi bị vua mang đi
là phải có nghề nghiệp chính đáng. Những tài sản nào do mồ hôi kiếm
được một cách khó khăn thì phải lo đề phòng, chớ để cho các tai nạn
như lửa, nước, trộm cướp và nhất là con cái bất hiếu phá hoại.
Trong xã hội
xưa cũng như nay, có nhiều gia đình giàu có mà vì quá thương con, sự giáo
dục lỏng lẻo, để con cái hư hỏng phá của không thương tiếc vào những
cuộc vui vô bổ như cờ bạc, rượu chè say sưa..., làm cha mẹ như vậy là
dung dưỡng cho những kẻ bất lương phá cửa, làm hại cho gia đình, xã hội
và cả quốc gia nữa. Khi đã phá tán tài sản của cha mẹ hết rồi, chắc
chắn sẽ đi vào phá làng, phá xóm, làm hại mọi người. Bởi thế, đức
Phật dạy có của, có tiền thì phải lo phòng hộ, đừng để lọt vào những
trường hợp trên. Nghĩa là ngoài việc làm giàu chính đáng do sức lao động
của mình ra, cần phải chú trọng đặc biệt đến sự giáo dục con cái
cho cẩn thận để đưa nó vào đời, tạo dựng cho con cái một cuộc sống
hạnh phúc hầu góp phần vào sự giàu mạnh cho xã hội.
3.
Thế nào là "làm bạn với thiện"?
Nghĩa là tại
nơi mình sinh sống trong làng hay trong thị trấn, có những gia chủ hay con
trai gia chủ có giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ trí tuệ và có
lòng bố thí thì nên làm quen, nói chuyện, thảo luận với họ. Từ những
người đầy đủ lòng tin, hãy học tập lòng tin. Từ những người đầy
đủ giới đức, hãy học hỏi giới đức. Từ những người đầy đủ bố
thí hãy học hỏi bố thí. Từ những
người đầy đủ trí tuệ, hãy học tập trí tuệ. Ðó là làm bạn với
thiện.
Trong ba lời
dạy trên, hai lời dạy đầu là dạy làm ra của cải vật chất và cách
giữ gìn nó. Lời dạy thứ ba là lời dạy về pháp tài, tức là của cải
tâm linh thuộc về tinh thần. Áp dụng nó trong cuộc sống thì các cư sĩ
theo Phật khỏi bị mang tiếng, bị người chê cười là có của mà vô lương.
Vậy người tại gia cư sĩ phải trau dồi Phật pháp để có những ngôn ngữ,
hành động, ý nghĩ, phù hợp với giáo lý và trở thành Phật tử lợi đạo
ích đời.
4.
Thế nào là "sống thăng bằng điều hòa"?
Nghĩa là
khi làm ra của cải cần phải chi dùng một cách thích ứng, không quá phung
phí mà cũng không quá bỏn xẻn. Nếu trong sự tiêu dùng hàng ngày, số xuất
quá số nhập sẽ dẫn đến phá sản và mất thăng bằng trong cuộc sống.
Ngược lại, chi tiêu quá bỏn xẻn, những việc cần chi không dám chi,
không dám tiêu dùng, thì sẽ trở thành người nô lệ của cải. Người làm
chủ của cải vật chất thì được sống an lạc, trái lại, bị vật chất
làm chủ chi phối thì đó là nô lệ lại cho của cải, sẽ gây ra khổ sở.
Làm chủ vật chất là thế nào? Là khi cần tiêu vào việc chính đáng thì
phải tiêu, không cần tiêu thì giữ lại. Tóm lại người bị của cải làm
chủ là người có tiền mà cứ giữ bo bo, thậm chí đến việc tiêu dùng
cho bản thân cũng không dám, nói gì đến gia quyến vợ con và bố thí cho
người khác.
Như
vậy sống thăng bằng có nghĩa là không phung phí, cũng không nên bỏn xẻn.
Phật dạy bốn nguyên tắc để sống thăng bằng điều hòa là: 1. Không
đam mê sắc dục; 2. Không đam mê rượu chè; 3. Không đam mê cờ bạc; 4.
Không giao du với kẻ ác. Nếu đóng bốn cánh cửa ấy lại, thì tài sản
sẽ không bị thất thoát, gia chủ sẽ được sống an lạc.
II. Bốn pháp đưa đến hạnh phúc, an lạc cho tương lai
Phật dạy
làm bạn với thiện là để trau dồi lòng tin, tăng trưởng giới đức, học
tập cách bố thí và trau dồi trí tuệ. Ðó chính là bốn điều để sống
an lạc trong tương lai.
a.
Thứ nhất, đầy đủ lòng tin.
Phật tử
quy y Tam Bảo là thực hiện đầy đủ lòng tin.
b.
Thứ hai, tăng trưởng giới đức.
Phật
tử thọ giới là thực hiện đầy đủ giới đức. Là Phật tử mà không
giữ gìn giới hạnh, hành động tà vạy, không xứng đáng với lời dạy
của Thế Tôn, thì dù có xưng là Phật tử cũng không phải là Phật tử.
Cho nên đầy đủ giới đức mới xứng đáng là con Phật.
c.
Thứ ba, là học tập bố thí.
Bố thí là
hạnh đầu tiên mà đức Phật dạy cho chúng ta thực hành. Con người vì
lòng tham đứng đầu nên gây mọi tội ác. Muốn điều phục nó thì phải
bố thí. Bố thí là san sẻ vật chất, khả năng, công lực, hiểu biết,
tình cảm, giáo lý... là những điều mình có mà người khác không có. Một
nụ cười với người đang sợ hãi cũng là một sự bố thí. Bố thí cao
nhất là mở rộng lòng, mở rộng tâm tư. Nếu chỉ biết thu mà không biết
chi thì người ấy là người bỏn xẻn, ích kỷ. Nếu xã hội chỉ gồm những
người như vậy, thì xã hội ấy không có hạnh phúc. Một gia đình ai cũng
nghĩ đến bản thân, thì gia đình ấy không có an lạc. Bố thí trước hết
là dứt lòng tham, dứt tính bỏn xẻn và đặc biệt là dứt lòng ganh tị.
Khi có của, có quyền, có danh... mà họ muốn bố thí san sẻ thì người
đó phải làm như thế nào? Khi được người trân trọng, thì mình phải
đối lại bằng đức khiêm cung, thì đó cũng là hình thức bố thí. Bố
thí như vậy chẳng những tạo được hạnh phúc cho người mà còn làm an
lạc cho chính mình. Bởi thế, không phải chỉ có tiền của mới là bố
thí được mà nên hiểu rộng ra rằng
ai có thân, có tâm là có thể bố thí được cả. Nếu trong tâm mọi người
đều luôn luôn nghĩ đến bố thí, thì sự đua tranh, ganh tỵ, tham lam, bỏn
xẻn sẽ giảm bớt rất nhiều.
d.
Thứ bốn, trau dồi trí tuệ.
Phật tử
là con của đấng Ðại giác. Ngài đã chứng ngộ được thực thể vũ trụ,
hiểu biết tâm tánh chúng sanh, nên Ngài giáo hóa phù hợp với đủ mọi
căn cơ và trình độ của các hạng chúng sanh. Chúng sanh nhờ đó mà nuôi
lớn tâm hồn. Phật tử là con của
đấng giác ngộ mà còn quá vô minh thì thật là không xứng đáng, do đó
mà cần phải trau dồi trí tuệ. Phật dạy: "Mọi sự tuần hoàn trong
nhân duyên nhân quả". Nghe như vậy, chúng ta cần phải suy xét ra như
thế nào? Nghe là văn tuệ, suy xét là tư tuệ. Văn tuệ là nghe, nhưng nghe
cho đúng, nghe phải có đầu có đuôi. Có người đi nghe thuyết pháp về,
có ai hỏi thì lại chỉ biết trả lời: Hay lắm mà tôi không nhớ hết. Vậy
cần phải ghi nhớ mỗi khi một ít, để tư duy rồi tu tập theo đó, tức
là tu tuệ. Tu tuệ là thực hành giáo lý bằng kinh nghiệm bản thân của
mình. Qua thực hành văn, tư mà tu mới thấu hiểu lời đức Phật dạy mà
tu tập mới có kết quả.
Ngày xưa có
một lần Phật đi qua đồng ruộng, có Tôn giả A-nan theo hầu. Bỗng Ngài
đưa tay chỉ vào một bụi rậm bảo: Ðộc xà, A-nan! Tôn giả A-nan nhìn
vào cũng nói: Ðại độc xà, Thế Tôn!
Tình cờ một
nông phu đi sau nghe lén, bèn vào xem là cái gì, anh ta khám phá một hủ đầy
vàng ròng, vô cùng mừng rỡ thầm bảo: nghe đồn Thế Tôn là bậc Nhất
thiết trí, cái gì cũng biết mà đây là vàng, Ổng lại bảo là rắn độc!
Anh liền khiêng vàng về, tạo mãi nhà cửa, ruộng đất, xe cộ. Xóm giềng
thấy anh lâu nay nghèo kiết xác, ăn bữa hôm lo bữa mai, nay bỗng dưng phát
giàu, thì không khỏi nghi ngờ, nên họ lên trình quan. Quan gọi lên tra hỏi
và về nhà lục xét, lấy hết vàng bạc châu báu và bắt anh bỏ tù. Ngồi
trong ngục tối, anh mới thấm thía lời Phật dạy, tưởng là từ nay sẽ
được ăn cao lương mỹ vị, thì ngược lại bị giam đói. Tưởng từ nay
sẽ được nhà cao cửa rộng, hóa ra lại nằm trong ngục, cảm kích lời
Thế Tôn dạy, anh ta kêu to: "Ðộc xà, A Nan! Ðại độc xà, Thế
Tôn".
Quan giữ ngục
nghe, hỏi lý do, anh kể đầu đuôi câu chuyện rồi kết luận: Giờ phút
này ở trong tù, tôi mới tỉnh ngộ, mới tin hiểu lời Phật dạy thật
sâu xa vô cùng!
Nghe câu
chuyện trên, không dễ gì ngày nay chúng ta là Phật tử, chúng ta đã tỉnh
ngộ, tin theo lời dạy của đức Thế Tôn. Giả sử một mai đẹp trời,
đi giữa đường gặp một thỏi vàng như vậy, chúng ta có mang về không?
Chắc cũng mang về. Cho nên lắm lúc người đời bảo Phật dạy không thực
tế, viễn vông! Hàng Phật tử, chúng ta cần phải nhận thức cho rõ, có
phải lời Phật dạy là chí lý không? Hay chẳng qua vì lòng tham của chúng
ta còn nặng, nên chúng ta không làm ngơ được?
Nhưng khi
chưa nghe lời Phật dạy thì chúng ta sử dụng vàng một cách khác, nhưng
khi đã nghe rồi thì chúng ta sử dụng nó một cách khác. Nghĩa là chúng ta
phải biết học cách bắt rắn như trong kinh Xà Dụ có dạy, nếu bắt đằng
đuôi nó sẽ ngoái đầu cắn lại. Nếu dùng nạn chặn đầu đè xuống rồi
mới bắt thì sẽ không bị rắn cắn. Ở đây, điều đáng nói là đừng
vị kỷ khi sử dụng. Tất cả mọi cái vị kỷ điều xấu xa, trái lại
những việc vị tha đều tốt. Nếu chúng ta đem vàng về mà làm việc vị
tha thì đó là chúng ta biết cách bắt rắn, không bị rắn cắn. Suy rộng
ra, không những vàng mà mọi chuyện khác cũng đều như vậy. Nếu thiếu
trí tuệ thì chúng ta làm sao hiểu hết lời thâm thúy của đức Phật. Nếu
có trí tuệ thì anh nông dân đã không vào tù. Vàng mà Thế Tôn bảo là rắn
độc, có người không tin thì không khác gì hôm nay đạo Phật nói đời là
đau khổ, vẫn có người không tin.
Nếu không
có trí tuệ thì chúng ta sẽ như anh nông phu nói rằng: Thật viễn vông,
ở đời có nhiều thứ vui đáng để thưởng thức lắm như xem xi-nê, nghe
tân nhạc, xem cải lương, xem video... bao nhiêu chuyện vui như thế sao lại
nói đời là đau khổ! Nhưng có biết đâu rằng cái vui đó là vui trong
đau khổ?
Có trí tuệ
là có nhận thức, biết được sự việc trước khi nó xảy đến, chứ không
phải chờ nó xảy ra rồi mới biết. Trí tự giác là một ngọn lửa sáng
từ trong tâm, khiến cho chư Phật và Bồ-tát, Tổ sư thấy ngay được chân
lý không cần thầy dạy. Ðó cũng gọi là vô sư trí, vô sư tự ngộ hay tự
giác thánh trí. Nhưng đó cũng là kết quả tu tập, công phu thực hành lâu
đời lâu kiếp mới có được.
Ðã là Phật
tử mà lấy tà làm chánh, không biết phân biệt phải trái hay dở thì
không phải là người có trí tuệ và dễ trở thành mê tín dị đoan, tin
theo tà sư ngoại đạo. Ðó là điều thứ tư mà Phật dạy cho hàng cư sĩ
tại gia phải trau dồi trí tuệ để được hạnh phúc trong hiện tại và
tương lai.
Trong cuốn
"What the Buddha taught" của tiến sĩ Wallop Rahula, có nhận xét: Những
người nghĩ rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những lý tưởng cao siêu,
tư tưởng triết lý và đạo đức siêu phàm, và không kể đến lợi ích
xã hội và kinh tế của con người, là sai lầm. Ðức Phật rất quan tâm
đến hạnh phúc con người. Ðối với
Ngài, không thể có hạnh phúc mà không sống một đời sống trong sạch, dựa
trên những nguyên tắc đạo đức và tâm linh. Nhưng Ngài biết rằng sống
một đời như vậy rất khó trong những điều kiện xã hội và vật chất
không thuận.
Phật giáo
không xem hạnh phúc vật chất như một cứu cánh: nó chỉ là một phương
tiện để đến một cứu cánh - một cứu cánh cao quý hơn. Nhưng đấy là
một phương tiện rất cần thiết, cần thiết để hoàn thành một mục đích
cao hơn cho hạnh phúc nhân loại. Bởi thế Phật giáo công nhận sự cần
thiết của một vài điều kiện vật chất tối thiểu thuận tiện cho sự
thành công của tâm linh - ngay cả đối với một Thiền sư thiền định
trong một nơi cô tịch nào.
Ðức Phật
không xét đến sự sống một cách tách biệt ra ngoài bối cảnh kinh tế
và xã hội. Ngài nhìn đời trong toàn diện, trong tất cả mọi phương diện
xã hội, kinh tế và chính trị của nó. Những lời dạy của Ngài về những
vấn đề đạo đức, triết lý và tâm linh đã được khá nhiều người
biết đến. Nhưng người ta biết rất ít, nhất là ở Tây phương, về giáo
lý của Ngài trong những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Tuy vậy
có rất nhiều bài giảng của ngài bàn về những vấn đề ấy rải rác
khắp các bản kinh văn cổ xưa của Phật giáo. Ta hãy lấy chỉ một vài
thí dụ: Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkvattisìhanàda-sutta,
Trường bộ kinh, Dìghanikàya) số 26, nói rõ rằng sự nghèo khó (dàliddiya)
là nguyên nhân của vô đạo và tội ác như trộm cắp, tà vạy, bạo động,
thù hằn, độc ác v.v... Những vị vua chúa ngày xưa, cũng như các chính phủ
ngày nay, cố đàn áp tội lỗi bằng hình phạt. Kinh Kùtadantasutta cùng thuộc
bộ ấy giải thích sự vô ích của hình phạt, nói rằng phương pháp ấy
sẽ không bao giờ thành công. Thay vì vậy, đức Phật đề nghị rằng, muốn
diệt tận gốc các tội lỗi, thì cần phải cải thiện điều kiện kinh tế
của con người: cần phải cung cấp cho tá điền và nông phu hạt giống
và phương tiện trồng trọt khác, vốn phải được cung cấp cho những
thương gia và những người buôn bán; lương hướng thích đáng phải được
trả cho những người làm công. Khi mọi người đều được cung cấp những
cơ hội để kiếm được một lợi tức đầy đủ họ sẽ bằng lòng,
không sợ hãi lo âu và do đó xứ sở sẽ thanh bình và không có các tội lỗi.
Bởi vậy,
đức Phật thường dạy những cư sĩ tại gia tầm quan trọng của sự cải
thiện điều kiện kinh tế. Ðiều này không có nghĩa Ngài tán đồng sự tích
trữ tài sản với lòng khao khát và
ràng buộc, vì nó trái ngược với giáo lý Ngài, và cũng không phải Ngài
tán đồng bất cứ phương tiện sinh nhai nào. Có vài nghề thương mãi như
sản xuất và mua bán khí giới bị Ngài cấm chỉ, xem như là những phương
tiện sinh sống không chân chính như ta đã thấy trước đây.
Ðôi khi đức
Phật còn đi vào những chi tiết về để dành tiền bạc và tiêu dùng, chẳng
hạn như khi Ngài bảo thanh niên Sigàla rằng anh ta nên dùng 1/4 lợi tức
vào sự tiêu pha hàng ngày, một nửa lợi tức để đầu tư vào việc kinh
doanh và để riêng 1/4 phòng khi nguy cấp.
Một hôm đức
Phật bảo Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika) một thương gia danh tiếng, một
trong những đệ tử tại gia thuần
thành nhất của Ngài đã lập cho Ngài tu viện Kỳ-đà (Jetavana) hữu danh
ở Xá-vệ (Sàvatthi) rằng một cư sĩ sống đời thường nhật, có bốn thứ
hạnh phúc:
- thứ nhất là thụ hưởng sự bảo đảm về kinh tế
hay tài sản đầy đủ kiếm được bằng những phương tiện chính đáng
(sở hữu lạc - atthi-sukha);
- thứ hai là tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi cho chính mình, cho
gia đình bà con, bè bạn và trong những việc công đức (thọ dụng lạc -
bhoga-sukha);
- thứ ba là không có nợ nần (vô trái lạc - anana-sukha);
- thứ tư là sống một đời trong sạch, không phạm những điều ác trong
ý nghĩ, lời nói hay hành vi (vô tội lạc - anavajja-sukha).
Ở đây ta
phải chú ý rằng trong bốn thứ này, ba thuộc về kinh tế, và cuối cùng
đức Phật còn nhắc cho thương gia ấy biết rằng hạnh phúc về kinh tế
và vật chất thì không "đáng một phần mười sáu" của hạnh
phúc tâm hồn phát sinh từ một đời sống không lỗi lầm và lương thiện.
Qua những ví
dụ kể trên, ta có thể thấy rằng đức Phật xem sự thoải mái về kinh
tế là cần thiết cho hạnh phúc con người, nhưng Ngài không công nhận sự
tiến bộ là chân thật nếu nó chỉ thuần vật chất, không có một nền
tảng đạo đức và tâm linh. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ vật chất,
Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh đến sự phát triển đạo đức và tâm
linh để kiến tạo một xã hội hòa bình an lạc. (Trí Hải dịch, Tu thư
Ðại học Vạn Hạnh xuất bản 1974).
Tóm lại,
đức Phật dạy cho người tại gia bốn pháp an lạc cho hiện tại là:
Tháo vác, phòng hộ của cải bằng nghề chân chính, làm bạn với thiện
và sống điều hòa thăng bằng. Và bốn pháp tạo hạnh phúc cho tương lai,
đời sau là: Lòng tin, giới đức, bố thí và trí tuệ. Có đủ tám điều
như vậy, thì giờ phút nào, ở đâu, chúng ta cũng xứng đáng là Phật tử,
không những lợi ích cho chính mình mà còn lợi ích cho nhiều người khác
nữa. Cho nên Phật tử muốn hộ trì Chánh pháp phải cần có trí tuệ thì
việc làm mới thành tựu viên mãn.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/169-hoiphap.htm