Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐỘNG LỰC,  SỰ BÁM CHẤP VÀ THIỀN ĐỊNH
Dzongsar Khyentse Rinpoche
Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa

Tất cả các bạn tới đây để nghe Pháp. Nhưng trước hết, điều quan trọng đối với ta là kiểm tra xem ta có loại động lực nào khi nghe Pháp.

Tôi tin rằng không ai tới đây với một động lực thật xấu. Tuy nhiên, động lực có nhiều cấp độ khác nhau.

Giống như người trồng lúa để sinh sống, một người chủ trang trại chỉ có một nỗi sợ: đó là mưa có thể xuất hiện không đúng thời. Nếu trời không mưa thì lúa sẽ không phát triển. Khi người chủ trại này đi tới chùa, ông ta cầu nguyện Đức Phật để xin cho mưa đổ xuống đúng lúc.

Đây không hoàn toàn là một động lực xấu mà là một động lực rất lành mạnh và vô hại. Nó là một loại động lực. Người chủ trại đang cầu xin Đức Phật - một đấng Giác ngộ - một điều rất nhỏ bé, tầm thường như một trận mưa. Điều này giống như bạn tiếp cận một giáo sư Đại học và thuật lại việc bạn đang trải qua sự gian khổ ghê gớm ra sao. Để làm dịu bớt cái được gọi là gian khổ này, bạn khẩn cầu ông ta dạy cho bạn bảng chữ cái.

Tất cả chúng ta đều có loại động lực nhỏ bé này, tôi quả quyết như thế. Khi chúng ta sợ chết, mắc bệnh và có những trở ngại, ta cầu nguyện Đức Phật. Điều này thì giống như việc người chủ trại có một động lực rất tầm thường.

Nhiều Phật tử trong chúng ta - đặc biệt là ở Châu Á - cầu xin Đức Phật để được hạnh phúc, sức khoẻ, thịnh vượng, và mọi thứ khác. Đây không phải là một động lực xấu, nhưng là một động lực nhỏ bé. Ta có thể tụng các thần chú và đi chùa, nhưng đó vẫn là một cái gì không đủ động lực.

Khi người nào đó tới một ngôi chùa để cầu nguyện hay cúng dường là bởi họ muốn được thịnh vượng hay mạnh khỏe. Khi ấy họ tin tưởng rằng Đức Phật đang sắp ban cho họ những điều đó. Có một sự hy vọng nào đó sau hành động này, họ cảm thấy rằng mọi sự sẽ ổn thỏa. Vì thế trong một vài ngày mọi sự thật tốt đẹp.

Nhưng sớm hay muộn thì họ cũng đau bệnh. Vào lúc ấy, bạn bắt đầu nghi ngờ Đức Phật bởi bạn đã khởi hành với động lực nhỏ bé này.

“Có phải Đức Phật đã bất lực bởi tôi đang bắt đầu bệnh? Tôi đang hết sức nỗ lực để tụng các thần chú và cầu nguyện, nhưng việc kinh doanh của tôi không thành công.” Đây là những gì người ta sẽ hỏi.

Vì thế người ta bắt đầu nghi ngờ Phật, Pháp và Tăng. Nhưng sự hoài nghi này là lỗi lầm của một động lực động lực tầm thường như thế. Nó không phải là lỗi của Đức Phật.

Đức Phật không phải là một vị Trời tối thượng. Ngài không có mặt ở đây chỉ để cứu chúng ta thoát khỏi những vấn đề nhỏ bé như việc kinh doanh thất bại hay sức khoẻ xấu tệ. Dĩ nhiên là Đức Phật cũng có thể ban phước để ta có một việc làm ăn và sức khỏe tốt đẹp. Tuy nhiên, tặng vật tối thượng của Đức Phật là Giáo Pháp của Ngài, nhờ đó ta có thể đạt được Giác ngộ.  Đó là toàn bộ mục đích của hoạt động của Đức Phật.

Trước khi chúng ta thọ nhận Giáo Pháp, điều quan trọng là kiểm tra động lực của ta và tự hỏi tại sao ta có mặt ở đây. Có phải chúng ta hiện diện ở đây chỉ để được hạnh phúc, khỏe mạnh và thịnh vượng? Hay chúng ta ở đây để có thể học một điều gì đó – chân lý của Phật Pháp đã được giảng dạy trong hơn 2500 năm, và sau đó áp dụng những giáo lý này vào đời sống hàng ngày? Ta phải khảo sát xem ta có cả hai động lực, một trong hai động lực đó hay không có cả hai.

Bởi chúng ta là những con người, ta sẽ có những động lực tầm thường. Tuy nhiên, đối với chúng ta động lực tốt đẹp nhất là thực hành Pháp để có thể đạt được Giác ngộ. Chúng ta phải phát triển mạnh mẽ động lực đạt được Giác ngộ này.

Đức Phật không thể làm cho người ta bất tử, Ngài không thể ban cho ta một sức khoẻ hoàn hảo vĩnh viễn bởi vì ngược lại, mọi sự đều vô thường. Song thân của Đức Phật đã mất và Ngài cũng đã nhập Niết Bàn. Những gì Đức Phật có thể ban cho ta là con đường Pháp dẫn tới sự giải thoát.

Như vậy, sự giải thoát hay Giác ngộ này là gì? Khi Phật tử nói về sự Giác ngộ, chúng ta không có ý muốn nói rằng nếu ai là một cậu trai hay một cô gái tốt lành thì họ sẽ đi tới một nơi nào đó. Đó không phải là ý niệm Giác ngộ của Đạo Phật.

Trong một vài Kinh điển, những nơi như cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà được nhấn mạnh. Tuy nhiên, đây thực sự là những giáo lý có tính cách tượng trưng. Nếu ta có thể tuân theo Pháp một cách đúng đắn thì ngay ở đây nơi bạn đang ngồi có thể được chuyển hóa thành cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà.

Ý niệm thiên đường trong những tôn giáo khác thì hoàn toàn khác biệt với ý niệm Tịnh Độ A Di Đà của Phật Giáo. Trong những tôn giáo khác, thiên đường được coi là một chân lý vững chắc và thực thể hiện hữu ở bên ngoài. Trong Phật Giáo, những Cõi Tịnh Độ là một ý niệm của sự nhận thức cá nhân.

Giác ngộ không nên được coi như một điều gì rắc rối, như cái gì để ta đạt tới hay đi tới. Nếu không vì những khuôn mẫu tập quán của ta và vì ta khó thấu hiểu hay khó nhận ra chân tánh thì sự Giác ngộ sẽ rất đơn giản và thuần tịnh đối với ta. Giác ngộ là tâm thái khi bạn thoát khỏi mọi sự mê lầm.

Như vậy, sự mê lầm này của con người – là cái gì ngăn cản họ Giác ngộ – là gì? Thật hiển nhiên, đó là những hình thức thô sơ của sự mê lầm, chẳng hạn như tham, sân, ganh tị và v.v.. Nhưng cũng có những mê lầm vi tế; con người có những ý niệm liên quan tới chính trị, kinh tế, triết học, tôn giáo và ngay cả những sự đánh giá về người khác.

Bạn nhìn một người nào đó và ngay lập tức một ý niệm phát triển. Nói chung, ba loại ý kiến phát khởi: (1) Ta thích người ấy và có thể nghĩ “Anh ta tốt,” hay “Anh ta đẹp.” (2) Ta không thích người ấy và nghĩ “Anh ta xấu xí, tệ hại, khủng khiếp.” (3) Ta nhìn người ấy như một người xa lạ và phớt lờ đi, đúng hơn là cảm thấy trung lập trong việc phán đoán.

Ta luôn luôn có những ý niệm này, chúng thường trở nên hết sức mạnh mẽ. Mọi người bám chấp vào những ý niệm này và sau đó chạy đuổi theo chúng. Ví dụ như chúng ta có ý niệm rằng một chiếc BMW (một chiếc xe hơi sang trọng) thì thật đặc biệt. Trên máy truyền hình, ta nhìn thấy xe BMW di chuyển. Ta nghe nói nó được sản xuất tại nước Đức và ta bị tấn công bởi mọi loại thông tin này. Vì thế ta phát triển một ý niệm rằng chiếc xe BMW này chắc chắn là thực sự quan trọng.

Sau đó, ta trải qua những gian khổ và làm người khác đổ máu để ráng có được chiếc BMW nổi tiếng này. Ngay tức thì, nhiều gia đình chắc chắn phải có những cuộc tranh chấp vì chiếc BMW. Con cái không nghe lời khuyên của cha mẹ chúng. Thậm chí một vài người còn đi tới chỗ bán mình và trở thành gái điếm để có được chiếc xe này.

Như thế, vào lúc kết thúc của cuộc thử thách này, nếu bạn thực sự có được một chiếc BMW thì có lẽ cũng đáng để nỗ lực làm tất cả những điều này. Nhưng đừng nghĩ rằng việc này đã kết thúc! Sau khi bạn có nó, một kiểu xe đẹp hơn xe của bạn sẽ xuất hiện. Chiếc BMW mà giờ đây bạn sở hữu có thể bị trầy trụa và hư hỏng. Tất cả những điều này không bắt đầu từ điều gì khác ngoài một ý niệm: một chiếc BMW thì rất quan trọng.

Nếu bạn không có ý niệm mạnh mẽ đó thì bạn sẽ không phải trải qua sự gian khổ này. Và cho dù chiếc xe bị đụng, ta sẽ không đau khổ.

Một thí dụ khác mà bạn có thể tìm thấy bằng cách đi vào một tiệm sách. Chỉ một lần thôi, bạn hãy mua một tạp chí thời trang. Trong đó có mọi loại kiểu mẫu này; tạp chí nói cho bạn biết trông bạn giống kiểu mẫu (người mẫu) nào. Nó giải thích đôi mắt, cặp đùi.. của bạn nên có dáng vẻ ra sao.

Những loại tạp chí này đã làm những thanh niên và thiếu nữ của chúng ta phát điên lên. Họ cố gắng để có được cặp đùi, đôi mắt và cái mũi tương tự phù hợp với những kiểu mẫu trong tạp chí đó. Đáng buồn thay, điều đó không bao giờ xảy ra. Cho dù nó xảy ra, và người nào đó xoay sở để có được cặp đùi hay cái mũi tương tự, thì cô hay cậu ấy vẫn không hài lòng. Trong khi hàng triệu người đang chết vì không có gì để ăn, như ở Ethiopia, thì có hàng triệu người đang cố gắng ăn kiêng bởi ý niệm nào đó.

Chúng ta cũng có vấn đề “ý niệm” này trên một phạm vi rộng lớn hơn. Phe Cộng Sản đánh nhau với phe Tư Bản, và điều này hoàn toàn là do bởi một ý niệm. Trong đời sống hàng ngày, một người chồng muốn một cái bàn và người vợ thì không muốn do bởi một ý niệm nào đó. Cũng thế, một bạn trai muốn ăn món pizza nhưng bạn gái của anh thì không bởi cô ghét phó mát - một ý niệm khác.

Vì thế tất cả chúng ta có thể thấy rằng khi ta bám chấp vào những ý niệm này thì chúng sẽ gây nên đau khổ.

Ta nỗ lực đạt được Giác ngộ khi giảm bớt sự bám chấp này. Ta thực hiện điều này một cách từ từ, vì thế bây giờ ta sẽ không bám chấp nữa. Giác ngộ là như thế. Bạn không cần có một con mắt thứ ba hay đôi cánh để bay tới sự Giác ngộ.

Bây giờ nếu có ai cho bạn một chiếc BMW, nó sẽ không quấy rầy bạn nếu có ai tông vào hay ăn cắp nó. Nếu vợ bạn muốn thay đổi màu sắc phòng ngủ, bạn không bám chấp vào những ý niệm và chỉ nói: “Ừ, làm luôn đi.” Bạn không tranh cãi trên những ý niệm. Đây cũng là sự khởi đầu của một mối quan hệ tốt đẹp; không có bản ngã và ý niệm mâu thuẫn.

Một người không bị hành hạ bởi những sự bám chấp vào các ý niệm thì an bình, hạnh phúc. Nếu không thì bạn thường không vui thích khi có người phủ nhận những ý niệm của bạn. Nhưng nếu bạn không có sự bám chấp như thế thì bạn sẽ không nuôi lòng sân hận đối với những người suy nghĩ khác biệt bạn mà trái lại bạn chấp nhận được tất cả.

Làm thế nào để giảm thiểu sự vướng mắc vào bản ngã và bám chấp vào những ý niệm? Ta có thể thực hiện từ từ bằng cách thực hành Pháp. Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta hơn 84.000 phương pháp để giảm bớt sự bám chấp này.

Nhiều người trong chúng ta thường chỉ sử dụng một hoặc hai phương pháp trong số này. Chúng ta cho rằng chỉ đơn giản trì tụng thần chú và thắp vài ngọn đèn bơ là đã thực hành Pháp. Điều này không hẳn là xấu, nó thật tốt lành. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm điều gì đó tốt đẹp hơn nhiều. Chúng ta có thể thiền định, điều đó hết sức cần thiết trong việc thực hành Pháp. Ngài Jigme Lingpa, một Đạo sư Nyingma nói rằng một người trì tụng thần chú trong mười năm, hai mươi năm v.v.. có nhiều công đức, nhưng ngài nói nếu một hành giả thiền định quang minh trong một phút thì tốt hơn nhiều.

Đó là bởi khi ta tụng thần chú, điều đó thường không thấm nhập vào tâm ta. Nó thấm chút ít bằng môi và lưỡi, nhưng có quá nhiều lỗ hở. Tâm bạn lang thang khắp nơi, nghĩ tưởng về công việc bạn phải làm và những cuốn phim phải coi. Rồi sau khi tụng một trăm thần chú bạn nghĩ rằng mình đã hoàn tất.

Đây là lý do tại sao thiền định rất quan trọng. Tin rằng thiền định không phải là việc dành cho ta là điều sai lầm, nó được dành cho mọi người và rất dễ thực hiện. Nó không phức tạp như những thần chú hay các nghi lễ, và rất cần phải học.

Một hành giả nên thiền định đều đặn và trở nên quen thuộc với việc thực hành. Sự thiền định tạo ra không gian và khai mở chúng ta. Nó rất đơn giản nhưng cũng là nền tảng của tất cả những thiền định khác mà ta có thể học.  Nó giúp ta giảm bớt sự bám chấp vào những ý niệm vàsự đánh giá.

Vì thế khi bắt đầu ta đừng bảo thủ hay sợ hãi. Ta không cần tìm hiểu phải làm điều gì hay nhớ lại một sự quán tưởng phức tạp. Chỉ thư lỏng và đừng hạn chế việc thiền định vào một thời gian nào đó trong ngày. Chẳng hạn như đôi khi ta giới hạn việc thiền định trong buổi sáng hay buổi tối.

Ta nên duy trì kỷ luật nghiêm nhặt và sự nhiệt tâm khi thiền định, và hãy thiền định trong thời gian nhất định. Hãy tập trung vào hơi thở, khi tâm lang thang hãy chú tâm vào hơi thở qua lỗ mũi. Hãy tiếp tục tự nhắc nhở: “Tôi phải trông chừng hơi thở của tôi,” đặc biệt là khi tâm bắt đầu đi rong.

Bây giờ tất cả các bạn có thể tự hỏi” “Ồ, nó đơn giản thế à! Phương pháp đơn giản này có thể giảm bớt mọi bám chấp và cuối cùng dẫn tới Giác ngộ! Thật vậy sao?”

Thật dễ hiểu điều này có thể thực hiện ra sao. Khi nước đầy bùn và ta muốn có nước trong thì bước đầu tiên là gì? Bạn cứ để yên nó. Tất cả chất bùn sẽ lắng xuống và sau đó ta có thể thấy được nước trong.

Bạn càng khuấy động nước thì nó càng trở nên đục bẩn. Bây giờ bạn cố gắng giảm bớt sự bám chấp, bạn muốn giảm bớt tham, sân, si và v.v… Nhưng không có ích lợi gì khi khuấy động chúng! Như thế tâm bạn sẽ lại trở nên xao động.

Tất cả những gì bạn làm ở đây là thư lỏng, ngồi thẳng lưng và theo dõi hơi thở của bạn. Hành giả bỏ lại mọi sự và để cho mình an tĩnh. Nhưng bạn cần phải thiền định, nếu không thì chẳng bao giờ bạn nếm được kinh nghiệm của sự thiền định.

Khi người nào đó muốn bạn trở thành một kẻ ghiền rượu, suốt ngày họ nói với bạn về việc rượu thì tốt lành ra sao. Điều này làm bạn hứng khởi nên bạn uống một ít. Lúc đầu rượu làm cổ họng và bao tử bạn nóng cháy và khiến bạn nhức đầu. Sau vài ngày thì bạn dần dần mắc nghiện.

Luận lý này vận hành y như thế đối với việc thực hành Pháp, là điều hoàn toàn trái nghịch với việc trở thành một người nghiện rượu. Cũng với phương cách đó, bây giờ tôi đang tán thán việc thiền định lợi lạc ra sao. Tuy nhiên, nếu bạn không thực sự thực hành thiền định, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được những gì vượt lên điều tôi nói.

Một vài người sẽ lo sợ hơn. Hoặc bạn là một bà nội trợ hay một thương gia, bạn cảm nghĩ: “Tôi không có thời giờ!” Đây là một  sự bào chữa yếu ớt. Tất cả những gì bạn làm là thiền định trong ba mươi giây hay ít nhất là một phút. Hãy tọa thiền trong phòng ngủ hay phòng khách, bất kỳ nơi nào, và theo dõi hơi thở của bạn.

Điều quan trọng đối với những người mới bắt đầu là hiểu rằng ta không bao giờ nên thiền định trong hai giờ hay một khoảng thời gian dài, hãy bắt đầu một cách chậm rãi. Trước hết hãy thiền định trong ba mươi giây, sau đó tản bộ. Thiền định trong ba mươi giây nữa, sau đó tắm vòi sen. Nếu bạn thiền định như thế này, việc thực hành sẽ dần dần trở nên dễ dàng và kéo dài hơn.

Chúng ta trở lại ví dụ trước một lần nữa, những người bắt đầu trở thành người ghiền rượu sẽ bị bệnh nếu họ uống ba chai. Họ sẽ chẳng bao giờ muốn đụng tới rượu nữa. Thay vào đó, người bắt đầu uống một ít và từ từ tăng lên. Từng chút một, họ sẽ trở thành một người uống rượu lão luyện.

Ví dụ này lại áp dụng trực tiếp vào việc thiền định. Hãy bắt đầu với nửa phút và dần dần trở thành một người lão luyện. Điều này sẽ biến đổi cuộc đời của bạn ra sao? Trước đó bạn sẽ tức điên lên nếu có ai nói rằng bạn có cái mũi lớn, nhưng bây giờ điều ấy không còn nữa. Tương tự như thế, nếu có người khen bạn đẹp, điều đó không làm bạn nở phồng ra hay làm bạn đặc biệt vui sướng.

Đây là cách thức hành giả thay đổi. Giờ đây công việc của bạn bắt đầu còn công việc giảng dạy của tôi hầu như kết thúc.

Nếu chúng ta thực sự là Phật tử thì điều quan trọng là hãy thực hành một cách đúng đắn. Khi chúng ta đi tới một ngôi chùa hay viếng thăm một Rinpoche, ta đừng nên chỉ có động lực tầm thường này khi cầu xin thoát khỏi những vấn đề thế tục đại loại như bệnh tật.

Gốc rễ của vấn đề phải được rút ngắn lại, nếu không thì vấn đề vẫn còn tồn tại. Vì thế hãy đi tới tận gốc rễ chứ đừng tới những cành nhánh!

Giáo lý này là hình thức tốt đẹp nhất của sự ban phước, bởi tôi đang tặng cho bạn chìa khoá để làm cho bạn hạnh phúc. Vì thế hãy tập trung và thiền định. Là một người mới bắt đầu, đừng từ bỏ hay ân hận nếu tâm bạn lang thang quá nhiều. Chỉ cần tập trung trở lại.

Khi bạn thiền định, một vài dấu hiệu có thể xuất hiện sau nhiều tháng. Bạn có thể có những giấc mộng và cảm xúc tốt đẹp, hay những giấc mơ và cảm xúc không tốt. Tuy nhiên, đừng lo lắng hay ngay cả trò chuyện về chúng. Những kinh nghiệm này là các che chướng, nếu theo đuổi chúng bạn sẽ giống như một con cá lao ra khỏi đại dương.

Đôi khi những hành giả tin rằng việc theo dõi hơi thở là một loại thiền định sai lầm, quá dễ dàng và đơn giản. Hoặc họ có thể đã từng nhận những loại giáo huấn khác. Ví dụ như nếu bạn được dạy để thiền định trong khi đứng lên, thì bạn sẽ nghĩ rằng thiền định trong khi ngồi xuống là sai lầm.

Ta nên tuân theo những giáo huấn thiền định này và đừng bối rối. Đạo sư của tôi, ngài Dilgo Khyentse Rinpoche, đã rất nhấn mạnh vào việc tọa thiền. Đối với tôi, nó có giá trị rất lớn bởi tôi là một người thật rắc rối, vì thế điều này làm cho việc thực hành dễ dàng hơn.

Việc tọa thiền có thể có vẻ đơn giản, nhưng nó sẽ và nên được tiếp tục trong thực hành của ta cho tới khi chúng ta thành tựu giác ngộ. Nó là căn bản hay nền tảng của việc thiền định. Sau này những sự quán tưởng và mọi yếu tố khác có thể được bổ túc cho việc tọa thiền. Việc tọa thiền giống như cơm, nó được dùng làm căn bản. Sau đó những món rau và cà ry có thể được thêm vào./.

Pháp thoại được giảng tại Kuantan, Malaysia năm 2000.

Nguyên tác: “Motivation, Fixation and Meditation”

by His Eminence Dzongsar Khyentse Rinpoche

http://www.simhas.org/teaching34.html

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/bamchap_thiendinh.htm

 


Vào mạng: 2-2-2006

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang