Tìm nơi nương tựa - quy y - là một hành động chung của
hàng Phật tử, căn bản cho các công phu hành trì trong Đạo Phật. Bất cứ
luận thuyết, tông phái và pháp hành nào của Phật giáo đều bắt nguồn
từ hành động quan yếu nầy, mỗi Phật từ đều trì tụng thường xuyên,
đó là việc quy y. Trong tiếng Pāli, hành động đó gọi là "sarana-gamana"
(quy y). "Gamana" nghĩa là đi đến, quy về, tìm về. "Sarana"
nghĩa là nơi nương tựa, giúp đỡ, dưỡng nuôi, hướng dẫn. "Quy
y" về một nơi nào có nghĩa là đến đó để xin giúp đỡ, hướng dẫn
và dưỡng nuôi. Thông thường, đó là điều ta làm khi gặp phải một khủng
hoảng nào đó trong đời sống, khi gặp phải một thực tế khó khăn mà tự
chúng ta không thể đương đầu được. Do đó, ta tìm đến một nơi nào
đó để xin giúp đỡ.
Điều làm cho một người trở thành
một Phật tử không phải chỉ đơn giản là đi tìm nơi nương tựa ở bất
cứ điều gì. Thông thường, người ta đi tìm nơi nương tựa ở một cái
gì khác, chẳng hạn nương tựa vào gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, cơ sở
kinh doanh, thú vui dục lạc, rượu chè, ma túy, v.v... Điều làm cho một người
trở thành một Phật tử chân chính là người ấy tìm nơi nương tựa ở
Đức Phật, Giáo Pháp, và chư Thánh Tăng - gọi là Quy Y Tam Bảo.
Sau đây là một câu chuyện ghi lại
lời giảng của Đức Phật trong kinh Ví Dụ Hòn Núi (Tương Ưng 3.II.V) về
tầm quan trọng của việc quy y Tam Bảo:
Khi Ðức Phật ngự tại thành Sāvatthi
(Xá Vệ). Lúc ấy vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của nước Kosala đến hầu Phật,
và sau khi đảnh lễ xong, vua ngồi lại một bên. Ðức Thế Tôn hỏi:
-- Thưa Ðại Vương, Ngài đến đây
có việc gì không?
-- Bạch Thế Tôn, bấy lâu nay con hết
sức bận rộn với những công việc mà hàng vua chúa thường qua tâm đến
như là làm sao để gìn giữ quyền lực, bảo đảm an ninh của xứ sở, bành
trướng lãnh thổ và vui hưởng trên các chiến thắng đó.
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương
nghĩ thế nào? Thí dụ như có người thân tín, đáng tin cậy từ phương
Ðông đến gặp Ðại vương và thưa: "Tâu Ðại vương, xin báo đến
Ðại vương được biết, rằng hiện có một ngọn núi rất cao, đang di
chuyển và đè bẹp tất cả mọi loài chúng sinh. Tâu Ðại vương, xin Ðại
vương hãy gấp làm những gì cần phải làm".
Rồi một người khác đến từ
phương Tây, rồi một người thứ ba đến từ phương Bắc, rồi một người
thứ tư đến từ phương Nam cũng đều đến báo nguy như thế. Như vậy,
thưa Ðại vương, từ bốn phía đều có các ngọn núi khổng lồ vồn vập
tràn tới. Nghe như vậy thì Ðại Vương vô cùng kinh sợ. Tiêu diệt kiếp
sống làm người quả thật khủng khiếp. Tái sinh trở lại vào cảnh người
quả thật hy hữu. Bấy giờ Ðại Vương phải làm thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, tiêu diệt kiếp
sống làm người quả thật vô cùng khủng khiếp, tái sinh trở lại làm người
quả thật rất hy hữu. Như thế, con không thể làm cách nào khác hơn là cố
gắng sống một cuộc sống chân chánh, công minh chánh trực, và làm những
việc thiện, tạo phước.
-- Thưa Ðại Vương, Ta báo cho Đại
Vương biết là tuổi già và sự chết đang tiến đến Đại Vương. Khi tuổi
già và sự chết tiến dần đến, Ðại Vương phải làm thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, những việc như
xua voi, ngựa, chiến xa, và quân lính vào chiến tranh, những việc hằng
làm bận tâm hàng vua chúa - những việc ấy không thể làm gì để ngăn chống
tuổi già và sự chết. Bạch Thế Tôn, trong triều có những vị quân sư tài
giỏi, bùa phép cao cường, có thể ngăn ngừa cả đội binh địch. Trong quốc
khố, có vàng bạc châu báu được tàng trữ đầy kho, dư đủ để chống
đỡ mọi chiến lược tài chánh. Tuy nhiên, bùa phép và tài sản ấy không
thể cản ngăn sự chết và tuổi già đang tiến dần đến con. Bây giờ,
con không thể làm cách nào khác hơn là cố gắng sống cuộc sống chân
chánh, công minh chánh trực, và làm những việc thiện, tạo phước.
-- Đúng vậy, thưa Ðại vương. Quả
đúng như thế. Khi tuổi già và sự chết tiến dần đến, Đại Vương không
thể làm cách nào khác hơn là cố gắng sống cuộc sống chân chánh, công
minh chánh trực, và làm những việc thiện, tạo phước.
Và bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ:
Như núi đá rộng lớn,
Dựng đứng lên hư không,
Tiến tới tràn xung quanh,
Áp đè cả bốn phía.
Cũng vậy, già và chết
Di chuyển đến hữu tình,
Giai cấp Sát-đế-lỵ,
Bà-la-môn, Phệ-xá,
Thủ-đà, Chiên-đà-la
Kẻ đổ rác, đổ phân,
Không một ai thoát khỏi,
Tất cả bị chinh phục.
Ở đây không tượng binh,
Không xa binh, bộ binh,
Không trận chiến chú thuật,
Không trận chiến tài sản
Có thể giúp chiến thắng,
Chống với già, với chết.
Do vậy người hiền trí,
Thấy rõ phần tự lợi,
Người trí đặt tin tưởng,
Vào Phật, Pháp và Tăng.
Ai với thân, khẩu, ý,
Hành trì đúng Chánh pháp,
Ðời này được tán thán,
Ðời sau, hưởng phước trời.
Quy Y
Tam Bảo
Là Phật tử, chúng ta tìm về nơi
nương tựa cao quý nhất trên thế gian là Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo
và Tăng Bảo.
Ðức Phật tìm ra Con Ðường Giải
Thoát, vượt thoát ra khỏi mọi hình thức khổ não của kiếp sống triền
miên luân hồi trong sinh tử. Với lòng từ bi vô lượng, Ngài đã chỉ dạy
rõ ràng cho chúng sinh về Con Đường đó. Pháp Bảo là Con Ðường, là những
lời dạy quý báu của Ngài. Tăng Bảo là những vị đã có niềm tin nơi
Ðức Phật, lắng nghe và thông hiểu lời dạy, nỗ lực hành trình theo Con
Ðường và chứng đắc các Ðạo Quả cao thượng.
1) Quy Y Phật
Người Phật tử hằng ngày đọc tụng,
suy gẫm, xưng tán mười hồng danh của Ðức Thế Tôn là: Ðấng Ứng
Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng
Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
- Ðấng Ứng Cúng (Araham),
còn phiên âm là A-la-hán, vì Ngài có phẩm hạnh hoàn toàn trong sạch, đã
tận diệt ô nhiễm, xa lìa những bợn nhơ ngủ ngầm trong tâm. Ngài đã
phá tan và thoát ra khỏi vòng luân hồi, chấm dứt chuỗi dài sinh tử triền
miên và không còn tái sinh trong cõi Ta-bà nầy nữa. Ngài là bậc chí tôn
chí thánh, xứng đáng để chư Thiên và nhân loại lễ bái cúng dường.
- Ðấng Chánh Biến Tri (Sammāsambuddho),
vì Ngài thông suốt các pháp một cách chân chánh và tự mình chứng ngộ,
không thầy chỉ dạy. Nơi đây, "không thầy chỉ dạy" có nghĩa là
không có vị thầy nào chỉ dạy cho Ngài phương pháp tu học để chứng đắc
Ð?o Quả Chánh Ðẳng Chánh Giác. Trước kia, Ngài có học với những vị
thầy như Ālāra Kālāma, Uddaka Rāmaputta để hiểu biết thế gian pháp, nhưng
để tiến đến tầng siêu thế thì chính Ngài phải tự mình quán nhìn
vào trong, tìm chân lý bên trong. Đắc tuệ giải thoát, Ngài chứng ngộ
Chân Lý tối hậu, chưa từng được biết.
- Ðấng Minh Hạnh Túc (Vijjācaranasampanno),
vì Ngài có đầy đủ minh trí và giới hạnh, trí tuệ viên thông, vừa
sâu sắc vừa mênh mông bao quát, đức hạnh thanh cao siêu xuất.
- Ðấng Thiện Thệ (Sugato)
là người đi chân chánh. Ngài đi chân chánh vì đi trên Con Ðường Cao Quý,
tức Bát Chánh Ðạo. Ngài đi theo phương pháp chân chánh, vì dứt bỏ mọi
luyến ái và hướng đến trạng thái chu toàn. Mục tiêu cuộc hành trình của
Ngài chân chánh vì đó là Niết Bàn. Ngài đi chân chánh vì đi thẳng đường,
không quanh co hay lui tới.
- Ðấng Thế Gian Giải (Lokavidū),
thông suốt cả Tam Giới gồm Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Ngài
đã kinh nghiệm và thông suốt thấu đáo thế gian dưới tất cả mọi khía
cạnh như về bản chất cá nhân, về sự phát sinh, sự chấm dứt và phương
tiện đưa đến chấm dứt thế gian.
- Ðấng Vô Thượng Sĩ (Anuttaro),
không ai sánh bằng, vô song, vô thượng. Trong toàn thể tam giới, Ðức Phật
có nhiều đặc tính cao thượng, quý trọng hơn tất cả, về giới hạnh,
về pháp hành thiền, về trí tuệ, về giải thoát, về tri kiến giải
thoát, không ai hơn hoặc sánh bằng Ngài.
- Ðấng Ðiều Ngự Trượng Phu
(Purisadamma-sārathi), dẫn dắt những người hữu duyên đáng được
giáo hóa. Ngài rèn luyện, un đúc, khép vào khuôn khổ giới luật những
chúng sinh cần được huấn luyện và đưa những chúng sinh ấy đến giới
đức trong sạch, trí tuệ tuyệt hảo.
Xin lưu ý ở đây là có sách ghi
chung Vô Thượng Sĩ và Điều Ngự Trượng Phu thành một danh hiệu.
- Ðấng Thiên Nhân Sư (Satthā
Devāmanussānam), bậc thầy của chư Thiên và nhân loại, vì Ngài dạy
các pháp có lợi ích trong hiện tiền, tại nơi đây, có lợi ích trong những
kiếp sống vị lai và các pháp dẫn đến mục tiêu tối hậu là Niết
Bàn.
- Ðấng Giác Ngộ (Buddho).
Từ giấc mơ vô minh, Ngài đã thức tỉnh, chứng ngộ Ðạo Quả Vô Thượng
dưới cội bồ đề. Ðây là kết quả của công phu tích cực tu tập thực
hành tròn đủ ba mươi pháp Ba La Mật qua nhiều đời, nhiều kiếp. Trong đời
sống cuối cùng, sau cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường kéo dài sáu năm
đăng đẳng, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và không được sự hướng
dẫn của một năng lực siêu phàm nào, cô độc một mình, Bồ Tát Gotama
(Cồ Ðàm), lúc ấy ba mươi lăm tuổi, tận diệt mọi ô nhiễm ngủ ngầm
từ vô lượng tiền kiếp, chấm dứt mọi tiến trình tham ái, và chứng ngộ
thực tướng của vạn pháp, trở thành một vị Phật, bậc Toàn Giác.
- Ðức Thế Tôn (Bhagavā),
một danh từ diễn đạt lòng tôn sùng kính mộ. Ðây là một hồng danh đặc
biệt mà Ngài thành đạt do sự liễu ngộ vô thượng, Chánh Ðẳng Chánh
Giác, cùng với tri kiến toàn hảo.
Khi thấu hiểu những đức hạnh,
trí tuệ, công đức và lòng từ bi vô lượng của Ðức Phật. chúng ta cảm
thấy cần phải tỏ lòng kính mộ đến một lý tưởng trong sạch. Trong tâm
ta tràn ngập những tư tưởng tri ân, kính mộ, tôn sùng, quý mến. Khi
thành kính chiêm bái kim thân Ngài, ta tìm thấy một nguồn năng lực dồi dào,
thúc giục xây dựng trong tâm mình một nơi tôn thờ trang nghiêm, rồi cố
dọn lòng trong sạch để xứng đáng đón rước hình ảnh của Ngài, tôn
trí hình ảnh ấy vào đền thờ nội tâm với đầy sự kính mến tiềm
tàng trong lòng. Trước bàn thờ ấy, ta nguyện hàng ngày dâng lên Ðức Phật
những lễ vật - không phải những ngọn nến phải tiêu mòn hay những đóa
hoa phải tàn héo - mà kính cẩn dâng lên Ngài những hành động từ ái, những
thái độ hy sinh cao cả, những công trình phục vụ hoàn toàn vị tha. Ðó
là lễ vật mà ta chú nguyện hằng ngày sẽ dâng đến Ðức Phật.
Ta nhận định chắc chắn rằng đó
hẳn là nơi nương tựa chu toàn nhất cho chúng sinh, và từ đó phát sinh một
niềm tin vững chắc nơi Ðức Bổn Sư ,và từ đáy lòng, ta tự nguyện:
"Buddham saranam gacchāmi"
- Con xin về nương tựa nơi Ðức Phật.
2) Quy Y Pháp
Ðức Phật là nương tựa cao quý,
nhưng Ngài đã nhập diệt. Trước giờ Ngài nhập Ðại Niết Bàn, Ðức Ānanda
(A Nan) bạch hỏi: "Sau khi Ngài nhập diệt, ai sẽ thay thế Ngài để lãnh
đạo Giáo Hội?" Ðức Phật dạy:
"Nầy Ānanda, có thể thầy
nghĩ rằng Giáo Huấn Tối Cao sẽ không còn ai giảng dạy, quý thầy sẽ
không còn Ðạo Sư dẫn dắt. Này Ānanda, thầy không nên nghĩ như thế. Giáo
Pháp và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy rõ ràng và quảng bá rộng
rãi. Nầy Ānanda, khi Như Lai nhập diệt, Giáo Pháp và Giới Luật
(Dhamma-Vinaya) ấy sẽ là Đạo Sư của quý vị." (Ðại Kinh Bát Niết
Bàn, Trường Bộ)
Đây là một lời dạy rất rõ
ràng. Từ ngày ấy, hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua, giáo lý vàng ngọc
mà trong suốt 45 năm Ðức Thế Tôn đã dày công giảng dạy bằng nhiều phương
cách khác nhau, vẫn được lưu truyền trọn vẹn. Giáo Pháp, hay những lời
dạy của Ðức Thế Tôn, được gìn giữ đầy đủ trong ba tạng: Luật,
Kinh và Thắng pháp. Ðó là kho tàng Pháp Bảo.
Giáo Pháp này có đặc tính gìn giữ,
bảo vệ, nâng đỡ những chúng sinh thực hành đúng lời dạy, không để
rơi vào khổ cảnh. Giáo Pháp đem ánh sáng đến người tối tăm mê muội,
giúp phân biệt điều phải lẽ quấy, đường chánh nẻo tà. Giáo Pháp chỉ
rõ định luật "nghiệp báo - tái sinh" để giúp chúng sinh dựa
theo đó sửa mình, dọn đường tiến đến những cảnh giới nhàn lạc, hạnh
phúc. Hơn nữa, nếu thực hành đúng mức, Giáo Pháp có thể đưa thoát ra
khỏi mọi hình thức khổ đau của vòng luân hồi, đến trạng thái tịch
tịnh trường cửu. Ðó là nơi nương tựa chu toàn.
Câu kinh để tán dương Ân Ð?c
Pháp Bảo mà người Phật tử đọc tụng mỗi ngày có ý nghĩa như
sau: "Giáo Pháp do Đức Thế Tôn thuyết giảng toàn hảo, thiết thực
hiện tại, trổ quả tức thời, mời đến để thấy, có khả năng hướng
thượng, được bậc thiện trí tự mình chứng biết".
- Giáo Pháp Do Ðức Thế Tôn Thuyết
Giảng Toàn Hảo (Svākkhāto bhagavatā dhammo). Toàn thể Giáo Pháp
được Ðức Thế Tôn truyền dạy một cách toàn hảo bởi vì toàn hảo
ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa và toàn hảo ở đoạn cuối. Và
bởi vì Giáo Pháp mở đường đưa đến đời sống trong sạch toàn hảo.
Hiểu theo một cách khác, toàn thể
Giáo Pháp hoàn toàn tốt đẹp ở đoạn đầu là "Giới", vì giới
đem lại trạng thái an lành, hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn tốt đẹp ở
đoạn giữa là "Ðịnh" (tức thiền an chỉ và thiền minh quán) vì
định đem lại tình trạng an lạc tự tại và trí tuệ minh sát, và hoàn
toàn tốt đẹp tốt đẹp ở đoạn cuối là Ðạo Quả và Niết Bàn.
Thêm vào đó, Tam Tạng Pháp Bảo, từ
tạng Luật đến tạng Kinh và tạng Thắng pháp, nếu phân tích từng phần,
đoạn nào cũng toàn hảo vì đoạn nào cũng nhằm đưa đến giải thoát.
- Thiết Thực Hiện Tại (Sanditthiko),
có nghĩa là khi đã thực hành đầy đủ, hành giả thấy được kết
quả rõ ràng, hiển nhiên, ngay trong hiện tại. Khi vị ấy hoàn tất cuộc
hành trình trên Con Ðường, đương nhiên hành giả đến nơi tuyệt đối
an lành. Và trạng thái tuyệt đối an lành nầy chính hành giả tự tạo
cho mình (tự mình chứng ngộ) không phải có ai ban bố.
Sở dĩ phàm nhân chúng ta còn đau
khổ là vì chúng ta còn chứa chấp trong tâm nhiều bợn nhơ như tham, sân,
si, ganh tỵ, ngã mạn, tà kiến, và vì chúng ta bị màn vô minh che lấp nên
không thấy được sự thật. Chúng ta thấy giả tưởng thực, thấy vô thường
biến đổi ngỡ là thường còn, thấy đau khổ tưởng hạnh phúc, và chạy
theo cố rượt bắt cho được cái huyền ảo, không thực có. Kết quả hiển
nhiên phải là thất bại và từ đó sinh ra bất mãn, bất toại nguyện,
đau khổ. Bậc Thánh Nhân đã thanh lọc mọi bợn nhơ - thô kịch và vi tế
- đã khai triển trí tuệ minh sát. Lúc ấy, không cần có ai ban thưởng, hoát
nhiên vị ấy thấy rõ, trực nhận thực tướng của vạn pháp, chứng ngộ
Ðạo Quả.
- Trổ Quả Tức Thời (Akāliko),
không đợi thì giờ, có nghĩa là khi đắc Ðạo rồi thì Quả tức khắc
trổ liền sau đó. Hạng phàm nhân, khi có hành động thiện hay bất thiện
thì hành động nầy là nhân. Nhân đã gieo, quả sẽ trổ, sớm hay muộn,
trong kiếp hiện tiền hay trong một kiếp nào ở thời vị lai. Ðó là quả
tại thế (vipāka). Còn Quả ở đây thuộc về siêu thế pháp, Quả (phala)
của Ðạo (magga). Ðạo là chặp tâm của hành giả lúc bước vào
dòng giải thoát. Khi Ðạo phát sinh vừa chấm dứt thì tức khắc liền sau
đó Quả phát sinh. Vì lẽ ấy, một trong các đặc tính của Giáo Pháp là
khi đến mức Ðạo rồi Quả liền trổ sinh, không đợi thì giờ (akāliko).
- Mời Ðến Để Thấy
(Ehipassiko), có nghĩa là xứng đáng để mời người khác đến xem. Tại
sao? Vì bên trong Giáo Pháp có chứa đựng nội dung phong phú, và vì Giáo
Pháp đưa đến lối sống tinh khiết trong sạch. Nếu người kia không có
gì trong tay, hay trong tay có nắm những vật bẩn thỉu ắt không nói rằng
trong tay mình có vòng vàng châu báu và sẽ không mời ai đến xem. Nơi đây,
trong Giáo Pháp nầy, chắc chắn và rõ ràng có chín pháp siêu thế (bốn Ðạo,
bốn Quả, và Niết Bàn) và có đời sống tuyệt đối trong sạch, vì lẽ
ấy xứng đáng mời đến để xem, để quan sát.
- Có Khả Năng Hướng Thượng (Opanayiko),
đây là Pháp dẫn dắt chúng sinh, đưa đến giải thoát tối thượng là Niết
Bàn.
- Được Bậc Thiện Trí Tự
Mình Chứng Biết (Paccattam veditabbo viññūhī’ti). Trên con
đường dẫn đến Niết Bàn chỉ có bậc thiện trí mới có thể thấu đạt
Giáo Pháp, hạng cuồng si không thể được. Nên ghi nhận rằng nơi đây,
"thấu đạt" Giáo Pháp có nghĩa là chứng ngộ, thấu hiểu bằng
trí tuệ minh sát chớ không phải hiểu biết ở tầng lớp trí thức, lý
luận sách vở. Và mỗi cá nhân chỉ có thể tự mình chứng ngộ.
Trên đây là những ân đức (guna)
của Pháp Bảo. Người nào đã thấu hiểu những đặc tính và thấm nhuần
ý nghĩa của Pháp Bảo thì càng ngày càng cảm thấy quý mến, kính mộ,
tôn sùng những lời vàng ngọc ấy. Niềm tin của người ấy ngày càng vững
chắc. Từ lý trí đến cảm tính, người ấy vững lòng đặt trọn cuộc
sống của mình dưới sự hướng dẫn và bảo bọc của Giáo Pháp. Từ tận
đáy lòng, người ấy thành tâm tự nguyện:
"Dhammam saranam gacchāmi"-
Con xin về nương tựa nơi Giáo Pháp.
3) Quy Y Tăng Bảo
Giữa khu rừng rậm mênh mông của
những kiếp sinh tồn trong vòng luân hồi, giữa cảnh đôn đáo chạy tới
chạy lui để tìm con đường thoát ra khỏi những hiểm họa rùng rợn của
khu rừng ấy, Ðức Phật đã gia công trong nhiều kiếp sống để thực chứng
Con Ðường Giải Thoát. Trong kiếp cuối cùng, khi đã đến mức tận cùng
của Con Ðường, chứng ngộ Ðạo Quả Vô Thượng, Chánh Ðẳng Chánh
Giác, Chánh Biến Tri, Ngài không quản ngại công lao, đi từ làng nầy đến
làng khác, từ tỉnh nọ đến tỉnh kia, đi trên những lộ lớn và các nẻo
nhỏ, cùng khắp miền Bắc xứ Ấn Ðộ, để truyền bá bức thông điệp
từ bi và trí tuệ, đem sự an lành đến toàn thể chúng sinh. Trong những năm
đầu tiên sau khi Thành Ðạo, Ngài gửi sáu mươi vị đệ tử A-la-hán đi
hoằng pháp với những lời nhắn nhủ như sau:
"Này các Tỳ Khưu, quý vị
đã thoát khỏi các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này
các Tỳ Khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an
lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự
lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một
đường. Này các Tỳ Khưu, hãy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn
đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, có ý nghĩa,
có văn tự. Hãy quảng bá đời sống thiêng liêng cao thượng, toàn thiện
và thanh tịnh.
"Có những chúng sinh ít bị ô
nhiễm, do không nghe Giáo Pháp họ sẽ bị thoái hóa; nhưng nếu hiểu được
Giáo Pháp, họ sẽ thăng tiến" (Mahāvagga, Đ?i Phẩm).
Như vậy, chức vụ căn bản của
chư vị A-la-hán, những bậc Thánh đã thành tựu mục tiêu giải thoát, là
nâng đỡ đời sống đạo đức của người khác bằng cách nêu gương lành
trong sạch và truyền dạy Giáo Pháp.
Ðức Bổn Sư là người khám phá
ra và soi sáng Con Ðường. Giáo Pháp, những lời dạy của Ngài, là Con Ðường.
Con Ðường vẫn còn đó, nhưng nếu không có người đi, lâu ngày chồi
cây sẽ mọc lên trở lại và sẽ lấp mất. Lại nữa, tuy có Con Ðường
nhưng nếu không ai chỉ dẫn, ắt ta sẽ lạc nẻo. Chư Tăng là những vị
đã noi theo bước chân của Ðức Bổn Sư đi trên Con Ðường và, đúng
theo tôn chỉ "tự giác giác tha"của Phật Giáo, các Ngài sẵn sàng
và hoan hỷ dẫn dắt những ai vui lòng bước theo chân mình.
Câu kinh đọc tụng để tán dương
ân đức Tăng Bảo có ý nghĩa như sau:
"Chúng Tăng đệ tử Thanh
văn của Đức Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thanh văn
của Đức Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thanh văn của
Đức Thế Tôn là bậc Như lý hạnh; chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức
Thế Tôn là bậc Chân chánh hạnh. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức
Thế Tôn nếu tính đôi thì có bốn, nếu tính riêng rẽ thì có tám. Chúng
Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn đáng được thọ lãnh lễ vật,
đáng được nghênh tiếp, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay
chào, đáng là phước điền vô thượng ở trên đời."
- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của
Đức Thế Tôn Là Bậc Thiện Hạnh (Supatipanno bhagavato sāvakasangho).
Các vị nầy có phẩm hạnh toàn hảo hay thiện hạnh (supatipanno), vì
các ngài đi vào con đường chân chánh, con đường thẳng tiến không trở
đi trở lại, con đường thích ứng với Chân Lý, con đường hợp với Giáo
Pháp mà Ðức Thế Tôn đã giảng giải một cách toàn hảo.
- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của
Đức Thế Tôn Là Bậc Trực Hạnh (Ujupatipanno bhavagato sāvakasangho)
vì Ngài đi vào con đường ngay thẳng không quanh co, không xiêng vẹo, con
đường chánh đáng, đúng thật là con đường.
Con đường của các Ngài là ngay thẳng
vì đi ở khoảng giữa (trung đạo), lánh xa hai cực đoan lợi dưỡng và khổ
hạnh, lánh xa những quanh co xiêng vẹo của thân, khẩu, ý. Con đường ấy
là chánh đáng vì là con đường của chư vị A-la-hán. Ðó đúng thật là
Con Ðường vì dẫn ngay đến giải thoát, Niết Bàn.
- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của
Đức Thế Tôn Là Bậc Như Lý Hạnh (Ñāyapatipanno bhagavato
sāvakasangho) vì các Ngài tận lực đi suốt ba giai đoạn Giới, Ð?nh, Tuệ
của Con Ðường.
- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của
Đức Thế Tôn Là Bậc Chân Chánh Hạnh (Sāmīcipatipanno bhagavato
sāvakasangho) vì các Ngài chuyên cần tiến bước trên con
đường dẫn thoát ra khỏi mọi hình thức đau khổ.
- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của
Đức Thế Tôn Nếu Tính Ðôi Thì Có Bốn Và Nếu Tính Riêng Rẽ Thì Có
Tám (Yadidam cattāri purisayugāni atthapurisa-puggalā esa bhagavato
sāvakasangho). Có bốn Ðạo: Dự Lưu Ðạo, Nhất Lai Ðạo, Bất Lai Ðạo
và A-la-hán Ðạo, và có bốn Quả là Dự Lưu Quả, Nhất Lai Quả, Bất Lai
Quả và A-la-hán Quả. Nếu tính đôi theo Ðạo và Quả thì có bốn đôi. Nếu
tính riêng rẽ thì có tám bậc hay còn gọi là tám chúng.
- Xứng Ðáng Được Thọ Lãnh Lễ
Vật (Āhuneyyo). Những lễ vật được đề cập đến ở đây là
bốn vật dụng cần thiết trong đời sống, tức: vật thực, y phục, thuốc
men, và chỗ ở. Chư Tăng là những vị giới đức trong sạch, xứng đáng
thọ lãnh các lễ vật mà người dâng có thể đi từ phương xa đến, hoặc
đã dày công tạo nên, và dâng cúng một cách thành kính.
- Xứng Ðáng Được Nghênh Tiếp (Pāhuneyyo).
Sự tiếp đãi nồng hậu mà người thí chủ thường dành để đón mừng
những khách quý hay thân bằng quyến thuộc từ những nơi xa xôi đến,
chư Tăng là những vị xứng đáng thọ lãnh sự tiếp đón nồng hậu ấy.
- Xứng Ðáng Được Cúng Dường (Dakkhineyyo)
trong ý nghĩa là các Ngài giúp cho các lễ vật cúng dường ấy trở nên
trong sạch và có khả năng tạo nhiều quả phúc.
- Xứng Ðáng Được Chấp Tay Chào (Añjalikaranīyo)
vì các Ngài có nhiều đức hạnh thanh cao trong sạch.
- Xứng Ðáng Là Phước Ðiền
Vô Thượng Ở Trên Đời (Anuttaram puññakkhettam lokasā’ti) trong
ý nghĩa các Ngài là ruộng đất vô thượng để mọi người gieo nhân phước
báu.
Tăng Bảo chắc chắn là nơi nương
tựa chu toàn. Khi hiểu rõ như vậy, chúng ta đặt trọn niềm tin và hướng
về ngôi Tăng Bảo và tự nguyện quy y:
Sangham saranam gacchāmi - Con xin
về nương tựa nơi Tăng Đoàn.
*
Ba câu nguyện quy y Tam Bảo bắt nguồn
từ thời Đức Phật còn tại thế, và thường được các vị cư sĩ ngoại
đạo thốt ra sau khi được Ngài giảng dạy, xin trở thành Phật tử, và tự
nguyện hành trì theo Con Đường mà Ngài hoằng truyền. Ba câu nguyện nầy
thường được ghi ở đoạn cuối của nhiều bài giảng trong Kinh Tạng,
và tóm tắt lại trong tập Tiểu Tụng thuộc Tiểu Bộ:
Buddham saranam gacchāmi
Dhammam saranam gacchāmi
Sangham saranam gacchāmi
Dutiyampi Buddham saranam gacchāmi
Dutiyampi Dhammam saranam gacchāmi
Dutiyampi Sangham saranam gacchāmi
Tatiyampi Buddham saranam gacchāmi
Tatiyampi Dhammam saranam gacchāmi
Tatiyampi Sangham saranam gacchāmi
Có nghĩa là:
Con xin về nương tựa nơi Ðức
Phật
Con xin về nương tựa nơi Giáo Pháp
Con xin về nương tựa nơi Tăng Đoàn
Lần thứ hai, con xin về nương tựa nơi Ðức Phật
Lần thứ hai, con xin về nương tựa nơi Giáo Pháp
Lần thứ hai, con xin về nương tựa nơi Tăng Đoàn
Lần thứ ba, con xin về nương tựa nơi Ðức Phật.
Lần thứ ba, con xin về nương tựa nơi Giáo Pháp
Lần thứ ba, con xin về nương tựa nơi Tăng Đoàn
Về sau nầy, trong truyền thống Phật
giáo Bắc Tông, ba câu nguyện Tam Quy nêu trên đã được sửa đổi, chứa
thêm các ý nghĩa khác. Tuy nhiên, hàng Phật tử trong truyền thống Phật
giáo Nam Tông vẫn tôn trọng, gìn giữ và tụng đọc nguyên vẹn ba câu
nguyện đó, bằng tiếng Pāli nguyên thủy và có thể tiếp theo là lời dịch
bằng ngôn ngữ địa phương. Lời nguyện này thường được tụng đọc
thường xuyên, hằng ngày, tại nhà riêng, cũng như tại chùa, và trong các
buổi lễ sinh hoạt Phật Giáo.
Đôi khi, một người mới vào đạo
thường tham dự lễ Quy Y với một vị tu sĩ có uy tín, và xin vị ấy đặt
cho một pháp danh. Đây là điều tốt, có tác động tâm lý lâu dài, giúp
tăng trưởng niềm tín thành nơi người Phật tử. Tuy nhiên, đó chỉ là một
ước lệ, bắt đầu được quảng bá trong các thập niên cuối thế kỷ
20 trong một vài cộng đồng Phật Giáo, không phải là một điều bắt buộc
cần thiết và cũng không hoàn toàn phổ thông trong các cộng đồng Phật
Giáo khác. Điều quan trọng cần ghi nhớ ở đây là tinh thần tự nguyện
của mỗi cá nhân trong quyết định nhận Tam Bảo làm nơi nương tựa tâm
linh, mà trong đó, Tăng Bảo là đoàn thể các vị Thánh, những vị đã nhập
dòng giải thoát (bốn đôi, tám chúng), hàng xuất gia lẫn tại gia. Vai trò
của vị tu sĩ trong buổi lễ Quy Y chỉ là để chứng minh lòng thành tâm tự
nguyện xin nương tựa nơi Tam Bảo của người Phật tử.
*
Khi tự nguyện bước theo dấu chân Ðức Phật, hành theo
những lời dạy của Ngài và đặt mình dưới sự dẫn dắt của chư Thánh
Tăng, người Phật tử không làm nô lệ cho một quyển sách hay một cá
nhân, mà hoàn toàn tự do thực hiện ý chí mở mang kiến thức và khai triển
trí tuệ. Người Phật tử không tin rằng chỉ quy y Tam Bảo suông mà mình
có thể trở nên trong sạch, bởi vì Ðức Phật dạy rằng:
"Tự mình làm điều ác,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai." (Pháp Cú, câu 165)
Ðức Phật là vị Tôn Sư có tâm từ
vô lượng, tâm bi vô biên, nhưng Ngài chỉ có thể tế độ chúng ta bằng
cách khám phá và soi sáng Con Đường. Chính ta phải tự đặt chân lên con
đường và tiến bước, chính ta phải lãnh lấy trách nhiệm thanh lọc
thân tâm của mình. Dù là một vị Phật đại từ đại bi có rất nhiều
quyền năng, Ngài không thể rửa gội bợn nhơ của ai chỉ vì người nầy
có đức tin nơi Ngài và van vái nguyện cầu. Ðức Phật dạy: "Quý
vị phải cố gắng, chư Phật chỉ là những vị Thầy chỉ đường."
Ðức Phật là tinh hoa của nhân loại.
Chúng ta là những người tình nguyện bước theo dấu chân Ngài. Trước kim
thân Phật chúng ta kính cẩn đảnh lễ. Ðó là hình thức tôn kính của người
Phật tử. Ðó không phải là "đức tin mù quáng" mà người đời
thường hiểu, không phải chỉ là nhắm mắt tin suông, không căn cứ trên
suy luận, trên thực tế của đời sống. Niềm tin nơi Tam Bảo, saddhā, trái
lại, là Tình Thương, là Tín Nhiệm, là lòng thành kính phát sinh từ tâm
trí xuyên qua sự hiểu biết, khi ta nhận thức được giá trị của đức
hạnh tự chế ngự, tự kiểm soát, của lòng hy sinh cao cả, khi ta cảm nhận
được tâm Từ, tâm Bi mà Ðức Phật ban rải cho tất cả chúng ta, và khi
ta nhận thức được chân giá trị của phần di sản quý báu mà Ðức Phật
để lại cho chúng ta, một bảo vật vô giá, Giáo Pháp của Ngài.
Có người xem Phật Giáo là một hệ
thống triết học. Ðối với người khác, đó là một hệ thống luân lý.
Cũng có người chủ trương rằng Phật Giáo là một tôn giáo. Dù nhãn hiệu
nào mà người ta có thể gắn vào hệ thống giáo lý do Ðức Phật truyền
giảng, Phật Giáo là một "lối sống" bao hàm trọn vẹn các lãnh
vực tôn giáo, luân lý và triết học, một "lối sống" có khả năng
thanh lọc tâm và phát triển trí đến trạng thái cao thượng nhất mà con
người có thể tiến đạt đến. Ðây không phải là giáo lý để làm đề
tài tranh luận, cũng không phải một học thuyết để nghiên cứu học hỏi
suông nhằm thỏa mãn trí thức. Chính Ðức Phật gọi giáo lý nầy là "Dhamma
Vinaya", Giáo Pháp-Giới Luật, và Ngài luôn luôn nhấn mạnh đến sắc
thái thực dụng của giáo pháp đó.
Perth, Tây Úc,
Tháng 4-2005
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/banoinuongtua.htm