Trong Phật Giáo Kim Cương thừa
– là hình thức Phật Giáo được bảo tồn ở Tây Tạng và Mông Cổ và là một tông
phái được tu hành ở chùa của tôi – một trong những giáo lý căn bản làsự
hiểu biết và thực hành lòng bi mẫn. Cá nhân tôi nhận ra rằng một triết học
tôn giáo được đặt nền trên lòng bi mẫn vô ngã mang lại cho ta một sự hài
lòng sâu xa và tôi tin rằng nó đánh trúng tình cảm của nhiều người Mỹ.
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều
người chấp nhận ý niệm bi mẫn như lòng từ ái và một sự quan tâm sâu xa đối
với người khác, họ không nhận ra rằng để thể nhập tâm Đại Giác ngộ thì
phải cần có một con đường cẩn trọng và kỷ luật. Con người không được sinh
ra mà tự động chứng ngộ lòng đại bi. Vì thế, Con Đường Kim Cương có thể
được mô tả như một kỹ thuật để phát triển tâm linh.
Đứng ở quan điểm Phật Giáo thì
có hai cách thức chính yếu để tiếp cận lòng bi mẫn: bi mẫn ước nguyện và
bi mẫn thực tiễn. Khi bắt đầu thực hành Con Đường Kim Cương, ta lập tức
bắt đầu lập những nguyện ước, nuôi dưỡng ý tưởng làm lợi lạc cho chúng
sinh đang quay cuồng bất lực trong vòng luân hồi sinh tử. Đây là lòng bi
mẫn ước nguyện.
Mỗi thực hành ta thực hiện, mỗi
giáo lý ta nghe, mỗi quán đảnh ta nhận lãnh, mỗi lời cầu nguyện ta tụng
đọc, tất cả có thể được hồi hướng cho sự giải thoát của tất cả chúng sinh
khỏi mọi hình thức đau khổ.
Như thế, lòng bi mẫn ước nguyện
được thực hành vào lúc bắt đầu bằng cách lập đi lập lại những lời nguyện
ước. Những lời nguyện này có ý hướng làm lợi lạc chúng sinh bằng cách phát
triển ước muốn chân thành sử dụng toàn bộ các hoạt động của ta – từ hoạt
động thế tục cho tới siêu phàm – như một phương tiện để giải trừ những
nguyện nhân của đau khổ trong mọi hình thức của nó. Ta nguyện cầu ngừng
dứt chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, sự chết và tái sinh, sự cô đơn, tham,
sân, và si. Ta chấp nhận một thái độ ý hướng trong sạch được đặt nền trên
ý tưởng là mỗi số phận của cuộc đời này, cũng như những hóa thân trong
tương lai sẽ tới, bằng cách này hay cách khác có thể mang lại lợi ích cho
chúng sinh.
Như một ví dụ của loại nguyện
ước này, tôi sẽ giảng rộng một thực hành nổi tiếng:
Nếu cần chất dinh dưỡng, tôi
nguyện là thực phẩm. Nếu cần một bóng mát, tôi xin là một tàng cây. Nếu
cần nơi trú ẩn, nguyện tôi là một căn nhà. Nếu cần vượt sông suối, tôi
nguyện là một cây cầu. Nếu phát sinh bệnh tật, nguyện tôi là bác sĩ, thuốc
men hay y tá phục hồi sức khỏe. Cầu mong tôi là đất liền cho người cần có
nó, một ngọn đèn cho những ai ở trong tăm tối, một chỗ trú cho kẻ không
nhà, và một đầy tớ cho thế giới.
Trong khi điều này nghe có vẻ
rất tốt lành và từ ái thì ở đây ý hướng còn sâu xa nhiều hơn chữ nghĩa bề
ngoài bởi ta phải nỗ lực làm lợi lạc không chỉ để đáp ứng những nhu cầu
trước mắt của chúng sinh, mà cũng mang lại lợi ích trong tương lai. Việc
cung cấp những thứ như thực phẩm, nhà ở, và thuốc men dĩ nhiên là tạo nên
lợi ích, và loại thiện tâm này thì vô cùng tốt lành. Tất cả chúng ta nên
nỗ lực đáp ứng những nhu cầu của người khác bằng những phương cách này.
Tuy nhiên từ một viễn cảnh Phật Giáo, ta sẽ không mang lại lợi ích tối
thượng nếu chỉ thực hành loại bi mẫn này. Ví dụ nếu có thể nuôi dưỡng toàn
thể một quốc gia hay thậm chí cả một thế giới và hoàn toàn diệt trừ nạn
đói và sự vô hy vọng, chúng ta vẫn không giải quyết được cội gốc của vấn
đề.
Theo Đức Phật thì không có điều
kiện hay hoàn cảnh nào mà không có một nguyên nhân. Giống như không có
trái cây nào xuất hiện mà trước hết không hiện ra trên một thân cây đến từ
một hạt giống, cũng không có hoàn cảnh nào, dù xấu hay tốt, mà ta thấy
xuất hiện không có một nguyên nhân. Những nguyên nhân ấy có thể không chỉ
được tìm thấy trong đời này, mà còn có thể đến từ những đời trước.
Không thể có việc người ta ngẫu
nhiên bị sinh vào một hoàn cảnh khó khăn hay thình lình trải nghiệm sự bắt
đầu của nỗi khổ hay một biến động khủng khiếp. Những sự kiện này luôn luôn
là kết quả của một tấm thảm thêu của những mối quan hệ nhân-và-quả (nghiệp)
được dệt xung quanh ảo tưởng bao hàm sự xác định và duy trì một bản ngã.
Như vậy, việc giải quyết những nhu cầu lập tức của chúng sinh có thể mang
lại một sự thuyên giảm nào đó, nhưng không có gì bảo đảm là họ sẽ không
trải nghiệm những khó khăn to lớn trong tương lai, bởi nó không phá vỡ
được sự tương tục của nhân và quả chín mùi bất ngờ và liên tục. Sự tương
tục này bắt nguồn từ niềm tin vào một bản ngã và sự tham muốn là kết quả
của niềm tin đó. Chính bằng cách làm nguôi dịu sự tham muốn mà ta có thể
bắt đầu chuyển hóa nghiệp của ta. Khi ảo tưởng bản ngã bắt đầu tan biến
thì nghiệp cũng bắt đầu biến mất. Nhưng nếu dòng tâm thức không được lọc
sạch nghiệp của sự đau khổ thì tiềm năng cho sự đau khổ vẫn còn tồn tại.
Chúng ta được nuôi dưỡng để tin
rằng thực tại đó có thể được vận dụng. Những thư viện của chúng ta chất
đầy những quyển sách thuật lại sự thành công của các vĩ nhân người Mỹ.
Những câu chuyện này có khuynh hướng nói về những thành công về mặt vật
chất. Nhưng người khao khát tâm linh phải hỏi: Thành công này liệu có kéo
dài không? Cho dù nó kéo dài suốt một đời, nó có sống sót qua cái chết?
Nếu chúng ta có quyền mang lại hòa bình cho thế giới, giải trừ quân bị các
quốc gia và duy trì trật tự cùng sự hòa hợp, thì liệu nền hòa bình đó có
tồn tại lâu hơn cuộc đời ta? Nhiều vị lãnh đạo đã cạn kiệt cuộc đời họ
trong việc tạo lập những cường quốc và đế chế chỉ để bị hủy diệt không lâu
sau khi họ chết.
Để mang lại cho chúng sinh lợi
ích tối thượng của việc thoát khỏi mọi đau khổ, ta phải áp dụng kỹ thuật
tối hậu. Nguyện ước làm lợi lạc cho chúng sinh, nuôi dưỡng ý hướng trong
sạch, liên tục gìn giữ thiện tâm của con người, lập những lời ước nguyện,
và từ tận sâu thẳm của tâm hồn và trái tim ta, thường xuyên hy vọng mang
lại lợi ích vững bền cho người khác, là những thực hành để phát triển lòng
bi mẫn. Tuy nhiên ở một thời điểm nào đó thì bước nền tảng phải được thực
hiện. Nó bắt đầu với việc nhận ra rằng hạnh phúc nhất thời thì không đủ,
việc nuôi dưỡng và cung cấp y phục cho chúng sinh cùng những hành động
khác xuất phát từ lòng tốt thì không đủ. Những điều này không thể phá hủy
sự tất định của cái chết là điều áp đặt lên con người và vượt quá khả năng
của ta. Làm sao chúng ta có thể theo họ đi vào những hóa thân trong tương
lai để bảo đảm cho sự an toàn của họ?
Chỉ có một cách duy nhất để làm
ngừng lại sự chín mùi của những hạt giống đau khổ, đó là sự Giác ngộ, nó
làm tan biến niềm tin vào bản ngã, làm nguôi dịu mọi mối quan hệ
nhân-và-quả hay nghiệp, và khám phá bản tánh nguyên sơ chân thực của ta.
Con đường Kim Cương sử dụng nhiều kỹ thuật để tịnh hóa năm giác quan và tự
thân dòng tâm thức. Khi ta dấn mình vào những thực hành này, không chỉ vì
lợi lạc của riêng ta mà cũng để tịnh hóa nghiệp và nỗi khổ của người khác,
thì phương diện thực tiễn của Tâm Giác ngộ – lòng bi mẫn thực tiễn – được
cam kết. Nó “thực tiễn” vì đó là kỹ thuật để hoàn toàn giải thoát bản thân
ta và những người khác khỏi những nguyên nhân của sự đau khổ. Những Phật
tử coi loại bi mẫn này như hành động của thiện tâm tối thượng.
Mặc dù thiện tâm thông thường
là một công việc có giá trị và nên là một phần của hoạt động của tất cả
những ai khao khát tâm linh, ta phải quan tâm tới vấn đề lợi ích tối hậu,
vấn đề tiệt trừ tận gốc nỗi khổ đau.
Ta nên ghi khắc tận đáy lòng
những điều Tôn giả Phật giáo Ấn Độ Shantideva vĩ đại đã viết một ngàn năm
trước: “Cầu mong tôi hành động như trái đất vĩ đại hay như bầu trời tự
do và rộng mở để nâng đỡ và cung cấp không gian nhờ đó tôi và tất cả chúng
sinh có thể phát triển. Cho tới khi mọi chúng sinh bị phiền não bởi đau
khổ đạt được bờ bến Niết Bàn, cầu mong tôi chỉ phụng sự như một điều kiện
(duyên) để cổ vũ cho sự tiến bộ và niềm hỉ lạc.”
Jetsunma Ahkon Lhamo
Nguyên
tác: “Compassion is the only lasting antidote to suffering
A
Teaching from Jetsunma Ahkon Lhamo”
http:// tara.org/teachings.htm
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/