Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

BỒ ĐỀ TÂM 

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Thích Nữ Giác Anh chuyển ngữ

 

Truyền thừa Đại Bi Tâm

Chúng ta nên thắc mắc, Bậc Ðạo sư của chúng ta, Ðức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, hóa thân từ phương tiện thiện xảo và đại bi tâm, trong quá khứ do nhân duyên nào mà ngày nay Ngài đã thành tựu đại từ bi, đại trí tuệ và thần thông viên mãn như thế? Câu trả lời là, Ðức Phật đã không màn hưởng thụ cá nhân chỉ một lòng phổ độ chúng sanh. Khi tâm đó chưa phát sinh, Ngài làm cho tâm vị tha đó phát sinh. Khi đã phát sinh, liền gìn giữ phát huy và làm cho tăng trưởng. Dần dần song song với trau dồi trí tuệ, Ngài đã từng bước chứng đắc, tinh tấn không ngừng trên con đường lợi ích tha nhân như thế, cuối cùng Ngài đã “hoàn toàn giải thoát tất cả phiền não và thành tựu hết thảy hạnh lành”. 

Vậy mà cho đến bây giờ, chúng ta vẫn bất di bất dịch loay hoay đeo đuổi kiếm tìm hạnh phúc cho bản thân mình. Tất nhiên như thế làm sao chúng ta tìm được hạnh phúc. Như đã từng biết, không những ta tìm mọi cách để tự hưởng thụ mà còn bám chặt vào đức tin, rằng mọi thứ chung quanh đều thật sự tồn tại. Hai điều cố chấp đó đã dập tắt ước mơ truy tìm hạnh phúc. Thế nhưng ta vẫn ngây thơ tin tưởng và còn cố bám chặt vào đó.

Thử so sánh công hạnh của bậc Ðạo Sư và sự yếu hèn của chúng sanh xem sao! Nên nhớ một điều Ðức Phật đã từng là một chúng sanh tầm thường như ta bây giờ; sự kiện Ðức Phật “hoàn toàn giải thoát khỏi tất cả phiền não và thành tựu hết thảy hạnh lành” là do Ngài thấu hiểu tầm quan trọng của lợi lạc chúng sanh, rồi áp dụng tu tập. Ðức Phật nhận chân được sự gượng ép khi bám víu cho rằng mọi thứ là có thật. Và Ngài đã tìm phương giải độc cho những phiền não đó. Và nếu tư duy như thế, ta sẽ hiểu nguyên do vì sao Ðức Phật giảng công đức lợi ích chúng sanh, cũng như chỉ rõ lỗi lầm do tính vị kỷ thái quá đã gây ra.

Ðó cũng là triết lý Trung Ðạo, trong tác phẩm “Tràng hoa báu”, Ngài Long Thọ nói rằng:

Như đất, nước, lửa, gió,
Dược thảo hay rừng xanh,
Nguyện con luôn phụng sự 
Cho hết thảy chúng sanh
Không một chút ngăn ngại
Tùy hết thảy sở cầu.

Tính chất của bốn đại - đất, nước, lửa, gió - luôn luôn sẵn sàng cống hiến mọi loài chúng sanh. Bốn yếu tố đó hoàn toàn là tài sản chung, không ai có quyền giành lấy về cho riêng mình. Ta phát nguyện dù chúng sanh có nhiều vô tận như hư không, con cũng được phụng sự hết thảy một cách tự tại như thế. Ngài Long Thọ đưa ra ví dụ của bốn đại để lấy đó làm tiêu chuẩn, hầu phát huy động lực tu tập. Trong tác phẩm Bồ Tát Hạnh, cùng một ý nghĩa đó Ngài Tịch Thiên cũng đã nói:

Như đất và ba yếu tố kia,
Và Như hư không vô cùng tận,
Con nguyện phụng sự cho chúng sanh.
Bảo vệ thân mạng hết muôn loài
Ðáp ứng sở cầu tùy hết thảy.
Hay một đoạn khác trong Bồ Tát Hạnh:
Khi nào còn cả hư không
Khi nào còn cả chúng sanh muôn loài
Nguyện con còn ở lại đời
Gia tâm cứu giúp oán cừu trần gian.

Thường niệm những hạnh nguyện như thế, tức đã tự tác động một năng lực vô cùng mạnh mẽ vào tâm thức của chính mình. Chiêm nghiệm lại lời lẽ từ những bậc đạo sư như Long Thọ và Tịch Thiên, chúng ta thấy rõ quí Ngài đã hạ thấp sự hưởng thụ cá nhân, dồn hết tâm lực để lợi ích cho hết thảy chúng sanh như thế nào. Không đâu khác hơn, tinh thần vị tha chính là niềm khao khát và thực chất tu tập của quí Ngài.

Và như thế, Bồ Đề Tâm từ đấng Ðại Từ Bi Thế Tôn đã xuôi dòng truyền thừa xuống chư tổ Ấn Độ - Long Thọ, Aryadeva, Vô Trước, Thế Thân…, kế xuống chư Tổ Tây Tạng thuộc 4 tông phái và cho đến các vị lạt ma ngày nay. Chư Tổ đã hành những gì Đức Phật hành, tiếp nối giáo huấn của Ngài: huân tập Bồ Đề Tâm, xem chúng sanh hơn chính bản thân mình. Và theo pháp hành đó, quí Ngài không chỉ ích lợi cho tự thân mà còn cho tha nhân, không chỉ xiển dương Phật Pháp mà còn lợi lạc hữu tình. Thế mà, chúng ta giờ đây chưa bằng trong muôn một. Chúng ta hãy tinh tấn nối gót theo hạnh nguyện quí Ngài.

Tầm quan trọng của Bồ Đề Tâm
Bồ Đề Tâm là thiện tâm hết sức quan trọng và cần yếu. Mỗi khi niệm Bồ Đề Tâm, quí vị có nhận thấy sự chuyển hóa trong tâm tư không? Ta nên tự phát nguyện:

Khi còn thở, ta còn niệm Bồ Đề Tâm
Vì đó cho ta ý nghĩa của cuộc đời.
Khi chết đến, vẫn niệm Bồ Đề Tâm
Vì đó mở ra hướng đi, con đường tiến lên Giải Thoát.
Khi ta được giàu sang và phát đạt
Ta tiếp tục niệm Bồ Đề Tâm
Vì đó giúp mình cần tu bố thí
Diệt trừ ngã mạn, đố kỵ và tự kiêu.
Khi bị thất bại và khổ đau
Ta nguyện vẫn niệm Bồ Đề Tâm
Vì tìm được an ủi và hy vọng.
Cho dù thời gian và hoàn cảnh
Có dài lâu và thế nào chăng nữa
Dù sống, chết, vui, buồn, hơn, thua
Bồ Đề Tâm vẫn sắc son một lòng.

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm ở đây rằng, tâm tôi vẫn chưa phát huy hết Bồ Đề Tâm, ở mức độ nào đó, bề ngoài có vẻ tôi có Bồ Đề Tâm, vì vốn đã quen phát nguyện, nhưng thật tế vẫn chưa. Dĩ nhiên tôi đang cố gắng để đạt Bồ Đề Tâm, đó là một điều hy vọng, tuy không phải một niềm hy vọng trống rỗng nhưng vẫn chỉ là hy vọng. Tôi hy vọng đạt được Bồ Đề Tâm chân thật, nhưng bây giờ thì chưa. Thế nhưng, dù chỉ phát nguyện, phát Bồ Đề Tâm cũng đã chuyển hóa tâm niệm của chúng ta rồi, phải vậy không các bạn ?
Source: quoted from the book Mind in Comfort and Ease HH Dalai Lama 14th – Wisdom Publication, Boston, 2007. Part: Boddhicitta, the heart of the awakened mind.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/bodetam.htm

 


Vào mạng: 23-09-2009

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang