- (Cho các bé thơ đã bỏ mình trong bệnh dịch đậu
mùa)
1. Theo Dấu Chân của Bồ-tát
Địa Tạng.
Trong năm vị Bồ-tát lớn của Phật
giáo Phát triển – Quan Âm, Thế Chí, Ðịa Tạng, Văn Thù, và Phổ Hiền -
thì Bồ-tát Ðịa Tạng đại biểu cho một khuôn mẫu tốt đẹp và tích cực
nhất của lý tưởng Bồ-tát đạo, qua hành động dấn thân, lăn xả vào
chốn địa ngục lầm than để cứu độ chúng sinh với lời nguyện bất hủ:
Khi nào trong cõi địa ngục còn một chúng sinh khổ đau, Ngài sẽ không bao
giờ trọn thành Phật đạo. Thế nên được tôn sùng như là vị "U
Minh Giáo Chủ", Bồ-tát Ðịa Tạng cùng với Bồ-tát Quán Thế Âm đặc
biệt đã được quần chúng Phật tử tại Á Châu theo truyền thống Bắc
Tông tôn thờ kính ngưỡng. Thế nhưng cũng không phải là không có những
tư tưởng phản bác, cho rằng Bồ-tát Ðịa Tạng chỉ là một nhân vật hư
cấu, sản phẩm của đầu óc tưởng tượng phong phú của người Trung
Hoa, và thậm chí còn bài bác quan niệm địa ngục trong Phật giáo xem đó
như là một sự hù dọa tôn giáo. Ðể trả lời cho vấn nạn này, các học
giả nghiên cứu về Phật giáo cổ Ấn Ðộ hồi gần đây đã trưng ra rất
nhiều bằng chứng xác định rằng tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Ðịa
Tạng (Kshitigarbha) đã được khai sanh tại Ấn Ðộ rất lâu đời, có thể
là vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai sau công nguyên
(C.E.), cùng một lúc với sự phát triển mạnh mẽ của khuynh hướng Phật
giáo Phát triển, mà bằng chứng cụ thể là Bồ-tát Ðịa Tạng và những
kinh sách liên quan về Ngài đã được đưa vào chương trình học tập,
nghiên cứu tại Ðại học cổ điển Phật giáo nổi tiếng Nalanda xứ
Ma-kiệt-đà.
Khi Phật giáo bắt đầu được du
nhập vào vùng Trung Á, vào khoảng năm 140 C.E., và trạm dừng chân đầu tiên
của bánh xe Pháp là Turkestan, tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Ðịa Tạng cũng
theo bước chân của những tăng đoàn truyền giáo du nhập vào vùng này
thông qua "Con Ðường Lụa" nổi tiếng trong lịch sử. "Con Ðường
Lụa" như mọi người đều biết, dài trên hai ngàn dặm từ Ấn Ðộ
vào Trung Hoa đi xuyên qua những địa thế rất gian nan hiểm trở, với những
vùng khí hậu khắc nghiệt của cả núi cao lẫn sa mạc, thêm vào đó
những vùng biên địa giữa những tiểu quốc lại đầy rẩy những thú dữ
và những băng đảng cướp của giết người cũng như những bộ lạc còn
rất dã man. Rất nhiều những kẻ lữ hành -kể cả các tăng sĩ truyền giáo-
đã phải bỏ mạng trên đoạn đường này, đến độ theo du ký của những
khách hành hương trong tinh thần "Nhập Trúc cầu Pháp" còn để lại,
những bộ xương khô rải rác ở bên đường dọc theo sa mạc đã được
dùng như là những dấu mốc cho kẻ lữ hành cho biết là họ đang đi đúng
hướng. Ðối diện với những nỗi hiểm nguy lớn lao như thế, việc tôn
thờ Bồ-tát Ðịa Tạng như là vị Bồ-tát bảo vệ kẻ lữ hành là
một điều dễ hiểu nếu không nói là một nhu cầu hiện thực, vì như
trong Kinh Ðịa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, Phật thuyết:
"Lại vầy nữa, nầy Quán
Thế Âm Bồ-tát! Về đời sau nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc
nhơn sự làm ăn, hoặc nhơn sự công chuyện tư, hoặc nhơn sự sanh cùng tử,
hoặc nhơn việc gấp mà phải vào trong rừng núi, hay là qua sông vượt biển,
hoặc gặp nước lụt lớn, hoặc đi ngang đường hiểm trở. Người ấy
trước khi đi nên niệm danh hiệu của ngài Ðịa Tạng Bồ-tát một muôn
biến, được thế thời đi qua nơi chốn nào cũng có các vị quỉ thần hộ
vệ, lúc đi đứng, khi nằm ngồi, đều được an ổn vui vẻ luôn, cho đến
dầu gặp loài hùm sói sư tử... nhưng tất cả thứ độc hại đều không
thể phạm đến người đó được.”
Hàng ngàn hình tượng Bồ-tát Ðịa
Tạng được tôn thờ trong những hang động tại vùng Long Môn và Ðôn
Hoàng, Turkestan trong khu vực được gọi là Vạn Phật đã nói lên niềm
tin tưởng của dân chúng địa phương về sự hộ trì của Bồ-tát Ðịa
Tạng đối với khách lữ hành và là một bằng chứng sống động cho thấy
rằng Bồ-tát Ðịa Tạng không phải là sản phẩm hư cấu của người
Trung Hoa.
Từ cửa ngỏ Turkestan, Phật giáo
được du nhập vào Trung quốc và chỉ trong vòng vài thế kỷ sau, khoảng năm
400 C.E , Phật giáo coi như đã hoàn toàn hội nhập vào vùng đất mới. Tại
đây cây Bồ Ðề đã bắt đầu bám rễ một cách vững chắc góp phần
vào việc phát triển một nền văn hoá Trung Hoa đa dạng, phong phú và rực
rỡ. Ðồng thời tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Ðịa Tạng cũng đã bộc
phát mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ giữa cho đến cuối niên kỷ
500 C.E. do niềm tin của một giáo phái Phật giáo, "Tam Giai Giáo",
cho rằng, theo kinh Phật, đây là thời kỳ Mạt Pháp, và trong giai đoạn này
việc thờ phượng Bồ-tát Ðịa Tạng là thích hợp nhất. Tín ngưỡng tôn
thờ Bồ-tát Ðịa Tạng đạt lên đến đỉnh cao khi người Trung Hoa chọn
ngọn núi Cửu Hoa Sơn làm nơi trụ tích của Bồ-tát mà theo truyện tích
còn để lại thì Bồ-tát đã hóa thân thành một nhà sư Triều Tiên đến
Trung Hoa hoằng pháp và liễu đạo tại đây.
Từ Trung Hoa, Phật giáo cùng với
tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Ðịa Tạng bắt đầu du nhập vào Nhật Bản
thông qua cửa ngỏ Triều Tiên vào khoảng thế kỷ thứ Năm hoặc thứ Sáu
C.E. Nhật Bản lúc bấy giờ so với Trung Hoa và ngay cả Triều Tiên, là một
quốc gia còn ở trong tình trạng bán khai, lạc hậu. Bị hăm dọa thường
trực bởi nạn động đất và núi lửa, dân chúng Nhật Bản đa phần sống
dưới những túp lều tranh đơn sơ trong những ngôi làng bé nhỏ nghèo
nàn, cai quản bởi những lãnh chúa địa phương. Họ chưa có thành thị, hệ
thống tiền tệ, chữ viết, không trường học và bất cứ một nghi thức
tôn giáo nào. Tuy nhiên Phật giáo đến với Nhật Bản không phải là để
lấp chỗ trống tôn giáo này, vì dân Nhật vẫn có những tín ngưỡng đa
thần cổ sơ, thờ cúng ông bà và tôn sùng Thần Ðạo. Ngược lại, Phật
giáo đến với Nhật Bản như là biểu trưng của một nền văn minh Trung
Hoa đã chín mùi, đầy sức thu hút và quyến rũ. Hơn thế nữa Phật giáo
còn mang đến cho Nhật Bản những vị Bồ-tát rất gần gũi với những
nhu cầu của cuộc sống đời thường, mà cụ thể là Bồ-tát Ðịa Tạng.
Nếu như người Nhật trước đây tôn sùng Thần Ðạo, đã từng quen thuộc
với những ông thần Núi, thần Sông, thì nay, Bồ-tát Ðịa Tạng-như tên
gọi của Ngài- trong cảm quan người Nhật chẳng khác gì một ông thần Ðất
thiết thân và gắn bó. Trong một sớm một chiều, hình ảnh của Bồ-tát
Ðịa Tạng đã lần hồi chiếm chỗ của những vị thần đã ngự trị
trước đây trong lòng dân Nhật. Người nông dân gặp khó khăn trong công
việc đồng áng ư? Họ kêu cầu đến Bồ-tát Ðịa Tạng. Gặp lúc trời
hạn hán không mưa? Lại phải nhờ đến oai lực của Bồ-tát Ðịa Tạng.
Thậm chí gặp lúc đau mắt, nhức răng không biết chạy đi đâu người ta
cũng phải chạy đến cầu sự giúp đỡ của Ngài. Ngài trở thành vị Bồ-tát
bảo vệ thôn làng trước họa binh đao, nước lửa; là người bảo vệ
cho sản phụ mẹ tròn con vuông, kẻ bảo hộ cho những chiến sĩ được bình
an trong trận mạc. Chưa hết, đến phút lâm chung, cũng chính Bồ-tát Ðịa
Tạng là người đến tiếp dẫn họ đến cõi Tây phương Tịnh Ðộ của
Phật A Di Ðà, và chẳng may nếu một người nào đó gây nên những ác
nghiệp xấu xa phải rơi vào chốn địa ngục, nếu biết ăn năn sám hối
kêu cầu đến Ngài, Ngài cũng sẽ sẵn sàng lăn xả vào chốn địa ngục
để đưa họ ra khỏi chỗ tối tăm...
Ðể tán thán công năng cứu độ
chúng sanh không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Ðịa Tạng, người dân Nhật đã
tạo ra không biết bao nhiêu những truyện tích, huyền thoại để nói về
Ngài. Với khuôn mặt dịu hiền khả ái và trên môi như luôn luôn điểm một
nụ cười, hình ảnh của Ngài đã hoà nhập vào tất cả mọi nền nếp
suy nghĩ, những lo âu trong cuộc sống đời thường của dân chúng Nhật Bản.
Hình ảnh của Ngài làm người ta liên tưởng đến hình ảnh của một vị
y sĩ vùng quê sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào cho bất cứ ai cần
đến trong cơn đau đớn, sợ hãi, âu lo, hoạn nạn dù lớn hay nhỏ. Cho
đến bây giờ, không phải chỉ ở vùng quê mà ngay tại những thành phố,
kể cả những thành phố lớn đông đúc rộn rịp như Ðông Kinh hay cố đô
Kyoto, nếu bạn cần đến sự giúp đỡ của Bồ-tát Ðịa Tạng, có lẽ bạn
cũng không cần phải đi đâu xa, bởi vì chỉ cách một vài góc phố, vài
ngả tư đường người Nhật lại dựng lên một bàn thờ nhỏ thờ Bồ-tát
Ðịa Tạng, mà trên đó là những bó hoa tươi thắm, những phẩm vật cúng
dường đơn sơ nhưng chan chứa những tình cảm trân trọng: vài viên kẹo,
dăm trái quýt, và đôi khi cả những chén rượu sake... Những bàn thờ này
luôn luôn được chăm sóc sạch sẽ bởi cư dân địa phương, điều này
đã nói lên những tình cảm tin tưởng trân quý của người Phật tử Nhật
Bản luôn luôn hướng về Ngài. Ở những nơi thờ phượng lớn hơn, người
ta còn thấy Phật tử dâng cúng lên Ngài những bộ áo quần trẻ con, những
đôi giày, dép Nhật Bản, vì người ta tin tưởng rằng Bồ-tát Ðịa Tạng
đã phải đi mòn không biết bao nhiêu là gót giày, tất bật tới lui không
ngừng trên khắp nước Nhật để an ủi, săn sóc bất cứ những ai cần
đến Ngài giúp đỡ. Ðặc biệt khi người ta dâng cúng đến Ngài những bộ
áo quần trẻ con là vì do niềm tin theo truyền thuyết, Ngài là người rất
yêu thích trẻ con, là vị thần hộ mệnh của những trẻ thơ bất hạnh.
Ðây có thể nói là một trong những nét độc đáo, đầy ý nghĩa của Phật
giáo Nhật Bản.
CHÚ THÍCH:
Một phần nội dung của bài
viết được rút ra từ tác phẩm : « Jizo Bodhisattva, Mordern Healing
& Traditional Buddhist Practice », Jan Chozens Bays, Tutle Publishing, 2002