Việt Nam vừa
trải qua những trận bão lụt tàn khốc với nhiều thiệt hại lớn. Một số ngôi
làng trở thành bình địa. Hàng trăm người chết và mất tích, hàng chục ngàn
nhà đã sập, và xã hội hoang mang, bất an… Chúng ta có thể hốt nhiên khởi
lên câu hỏi: Phật đã dạy những pháp nào để giúp bảo vệ cho chúng sinh? Hay
ở các trường hợp cá biệt hơn, khi quý Tăng Ni Phật Tử gặp người nguy khốn,
bất an trong đời, có thể sử dụng pháp Phật nào để giúp phòng hộ và cứu hộ
cho các nạn nhân này?
Đối với
người đã sẵn tín tâm, chúng ta có thể lấy các kinh nhật tụng và chỉ cách
trì tụng kinh chú quen thuộc. Tuy nhiên, câu hỏi có thể nêu lên rằng, khi
tiếp cận với những người tôn giáo khác, hay ngay cả khi gặp người vô tôn
giáo, chúng ta nên sử dụng pháp cầu an nào để họ có thể nghe, hiểu và nhận
được vào tạng thức một số chủng tử Phật Pháp dễ dàng hơn? Đặc biệt khi
hướng dẫn người khác ngôn ngữ, thí dụ như khi tiếp cận người Mỹ hay Úc
được sinh và trưởng thành từ truyền thống tôn giáo khác, và khi họ không
thể trì tụng hay niệm âm, chúng ta nên chỉ dẫn phương pháp hộ thân hay bảo
vệ nào?
Tại các nứơc
theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông, như Miến Điện hay Thái Lan, một số
phương pháp để hộ quốc an dân có thể dùng cho các trừơng hợp như thế. Một
trong các pháp phổ biến là bài Kinh Ratana Sutta, mà Hòa Thượng Thích Minh
Châu dịch là Kinh Châu Báu, từ Kinh Tiểu Bộ Tập I, trong Kinh Tập, Chương
2 Tiểu Phẩm (http://thuvienhoasen.org/kinhtieubo1-05-kinhtap-02.htm). Bản
dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu không nêu lên duyên sự, cho nên hầu
hết người đọc không biết rằng Đức Phật đã dạy kinh này để hộ quốc an dân.
Một phương pháp bảo vệ khác cũng thường được Chư Tăng sử dụng cho các
trường hợp cá biệt, là dùng công đức trì giới để chú nguyện -- như lời
Phật dạy Ngài Angulimala là hãy chú nguyện công đức giữ giới để cứu một
phụ nữ thóat chết vì sản nạn (Do Trưởng Lão Walpola Piyananda Thera ghi
lại trong sách Love in Buddhism, phần trích điện tử có ở link: http://www.sinc.sunysb.edu/Clubs/buddhism/story/angulimala.html).
Bài này sẽ trình bày về hai pháp hộ quốc an dân này.
Nơi đây,
chúng ta sẽ dịch lại Kinh Châu Báu, có ghi rõ duyên sự, dựa vào bản Anh
ngữ của đại sư Piyadassi, đồng thời tham khảo bản Anh ngữ của đại sư
Thanissaro, và bản Việt ngữ của Hòa Thượng Thích Minh Châu.
Trưởng Lão
Piyadassi Thera sinh năm 1914 tại Colombo, Sri Lanka, xuất gia năm 1934,
tốt nghiệp Đại Học Nalanda và Đại Học Sri Lanka, từng là nghiên cứu sinh ở
Harvard University, Hoa Kỳ. Ngài đã đại diện cho quốc gia Sri Lanka trong
nhiều hội nghị tôn giáo quốc tế. Tác giả khoảng 60 cúôn sách viết bằng
tiếng Sinhala và tiếng Anh. Ngài viên tịch năm 1998 tại Colombo.
Đại Sư
Thanissaro, sinh năm 1949, thế danh Geoffrey DeGraff, sinh trưởng tại New
York và Virginia, là một vị sư gốc Mỹ tu theo hệ thống Lâm Truyền Thái Lan.
Rời Oberlin College năm 1971 với văn bằng Lịch Sử Trí Thức Aâu Châu, du
lịch tới Thái Lan, học thiền định nơi đây với sư Ajaan Fuang Jotiko, và
ngài xuất gia năm 1976 tại Chùa Wat Dhammasathit, Thái Lan. Năm 1991, sư
về Mỹ, giúp xây tu viện Metta Forest Monastery ở San Diego, Nam Calif., và
được cử làm Viện Trưởng nơi này năm 1993. Ngài đã viết nhiều sách về Phật
Giáo.
Bản của ngài
Piyadassi có ghi các số thứ tự từng đọan, nhưng bản của ngài Thanissaro
không ghi số. Bản của Thầy Minh Châu lại ghi số theo thứ tự khác của Tiểu
Bộ. Nơi đây, bản Việt dịch sẽ theo sát bản của ngài Piyadassi.
(Bắt đầu
phần dịch như sau. Ngài Piyadassi viết.)
Trường hợp kinh này, nói ngắn gọn, theo bản chú giải, là như sau: Thành
phố Vesali gặp nạn đói, làm chết nhiều người, đặc biệt là dân nghèo. Vì
xác chết nằm hư rã nhiều, nên các chúng sinh ác phi nhân bắt đầu tới ám
thành phố; theo sau đó là dịch bệnh. Bị khủng hỏang bởi ba nỗi sợ về đói,
phi nhân và dịch bệnh, dân chúng tới tìm xin giúp đỡ từ Đức Phật, lúc đó
Ngài đang ngụ ở Rajagaha.
Dẫn theo một đòan đông chư Tăng, trong đó có Ngài Ananda, vị đệ tử thị giả,
Đức Phật tới thành Vesali. Nhờ uy lực khi Phật tới, các trận mưa lũ đổ
xuống và cuốn trôi các xác chết hư thối. Không khí thanh lành, thành phố
sạch sẽ trở lại.
Rồi Đức Phật giảng bài Kinh Châu Báu (Anh: Jewel Discourse; Pali: Ratana
Sutta) cho ngài Ananda, và chỉ dẫn ngài rằng hãy đi một vòng quanh thành
phố cùng với dân chúng Licchavi và đọc tụng bài kinh này làm pháp bảo vệ
cho dân thành Vesali. Đại Sư Ananda theo lời dạy, và rải nước đã được
thanh tịnh hóa từ chính bình bát của Đức Phật. Nhờ đó, các chúng sinh ác
phi nhân được thanh tẩy, dịch bệnh hạ xuống. Sau đó, ngài Ananda cùng dân
chúng Vesali trở về hội trường, nơi Đức Phật và các đệ tử đang chờ đợi.
Rồi Đức Phật đọc cùng bản Kinh Châu Báu đó cho đại chúng:
1. Bất cứ chúng sinh phi nhân nào nhóm họp nơi đây, dù trên mặt đất
hay ở cõi trời, xin cho tất cả quý vị được hạnh phúc, và hãy chăm chú lắng
nghe những lời ta nói sau đây.
2. Hỡi các chúng sinh phi nhân, hãy lắng nghe kỹ đây. Tất cả quý vị
hãy khởi lòng từ mẫn với lòai người; ngày và đêm, họ đều cúng dường [và
hồi hướng tới] quý vị, do vậy hãy cẩn trọng bảo vệ cho họ.
3. Bất cứ tài sản nào, trong đời này hay đời sau, bất cứ châu báu
nào có trên các cõi trời, cũng không có gì so sánh được với Như Lai. Đây
cũng là một châu báu cực diệu trong Đức Phật. Với sự thật này được tuyên
thuyết, xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
4. Rằng tịch diệt, rằng ly tham, rằng Bất tử [Niết Bàn] tối thượng –
Đức Thích Ca Mâu Ni đã chứng đạt các pháp đó. Không có gì so sánh được với
Pháp này. Đây cũng là một châu báu cực diệu trong Chánh Pháp. Với sự thật
này được tuyên thuyết, xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
5. Đức Phật tối thắng đã ca ngợi con đường thanh tịnh [Bát Chánh Đạo],
gọi đó là con đường thẳng tới chánh định. Không có gì so sánh được với
chánh định này. Đây cũng là một châu báu cực diệu trong Chánh Pháp. Với sự
thật này được tuyên thuyết, xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
6. Tám vị, tức bốn cặp, được tán thán bởi các bậc thiện tri thức. Họ
là đệ tử của Đức Phật và xứng đáng được cúng dường. Phẩm vật cúng dường
các vị đó sẽ có quả lành lớn. Đây cũng là một châu báu cực diệu trong Tăng
chúng. Với sự thật này được tuyên thuyết, xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
7. Với tâm kiên định, thuận theo lời dạy của Đức Phật, xa lìa hư
vọng, họ đã thành tựu những gì cần được thành tựu, thể nhập Bất Tử, vui
hưởng Niết Bàn Giải Thóat. Đây cũng là một châu báu cực diệu trong Tăng
chúng. Với sự thật này được tuyên thuyết, xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
8. Cũng như cột trụ cắm sâu trong lòng đất, không dao động trứơc gió
tứ phương, đó là các bậc thiện đã thâm nhập được các Thánh Đế. Đó là lời
ta nói với quý vị. Đây cũng là một châu báu cực diệu trong Tăng chúng. Với
sự thật này được tuyên thuyết, xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
9. Những vị đã thâm nhập được các Thánh Đế khéo giảng bởi Đức Phật
trí tuệ thâm sâu, dù cho sau này có bị phóng dật sơ sẩy, cũng sẽ không tái
sanh tới lần thứ tám (ghi chú: Sơ thánh quả chỉ tái sinh bảy lần thôi).
Đây cũng là một châu báu cực diệu trong Tăng chúng. Với sự thật này được
tuyên thuyết, xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
10. Khi đạt được chánh kiến, vị ấy từ bỏ được ba pháp: chấp ngã (thân
kiến), nghi hoặc, giới cấm thủ. Vị ấy cũng hòan tòan thóat được bốn đọa xứ
(ghi chú: khỏi sinh vào cõi thú, quỷ đói, a tu la, địa ngục), và không có
thể phạm vào sáu tội đại ác (ghi chú: giết mẹ, giết cha, giết a la hán,
làm Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng, quy y Tà Sư). Đây cũng là một châu
báu cực diệu trong Tăng chúng. Với sự thật này được tuyên thuyết, xin
nguyện cho an lành hạnh phúc.
11. Bất kỳ điều ác nào vị ấy còn có thể phạm bằng việc làm, lời nói
hay suy nghĩ, vị ấy không có thể che giấu nữa. Vì che giấu như thế không
thể xảy ra với người đã thấy được Chánh Đạo. Đây cũng là một châu báu cực
diệu trong Tăng chúng. Với sự thật này được tuyên thuyết, xin nguyện cho
an lành hạnh phúc.
12. Như vườn cây rừng, với hoa nở đầu ngọn, đó là Pháp tối thắng do
Đức Phật dạy để đưa tới Niết Bàn, an lạc tối thượng. Đây cũng là một châu
báu cực diệu trong Đức Phật. Với sự thật này được tuyên thuyết, xin nguyện
cho an lành hạnh phúc.
13. Đức Phật là Đấng Tối Thắng, Tòan Giác [về Niết Bàn], Ban Phát Bậc
Nhất [trao cho Niết Bàn], Mang Tới Bậc Nhất [Thánh Đế] , đã dạy Chánh Pháp
bậc nhất. Đây cũng là một châu báu cực diệu trong Đức Phật. Với sự thật
này được tuyên thuyết, xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
14. Nghiệp cũ đã đọan tận, nghiệp mới không khởi dậy nữa, tâm các vị
ấy không dính mắc vào tái sinh tương lai. Chủng tử tái sinh đã chết, các
vị ấy không còn muốn trở lại đời này. Các vị ấy đã nhập diệt y hệt như
ngọn đèn này phụt tắt. Đây cũng là một châu báu cực diệu trong Tăng chúng.
Với sự thật này được tuyên thuyết, xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
15. Bất cứ chúng sinh phi nhân nào nhóm họp nơi đây, dù trên mặt đất
hay ở cõi trời, chúng ta hãy đảnh lễ Đức Phật, đã như thực tới đây, được
tôn kính bởi trời, người. Xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
16. Bất cứ chúng sinh phi nhân nào nhóm họp nơi đây, dù trên mặt đất
hay ở cõi trời, chúng ta hãy đảnh lễ Chánh Pháp, đã như thực tới đây, được
tôn kính bởi trời, người. Xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
17. Bất cứ chúng sinh phi nhân nào nhóm họp nơi đây, dù trên mặt đất
hay ở cõi trời, chúng ta hãy đảnh lễ chúng Tăng, đã như thực tới đây, được
tôn kính bởi trời, người. Xin nguyện cho an lành hạnh phúc.
(Hết phần
dịch)
Điều đặc
biệt là trong bản của Ngài Piyadassi có ghi chú rằng ba đọan cuối bài kinh,
tức các đọan ghi số 15, 16 và 17, là phần đọc tụng bởi Sakka, vị vua cõi
trời. Bản của Ngài Thanissaro và Ngài Minh Châu không có ghi chú đó. Điều
đặc biệt nữa, bản kinh trên cho thấy là Ngài Ananda và dân chúng phải đi
một vòng quanh thành phố, nơi đang bị tai họa, đọc tụng trong khi Ngài
Ananda rải nứơc thanh tịnh lấy từ bình bát Phật. Có lẽ, đây là khởi đầu
cho các pháp cầu an sau này của các chùa.
Một trường
hợp khác cũng cho thấy uy lực của sức chú nguyện, hay hồi hướng công đức.
Đó là khi Ngài Angulimala được Đức Phật chỉ dạy về lời chú nguyện để cứu
một sản phụ. Ngài Angulimala là kẻ đã giết 999 người để xâu ngón tay làm
tràng hoa, và đã rượt theo Đức Phật để tìm giết người thứ 1,000 cho đủ số
thì được Đức Phật cảm hóa và cho theo thọ học giáo pháp. Tòan văn ghi rõ
trong Trung Bộ Kinh, Angulimala Sutta, kinh thứ 86.
Nơi đây sẽ
trích dịch từ bản văn của Ngài Walpola Piyananda Thera như sau.
(Bắt đầu
dịch)
Ngài Angulimala không an tâm, bởi vì ngay cả khi thiền định đơn độc ngài
vẫn thường nhớ tới quá khứ và những tiếng kêu khóc thảm thương của các nạn
nhân của ngài. Vì ảnh hưởng nghiệp dữ của ngài, trong khi đi khất thực
trên đường ngài vẫn cứ trở thành mục tiêu cho dân chúng chọi đá và đánh
gậy, và rồi ngài trở về tu viện Jetavana với đầu thương tích, máu chảy,
mình đầy vết cắt, vết bầm, và được Phật nhắc nhở: “Con ta, Angulimala. Con
đã xa lìa các ác pháp rồi. Hãy kiên nhẫn. Đây là ảnh hưởng các ác pháp con
đã làm trong kiếp này. Nghiệp dữ của con lý ra sẽ làm con đau khổ xuyên
qua vô lượng kiếp, nếu ta không gặp con.”
Một buổi sáng, trong khi đi khất thực tại Savatthi, ngài Angulimala nghe
có người khóc đau đớn. Tới gần, ngài thấy một sản phụ đang lên cơn đau sản
nạn, và gặp trở ngại khi sinh nở, thì ngài mới phản ánh rằng tất cả chúng
sinh đều chịu khổ cả. Xúc động vì lòng từ bi, ngài tới gặp Đức Phật và kể
về cơn đau của phụ nữ tội nghiệp kia. Đức Phật mới khuyên ngài đọc tụng
các lời sự thực sau đây, và sau này các lời này được gọi là Angulimala
Paritta (Hộ Kinh Angulimala). Tới trứơc người phụ nữ đang đau đớn kia,
ngài ngồi trên một chỗ cách biệt sản phụ bởi một bức màn, và nói lên những
lời sau này:
“Chị ơi, từ ngày tôi trở thành một a la hán,
Tôi đã không cố ý hủy diệt
Sinh mạng của bất kỳ chúng sinh nào.
Với sự thật này, xin nguyện cho chị an lành,
Và xin nguyện cho em bé chưa sanh của chị an lành.”
Ngay tức khắc, sản phụ sinh ra bé sơ sinh dễ dàng. Cả mẹ và con đều an
lành và khỏe mạnh. Ngay cho tới bây giờ, nhiều vị vẫn còn đọc hộ kinh này,
như tụng đọc thần chú.
Ngài Angulimala ưa thích sống trong đơn độc và ẩn dật. Về sau, ngài viên
tịch bình an. Là một bậc a la hán, ngài đã thể nhập đại bát niết bàn.
(Hết phần
dịch)
Cũng cần ghi
nhận, rằng bản dịch của ngài Piyadassi có hơi khác nghĩa ở câu đầu bản hộ
kinh trên do ngài Walpola Piyananda dịch, khi nói chỉ cần gia nhập Tăng
chúng thôi, chứ chưa cần chứng quả a la hán. Bản của ngài Piyadassi lưu
truyền trong cuốn The Book of Protection do dòng Lâm Truyền Thái Lan phổ
biến, dịch như sau:
“Từ ngày tôi sinh vào dòng thánh
(ghi chú: gia nhập Tăng Đòan),
Chị ơi, tôi đã không cố ý hủy diệt
Sinh mạng của bất kỳ chúng sinh nào.
Với sự thật này, xin nguyện cho chị an lành,
Và xin nguyện cho em bé chưa sanh của chị an lành.”
(Hết phần dịch)
Đó là hai
bài kinh hộ quốc an dân thường dùng ở Phật Giáo Nam Tông. Điều chúng ta có
thể ghi nhận rằng trong khi bản Kinh Châu Báu nêu lên cách tiếp cận và
truyền thông với chư vị phi nhân, nhưng căn bản vẫn nơi người đọc tụng
trứơc hết là phải có chánh tín và chánh kiến (quy y Tam Bảo, không quy y
Tà Sư), có tâm từ bi (cúng dường và hồi hứơng tới chúng sinh các cõi), ca
ngợi chánh pháp (Tứ Thánh Đế)…
Trong khi đó,
bản kinh của ngài Angulimala chủ yếu dựa vào uy lực giữ giới sát của một
vị sư để hồi hướng cứu sản phụ.
Qua hai bản
kinh này, chúng ta có thể tin tưởng rằng, nếu tất cả Tăng Ni Phật Tử cùng
giữ được chánh tín, chánh kiến, và giới đức thì tất nhiên là hộ quốc an
dân dễ dàng.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/cacphap_hoquoc_andan.htm