- PHẬT HỌC CĂN BẢN
- Thạc Sĩ Đông Nam Á Học
Tôn Giáo thường thức
Trên thế giới chỉ có ba tôn giáo
có lịch sử lâu đời và có tính toàn cầu là.
Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ
Cơ Đốc giáo bắt đầu từ Trung
Đông
Hồi giáo
Hồi giáo và Cơ Đốc giáo (Thiên
Chúa giáo và Tin Lành) điều bắt nguồn từ Do Thái giáo, Do Thái giáo cho
đến tận bây giờ vẫn là Tôn giáo mang tính dân tộc. Các nước phương
đông như Trung Quốc, Ấn Độ cũng có tôn giáo mang tính dân tộc, như đạo
giáo của Trung Quốc, hay như chỉ có người Ấn Độ tin theo như Bà la môn
giáo và Ấn giáo của Ấn Độ.
Đạo giáo của Trung Quốc chia làm
hai hệ thống. Hệ thống triết học có Lão tử và Trang tử được gọi
đạo gia. Hệ thống đạo thuật có hai phái là phái kim đơn và phái phù
chú. Phái kim đơn là chuyên luyện đơn và luyện khí, gồm có nội đơn và
ngoại đơn. Nội đơn là luyện khí công, ngoại đơn là luyện kim thuật,
tức là đem kim thuậc luyện thành đơn dược. Họ tin rằng khi uống những
kim đơn đó có thể mọc cánh bay lên trời, hay được sống lâu bất tử.
Phái phù chú tức là dùng phương pháp luyện bùa chú để sai khiến quỷ
thần, lấy sức mạnh của ma quỷ để giải việc của con người và được
gọi là đạo giáo. Đạo giáo của Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa trở
thành tôn giáo của thế giới, nhưng trên phương diện học thuật toàn cầu
thì có tư tưởng đạo gia.
Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ
vào hơn hai ngàn năm trăm năm (2500) trước. Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập
diệt gần hai trăm năm mươi năm (250) thì trở thành tôn giáo mang tính thế
giới, do công của A Dục Vương đã lập những đoàn truyền giáo mang giáo
lý Phật Đà truyền sang Á Châu, thậm chí cả Châu Âu.
Tôn giáo ở phương Đông thì Phật
giáo là tôn giáo đầu tiên trở thành tôn giáo mang tính thế giới.
Tôn giáo mang tính thế giới cao cấp
cần hội đủ ba điều kiện: giáo lý, giáo chủ, giáo đoàn. Như Phật giáo
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ, những kinh điển Phật nói là
giáo lý, Tăng đoàn đệ tử của Phật được truyền thừa từ đời này
sang đời khác gọi là giáo đoàn. Cơ Đốc giáo, giáo chủ là Đức Chúa
Giê Su, thánh kinh là giáo lý, môn đồ và tín đồ là giáo đoàn. Hồi
giáo Mô-ha-mét là giáo chủ, thánh kinh Cô Ran là giáo lý, tín đồ là giáo
đoàn.
Trong lịch sử lâu dài của tôn
giáo không biết bao lần thịnh suy có thể nói từ khi có con người thì
nhu cầu và hiện tượng tôn giáo trong xã hội loài người cũng đồng thời
phát sanh. Có tôn giáo mang tính khu vực, có tôn giáo mang tính dân tộc hay
bộ lạc. Cũng lại có tôn giáo mang tính thời đại. Tất cả các tôn
giáo này điều bắt nguồn từ kinh nghiệm siêu hình của những cảm ứng
đối với ma quỷ. Trong xã hội cổ đại phương tây đều cho đó là ma quỷ
và không cho phép được truyền bá. Còn ở phương đông thì thường được
nguỵ xưng là Phật giáo. Thật ra đó là những tôn giáo mà theo quan điểm
chánh thống của Phật giáo gọi đó là ngoại đạo tà giáo. Những tôn
giáo này thường không có căn bản lý thuyết và chế độ tổ chức chu đáo
nên thường hình thành rồi tan biến liên tục trong lịch sử xã hội loài
người.
Trong thời đại mở cửa, đa nguyên
của xã hội ngày nay càng có nghiều tôn giáo mới ra đời như măng mọc
sau cơn mưa, như các nước Âu Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Công, ngay cả
đến những nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam cũng có nhiều
tôn giáo mới ra đời, có mấy chục, đến mấy trăm, rồi trăm nghìn cho
đến cả hàng trăm triệu người theo, nhưng các tôn giáo này điều gặp một
hiện tượng là sẽ suy yếu và tan biến ngay sau khi vị sáng lập qua đời,
sức hấp dẫn của người đó không còn tồn tại nữa.
Lịch sử phát triển của Phật
giáo
Phật giáo phát sinh từ Ấn Độ
Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ.
Phật giáo Ấn Độ phát triển qua ba thời kỳ.
Thời Phật còn tại thế và sau khi
diệt độ khoảng hai trăm (200) năm
Thời kỳ này gọi là thời kỳ
nguyên thuỷ của Phật giáo, đây là thời kỳ thuần nhất của Phật
giáo. Đức Phật phản đối việc cúng bái mê tín, phản đối việc sùng
bái ngẫu tượng, Ngài không chủ trương việc thần thánh hoá cá nhân mà
chỉ dạy mọi người thực hiện theo giáo pháp và tuân giữ giới luật.
Ngài thường dạy các đệ tử, ta không phải là người lãnh đạo, ta chỉ
là một thành viên trong tăng đoàn mà thôi. Đức Phật dùng những quan niệm
và phương pháp bình đẳng, thiết thực để giúp đỡ chúng sanh thoát khỏi
những khổ não của thân tâm. Đối tượng của kinh luật là con người, mục
đích của kinh Phật là cứu độ con người.
Thời kỳ sau Phật diệt độ khoảng
bốn trăm (400) năm
Tư tưởng Phật giáo dần dần có
sự biến đổi và mang tính khu vực. Ở Ấn Độ do khí hậu, ngôn ngữ và
dân tộc khác nhau nên quá trình truyền bá của Phật giáo trên phương diện
hình thái và tư tưởng cũng có nhiều thay đổi. Mỗi một vị thầy khi
truyền bá ở mỗi khu vực khác nhau, vì để thích ứng với nhu cầu của
đại chúng cùng xã hội đương thời nên sinh ra những khác biệt trên phương
diện hình thức cùng tư tưởng nên thời kỳ này còn gọi là thời kỳ bộ
phái Phật giáo. Thời kỳ bộ phái Phật giáo chú trọng nhiều đến việc
chỉnh lý, lý luận và biện minh của quan niệm có xu hướng coi trọng việc
giải thoát của cá nhân. Do vậy mà sau này xu hướng Đại thừa gọi bộ
phái Phật giáo này là Tiểu thừa. Nhưng bộ phái Phật giáo có hai bộ phận
lớn là.
Thượng toạ bộ nhiều tư tưởng
bảo thủ
Đại chúng bộ nhiều tư tưởng cởi
mở hơn
Theo quan điểm của Tiểu thừa là
cổ xe nhỏ chú trọng nhiều đến tư tưởng tự độ hơn độ tha. Ngày
nay không nên dùng danh từ này mà nên gọi là Nam truyền hay Nam Tông.
Đại thừa Phật giáo (theo cách gọi
trước đây) hình thành sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn từ năm trăm
(500) đến một ngàn (1000) năm. Đề xướng tinh thần Bồ-tát-đạo vì lợi
ích của quản đại chúng sanh, vì thành tựu Phật đạo phát Bồ-đề-tâm.
Đại bồ đề tâm là tâm nguyện "Nguyện độ chúng sanh đồng ly khổ
nạn, không vì sự an lạc của tự thân" đó chính là tinh thần
"vì mọi người". Đại thừa Phật giáo (nay nên gọi là Bắc
tông, hay Bắc truyền) ở Ấn Độ chia thành ba phái là.
Y cứ tư tưởng Bát Nhã gọi là
Trung Quán học phái
Y cứ tư tưởng Duy thức gọi là
Du Già học phái
Y cứ tư tưởng Duy tâm gọi là Như
Lai Tạng học phái
Ba học phái này quy thành hai phái
chính là:
Tư tưởng tánh không gọi là phái
Trung Quán
Tư tưởng hữu, có Duy thức và Duy
tâm, Duy thức là Du Già phái, còn Duy tâm là Như Lai Tạng phái
Phật giáo từ Ấn Độ truyền lên
phương bắc
Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang
phương bắc chia làm hai hệ thống đó là: vùng văn hoá dân tộc Hán ở
Trung Nguyên Trung Quốc và vùng văn hoá dân tộc Tây Tạng, Mông Cổ vùng
biên cương Trung Quốc. Phật giáo truyền đến Trung Quốc vào khoảng năm sáu
trăm mười bảy (617) tây lịch. Do hai vị Tăng Ấn Độ là Ca Diếp Ma Đà
và Trúc Pháp Lan dùng ngựa trắng chở kinh đến Lạc Dương. Bộ kinh đầu
tiên được dịch sang hán văn là bộ kinh "Tứ Thập Nhị Chương".
Kinh điển chữ hán trải qua quá trình phiên dịch trước tác hơn một ngàn
năm đã hình thành nên Phật giáo của người Hán Trung Quốc. Rồi từ đó
Phật giáo Trung Quốc truyền sang các nước lân cận, đầu tiên hết là
Hàn Quốc, rồi từ Hàn Quốc truyền sang Nhật Bản, người Nhật sau khi
được Phật giáo truyền từ Hàn Quốc sang đã phái nhiều Du học sinh sang
Trung Quốc học đạo cầu pháp. Từ thời Tuỳ Đường cho đến Tống Minh.
Nhật Bản là nơi duy nhất đã có đủ tất cả tông phái của Trung Quốc
truyền sang. Trung Quốc trong thời kỳ pháp nạn, "Tam Vũ Nhất Tông"
nhiều kinh điển sau đó đã không còn nhưng đã được Phật giáo Nhât Bản
giữ gìn nguyên vẹn, đây là công đức không nhỏ. Ngoài Hàn Quốc, Nhật
Bản và Phật giáo Đại thừa Trung Quốc còn được truyền sang Việt Nam.
Phật giáo Trung Quốc có mười tông
phái gồm cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Tiểu thừa có hai tông phái:
Câu xá và Thành Thật tông. Sau này Câu xá tông xác nhập vào Duy thức
tông. Thành Thật tông nhập vào Tam Luận tông, nên chỉ còn lại là tám
tông phái Đại Thừa là Thiên Thai tông, Tam Luận tông, Hoa Nghiêm tông, Luật
tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, Thiền tông và Pháp Tướng tông. Trong tám
tông phái này cho đến nay chỉ có Thiền và Tịnh Độ tông là phát triển
mạnh nhất. Trên thực tế đa phần các chùa ở Trung Quốc điều thuộc
Thiền tông, nhưng chỉ tu Thiền thôi mà không niệm Phật thời rất ít. Do
đó đã hình thành nên pháp môn Thiền Tịnh song tu.
Thiên Thai tông, Duy thức tông, Hoa
Nghiêm tông chuyên về nghiên cứu học vấn chùa viện và đồ chúng rất
ít. Tất cả những người xuất gia điều phải thọ giới, nhưng hiện nay
không có quy định là chỉ có chùa thuộc Luật tông mới được phép truyền
giới. Những vị xuất gia chỉ chuyên trì luật và học luật còn rất ít.
Trước năm 1949 ở Trung Quốc Đại Lục chùa thuộc Luật tông không còn
nhiều chỉ có vài chùa mà thôi.
Mật tông truyền vào Trung Quốc
vào đời nhà Đường, sau đó từ Trung Quốc truyền sang Nhật và từ đó
về sau Mật tông không còn có ở Trung Quốc nữa. Người Trung Quốc vì sao
không thích Mật tông? Có thể là do ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia cho
những quan niệm chú lực, thần lực gia trì trong Mật tông là những hiện
tượng dị thường nên trong khu vực văn hoá Hán ngữ Trung Quốc Mật tông
không thể thịnh hành được.
Đến thế kỷ thứ 7 một đợt
truyền bá nữa của Phật giáo Đạt thừa từ Ấn Độ truyền sang phương
bắc, đầu tiên hết truyền đến Tây Tạng, sau đó truyền sang Mông Cổ.
Đây là Phật giáo thuộc khu vực văn hoá Tạng Mông. Vào thời kỳ đó Mật
tông đang rất thịnh hành ở Ấn Độ, sau khi truyền vào Tây Tạng từ từ
đã phù hợp với nhu cầu của người dân Tây Tạng đồng thời kết hợp
với Tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc vùng núi Tây Tạng hình thành nên
Mật tông Tây Tạng ngày nay. Mật tông vốn là một nhánh của hệ thống
Phật giáo Duy tâm ở Ấn Độ.
Phật giáo từ Ấn Độ truyền xuống
phương nam
Năm hai trăm bốn mươi (240) trước
Tây lịch Phật giáo từ Ấn Độ truyền xuống phía nam như Tích Lan, Miến
Điện, Thái Lan, một số nước Đông Nam Á khác như Lào, Cam Pu Chia, Việt
Nam. Phật giáo truyền xuống phương nam thuộc Thượng Toạ Bộ. Vì các nước
này vốn không có Tôn giáo cao cấp khác, cũng không có tư tưởng văn hoá
triết học lớn, nên khi Phật giáo truyền đến thời không có sự thay đổi
lớn, nên mang đậm nét màu sắc Nguyên thuỷ của Phật giáo hơn.
Phật giáo truyền sang Âu Mỹ và khắp
thế giới
Phật giáo đầu tiên được truyền
sang Âu Mỹ là hệ thống Phật giáo Nam truyền do các giáo sĩ và học giả
phương tây đã theo chân các thế lực chính trị đến các vùng đất thuộc
địa ở Tây Nam Á và Đông Nam Á, họ tiếp xúc với Phật giáo ở các nơi
đó và đem kinh điển Phật giáo dịch sang tiếng các nước Âu Mỹ như công
trình phiên dịch "Thế giới Phật giáo Thánh Điển" dịch từ kinh
điển tiếng Pali của Nam Truyền.
Thứ đến là Thiền của Phật
Giáo Nhật Bản được truyền sang Âu Mỹ. Phật giáo của Nhật Bản cũng
có nhiều tông phái, trong đó Tịnh Độ Chân tông và Nhựt Liên Tông đã
trở thành Tôn giáo riêng của Nhật Bản, duy chỉ có Thiền tông của Nhật
Bản vẫn còn giữ được phong cách của Phật giáo truyền từ Trung Quốc
sang. Do vậy người Âu Mỹ đã tiếp nhận Thiền của Nhật Bản. Người có
công lao truyền bá Thiền của Phật giáo Nhật Bản là Thiền Sư Suyuki lúc
đầu Thiền Sư Suyuki đã giảng về Thiền ở trường Đại học Co Lum Bia,
sau đó tư tưởng Thiền của Ngài đã được truyền bá ở Mỹ và Âu
Châu. Dần Dần đã có nhiều vị Thiền Sư Nhật Bản khác đến thành phố
San-phan-xi-cô rồi đến miền Đông và hiện nay đã truyền đến miền
Trung và Tây nước Mỹ cũng như một số nước ở Âu Châu.
Thứ ba là Phật giáo Mật tông Tây
Tạng theo làn sóng di dân tị nạn của dân Tây Tạng sang Ấn Độ. Lúc đó
Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa theo mấy chục nghìn vị Lạt Ma trẻ tuổi đã
được giáo dục và đào tạo rất quy củ từ nội điển, pháp tu đến
ngoại ngữ, sau đó các vị này đã cùng dân Tây Tạng đến khắp các nước
trên thế giới. Những vị Lạt Ma này có năng lực thích ứng và khả năng
truyền đạt rất lớn vì họ được đào tạo rất kỷ càng và có hệ thống
từ thấp đến cao, cả nội điển, ngoại điển l?n pháp tu. Rồi cùng với
ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma họ đã xây dựng nên những Trung
tâm Phật giáo Tây Tạng rất lớn trên khắp các nước Âu Mỹ và đem Phật
giáo truyền bá mạnh mẽ khắp các nước Phương Tây.
Một hệ thống truyền bá Phật
giáo ở Phương Tây nữa cũng phải đề cập đến là Phật giáo Việt Nam,
sau năm 1975 cho đến nay cũng đã có mặt ở hầu khắp các nước Âu Mỹ nơi
có cộng đồng người Việt Nam sinh sống.
Giáo nghĩa căn bản của Phật giáo
Phật giáo lấy Tam Bảo làm trung
tâm.
Tam Bảo chính là Phật, Pháp, Tăng.
Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni tu hành trải qua vô lượng kiếp sau thành Phật.
Ngài đem quá trình tu tập, phương pháp tu tập giảng dạy đó chính là
pháp. Nhưng Phật chỉ có một không thể độ hết quảng đại chúng sanh,
hơn nữa sau khi Phật nhập diệt người đời sau muốn học Phật pháp phải
nương dựa vào chư Tăng. Tăng có Thánh Tăng và phàm phu Tăng. Những vị xuất
gia tu chứng đắc từ sơ quả trong Tứ Thánh trở lên và những bật chứng
đắc từ sơ địa Bồ-tát trở lên gọi là Thánh Tăng. Những vị xuất
gia bình thường là phàm phu Tăng. Trụ trì Phật pháp chủ yếu là phàm phu
Tăng. Thánh Tăng xuất hiện trong phàm phu Tăng, dùng thân tướng phàm phu Tăng
để tiếp cận và hoá đạo phàm nhân. Cho nên những bậc được tôn xưng
là Bồ-tát, Phật hay Thánh Tăng trong lịch sử nhân vật của Phật giáo
điều do người đời sau, hay chúng đệ tử tôn xưng họ chứ không phải
những vị ấy tự tôn xưng mình là Phật, là Bồ-tát, hay là Thánh Tăng.
Như ở Ấn Độ các ngài Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân điều
được người đời sau gọi là Bồ-tát, hay như ở Trung Quốc ngài Trí Giả
Đại Sư tông Thiên Thai, người đời sau gọi Ngài là Đông Độ Tiểu Thích
Ca, nhưng Ngài vẫn nói Ngài là người phàm phu lục căn chưa thanh tịnh.
Hay Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ được người sau gọi là Di Đà tái thế,
vì Ngài sinh vào ngày 17 tháng 11, nhưng Ngài chưa từng nói mình là Phật Di
Đà. Trong Phật giáo những vị tự xưng mình là Thánh Nhân, là Phật thì
chắc chắn rằng người này đang có vấn đề.
Phật giáo lấy Tứ Thánh Đế làm
căn bản
Tứ Thánh Đế là sự thật của khổ,
nguyên nhân của khổ, phương pháp diệt khổ và kết quả đạt được sau
khi đã diệt trừ được khổ. Cuộc sống của con người từ khi sinh ra đến
lúc chết, có khổ có vui, nhưng vui chỉ là sự trả giá của khổ đau
cũng chính là sự bắt đầu của khổ. Cái gọi là "khổ tận cam
lai", "lương tiêu khổ đoạn" là nói rõ bản chất của vui là
từ khổ đau cả, là lấy khổ đau để đánh đổi niềm vui, vui ở đời
không gì là vĩnh cữu cả. Đạo Phật gọi đó là hoại khổ, còn sanh lão
bệnh tử là khổ khổ. Sự thật của đời người là kết quả của khổ
đau. Khổ có nhiều loại. Khổ khổ có tám là sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt
ly, cầu bất đắc, oán tắn hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Ngũ ấm
xí thạnh là sự hổ tương giao bức giữa thân với tâm, nên có sự liên
tục của sanh tử.
Tập là nguyên nhân của khổ vì
không hiểu vạn pháp là do duyên giả hợp nên ghét khổ ham vui, cầu được
vui rồi thì lại cầu an toàn nhưng vĩnh viễn không cảm thấy an toàn đó
chính là cầu mãi không chán. Mê muội cho rằng tiền là tất cả nên
"vùi đầu vùi cổ" lo kiến tiền. Có tiền rồi thì không dám
sài, làm nô lệ cho đồng tiền, còn không tiền thì lo đi kiếm… Tất cả
điều là nguyên nhân của khổ đau. Đời này vì ghét khổ cầu vui mà tạo
bao ác nghiệp như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ. Các nghiệp do
duyên kết hợp mà sinh bao quả báo. Thiện có thiện báo, ác có ác báo tất
cả đều là nguyên nhân của khổ đau.
Phương pháp căn bản của diệt khổ
là Bát Chánh Đạo. Muốn diệt khổ cần tu chánh đạo, muốn tu được chánh
đạo thì phải có chánh tri kiến, tin tưởng sâu sắc rằng tất cả hiện
tượng ở đời đều sanh ra từ lý nhân quả, tư duy rằng tất cả vạn
pháp trên thế gian này đều do nhân duyên tụ hội mà thành. Nếu hiểu và
tin tưởng vào nhân quả thì không tham và không trốn tránh trách nhiệm vì
biết rằng muốn lìa khổ được vui điều quan trọng là phải dựa vào sự
nổ lực của tự thân. Nếu hiểu rõ vạn pháp ở đời đều do duyên sanh
nên vô thường thì thắng không kiêu, bại không nản, thành công là do nhiều
người giúp sức và do các duyên tụ hội. Hơn nữa việc đã thành tựu rồi
cũng sẽ đổi thay theo thời tiết nhân duyên. Tóm lại tin nhân quả, rõ
nhân duyên chính là chánh tri, chánh kiến và chánh tư duy vậy. Sau khi đã
có chánh tri, chánh kiến rồi cần phải tu hành chính xác nữa. Một là có
nghề nghiệp chánh đáng không làm những nghề liên hệ đến sát sinh, trộm
cắp, tà dâm, vọng ngữ và rượu cùng các chất gây nghiện. Cần có lối
sống chánh đáng không mê tham trong ăn chơi, cờ bạc, hút sách. Lại cần
có ngôn ngữ hành vi chánh đáng không nói dối, không nói hai lưỡi, không
nói lời ác và không nói thêm thắt. Ngoài ra còn cần tinh tấn trì giới,
tin tấn tu tập và thiền định cùng nổ lực cần cầu trí tuệ. Sống
theo tinh thần Bồ-tát hạnh làm việc lợi mình lợi người. Giữ gìn giới
luật, tu tập thiền định giữ cho thân tâm luôn trong trạng thái quân
bình thì tín tâm mới kiên cố, nổ lực tụng kinh bái sám, nghe pháp rồi
như pháp tu trì thì sẽ khai phát trí tuệ, có được trí tuệ thì sẽ diệt
được khổ đau.
Kết quả của sự diệt khổ là giải
thoát được hết thảy phiền não buộc ràng, lìa được sinh tử luân hồi.
Ở trong đời thường làm việc lợi đời lợi đạo mà không bị phiền
não ràng buộc và chi phối chính là ở trong Đại Niết Bàn vậy.
Đặc điểm của Phật giáo
Hàm dung nhưng có lớp lang
Phật giáo lấy giáo pháp làm phương
tiện cứu tế, không phải lấy người hay thần làm pháp cứu tế. Đối với
hết thảy các pháp ở thế gian Phật pháp không hề biên chấp nên là
pháp vô ngã, từ bi và trí tuệ. Do vậy hết thảy các thiện pháp ở đời
đều là Phật pháp. Bất luận là kỷ thuật, tri thức, triết học hay tôn
giáo nếu có lợi ích cho cuộc sống, nhân tâm và xã hội Phật giáo đều
không bài xích nên Phật giáo hàm dung hết thảy mọi thiện pháp ở thế
gian.
Phật giáo phân thiện pháp thành năm
tầng thứ là Nhân, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát. Người là chỉ
cho việc hoàn mỹ đầy đủ nhân cách, làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ.
Đây là điều kiện cơ bản nhất, nếu trên điều kiện căn bản này biết
tu hành hạnh bố thí lợi tha nữa thì tốt đẹp vô cùng. Làm thiện chính
là "Cùng tắc độc thiện kỳ thân, Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ„.Độc
thiện là thiện pháp của Người, Kiêm thiện là thiện pháp của Trời. Đẩy
đủ tiêu chuẩn trời người lại biết tu tập trí tuệ và thiền định
thời sẽ đạt quả vị giải thoát Niết Bàn. Đó là tầng thứ của Thanh
Văn và Duyên Giác. Lấy thiện pháp của trời người làm nền tảng rồi
phát Bồ-đề-tâm nổ lực tin tấn không ngừng vì lợi ích của tha nhân,
không màng đáp trả chỉ vì chúng sanh mà cống hiến và phục vụ là tầng
bậc của địa vị Bồ-tát tự giác giác tha. Trên nền tảng của bốn tầng
thứ trên nếu đạt được cảnh giới không, vô tướng, vô nguyện thời
chính là Phật.
Chánh tín mà không mê tín
Đặc trưng của mê tín là sùng
bái một cách mê muội, không hợp tình hợp lý, như thật nhưng là giả,
chánh tà không phân.
Sùng bái một cách mê muội
Chính là người ta vậy nên mình cũng
vậy, nghe người nào đó có thần thông thì liền tin theo mà không hề suy
sét rỏ ràng. Như người xưa có nói: „Tìm lưu manh hơn cảnh sát" lưu
manh có lúc cũng giúp được ta điều gì đó nhưng di chứng khó lường.
Không hợp tình hợp lý
Là không hợp với định luật nhân
quả như tin tưởng rằng: „Lúa không nước trời không lớn, người không
hoành tài không giàu". Nên làm những nghề đầu cơ tích trữ, cho vay nặng
lãi kiếm tiền không phù hợp với lý nhân quả thời chắc rằng hậu quả
sẽ khó lường, có thể sẽ „thân bại danh liệt", „tán gia bại sản",
„cửa mất nhà tan". Lại như tin vào bùa chú, đồng cốt cầu phát
tài đánh đề trúng số nhưng của đến mau thì cũng đi mau. Hoặc tham ô,
móc ngoặc, hối lộ, hà hiếp lấy của dân, của nước đều là không hợp
tình, hợp lý. Bất luận là dựa vào sức mạnh của thần linh, sức mạnh
của ma quỷ, ô dù của con người đều không phù hợp với lý nhân quả
và là trạng thái của mê tín.
Như thật mà giả
Là chỉ tất cả mọi tôn giáo đều
có đạo lý riêng, như dựa vào sức mạnh của thần linh, hay sức mạnh của
sự gia trì, chỉ cần tin theo, làm theo thời sẽ linh sẽ nghiệm có thể
thành Phật, có thể lập tức khai ngộ hoặc sẽ trừ được bệnh, tiêu
được tai. Đưa ra những lý luận hoang đường, như thật như giả, không
hề nói rõ nguyên nhân. Những tôn giáo như thế cần thận trọng chớ vội
tin vì hậu hoạn khó lường.
Tà chánh bất phân
Là sự mê tín do quỷ thần tạo
ra, quỷ thần thường dựa đồng cốt để khuyên người, dụ người mới
nghe như thiện nhưng khi đã tin theo rồi thì: „thuận chi giả xương, nghịch
chi giả vong„ vừa uy hiếp vừa dẫn dụ để phải tin theo vì lo sợ và
phải thuần phục mãi nếu rời bỏ thì bản thân, gia đình hay sự nghiệp
sẽ gặp chướng nạn. Tiêu chuẩn thị phi của họ không giống với đời
thường, quan điểm nhân quả của họ thời mê mờ không rõ.
Chánh tín của Phật giáo là lấy
Phật, Pháp, Tăng làm đối tượng để tín ngưỡng. Tin Phật không có nghĩa
là sùng bái xác thân của Phật mà là tôn kính trí tuệ, từ bi và ân đức
mà Đức Phật đã dành cho chúng ta. Tin vào giáo pháp của Phật đà nếu
chúng ta thực hành theo thì sẽ đạt đến mục tiêu tự lợi lợi tha. Khi
Đức Thế Tôn nhập diệt chúng đệ tử bạch hỏi: „Sau khi Phật diệt
độ chúng con lấy ai làm Thầy" Phật dạy: „Chúng đệ tử lấy pháp
làm Thầy, lấy giới làm Thầy" . Dựa vào chánh pháp của Phật đã dạy
xây dựng tín tâm, như pháp tu hành thì đạt được giải thoát chứng Bồ-đề.
Tin vào giáo đoàn Tăng Ni đệ tử Phật được truyền thừa từ đời này
sang đời khác. Khi thọ giới thì Tăng đại diện cho Tam Bảo trụ trì Phật
pháp. Lấy Tam Bảo làm đối tượng tín ngưỡng không có nghĩa là thần
thánh hoá các vị xuất gia. Các vị xuất gia tuy chưa thành Phật, chưa chứng
ngộ nhưng lấy pháp làm Thầy, sống trong giới luật, cần tu định tuệ và
hướng dẫn quần chúng tu tập nên hình tướng xuất gia của quý vị là
biểu trưng cho sự thanh tịnh ly dục của Phật giáo chúng ta.
Chánh tín Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo
thiếu một không được. Nếu chỉ tin Phật mà không tin pháp, không tin Tăng
thì chẳng khác gì tin quỷ thần. Nếu chỉ tin pháp, không tin Phật, không
tin Tăng thì khác gì đãy đựng sách. Nếu chỉ tin Tăng, không tin Phật,
không tin pháp thì khác chi việc nhận cha mẹ nuôi. Phải tin đủ Phật Pháp
Tăng Tam Bảo thì mới là chánh tín Phật giáo.
Thần thánh mà không thần bí
Thần bí là cao vời vợi không với
tới được nhưng vẫn cảm nhận được uy lực của vị ấy có thể khống
chế mình ở mọi nơi nhưng không biết rõ được là họ đang ở đâu. Tuỳ
lúc mà họ có thể cho mình sự giúp đỡ nhưng không biết vì lý do gì,
có thể trừng phạt mình bất kỳ lúc nào nhưng tìm chẳng thấy họ đâu.
Thường biểu hiện những năng lực phi thường nhưng chưa chắc là có ích
cho chúng ta. Tất cả những biểu hiện này có thể là do con người dùng kỷ
xảo tạo ra, cũng có thể là do sự phản ứng không bình thường của tâm
lý chúng ta, cũng có cái do linh lực của quỷ thần.
Phật Pháp Tăng Tam Bảo là Thần
Thánh, vì Phật là người có trí tuệ, lòng từ bi và nhân cách cứu cánh
viên mãn. Pháp là phương pháp và đạo lý để đoạn trừ phiền não chứng
Bồ-đề. Tăng là những bậc tu hành trên cầu vô thượng chánh giác, dưới
hoá độ vô biên chúng sinh. Tam Bảo trong Đạo Phật không phải bất kỳ
tôn giáo nào cũng có thể có được nên thần thánh không thể nghỉ bàn
nhưng không phải là thần bí của quỷ thần. Người theo đạo Phật phải
phát tâm vô thượng Bồ-đề học Phật, tu pháp, hành Bồ-tát đạo, dùng
Phật pháp giúp chúng sanh đoạn trừ việc ác đã sanh, ngăn ngừa việc ác
chưa sanh là khiến cho chúng sanh sớm lìa khổ. Lại làm cho chúng sanh tăng
trưởng những điều thiện đã phát sinh, phát triển những điều thiện
chưa sanh, đó chính là khiến cho chúng sinh sớm được an lạc. Không cầu
an lạc cho bản thân chỉ mong cho chúng sanh được an lạc là tâm Bồ-đề
vô ngã, không cần phải dùng hình tướng của Bồ-tát hay hoá Phật để dạy
bảo chúng sinh mà dùng hình tướng chúng sinh đặng khuyến hoá họ. Thần
Thánh mà không thần bí là vậy.
Sự khác biệt giữa Phật giáo và
phi Phật giáo
Hữu thần và vô thần
Phật gíao là tôn giáo vô thần luận
nhưng không phải là duy vật luận. Phật giáo chủ trương hết thảy mọi
hiện tượng ở đời đều do nhân duyên sinh khởi và huỷ diệt. Sự hình
thành của thế giới chúng ta đang sống là do sự chiêu cảm của tất cả
các nghiệp báo của những chúng sinh được sinh ra trong thế giới này tạo
ra từ nhiều đời kiếp. Được gọi là „ nghiệp quả" hay „nghiệp
báo thể". Cùng chung một hoàn cảnh là do cộng nghiệp sở cảm, còn
thân tâm và hoàn cảnh riêng là do sở cảm của biệt nghiệp tạo ra. Tất
cả đều do chúng sinh tự tạo mà không do thần thánh dựng lên, nên là
tôn giáo vô thần luận. Nhưng Phật giáo không phủ nhận sự hiện hữu của
quỷ thần. Chỉ khác là Phật giáo xem những quỷ thần ấy cũng là một
loại chúng sinh mà không phải là chủ tể của vũ trụ.
Ngoại trừ Phật giáo ra các tôn
giáo khác đều là tôn giáo thần luận gồm ba dạng.
Tín ngưỡng nguyên thuỷ đa thần
Cho rằng mọi hiện tượng trong vũ
trụ đều do những vị thần khác nhau nắm giữ như th?n núi, thần sông,
thần biển, thần cây, thần cỏ, thần bếp núc, thần nhà cửa... Tất cả
mọi sự vật hiện tượng đều do thần linh chi phối, các vị thần này
không phụ thuộc nhau và không có lãnh tụ.
Hình thức tín ngưỡng đa thần
trung ương tập quyền
Nghĩa là sẽ có một vị thần đứng
trên thống nhiếp tất cả các thần khác như đạo Giáo của Trung Quốc
có Nguyên Thuỷ Thiên Tôn chính là Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Bà La Môn
giáo của Ấn Độ có Phạm Thiên.
Tôn giáo duy nhất thần luận
Tin rằng vị thần mà mình đang tin
theo là người duy nhất có khả năng sáng tạo và huỷ diệt vũ trụ, là
Đấng sáng thế, là vị Chúa tể của muôn loài, còn tất cả những vị
thần khác đều là ma quỷ như niềm tin của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo
(Thiên Chúa giáo, Tin Lành), Hồi giáo.
Sự khác biệt giữa tịnh hoá với
thần hoá và tục hoá
Thần hoá là đặc trưng của tất
cả các tôn giáo ngoại trừ Phật giáo. Họ tin tưởng rằng có Đấng bậc
thần linh nắm giữ chi phối mọi hoạ phúc ở đời và người tín đồ
đem cả vận mạng của mình giao phó cho bậc thần thánh đó. Có tôn giáo
tin rằng thần của họ có năng lực toàn năng có thể cho họ lên thiên đàng
và cũng có thể đày họ xuống địa ngục, không phải do làm thiện được
lên thiên đàng hay tạo tội đoạ đường ác, mà được xét duyệt trên căn
bản có tuyệt đối tin và phục tùng theo vị thần đó hay không. Người
tin theo thì được sanh lên trời, người không tin theo thì đắc tội và sẽ
bị đoạ vào địa ngục. Lại có tôn giáo cho rằng dựa vào sức mạnh
và sự gia trì của thần linh thì sẽ tu luyện thành Thần, thành Phật. Tất
cả những tôn giáo này có thể giải quyết một phần nào những vấn đề
trước mắt còn những vấn đề phát sinh sau đó hay vấn đề cơ bản nhất
thì không thể giải quyết được.
Tín ngưỡng tục hoá là lấy việc
cúng lễ để lấy lòng thần linh đặng thần linh ban giáng cho những tài lợi
mà mình cầu mong ở trên đời. Như cúng thần tài cầu phát tài, lạy Mẹ
Sanh Mẹ Độ, Chú Sanh Nương Nương cầu con cái, tin Mã Tổ Thiên Hậu để
thần biển độ đi biển bình an, bói toán cầu Hoàng Thạch Công, lạy Thổ
Địa cầu trúng số, ngày lễ tết cúng vái tổ tiên, thần đình cầu gia
hộ cho con cái bình an tất cả đều là tín ngưỡng tục hoá.
Phật giáo không phủ nhận lợi
ích nhất định của tín ngưỡng tục hoá hay tôn giáo thần hoá nhưng nhấn
mạnh và khẳng định lợi ích to lớn hơn của Phật giáo là tịnh hoá thế
đạo nhân tâm. Phật giáo lấy Tam Bảo Phật Pháp Tăng để hoá đạo thế
gian, lấy ngũ giới để tịnh hoá hành vi ngôn ngữ của chúng sanh. Lại lấy
công phu thiền định để tịnh hoá hành vi tâm lý. Phật giáo càng chủ trương
lấy trí tuệ để xử lý mình và làm lợi ích cho người. Nếu y theo giáo
lý Phật giáo để tu tập thì với bản thân sẽ được thân tâm yên ổn,
đối với tha nhân thì gia đình an vui hoà thuận, xã hội ổn định. Sự tịnh
hoá trong Phật giáo dung nhiếp cả công năng của thần hoá cùng sức mạnh
của tục hoá nhưng không vì thế mà tạo nên sự trói buộc cho bản thân
hay làm mất quân bình trong xã hội.
Phương pháp tu tập cơ bản
Công năng hoá độ nhân gian của Phật
gíao là lấy Phật pháp để tịnh hoá nhân gian, nâng cao nhân phẩm làm cho
chúng sanh sống đời này an lạc, đời sau cũng an lạc. Làm sao để đạt
được đều này. Muốn như vậy chỉ có một phương thức duy nhất là thực
hành tu tập theo giáo lý mà Đức Phật đã dạy.
Phương pháp tu tập căn bản không
ngoài phước nghiệp, định nghiệp và tuệ nghiệp.
Phước nghiệp là bố thí, trì giới.
Định nghiệp là thiền định. Tuệ nghiệp là chỉ cho trí tuệ. Công đức
của việc tu tập bố thí, trì giới sẽ được phước báo nhân thiên rồi
từ đó có thể thành tựu Phật quả. Nên Phật là người đã viên mãn cả
phước lẫn trí. Công đức của việc tu tập thiền định làm cho đời sống
hiện tại của chúng ta có được cuộc sống mạnh khoẻ về sinh lý và thăng
bằng trong tâm lý, đời sau sanh vào cõi trời Thiền Thiên, Phạm Thiên tiến
đến thành tựu Phật quả. Cảnh giới thiền định của Phật là cao nhất
nên Chư Phật có công lực „thường trụ tại định, vô hữu bất định
thời". Có được thâm định đại định thì mới có được đại từ
bi và đại trí tuệ. Công đức tu tập trí tuệ làm cho cuộc sống thực tại
biết sống thiểu dục tri túc, ít phiền não lìa khổ được giải thoát.
Cuối cùng dùng đại trí thâm tuệ độ vô lượng chúng sinh.
Tu bố thí như thế nào
Con người vì muốn bảo đảm cuộc
sống và giữ cho sinh mạng được an toàn nên luôn có quan niệm cùng thói
quen để dành tích trữ. Phương pháp để dành có hai là hữu hạn và vô hạn.
Hữu hạn thì đem gởi vào ngân hàng còn vô hạn là đem tiền tài gởi
vào trong xã hội. Hữu hạn để dành là nhằm bảo đảm cho cuộc sống của
cá nhân và gia đình. Còn vô hạn để dành là bảo đảm cho cuộc sống của
toàn xã hội. Cá nhân luôn gắn chặt với tập thể nên cả hai loại để
dành này đều có lợi ích cho bản thân. Để dành về mặt thời gian cũng
có hai cách là để dành cho đời này và để dành cho cuộc sống dài lâu
ở tương lai. Để dành cho đời này là nhằm cho cuộc sống hiện tại của
chúng ta, còn để dành dài lâu là nhằm cho cuộc sống nhiều đời ở
tương lai. Gởi tiền ở ngân hàng, hay làm việc phúc lợi cho xã hội
chúng ta có thể nhìn thấy được nên nó thuộc về sự để dành cho lợi
ích của cuộc sống hiện tại. Hoằng dương Phật pháp, hộ trì Tam Bảo,
dùng Phật pháp để cứu giúp nhân tâm là sự để dành vô tận, vì một
truyền mười, mười truyền trăm, cứ vậy nhân lên đưa ánh đạo vào
trong cuộc đời, làm lợi ích cho hiện tại và cho tương lai nhiều đời
sau nữa. Nên chỉ cần Phật pháp truyền đến đâu và chừng nào Phật
pháp còn lưu bố thì công đức cũng theo đó được lưu giữ nên đó là sự
để dành vĩnh hằng nhất. Chúng ta phải nổ lực để dành „chất cát
thành tháp", „nước chảy đá mòn", „tích thiểu thành đa".
Mỗi ngày một chút dùng vật lực, trí lực, thể lực và tâm lực không
ngừng tu tập công đức bố thí. Bố thí vì cuộc sống trước mắt, lại
càng bố thí vì cuộc sống tương lai, công đức bố thí rất dễ tu tập
tuỳ sức, tuỳ tâm. Bố thí giúp người nghèo, người bệnh công đức đã
lớn. Hộ trì Phật pháp, bồi dưỡng Tăng tài hoằng dương Phật pháp
công đức càng lớn hơn nhiều.
Tu trì giới như thế nào
Mục đích của trì giới là sửa
sai thành tốt. Sửa sai là không tạo các nghiệp ác nên đạt được quả
ly khổ. Xây dựng cái tốt là nổ lực làm các nghiệp thiện nên đạt
được quả hạnh phúc. Nếu cầu lìa khổ được vui mà không dốc sức để
sửa sai thành tốt thì không hợp với quy luật nhân quả.
Phật giáo dạy người giữ giới nội
dung có hai tầng thứ một là tự lợi, tự bảo như ngũ giới hai là làm lợi
lạc chúng sinh như tứ chánh cần.
Không sát sanh chủ yếu là không giết
người.
Không trộm cắp là không lấy vật
phi pháp không nhận của phi nghĩa.
Không tà dâm chủ yếu là không
làm mất trật tự xã hội, không hợp luân lý, không phá hoại gia phong,
không phung phí sức khoẻ.
Không vọng ngữ chủ yếu là không
dùng lời nói để làm hại kẻ khác.
Không uống rượu gồm cả chất gây
nghiện vì sẽ đánh mất năng lực tự chế của bản thân dẫn đến việc
phá giới phạm tội.
Bốn loại tinh tấn là tứ chánh cần
khuyến hoá người bỏ các việc ác, làm các việc lành. „Chư ác mạt
tác, chúng thiện phụng hành". Chấm dứt các đều ác đã làm, ngăn ngừa
các đều ác chưa làm, tăng trưởng các điều thiện đã có, phát sinh những
điều thiện chưa sanh. Nổ lực không giải đãi thực hiện bốn pháp tinh
tấn này. Không làm các điều ác, ngăn trừ các điều ác chưa sanh là bạt
khổ cho chúng sanh. Tăng trưởng các điều thiện đã làm, phát khởi những
điều thiện chưa sanh là đem hạnh phúc ban vui cho chúng sinh. Bạt khổ ban
vui là dùng đại bi tâm hành Bồ-tát-hạnh, lấy bố thí để cảm hoá rồi
hướng dẫn chúng sinh tu tập tứ chánh cần.
Tu thiền định như thế nào
Ý nghĩa của thiền định là tâm
vô nhị niệm. Khi mới bắt đầu cần có phương pháp. Phương pháp sẽ
giúp tâm niệm từ trạng thái tán loạn đi đến trạng thái tập trung, từ
tập trung đi đến trạng thái thống nhất, đạt được trạng thái thống
nhất tức là đạt được định. Nhưng trạng thái thống nhất cũng có
nhiều tầng thứ khác nhau : từ thân tâm thống nhất đến nội tâm
và ngoại cảnh thống nhất, tiến hơn là niệm trước niệm sau thống nhất.
Muốn đạt đến chỗ niệm trước và niệm sau thống nhất cần phải trải
qua quá trình niệm trước và niệm sau nối nhau như mắt xích, một niệm gắn
một niệm, niệm niệm đồng nhất niệm rồi sau đó mới đến chỗ triệt
tiêu khoảng cách giữa niệm trước và niệm sau chỉ còn lại sự tồn tại
của nhất niệm. Lúc đó tức là: „chỉ ư nhất niệm" tên gọi là
định. Nếu đạt đến chỗ nhất niệm cũng không còn tức là tức định
tức huệ.
Khi mới tu thiền có thể có nhiều
phương pháp, lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, kinh hành... đều nhằm
mục đích an tâm, thanh tâm và tịnh tâm. tất cả phương pháp tu tập để
làm cho thân tâm thăng bằng đều là công hiệu của định. Nếu không có
bậc thiền sư chỉ dạy thời có thể dựa vào những phương pháp trên để
tu tập thiền định vì đều đúng với giáo lý Phật nhưng đây là phương
pháp tán tâm tu định.
Nếu gặp được bậc Thầy có kinh
nghiệm thiền định lại có chánh tri, chánh kiến của Phật pháp thì phải
theo để tu học phương pháp chuyên tâm tu định đó là pháp thiền quán,
pháp chỉ quán hay gọi là pháp tham thiền.
Phương pháp thiền quán không thể
lìa ba nguyên tắc là tư thế điều thân, điều tức hơi thở và điều tâm
chuyên chú. Yêu cầu căn bản là thả lỏng cơ bắp của thân thể đến thần
kinh. Tư thế chính xác là nguyên tắc đoan chánh nhẹ nhàng trong cả bốn tư
thế đi, đứng, nằm, ngồi. Hít thở chính xác trên nguyên tắc giữ nhịp
thở theo tốc độ bình thường. Chuyên chú chính xác là giữ nguyên tắc
làm đúng phương pháp không để ý đến việc đạt được điều gì hay
không. Nếu móng tâm mong muốn mau đạt được điều gì thì rất dễ đi lạc
vào ma cảnh. Cần phải có tâm lý chuẩn bị là sẽ „ gặp Phật
chém Phật, gặp ma chém ma" thì mới an toàn. Ý nghĩa của „gặp Phật
chém Phật, gặp ma chém ma" là bất luận có được cảm giác vui hay cảnh
tượng lo sợ đều phải xem đó là huyễn cảnh huyễn giác. Nếu không khi
gặp ác cảnh sẽ thối tâm, thậm chí còn huỷ báng Tam Bảo vì cho rằng
tu tập mà không được quả báo tốt. Còn nếu gặp thiện cảnh thì sanh
tâm kiêu mạn cho rằng đã được thần thông chứng được Thánh quả
thành Phật rồi. Thật đáng thương thay cho tâm niệm sai lạc này.
Lễ bái và tụng niệm
Lễ bái liên quan đến chấp tay và
cách lễ như thế nào cho đúng phương pháp. Vì sao lễ bái? người mới vào
đạo có hữu cầu lễ bái và hữu tướng lễ bái. Cầu bình an, cầu trí
huệ, cầu hạnh phúc là tâm thái bình thường. Hữu tướng lễ bái tức
là có đối tượng, có mục đích trước Phật, Bồ tát Thánh tượng hay
kinh điển mỗi ngày đúng giờ, đủ số lễ lạy, cầu tiêu nghiệp chướng,
trừ phiền não. Tu tập lâu ngày tự sẽ hiểu rằng vô cầu, vô tướng mới
là mục tiêu cứu cánh nên mỗi ngày lễ lạy như việc bình thường.
Đọc tụng kinh Phật phải xem thời
gian, các bộ kinh thường đọc tụng là Tâm kinh, Phổ Môn Phẩm, kinh A Di
Đà, kinh Kim Cang, kinh Dược Sư, kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa, kinh Hoa
Nghiêm. Tụng kinh có thể không cần chuông mõ hoặc dùng chuông mõ. Tốt nhất
là nên chuyên nhất tụng một bộ kinh nhất định và phát tâm trong khoảng
thời gian nào đó đọc tụng bao nhiêu biến, không nên nay đọc kinh này,
mai đọc kinh khác, khi tụng kinh cần đọc rõ âm từng chữ mà chưa cần
phải hiểu rõ nghĩa của từng chữ trong kinh. Chỉ khi xem kinh mới cần hiễu
rõ nghĩa. Ngoài những kinh thường tụng trên nếu có khả năng có thể xem
thêm những kinh luận khác như : kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng
Thọ, kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, kinh Thắng Man, kinh Duy Ma, kinh Lăng Già,
kinh Giải Thâm Mật, kinh Đại Bát Nhã, kinh Tạp A Hàm, kinh Tăng Nhất A Hàm,
kinh Trung A Hàm, kinh Trường A Hàm, luận Đại Thừa Khởi Tín, luận Bảo
Tánh, luận Câu Xá, luận Du Già Sư Địa, Trung luận, luận Đại Trí Độ,
Lục Tổ Đàn Kinh
Niệm Phật và trì chú
Niệm Phật và trì chú vốn là một
trong những phương pháp tu định. Sau khi Tịnh Độ tông và Mật tông trở
thành những tông phái độc lập mới có sự tách biệt nếu đứng trên lập
trường chỉnh thể của Phật giáo mà nhìn thì cả ba hổ tương với nhau.
Niệm Phật là chỉ chung cho niệm tất cả danh hiệu của các đức Phật,
chư vị Bồ Tát chứ không phải chỉ riêng cho niệm Phật A Di Đà thôi. Niệm
Phật có hai cách là tán tâm niệm Phật và chuyên tâm niệm Phật. Tán tâm
niệm Phật là bất cứ ở đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể niệm, niệm
ra tiếng hoặc niệm thầm trong tâm, thậm chí vừa nói chuyện vừa vẫn
có thể niệm Phật. Chuyên tâm niệm tức là có thời khoá nhất định, bằng
các phương cách như liên tục niệm, cao giọng niệm hoặc tự thinh kỳ niệm.
Ấn Quang Đại Sư khuyên nên dùng phương thức "số số niệm "
chứ không phải là "ký số niệm ". Ký số niệm tức là dùng
tràng hạt để tính số niệm Phật. Số số niệm là niệm từ một đến
mười xong lại tính lại từ một. Nếu được như thế sẽ dễ đạt đến
chuyên tâm hơn. Nếu muốn niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn phải
dùng phương pháp chuyên tâm niệm thì mới đạt được.
Nhiều người cho rằng hể trì chú
tức là tu mật pháp, thật ra không phải như vậy vì mật pháp chính quy
là phải do Thượng Sư truyền trao cho, phải có pháp tu đúng nghi quỷ, còn
trì chú thông thường thì cũng giống như trì danh niệm Phật vậy. Pháp
trì chú là miệng đọc, tai nghe, tâm tư duy, thân khẩu ý tam nghiệp tương
ưng thì trì chú mới có lực được, đó cũng chính là một dạng của định.
Nếu tán tâm trì chú thì cũng có công đức và cảm ứng, còn trì chú gì
là tuỳ nhân duyên của mỗi người. Các chú thường trì tụng là chú Đại
Bi, chú Quan Âm, chú Chuẩn Đề, chú Kiết tường, chú Dược Sư, chú Địa
Tạng, chú Vãng Sanh, chú Lăng Nghiêm. Có thể dùng cách tính số biến chú
đã trì, cũng có thể dùng cách tính thời gian trì chú.
Tu trí tuệ như thế nào
Trong các kinh điển cả Bắc lẫn
Nam Tông có sự khác biệt khi nói về trí tuệ. Trí có thế gian trí và xuất
thế gian trí. Trí thức cùng sự thông minh tài trí của thế gian đều lấy
ngã làm trung tâm bất kể là tiểu ngã của cá nhân hay ngã lớn của tập
thể đều không thể thoát khỏi phiền não ngã chấp nên gọi là thế gian
hữu lậu trí. Chỉ có những vận hành của tâm lý hay tinh thần vượt khỏi
trung tâm tự ngã mới là xuất thế gian vô lậu trí.
Khai ngộ là sự hiển hiện công năng
của vô lậu trí. Khi khai ngộ thì đoạn trừ phiền não của bản thân, rời
chấp trước. Sau khi khai ngộ thì thí pháp vũ, tế khổ nạn của chúng
sanh. Tự độ, độ người lại tự trí, tự giác, vô ngã cũng vô chúng
sinh. Tuệ có văn, tư, tu tam tuệ.
Văn tuệ là dựa vào việc thính
pháp nghe kinh, duyệt đọc kinh điển để hiểu rõ nguyên tắc tu tập và
nghĩa lý trong Phật pháp.
Tư tuệ là dựa vào tuệ giải những
điều đã nghe đã học, như pháp tu hành, một mặt vẫn y kinh giáo, mặt
khác từ trong quá trình tu tập mà đạt được sự thể nghiệm.
Tu tuệ là tiến sâu hơn một bước
nữa từ nền tảng tư tuệ tuy không y kinh điển mà đại dụng vẫn hiện
tiền, lại vẫn không tương phản với kinh giáo.
Ai là người có chánh tri chánh kiến
Người sơ tâm học Phật phải thường
nghe những vị Thầy hay Cư Sỉ có chánh tri, chánh kiến nói pháp, thường
đọc kinh điển trong kinh tạng và những tác phẩm hiện đại chánh thống
Phật gíao. Đồng thời nhờ hiểu mà tu đó chính là con đường tốt nhất
để vào nhà Phật pháp và khai mở trí tuệ. Nhưng ai là vị Thầy hay Cư Sỉ
có chánh tri chánh kiến điều này cần phải biết đứng trên lập trường
và lý trí của mình để nhận định, nếu chỉ nói thần thoại, thuyết lời
ma, thường biểu diễn thần thông, làm điều thần bí, tự xưng là Thánh,
là Phật, là Thần, là Bồ-tát, dùng phù chú sai khiến quỷ thần, hô linh
giáng thần thì tuy dùng kinh Phật, lời Phật nhưng đều là ngoại đạo lợi
dụng Phật pháp.
Còn những tác phẩm Phật giáo hiện
đại phải là những tác phẩm được đưa vào trong tùng thư như «hiện
đại Phật giáo học thuật tùng khan» vì đã được các bậc trưởng lão,
chuyên gia thẩm định nên có thể tin học theo được. Mục đích học Phật
của người Phật tử là dùng trí tuệ và từ bi để tự lợi, lợi tha chứ
không phải dùng quái lực, loạn thần, xưng Thánh, xưng Phật để mê hoặc
chúng sinh.
Trí tuệ phù hợp với quan niệm
nhân duyên, nhân quả nên cũng hợp tình hợp lý. Biểu hiện của từ bi
không phải là ân cần lấy lòng mà là ở chỗ biết ơn ân nhân, tha thứ
kẻ thù, giúp đỡ người khổ, cứu tế người nghèo, điều phục người
điên, dạy dỗ người mê, cảm hoá người ác, khích lệ người thiện, sách
tấn người lười, thức tỉnh người lầm đường lạc lối. Đó là tinh
thần của Bồ Tát yêu thương hết thảy chúng sinh.
.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/
canban.htm