Điều Phục Các Căn
Ni Sư AYYA KHEMA
Diệu Liên Lý Thu Linh (Trích dịch từ Who
is Myself)
Để hoàn thiện bất cứ điều gì
cũng đòi hỏi sự khổ luyện. Tuy nhiên, không nên nghĩ đến việc rèn luyện
như là một điều gì áp đặt cho chúng ta từ bên ngoài. Đúng hơn, đó là
những gì chúng ta tự đặt ra cho bản thân vì ta nhận thức rằng khi đã
chiến thắng những bản năng và các bốc đồng tiêu cực, dần dần ta sẽ chiến
thắng được mọi ảo tưởng tạo nên khổ đau cho chúng ta. Mỗi bước trong
giáo lý của Đức Phật đều được tạo dựng để giúp ta tiến gần hơn đến với
mục đích. Biết rằng bản thân không làm điều gì sai trái, chúng ta không
mặc cảm tội lỗi, không có cảm giác thiếu sót hay sa đà, do đó tâm ta cảm
thấy rất thoải mái, tự tại.
Đức Phật đã đưa ra một ẩn dụ:
Như một vị Sát-đế-ly (Khattiya)
đã làm lễ quán đảnh, đã hàng phục kẻ thù
địch, không còn thấy sợ hãi từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch. Cũng
vậy, này Potthapàda,
Tỷ-kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật nên không
thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ
đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ nội tâm không lỗi lầm...
Điều này cũng được lặp lại đối
với các căn khác:
Khi tai nghe tiếng,... khi mũi
ngửi mùi,... khi lưỡi nếm vị,... thân cảm xúc,...ý nhận thức các pháp,
vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng...
Rồi Đức Phật thuyết:
Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các
căn ấy, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không lỗi lầm. Như vậy, này
Potthapàda, Tỷ-kheo
hộ trì các căn.
Nhiều khi điều này bị hiểu lầm,
do đó đem ra thực hành sai. Người ta thường hiểu là không được nhìn,
nghe, ngủi, nếm hay xúc chạm. Làm sao có thể thực hiện điều đó. Chúng ta
có đầy đủ các căn nên phải nhìn, nghe, nếm, xúc chạm, ngửi. Tâm ta không
thể không suy nghĩ, ta biết rất rõ điều này lúc
tọa thiền. Vậy mà phương pháp này vẫn thường được dạy thực hành.
Dĩ nhiên nếu chúng ta không nhìn
cái gì đó, thì ta sẽ không bị nó chi phối. Nhưng làm sao ta có thể tránh
không nhìn, nhất là trong cuộc sống hàng ngày? Do đó cần phải hiểu rõ
đoạn kinh này nói gì, đó là điều rất quan trọng, nhất là khi ta muốn
sống đúng theo giới luật: “(Người) không nắm giữ tướng chung, không nắm
giữ tướng riêng”. Khi mắt thấy, nó chỉ ghi nhận màu sắc và hình dáng.
Tất cả mọi thứ khác đều phát khởi nơi tâm. Thí dụ, chúng ta thấy một
miếng kẹo sô-cô-la. Mắt chỉ nhìn thấy hình dạng màu nâu. Chính là tâm
mới nói: “À, sô-cô-la! Thứ này ngon lắm, tôi muốn ăn một miếng!”. Để
“không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”, là bắt tâm
dừng ngay lại, không làm việc đó.
Chúng ta có thể thực hành điều
này khá dễ dàng với bất cứ thứ gì chúng ta hoặc là rất thích hoặc
là rất ghét. Hai giác quan mạnh mẽ nhất là mắt và tai, vì thế, chúng ta
cần chọn một trong hai và quán sát xem tâm phản ứng như thế nào, ý thức
về những điều nội tâm nói với chúng ta. Mắt hay tai không thể quyết định
những gì nó phải thấy hay phải nghe. Thí dụ, tai nghe tiếng động của một
chiếc xe. Tâm nói “xe”. Rồi nó nói, “Rất ồn ào. Khó chịu quá. Hèn chi
tôi không thể hành thiền”. Tất cả những thứ này đều đến từ tâm; nó không
liên quan gì đến chính tiếng động. Tiếng động chỉ là tiếng động. Màu sắc
chỉ là màu sắc. Hình dáng chỉ là hình dáng.
Những người nguyện giữ giới sống
độc thân đôi khi được khuyên không nên nhìn người khác phái. Nhưng làm
sao người ta có thể thực hiện điều đó? Tôi đã gặp những vị sư thực tập
điều này, nhưng nó dẫn đến những mối liên hệ khó chịu, cứng nhắc. Làm
sao ta có thể nói chuyện với người cố ý không nhìn mình? Đó không phải
là những gì mà việc kiềm chế các căn muốn ám chỉ. Đúng hơn, khi mắt nhìn
thấy hình dáng, tâm đã nói “đàn ông”, “đàn bà” thì chúng ta dừng ngay
lại ở đó. Chúng ta không nên để tâm thêm thắt gì nữa. Tất cả những gì có
thể thêm bớt sẽ làm phát khởi tâm tham hay sân, tùy hoàn cảnh. Phần đông
chúng ta đều có khả năng thực hành điều này, và thật sự là nếu chúng ta
thực hiện được điều đó, nó có thể làm cho cuộc sống dễ chịu hơn. Thí dụ,
khi đi mua sắm, chúng ta mang theo tờ giấy liệt kê những thứ ta thực sự
cần. Nhưng khi mắt ta nhìn thấy những dãy hàng hóa bán trong chợ, tất cả
đều được gói bao bì đẹp đẽ, tất cả đều như dành sẵn cho ta, có cái còn
đại hạ giá. Ngay lập tức, tâm trở nên thích thú, và cuối cùng ta mua
nhiều hơn là những thứ ta cần. Đối với một số người đi mua sắm thực sự
ra là đề tìm những thứ gì quyến rũ, lôi cuốn tâm và mua chúng như là một
thứ giải trí, như là một cuộc cắm trại cuối tuần, nếu ta có tiền.
Nếu ta dễ dàng bị lôi cuốn bởi
những gì ta thấy, thì tốt nhất là ta phải nhận ra sự tiếp xúc của các
giác quan (căn-trần) và dừng tâm lại ở tưởng, ở việc đặt tên. Rất khó
dừng lại ở giai đoạn trước đó. Thí dụ, nếu ta thấy một người, hay ngay
cả khi nghĩ tưởng đến một người mà ta ghét hay ganh
tỵ. Một ai đó mà chúng ta hoặc là không
thích hay thương yêu tha thiết, thì ta phải thực hành dừng lại ở việc
đặt tên như là: bạn, đàn ông, đàn bà. Không có gì hơn thế nữa. Những gì
còn lại là lòng tham ái của chúng ta. Đó mới là kiềm chế các căn.
Các căn là hệ thống sinh tồn của
ta. Người có thể thấy, có thể nghe thì sinh hoạt đời sống sẽ dễ dàng hơn
người mù hay điếc. Tuy nhiên hầu hết mọi người đều nghĩ rằng các căn có
mặt là để giúp họ tìm được khoái lạc. Chúng ta sử dụng chúng như thế đó
và khi chúng không làm được như thế, ta trở nên bực bội giận dữ. Lúc đó
ta trách cứ đối tượng kích động nào đó gây ra. Thí dụ nếu có ai làm ta
phật lòng, ta trách cứ người đó. Nhưng thật ra họ không liên can gì, vì
cũng như chúng ta, họ được tạo thành bởi bốn yếu tố, có cùng các giác
quan, các tứ chi, và cũng đang đi tìm hạnh phúc như chúng ta. Không có
gì trong người đó phát sinh ra sự khó chịu. Tất cả là trong chính tâm
ta.
Khi ta nghĩ rằng người khác có
thể mang đến cho ta hạnh phúc thì cũng giống như thế. Lần nữa, ta lại
thấy người đó cũng là thân tứ đại, với cùng các giác quan, các bộ phận
cơ thể, cùng ước muốn đi tìm hạnh phúc như chúng ta. Không có lý do gì
ta dựa vào họ để từng hạnh phúc hay oán trách họ vì đã không mang lại
cho ta hạnh phúc. Tất cả những gì chúng ta cần làm là nhìn thấy được
"một con người". Không có gì hơn thể nữa. Có quá nhiều "con người" trên
thế giới này, tại sao ta lại để cho một người đặc biệt nào đó làm chủ sự
vui buồn của ta.
Nếu ta biết kiềm chế các căn,
kiềm chế được lòng ham muốn của mình, thì ta có thể sống với tâm buông
xả nhiều hơn. Chúng ta không còn ở trong tình trạng cò cưa không dừng
dứt; vui sướng khi được điều ta muốn, khổ đau khi vọng, mà điều đó đưa
đến một trạng thái nội tâm luôn khao khát, mong muốn những gì không ở
trong tầm tay ta. Không có gì cần phải có trên thế gian này, ở bất cứ
đâu, trong điều kiện nào, có thể mang đến cho ta thỏa mãn. Tất cả những
gì mà thế giới này có thể mang đến cho chúng ta là các căn trần thấy,
nghe, nếm, chạm, ngửi và suy tư. Tất cả đều chóng qua va phải được tái
tạo, không dừng dứt.
Thật lãng phí thời gian và năng
lượng, và ở đây cũng thế, không phải là sự xúc chạm của các căn tự nó
có thể làm thỏa mãn chúng ta. Chính là tâm đã làm nên điều đó. Điều quan
trọng nhất mà ta có thể làm là kiềm chế các căn, nếu ta muốn sống một
cuộc sống an vui hòa hợp, không có những phiền não vì muốn cái ta
không có, hay không muốn cái ta đang có . Đây là hai nguyên nhân mang
đến khổ đau; không còn gì khác hơn nữa. Nếu chúng ta biết quán sát gìn
giữ các căn, không vượt quá việc đặt tên (labeling),
thì chúng ta dễ sống bình an, tự tại.
Tâm là một nhà ảo thuật - lúc
nào nó cũng có thể dựng lên các màn ảo thuật. Ngay giây phút chúng ta
vượt quá tưởng (việc đặt tên) thì đủ để nó hoạt động, khiến ta bị lôi
kéo vào trạng thái ưa ghét. Đức Phật đã có nói đến
Màra, quỷ cám dỗ.
Màra luôn có mặt bên trong ta, chờ đợi cơ hội để ra tay. Không
nên tạo ra những cơ hội cho sự cám dỗ. Ở đâu chúng có mặt, ta cần phải
chế ngự chúng, nhưng tốt nhất là đừng tạo ra chúng. Chúng ta có thể dừng
lại trước khi chúng xuất hiện, và điều đó có nghĩa là ta phải kiềm chế
các căn.
(Trích dịch từ
Who ls
Myself)
phatphap.wordpress.com & phatphapnhiemmau.com
***