Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Giả Tạm
Hạnh Chơn

 

            Tất cả sự vật hiện tượng tồn tại hay hủy hoại đều do nhân duyên. Con người cũng không ngoài qui luật đó. Dưới nhãn quan của phàm phu thì chỉ khi nào tướng trạng tan rã mới cho là mất.Tuy nhiên, với người có trí tuệ thì ngay trong lúc hiện hữu họ vẫn thấy rõ cái giả tạm phù hư của kiếp sống. Như vậy kiếp người giả tạm chăng và ta phải làm gì trước sự giả tạm ấy?

Vấn đề đặt ra thật đơn giản, bởi đáp án đã có sẵn nếu mọi người chịu nhìn thẳng vào sự thật.Và thật rõ ràng đối với những người vừa trải qua những trận cuồng phong bão tố. Có ai trong số họ ngờ rằng tài sản vật chất do công sức bao năm gây dựng nên bỗng chốc đã trở thành mây khói.Và có ai ngờ những người thân thiết, gắn bó, chung sống trong một gia đình đầm ấm đã vội vã ra đi sau cơn giông bão tố. Thế nhưng, sự thật phủ phàng vẫn đến, đến một cách vô tình và tàn nhẫn trên nỗi đau của bao nhân sinh cơ cực.

Qui luật là thế, nó không tuân theo một thế lực ngoại tại nào cả. Dù có cầu khẩn, van xin hay ra lệnhv.v đều vô ích. Thân người do tứ đại hợp thành thì dầu muốn hay không nó cũng phải trở về tứ đại và mạng sống kết thúc sớm hay muộn đều do nghiệp cảm. Bởi thế Thiền Sư Vạn Hạnh nói: "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô" thật là chí lý. Thân người đã thế thì tài sản có khác chi. Đức Phật dạy tài sản là của năm nhà: giặc cướp, chính quyền tịch thu, nước trôi, lửa cháy và con cái phá sản. Do đó, tài sản không thể tồn tại vĩnh cữu bởi nó cũng thuộc các pháp hữu vi có sanh có diệt, biến hóa vô cùng. Như Kinh  Kim Cang nói: "Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện..."

Đành rằng sự mất mát nào mà không làm người ta đau xót, nhất là phải mất đi những người yêu thương nhất. Nhưng sự  đau khổ không phải xuất phát từ sự mất mát mà nó xuất phát từ sự chấp ngã và ngã sở. Còn trôi lăn trong vòng Lục Đạo thì hầu như ai cũng bị giặc phiền não ấy chi phối. Do đó, để hàng phục được phiền não thì tự thân mỗi người phải tìm cho mình một phương pháp thực hành hữu hiệu nhất.

Cuộc đời vô thường giả tạm nhưng không phải vì thế mà ta yếm thế, cực đoan. Biết rõ bộ mặt giả tạm huyễn hoặc để chúng ta nhìn lại chính mình, cải thiện bản thân, từ bỏ tâm niệm xấu xa, độc ác mà thực hành những điều thánh thiện, xa lìa tâm chấp thủ ngã và ngã sở, đồng thời hướng đến tâm vô ngã vị tha. Cuộc sống của chúng ta sẽ đẹp biết bao nếu mọi người đều thực hành như vậy.

Đành rằng không thể phủ nhận nỗi đau của những người vừa bị mất mát do thiên tai gây nên. Tuy nhiên xét cho cùng thì âu cũng là nghiệp duyên cả. Phải chăng đây là dịp để cho những người trong cảnh ngộ nói riêng và tất cả mọi người nói chung nhìn lại chính bản thân mình và tự điều chỉnh chính mình.Thiên tai dường như nhắc nhở chúng ta phải sống một cuộc sống tỉnh giác, luôn đem lại lợi ích cho mình và cho mọi người và cuộc sống ấy tất nhiên là phù hợp với môi trường xung quanh.

Khổ đau và hạnh phúc luôn xen kẻ lẫn nhau. Ai cũng muốn tìm cho mình hạnh phúc và xa lìa khổ đau.Tuy nhiên, hạnh phúc chân thật không thể do ngoại cảnh mang lại mà nó đến từ sự nỗ lực tu tập của mỗi con người. Có thể nói Bát Chánh Đạo là con đường tốt đẹp nhất cho những ai đi tìm hạnh phúc chân thật.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/giatam.htm

 


Vào mạng: 1-7-2002

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang