Với sự đồng
ý của Đức Dalai Lama, Dharamsala. Trích từ Tán Dương Nhị Pháp, ngày 5 – 8
tháng 11, năm 1982, New Delhi, Ấn độ. Do Alex Berzin chuyển dịch, Lama
Zopa rinpoche gạn lọc lại, và Nicholas Ribush hiệu đính. Lần đầu do
Trung Tâm Thiền Tushita Mahayana xuất bản, New Delhi, 1982 (Tushita
Mahayana Meditation Centre).
Đã bao tỷ năm trôi qua từ khi thế giới nầy bắt đầu với sự xuất hiện của
nhiều chúng sinh trên mặt đất. Sau đó, cần một thời gian rất lâu để các
chúng sinh nầy trưởng thành về mặt tư tưởng – sự phát triển và hoàn hảo
các năng lực tri thức ; và từ lúc con người trưởng thành cho đến hiện nay
cũng đã trải qua mấy ngàn năm rồi. Xuyên qua tất cả những thời kỳ nầy, thế
giới cũng đã chịu nhiều thay đổi liên tục, và đang trong tình trạng tiếp tục
đổi thay. Kể cả ngay bây giờ, có những việc vừa xảy ra trong một lúc tưởng
chừng như là bất động, nhưng chúng cũng đang trên đà thay đổi trong từng
phút giây. Một người có thể tự hỏi cái gì sẽ không bị thay đổi, khi mọi thứ
vật chất và hiện tượng tinh thần đều nằm trong quá trình biến đổi, không cố
định. Tất cả mọi thứ đều không ngừng xuất hiện, phát triển và rồi hoại diệt.
Trong cơn lốc của tất cả những đổi thay nầy, duy chỉ có Chân Lý là không
thay đổi hay bị biến thể -- nói một cách khác, đạo đức chân chính (Dharma)
sẽ mang lại những kết quả lợi lạc, và những hành động xấu ác sẽ mang lại
những kết quả đau khổ, tổn hại. Một nguyên nhân tốt sẽ tạo ra một kết quả
tốt, và một nhân xấu đưa đến quả xấu. Tốt hoặc xấu, lợi lạc hay tổn hại, mỗi
kết quả đều có nguyên nhân. Chỉ duy nhất nguyên lý nầy là tồn tại, không
thay đổi và bất biến. Nguyên lý nầy đã có trước khi con người bước vào thế
giới nầy. Nguyên lý nầy hiện hữu trong những thời kỳ đầu, trước và sau khi
loài người xuất hiện, cho đến bây giờ, và nó sẽ vẫn hiện hữu trong những
thời đại ở tương lai.
Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và tránh đau khổ cùng những điều bất
như ý. Như chúng ta đã biết, sự sung sướng và nỗi đau đều bắt nguồn từ một
nguyên nhân. Cho dù những hậu quả nhất định, hình thành từ một hay nhiều
nguyên nhân, đã được định nghĩa ngay từ chính bản chất của các hậu quả nầy.
Trong vài trường hợp, ngay cả những yếu tố của nguyên nhân, không nhiều,
hay mạnh mẽ, các yếu tố ảnh hưởng vẫn có khả năng để xuất hiện. Đặc tính yếu
tố của kết quả không quan trọng, chỉ là kết quả tốt hay xấu, tầm quan trọng
và cường độ tương ứng trực tiếp với số lượng và sức mạnh của các yếu tố
nguyên nhân. Như vậy, để thành công trong việc tránh gặp phải những niềm
đau và để được sung sướng, việc nầy không phải là việc nhỏ, muốn vậy, cần
phải từ bỏ một số lớn các yếu tố nguyên nhân tập thể.
Trong lúc phân tách bản chất và trạng thái của hạnh phúc, thấy rõ ràng là
hạnh phúc có hai khái niệm. Một là sự vui sướng tức thời (tạm bợ) ; sự vui
sướng trong tương lai (tối hậu). Những vui thú tạm thời bao gồm những tiện
nghi và hưởng thụ mà con người thèm khát, như nơi ăn chốn ở tốt đẹp, đồ đạc
trong nhà đẹp đẽ, thức ăn thơm ngon, người bạn đường lý tưởng, những cuộc
trò chuyện vui thích v…v… và v.. v… Nói một cách khác, những vui sướng tạm
thời là những thứ mà con người đang hưởng thụ trong cuộc sống nầy. Câu hỏi
là, sự hưởng thụ về những vui sướng và hài lòng nầy bắt nguồn hoàn toàn từ
những yếu tố bên ngoài, nó cần được nghiên cứu trong ánh sáng lý luận rõ
ràng. Nếu chỉ những yếu tố bên ngoài đưa đến những vui sướng nầy, một người
phải sung sướng lắm khi những thứ nầy có mặt, và như vậy, khi những thứ nầy
vắng mặt con người sẽ đau khổ.
Tuy nhiên, không phải vậy. Bởi vì, kể cả khi những trạng thái hưởng thụ vật
chất kể trên vắng mặt, con người vẫn có thể sung sướng và an lạc. Điều nầy
chứng tỏ rằng những yếu tố bên ngoài không nhất thiết mang đến sự sung sướng
cho con người. Ngược lại, có những việc thật xảy ra chứng minh rằng sự an
lạc nội tâm và hạnh phúc không nhất thiết là sự hưởng thụ - do những yếu tố
bên ngoài đưa đến, và dù những yếu tố nầy có mặt, niềm vui cũng thường
không xuất hiện, chứng tỏ rõ ràng là nguyên nhân của hạnh phúc dựa vào những
yếu tố khác hơn.
Nếu ai đó hiểu sai lạc lời bình luận về những yếu tố kể trên và cho rằng
nó là nguyên nhân duy nhất tạo nên hạnh phúc, và loại bỏ những nguyên nhân
khác, và kết luận rằng kết quả của hạnh phúc bị lệ thuộc vào những yếu tố
bên ngoài ; sự hiện diện hay vắng mặt của hạnh phúc đều bị các yếu tố nói
trên chi phối. Sự thật không hẳn là vậy, bởi vì một số yếu tố bên ngoài
không nhất thiết hoặc hoàn toàn chịu trách nhiệm về ảnh hưởng của hạnh
phúc.
Vậy một số nguyên nhân bên trong là gì ? Làm sao có thể giải thích chúng ?
Là Phật tử, tất cả chúng ta đều tin vào Luật Nhân Quả (Law of Karma)
– luật thiên nhiên của nguyên nhân và kết quả. Bất cứ tình trạng bên ngoài
thể hiện ra sao, trong những kiếp sống liên tục nối đuôi nhau, chúng sanh
luôn chịu ảnh hưởng về những hành động họ đã tạo ra trong các kiếp quá khứ.
Một khi sức mạnh của nghiệp quá khứ chín muồi, một người sẽ trải nghiệm những
trạng thái tinh thần sướng
vui hay đau khổ. Tất cả đều là kết quả tự nhiên từ các hành động trong quá
khứ.
Điều quan trọng nhất là hiểu rằng, một khi các nhân duyên phối hợp đầy đủ
thì nghiệp xuất hiện, đó chỉ là kết quả của tổng số hành động đã tạo tác
trong quá khứ mà ra, những yếu tố bên ngoài có thể xem như điều kiện thuận
lợi để kết quả hiện hành. Nhân duyên thuận lợi tốt để kết quả tốt hiện
hành từ nghiệp tốt của quá khứ sẽ mang lại một trạng thái tinh thần sung
sướng vui vẻ. Nếu nhân duyên hoặc những điều kiện bên ngoài thiếu sót thì
một người không thể có được niềm vui nội tại; cho dù điều kiện bên ngoài
rất thích hợp nhưng nếu duyên tốt không đủ, thì người ấy không thể hưởng
được kết quả sung sướng. Điều nầy chứng tỏ rằng nhân duyên nội tại là điều
kiện tiên quyết rất cần thiết cho sự sung sướng ( và ngược lại ). Vì vậy,
để đạt được kết quả vui như mong muốn, điều thiết yếu là chúng ta cùng một
lúc phải hội đủ các điều kiện cần thiết về mặt bên ngoài ( những điều kiện
hiện tại thích hợp) và những yếu tố cần có về mặt bên trong (nghiệp tốt
quá khứ).
Nói về vấn đề nầy bằng những từ đơn giản, tỉ dụ nói về những điều kiện tốt
nội tại (nghiệp quá khứ) được tích lũy, những phẩm chất cần có như không
ham muốn quá nhiều, tự hài lòng, khiêm cung, đơn thuần và những phẩm chất
cao cả khác. Thực tập để đạt được những điều kiện nội tại thích hợp có thể
cải thiện được những yếu tố bên ngoài và chuyển đổi chúng thành những ưu
điểm lợi ích mang lại hạnh phúc. Sự vắng mặt của những điều kiện nội tại
thích hợp, như ít ham muốn, kiên nhẫn, tha thứ, v…v…, sẽ làm cản trở sự thụ
hưởng hạnh phúc của một người cho dù họ hội đủ những điều kiện bên ngoài.
Ngoài ra, một người cần phải trau dồi công đức, và phẩm hạnh trong các đời
quá khứ. Nếu không, các hạt giống hạnh phúc không thể nào đơm hoa kết trái.
Việc nầy có thể giải thích bằng một cách khác. Lạc thú và chán chường,
sung sướng và đau khổ là những kết quả không tránh khỏi của mỗi cá nhân,
tùy vào hành động thiện ác mà họ tích lũy. Nếu như hiện tại, trong một khoảng
thời gian đặc biệt nào đó, các quả lành chín muồi thì người ấy sẽ nhận biết
ngay tức thời, nếu đó là một người sáng suốt, thì họ biết ngay là kết quả
lành của công đức từ quá khứ. Cũng như vậy, khi một người chịu đựng đau khổ
và sự bất như ý, anh ta phải an nhiên chịu đựng, và tự nhủ dù muốn hay
không, vẫn phải chịu đau khổ và chịu đựng kết quả của nghiệp xấu đã gieo,
mặc dù thông thường thì anh ta cảm thấy chán chường cực độ và không thể chịu
nổi. Lại nữa, nhận thức rằng sự đau khổ và việc bất như ý đang xảy ra là kết
quả của những hành động xấu ác trong quá khứ, nếu anh ta đủ sáng suốt để bắt
đầu từ đây buông bỏ những hành động sai quấy. Cũng như hài lòng với ý nghĩ
rằng nghiệp xấu quá khứ đã chín muồi, và anh đang phải trả cái nghiệp xấu
ác ấy ngay lúc nầy, như vậy anh ta coi như đã trả bớt được một số ác nghiệp,
nghĩ vậy anh ta sẽ thanh thản hơn.
Trí tuệ nầy có được sự khích lệ đúng đắn sẽ mang lại sự bình an thiết thực
cho thân và tâm. Thí dụ, một người đang chịu đựng sự đau khổ về thân do những
nguyên nhân bên ngoài. Nếu như ý chí anh ta mạnh mẽ (dựa vào niềm tin anh
ta là người phải chịu trách nhiệm cho sự đau đớn và khổ sở nầy), ngay đây
anh ta có thể làm cho nỗi đau phần nào giảm bớt và tinh thần anh nhờ đó
cũng an lành và cảm thấy được an ủi.
Bây giờ để tôi giải thích việc nầy ở một trình độ cao hơn. Điều nầy có
liên quan đến sự phấn đấu và gắng sức, để thành công cần phải hủy diệt hệ
thống bất như ý cũng như nguyên nhân của nó.
Như đã nói trước đó, sung sướng và đau khổ, hạnh phúc và bất như ý là những
ảnh hưởng của các hành động tốt và xấu, khéo léo hay không. Những hành động
khéo léo và không khéo (nghiệp) không phải là các hiện tượng bên ngoài.
Chúng thuộc về thế giới tinh thần. Cố gắng thật nhiều để vun bồi nghiệp tốt
và làm giảm nghiệp xấu, đó là con đường để tạo hạnh phúc và tránh đau khổ.
Thật là một điều hiển nhiên, bởi vì một kết quả hạnh phúc thường theo sau
một nguyên nhân tốt đẹp và những hậu quả của nghiệp xấu là sự đau khổ.
Như vậy, việc quan trọng nhất là chúng ta cố gắng bằng mọi cách để gia
tăng những hành động tốt có phẩm chất, và trừ bớt đi những hành động xấu.
Làm thế nào để làm được điều nầy ? Những nguyên nhân đáng được khen thưởng
và đáng bị chê trách là kết quả của sung sướng và đau khổ, không giống những
đối tượng bên ngoài. Thí dụ, trong cơ thể con người, với những phần khác
nhau như phổi, tim, và những bộ phận khác có thể được thay thế bằng những
bộ phận mới. Tuy vậy, điều nầy không đúng với nghiệp quả, bởi vì nghiệp quả
hoàn toàn phụ thuộc về thế giới tâm thức. Việc làm xứng đáng và từ bỏ
nguyên nhân xấu ác hoàn toàn là tiến trình của tâm thức. Chúng ta không thể
đạt được với bất cứ sự giúp đỡ nào đến từ bên ngoài. Cách duy nhất có thể
đạt được là điều khiển và huấn luyện tâm thức chưa thuần hóa. Việc nầy đòi
hỏi chúng ta phải có sự hiểu biết hoàn toàn về cái mà chúng ta gọi là tâm
thức.
Xuyên qua các cửa giác quan, một người thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm với
một đối tượng, các tĩnh vật và những cảm nhận. Hãy đóng cửa các giác quan
để các trường hợp có liên quan đến hình dáng, âm thanh, mùi vị, xúc chạm về
vật chất hay tinh thần không có cơ hội làm chao đảo chúng ta. Khi đóng cửa
các giác quan, tâm thức sẽ không thể hồi tưởng về quá khứ, và dòng chảy của
ký ức sẽ bị gián đoạn. Cũng như vậy, những dự định cho tương lai và suy
ngẫm về những hành động trong tương lai cũng không thể xuất hiện. Thiết lập
một khoảng trống trong những tiến trình của suy nghĩ là việc rất cần thiết.
Giải thoát khỏi những tiến trình nói trên sẽ giúp tâm thức luôn ở trạng
thái trong sạch, không ô nhiễm, rõ ràng và yên lặng.
Bây giờ, hãy để chúng ta xét nghiệm những đặc tính nào đã tạo thành tâm thức
khi tâm thức đạt được đến trạng thái nầy. Chúng ta chắc chắn đang sỡ hữu một
thứ gọi là tâm thức, nhưng làm sao để chúng ta có thể nhận biết sự hiện hữu
của nó ? Tâm thức quan trọng và chân thật sẽ được tìm thấy khi tất cả
gánh nặng của những chướng ngại thô và sự lầm lạc (thí dụ, cảm nhận qua
giác quan, hồi ức, v.v.) được tiêu trừ. Phân biệt khái niệm về tâm thức
chân thật, chúng ta khám phá ra rằng, nó không giống đối tượng bên ngoài,
bản chất chân thật của tâm thức là không có hình dáng hay màu sắc ; chúng
ta cũng không tìm thấy căn bản của chân lý hay ý niệm sai lầm về tâm thức
là nó bắt nguồn từ cái nầy hoặc cái kia, hoặc nó di chuyển từ nơi nầy đến
nơi khác, hoặc nó nằm ở một chỗ nào đó. Khi tâm thức không gặp gỡ đối tượng
nào, tâm thức giống như khoảng trống rộng lớn vô biên, hoặc giống như biển
sâu vô tận, yên bình.
Khi tâm thức gặp gỡ đối tượng, tức thời tâm thức nhận biết vật ấy, giống
như tấm gương soi tức thì phản chiếu hình ảnh người đứng trước gương. Bản
chất chân thật của tâm thức không chỉ bao gồm sự nhận thức về đối tượng,
mà còn là nhận thức
sự trải nghiệm cụ thể của vật ấy, và người
đang trải nghiệm nó.*
Thông thường,
các giác quan nhận biết về âm sắc, như
ý thức của mắt, ý thức của tai, v.v., trình bày chức năng của nó dựa vào
các hiện tượng
bên ngoài bằng cách thô kệch, méo mó. Khi sự kích thích kiểu thô thiển nầy
bị đóng lại, khi các trải nghiệm cụ thể và nhận thức rõ ràng xuất hiện từ
nội tâm, tâm thức thừa nhận các đặc điểm của khoảng trống vô tận tương
đương với sự vô tận của không gian.
Tuy nhiên, khoảng trống nầy không thể được xem như bản chất chân thật của
tâm thức. Ý thức về hình dáng và màu sắc của các đối tượng thô đối với
chúng ta trở nên quá quen thuộc, khi chúng ta chú tâm duyệt xét bên trong
của bản chất tâm thức, như tôi có nói, nó là một khoảng trống rộng lớn, vô
tận, xa rời bất cứ bóng đen hay chướng ngại thô thiển nào. Tuy thế, điều nầy
không có nghĩa là chúng ta biết phân biệt bản chất chân thật tinh tế của
tâm thức. Những gì được giải thích ở trên liên quan đến trạng thái tâm thức
trong sự trải nghiệm cụ thể, và được nhận thức rõ ràng bởi tâm và chức
năng của nó, nhưng nó chỉ là sự trình bày tương đối về bản chất của tâm thức.
Thêm vào đó, có vô số khái niệm và các trạng thái khác của tâm thức. Có
nghĩa là, xem tâm thức như là nền tảng cao tột, có rất nhiều đặc tính liên
quan tới tâm thức. Như một củ hành có nhiều lớp, lớp nầy chồng lên lớp
khác, và có thể bị lột ra từng lớp, giống như mỗi loại đối tượng có nhiều
lớp ; và như giải thích ở đây, bản chất của tâm thức cũng tương tự như vậy ;
tâm thức có nhiều lớp, lớp nầy bị lớp khác bao bọc.
Tất cả mọi thứ đa hợp đều bị tan rã. Sự trải nghiệm và hiểu biết đều là vô
thường và sẽ bị phân hủy, chức năng của nó dựa vào tâm thức, và tâm thức
không phải là thứ tồn tại vĩnh viễn, hay thường hằng. Từng giây từng phút,
tâm thức bị chi phối bởi sự thay đổi và phân hủy. Khái niệm về bản chất của
tâm thức là tính chất ngắn ngủi của nó.
Tuy vậy, như chúng ta đã từng quan sát, bản chất chân thật của tâm thức có
vô số khái niệm, bao gồm ý thức của sự trải nghiệm cụ thể và nhận thức đối
tượng. Bây giờ hãy để chúng ta xét nghiệm sâu hơn để hiểu rõ ý nghĩa bản
chất tinh tế của tâm thức. Tâm thức trở nên hiện hữu bởi vì nguyên nhân của
chính nó. Chối bỏ nguồn gốc tâm thức đến từ một nguyên nhân nào đó, hoặc
cho rằng đó là cách để nhận thức bản chất đa hợp của tâm thức là sai lầm.
Với sự quan sát phiến diện của chúng ta, tâm thức, có trải nghiệm cụ thể
và nhận thức rõ bản chất của nó, xuất hiện như một thực thể mạnh mẽ, độc lập,
chủ quan, và hoàn toàn chiếm ưu thế. Tuy vậy, một phân tách sâu xa sẽ cho
thấy tâm thức nầy, mặc dù có chức năng nhận biết và trải nghiệm, cũng
không phải là một thực thể « bản ngã », nhưng nó dựa vào nhiều yếu tố khác
để hiện hữu. Và như vậy, nó dựa vào một cái gì đó hơn là chính nó. Phẩm chất
không độc lập của bản thể tâm thức là bản chất thật của nó, và đó là thực
tại tột cùng của bản ngã.
Với hai khái niệm nầy, bản chất chân thật cao tột của tâm thức và sự hiểu
biết về bản chất chân thật ấy, khái niệm đầu là nền tảng, khái niệm sau là
thuộc tính. Tâm thức (bản ngã) là căn bản và những trạng thái khác đều là
thuộc tính. Tuy nhiên, căn bản và thuộc tính đều sỡ hữu cùng một bản chất.
Thực thể của tâm thức (căn bản) không có bản ngã (nó dựa vào một nguyên
nhân khác hơn là chính nó) và bản chất của nó, vô ngã (sunyata),
không ngừng hiện hữu như là một, từ vô thủy bản chất đó giống nhau và
không thể tách rời. Bản chất của vô ngã (sunyata) thâm nhập tất cả
mọi thứ. Như chúng ta hiện tại, vì chúng ta không thể nắm bắt hoặc thông
hiểu được thực tại cao tột (sunyata) của tâm thức, do đó, chúng ta
tiếp tục phạm lỗi lầm và tật xấu của chúng ta vẫn còn.
Hãy xem tâm thức như một chủ đề và thực tại cao tột của tâm thức cũng là đối
tượng của nó, một người có thể sẽ hiểu đúng đắn về bản chất chân thật của
tâm thức, cũng như thực tại cao tột của nó. Và sau một buổi tọa thiền dài
nhiều kiên nhẫn, một người có thể nhận thấy và nắm bắt được sự hiểu biết về
thực tại cao tột của tâm thức, nơi đó không có những đặc tính đối lập, một
người sẽ dần dần có thể làm kiệt quệ các ảo tưởng và khuyết điểm của tâm
thức như sự giận dữ, sự phô trương, ganh tỵ, ghen ghét, v…v…
Sự thất bại để nhận định về bản chất chân thật của tâm thức sẽ bị khắc phục
xuyên qua việc đạt được năng lực để hiểu rõ về thực tại cao tột. Nó sẽ diệt
bỏ ham muốn, giận dữ, những ảo giác khác bắt nguồn từ tham, sân, si. Cũng
như vậy, sẽ không còn cơ hội để tích lũy nghiệp xấu ác. Bằng cách nầy, việc
tạo nghiệp (xấu ác) có ảnh hưởng đến tương lại sẽ bị tiêu trừ ; một người
có thể gia tăng lượng và phẩm của những nghiệp tốt lành, và trừ tiệt nghiệp
xấu ác có thể ảnh hưởng đến các kiếp sống trong tương lai – ngoại trừ nghiệp
xấu ác đã tích lũy từ lâu lắm.
Thực tập để có sự hiểu biết hoàn chỉnh về bản chất thật của tâm thức, đòi
hỏi sự gắng sức, tập trung cao độ về tinh thần. Trong trạng thái hiện tại
của chúng ta , khi tâm thức chúng ta đối diện với bất cứ vật gì, tâm thức
tức thời bị vật ấy lôi cuốn. Việc nầy làm cản trở sự hiểu biết. Như vậy, để
đạt được năng lực tinh thần vĩ đại, điều kiện tiên quyết là cần phải có sự
nỗ lực. Thí dụ, một con sông lớn chảy qua một dải đất rộng lớn nông cạn
thì nước chảy ít mạnh, nhưng khi nước chảy qua đèo dốc thì tất cả nước tập
trung nơi chỗ hẹp và như vậy nước sẽ chảy mạnh hơn. Cũng tương tự như vậy,
để tâm thức được tập trung, cần tránh tất cả những giải trí, những sao
lãng, vì nó lôi kéo tâm thức khỏi đối tượng tập trung. Nếu không làm như
vậy, việc thực tập để đạt sự hiểu biết về bản chất thật của tâm thức sẽ
hoàn toàn bị thất bại.
Để dễ sai khiến tâm thức, cần nhất chúng ta phải điều khiển và huấn luyện
nó. Không nên để những hoạt động về thân, khẩu, ý, chạy tán loạn, lung
tung. Giống như một người nài huấn luyện và làm đằm con ngựa hoang bất trị
bằng cách hướng dẫn dạy dỗ nó một cách khéo léo, lâu dài ; cũng như vậy,
các hoạt động của thân, khẩu, cần được huấn luyện để làm cho chúng trở nên
dễ sai khiến, chính đáng và hoàn chỉnh. Do đó, những Bài giảng của Đức Phật
bao gồm ba loại, đó là sila (giới luật), samadhi (thiền định)
và prajna (trí tuệ), tất cả để huấn luyện tâm thức.
Bằng cách học hỏi, thiền định và thực tập vào Tam Học (trisiksa), một
người sẽ thăng tiến để đạt được sự tỉnh thức. Một người thực tập miên mật
với phẩm chất tốt đẹp có thể chịu đựng một cách kiên nhẫn những nỗi đau khổ,
kết quả của nghiệp xấu trong quá khứ. Anh ta sẽ xem sự xui rủi như là sự
may mắn trá hình, bởi vì nó giúp cho anh ta tỉnh thức về ý nghĩa của sự
báo ứng (nghiệp) và thuyết phục anh ta cố gắng chú trọng vào những
việc làm phước thiện. Nếu như nghiệp xấu ác (evil) của quá khứ chưa chính
muồi, anh ta vẫn có khả năng để xóa sạch nghiệp chưa trổ quả bằng cách sử
dụng sức mạnh của bốn năng lực, như sau : quyết tâm đạt thành quả vị Phật ;
quyết tâm kiêng cữ những hành động bất thiện kể cả dám hy sinh thân mạng;
làm việc phước thiện, và sám hối.
Đó là con đường để đạt đến hạnh phúc tức thời, dọn sẵn đường cho sự giác
ngộ trong tương lai và để tránh tích lũy thêm những nghiệp bất thiện.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/