Từ khoảng thế kỷ thứ I đến thứ
V sau Tây lịch, tại đất nước Ấn Độ, một luồng gió tư tưởng mới đã trổi lên,
một đốm lữa cỏn con trong đống tro tàn trải qua bao năm tháng bị chôn vùi
bởi sự tha hoá và sự tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, đẩy chiếc nôi Phật giáo
nước này vào con đường hoại diệt tưởng chừng như không thể cứu vãn, giờ đã
bùng cháy vang dậy cả năm châu bốn bể. Người ta gọi thời này là thời kỳ
vận động cách mạng của Phât giáo. Cách mạng và xác lập lại nền giáo lý,
giáo quyền mà dã từng chiếm địa vị tối thượng đối với nền chính trị, xã
hội, tôn giáo, tư tưởng, triết học.v.v.. trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.
Thời kỳ này Phật giáo trăm hoa
đua nở, một thời đại vô cùng vàng son, các bậc long tượng xuất hiện, như
Ngài Thế Hữu, Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân…, đã vực dậy nền giáo
lý và làm cho Phật giáo phát triển mạnh mẽ, phổ cập rộng rãi. Các Ngài
đứng ra cách mạng lại toàn bộ tư tưởng giáo lý, thăng hoa nền tảng văn
minh Phật giáo lên tột đỉnh . Đó là tư tưởng Đại thừa, tư tưởng này rất
phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu cho việc phát triển tu tập tâm
linh, đồng thời cung cấp tư liệu cho nền triết học văn minh nhân loại. Nền
tảng giáo lý Đại thừa được thiết lập trên một hệ thống triết lý rất đặc
sắc, đó là “Triết Học Tánh Không”.
Xuất sanh của Triết học Tánh
Không là bộ kinh Đại Bát-nhã, tiếp đó là một loạt kinh tạng xuất hiện như
kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Duy-ma-cật, Pháp Hoa, Niết-bàn… nhằm xiển
dương tư tưởng “Diệu Hữu”. Trên cơ sở đó, tư tưởng Tịnh độ cũng
được thiết lập rất phong phú qua nhiều hình thức khác nhau, như Tịnh độ
của Phật A-di-đà, Tịnh độ của Phật Dược-sư, cõi Đâu-suất của ngài Di-lặc,
các cõi trời v.v… Nói chung là quan niệm về cảnh giới an lạc, hạnh phúc từ
tương đối đến tuyệt đối được đề cập đến, điều đó đáp ứng nhu cầu hướng
thượng của nhân loại.
Ngoài những mô hình Tịnh độ này
ra, Kinh Duy-ma-cật đã xây dựng cõi Tịnh độ trên nền tảng tư tưởng
“Chơn Không Diệu Hữu” mang tính cách tích cực nhập thế. Quan điểm của
Duy-ma thiết lập là lấy việc giáo hóa con người làm trọng tâm, mà nguời
thực hiện công việc là Bồ-tát. Vì thế rất phổ biến và thực tiễn cho cuộc
sống nhân sinh. Điều này được thể hiện qua Kinh Duy-ma-cật. Tịnh độ là một
trong những chủ đề cốt lõi, xuyên suốt bộ kinh, với mục đích là kiến tạo
mộ thế giới an lạc hạnh phúc giữa nhân sinh thông qua tư tưỏng chủ đạo là
“Chân không diệu hữu”.
Kinh dạy :“Mọi tầng lớp
chúng sinh là tịnh độ của Bồ-tát . Vì sao? Vì Bồ-tát dựa trên công hạnh
giáo hóa chúng sinh mà có được cõi Phật thanh tịnh. Tuỳ sự điều phục chúng
sinh mà Bồ-tát có được Tịnh độ. Tuỳ sự bồi dưỡng trí huệ cho chúng sinh mà
có được cõi Phật thanh tịnh. Tuỳ sự gieo trồng Phật chủng cho chúng sinh
mà Bồ-tát có được cõi Phật thanh tịnh” (Kinh Duy-ma-cật, Thích Từ
Thông dịch). Thế nên Bồ-tát lấy chúng sanh làm nền tảng kiến tạo Tịnh độ,
Tịnh độ đó đòi hỏi phải thiết lập trên trên tự tâm, nếu tâm tịnh thì quốc
độ tịnh. Vì vậy Bồ-tát thực thi kiến tạo Tịnh độ đòi hỏi vị đó có đủ tiêu
chuẩn gì? Phẩm chất của người thiết lập cõi tịnh như thế nào? Dựa vào đâu
để thiết lập cõi tịnh?
I- Phẩm chất.
Đối với những bộ kinh khác,
Kinh Duy-ma-cật có một đặc điểm riêng biệt, đó là mở đầu kinh hoàn toàn
giới thiệu về phẩm chất của Bồ-tát và đương cơ là Bồ-tát chứ không đá động
đến hàng Thanh văn đệ tử. Như thế đã làm nổi bật phẩm chất của Bồ-tát và
được xác định phẩm chất ưu việt trong hàng ngũ đệ tử Phật. Chi có Bồ-tát
mới có những khả năng thực hiện được những hoài bảo của Phật, đem đến cho
chúng sanh sự hạnh phúc an lạc thực thụ. Nhưng phẩm chất ấy được giới
thiệu trong kinh mà chúng Đại Bồ-tát có đủ như : “Đại trí bản hạnh đã
hoàn thành cả, thường được uy đức chư Phật xây dựng, làm thành trì mà tiếp
nhận giữ gìn chánh pháp, hùng biện như tiếng sư tử gầm, danh tiếng vang
động khắp mười phương… gần được tuệ giác tự tại, mười năng lực, bốn vô úy
và mười tám pháp bất cộng của Phật, tất cả toàn là những phẩm chất không
có gì có thể đồng đẳng, đống bít ba cửa ngỏ của các nẽo đường ác, sanh
trong năm đường mà biểu hiện thân hình trong năm đường ấy, làm vị thầy
thuốc vĩ đại, khéo chữa mọi bệnh, tùy bệnh cho thuốc làm cho bình phục,
làm thành vô lượng công đức, làm sạch vô biên thế giới, ai thấy nghe đều
lợi ích, việc làm không có gì mà không hiệu quả, tất cả những phẩm chất
như vậy, chúng Đại Bồ-tát đều có đủ” (Kinh Duy-ma, Phẩm Tịnh độ, Trí
Quang dịch)
Qua kinh đã giới thiệu các
Bồ-tát có đủ phẩm hạnh, trong đó Bồ-tát Văn Thừ được giới thiệu sau cùng
và nổi bật nhất. Bồ-tát Văn Thù là một nhân vật có đầy đủ khả năng, công
hạnh và trí giác ngang bằng với Đức Phật. Ngài được xem như một bậc đại
trí viên mãn, mới có khả năng đi thăm bệnh Duy-ma. Bên cạnh đó những vị
Bồ-tát có những công hạnh khác nhau, nhưng những công hạnh đó mang tính
chất quán chiếu các pháp trong tầm mắt bất nhị, nhìn ra hiện tượng tuy có
sự sai biệt nhưng thấu hiểu được bản chất của nó vốn không hai. Cho nên
việc thực hành Bồ-tát hạnh dễ dàng đi thẳng vào cuộc đời để kiến tạo Tịnh
độ không bị chướng ngại. Trong đó còn có một nhân vật đặc biệt nhất và là
một nhân vật chính của bộ kinh này, đó là Trưởng giả Duy-ma-cật. Ngài Duy-ma
là một vị Bồ-tát tại gia, nhưng trí tuệ vượt lên trên cả Bồ-tát Văn Thù.
Điều này cho chúng ta thấy rằng, kinh Duy-ma-cật đã mở ra một con đường
mới, một con đường giải thoát cho hàng cư sĩ tại gia. Người tại gia cũng
có thể đảm đương được công việc Phật sự, cùng sánh vai với hàng Bồ-tát.
Nói tóm lại, Các bậc Bồ-tác
được giới thiệu là những bậc đương cơ, có những công hạnh phẩm chất tuyệt
vời, đều thành tựu đại trí huệ, đại từ bi, thành tựu được tâm vô lậu học,
phương tiện thiện xão, biện tài vô ngại , thành tựu bốn vô sở úy, đầy đủ
thần lực , tự tại trên vạn pháp nhằm xiển dương giáo lý Phật-đà, có khả
năng hàng phục chướng ma, ngoại đạo, quy hướng chúng sanh về với Phật đạo,
đó là phẩm chất mà Bồ-tát phải thành tựu trong việc kiến lập Tịnh độ.
II- Nền tảng thiết lập tịnh
độ.
Cõi Tịnh được kinh Kinh Duy Ma
giới thiệu khác hẳn với những cõi Tịnh Độ khác, bởi nền tảng căn bản để
xây dựng cõi tịnh của kinh Duy Ma là ở con người. Tư tưởng này được thiết
lập giữa cõi được mệnh danh là: “Ngũ được ác thế”, nơi mà có sự hiện diện
con người đang sinh sống, đang lặn hụp trong biển khổ, đang sống trong dục
lạc và đang bị ngũ dục lôi kéo v.v.. thì nơi ấy là Tịnh Độ của Bồ tát hay
Bồ tát xây dựng cõi Tịnh trên đó. Điều này đã làm sáng tỏ về tính nhân
bản của đạo Phật, nhấn mạnh việc lấy con người làm trung tâm điểm
để giáo hoá. Theo tư tưởng của kinh, việc thiết lập Tịnh độ giữa nhân
gian, Bồ-tát lấy chúng sanh làm nền tảng căn bản, nói cách khác là lấy con
người, lấy mọi tầng lớp xã hội làm nơi y cứ để thiết lập Tịnh độ. Sở dĩ
như vậy bởi chúng sanh là đối tượng chủ yếu của Bồ-tát, nếu lìa chúng sanh
thì Bồ-tát không thể thực hành hạnh nguyện. Thế nên kinh dạy: “Bồ-tát
kiến lập Tịnh độ dựa trên công hạnh làm lợi lạc chúng sanh, vì như người
muốn xây cất lâu đài phải xây nền mống trên đất. Nếu không có đất thì
không thể xây cất lâu đài được” (Thích Từ Thông dịch).
Chúng sanh vô lượng, đủ mọi
tầng lớp, mỗi mỗi đều có trình độ căn tánh bất đồng, vì vậy Bồ-tát phải
tùy từng trình độ căn cơ mà thiết lập phương tiện giáo hóa, tuỳ duyên đi
vào cuộc đời để giải trừ tất cả khổ đau cho chúng sanh, xây dựng cho nền
tảng tâm thức của họ một cảnh giới an vui, nhưng Bồ-tác không bị đồng hóa
làm mất bản chất của mình, mà còn xây dựng cho mình một năng lực của tuệ
giác quán chiếu, bởi đã nhận rõ sâu sắc về bản tính của các pháp vốn không.
Thế nên đi giữa bụi trần mà không vị bụi trần bám víu. Ví như hoa sen mọc
trong bùn nhơ, độ bùn càng sâu thì giúp cho sen đơm hoa tỏa hương càng
nhiều mà không bị bùn nhơ làm mất sự tinh khiết của sen. Bồ-tát cũng thế,
rõ biết các pháp vốn không , nên không còn chấp thủ mà lại thăng hoa phẩm
chất của mình bằng lãnh vực lợi tha, như thế chẳng phải là tư tưởng
“Chơn Không Diệu Hữu” chăng?
Chúng sanh đau khổ vô lượng thì
hạnh nguyện của Bồ-tát cũng vô biên, phát nguyện dấn thân vào trong đau
khổ để giáo hóa chúng sanh mà không một đòi hỏi hay điều kiện nào đặt ra.
Bồ-tát quên đi hạnh phúc của mình để lợi ích chung cho mọi người. Hạnh
nguyện đó đã thể hiện được đặc chất của Phật giáo. Đạo Phật không xây dựng
trên một hệ thống lý thuyết mang tính tiêu cực yếm thế, ngược lại tích cực
và đi vào thực tế trong đời sống con người. Kinh dạy : “Vì tuệ giác của
Bồ-tát mà khởi lên tâm từ, vì cứu vớt chúng sanh mà khởi lên tâm bi, vì
giữ chánh pháp mà khởi lên tâm hỷ, vì thâu nhiếp trí tuệ mà khởi lên tâm
xả. Vì thâu nhiếp những kẻ tham lam mà khởi lên tâm thí độ. Vì hóa độ
những kẻ phạm giới mà khởi lên giới độ…” (Phẩm Bồ-tát. Trí Quang dịch).
III- Tâm lý thiết lập Tịnh
độ.
Như trên đã nói, Bồ-tát kiến
tạo tịnh độ là lấy chúng sanh làm căn bản. Tuy nhiên, trước tiên phải xây
dựng cho mình một số tư lương vững chắc về tâm lý. Trong đó, những đức
tính căn bản như thành tựu Tứ vô lượng tâm, thành tựu được Sáu ba-la-mật,
Tứ nhiếp pháp, cho đến tâm hướng về Tứ hoằng thệ nguyện... Có được những
đức tính đó mới có thể thực thi việc kiến tạo Tịnh độ. Thế nhưng một vị
Bồ-tát thực hành hạnh nguyện của mình thì không thể thiếu được ba tâm lý
cần thiết, đó là trực tâm, thâm tâm và Bồ-đề tâm. Kinh dạy : “Tâm ngay
thẳng là Tịnh độ của Bồ-Tát. Khi Bồ-tát thành chánh giác thì chúng sanh
không dua nịnh vãng sanh Tịnh độ của Bồ-tát. Tâm sâu xa là Tịnh độ của
Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành chánh giác thì chúng sanh toàn hảo công đức vãng
sanh Tịnh độ của Bồ-tát. Tâm Bồ-đề là Tịnh độ của Bồ-tát, Khi Bồ-tát thành
chánh giác thì chúng sanh Đại thừa vãng sanh tịnh độ của Bồ-tát.” (Phẩm
Tịnh độ, Trí Quang dịch)
Trực tâm là tâm ngay thẳng, tâm
không dua nịnh quanh co, không xiểm trá lường gạt, đố kỵ, ganh ghét, giã
dối..., đó là việc làm căn bản của hành giả tu tập. Tuy nhiên, đối với
hành giả sơ phát tâm, chưa thuần thục được mà còn có những tính cách phàm
phu, nhưng cũng nhờ vào chí hướng thượng nên tâm luôn luôn nuôi dưỡng
những tâm nguyện và chánh hạnh hướng về con đường Phật đạo, thì dần dần
tạo thành một năng lực chuyển hóa nội tâm. Chuyển hóa những phẩm tính xấu
xa, tạo ra cơ hội cho việc thăng hoa trên bước đường tu tập.
Thâm tâm là tâm sâu xa, nghĩa
là tâm am hiểu Phật pháp, tâm trực giải Phật lý, tâm hướng về Phật đạo,
tâm chánh tín Tam bảo, tâm hướng đến con đường giải thoát. Bằng nghị lực,
ý chí kiên cường và quyết định tạo thành một năng lực mà hành giả thực
hành Bồ-tát hạnh dễ dàng vượt qua mọi cám dỗ của thói hư tật xấu, vượt
qua mọi thử thách của cuộc đời, an nhiên đi vào trong sanh tử mà không bị
lạc hướng.
Bồ-đề tâm là nền tảng căn bản
nhất của hành giả tu Phật, là nền móng để Bồ-tát kiến tạo tịnh độ. Bồ-đề
tâm là tâm hướng thượng, tâm thượng cầu Phật đạo, tâm hạ hóa chúng sanh,
tâm giác ngộ giải thoát, tâm tầm cầu trí huệ, tâm siêu việt nhị nguyên, vì
thế Bồ-đề tâm không chấp thủ, tâm ấy đặt nặng hạnh nguyện vì lợi ích chúng
sanh, dẫn dắt chúng sanh quy hướng Phật đạo, vượt thoát sanh tử. Đó là đơn
cử vài đức tính tâm lý của hành giả thực hành hạnh Bồ-tát, Kiến tạo Tịnh
độ.
IV- Cơng hạnh thiết lập Tịnh
độ
Nền tảng tâm lý vững chắc, tức
là động cơ đã ổn định, tiếp đến là công hạnh tu tập của Bồ-tát. Bồ-tát đối
với các pháp môn tu tập cần phải thông suốt, dùng trí huệ quán chiếu sâu
vào hết thảy pháp thế và xuất thế gian, rõ biết được bản chất của chúng
vốn là vô thường, vô ngã, từ đó lìa được chấp thủ. Sự tu tập của hành giả
thực hành Bồ-tát hạnh ở trong kinh văn nói hầu hết các pháp môn rất quan
trọng, như thực hành lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền
định, trí huệ. Tu tập Tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả, Tứ nhiếp pháp: Bố
thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp, và đồng sự nhiếp. Ba mươi bảy
phẩm trợ đạo: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực,
Thất Bồ-đề phần và Bát chánh đạo phần. Tu tập các phương tiện thiện xảo,
các tâm hồi hướng, tứ hoằng thệ nguyện, tu tập các pháp môn đó tạo cho
mình một nội lực tâm thức kiên cố, định lực sâu dày. Sự thực hành này vì
mục đích thành tựu Phật quả, vì quy hướng chúng sanh về với Phật đạo,
thiết lập cho chúng sanh một ngôi nhà giải thoát kiên cố. Tất cả các pháp
môn tu tập này đều phải xây dựng trên nền tảng trực tâm, thâm tâm và Bồ-đề
tâm. Nhưng công hạnh tu tập này là những chất liệu gạch, ngói, cát, đá, xi
măng để kiến thiết nên cõi tịnh độ.
Vã lại, vì căn tánh chúng sanh
bất đồng, trình độ có thấp có cao, muôn vàn sai biệt, nên Bồ-tát phải dùng
vô số phương tiện thiện xảo, nhằm đáp ứng nhu cầu đó của họ. Muốn làm
được điều đó đòi hỏi Bồ-tát phải thông hiểu Ngũ minh: Nội minh, nhân minh,
y phương minh, công xảo minh, thanh minh. Nhưng trong đó quan trọng nhất
là Nội minh. Chính là sự thông hiểu giáo pháp của Đức Phật, là chìa khóa
để mở kho tàng tâm thức mọi người. Nhờ sự thông hiểu Ngũ minh mà Bồ-tát
thực hiện phương tiện để đi vào lòng người kiến tạo tịnh độ một cách dễ
dàng hơn. Vì thế kinh dạy: “Bồ-tát thích ứng các pháp môn ba-la-mật mà
giáo hóa chúng sanh, thì mọi động tác cất chân lên, để chân xuống, nên
biết toàn là từ Đạo Tràng mà đến nơi Phật” (Phẩm Bồ-tát, Trí Quang
dịch).
Tóm lại, Pháp môn tu tập thì vô
lượng, nhưng đòi hỏi hành giả phải thành tựu chủ yếu là tam vô lậu học:
Giới, Định, Tuệ, nhằm mục đích xây dựng Phật quả, kiến tạo một thế giới an
lạch hạnh phúc cho hết thảy mọi người.
V- Lộ trình tm thực hnh hạnh
Bồ-tt.
Phẩm chất đã có, nền tảng đã
lập, tâm lý đã vững, tiếp đến là quá trình tu tập của Bồ-tát. Tức là nói
đến bước đường tu tập chuyển hoá của người thực hành Bồ-tát hạnh, chuyển
hoá những tập khí ô nhiễm dược tích tụ lâu đời trở thành tâm vô nhiễm,
chuyển hoá những tật xấu của kẻ phàm phu tục tử thành hạnh lành của bậc
Thánh… . Việc phát nguyện thực hành công hạnh tu tập, trên bước đường tiến
tới đạo quả bắt đầu từ tâm ngay thẳng. Tâm ngay thẳng là tâm chơn thật,
tâm của hành giả như một mảnh vải trắng tinh, không có một vết bẩn nào
loang lỗ trên mảnh vải đó. Có được tâm ngay thẳng rồi thì mới có thể làm
giềng mối để bước vào giải hạnh tu tập. Kinh dạy: “Này Bảo Tích, Bồ-tát
tuỳ tâm ngay thẳng mà phát khởi việc làm, tuỳ phát khởi việc làm mà được
tâm sâu xa, tùy tâm sâu xa mà ý thức thuần hóa, tuỳ ý thức thuần hóa mà
làm đúng như lời nói , tuỳ làm đúng như lời nói mà hồi hướng, tuỳ hồi
hướng mà có phương tiện, tuỳ phương tiện mà tác thành chúng sanh, tuỳ tác
thành chúng sanh mà quốc độ thanh tịnh, tuỳ quốc độ thanh tịnh mà thuyết
pháp thanh tịnh, tuỳ thuyết pháp thanh tịnh mà tuệ giác thanh tịnh, tuỳ
tuệ giác thanh tịnh mà tâm thanh tịnh, tuỳ tâm thanh tịnh mà công đức
thanh tịnh. Do vậy, này Bảo Tích, Bồ-tát muốn được Tịnh độ thì phải tịnh
tâm ấy. Tâm tịnh thì độ tịnh” (Phẩm Tịnh độ, Trí Quang dịch).
Như vậy, cõi Tịnh độ được kiến
tạo nhờ vào quá trình tu tập, chuyển hoá tâm thức của người thực hành
Bồ-tát hạnh. Muốn có được tâm thanh tịnh thì hành giả phải trau dồi sức
tinh tấn. Nếu không có sự tinh tấn, quả vị Bồ-đề khó có thể thành tựu. Nếu
không có sức tinh tấn thì không có một công đức nào có thể thành tựu, cũng
như không có gió thì làm sao có thể có sự lay động của cây cối. Việc
Bồ-tát cần phải làm là phải siêng năng thực hành các hạnh lành, xa lìa sự
lười biếng, chán nản, không tin tưởng ở chính bản thân mình. Sở dĩ chúng
sanh ưa thích tạo ác, khoái lạc ngủ nghỉ, hay nhờ cậy vào kẻ khác là bởi
không có sức tinh tấn. Khi tâm hành giả huấn luyện đến mức xem thân thể
chẳng khác gì cỏ cây thì việc bố thí cả đến xương thịt đâu có khó khăn gì,
vì thế nghị lực của Bồ-tát có được là nhờ vào sự tinh tấn của bản thân
trên bước đường tu tập, nhờ vào sức tinh tấn giáo hoá chúng sanh mà Bồ-tát
thành tựu được tất cả cộng đức thiết lập được cõi Tịnh độ giữa xã hội con
người.
Việc kiến tạo Tịnh độ bắt nguồn
từ tâm thanh tịnh, nếu tâm bình thì thế giới bình, tâm tịnh thì quốc độ
tịnh. Nên kinh nói : “Tuỳ kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. Tâm tịnh
là tâm lìa vọng tưởng điên đảo, tâm không phân biệt chấp thủ, tâm chánh
tín Tam Bảo, tin sâu vào chân lý, tin vào khả năng giác ngộ và đường hướng
Phật đạo của chính mình. Khi chuyển hóa được tâm thức thì thiện pháp được
tăng trưởng, nhờ vậy mới thành tựu được công đức, đem hồi hướng về cho
chúng sanh. Dùng phương tiện giáo hóa chúng sanh, các tự lợi lợi tha đều
được viên mãn thì công đức cũng viên mãn. Đó chính là cõi Tịnh độ hiện
tiền.
Đã thành tựu được nền tảng tâm
tịnh, việc tiếp theo Bồ-tát trực tiếp đi vào cuộc đời để kiến tạo tịnh độ.
Bồ-tát thể hiện tâm nguyện của mình trên phương diện tùy thuận chúng sanh
mà làm con người mô phạm cho chúng sanh noi theo hạnh nguyện đó. Việc giáo
hóa chúng sanh không chỉ là những lời nói suông, mà chủ yếu dùng nội lực
do tự tâm ấy tu tập để cảm hóa họ, đáp ứng mọi nhu cầu tâm linh của họ.
Hạnh Bồ-tát không chỉ dừng nơi tự lợi mà tất cả đều hướng tâm về sự lợi
ích của người khác. Sự kiến tạo hay trang nghiêm cõi Phật. Bồ-tát hướng
tâm về Bồ-đề đạo, về quả vị giác ngộ để kiến tạo cảnh giới an lạc thiết
thực cho nhân gian. Đồng thời dùng tâm hồi hướng làm thước đo tiêu chuẩn
và là chỗ quy hướng đến mục đích cao thượng. Bồ-tát hồi hướng đế tha nhân,
hy sinh cho tha nhân mà tâm không đòi hỏi, không điều kiện. Từ đó hành giả
mới loại trừ được tất cả sự chấp ngã, chấp pháp. Lấy những cảnh khổ đau
của chúng sanh làm những hạnh tu của mình, lấy phiền não của chúng sanh
làm quả vị Bồ-đề của mình. Lấy việc làm sai lầm tội lỗi của chúng sanh để
làm những công hạnh chơn chánh của mình. Lấy sinh tử của chúng sanh để
thực hiện cõi Niết-bàn của mình. Chúng sanh có những thú hướng nào thì
Bồ-tát tuỳ thuận vào trong thú hướng đó để làm pháp tu cho mình. Đi vào
trong dâm phòng tửu điếm để thực hành phạm hạnh. Nhưng tất cả đều là
phương tiện quyền xảo để lôi kéo chúng sanh ra khỏi lầm lạc. Tâm của
Bồ-tát khi ấy không rời khỏi đạo tràng tịch tịnh. Tâm an trụ trong Tam-ma-đề,
tâm không rời tự tánh thanh tịnh. Thế nên Kinh dạy: “Ở trong sanh tử mà
không ô nhiễm, ở trong Niết-bàn mà không vĩnh viễn, ấy là hạnh Bồ-tát,
không phải làm như phàm phu, không phải làm như hiền thánh, ấy là hạnh của
Bồ-tát” (phẩm Thăm bệnh, Trí Quang dịch).
Bồ-tát hạnh là dựa trên tâm,
không lìa tâm tu tập lấy cảnh giới chúng sanh làm cảnh giới của mình để
chuyển hóa cảnh giới ấy thành tịnh độ, quán chiếu sâu sắc vào các pháp, rõ
biết tánh của các pháp vốn không, nên hành giả tự nhiên đi vào sanh tử
“… Làm năm tội ngũ nghịch mà không quấy phá tức giận. Đến địa ngục
mà không dơ bẩn tội ác. Đến súc sanh mà lại không có ngu muội. Đến ngạ qủy
mà hoàn thiện công đức… Thị hiện tham dục mà lại xa rời nhiễm trước. Thị
hiện sân giận mà không tức giận chúng sanh. Thị hiện ngu si mà lại thuần
hóa tâm tánh bằng trí huệ. Thị hiện tham lam mà lại xả bỏ của trong ngoài,
tính mạng cũng không tiếc. Thị hiện phạm giới mà đứng yên trong tịnh giới.”
(phẩm Đường đi của Phật. Trí Quang dịch).
Tóm lại, “Chúng sanh bệnh
nên ta bệnh, chúng sanh bệnh hết thì bệnh ta cũng hết”. Mô hình kiến
tạo Tịnh độ ấy là lấy chúng sanh làm nền tảng căn bản để xây dựng cõi Tịnh
trên tâm con người. Bởi đó là một phương thức để Bồ-tát thực hành hạnh
nguyện, hướng đến mục đích của mình. Tư tưởng Tịnh độ này phong phú, rất
thực tiễn đối với con người. Vì thế cho chúng ta thấy rằng, đạo lý ấy,
thái độ tâm lý ấy giúp cho con người xác định được vai trò của họ đối với
xã hội, đối với nhân loại và là đối với cuộc đời của họ mà không cần phải
nhờ vào một ân điển nào. Thế giới đau khổ tăm tối hay hạnh phúc sáng tỏ là
do cách nhìn của con người, cánh nhìn đó đã xác định vị trí của con người
qua thực nghiệm tâm linh mà không qua biểu hiện hình thức bên ngoài. Đó là
một đạo lý nhân bản, mở ra một cửa ngỏ cho chúng sanh, cho mọi con người
hướng đến.
TQĐ.
Ti liệu tham khảo:
Kinh Duy Ma Cật, Thích Từ Thơng
dịch.
Kinh Duy Ma Cật, Trí Quang dịch.
Gio trình giảng dạy trường TCPH
Đồng Nai, Thích Viên Giác biên soạn.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/kientao_tinhdo.htm