Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Vua Minh Đế nhà Hán và Kinh Tứ Thập Nhị Chương

(Ấn Thuận Đại Sư, Diệu Vân tập, hạ biên chi cửu: Phật giáo sử địa khảo luận, tr.343-356)

Thích Phước Năng dịch


 Nói về sự kiện Phật giáo truyền vào Trung Quốc, có một ý kiến mà xưa nay các sử gia thường công nhận, là "Vua Minh Đế nhà Hán nằm mơ, Phật giáo bắt đầu truyền vào Trung Quốc." (Hán Minh cảm mộng, sơ truyền kỳ Đạo. - Cao Tăng truyện). Những tác phẩm xưa nhất có chép ý kiến này, là Bài tựa Kinh Tứ thập nhị chương (Tứ thập nhị chương kinh tự) Lý hoặc luận của Mâu Bác (Mâu tử Lý hoặc luận). Lý hoặc luận là tác phẩm được viết vào thời vua Hiến Đế nhà Hán (khoảng 200cn), trong đó có nói việc vua Minh Đế nằm mơ thấy người vàng, và sai sứ giả đi cầu Pháp. Bài tựa cũng có kể việc vua Minh Đế sai sứ cầu Pháp, giống như Lý hoặc luận, nhưng lời kể ngắn gọn hơn. Trong Lý hoặc luận, rõ ràng có trích dẫn nội dung của Kinh Tứ thập nhị chương, cho nên nhất định Lý hoặc luận đã có tham khảo Bài tựa. Sớm hơn Lý hoặc luận một chút, vào đời vua Hoàn Đế nhà Hán, niên hiệu Diên Hy thứ 09 (166cn), ông Tương Giai trong phần thượng của bản sớ giải bộ sách Thái bình Thanh lãnh thư, cũng có dấu vết của việc trích dẫn nội dung Kinh Tứ thập nhị chương (Xem Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc triều Phật giáo sử, bốn chương đầu, của Thang Dụng Đồng). Bài tựa khi nói về vua Minh Đế nhà Hán đã viết là: "Xưa kia, Hiếu Minh Hoàng đế…", cho thấy Bài tựa được viết sau thời vua Minh Đế. Thế thì, việc ghi chép chuyện Hán Minh Đế nằm mơ gặp người vàng, rồi sai sứ đi cầu Pháp, hẳn phải bắt đầu từ sau thời vua Minh Đế đến khoảng những năm thuộc niên hiệu Diên Hy của vua Hoàn Đế (76-156cn); thời điểm này thì không thể phủ nhận là rất xưa.

Thật ra, Phật giáo đã truyền vào Trung Quốc trước thời vua Hán Minh Đế khá lâu. Minh Đế có một người em trai cùng cha khác mẹ, làm vương của nước Sở, tên là Anh. Niên hiệu Kiến Vũ thứ 28 (53cn), Anh được cho sang nước Sở làm vương (vua nước nhỏ). Trong Hán thư, phần Sở vương Anh truyện, chép: "Anh về già càng thích đạo Phật; xây chùa, ăn chay, cúng dường". Năm Vĩnh Bình thứ 08 (65cn), Sở vương Anh tổ chức một buổi lễ cúng dường vải lụa để sám hối (chuộc tội), ông xuống chiếu nói rằng: "Sở vương thích đọc kinh Lão, mến chùa Phật[1]. Nay ăn chay 03 tháng, thề với thánh thần, có bao nhiêu tội lỗi đều xin sám hối! Phẩm vật cúng dường dùng để trợ giúp cuộc sống của Y Bồ Tắc và Tang Môn." Theo đấy, những nghi thức sinh hoạt của Phật giáo như ăn chay (một năm) ba tháng, các thành phần của Phật giáo như hai giới xuất gia (Tang môn) và cư sĩ (Y bồ tắc), những hình thức cúng dường cho Tăng già…đều đã có mặt tại Trung Quốc. Được Sở vương tin tưởng sùng bái, được Minh Đế tôn trọng, có thể thấy rằng tình hình của Phật giáo lúc ấy, đã tương đối phát triển và khả quan. Sớm hơn chút nữa, Ngụy Lược Tây nhung truyện của Ngư Hoạn ghi: "Xưa, vào năm đầu thuộc niên hiệu Nguyên Thọ của vua Ai Đế đời Hán (02 trước cn), một vị quan (chức danh) Học trò Nhà Uyên Bác (Bác sĩ Đệ tử) là Cảnh Lư, được sứ giả của nước Đại Nguyệt Chi tên là Y Tồn truyền miệng cho một bộ kinh Phật. (Y Tồn) Nói với Cảnh Lư rằng: 'Hậu Lập chính là người ấy'." Vị quan (chức danh) Học trò Nhà Uyên Bác (Bác sĩ Đệ tử)[2] tên Cảnh Lư, phần Văn học của bộ sách Thế thuyết Tân ngữ, gọi là Cảnh Lự, sách Ngụy thư Thích Lão chí gọi là Tần Cảnh Hiến, sách Thông Điển gọi là Tần Cảnh, sách Thông chí gọi là Cảnh Nặc. Trong đó, thông dụng nhất là cái tên Cảnh Hiến. Cảnh, là một dòng họ bề thế trong nước Sở. Lư, Lự, Hiến, Nặc, chỉ là do sự sao chép mà có sai khác. Truyền thuyết này là truyền thuyết có nguồn gốc xác thực. Đời Tống, Đổng Du trong Quảng Lâm xuyên họa bạt, quyển 02, cũng kể đến chuyện này; bảo rằng: "Dẫn theo thư tịch trong thư viện của Hoàng gia nhà Tấn". Đời Tấn, ông Nguyễn Hiếu Tự trong bài tựa của sách Thất lục nói, trong những thư tịch của thư viện Hoàng gia triều Tấn, có 16 quyển kinh sách Phật giáo (theo Quảng Hằng Minh tập). Trong khi đó, trong bộ Tùy thư, phần Kinh tịch chú, nói những thư tịch trong thư viện của Hoàng gia nhà Tấn vốn là của thư viện Hoàng gia nhà Ngụy. Điều này cho thấy, trong thư viện Hoàng gia của hai vương triều Ngụy - Tấn, có 16 quyển kinh Phật; cái quyển kinh Phật mà Cảnh Hiến được sứ giả nước Đại Nguyệt Chi truyền cho, cũng nằm trong đó. Bộ sách Ngụy Lược Tây Nhung truyện nói: "Hậu Lập, chính là người ấy". Thế thuyết Tân ngữ cho rằng, chữ Hậu Lập chính là chữ Hậu Đậu . Thật ra, chữ Hậu là chữ viết sai của chữ Phục , Phục Đậu chính là chữ dịch âm ngày xưa của chữ Phật Đà. Điều này cho thấy, trong quyển kinh mà Cảnh Hiến được truyền thụ, chữ Phật được dịch âm là chữ Phục Đậu. Đây quả là một truyền thuyết đáng tin, có thể nói đây là thời điểm rất sm trong sự truyền bá và phiên dịch kinh Phật.

Tôi tin rằng, Phật giáo được truyền vào Trung Quốc còn sớm hơn thời gian ấy nữa.

Các bộ Quốc sử của đất nước Trung Quốc và Lịch sử Phật giáo Trung Quốc đều cho rằng khi vua Minh Đế đời Hậu Hán mơ thấy một người thân bằng vàng ròng, rồi sau đó sai đi cầu Pháp, là lúc Phật giáo bắt đầu truyền vào Trung Quốc. Sự kiện này nhất định không phải không có  nguyên nhân. Hẳn là Phật giáo Trung Quốc thời ấy đã có một dạo rất hưng thịnh, được sự tôn trọng chính thức của quốc gia, nên sách sử mới lấy đó làm mốc mà tính lúc Phật giáo bắt đầu truyền vào. Nay hãy xem một đoạn có liên quan việc này của Lý hoặc luận, rồi sẽ phân tích tiếp: "Xưa kia, Hiếu Minh Hoàng đế nằm mơ, thấy một vị thần, thân hình tỏa  ra ánh sáng rực rỡ, bay đến trước cung điện, ngài rất vui mừng. Sáng ra, hỏi khắp quần thần, đấy là vị thần tiên nào? Có vị quan (chức danh) Nhà Thông Thái (Thông nhân) tên là Phó Nghị tâu: 'Thần nghe, bên nước Thiên Trúc có một người tu hành đắc Đạo, gọi là Phật. Vị ấy có thể bay trong hư không, toàn thân tỏa ra ánh sáng rực rỡ. Có lẽ vị ấy là vị thần trong mơ.' Vua nghe xong, sực tỉnh, sai sứ giả là Trương Khiên, quan (chức danh) Vũ Lâm Lang trung là Tần Cảnh, quan Tiến sĩ Đệ tử là Vương Tuân…tất cả 12 người,..ở nước Đại Nguyệt Chi chép bộ Kinh Tứ thập nhị chương, (đem về) cất tại tầng thứ 14 của lầu Lan Đài. Rồi xây chùa Phật ở cửa Ung (Ung môn), phía Tây của kinh thành Lạc Dương. Trên vách chùa vẽ cảnh nghìn xe muôn ngựa nhiễu quanh bên phải (chùa) 03 vòng. Kế đó, đặt tượng Phật thờ ở trên Lâu đài Thanh Lương trong Nam Cung[3], và trên cổng của thành Khai Dương. Khi Minh Đế còn sống, cho xây một cái lăng mộ của mình, đặt tên là Hiển Tiết, trong ấy cũng có đắp vẽ tượng tranh đức Phật."

Cái vị thần mà vua Minh Đế đời Hán mơ thấy, Bài tựa nói : "Thân thể có màu vàng ròng, cổ có ánh sáng như mặt trời", Hậu Hán ký nói : "Người vàng to ln, cổ có ánh sáng như mặt trời, mặt trăng". Người mà thân có sắc vàng ròng, to lớn, cổ có ánh sáng tỏa ra, thì nhất định là Phật. Việc vua Minh Đế mộng thấy người vàng, tuy chỉ được ghi trong Bài tựa kinh Tứ thập nhị chương, nhưng sự việc trong thời vua Minh Đế nhà Hán có điềm lành - người vàng - xuất hiện, lại là một chuyện có thực trong sách sử. Các vua đầu thời Hán, tự cho rằng mình được Thổ Đức[4]. Đến niên hiệu Quang Vũ thứ hai (26 cn), mới đổi là Hỏa Đức. Nhưng mọi người vẫn quen gọi là Thổ đức, như Vương Sung trong sách Luận Hoành nói: "Thổ (đất) màu vàng; Nhà Hán là Thổ Đức, nên kim hóa (pho tượng bằng vàng ròng) xuất hiện". Nhà Hán được đức của Thổ, nên có điềm lành của Thổ Đức, như Minh Đế bản kỷ nói: "Năm thứ 11, hồ Sào xuất hiện vàng ròng, do Thái thú Lư Giang hiến dâng." Theo như Bản kỷ, cái điềm tại hồ Sào[5] xuất hiện vàng ròng, hình như có vẻ chưa liên quan lắm tới việc người vàng. Nhưng đọc đến quyển Bão Phác tử, phần Ngoại biên : "Chim thiêng ca hót ở  gác A.

                                                      Tượng vàng lấp lánh dưới hồ nước trong."

thì rõ ràng có liên quan đến người vàng rồi. Nhà nghiên cứu về học thuyết Lão Trang là Bão Kính, không tin cái điềm lành này, cho rằng đó chẳng qua là: "Những bậc vương giả thích những điềm lạ, khiến nảy sinh những điều hoang đường". Nhà nghiên cứu Cát Hồng lại dẫn các chứng cứ lịch sử như trên, chứng minh rằng các điềm lành không phải tự nhiên mà có, và chẳng phải do "Những lời nhảm nhí đồn lên, người sau ngu khờ bị dụ." mà có. Trong khi đó, "Chim thiêng ca hót ở gác A", vào các đời vua Tuyên Đế, Minh Đế, Chương Đế đời Hán, đều là có thật. Thế thì còn câu "Tượng vàng lấp lánh dưới hồ nước trong.", nhất định là năm Hán Minh Đế năm thứ 11, tại hồ Sào xuất hiện tượng vàng rồi. Bản kỷ nói "vàng ròng" (thật ra, phát hiện dưới đáy sông hồ có vài thoi vàng, không thể nói đó đó là điềm lành), Bão Phác tử nói là "tượng vàng", đây là việc đáng quan tâm! Tượng vàng chính là người vàng, Vương Cảnh truyện trong Hậu Hán Thư cũng nói rõ điều ấy: "Đầu tiên là hai ông Đỗ Lăng, Đỗ Đốc, dâng lên vua bản Luận Dời Đô (Thiên đô luận), muốn xa giá nhà vua trở về Trường An (Kinh thành cũ, nay nằm phía Tây Bắc của thành phố An Huy, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Những người già nghe được, đều động lòng thương yêu quê cũ, không ai chẳng quyến luyến sửng sờ ngóng về hướng Tây. Vương Cảnh thấy cung điện đã xây xong, e dân tình nghi hoặc, may gặp lúc có điềm chim thần xuất hiện (chính là chim thiêng ca hót ở gác A), bèn soạn ra một bài Luận Người Vàng (Kim nhân luận), ca tụng sự tươi đẹp của Lạc Ấp (kinh đô Lạc Dương), sự hòa hợp thiên thời nhân ý." Vương Cảnh viết Luận Người Vàng để ca tụng sự hợp lòng người, hợp ý trời của việc dời đô về Lạc Dương. Ngoài vấn đề chim thần, người vàng cũng được lấy làm đề mục, cho thấy rằng nhất định thời ấy có điềm lành người vàng, không chỉ là lời tuyên truyền tượng vàng của Bão Phác tử đời Tấn mà thôi. Người vàng chính là tượng vàng, đây không chỉ là truyền thuyết lưu hành trong dân chúng, mà còn được ca tụng trong triều đình. Đây không chỉ là điềm lành cho triều Hán, mà cũng là điềm tốt cho việc truyền bá Phật pháp sang phương Đông; việc vua Minh Đế nằm mơ thấy người vàng, ắt có liên quan đến việc này.

Khi vua Minh Đế đưa vấn đề người vàng(tượng vàng) ra hỏi, có một người đã nghĩ đến Đức Phật, đó là Phó Nghị. Văn Phạm liệt truyện trong Hán Thư có câu chuyện viết về Phó Nghị. Nói về Nhà thông thái, Vương Sung trong tác phẩm Luận Hoành nói: "Trong bụng của Nhà Thông Thái (Thông nhân)có tri thức của hàng trăm học giả". "Chức quan Nhà thông thái, Lan Đài lệnh sử (Giám đốc của Thư viện Hoàng gia)…là nhóm những ông Ban Cố, Giả Lục, Dương Chung, Phó Nghị…". Nhà Thông Thái (Thông nhân)là người tri thức rộng sâu, tôn sùng nhà Hán mà coi thường các nhà Hạ, Thương, Châu, văn và võ đều giỏi, không tin những lời ghi chép vô bổ của nhà Nho, không tin những xảo thuật của nhà Lão, đại biểu cho tầng lớp trí thức tiến bộ đương thời. Phó Nghị là một loại người như vậy. Ông ấy biết bên phương Tây có Phật, điều này cho thấy đấy là việc đáng tin.

Vua Minh Đế sai sứ đi cầu Pháp, những sứ giả được kể trong Bài tựa Lý hoặc luận đều là những người có thật, và ít nhiều có mối quan hệ với Tây vực. Nhưng nói rằng họ vâng lệnh Minh Đế đi cầu Pháp, thì là việc không thể xảy ra.

1. Sứ giả Trương Khiên: Đây là vị quan đi sứ miền Tây vực mà ai cũng biết, đi sứ nước Đại Nguyệt Chi. Tuy nhiên, ông ấy là người sống vào thời vua Vũ Đế nhà Hán (tcn 140-tcn 08), sớm hơn thời của vua Minh Đế đến 200 năm. Sai Trương Khiên đi Tây phương cầu Pháp, tác giả của Bài tựa hình như đã có một lỗ hổng to về tri thức Lịch sử. Lưu Hiếu Tiêu đời Lương, khi chú giải bộ Thế thuyết tân ngữ, trích dẫn Lý hoặc luận, chỉ nói "Sai các quan Vũ Lâm tướng quân là Tần Cảnh, Học trò Nhà Uyên Bác (Bác sĩ Đệ tử) là Vương Tuân…", lược bỏ Trương Khiên. Trong Cao Tăng truyện của Huệ Cảo (Kiểu) đời Lương, lấy cái thuyết sứ giả là Thái Âm, mà không lấy Trương Khiên. Đại khái hai người họ đều cảm thấy có vấn đề về niên đại.

2. Tần Cảnh: Sự thật chính là Tần Cảnh Hiến hoặc Cảnh Hiến, chính xác là người đã từng được truyền thọ kinh Phật từ sứ giả Y Tồn của nước Đại Nguyệt Chi. Nhưng Tần Cảnh là người sống vào thời vua Ai Đế (tcn 08-tcn 02), nếu ông ấy có thể sống đến thời vua Minh Đế thì cũng sắp trăm tuổi rồi. Ông già trăm tuổi, sai đi vượt sa mạc, vượt Tuyết sơn cầu Pháp, đương nhiên là không thể.

3. Vương Tuân: Là người sống vào đời Hán Quang Vũ, trong Ngỗi Hiêu truyện có sự tích của ông. Vương Tuân từng đi qua Lũng Tây, cuộc sống tuổi già của ông thì không rõ. Nhưng ông ta là một võ tướng, thân phận Học trò Nhà Uyên Bác (Bác sĩ Đệ tử) của ông như được nêu thì không hợp.

Tác giả Bài tựa biết rằng Kinh Tứ thập nhị chương được truyền bá vào đời vua Hán Minh Đế, nhưng lại không biết dịch giả của bộ kinh là ai. Ông ấy nghe nói hai việc, 1thời vua Minh Đế có điềm lành người vàng xuất hiện, và 2vua sai người đi cầu Pháp, nhưng ông cũng không biết sứ giả được phái đi cầu Pháp là ai. Do đó, ông đành đem tên những người có liên quan đến Tây vực là Trương Khiên, Tần Cảnh…chép vào. Ông ấy quả là một người tin Phật bình thường! Mặc dù sai sót của ông quá nhiều, nhưng nhờ Bài tựa của ông mà người ta có sự chú ý, để rồi biết được đời vua Minh Đế có điềm lành người vàng xuất hiện, kể ra ông cũng có đóng góp.

Thời vua Minh Đế, Phật pháp một dãi Giang - Hoài[6] tương đối phát triển; điều này có thể căn cứ vào việc Sở vương Anh thờ Phật, hộ Tăng, giữ gìn trai giới mà đoán định. Vì vậy, việc phát hiện tượng vàng ở hồ Sào trở thành một điềm lành của quốc gia, rồi phát khởi việc cả quốc gia trở nên tôn kính Phật giáo, là điều không gây bất ngờ. Lúc ấy, vua sai s đi cầu Pháp, có được Kinh Tứ thập nhị chương, đem về cất tại lầu Lan Đài. Đáng tiếc, tác giả Bài tựa không biết dịch giả bộ kinh là ai, sứ giả đi cầu Pháp là ai. Đối với vấn đề này, Vương Đàm - người đời Nam Tống (1127-1279), trong Đỗng Minh ký nói: "Lúc đầu, sứ giả Thái Âm đưa nhóm người Ca Diếp Ma Đằng bên Tây vức về, dâng thư của quốc vương nước Ưu Điền và tượng Phật Thích Ca. Hoàng Đế rất trọng thị, tượng Phật rất giống với người trong giấc mộng." Việc sứ giả Thái Âm và Ma Đằng cùng về nước, Vương Đàm nói "như các bộ  truyện đã chép đầy đủ"; ông ta nhất định là có chứng  cứ. Như vậy, Ma Đằng và sự truyền bá - phiên dịch Kinh Tứ thập nhị chương có liên quan.

Nhìn từ góc độ bản Kinh Tứ thập nhị chương mà nói, bộ Kinh Tứ thập nhị chương đang lưu hành chính là bản do Thiền sư Thủ Toại đời Tống (960-1279) truyền bá. Bộ kinh này đã được các vị Đại đức trong Thiền tông thêm bớt nhiều câu, nên đã làm phát sinh sự hiểu lầm của các học giả Cận đại, rằng bộ kinh có quá nhiều sắc thái Thiền tông này là sản phẩm ngụy tạo của người đời sau. Kỳ thật, có một bản Kinh Tứ thập nhị chương cổ dịch, nằm ở Đại Tạng kinh đời Tống (Tống Tạng) và Đại Tạng kinh (của nước) Cao Ly (Ly Tạng). Bản Kinh Tứ thập nhị chương cổ dịch, tuy không thấy chép trong sách Tổng lý quần kinh mục lục (viết năm 347cn) của Đạo An, nhưng Chi Mẫn Độ - người sống vào thời vua Huệ Đế (290-306cn) nhà Tây Tấn (265-317) đã chép câu "Hiếu Minh Hoàng đế Tứ thập nhị chương" rồi. Quyển Biệt lục, được viết vào thời Lưu Tống (420-479) nói, Kinh Tứ thập nhị chương có hai bản, và bản dịch thứ hai của Chi Khiêm là "hơi khác với bản dịch của Ma Đằng". Điều này cho thấy, việc Ma Đằng là dịch giả đầu tiên của Kinh Tứ thập nhị chương, từ thời Vương Đàm trở về trước đã có những văn bản cụ thể ghi chép rồi. Khảo sát lại, thấy rằng đây là điều hoàn toàn chính xác. Thời Cổ đại, Kinh Tứ thập nhị chương từng có hai bản dịch: 1. Bản dịch đời Hán. Hai nhân vật Tương Giai của thời vua Hán Hoàn Đế (147-167), Mâu Bác của thời vua Hán Hiến Đế (190-220), đều từng dẫn chứng kinh này; lời văn được dẫn chứng của kinh này, so ra hơi cổ hơn bản kinh hiện có[7]. Kinh Tứ thập nhị chươngBài tựaLý hoặc luận nói đến, là bản dịch đời Hán. Nhưng tác giả của Bài tựa (Lý hoặc luận dựa theo Bài tựa) chỉ nói đến 12 sứ giả đi nước Đại Nguyệt Chi thỉnh kinh, nhưng không nói người dịch kinh là ai, cũng không nói có các vị Tăng cùng theo về hay không. Nhưng đây là tác giả không nói, không thể bảo rằng không có (dịch giả và các vị Tăng theo về), vì Kinh Tứ thập nhị chương nhất định phải có ai đó dịch ra Hán văn hoặc ai đó đọc tụng cho người Hán viết lại. 2. Bản dịch của Chi Khiêm đời Ngô (222-280). Biệt lục nói Chi Khiêm "Văn từ chuẩn mực, câu cú rõ ràng". Bản kinh hiện còn trong Đại Tạng kinh đời Tống (Tống Tạng), chính là bản dịch này. Chi Khiêm là một người nước Nguyệt Chi bị Hán hóa, ông đã từng nhuận văn lại cho tác phẩm Thủ Lăng nghiêm kinh, Đạo hành Bát nhã kinh của Chi Sấm sống vào thời Hán, Pháp cú kinh của Duy Kỳ Nan sống vào thời Ngô. Bản Kinh Tứ thập nhị chương mà Chi Khiêm dịch, có lẽ cũng chỉ là sự nhuận văn lại bản cũ đời Hán. Khi đã có bản dịch mới của Chi  Khiêm, Biệt lục trong lúc nói về sự sau trước của hai bản dịch, mới cho biết Ma Đằng đời Hán là dịch giả Kinh Tứ thập nhị chương. Tuy cái thông tin này ra đời hơi chậm, song bản kinh đời Hán hẳn là phải có người dịch. Nếu không còn một chứng xứ nào xác đáng, để chứng minh rằng bản dịch đời Hán không phải do Ma Đằng dịch, thì phải chấp nhận cái truyền thuyết là Ma Đằng dịch Kinh Tứ thập nhị chương vào đời  vua Hán Minh Đế. Bài tựa là bài tựa của Kinh Tứ thập nhị chương được dịch vào thời Hán. Tác giả Bài tựa nói sứ giả là nhóm Trương Khiên, không nói dịch giả là ai, đó là truyền thuyết của Trung Nguyên (Trung tâm của nước Trung Quốc xưa). Cuối đời Hán, Bài tựa truyền sang Giao Châu, Quảng Châu, được Lý hoặc luận đem vào. Bản Kinh Tứ thập nhị chương dịch vào đời Ngô, là Chi Khiêm dịch, tại vùng Giang Đông[8]. Bản này nói tác giả bản dịch đời Hán là Ma Đằng, đó là truyền thuyết của Giang Đông. Truyền thuyết này, sau đó được Biệt lục áp dụng. Vương Đàm nói, sứ giả Thái Âm và Ma Đằng cùng về Trung Quốc, đây cũng là truyền thuyết của Giang Đông. Theo truyền thuyết của Trung Nguyên, dịch giả thì không biết, sứ giả lại phần nhiều là không đúng. Trái lại, theo truyền thuyết của Giang Đông, nói sứ giả Thái Âm và Ma Đằng cùng về Trung Quốc, lại nói Ma Đằng dịch kinh, hai sự kiện không có gì là mâu thuẫn. Vì để phân biệt Hán - Ngô hai dịch phẩm, mới nhắc đến tác giả bản Hán dịch là Ma Đằng. Sự ghi chép này tuy chậm một chút, song lại là thông tin của giới học giả. So với Bài tựa, khả năng đáng tin là cao hơn nhiều!

Vấn đề Kinh Tứ thập nhị chương có hai bản dịch cũ và mới, đã rõ ràng tách bạch bởi hai truyền thuyết khác nhau của Trung Nguyên và Giang Đông. Nhưng trong Cao Tăng truyện của Huệ Cảo (Kiểu) đời Lương, nó được nhào nặn thành một thuyết; bộ mặt thật xưa nay của các truyền thuyết, từ đây bị mơ hồ. Cao Tăng truyện nói: "Sứ giả là Thái Âm, Học trò Nhà Uyên Bác (Bác sĩ Đệ tử) là Cảnh Hiến…", đây rõ ràng là sự kết hợp hai truyền thuyết. Nói rằng sứ giả đến nước Nguyệt Chi, mời Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan hai người; Ma Đằng và Pháp Lan cùng nhau dịch Kinh Tứ thập nhị chương. Huệ Cảo không nhắc đến việc Chi Khiêm dịch, lại thêm một vị là Trúc Pháp Lan, điều này khiến người ngạc nhiên! Sự thật, Trúc Pháp Lan là một người có thật, và có quan hệ với Kinh Tứ thập nhị chương. Tác giả Danh Tăng truyện là Bảo Xướng đời Lương, nói Kinh Tứ thập nhị chương là do Trúc Pháp Lan dịch. Trong Xuất Tam tạng ký của Tăng Hựu đời Lương, phần Chi Khiêm truyện nói: "Chi Khiêm…Khi Thái tử Đăng chết (241), thoái ẩn ở núi Cung Ích, bỏ hẳn chuyện đời, theo đạo nhân Trúc Pháp Lan thực tập 05 giới." Đoạn này cho thấy, Trúc Pháp Lan có quen biết với Chi Khiêm, ông ấy là người sống trong thời cuối triều Hán đầu triều Ngô. Chi Khiêm theo ông tu học, có thể là khi dịch lại Kinh Tứ thập nhị chương, Chi Khiêm đã từng thỉnh giáo Pháp Lan (nên có truyền thuyết Trúc Pháp Lan dịch Kinh Tứ thập nhị chương). Khi chép về Kinh Tứ thập nhị chương, Huệ Cảo không nên lược bỏ cái tin Chi Khiêm dịch kinh, không nên đem cái người sống cùng thời với Chi Khiêm là Trúc Pháp Lan, kéo lên sống vào thời Hán Minh Đế (Cao Tăng truyện nói Trúc Pháp Lan đến Trung Quốc chậm hơn Ma Đằng một tý, ấy cũng là muốn che dấu điều này), càng không nên đem hai bản dịch trước sau làm thành một bản do hai người hợp dịch. Tóm lại, việc Huệ Cảo dung hợp hai truyền thuyết là hoàn toàn sai lầm! Vào thời Lương, Xuất Tam tạng ký của Tăng Hựu thì chép về chuyện Chi Khiêm, Huệ Cảo thì dung hợp hai thuyết, tuy hai người có nhiều điều khác, song vẫn có chung một thuyết là "Kinh Tứ thập nhị chương được truyền dịch từ đời Hiếu Minh Hoàng đế nhà Hán, vua sai sứ đi cầu Pháp".

Về nhân vật Ma Đằng đến Trung Quốc truyền và dịch Kinh Tứ thập nhị chương, Cao Tăng truyện gọi là Nhiếp Ma Đằng, Xuất Tam tạng ký gọi là Trúc Ma Đằng, Đỗng Minh ký gọi là Ca Diếp Ma Đằng. Vị đại sư hoằng truyền Phật pháp ấy, trong giai đoạn ban sơ này, đã từng có một vị trí quan trọng. Theo sự nghiên cứu của tôi, nhân vật Thi La thời vua Chiêu vương nước Yên, nhân vật Thất Lợi Phòng của thời vua Thỉ Hoàng nước Tần (Tần Thỉ Hoàng), đều là những dị bản của câu chuyện về Nhiếp Ma Đằng. Quyển Thập di ký của Vương Gia đời Nam Tề (479-502) nói : "Năm Chiêu vương thứ 7, …nước Mộc Tư - một tên khác của nước Thân Độc - đến chầu. Có một Đạo sĩ tên là Thi La…từ nơi đầu ngón tay của ông ấy, hiện ra ngôi chùa 10 tầng, cao 3 thước (Tàu)". Lịch đại Tam bảo ký của Phí Trường Phòng đời Tùy nói: "Thời vua Thỉ Hoàng nhà Tần, sa môn xứ Tây vực gồm Thất Lợi Phòng…18 người, chở kinh Phật đến Hàm Dương (kinh đô nhà Tần). Thỉ Hoàng bắt bỏ ngục." Các truyền thuyết Thi La, Thất Lợi Phòng, Nhiếp Ma Đằng, nhìn sơ qua, đều là những lời kể thiếu chứng cứ; hơn nữa, chuyện của Thi La và Thất Lợi Phòng có nội dung như một thần thoại. Nhưng xem kỹ lại, thấy rằng ba mẫu chuyện này rất giống nhau. Về mặt văn tự, Thi La và Thất Lợi Phòng là hai kiểu dịch của cùng một tên gốc, điều này thì ai cũng thừa nhận. Thất Lợi Phòng đại khái chính là chữ dịch âm của chữ Xá Lợi Phất (Sariputta). Chữ Ma Đằng và chữ Putta cũng rất gần âm đọc (M và P hay chuyển âm cho nhau). Không chỉ ba vị này gần giống tên nhau, mà lại đều là những người từ phương Tây đến, là người đầu tiên truyền bá Phật pháp tại Trung Quốc. Đây chính là các truyền thuyết khác nhau của cùng một sự kiện. Một sự kiện mà có thể trở thành nhiều truyền thuyết, thì phải thấy rằng cái sự kiện ấy đã có ảnh hưởng rất là sâu sắc đối  với xã hội. Trong ba truyền thuyết này, việc Nhiếp Ma Đằng dịch kinh xây chùa, được ghi chép sớm nhất, hẳn là gần với sự thật. Cuối cùng, trãi qua một thời gian dài các truyền thuyết, rổi được ghi chép lại, những sự tích liên quan đến Nhiếp Ma Đằng, như quốc tịch là Nguyệt Chi hay Thiên Trúc, dịch kinh bằng cách đọc cho người khác ghi (khẩu dịch) hay mang cả nguyên bản sang Trung Quốc, tượng Phật là từ phương Tây mang sang, hay tạo ra tại Trung Quốc, đều không thể biết chính xác. Tuy vậy, đó chỉ là những vấn đề nhỏ, còn vấn đề lớn đã được các nơi nhất trí là, Ma Đằng đã từ Tây vực đến Trung Quốc truyền bá kinh điển và Phật tượng.

Trong thời Hán Minh Đế, Bài tựa nói : "Khởi công xây chùa tháp"; Lý hoặc luận nói: "Xây chùa Phật ở cửa Ung (Ung môn), phía tây của thành Lạc Dương"; Đỗng Minh ký nói "chùa Bạch Mã". Các chùa Phật của Trung Quốc, bắt đầu được kiến trúc từ đây. Tháp, là tiếng nói tắt của chữ Tháp bà (tuppà), vốn là một loại kiến trúc dùng để chôn cất hài cốt (Tháp có nghĩa là Cao hiển - nhô cao, lộ rõ - cùng với ý nghĩa chữ Mộ - phần mộ - của  Trung Quốc không khác). Sau khi Phật mất, cái nơi chứa đựng xương cốt (Xá Lợi) của Phật được gọi là Phật tháp - tháp thờ Phật - hay Xá Lợi tháp - tháp thờ Xá Lợi. Về sau, nơi thờ kinh điển hay tranh tượng Phật đều gọi là Phật tháp - tháp thờ Phật. Tháp trở thành nơi cúng dường cho Phật. Chùa (chữ Hán là tự), là tên gọi vốn có của Trung Quốc, cùng với chữ Tăng Già lam của Ấn Độ gần nghĩa nhau, là nơi Tăng chúng ở. Sao nơi Tăng chúng ở, tại Trung Quốc lại gọi là Tự (chùa)? Nghĩa gốc của chữ Tự là hầu cận. Xưa, chính phủ nắm quyền đất nước thường có tính cách gia đình, những chức vụ quan trọng trong bộ máy cai trị thường nằm trong tay những người thân của vua hay các cận thần thân tín, nơi giải quyết các công việc chính trị gọi là Tự (hầu cận). Hán thư, phần Nguyên Đế kỷ chú thích rằng: "Tất cả những nơi làm việc hành chính đều gọi là Tự". Vào thời Hán, Tự là cơ quan hành chính của cả Trung ương và lẫn Địa phương. Tuy nhiên, nơi của những người hầu cận bậc Đế vương, cũng được đặc cách gọi là Tự. Trong đời Hán, Tự là triều đình, là nhà khách của quốc gia; nơi mà Phật giáo kiến lập Đạo tràng cũng được gọi là Tự, điều này cho thấy Phật giáo có mối quan hệ tới quốc gia rất gần. Người xưa có truyền thuyết rằng: Nhiếp Ma Đằng khi mới từ Tây vực qua, tạm ở tại Hồng Lư (Lô) tự (đây là nơi nhà nước chiêu đãi các nước chư hầu và khách bốn phương), vì vậy Đạo tràng của Phật giáo về sau được gọi là Tự. Truyền thuyết này cũng tương đối có lý. Lúc ấy, Bài tựa chỉ nói cất chùa (tự), Lý hoặc luận thì không nói là chùa gì, chỉ nói "Chùa ở bên ngoài cửa Ung, phía Tây thành Lạc Dương". Mâu Bác đã đi đến Lạc Dương, lời kể của ông, dầu gì cũng là sự thật của đương thời. Vương Đàm nói, đó là chùa Bạch Mã (Bạch Mã tự). Hai tác phẩm Thủy kinh chúLạc Dương Già lam ký, đều nói chùa Bạch Mã nằm bên ngoài cửa Tây Dương; Tây Dương là tên khác của cửa Ung. Trong quyển Dịch kinh ký của Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn (265-316), cũng từng nói đến "Chùa Bạch Mã phía Tây thành Lạc Dương", "Chùa Bạch Mã thành Lạc Dương". Những ghi chép trên, hoàn toàn phù hợp với Lý hoặc luận. Ngôi chùa đầu tiên xây vào thời vua Hán Minh Đế, là chùa Bạch Mã ở ngoài cửa Tây của kinh thành Lạc Dương, đó là điều xác thật, đáng tin.

Từ những khảo sát ở trên, việc vua Minh Đế nhà Hán mơ thấy người vàng, sai sứ đi cầu Pháp, đại khái là thế này: Năm Vĩnh Bình thứ 11 của vua Minh Đế nhà Hán (58-76), viên quan Thái thú của quận Lư Giang dâng lên nhà vua một tượng người bằng vàng ròng, được tìm thấy ở dưới đáy hồ Sào. Đây là một điềm lành hiếm có! Trong triều ngoài nội, đều cho rằng nhờ Thiên Tử có đức, rằng dưới sự chăn dắt của Hán Triều mà thiên hạ được thái bình. Vua Minh Đế hết sức vui lòng, vui đến nỗi nằm mơ thấy người vàng bay lượn. Một hôm đem giấc mơ nói với quần thần, một vị quan (chức danh) Nhà Thông Thái (Thông nhân) tên là Phó Nghị thưa rằng: "Ở bên nước Thiên Trúc có một thánh nhân, gọi là Phật, vị ấy thân thể có màu vàng ròng. Giáo pháp của vị Phật ấy, từ Thiên Trúc truyền sang các nước Tây vực[9], và cũng đã ít nhiều có truyền bá vào Trung Quốc. Cái điềm người vàng ứng hiện, có thể là cái điềm cho biết Phật giáo Tây vực ca ngợi và ủng hộ đức độ và sự anh minh của Hoàng Đế nhà Hán." Mùa xuân năm Vĩnh Bình thứ 16, nhà vua "Sai tướng soái đánh nước Hung Nô ở phương Bắc, chiếm vùng đất Y Ngô Lư, lãnh thổ nhà Hán bèn thông với các nước Tây vực." (Hậu Hán thư, phần Tây vực truyện). Mùa xuân năm thứ 17, "Vua các nước Tây vực cho con trai sang chầu" (Minh Đế kỷ). Trong thời gian đó (từ Minh Đế năm thứ 11 đến năm thứ 17), Thái Âm vâng lệnh đi sứ đến nước Nguyệt Chi, theo lời dặn dò của Minh Đế, thỉnh được một vị đại sư tài đức kiêm ưu là Nhiếp Ma Đằng, mang theo một số kinh sách và Phật tượng về Trung Quốc. Về đến Lạc Dương, đầu tiên Ma Đằng ngụ ở Hồng Lư tự. Minh Đế triệu kiến Nhiếp Ma Đằng, Ma Đằng dâng lên Kinh Tứ thập nhị chương và tượng Phật. Minh Đế thấy tượng Phật giống y với người vàng trong giấc mơ của mình thì sinh lòng cung kính. Ngoài việc đem Kinh Tứ thập nhị chương bảo quản tại lầu Lan Đài[10], vua còn cho xây một ngôi chùa Phật nằm phía ngoài cửa Tây của thành Lạc Dương, để cầu phước cho vương triều Đại Hán và cho bản thân.


 

[1] Khi mới truyền vào Trung Quốc, Phật giáo phải hoà nhập vào Lão giáo để sinh hoạt.

[2] Bác sĩ Đệ tử là một chức quan văn. Bác sĩ (nhà Uyên Bác) là một chức quan có từ thời Chiến Quốc (tcn 475-tcn 221). Đời Tần (tcn 221- tcn 206) và đời Hán (tcn 206-cn 220), Bác sĩ là chức quan trông coi thư viện Hoàng gia, là người làu thông kim cổ. Vị quan Bác sĩ lập ra những chức vụ nhỏ hơn, gọi là Bác sĩ Đệ tử.

[3] Nơi làm việc của các quan văn, còn gọi là Thượng Thư  tỉnh.

[4] Về đời Hán, các Đạo sĩ hay dùng lý thuyết Ngũ Hành để xem vương triều nào thịnh vượng nhờ cái Hành nào. Vì tin rằng hạnh phúc cả đất nước phụ thuộc vào cái Hành đó, nên gọi cái Hành đó là Đức. Ví dụ: Thổ Đức, Hoả Đức…

[5] Còn gọi là hồ Tiêu (Tiêu hồ), nay nằm về phía Tây của huyện Sào, tỉnh An Huy.

[6] Sông (Trường) Giang và sông Hoài. Tức là phiếm chỉ hai vùng đất Giang Tô và An Huy (Trung Quốc), vì thuộc lưu vực hai dòng sông ấy.

[7] Không rõ ý người viết, có lẽ là cổ hơn bản trong Tống Tạng.

[8] Từ đời Hán đến thời Tùy, Đường, từ tỉnh An Huy, Vu Hồ (Trung Quốc hiện nay) trở xuống, thuộc bờ Nam của hạ lưu Trường Giang là Giang Đông.

 [9] Thuộc phía Tây của Trung Quốc.

[10] Thư viện của Hoàng gia, có từ  đời Hán.

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/minhde&kinh.htm

 


Vào mạng: 1-5-2006

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang