Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Nằm Trong Hạt Cải

 Càn khôn có thể cầm nắm, nhật nguyệt có thể thu nhỏ. Đời sống vũ trụ có thể mang theo bên mình trên bước đường vân du như một hành trang nhỏ nhoi và rất nhẹ. Và ta cảm thấy càn khôn, nhật nguyệt nở rộ quanh ta như hoa cỏ trên đồng. Và chân lông, tơ tóc của ta rung động với thế giới, với mười phương…

 

Cái mà con người có thể nhìn ngắm mỗi ngày là bầu trời và mặt đất, và thân thiết gọi: Càn - Khôn.

Cái mà con người thường chờ đợi trong thiên nhiên vô tận là mặt trời và mặt trăng, hai quả cầu chói rạng được thế gian xem như bạn tình: Nhật - Nguyệt.

Càn khôn và nhật nguyệt quá lớn lao đối với con người. Từ nghìn xưa, không có gì khác gần gũi hơn, thân quen hơn, đáng yêu hơn.

Và còn điều này nữa: không có gì nhỏ hơn nhật nguyệt, càn khôn! Thực sự đó là những cái vô cùng nhỏ.

Những tâm hồn thiền xưa kia đã nhìn ngắm càn khôn, nhật nguyệt mỗi ngày như đó là nguồn vui bất tuyệt và như đó là cái đẹp vô song.

Nên lời thơ cổ vẫn còn vang vọng đến nay:

                             Tụ trung nhật nguyệt tàng

                             Chưởng nội ác càn khôn.

                                      (Thiền lâm cú tập)

Nhật nguyệt ẩn tàng trong ống tay áo này và càn khôn nắm trong lòng bàn tay đây.

Với nhà thơ Trung Hoa ấy, càn khôn có thể cầm nắm, nhật nguyệt có thể thu nhỏ. Đời sống vũ trụ có thể mang theo bên mình trên bước đường vân du như một hành trang nhỏ nhoi và rất nhẹ.

Ở Việt Nam, vào thời Lý, thiền sư Khánh Hỷ (1067 – 1142) nhìn trong hạt cải và đầu sợi lông thấy cả một vũ trụ huy hoàng:

                             Nhật nguyệt nằm trong hạt cải,

                             Càn khôn náu tại đầu lông.

                             Ai hay phàm thành, tây đông?

                             Hiện ra đại dụng trong lòng bàn tay.

Điệu thơ tiếng Việt này là do tôi chuyển ngữ, cũng liều lĩnh đấy thôi. Nguyên ý thì như sau:

                             Càn khôn tận thị mao đầu thượng

                             Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung

                             Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ

                             Thùy tri phàm thánh dữ tây đông.

Dịch sát nghĩa sẽ là: Cả càn khôn ở trên đầu một sợi lông. Cả nhật nguyệt chứa trong lòng hạt cải. Đại dụng hiện trước mắt như nắm tay ở tại cánh tay. Ai biết được đâu phàm thánh cùng với tây đông?

Thiền sư Khánh Hỷ là người huyện Long Biên, thụ giới nơi thiền sư Bản Tịnh ở chùa Chúc Thánh. Ông được vua Lý Thần Tông phong làm Tăng thống.

Tập thơ của Khánh Hỷ là “Ngộ đạo ca thi tập”, rất tiếc là đã thất lạc. Đoạn thơ trên nằm trong bài thơ bát cú hay là bài kệ trả lời đệ tử Pháp Dung hỏi về sắc không, phàm thánh.

 

Càn khôn tận thị mao đầu thượng

Có gì nhỏ bằng đầu sợi lông? đầu ngọn cỏ? đầu sợi tóc? đầu giọt lệ?... Không phải là một cái gì rất li ti mà chính là càn khôn.

Càn khôn có thể cực nhỏ chính là vì nó cực lớn.

Sợi lông mong manh nhưng đầy sức sống. Nó mọc. Như cỏ mọc. Như sóng dâng. Như một tia nắng. Nó mọc với tất cả sức mạnh của càn khôn.

Sợi lông mọc.

Nó mọc như một ý niệm. Và gió nổi lên. Và vũ trụ thành hình.

Vô vàn sợi lông mọc trên thế gian như vô vàn ý niệm lao xao trong tâm hồn nhân thế.

Có gì nhỏ hơn một ý niệm? Và có gì lớn hơn một ý niệm?

Sợi lông thì cũng nhỏ như một chút nhụy hoa mai:

                             Nhất điểm hao mai nhụy

                             Tam thiên thế giới hương.

                                      (Thiền lâm cú tập)

Nhụy hoa nhỏ nhít như vậy mà bao phủ hương thơm cho bao nhiêu càn khôn.

                             Hoa mơ một chút nhụy

                             Ba nghìn thế giới thơm.

Vậy thì một sợi lông cũng chứa đủ càn khôn, thế giới. Nếu không thì nó không thể mọc. Ba nghìn thế giới không thơm thì chẳng có một nhụy mơ nào thơm.

Vì thế giới này là thế giới Hoa Nghiêm.

Có một vị tăng sau khi bị thiền sư Mã Tổ đạp cho một cái vì hỏi về chân lí Thiền đã vui mừng phấn khích kêu lên: “Lạ thay, tất cả chân lí trong kinh đều hiện ra trên đầu một sợi lông!”

 

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung

Hạt cải, bông hoa dại, hạt cát, giọt nước… chứa được những gì?

Nhà thơ huyền bí người Anh William Blake ca hát:

                             Nhìn thấy thế giới trong hạt cát

                             Và thiên đàng trong bông hoa dại

                             Nắm vô tận trong lòng bàn tay

                             Và vĩnh cửu trong một giờ này.

                             (To see a World in a Grain of Sand

                             And a Heaven in a wild flower,

                             Hold Infinity in the palm of your hand

                             And Eternity in an hour).

Tâm hồn ấy gặp gỡ phương Đông trong khoảnh khắc, dường như đang trò chuyện cùng Khánh Hỷ thiền sư: Nhật nguyệt nằm trong hạt cải.

Dạy chúng đệ tử, hòa thượng Tuyết Phong nói rằng: “Nếu như thâu nhiếp tất cả đại địa này thì cũng chỉ vừa bằng hạt gạo mà thôi!”.

Tất nhiên rồi, một giọt nước biển chính là biển, một tia nắng cũng là mặt trời, một lá cỏ đủ là thiên nhiên.

Cái cách mà mặt trời mặt trăng đi vào hạt cải chẳng khác gì chúng đi vào mây, vào biển, vào đất, vào trái tim chúng ta.

Mặt trời mặt trăng cũng là những hạt cải, những hoa cải trên cánh đồng vũ trụ. Một bài thơ haiku của Buson đã thể hiện hình ảnh đó:

                             Đồng cải hoa vàng:

                             Phương Tây mặt trời lặn,

                             Phương Đông vầng trăng lên.

                             (Na no hana ya

                             tsuki wa higashi ni

                             hi wa nishi ni ).

Trong kinh Duy Ma, phẩm Bất tư nghì có đoạn: “Lấy núi Tu Di bỏ vào trong hạt cát, lấy nước bốn biển đổ vào chân lông”.

Chính vì thế mà Thứ sử Giang Sử là Lý Bột đời Đường, đọc sách nhiều đến nỗi được gọi là Lý Vạn Quyển, lên Lô Sơn tham vấn hoà thượng Quy Tôn: “Kinh nói hạt cải chứa núi Tu Di là sao?”. Hoà thượng hỏi lại: “Thế thì vạn quyển sách chứa trong đầu ông thế nào?”. Dường như, Lý Bột nghe thế bỗng dưng đại ngộ.

Hạt cải chứa nhật nguyệt hay chứa núi Tu Di thì cũng tựa như tâm hồn ta chứa vô vàn thanh sắc của đời sống.

 

Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ

Đại dụng hiện ra huy hoàng trước mắt và có thể nắm trong nắm tay này.

Đại dụng là cái huyền diệu của vô tận. Nhà thơ Blake nói: “Nắm vô tận trong lòng bàn tay” thì chẳng khác nào Khánh Hỷ thiền sư bảo: “Hiện ra đại dụng trong lòng bàn tay”.

Bàn tay nắm lấy đại dụng cũng như nắm lấy mọi thứ có thể, cũng như buông bỏ mọi thứ có thể. Vì một nắm tay không thể nắm mãi.

Đại dụng hay đại đạo luôn luôn hiện ra trước mắt. Có thấy hay không là chuyện của ta.

Ta sống với cái hiện tiền của đại đạo từng ngày, từng giờ và từng sát na.

Bích Nham Lục còn ghi lời cổ nhân: “Tất cả càn khôn đại địa chỉ là cái chính mình. Lạnh thì khắp trời đất lạnh. Nóng thì khắp trời đất nóng…”.

 

Thùy tri phàm thánh dữ tây đông

Ai hay biết thế nào là phàm thánh, thế nào là tây đông ?

Phàm thánh hay tây đông chỉ là những cái thấy sai lầm của nhị kiến, do chấp ngã và chấp pháp mà ra.

Tuệ Tung Thượng Sĩ nói rõ :

                             Ta và người như móc cũng như sương

                             Phàm với thánh như sấm và như chớp

                             …

                             Ai là phàm nào? ai là thánh ?

                             (Ngã nhân tự lộ diệc tự sương

                             Phàm thánh như lôi diệc như điện.

                             …

                             Thục thị phàm hề, thục thị thánh?).

Cũng vậy, nơi nào là Tây, nơi nào là Đông? Khi phân biệt, ta chẻ đời sống ra. Làm đôi, làm tư… Đời sống trở nên manh mún và chính ta trở nên manh mún, linh loạn.

Toàn văn bài thơ của Khánh Hỷ là lời đáp cho câu hỏi về sắc không của đệ tử Pháp Dung, ghi lại trong Thiên uyển tập anh

Một hôm, Pháp Dung hỏi: “Thấu đạt được sắc không, thì sắc là phàm hay thánh?”

Sư ứng khẩu đọc bài kệ :

                             Lao sinh hưu vấn sắc kiêm không

                             Học đạo vô như phỏng tổ tông

                             Thiên ngoại mịch tâm nan định thể

                             Nhân gian thực quế khởi thành tùng

                             Càn khôn tận thị mao đầu thượng

                             Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung

                             Đại dùng hiện tiền quyền tại thủ

                             Thuỳ tri phàm thánh dữ tây đông ?

Bây giờ, có lẽ nên chuyển ngữ toàn thể bài thơ :

                             Không sắc hỏi chi cho mệt

                             Đạo à?Tìm đến nguồn tông.

                             Ngoài trời tìm được tâm không?

                             Cũng như hương quế không trồng cõi nhơ.

                             Nhật nguyệt nằm trong hạt cải

                             Càn khôn náu tại đầu lông

                             Ai hay phàm thánh tây đông?

                             Hiện ra đại dụng trong lòng bàn tay.

Cái tên Khánh Hỷ mang ý nghĩa vui mừng, tương đương với tên tiếng Phạn Ananda, em họ của Phật Thích Ca, sau trở thành đệ tử thân tín nhất của Phật, nổi tiếng là đa văn.

Bài thơ tinh diệu của thiền sư Khánh Hỷ ngát lừng hương quế. Đó là hương của niềm vui. Và ta cảm thấy càn khôn, nhật nguyệt nở rộ quanh ta như hoa cỏ trên đồng. Và chân lông, tơ tóc của ta rung động với thế giới, với mười phương.

(Trích từ Văn Hoá Phật Giáo, số 14, tháng 3/2006)

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/namtrong_hatcai.htm

 


Vào mạng: 16-3-2006

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang