Nghe trà niệm Phật
“Di Đà, Di Đà!”
Buson
(Ana toto cha mo dabu-dabu to jùya kana).
Khi
trong chùa vang tiếng niệm Phật hằng đêm thì khi chuyên trà, trà cũng hát
“dabu-dabu”. Cả thế gian cũng ngân lên thanh âm sâu thẳm này: Phật!
Thanh
âm đó là tiếng reo vui. Vì Phật pháp chính là pháp vui. Trà reo vui như
thế thơ reo vui. Trà ngát hương như tên Phật ngát hương.
Và cả
trần gian yêu trà.
Uống
trà đi! Kissako! Thiết trà khứ! Uống trà đi!
-
Thế nào là lời Phật dạy?
-
Uống trà đi! Thiền sư đáp.
Triệu
Châu mời một vị Tăng đạt ngộ uống trà, mời một vị Tăng sơ cơ uống trà...,
mời cả cõi ta bà uống trà. Uống trà đi! Lời sư vang như sấm nhưng thiết
tha từ ái như lão bà.
Vân
Nham đang nấu nước pha trà. Đạo Ngô Viên Trí hỏi: - Cho ai?
Vân
Nham: - Có người cần
Đạo
Ngô: - Sao y không tự nấu?
Vân
Nham: - Có tôi. Tôi là y.
Vân Nham
không chỉ là “y”, là kẻ nào đó đang khát, đang cần trà, cần pháp, Vân Nham
chính là trà.
Vì thế
Vân Nham, cũng như trà, vẫn hằng reo lên: Phật Đà! Phật Đà!
Hay:
Di Đà, Di Đà! Có gì khác biệt? Phật có vô số tên gọi và cũng vô danh.
Phật,
đó đâu phải là một cái tên. Và ai bảo rằng trái tim có một cái tên?
Cả bồ câu
dường như cũng hiểu điều đó:
Sương rơi mờ mờ
bồ câu niệm Phật
nam mô-nam mô.
Issa
(Tsuyu horori
horori to hato no
nebutsu kana).
Tiếng
gù của bồ câu có Phật, có sương, có thiên nhiên và luôn luôn có bồ câu
tính, có bồ câu – bản nguyên.
Tăng hỏi
Thiền sư:
-Nghe
nói bầu trời không mây vẫn chưa phải là bầu trời bản nguyên. Thế nào là
bầu trời bản nguyên?
Sư đáp:
-
Hôm nay trời tốt, đem lúa ra phơi!
Sương
rơi thì bồ câu gù, trời tối thì đem lúa phơi.
Bồ câu
là bồ câu là bồ câu
Bầu
trời là bầu trời là bầu trời.
Và bầu trời
có khác với đêm tối không khi trong lòng bóng tối, Issa niệm Phật?
Bao la đêm dài!
đêm dài bao la!
Nam mô A Di Đà!
(Nagai zo yo
yo ga nagai zo yo
namuamida).
Không
phải Issa “Nam mô A Di Đà” để chống lại đêm tối. Bởi vì khi ta chống lại
điều gì, điều ấy sẽ có cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn, hắc ám hơn. Mà tiếng
Nam mô ấy sẽ tràn ngập bóng tối một Phật tính còn bao la hơn bản thân bóng
tối.
Bóng
tối hữu hạn. Phật tính thì vô viên.
Bóng
tối vẫn còn đó. Nhưng nó không còn chống lại Issa. Nó lại là nó, đúng như
thế. Và Issa lại là Issa, đúng như thế.
Như nai con
ra đời vào ngày Phật ra đời trong bài Haiku của Bashô:
Nai con ơi,
vào ngày tắm Phật
mừng em ra đời!
(Kambutsu no
hi ni umareau
kanoko kana).
Ngày
tắm Phật (Kambutsu) là ngày Phật Đản. Người ta lấy trà xanh thơm dịu tưới
liên tục lên mình một pho tượng Phật nhỏ. Trong không khí lễ hội đầy hoan
lạc ấy, một bé nai vừa mới ra đời gần chùa, sao mà hay thế!
Bashô
vui vì nai ra đời hay vì Phật ra đời? Ông cũng không biết, không phân biệt.
Một niềm viu trước mọi cảnh tượng nhiệm mầu.
Không phải
con người nào khi ra đời cũng được đón mừng như bé nai ấy. Trong ngày Phật
Đản, người ta để ý đến một chú tiểu và thì thầm với nhau: Chú tiểu đó
trước đây là một đứa bé bị bỏ rơi trước chùa!
Ngày Phật ra đời
chú tiểu ngày nay ấy
xưa là đứa con rơi!
(Kanbutsu ya
sutego sunawachi
tera no chigo).
Chú
tiểu bị để ý vì cái bí ẩn của đời chú. Chú có một tiểu sử bị che khuất
trong sương mù vô mình. Nhưng ai không vô minh?
Và chú tiểu
còn rất bé đó nhìn cảnh tắm Phật. Với chú, Bụt là gì?
Bụt ơi, Bụt là
hoa đào nở ngát
pha màu trắng xa.
Hôitsu
(Hotke to wa
sakura no hana ni
tsuki yo kana).
Nhà thơ
Hôitsu nhìn thấy Bụt là hoa đào đêm trăng. Nhưng hoa đào, hoa đào là gì?
Có lần, một nhà thơ khác là Taigi nhìn thấy hoa đào trong hóa thân bụi cát:
Vườn chùa chiều nay
Cát bụi ai quét
Là hoa đào bay.
(chiri wa mina
sakura nari keri
tera no kure).
Hoa
đào là cát bụi, cát bụi là hoa đào. Như Phật và chúng sinh.
Phật
là hoa đào. Và không phải như thế. Bởi đời sống không thể nào định danh.
Tăng hỏi
Huệ Tĩnh:
- Thế
nào là Phật?
Huệ Tĩnh:
- Con
mèo trèo cây cột cái.
Vì Tăng
không hội, Huệ Tĩnh bảo:
- Hãy
hỏi cây cột cái.
Được,
hãy hỏi cây cột cái, hãy hỏi con mèo, hỏi sự vật, hỏi thiên nhiên. Hãy hỏi
bằng cái nhìn, hãy hỏi bằng trái tim, bằng nhịp điệu của cuộc sống. Sống.
Đừng
hỏi câu hỏi chết. Thế thôi!
Nếu
chỉ tìm thấy Phật trên đài sen, trong hoa đào thì Phật “hẹp” đến thế ư?
Trong cõi ta bà này, Phật ở đâu?
Tăng:
- Có thấy Phật không?
Sư: -
Có.
Tăng:
- Thấy Phật bên phải hay bên trái.
Sư: -
Không phải không trái.
Cái thấy
tối thượng không có vị trí. không hoa đào, không hoa se.
Đã có người ta
có ruồi có nhặng
có Bụt đây mà.
Issa
(Hito areba
hae ari hotoke
ari ni keri).
Đáng
ngạc nhiên là thế giới. Thế giới nặng đến vô cùng và cũng nhẹ đến vô cùng.
Tràn đầy ánh sáng và tràn đầy bóng tối. Có ruồi nhặng khắp nơi và có Phật
khắp nơi. Cái thế giới này chứ không phải thế giới nào khác là nơi mà con
người yêu Phật hơn cả.
Thế giới
của “người im lặng” (Muni) và vô số âm vang:
Mưa muôn giọt rơi rơi
tiếng ve ngân muôn giọng
Bụt đây mà, Bụt ơi!
Issa
(Mora-zemi ya
moro-amadare ya
ômidô).
Biết
bao nhiêu là giọt mưa, biết bao nhiêu là tiếng ve. Nhưng tất cả ra đi từ
Niềm lặng im vĩnh cửu. Ra đi và trở về. Như trở về với Đại Phật đường.
Mưa
thì rơi và ve thì kêu. Muni ơi, sao người im lặng? Bởi vì người im lặng.
Người im
lặng như một vầng trăng.
Vầng trăng thu
ngồi như dáng Phật
rạng ngời ôn nhu.
Issa
(Meigetsu ya
hotoke no yô ni
hiza wo kumi).
Ngồi
một mình, ngồi im lặng. Nhưng có gì phổ hiện như trăng (Nhất nguyệt phổ
hiện nhất thiết thủy).
Cũng
như Phật, trăng mọc rồi lặn. Nhưng trăng không đi đâu. Không mất. Vẫn còn
đó trong bầu trời. Vẫn còn đó trong chân không (Nguyệt lạc bất ly thiên).
Vẫn
còn đó như bao giờ một vầng trăng Phật.