...... ... |
.. |
. |
.. |
. |
. |
-
VIÊN NGỌC NHƯ Ý
Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa
The
Wish-Fulfilling Jewel
Những giáo lý được tìm thấy ở đây liên quan tới một thực hành căn bản và
quý giá nhất
là Guru yoga. Các từ Guru yoga có nghĩa là “sự hợp nhất với bản tánh của
Guru (Đạo Sư),” và trong thực hành này chúng ta được ban cho những
phương pháp nhờ đó ta có thể hòa hợp tâm của chính chúng ta với tâm giác
ngộ của Đạo Sư.
Có thể nói rằng tất
cả chư Phật trong ba thời – chư Phật trong quá khứ, trong hiện tại và
chư Phật tương lai – thành tựu Phật Quả là nhờ nương cậy vào một vị Thầy
tâm linh. Bản chất của sự nương cậy vào một vị Thầy là lòng sùng mộ
không
ngơi nghỉ, và những phương tiện hữu hiệu nhất để phát khởi và giữ vững
lòng sùng
mộ không lay chuyển chính là thực
hành Guru yoga. Nhờ thực hành này, lòng
sùng mộ đối với vị Thầy bắt rễ vững chắc trong ta và cuối cùng lớn mạnh
để thâm nhập toàn thể con
người chúng ta. Nó bảo vệ thực hành của ta trước những chướng ngại
và bảo đảm sự tiến bộ trên con đường. Như vậy lòng sùng mộ đối với vị
Thầy là cốt lõi của mọi thực hành tâm linh của chúng ta, bất luận ta
đang tu tập những giai đoạn đặc biệt nào trên con đường. Vì những lý do
này, Guru yoga được coi là thực hành
quan trọng và thiết yếu nhất trong mọi thực hành, và tự nó là con
đường chắc chắn và nhanh chóng nhất để đi tới mục đích Giác ngộ.
Tại sao sự hòa hợp tâm thức
chúng ta với tâm của Đạo Sư là một thực hành cốt yếu như thế? Mặc dù
trước hết bậc Đạo Sư có thể xuất hiện với chúng ta trong thân
tướng của con người bình thường, và mặc dù trước hết, ngài có thể xuất
hiện để xử sự trong một cách thế con người bình thường, nhưng ở bản chất,
tâm ngài thực sự bất khả phân
với tâm Phật. Những phẩm tính của Đạo Sư không chút khác biệt với
những phẩm tính của một vị Phật Toàn giác.
Thực sự, khác biệt duy nhất
giữa Đạo Sư và chư Phật là lòng tốt của Đạo Sư trổi
vượt hơn lòng tốt của tất cả các Đấng Giác Ngộ trong quá khứ. Ví dụ Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni đã lìa thế gian này hơn hai ngàn năm trước, trong
khi những vị Phật khác, như Đức A Di Đà và Vajrasattva (Kim Cang
Tát Đỏa), đang an trụ trong những cõi Phật của riêng các ngài. Các ngài
là những vị Phật Toàn Giác, nhưng chúng ta không bao giờ được diện kiến,
cũng không được nghe giáo lý của các ngài, bởi hiện nay tâm thức của
chúng ta đầy đặc sự che chướng. Trái lại, bậc Đạo Sư của chúng ta đã đến
thế gian này vào thời hiện tại. Chúng ta có thể gặp được ngài và nhận
được từ ngài những giáo huấn quý báu sẽ dẫn dắt chúng ta ra khỏi vũng
lầy của samsara(1) (sinh tử) để đi tới giác ngộ. Vì thế, mặc dù Đạo sư
của chúng ta có những phẩm tính
ngang bằng tất cả chư Phật, nhưng ngài trổi vượt các Đức
Phật do ở lòng tốt của ngài.
Bản
văn đặc biệt mà chúng ta sẽ sử dụng và giảng giải ở đây được rút ra từ
Longchen
Nying-thig, là giảng khóa sâu xa và bao quát được khám phá bởi vị thánh
và tertưn(2) vĩ đại Rigdzin Jigme Lingpa,(3) tên ngài có nghĩa là
“Bậc Trì giữ Vô úy Giác
tánh.” Ngài cũng được gọi là Khyentse Ưser, có nghĩa là “Những Tia Sáng
của Trí Tuệ và Đại Bi,” một danh
hiệu ban cho ngài trong những thị kiến. Longchen Nyingthig có
nghĩa là “Tâm yếu của Phạm vi Lớn.”
Vào lúc này, thật thích đáng
khi đưa ra một trình bày về nguồn gốc của Longchen Nyingthig và nhờ đó
củng cố tín tâm của chúng ta nơi tính xác thực của những
giáo lý này. Theo chính Jigme Lingpa, các giáo lý đến với ngài theo cách
thức sau :
Là kết
quả của những sự cầu nguyện nhiệt thành của tôi trong vô số đời không
bao
giờ phân cách với lòng từ bi và sự ban phước của Pháp Vương
Urgyen,(4) và người phối ngẫu của ngài, Dakini Yeshe Tsogyal,(5) tôi đã
có thể hiểu rõ nỗi đau khổ trùm khắp
của vòng sinh tử (samsara). Khi ấy tôi chứng nghiệm nỗi buồn ghê
gớm và trong tôi phát khởi một sự thôi thúc tự giải thoát
khỏi vòng sinh tử, tôi đi tới Palri Thekchogling(6) với ý định trải qua
ba năm trong thực hành tâm
linh nghiêm ngặt và nhất tâm.
Một
buổi sáng lúc bình minh, khi tôi đang thực hành trì tụng một trăm Bổn
Tôn
(deity)(7) hòa bình và phẫn nộ, một cảm xúc về sự từ bỏ và nhàm chán
sinh tử dâng trào trong tâm tôi. Vào lúc này không gian quanh tôi tràn
đầy ánh sáng rực rỡ và
Pháp Vương Urgyen, cùng Rigdzin Jampal She-nyen(8) và nhiều vị khác đứng
vòng quanh ngài, tất cả xuất hiện trên bầu trời trước mặt tôi. Sau một
lúc, các ngài tan hòa vào tôi, và tâm tôi trở nên vắng bặt mọi tư tưởng
tầm thường. Tất cả những dấu vết của sự bám chấp vào những kinh nghiệm
thiền định đều tan biến, mọi năng lực của nghiệp nằm trong sự
kiểm soát của tôi, và pháo đài không
thực của những hình tướng sụp đổ. Các tri giác bình thường về
cuộc đời này hoàn toàn phai lạt trong tâm tôi, và như thể hóa thân thành
một cuộc đời mới, tôi an trụ trong một trạng thái nhờ đó tôi hoàn toàn
nhớ lại mình đã từng là Ngari
Panchen Pema Wangyal.(9)
Không lâu sau đó, tôi mơ thấy
mình ở một nơi xa lạ được gọi là cõi trời “Thành
tựu tự nhiên Mọi Ước Muốn.” Ở đó tôi
nhìn thấy Dorje Drolư(10) cưỡi trên một con rồng, ngài đứng và di
chuyển, nhưng thật kinh khủng, ngài không có
thực chất như thể được làm bằng ánh sáng cầu vồng. Một tu sĩ, mà tôi
nghĩ là Hộ Pháp Damchen Dorje
Lekpa,(11) nói: “Đây là Bổn Tôn mà bài kệ sau đây ám chỉ: ‘Urgyen
và Yidam(12) không thể phân cách. Không nghi ngờ gì nữa, đứa con trai
sẽ nhận được kho tàng của người cha’.” Ngài nói điều này và mọi sự
biến mất.
Nhiều ngày trôi qua. Sau đó,
vào buổi chiều ngày 25 tháng 10 năm Hỏa Ngưu
(1757), một lòng sùng mộ mãnh
liệt đối với Đạo Sư vĩ đại Guru Padmasambhava phát khởi trong tôi
khiến nước mắt tôi chảy đầm đìa. Những hồi ức từ một dĩ vãng xa xưa lóe
lên trong tâm tôi, và cùng nỗi buồn tràn
ngập, tôi nghĩ: “Đây là xứ sở của những người mặt đỏ, là những
người sống ngập ngụa trong tham sân si, không đam mê điều gì trừ những
hành động xấu ác nhất. Không còn lại
điều gì ngoại trừ một hình bóng nhạt nhòa của những giáo lý, tôi
thấy bản thân mình như một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong chốn hoang dã.
Ngài, đấng bảo hộ đầy bi mẫn, vĩ đại hơn bất kỳ vị Phật nào khác,
đã lìa bỏ xứ sở này và đi tới Núi Màu-Đồng-Đỏ.(13) Bao giờ con mới có
thể gặp được ngài ?”
Dày vò bởi nỗi buồn khổ, tôi
khóc nức nở. Ngay lúc đó, không khí quanh tôi tràn đầy ánh sáng, và bỗng
nhiên, tôi nhìn thấy một con sư tử cái màu trắng tuyệt
đẹp. Tôi ngồi lên lưng nó và chúng tôi lao vào cái mênh mông vô
hạn của bầu trời. Chẳng bao lâu chúng tôi tới Jarungkhashor,(14) đại
tháp (stupa) ở Nepal. Ở đó, vị Dakini(15) của trí tuệ Pháp Thân (dharmakaya)
đứng ở cạnh phía đông của tháp.
Ngài trao cho tôi một hộp đèn
bằng gỗ niêm kín và nói:
Đối
với những người có tri giác thanh tịnh,
Con là vua Trisong Detsen.(16)
Đối với những người có tri
giác ít thanh tịnh hơn,
Con là
Senge Repa, vị Yogi Sư Tử áo vải.
Đây là Kho Tàng Tâm của Phổ
Hiền (Samatabhadra),(17)
Biểu Tượng của tâm vô hạn của
Vidyadhara (Trì Minh Vương) Padma,
Kho tàng bí mật vĩ đại của
chư Dakini.
Nói như thế xong, bà biến mất,
để mặc tôi sửng sốt. Sau đó, tràn ngập niềm vui, tôi mở hộp ra. Trong đó,
tôi thấy năm cuộn giấy da vàng và bảy mảnh pha lê nhỏ kích thước bằng
một hột đậu. Khi tôi mở cuộn giấy lớn nhất,
không khí tràn ngập một mùi thơm không thể tả của cỏ thuốc và long não,
và toàn thân tôi như run rẩy với sự huyền nhiệm đó. Tự nhiên một
tư tưởng hiện ra rõ ràng trong tâm
tôi: “Ngài Rahula(18) bảo vệ kho tàng này. Nó cực kỳ mạnh mẽ và
phải được tiếp cận hết sức thận trọng.” Với lòng tôn kính và sợ hãi, tôi
từ từ mở cuộn giấy. Trong đó có hình của một cái tháp được chữ Dakini
hoàn toàn che phủ, dường như vượt quá sự hiểu biết của con người. Không
thể giải đoán nó, tôi bắt đầu cuộn tấm giấy da lại thì bất ngờ, như một
ảo tưởng, cái tháp biến mất và chữ Dakini tan biến và hóa thành
chữ Tây Tạng. Đó là một bản văn về Đấng Bi Mẫn Vĩ Đại.(19) Toàn bộ bản
văn này xuất hiện rõ ràng như thể nó
là một hình ảnh trong một tấm gương. Sau một lúc, nó lại trở nên
khó đọc, càng lúc càng không rõ ràng…
Trong linh kiến này và những
linh kiến liên quan khác, Jigme Lingpa mở những cuộn giấy khác và, cuối
cùng do một Dakini chỉ dạy, sau khi nuốt những cuộn
giấy còn lại, ngài kinh nghiệm sự chứng ngộ vô biên về Tánh Không-đại
lạc.
Dưới sự chỉ dạy của Đạo Sư
của ngài, ngài giữ kín những giáo lý này trong bảy năm. Sau đó, trong
khóa nhập thất ba năm ở Chimphu, trên núi phía trên tu viện
Samye,(20) ngài có ba linh kiến về Kunkhyen Longchen Rabjam,(21) Hóa
thân của Vimalamitra,(22) là người bản thân đã đạt tới cấp độ của Đức
Phật nguyên thủy Phổ Hiền, và tâm các ngài hợp nhất thành một tâm.
Trong những linh kiến này, Longchen Rabjam thuyết phục Jigme Lingpa khai
mở những kho tàng linh kiến của ngài và giảng dạy chúng cho chúng sinh.
Phù
hợp với sự tiên tri, vào ngày mồng mười tháng Thân thuộc năm Thân Mộc
(1764), khi đang cử hành nghi thức triệu thỉnh của một lễ cúng dường
trang trọng, Guru Padmasambhava,
trong vẻ hết sức lộng lẫy và được vây quanh bởi đoàn tùy tùng vân
tập gồm các Daka và Dakini, xuất hiện trên bầu trời. Rồi Đức Guru
Rinpoche ban phước cho ngài
và giải trừ mọi chướng ngại cản trở sự truyền bá và giảng dạy những
giáo lý này.
Không lâu sau đó, mặc dù
Jingme Lingpa không bao giờ nói cho bất kỳ ai về giáo lý linh kiến ngài
đã có như thế, Drati Rikpe Dorje, vị yogi khùng điên ở Kongpo,(23)
đến gặp ngài và thỉnh cầu những giáo lý không chút do dự. Tán thành
những khẩn cầu này, ngài từ
từ khai mở các giáo lý, ban cho các đệ tử mọi quán đảnh và những
giải thích về sự thực hành những kho tàng sâu xa này.
Giảng
khóa Longchen Nyingthig được soạn gồm nhiều phần. Nó bao gồm những
thực hành chuẩn bị và chính yếu, các giai đoạn phát triển và thành tựu,
và, quan trọng nhất là sự thực hành Atiyoga, hay Đại Viên Mãn.(24) Như
vậy nó làm nên một con đường toàn hảo đi tới giác ngộ.
Guru yoga, sự hợp nhất với
bản tánh của Đạo Sư, tạo thành nền tảng của mọi thực hành, và có nhiều
kỹ thuật khác nhau cho sự thực hành của nó. Trong Guru yoga có
những phương pháp bên ngoài, bên trong, bí mật, và bí mật nhất. Bản văn
sắp sử dụng trình bày phương pháp bên ngoài, nó thật ngắn gọn, dùng để
quán tưởng Đạo Sư ở trên đầu bạn và để cầu nguyện với ngài một cách mãnh
liệt, với lòng sùng mộ nhiệt thành.
Phương
pháp bên trong là để nhận thức qua thực hành rằng thân, ngữ và tâm của
riêng ta thì không thể phân cách với thân, ngữ và tâm trí tuệ của Đạo Sư.
Trong giảng
khóa Longchen Nyingthig, phương pháp bên trong là một sadhana của Guru
Rinpoche
được gọi là Rigdzin Düpa, hay Pháp Hội của Những Vị Trì giữ Giác Tánh.
Phương
pháp bí mật là để thiền định về Guru trong hình thức Báo Thân (Sambhogakaya)
của ngài, thân hỉ lạc thiêng liêng, mà trong giảng khóa này là sự thực
hành về
Guru Rinpoche trong hình tướng của Đức Quán Thế Âm (Chenrezik) và được
gọi là
Dugn-gel Rangdrol, hay sự Tự-Giải Thoát khỏi Đau khổ.
Phương pháp bí mật nhất đưa
chúng ta tới trạng thái tỉnh giác tự nhiên và ở đây bao hàm sự quán
tưởng về Kukhyen Longchenpa với Đức Phật nguyên thủy Phổ
Hiền trong tim ngài. Sadhana bí mật nhất này được gọi là Thigle Gyachen,
hay Tinh Chất Được Niêm Phong.
Trên
bình diện tuyệt đối, vị Thầy là một với bản chất rốt ráo của tâm chúng
ta, nó
chính là cốt tủy của Phật Quả, tathagatagarbha. Như vậy đâu là phương
pháp để nhận ra
được vị Thầy tuyệt đối này ? Nhờ vị Thầy bên ngoài hay tương đối và các
giáo huấn cốt tủy của
ngài, chúng ta có thể tiến tới sự chứng ngộ vị Thầy bên trong hay
tuyệt đối, đó chính là tự thân Giác tánh. Như thế, nền tảng và căn bản
rốt ráo của sự thành tựu nhận thức này là pháp Guru yoga hiện có,
nó liên quan tới phương pháp bên
ngoài và được phân loại một cách kỹ thuật là một bộ phận của những
thực hành chuẩn bị. Bởi cốt lõi thực sự của mọi giai đoạn và thực hành
khác chính là pháp Guru yoga này,
nên sẽ thật sai lầm khi cho rằng nó chỉ là một thực hành
chuẩn bị và vì thế không quan trọng. Đúng hơn, chúng ta cần nhận thức
rằng nếu
liên tục thực hành pháp Guru yoga
này suốt toàn bộ cuộc đời ta, thì mọi sự ban
phước của chính Đức Guru Rinpoche sẽ thâm nhập vào chúng ta dễ dàng.
Vì tâm
an trú trong thân thể, nên điều quan trọng là thân cần có một tư thế
đúng đắn. Khi thân
mình và xương sống được duy trì trong một tư thế thẳng đứng, các kinh
mạch(25) trở nên thông suốt và tâm thức trở nên trong sáng. Nếu chúng ta
uể oải trong một cách thế
hoàn toàn cẩu thả, thì sự tập trung, hay thiền định rất khó phát
sinh đúng đắn trong ta. Vì vậy, chúng ta nên ngồi trong tư thế bảy
điểm(26) được gọi là tư thế Tỳ Lô Giá Na (Vairocana).
Sự
thực hành Guru yoga này có nghĩa là phát sinh lòng sùng mộ phi thường,
sự sùng mộ
mãnh liệt cho phép chúng ta nhìn thấy bậc Đạo Sư không khác biệt với
chính Đức Phật. Khi
người ta nhìn vị Thầy đơn thuần như một chúng sinh bình thường, thì
người ta sẽ chỉ nhận được “những ban phước” của những chúng sinh bình
thường, nếu người ta nhìn ngài như một Arhat (A La Hán) hay
Pratyekabuddha (Phật Độc Giác) hay Sravaka (Thanh Văn) thì người ta sẽ
nhận được những ban phước tương ứng;
nếu người ta nhìn vị Thầy như một Bồ Tát, người ta sẽ
nhận những sự ban phước của những Bồ Tát. Tuy nhiên nếu người ta có thể
nhìn vị Thầy như một vị Phật,
thì người ta sẽ nhận được những sự ban phước của những vị Phật.
Chưa từng có vị Phật nào trở
nên giác ngộ mà không nương cậy một vị Thầy tâm
linh. Vậy để có thể thực hành Pháp chân thực, trước hết ta phải tìm kiếm
một Đạo sư hoàn toàn chứng
ngộ và phụng sự ngài với sự tín tâm tuyệt đối. Như trong Kinh
điển có nói: “Chỉ nhờ độc nhất lòng tin mà người ta chứng ngộ được bản
tánh tuyệt đối.” Không có lòng tin,
ngay cả khi người ta hiểu biết thâm sâu mọi phần đoạn
của các giáo lý, thì nó cũng không có ích lợi gì. Đây là một sự thực đặc
thù đối với một hành giả Kim Cương thừa.
Như
vậy chúng ta cần phát khởi lòng sùng mộ mãnh liệt này như thế nào? Hiện
nay, bậc Đạo Sư có hình thức của một con người và giống một con người
bình thường, nhưng tâm ngài được an
trụ vững chắc trong trí tuệ. Nếu chúng ta có thể thấu hiểu tâm thức sâu
thẳm của ngài, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng nhờ ngài có khả
năng loại bỏ được tất cả
khiếm khuyết và chứng ngộ tất cả những gì phải được chứng ngộ nên
ngài ngang bằng trong mọi phương diện và phẩm tính với một vị Phật Toàn
Giác. Sự khám phá này là căn nguyên của lòng sùng mộ sâu xa và
chân thật.
Ngài giống như con tàu to lớn
đưa chúng sinh vượt qua đại dương hiểm nghèo của sinh tử, một thuyền
trưởng lão luyện dẫn dắt họ tới miền đất khô ráo của giải thoát, như một
trận mưa dập tắt ngọn lửa của những dục vọng, một mặt trời và
mặt trăng chói sáng xua tan bóng tối vô minh, một mặt đất vững chắc có
thể chứa đựng sức nặng của cả
điều tốt lẫn cái xấu, một cây như ý ban cho hạnh phúc thế gian và sự an
lạc tối hậu, một kho tàng giáo huấn rộng lớn và sâu sắc, một viên ngọc
như ý ban tặng mọi phẩm tính
của sự chứng ngộ, một người cha và bà mẹ dâng hiến tình thương
của mình cho mọi chúng sinh, một con sông lớn của lòng bi mẫn, một
ngọn núi vượt lên trên những bận tâm thế tục và không bị lay động bởi
những ngọn gió cảm xúc, và như một đám mây lớn chứa đầy mưa làm
dịu mát những dày vò của dục vọng.
Tóm lại, ngài ngang bằng với tất cả chư Phật. Thiết lập mối quan
hệ với ngài, dù là nhìn thấy ngài, nghe giọng nói của ngài, tưởng nhớ
tới ngài, hay được tay ngài xúc chạm, sẽ dẫn dắt chúng ta tới sự giải
thoát. Hoàn toàn tin tưởng nơi ngài là con đường chắc chắn để tiến tới
sự giác ngộ. Sự nồng ấm của trí tuệ và đại bi của ngài sẽ nấu chảy quặng
mỏ ở con người chúng ta và lấy ra được chất vàng ròng của Phật tánh
trong đó.
Chúng ta có thành tựu được sự
chứng ngộ hay không thì hoàn toàn tùy thuộc vào
lòng sùng mộ của ta đối với bậc Đạo Sư. Ví dụ như ngài Tilopa không yêu
cầu, và Đức Dorje Chang cũng không ban cho dù chỉ một chữ giáo lý, nhưng
Tilopa đã được giải thoát. Điều này chỉ đơn giản nhờ sức mạnh lòng sùng
mộ của Tilopa. Nếu người đệ tử có cái vòng khoen của đức tin và
sùng mộ, thì cái móc trí tuệ và đại bi của Đạo Sư sẽ nhanh chóng kéo anh
ta lên miền đất của sự giải thoát. Có nói rằng:
Khi
mặt trời của lòng sùng mộ mãnh liệt chiếu sáng
Trên núi tuyết bốn thân (kaya)
của Đạo sư,
Thì giòng suối những ân phước
sẽ đổ tràn xuống.
Vì thế,
hãy nỗ lực phát khởi lòng sùng mộ trong tâm bạn.
Và cũng có nói :
Chỉ nhớ tới bậc Đạo Sư trong
chốc lát
Thì công đức vô hạn hơn là
thiền định
Trong
một triệu kiếp (kalpa) về một trăm ngàn Bổn Tôn.
Mặc dù lòng từ bi bao la của
Đức Phật A Di Đà và Vajrasattva không bao giờ bỏ rơi
chúng ta, nhưng bởi những che chướng của ta, chúng ta không thể diện
kiến các ngài. Tuy nhiên vị Thầy của riêng ta thì tốt lành hơn tất cả
chư Phật là bởi hiện nay, ngay trong đời này, chúng ta có thể gặp
được ngài bằng xương bằng thịt và nhận lãnh từ ngài những giáo huấn quý
báu. Vị Thầy vĩ đại Patrul Rinpoche đã dùng một sự so sánh đơn giản: tất
cả những người giàu có trong thế giới không có ai tốt lành như thế.
Người tốt lành nhất giúp đỡ những người nghèo không có thực phẩm lẫn
phương tiện sinh sống. Ngay cả nếu chúng ta có gặp được tất cả chư Phật
trong các Cõi Cực Lạc của các ngài, chúng ta cũng sẽ không nhận được từ
các ngài bất kỳ giáo lý hay giáo
huấn nào phi thường và sâu sắc hơn các giáo lý mà vị Thầy của ta ban cho
ta, và nếu nhờ một vài phép màu, chúng ta cũng sẽ không được
kéo lên khỏi những cảnh giới thấp và được đặt vào sự giác ngộ theo cách
một chiếc máy bay nâng chúng ta lên bầu trời.
Chúng
ta không cần phải nhận một số lượng lớn những giáo huấn khác nhau để
thành tựu Giác ngộ. Thật ra, tám mươi tư thành tựu giả (mahasiddha) của
Ấn Độ đã thành tựu sự chứng ngộ và Phật Quả viên mãn nhờ thiền định về
bốn câu kệ của giáo lý. Các ngài không đi vào những loại giáo huấn mênh
mông, nhưng thực hành nhất tâm chính
giáo huấn các ngài đã nhận lãnh.
Tương
tự như thế, nếu khi gặp được Đạo Sư chúng ta cảm thấy hoàn toàn xác tín
và phát sinh lòng sùng
mộ đối với ngài, thì chúng ta đã có những yếu tố chính yếu để tiến triển
trên con đường. Nhưng nếu chúng ta thiếu lòng tin và lòng sùng
mộ mãnh liệt, nếu ta không thể nhận thức Đạo Sư như vị Phật thì mặc dù
có thể thâu thập vô số giáo
huấn, nhưng chúng ta sẽ không chỉ không tìm được sự tiến bộ, mà
còn có nguy cơ bị rơi vào những sự lạc hướng cùng cực như nhà sư Lekpe
Karma, hay “Ngôi Sao Tốt” đã gặp phải.
Lekpe
Karma đã trải qua phần lớn cuộc đời gần Đức Phật và trong thời gian đó
ông đã được nhận rất nhiều giáo lý. Nhờ trí nhớ không sai lạc ông học
thuộc lòng toàn
bộ Tam Tạng. Nhưng vì thiếu đức tin và có những ác kiến với Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni, ông
ta tin rằng những hành động và giáo lý của Đức Phật thì không hơn
những kế hoạch được dành cho những người điên. Do bởi điều này ông tự
cắt đứt với mọi sự ban phước.
Không
có lòng sùng mộ chân thực thì ngay cả sự đa văn uyên bác cũng sẽ không
ngăn ngừa được sự hoài nghi về vị Thầy phát khởi. Không có lòng sùng mộ
chân thực chúng ta có
thể rơi vào sai lầm khi nhìn những hành động của Đạo sư trong
một cách thế đầy định kiến, vì vậy nuôi dưỡng một thái độ sai lạc đối
với ngài. Về sau, thậm chí chúng ta có thể bị che chướng còn sâu
đậm hơn là lúc đầu tiên chúng ta gặp vị Thầy. Nhưng nếu chúng ta nuôi
dưỡng lòng sùng mộ chân thành thì chỉ nhờ sự nhiệt thành mãnh liệt này,
chúng ta sẽ được giải thoát.
Chúng
ta có thể không cảm thấy lòng sùng mộ như thế từ ngay giây phút chúng ta
gặp gỡ vị Thầy; vì thế, như một phương tiện để phát khởi lòng sùng mộ
càng lúc càng lớn mạnh, chúng ta thực hành một sadhana Guru yoga, trong
đó chúng ta nhận thức vị Thầy thì
không phân cách với một thân tướng toàn hảo như Guru
Padmasambhava, cũng được gọi là Guru Rinpoche, Đức Guru Quý Báu. Vào lúc
bắt đầu, chúng ta có thể phát khởi một loại sùng mộ không tự nhiên, một
tạo tác trong tâm thức. Về điều này, chúng ta sẽ thiền định rằng Đạo sư
của chúng ta thì không phân cách với
Guru Rinpoche.
Chúng
ta có thể hỏi “Guru Rinpoche là ai ?” Về Pháp Thân, bình diện tuyệt đối,
ngài là Đức Phật Ưpame (Phạn ngữ: Amitabha), Đức Phật A Di Đà. Về Báo
Thân, bình diện “hỉ lạc thiêng liêng”,
ngài là Đức Quán Thế Âm (Phạn ngữ. Avalokitesvara). Về Hóa Thân (nirmanakaya)
– bình diện hiển lộ – ngài là Guru Liên Hoa Sanh Pema
Jungne (Phạn ngữ. Padmakara) đấng đã xuất hiện trong thời đại suy hoại
này khi những chúng sinh, bị che chướng bởi những phiền não do
những cảm xúc tiêu cực lớn
lao và những quan điểm sai lầm, trở nên chán ghét việc thực hành Pháp
cao cả. Trong thời đại tối tăm này, các chúng sinh bị đau khổ vì ba tai
họa là bệnh tật, đói kém, và chiến tranh. Chính trong một thời đại như
thế mà Guru Padmasam-bhava hiển lộ
như hiện thân của tất cả chư Phật. Ngài đến xứ Tây Tạng trong hình tướng
của một thành tựu giả (siddha) Ấn Độ và khai mở tất cả những
giáo huấn cho hai mươi lăm đệ tử của ngài, cho tám mươi siddha ở Yerpa,
và cho nhiều người khác, cuối cùng tất cả những vị đó đã thành tựu sự
chứng ngộ toàn hảo.
Chúng ta cũng thế, hiện nay
nhờ lòng tốt vô hạn của Guru Rinpoche, chúng ta có
thể thực hành những giáo lý của Mantra thừa Bí Mật (Mật thừa). Để phát
sinh nhận thức vị Thầy của ta là một với Guru Liên Hoa Sanh, từ đáy lòng,
chúng ta nên phát khởi tư tưởng sau đây: “Bậc Đạo sư của tôi đồng
nhất với Guru Rinpoche. Ngài có sự
chứng ngộ tương tự và có thể biểu lộ tất cả những điều huyền diệu và
phẩm tính giác ngộ mà Guru Rinpoche đã hiển lộ trong đời ngài.”
Lúc
đầu, tư tưởng này được phát khởi bằng một cách không tự nhiên nhờ nhắc
đi
nhắc lại nó; tuy nhiên, với xác tín mạnh mẽ, một lòng sùng mộ chân thật
và
không cần cố gắng sẽ nảy sinh trong chúng ta. Giống như việc mạ vàng một
hình tượng Phật làm
cho nó rực rỡ thêm, sự thiền định về vị Thầy của chúng ta bất khả phân
với Guru Padmasambhava sẽ giúp chúng ta nhận được những sự ban phước và
phát sinh lòng sùng mộ sâu
sắc dễ dàng hơn nữa.
Suốt
trong thực hành Guru yoga, sự trì tụng đơn thuần những câu kệ thì không
đủ, vì vấn đề chính là sự phát khởi lòng sùng mộ. Để thành tựu điều này,
trong khi thiền định
tâm đừng vơ vẩn với những tư tưởng lang thang đây đó không dứt; thân cần
duy trì ở tư thế bảy điểm; việc trì tụng thần chú đừng chỉ ở môi miệng,
mà đúng hơn phải tụng đọc với đức tin phát sinh từ sâu thẳm của trái tim
ta, từ trong chính xương tủy của ta, và với sự xác tín rằng Đạo Sư của
chúng ta thực sự chính là Guru Rinpoche.
Nói
chung, việc thực hiện bất kỳ hành động nào với sự thống nhất thân, ngữ
và tâm sẽ phát sinh
một kết quả to lớn hơn. Ví dụ, nếu chúng ta tiến hành sự cúng dường lễ
lạy bằng cách đặt thân thể trong một loạt các động tác máy móc trong khi
ngữ thì đi vào những cuộc đàm luận và tâm chuẩn bị những chương trình
cho tương lai hay dây dưa với hàng
ngàn niệm tưởng về quá khứ, thì những sự lễ lạy sẽ rất ít lợi lạc.
Với thân, chúng ta cần lễ lạy
thật cẩn trọng; với ngữ chúng ta cần tụng đọc lời nguyện quy y một cách
trong sáng chứ đừng ê a bằng những lời lẽ tầm thường; và với tâm chúng
ta phải hoàn toàn tập trung vào sự thực hành với lòng sùng mộ chân thành.
Chúng ta phải nhớ tưởng rằng khi thực hành một sự lễ lạy, đặt hai bàn
tay ở ba trung tâm là trán, cổ họng, và trái tim, chúng ta tỏ lòng kính
ngưỡng thân, ngữ và tâm của tất cả chư Phật. Như thế ta nhận được những
sự ban phước tương ứng, chúng tịnh hóa ba độc và mọi tiêu cực của thân,
ngữ và tâm của chúng ta.
Khi
một người nào đó tiến hành một công việc thế tục, để có thể thành công
họ sẽ phối hợp thân,
ngữ và tâm mình trong một cách thức hài hòa và phù hợp. Họ sẽ bận tâm về
kết quả đến nỗi nghĩ tưởng về nó ngày đêm. Tương tự như vậy, nếu
chúng ta có thể nhận định các mục đích của ta một cách chính xác và thực
hiện những nỗ lực không ngừng hướng về những mục đích này, kết hợp các
hoạt động của thân, ngữ, và
tâm, thì chúng ta sẽ thành công nhanh chóng, không còn nghi ngờ gì
nữa. Trái lại, nếu chúng ta thực hành một cách giả dối, giống như một
người làm việc
trong sự hiện diện của một vị vua
hay người quyền thế, thân giả bộ rất cần mẫn trong
khi tâm lại nuôi dưỡng lợi ích bất chính, thì ta sẽ không có tiến bộ gì
nhiều. Như thế sẽ chỉ là một
sự tập luyện, không đem lại kết quả nào và không đưa tới đâu. Bức vẽ một
ngọn đèn bơ trên tường trông giống một đèn bơ, nhưng không xua tan được
bóng tối.
Đây là lý do tại sao chúng ta
cần phối hợp và thống nhất thân, ngữ và tâm trong khi thực hành. Trong
ba thứ này, tâm là quan trọng nhất, vì thân và ngữ sẽ đi theo bất kỳ nơi
nào tâm dẫn dắt. Vì thế tâm không được phép đi lang thang vơ vẩn.
Có ba phần chính trong sự
thực hành thực sự pháp Guru yoga. Trước tiên là sự quán
tưởng đối tượng thiền định và sự mời thỉnh bậc trí tuệ (jnanasattva) ngự
xuống. Kế tiếp là sự cầu
nguyện bảy nhánh. Cuối cùng là sự khẩn cầu mãnh liệt bậc Đạo sư
và sự nhận lãnh bốn quán đảnh.
NƠI CHỐN NHƯ MỘT CÕI PHẬT
Trong bất kỳ thực hành quán
tưởng nào chúng ta cần nghĩ tưởng rằng mọi sự đã toàn thiện từ vô thủy,
và điều ta quán tưởng không là một sản phẩm của trí năng mà là sự thực
vốn có tự ban sơ. Điều này có nghĩa là chúng ta nhận thức sự toàn thiện
tự nhiên của môi trường là một cõi
Phật và chúng sinh ở trong đó là các hiện thể linh
thánh, các Daka và Dakini. Với lòng sùng mộ mãnh liệt, chúng ta nhận
thức vị Thầy của ta không phân cách với Guru Padmasambhava. Nếu
chúng ta duy trì lòng sùng mộ thường
xuyên, thì chắc chắn là Guru Rinpoche sẽ luôn luôn kề cận ta, như cái
bóng của ta. Để nâng đỡ và làm sống động lòng sùng mộ như thế, chúng ta
trì tụng các câu kệ của pháp
Guru yoga này.
Câu kệ đầu tiên bắt đầu với “Emaho”,
một biểu lộ của sự ngạc nhiên, và tiếp tục
với các từ : “Cõi Phật vô hạn tự xuất hiện, hiện diện tự nhiên, hoàn
toàn thanh tịnh…” Cõi Phật
này ám chỉ Cõi Cực Lạc của Guru Rinpoche, Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ,
Sangdopalri, nơi các hiện thể giải thoát tự nhiên khỏi các cảm xúc độc
hại, có khuynh hướng tự nhiên thực hành Pháp, và là nơi người ta
có thể đối diện với Guru Rinpoche.
Đây là nơi được gọi là một “Cõi Phật thuần tịnh”. Đối nghịch với cõi này,
chúng ta có chốn phàm tình này nơi chúng sinh đầy tràn các độc mạnh mẽ,
như sự tham muốn, kiêu ngạo,
ganh tỵ, và keo kiệt, nơi họ không hành xử phù hợp với Pháp, và
là nơi họ hoàn toàn phóng tâm bởi các mục đích bị giới hạn vào đời này.
Đây là nơi được gọi là một “cõi bất tịnh”.
Nếu chúng ta quán tưởng nơi
chốn quanh ta như một cõi bất tịnh, thì nó sẽ không
giúp ích cho ta. Nhưng nếu ta quán tưởng nó là một cõi Phật thuần tịnh,
thì nó sẽ trở nên như thế; hay, chính xác hơn, chúng ta sẽ đến
chỗ chứng ngộ được sự thanh tịnh tự nhiên của nó. Như vậy, chúng ta nên
quán tưởng nơi chốn như một cõi Phật
tự xuất hiện bao gồm toàn thể thực tại được hiển lộ. Trong pháp Guru
yoga hiện giờ đây, Cõi Phật
được sắp đặt toàn hảo này là Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ,
Sangdopalri, Cõi Cực Lạc của Guru Rinpoche.
Cõi Phật như thế không được
làm bằng đất đá bình thường, mà bởi các châu ngọc quý báu. Nó có các cây
như ý cũng như một hồ chứa nước như chất cam lồ có
tám phẩm tính(27) và đem lại sự bất tử. Ngay cả các thú vật hoang dã
sống ở đó cũng xử sự hài hòa với Pháp, và tất cả những âm thanh tự nhiên
của nước, gió, lửa, và rừng rậm vang dội như những thần chú. Bầu trời
tràn ngập vô lượng cầu vồng và các Vidyadhara, Daka, và Dakini,
nhiều như những hạt bụi dưới ánh sáng mặt trời.
Thiên nhạc, những bài ca kim cương, và các giai điệu du dương của các
thần chú vang dội, đem lại sự
an lạc không thể diễn tả cho tâm thức. Các sinh thể không bị phân
chia thành những người mà ta coi như bạn hữu và những người mà ta xem
như kẻ thù, mà tất cả đều có bản
tánh và hình tướng của các Daka và Dakini. Tất cả đều là những
bằng hữu trên con đường, xử sự phù hợp với Pháp. Trong Cõi Phật này
chúng ta nhận thức các sinh thể tự do đối với các độc hại của sự ganh tỵ,
kiêu ngạo, và gây hấn, và
không phán đoán một vài người là siêu việt và những người khác là
thấp kém, chúng ta phát khởi một lòng từ ái và khoan hòa đồng nhất với
tất cả.
Nếu
chúng ta giữ trong tâm cõi Phật được quán tưởng này, thì phương cách
chúng ta
nhận thức về các sự vật sẽ từ từ
thay đổi. Chúng ta sẽ nhận thức mọi sự là thanh
tịnh và sẽ có thể nhìn thấy Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ ở mọi nơi. Ví dụ
như nếu ta nhìn các bích họa miêu tả cuộc đời Đức Phật trên tường
ở một điện thờ, lòng sùng mộ
của ta tăng trưởng. Còn nếu các bức tường chỉ được để một màu trắng trơn,
chúng sẽ không gây hứng khởi gì. Để duy trì sự quán tưởng một nơi chốn
như một Cõi Cực Lạc, chúng ta cũng làm như vậy.
Tóm lại, chúng ta nên nhận
thức mọi hình tướng ta nhìn thấy là sự hiển lộ của thân Guru Rinpoche,
mọi âm thanh ta nghe là thần chú, lời nói (ngữ) của Guru
Rinpoche, và bất kỳ tư tưởng hay hồi ức nào xuất hiện trong tâm ta là sự
phô diễn của tâm trí tuệ toàn
thiện của Guru Rinpoche. Chúng ta đừng cho rằng việc này là một sự
tạo tác trong tâm thức, mà phải nghĩ rằng các sự việc đã tự nhiên như
vậy từ vô thủy. Trạng thái thuần
tịnh này là một cái gì hiện hữu tự nhiên, nhưng chúng ta không
tỉnh giác về nó. Nhờ sự thực hành pháp Guru yoga chúng ta sẽ dần dần đi
tới chỗ nhận ra bản tánh thực
sự của các hiện tượng. Vì vậy mục đích của thiền định là để giải tan
nhận thức sai lầm của ta về các sự vật và thay vào đó, chứng ngộ được sự
thanh tịnh sẵn có của mọi hiện tượng.
CHÍNH CHÚNG TA LÀ VAJRAYOGINI
Tương tự như vậy, chúng ta
phải quán tưởng chính mình là một bậc phi thường nào đó, ở
đây là Vajrayogini, bà mẹ, hay căn nguyên của tất cả chư Phật. Ngài có
một mặt, hai tay, và hai chân. Ngài có màu đỏ chói, rực rỡ và trong suốt,
không được cấu tạo bằng các yếu tố vật chất thô nặng như máu thịt
và xương mà thay vào đó trong sáng
như thể được làm nên bởi ánh sáng. Mọi chi tiết của sắc tướng ngài cho
tới các vật trang sức và màu trắng, màu đen của mắt ngài đều được nhận
thức tinh tế và chính xác. Ngài có
ba mắt, chúng đăm đăm nhìn lên trời hướng về Guru Rinpoche với lòng sùng
mộ to lớn và tràn đầy niềm vui được gặp gỡ bậc Đao Sư. Đôi môi ngài hé
mở, để lộ những chiếc răng, vì vậy tăng thêm một chút hung nộ cho sự
biểu lộ an bình của ngài. Ngài đăm đăm nhìn Guru Rinpoche với sự nhất
tâm, giống như một người nam
và một người nữ nhìn nhau thật trìu mến. Ngài đứng trong một tư
thế nhảy múa với chân phải hơi uốn cong, gót chân phải dở lên khỏi
mặt đất như thể sẵn sàng bước tới, và chân trái ở trên mặt đất. Ngài
đứng trên một bông sen, một mặt trời, một mặt trăng, và một tử thi.
Tay
phải ngài cầm một lưỡi dao
uốn cong, hướng thẳng lên trời, tượng trưng cho sự cắt đứt bản ngã cùng
ba độc là tham, sân và si.
Tay
trái ngài cầm một cái tách bằng sọ người đựng đầy
amrita, chất cam lồ bất tử. Trong khuỷu tay trái ngài còn có khatvanga
hay cái chĩa ba,
tượng trưng cho một sắc tướng ẩn mật của Guru Rinpoche. Ngài tô điểm
bằng tám món trang sức bằng xương có
dát ngọc: vương miện, hoa tai, ba loại chuỗi hạt,
vòng tai, vòng kiềng và chuông, tượng trưng cho sự chuyển hóa tám
thức(28) thành trí tuệ. Ngài
cũng đeo năm khăn choàng lụa tượng trưng cho năm trí tuệ.
Trong sắc tướng, ngài là Vajrayogini, nhưng trong bản chất ngài là Yeshe
Tsogyal.
Sự
quán tưởng chính chúng ta là Yeshe Tso-gyal thì đặc biệt quan trọng và
sâu sắc. Bà là phối
ngẫu của Guru Rinpoche vừa là đệ tử chính của bậc Đạo Sư. Ngài có một
lòng từ ái sâu xa và vô cùng ân cần đối với bà, cũng như tin tưởng rằng
năng lực của bà có thể thấu
suốt và thực hành các giáo lý của ngài. Vì vậy, nếu chúng ta quán
tưởng chính mình là Yeshe Tsogyal, với Guru Rinpoche ở trên đỉnh đầu,
thì một cách tự nhiên lòng sùng mộ
của chúng ta sẽ được phát triển mạnh mẽ và dòng ân phước sẽ còn
chảy vào chúng ta nhanh hơn nữa.
Thực
sự thì Yeshe Tsogyal là ai ? Bà không bao giờ nuôi dưỡng bất kỳ tà kiến
hay nghi ngờ nào về Guru Rinpoche ngay cả trong chốc lát và luôn luôn
nhận thức ngài là vị Phật trong thân tướng con người. Do bởi lòng sùng
mộ toàn hảo và không lay
chuyển của bà, bà là một pháp khí toàn hảo cho tất cả các giáo huấn quý
báu của
Guru Rinpoche. Vì thế bà đã có thể thực hành không lầm lỗi và đạt được
sự chứng ngộ toàn
triệt. Một cách tối hậu, không có sự dị biệt nhỏ bé nhất nào giữa sự
chứng ngộ của bà và sự chứng ngộ của Guru Rinpoche.
Việc quán tưởng chính chúng
ta là Yeshe Tsogyal thiết lập một mối liên hệ tốt đẹp qua đó chúng ta có
thể thọ nhận, như Yeshe Tsogyal, tất cả các sự ban phước và
giáo lý của Guru Rin-poche, và nó sẽ khiến cho ta có thể thực hành giáo
lý và đạt được Giác ngộ. Bà được coi như mẹ của tất cả chư Phật
và giống như bất kỳ gia đình
nào nơi con cái có lòng thương mến lớn lao đối với bà mẹ của họ, chúng
ta nên nghĩ tưởng rằng tất cả chư Phật có lòng từ ái và thương yêu vĩ
đại đối với chúng ta.
GURU RINPOCHE Ở TRÊN ĐẦU CHÚNG TA
Trên đỉnh đầu ta, ở trên một
hoa sen một trăm ngàn cánh, là hai đĩa mặt trời và mặt trăng. Đĩa mặt
trời biểu tượng cho các phương tiện thiện xảo của lòng bi, trong khi đĩa
mặt trăng tượng trưng trí tuệ chứng ngộ tánh Không. Cả hai đĩa đều tròn
đầy và bằng phẳng, một cái hơi nổi trên cái kia, và cả hai hơi lềnh bềnh
trên bông sen. Ngồi trên những vật này là Đạo sư của chúng ta trong thân
tướng của Guru Rinpoche, ở nơi ngài mọi đối tượng quy y là một. Ở
phương diện bên ngoài, ngài là sự
hợp nhất của Tam Bảo: Phật, Pháp và Sangha (Tăng đoàn). Trong phương
diện bên trong, ngài là sự
hợp nhất của ba gốc: Lama (Đạo Sư), Yidam (Bổn
Tôn), và Dakini. Trong phương diện bí mật, ngài là sự hợp nhất của ba
thân: Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân.(29) Trong bản chất, ngài
là vị bổn sư tốt lành của chúng ta,
là người trong đời hiện tại đang ban cho ta tất cả các giáo huấn.
Trong
hình tướng, ngài là Đấng Sinh nơi Hồ Nước, Guru Liên Hoa Sanh, là sự hợp
nhất và tinh túy của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương
lai, hiển lộ ở đây trong hình thức
Hóa Thân. Thân ngài có bản tánh không thể bị hủy diệt của một
vajra, hay kim cương. Để biểu thị việc đạt được sự bất tử, ngài có vẻ
mặt của một em bé tám tuổi sáng ngời nét tươi trẻ. Nước da ngài trắng,
hơi nhuốm đỏ, bừng bừng sức mạnh.
Ngài mặc chín cái áo choàng,
tượng trưng sự thông suốt chín yana (thừa) của ngài. Chúng gồm có một
quần trắng dưới một áo choàng xanh và ba y tu viện. Ngoài cùng ngài mặc
một áo choàng không tay thêu kim tuyến. Ba y tu viện biểu thị việc
ngài thông suốt các giáo lý Tiểu thừa ; quần xanh biểu thị ngài thông
suốt các giáo lý Đại thừa, con đường của các Bồ Tát; và áo choàng
kim tuyến biểu thị việc ngài thông suốt các giáo lý bí mật của Kim Cương
thừa, Mantra thừa bí mật.
Ngài có một đầu, hai tay và
hai chân. Mắt ngài mở rộng, chăm chú nhìn thẳng lên
bầu trời, biểu thị rằng ngài luôn luôn tỉnh giác trạng thái tuyệt đối.
Mặc dù miệng ngài hơi mỉm
cười, có một nét hơi cau mày hay nếp nhăn trên trán giữa cặp lông mày;
vì thế nơi ngài kết hợp cả hai vẻ an bình lẫn phẫn nộ. Ngài an tọa trong
tư thế gọi là “sự thoải mái
vương giả,” chân phải hơi duỗi và chân trái kéo lên thành một thế ngồi.
Giống như không một ai bất tuân mệnh lệnh của một vị vua, không một ai
trong ba cõi sinh tử bất tuân mệnh lệnh của Guru Rinpoche, vị vua
của trí tuệ tuyệt đối.
Tay phải ngài cầm một chày
vàng có năm ngạnh, ở đây tượng trưng cho kết quả của mọi phẩm tính của
nhập môn thứ nhất trong bốn nhập môn (quán đảnh), tức nhập
môn bình chứa. Trong nhiều hiển lộ của ngài, Guru Rinpoche cầm chày vàng
này trong cử chỉ ngón trỏ ở ngang trung tâm tim của ngài. Tuy nhiên, ở
đây, trong thời đại suy hoại này khi các lực lượng tối ám của sự tiêu
cực giương cao lá cờ chiến thắng, Guru Rinpoche giơ cái
chày-chinh-phục-tất-cả của ngài hướng lên bầu trời.
Cử chỉ đặc biệt này, hay mudra (ấn) được tìm thấy ở nơi khác trong
Longchen Nyingthig, trong sadhana gọi là Rigdzin Düpa, và được
biết đến như Nangsi Zilnưn, hay
“Hình tướng và Hiện Hữu Chinh phục”.
Bàn
tay trái ngài còn đang bắt ấn buông xả, cầm một tách sọ người đầy chất
cam lồ với mọi phẩm
tính và tính chất toàn hảo. Tách sọ người này tượng trưng kết quả
của nhập môn thứ hai hay nhập môn bí mật. Bình bất tử đặt trên tách sọ
người biểu thị rằng Guru Rinpoche đã đạt tới cấp độ Vidyadhara của sự
bất tử, hay “bậc trì
giữ sự thông suốt về sự bất tử”.
Bình đựng được trang trí ở đỉnh bằng các nhánh cây như ý.
Mặc dù Guru Rinpoche có thể
được biểu trưng bằng cách đội nhiều loại mũ hay vương miện khác nhau,
trong trường hợp này ngài đội một vương miện hoa sen năm
cánh. Năm cánh này tượng trưng Ngũ Bộ Phật, và bởi Guru Rinpoche là một
Hóa Thân của vị Phật thuộc padma (Liên Hoa) bộ là Đức Phật A Di Đà, nên
vương miện có hình dạng một
hoa sen. Vương miện hoa sen cũng biểu thị rằng, như một hoa sen mọc lên
tự do và không bị ô nhiễm bùn lầy ở dưới, Guru Rinpoche hiển lộ một cách
kỳ diệu, không bị ô nhiễm bởi tiến trình ngăn che của một sự sinh
ra bình thường. Trên đỉnh nón là một
mặt trời và một mặt trăng, tượng trưng phương tiện và trí tuệ, nón
được gắn một lông chim kên kên trắng tượng trưng cho sự chứng ngộ thị
kiến tối hậu, Đại Viên Mãn.
Trong
khủy tay trái ngài có khatvanga, hay cái chĩa ba, tượng trưng cho kết
quả của
nhập môn thứ ba hay nhập môn trí tuệ. Khatvanga cũng là một hình thức ẩn
mật của Dakini Yeshe
Tsogyal và Mandarava, các phối ngẫu chính của Guru Rinpoche, bản
thân các ngài tượng trưng cho đại lạc và tánh Không. Ba ngạnh tượng
trưng cho bản tánh trống
không của mọi hình tướng, sự biểu lộ của nó là quang minh thuần tịnh, và
lòng bi mẫn, nó bao trùm tất cả. Từ mỗi ngạnh mắc ba vòng khoen tượng
trưng cho chín thừa. Dưới các ngạnh, từ trên đỉnh là một sọ người khô,
một cái đầu thối rữa, và một cái đầu vừa bị cắt đứt, tượng trưng ba thời
và ba thân. Dưới những thứ này là
một bình trường thọ, một đôi chày kép (chéo nhau), và một damaru,
hay cái trống sọ người, trang hoàng bằng các khăn choàng lụa, và năm màu
của chúng tượng trưng năm trí tuệ.
Guru Rinpoche ngồi trong
không gian tràn ngập tia ánh sáng cầu vồng hòa trộn vào
nhau và những chòm sao lấm tấm và có những vòng tròn năm màu. Vô vàn tia
sáng chảy từ thân ngài đến khắp mười phương. Từ dòng chảy ánh sáng này
ngài có thể hóa thân tùy theo ước muốn của ngài thành tất cả các cõi
Phật ở mười phương, cũng như tất cả chư Phật, Bồ Tát và tất cả các Bổn
Tôn của ba cội gốc (Lama, Yidam,
Dakini). Tất cả những điều này là các hóa thân của trái tim trí tuệ của
ngài. Ngài có thể thâu hồi chúng trở lại thân mình trong cùng cách thức,
bằng cách đó cho thấy rằng tất cả các cõi Phật và chư Phật, Bồ Tát và
Bổn Tôn là một với ngài.
Có ba
cách chính để quán tưởng Guru Rin-poche. Cách thứ nhất là quán tưởng độc
nhất
Guru Rinpoche như “một viên ngọc hiện thân tất cả”, cách thứ hai là
quán tưởng Guru Rinpoche cùng tất cả các bậc Thầy quý báu sắp hàng thành
từng bậc vị này dưới vị kia, từ Đức Phật nguyên thủy Samantabhadra (Phổ
Hiền) xuống tới chính Guru Rinpoche. Ở đây chúng ta sẽ quán tưởng theo
phương pháp thứ ba, gọi là
“tập hội vĩ đại.” Trong phương pháp này chúng ta quán tưởng Guru
Rinpoche ở trung tâm một tập hội đông như mây các Guru và Bổn Tôn và
được tập hội tất cả các đệ tử thân
thiết của ngài vây quanh. Các đệ tử này thực sự là các Hóa
Thân của thân, ngữ, tâm, các phẩm tính, và các hành động của ngài, và vì
mỗi một trong các phương diện này được phân chia thêm nữa theo
năm phạm trù giống nhau, trong tất
cả đều có hai mươi lăm đệ tử thân thiết. Các ngài gồm có Vairocana,
Namkhe Niging-po, Vua Trisong
Detsen, Khandro Yeshe Tsogyal,
Nanam Dorje Dudjom, và v.v… Cũng ở
trên vương miện của các bậc vĩ đại xung quanh Guru Rinpoche
là tám vị Vidyadhara của Ấn Độ,
những bậc nắm giữ tám sự truyền thọ. Các ngài
gồm có Manjusrimitra, bậc nắm giữ sự truyền thọ về phương diện thân của
Bổn Tôn, Đức Văn Thù hung nộ;
Nagarjuna, bậc nắm giữ sự truyền thọ về phương diện
ngữ, Hayagriva; và Humchenkara, bậc nắm giữ phương diện tâm, Yangdak
Heruka.
Các
thành viên khác của tập hội rộng lớn là tám mươi tư thành tựu giả của Ấn
Độ và tất cả các hiền
giả và yogi thành tựu của các trường phái và dòng truyền thừa khác nhau
đã nở rộ ở Tây Tạng như Nyingma, Sakya, Kagyu, Shangpa Kagyu, Jor-druk,
Urgyen, Nyengyu, Zhi-che, Kadam, và Geluk.(30) Như vậy các ngài tạo
thành một đoàn tùy tùng rộng
lớn quanh Guru Rinpoche, bao gồm tất cả những vị mà chúng ta có
lòng sùng mộ. Chúng ta thiền định rằng tất cả các bậc Thầy vĩ đại này an
trụ trên đầu ta, đồng thời nghĩ tưởng rằng trong những đời quá khứ của
ta, chúng ta đã từng thọ nhận giáo huấn từ mỗi vị trong các ngài.
Bằng cách này chúng ta nên phát khởi lòng biết ơn lớn lao và lòng sùng
mộ vĩ đại, nghĩ tưởng rằng bản thân
ta giống như Shưnnu Lobsang, “Bậc trẻ tuổi thông tuệ”, người đã phục vụ
hơn một trăm năm mươi vị thầy để đạt tới giác ngộ.
Xung quanh các ngài, chúng ta
quán tưởng tất cả các Yidam của bốn phần của tantra, các Dakini và các
vị bảo hộ của các dòng truyền thừa tantra cha và mẹ, chư
Phật, Bồ Tát, A La Hán, và các Phật Độc Giác. Giống như các đỉnh núi cao
ngất được những đám mây lớn bao
quanh, cũng thế Guru Rinpoche được vây quanh bởi tất
cả các bậc này.
Để sửa đổi lại nhận thức bất
tịnh thông thường của ta về các hiện tượng, ta đừng quán tưởng các ngài
với những thân thể vật chất thô nặng gồm máu thịt, và xương, mà đúng hơn
như những thân ánh sáng – rất rõ ràng và trong suốt, với một hình
tướng sống động như cầu vồng. Các ngài xuất hiện rõ ràng, nhưng không có
thực chất, giống như ánh
trăng trong nước. Đồng thời, ta đừng cảm thấy rằng các ngài
là những biểu hiện trơ cứng, vô hồn của ánh sáng cầu vồng, nhưng nên
nghĩ tưởng các ngài hoàn toàn tràn đầy trí tuệ, từ ái, và năng
lực để làm lợi lạc chúng sinh.
Mặc dù
chúng ta quán tưởng Guru Rinpoche là nhân vật chính được một đoàn tùy
tùng
vô hạn vây quanh, trong thực tế không có sự phân biệt hay phân cách giữa
các ngài: tất cả các Bổn Tôn và chư vị trong sự quán tưởng đều là các
Hóa Thân của chính
Guru Rinpoche. Vì các vị là sự hiển lộ của tâm ngài và như thế đồng nhất
với ngài tự bản chất, nên trí tuệ và lòng từ bi của các vị ngang bằng
với trí tuệ và từ bi của ngài.
Có nói rằng nhờ lòng khát
khao và nhiệt thành mãnh liệt, bất kỳ điều gì cũng có thể
được thành tựu. Tương tự như vậy, nếu chúng ta nghĩ tưởng không chút
nghi ngờ rằng Guru Rinpoche thực sự hiện diện trên đầu ta, thì
các sự ban phước của ngài sẽ đổ tràn
xuống ta không hề gián đoạn. Chúng ta đừng nghĩ rằng có lẽ ngài ở đó,
ngài có thể ở đó vào một lúc nào trong tương lai, hoặc cho rằng Guru
Rinpoche được quán tưởng trên đầu chúng ta thì không gì khác hơn là một
tạo tác của tâm thức hay một sự thay thế hơi thấp kém hơn Guru Rinpoche
thực sự đang an trụ ở Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ xa xôi. Chúng ta phải
tuyệt đối tin tưởng rằng ngài đang hiện diện với tất cả trí tuệ và từ bi
của ngài, và ta nên nghĩ rằng chỉ vì
các che chướng của ta mà ta không thể sẵn sàng nhận ra ngài. Hơn nữa,
đừng nghĩ rằng Guru
Rinpoche an trụ ở một nơi quá xa không biết tới chúng ta hay tới những
lời khẩn cầu của ta với ngài, hay nghĩ tưởng rằng vì chăm sóc quá nhiều
chúng sinh có lẽ ngài không thể lưu tâm tới ta hay tưởng nhớ tới ta.
Guru Rinpoche có trí tuệ, lòng từ ái,
và năng lực viên mãn. Chúng ta phải nhận thức rằng ngay cả một sự cầu
nguyện với Guru Rinpoche, sự trì tụng duy nhất một thần chú Vajra
Guru kêu gọi ngài, hay ngay cả một bàn tay giơ lên ở khoảng trái tim ta
trong một cử chỉ sùng mộ đối với
ngài hay chỉ đơn giản nhớ tới ngài với đức tin trong sáng,
cũng sẽ được ngài nhận biết, vì ngài hoàn toàn thấu suốt lòng sùng mộ
của ta. Có câu nói rằng: “Đức Phật ở trước mặt bất cứ ai có lòng tin ở
ngài.”
Cho dù
trong cùng một lúc, vô lượng chúng sinh đang cầu nguyện với ngài, ngài
sẽ
biết thật chính xác mỗi chúng sinh đang cầu nguyện thế nào, biết rõ ai
đang đau khổ và biết
rõ ai đang hạnh phúc. Ngài sẽ biết mỗi chúng sinh đang ở cấp độ nào, và
ngài sẽ biết mỗi lời cầu nguyện của mỗi chúng sinh và nó có xuất phát từ
sâu thẳm trái tim của họ không. Ngài sẽ thấu biết mọi điều này với sự
trong sáng lớn lao, với vẻ sống động của một hình ảnh trong một tấm
gương. Chính Guru Rinpoche đã nói: “Ta đứng trước cửa nhà tất cả những
ai có lòng sùng mộ.” Ngài sẽ luôn
luôn đi cùng chúng ta, thật gần gũi như cái bóng của ta. Nếu có lòng
sùng mộ thì chúng ta được hứa
hẹn rằng tất cả chư Phật ba thời sẽ ở lại với chúng ta.
Đây là
lời hứa của Guru Rinpoche, đấng là Hóa Thân của thân, ngữ, và tâm của
tất cả chư Phật, được
đặc biệt hiển lộ để đáp ứng những nhu cầu của chúng sinh trong thời đại
suy hoại này. Các sự cầu nguyện và lòng từ bi của ngài có hiệu quả to
lớn trong việc làm giảm bớt nỗi khổ do các bệnh dịch, nạn đói và chiến
tranh vây bủa một thời đại
như thế. Hiện nay, khi tất cả chúng sinh bị phiền não bởi các độc hại to
lớn, khi không gì còn tồn tại ngoại trừ các cặn bã của những phẩm tính
tốt đẹp của những thời quá khứ, và khi các ảnh hưởng xấu của những người
phá vỡ lời nguyện tôn giáo lan tràn, chúng ta phải đặc biệt cầu nguyện
Guru Rinpoche để ngài sẽ
khuất phục mọi thế lực xấu và làm an dịu mọi nỗi đau khổ.
Chúng
ta cũng phải có đức tin kiên cố rằng vị Thầy của riêng ta – là người
chúng ta có thể diện
kiến trong đời này và từ ngài ta có thể trực tiếp nghe các giáo huấn cốt
tủy – thì đồng nhất với Guru Rinpoche. Như thế, việc cầu nguyện bổn sư
của ta sẽ đem lại cho chúng ta những sự ban phước còn nhanh chóng hơn
nữa. Khi mưa đổ xuống trên mái nhà, ống máng thâu thập toàn bộ nước.
Tương tự như vậy, nếu chúng ta cầu nguyện với vị Thầy của riêng ta như
không thể phân cách với Guru
Rinpoche, thì chúng ta sẽ có thể thu thập mọi sự ban phước.
Guru Rinpoche, là hiện thân
của tất cả chư Phật ba thời, biểu hiện nhiều phương diện. Bất kỳ phương
diện nào của ngài cũng là đối tượng cho sự khẩn cầu của
ta, những nguyện ước của chúng ta sẽ được đáp ứng. Trong bài cầu nguyện
có tên là “Sự Đáp Ứng Tự Nhiên Mọi Ước Nguyện”, nếu chúng ta bị
bệnh tật tấn công hay nếu đời ta bị
nguy hiểm, chúng ta khẩn cầu Guru Rinpoche trong phương diện ngài
là Amitayus, Đức Phật Vô Lượng Thọ. Nếu chúng ta nghèo khổ và bị tước
đoạt mọi sự, chúng ta khẩn cầu ngài trong phương diện ngài là Bổn Tôn
của sự Thịnh vượng. Nếu chúng ta bị
môi trường tự nhiên đe dọa, chúng ta khẩn cầu
ngài trong phương diện ngài là Đạo sư của các Nguyên tố (Đại). Nếu bị dã
thú hoặc những kẻ hung hăng tấn công, chúng ta khẩn cầu ngài như
vị Anh Hùng Không thể chiến bại. Nếu
bị phiền não bởi bệnh tật, chúng ta khẩn cầu ngài như Đức Phật
Dược Sư ở Urgyen. Nếu cái chết bất
ngờ tấn công chúng ta mà không báo trước, chúng ta khẩn cầu ngài trong
phương diện là Đức Phật A Di Đà, “Phật Vô Lượng Quang.” Nếu chúng
ta bị dày vò bởi nỗi sợ hãi trong bardo, chúng ta khẩn cầu ngài trong
phương diện là Đấng Thấu Suốt Ba Thời. Bản tính của Guru Rinpoche là sự
hợp nhất của tất cả chư Phật làm có thể có được mạng lưới mênh mông
của các hiển lộ này. Cuối cùng, nếu chúng ta cầu nguyện với Guru
Rinpoche như một bản chất của
tất cả chư Phật, thì chúng ta sẽ đạt được sự thành tựu tối thượng
trong việc chứng ngộ bản tánh - trí tuệ nội tại của chính chúng ta. Hãy
cầu nguyện trong cách thế này với sự
tập trung nhất tâm và toàn bộ niềm tin, và không chút nghi ngờ về việc
những khẩn cầu sẽ được đáp ứng. Đây là lý do vì sao trong lời cầu
nguyện này Guru Rinpoche nói đến mười ba lần “Hãy cầu nguyện với tâm
thức trọn hảo thoát khỏi mọi
nghi ngờ”.
SỰ CẦU THỈNH BỔN TÔN TRÍ TUỆ
Bước kế tiếp trong sadhana là
sự cầu thỉnh Guru Rinpoche đến từ cõi Phật của ngài và ban phước cho
chúng ta. Tại sao ta cần phải cầu thỉnh ngài một khi ta tin tưởng rằng
ngài thật sự hiện diện trên đầu ta? Là những người sơ học, chúng ta
không hoàn toàn thoát khỏi ý nghĩ Guru Rinpoche vẫn an trụ ở thật xa nơi
cõi Phật Cực Lạc của ngài là Núi Huy
Hoàng Màu-Đồng-Đỏ. Để giải tan nghi ngờ này, chúng ta
cầu thỉnh ngài đến từ cõi Phật của ngài. Khi tin tưởng rằng ngài thưcï
sự đến và tan hòa thành Guru Rinpoche mà chúng ta quán tưởng đang an trụ
trên đỉnh đầu ta, sự quán tưởng của ta được ban cho thật nhiều
năng lực giống như một bức tượng đựng đầy xá lợi hay một thân thể vô tri
được ban cho một tâm thức. Rồi chúng ta
nên nghĩ tưởng rằng Guru Rinpoche thực sự an trú trong ta, trong hình
dáng lẫn trong bản chất, và qua đức tin này lòng sùng mộ và nhiệt
thành của ta sẽ tăng trưởng thật lớn lao.
Để phát triển và duy trì lòng
sùng mộ của ta và để cầu thỉnh Guru Rinpoche, chúng
ta dùng bài cầu nguyện gồm bảy giòng được biết với tên “Bảy Câu Kệ Kim
Cương.” Có nhiều bài cầu
nguyện với những độ dài khác nhau để khẩn cầu Guru
Rinpoche, từ “Bài Cầu Nguyện Bảy
Chương” rộng lớn tới bài cầu nguyện dài vừa là “Tẩy trừ Mọi
Chướng Ngại Dọc theo Con Đường,” và bài cầu nguyện “Sự Đáp ứng Tự nhiên
Mọi Ước Nguyện.” Tuy nhiên, bài cầu nguyện cô đọng và tinh túy nhất là
“Bảy Câu Kệ Kim Cương,” cũng được gọi là “Bài Cầu Nguyện Bảy Giòng.”
Đây là
một bài cầu nguyện có năng lực rộng lớn. Chẳng hạn, Guru Rinpoche, vì
lòng đại bi đã quyết
định hiển lộ trong thế giới chúng ta, xuất hiện từ trái tim Đức Phật A
Di Đà trong hình thức một chữ hrih đỏ, nó ở giữa vô số tia sáng, đi
xuống và đến an trụ trên một hoa sen đỏ nở giữa Hồ Dhanakosa ở tây bắc
xứ Oddiyana. Sau đó, trong
giây lát, chữ hrih biến thành một bé trai tám tuổi – tức Guru Rinpoche,
Đức Liên Hoa Sanh. Ngài làm
mọi điều này một cách đặc trưng để đáp lại sự trì tụng nhiệt
thành “Bảy Câu Kệ Kim Cương” nhờ nó các Daka và Dakini khẩn nài ngài
xuất hiện trong thế giới này.
Ở một lúc khác, trong thời
gian Guru Rin-poche đang ở Ấn Độ, xứ sở của Đấng Cao
Quý,(31) một cuộc tranh luận lớn đã được tổ chức giữa Phật tử và những
pháp sư tirthika(32) là những người có trụ xứ ở Dorje Den, (Phạn:
Vajrasara, “Ngai Kim
Cương” ở Ấn Độ, ngày nay là Bodhgaya, Bồ Đề Đạo Tràng). Khi cuộc
thảo luận được tiến hành, dường như các Phật tử sắp thua cuộc. Một đêm,
nhiều người trong họ có một giấc mơ linh kiến trong đó một Dakini trong
hình tướng của một bà lão xuất hiện
và tiên đoán họ sắp thất bại. Bà chỉ dạy rằng hy vọng duy nhất để họ
chiến thắng là chấp nhận sự trợ giúp của người anh bà, là người khi đó
đang tiến hành các thực hành du già ở một trong những nghĩa địa lớn ở Ấn
Độ. Tên ngài là Dorje Thưtrengtsal,
“Sức Mạnh Kim Cương của Vòng Đầu Lâu.” Bà nói rằng nếu họ tha
thiết khẩn cầu ngài, thì chắc chắn ngài sẽ đến và đánh bại các học giả
dị giáo. Các học giả Phật tử lo sợ ngài Dorje Thưtrengtsal không
thể kịp thời giải cứu cho cuộc thảo
luận vì quãng đường quá xa; họ cho rằng chỉ có phép lạ mới có thể đưa
ngài đến đúng lúc. Vị Dakini trấn an họ, giảng rằng đối với Guru
Rin-poche thời gian và không gian không tạo nên chướng ngại. Bà thúc dục
các học giả thực hiện một cuộc cúng
dường vĩ đại trên nóc điện thờ của họ và thỉnh cầu Guru Rinpoche qua sự
cầu khẩn nhiệt thành của “Bảy Câu Kệ Kim Cương.” Bà bảo đảm rằng nếu họ
tiến hành theo cách đó thì Guru Rinpoche sẽ đến.
Ngày
hôm sau, khám phá rằng nhiều người trong số họ có giấc mơ tương tự, họ
tuân theo những chỉ
dạy của vị Dakini. Giống như bà đã cam đoan, Guru Rinpoche
xuất hiện trên bầu trời và sau đó ngồi xuống giữa họ như vị học giả thủ
lãnh, sẵn sàng thảo luận với các vị thầy dị giáo. Trong suốt cuộc
thảo luận, ngài phá tan các lý chứng của họ, sử dụng cả sự thông suốt
Kinh điển lẫn trí tuệ của ngài. Trong sự tuyệt vọng, các tirthika phải
dùng tới các yêu thuật của họ để lăng nhục
các học giả Phật tử. Khi ấy Guru Rinpoche đi tới mộ địa Rừng Lạnh, nơi
Dakini Đầu-Sư Tử Senge Dongma xuất hiện trước mặt ngài và bảo
ngài hãy thiền định về bà và tụng
đọc thần chú của bà trong bảy ngày, sau đó Guru Rinpoche đánh sấm và
chớp xuống các nhà dị giáo, hoàn toàn điều phục họ. Sau việc này các nhà
dị giáo đi theo Phật đạo.
“Bài
Cầu Nguyện Bảy Giòng” mang lại các sự ban phước rất to lớn. Trong tất cả
các terma, hay các kho tàng tâm linh được khám phá lại, đã được tìm thấy
trong quá khứ hay thời gian gần đây mà Guru Rinpoche để lại, không có
một terma nào không tìm thấy “Bài
Cầu Nguyện Bảy Giòng” trong đó. Như Guru Rinpoche đã
nói: “Khi một đệ tử khẩn cầu ta với lòng sùng mộ và bài ca khao khát
“Bài Cầu Nguyện Bảy Giòng”, từ Sangdopalri ta sẽ đến lập tức, như
một bà mẹ không thể cưỡng lại lời kêu cầu của đứa con của bà.”
Bài cầu nguyện bắt đầu với
chữ hung, là chủng tự của trí tuệ-cốt lõi của tất cả chư Phật. Nó tiếp
tục rằng “Urgyen yul gyi nup chang tsam,” nghĩa là: “Ở biên giới tây bắc
xứ Oddiyana.” Trong xứ này có bốn cái hồ, mỗi cái ở một trong bốn hướng.
Chính trong cái hồ nằm ở hướng tây bắc có tên là Dhanakosa mà Guru
Rinpoche đã hiển lộ trong thế giới này. Trong Phạn ngữ, dhana có
nghĩa là “sự giàu có,” và kosa nghĩa là “kho tàng.”
Giòng thứ hai, “Pema gesar
dong po la,” có nghĩa là “Trên nhụy của một bông sen
nở.” Trong hồ Dhanakosa có vô số bông sen năm màu. Vì Guru Rinpoche
thuộc về ngữ hay Liên Hoa bộ, là bộ của Đức Phật A Di Đà, hoa sen của
ngài màu đỏ, ngài hiển lộ ở giữa hồ trên nhụy của một bông sen đỏ.
Giòng thứ ba, “Yam tsen chok
kyi ngo drup nye,” có nghĩa là “Đấng kỳ diệu đã đạt được sự thành tựu
tối cao.” Guru Rinpoche không sinh ra do các nhân duyên hay từ
các mầm mống của một mẹ và cha mà, như chúng ta đã nói, bỗng nhiên
xuất hiện từ giữa một bông
sen đỏ trong hình thức của chủng tự hrih, như một biểu lộ của Giác tánh
thuần tịnh từ trái tim Đức Phật A Di Đà. Sau đó chữ hrih tan ra
thành ánh sáng, chuyển hóa thành hình dạng của một đứa bé tám tuổi luôn
luôn tươi trẻ với vẻ mặt rạng ngời và ba mươi hai tướng chính cùng tám
mươi tướng phụ của một vị Phật. Như vậy ngài xuất hiện trong thế giới
chúng ta giữa các cầu vồng, một trận mưa hoa được thập phương chư Phật
rải xuống, âm nhạc cõi trời và các bài
ca tán tụng du dương được hát lên bởi vô số Daka và Dakini tràn ngập bầu
trời.
Giòng thứ tư, “Pema Jungne
shey su drak,” có nghĩa là “Lừng danh là Đấng Sinh-từ-Hoa-Sen
Liên Hoa Sanh.” Guru Rinpoche, đối tượng quy y tối thượng và không
lầm lạc, đã lừng danh khắp vô vàn cõi Phật là Đấng Đạo Sư Sinh từ Hoa
Sen.
Giòng thứ năm, “Khor du
khandro mang po kor,” có nghĩa là “Được một đoàn tùy
tùng gồm nhiều Dakini vây quanh.” Bất cứ nơi nào Guru Rinpoche hiển lộ,
ngài mở bày và giảng giải các
giáo lý Mật thừa hay Kim Cương thừa. Vì các Dakini là những người nghe
và trì giữ các giáo lý này, Guru Rinpoche luôn luôn được một tập hội
Dakini vây quanh.
Trong giòng thứ sáu, “Kye kyi
jesu da drup kyi,” chúng ta cầu nguyện: “Noi gương
ngài, bản thân con sẽ trở nên thành tựu.” Hiện nay, do vô minh của chúng
ta, ta đang lang thang không nơi nương tựa trong những mê lầm và đau khổ
của sinh tử luân hồi; cách thế duy nhất để ra khỏi tình huống này
là thọ nhận các giáo huấn sâu xa của
Mật thừa và đưa chúng ta vào sự thực hành. Vì thế, để quét sạch vô minh
của ta, chúng ta cầu thỉnh và
khẩn nài Guru Rinpoche đến ban cho ta những sự ban
phước, các lễ quán đảnh, và các giáo huấn chúng ta cần khiến ta có thể
đi theo ngài trên con đường và thành tựu sự chứng ngộ tối cao như
ngài đã thực hiện. Bị nghiệp và thế
lực của các cảm xúc tiêu cực ngăn che và bị nhận chìm trong vô minh, giờ
đây chúng ta đang đắm chìm trong đại dương đau khổ. Nếu chúng ta
không nương tựa vào một hiện thể phi thường như Guru Rinpoche là đấng
bản thân đã giải thoát khỏi đại dương đau khổ này, thì ta không có cách
nào thoát khỏi sự khốn cùng và vô minh này.
Giòng thứ bảy là “Chin gyi
lop chir shek su sol,” hay “Xin đến và ban phước cho con.” Khi nào, nhờ
những khẩn cầu của ta, Guru Rinpoche đến và ban cho ta những
sự ban phước của thân, ngữ và tâm ngài, thì chúng ta có khả năng thành
tựu sự chứng ngộ. Như việc mạ vàng một pho tượng làm cho nó còn đẹp đẽ
và quý báu hơn, cũng thế,
thân, ngữ và tâm của riêng ta, khi đã được thân, ngữ, và tâm của Guru
Rinpoche ban phước, sẽ có khả năng tốt đẹp hơn để đạt được sự thành tựu
tối cao.
Bài
cầu nguyện kết thúc với thần chú: “Guru pema siddhi hung.” Guru là một
từ Phạn ngữ có nghĩa đen là “nặng.” Nó được dịch sang tiếng Tây Tạng là
lama, nghĩa đen là
“không thể vượt hơn được.” “Nặng” chỉ ra rằng Guru thì nặng trĩu các
phẩm tính tốt đẹp và
việc người nào đó vi phạm các giáo huấn của ngài sẽ đem lại những hậu
quả nặng nề. Guru Rinpoche là tinh túy, sự hợp nhất toàn thiện của tất
cả trí tuệ, lòng từ ái, và các năng
lực của chư Phật trong ba thời. Vì thế, bởi ngài có đầy đủ
vô số các phẩm tính giác ngộ nên chúng ta gọi ngài là “Guru”, nặng. Từ
padma trong tiếng Sanskrit (cũng được
dùng trong tiếng Tây Tạng và phát âm là pema) có nghĩa là “hoa
sen.” Nó ám chỉ danh hiệu của Đức Liên Hoa Sanh. Là một Hóa Thân của
trái tim Đức Phật A Di Đà, Guru Rinpoche thuộc Liên Hoa bộ hay ngữ bộ
của chư Phật và chính ngài là một Vidyadhara hay người trì giữ Giác tánh
của Phật bộ này; cũng thế, ngài được sinh ra từ tâm lõi của một bông sen.
Tiếng Phạn siddhi
hay tiếng Tây Tạng ngưdrup có thể được hiểu trong tiếng Anh là “sự
thành tựu đích thực.” hung là chủng tự của tâm tất cả chư Phật, và bởi
tất cả chư Phật hiện thân trong ngài nên một cách đặc biệt, nó là
chủng tự của Guru Rin-poche. Vì thế,
khi kết thúc bài cầu nguyện, chúng ta nói “siddhi hung”, ta khẩn cầu
ngài ban cho ta mọi sự thành tựu, cả thông thường lẫn siêu việt.
Nếu
chúng ta lập đi lập lại việc trì tụng bài nguyện này với lòng sùng mộ
sâu xa, thì không nghi
ngờ gì, ta sẽ nhận lãnh các sự ban phước. Chúng ta cần phát triển đức
tin không thể lay chuyển rằng, để đáp lại sự khẩn cầu và mời thỉnh của
ta, Guru Rinpoche sẽ thực sự đến với ta từ Cõi Cực Lạc ở Núi Huy Hoàng
Màu-Đồng-Đỏ.
Sau khi quán tưởng bản thân
ta là Vajra-yogini, chúng ta nên nghĩ tưởng rằng vị Vajra-yogini khác,
giống như chúng ta, lại gần chúng ta từ trên bầu trời. Trên đầu bà,
giống như trên đầu chúng ta là Guru Rinpoche, được vây quanh bởi tám vị
Vidyadhara của Ấn Độ, hai mươi lăm đệ tử thân thiết của ngài, và một
đoàn tùy tùng đông như mây các
Daka,Dakini,Lama, Bổn Tôn, các Hộ Pháp, và v.v… Vajrayogini, Guru
Rinpoche, và những vị khác đáp xuống chúng ta, và hòa vào chúng ta:
Vajrayogini hòa tan vào Vajrayogini,Guru Rinpoche vào Guru Rinpoche, và
đoàn tùy tùng rộng lớn vào đoàn tùy tùng rộng lớn. Ngước nhìn ngài với
lòng sùng mộ trọn vẹn, chúng ta nên
tin tưởng không chút nghi ngờ rằng chính Guru Rinpoche ở trên đầu
chúng ta, và ngài sẽ ban những ân phước của ngài trên chúng ta.
Vì thế, khi đã quán tưởng một
Đức Guru Rinpoche ở trên đầu chúng ta, ta cầu thỉnh
Guru Rinpoche khác đến và hòa tan thành vị đầu tiên: Guru Rinpoche đầu
tiên này được gọi là samaya-sattva và Guru Rinpoche đến với ta từ cõi
Phật của ngài được gọi là jnanasattva. Khi jnanasattva tan thành
samayasattva, như thể sữa được đổ
vào nước; cả hai hòa lẫn vào nhau mật thiết đến độ không thể phân biệt
được chúng, và nước trở nên tốt lành và còn thơm ngon hơn trước. Tương
tự như thế, khi chúng ta cầu thỉnh
Guru Rinpoche tan lẫn thành Đức Guru Rinpoche ta đã quán tưởng
trên đầu, ta nên nghĩ tưởng rằng sự ban phước, lòng bi, và trí tuệ của
ngài còn hiện diện mãnh liệt và bao
la hơn nữa.
Để thọ
nhận các sự ban phước của Guru Rinpoche, chúng ta cũng cần hoàn thiện
các sự tích tập công đức và trí tuệ. Để có được hai sự tích tập ấy,
phương pháp dễ dàng nhất
và thiết yếu nhất là phương pháp bảy nhánh. Theo tập tục thông thường,
khi đón mừng một nhân vật quan trọng,
chúng ta dâng lên họ một vài biểu hiện sự tôn kính của chúng ta,
một vài hình thức tôn kính như một lễ lạy, một chỗ ngồi tiện nghi, và
sau đó một vài món ăn và uống thơm ngon. Tương tự, nhưng ở mức độ cao
hơn, khi chúng ta cầu thỉnh Guru Liên Hoa Sanh đến từ cõi Phật của ngài,
chúng ta thực hiện các sự cúng dường ngài. Nói chung, có một công đức to
lớn không thể nghĩ bàn trong việc
cúng dường chư Phật. Tuy nhiên, có nói rằng chỉ cúng dường
một giọt dầu cho một lỗ chân lông duy nhất trên thân thể bậc Đạo Sư thì
có nhiều công đức và lợi lạc hơn là cúng dường vô hạn cho tất cả
chư Phật. Đặc biệt, nếu chúng ta cúng dường, lễ lạy, hoặc sám hối lỗi
lầm trước bậc Đạo sư, thì công đức
và các lợi lạc sẽ được tăng trưởng mạnh mẽ và sự tịnh hóa các che chướng
và ô nhiễm của ta sẽ nhanh
chóng hơn.
SỰ LỄ LẠY
Nhánh
đầu tiên trong bảy nhánh là sự lễ lạy. Khi tự quán tưởng mình là
Vajrayogini, bây giờ chúng ta phóng ra một Vajrayogini thứ hai, ngài,
với Guru Rinpoche an trụ trên
đỉnh đầu, đứng trước mặt chúng ta. Rồi từ chính mình, chúng ta phát ra
vô số thân thể nhiều
như bụi trong vũ trụ.
Để
thực hành sự lễ lạy, chúng ta nên bắt đầu bằng cách đứng trong một tư
thế thật
quân bình. Chúng ta chắp hai bàn tay hơi chụm lại để làm thành hình một
nụ sen sắp nở, tượng
trưng cho sự phát khởi bodhicitta (Bồ Đề tâm). Kế đó chúng ta đặt hai
bàn tay chắp lại ở ngang trán và nghĩ tưởng: “Con kính lễ phương diện
thân của tất cả chư Phật.” Ở đây
chúng ta đang tịnh hóa tất cả các che chướng và ác hạnh của thân.
Rồi chúng ta đưa đôi bàn tay chắp xuống ngang cổ họng và nghĩ: “Con kính
lễ phương diện ngữ của tất cả chư Phật.” Ở đây, tất cả các che chướng và
ô nhiễm của chúng ta liên quan với ngữ được tịnh hóa. Đưa đôi tay chắp
lại xuống ngang trái tim, chúng ta nghĩ: “Con kính lễ phương diện tâm
của tất cả chư Phật.” Ở đây, tất cả
các che chướng và cảm xúc tiêu cực của chúng ta được tịnh hóa.
Qua chuỗi cử chỉ và tư tưởng này,
chúng ta nhận lãnh các sự ban phước của thân, ngữ, và tâm của tất cả chư
Phật.
Khi
chúng ta lễ lạy và chạm đất ở năm điểm – trán, hai bàn tay, và hai đầu
gối của ta –
chúng ta nên nghĩ rằng bằng cách này chúng ta kính lễ Ngũ Bộ Phật, và
qua cách này chúng ta
chuyển hóa năm độc thành năm trí tuệ.
Sự lễ lạy đầy đủ được coi là
lễ lạy của lòng sùng mộ, thực hiện bằng cách nằm sóng
soài trên mặt đất với hai tay và chân hoàn toàn duỗi ra, thậm chí đem
lại những lợi lạc to lớn hơn
và một sự tịnh hóa nhanh chóng hơn. Khi chúng ta nhỏm dậy từ sự
lễ lạy đầy đủ này, các bàn tay ta trượt lùi trên mặt đất, chúng ta nên
nghĩ tưởng ta đang nhận vào
mình nỗi khổ của tất cả chúng sinh.
Chúng
ta dùng thân thể ta để thực hiện các lễ lạy thuộc vật lý, sử dụng ngữ
của ta để
trì tụng lời Cầu nguyện Bảy nhánh, và sử dụng tâm ta để quán tưởng Guru
Rinpoche ở trước mặt ta được đoàn tùy tùng rộng lớn như mây của ngài vây
quanh. Chúng ta nên thực hành sự
chánh niệm đối với từng phương diện này, nỗ lực duy trì
sự trong sáng và chính xác trong việc quán tưởng, sự tỉnh giác về ý
nghĩa của việc trì tụng, và sự chú tâm tới thân thể khiến nó thực
hiện với sự quân bình, đúng đắn, đĩnh đạc, và kỷ luật.
Có ba cấp độ đối với sự thực
hành lễ lạy. Ở cấp độ cao nhất, chúng ta nhận thức cái thấy về bản tánh
tuyệt đối, cốt tủy của Phật Quả. Nhận thức này chính là sự lễ lạy sâu xa
và tôn kính nhất. Ở cấp độ trung bình chúng ta hòa lẫn sự thiền định của
mình với hành vi lễ lạy khi quán tưởng vô lượng chúng sinh và các hóa
thân của chính chúng ta cùng thực hiện sự lễ lạy. Ở cấp độ thông thường
chúng ta thực hiện lễ lạy với sự
tỉnh giác và đức tin.
Có nói rằng trong việc thực
hiện một lễ lạy duy nhất đã đầy đủ công đức bảo đảm có được những tái
sinh trong thân tướng của một Đại Đế nhiều như những hạt bụi ở
dưới thân thể nằm dài ra của chúng ta. Đó là bởi sự khiêm tốn chân thực
là cánh cửa mở dẫn tới mọi
điều cao quý của sự sống, trong khi sự tự phụ, thành trì của bản
ngã, thì hoàn toàn cản ngăn những ân phước của chư Phật đến với chúng ta,
vì thế chặn đứng bất kỳ tiến bộ nào
trên con đường.
SỰ
CÚNG DƯỜNG
Nhánh
thứ hai trong bảy nhánh là sự cúng dường, đối trị tính tham lam và keo
kiệt, gồm hai
phương diện: các sự cúng dường bên
ngoài hay vật chất và các sự cúng dường bên
trong hay tinh thần. Trên bàn thờ, chúng ta đặt các chén nước, hương hoa,
các ngọn đèn, dầu thơm, thực phẩm, và một lễ vật tượng trưng cho âm nhạc.
Đây là bảy vật cúng dường vật chất theo truyền thống. Nhờ năng
lực tập trung của chúng ta, ta có thể cúng dường sự hiển lộ bao la của
toàn thể các hiện tượng, tức là “ấn của sự hiện hữu.” Điều này có nghĩa
là chúng ta thực hiện một sự cúng dường toàn thể vũ trụ, không bằng cách
thông thường mà bằng một hình thức tôn vinh. Ví dụ như núi non, ngoài vẻ
đẹp thông thường, ở đây được hoàn toàn làm bằng vàng, bạc, san hô, ngọc
báu, và tất cả các vật chất quý giá; rừng rậm tươi tốt với các
trái cây như ý; và các sông hồ tràn ngập amrita, chất cam lồ bất tử.
Chúng ta không chỉ cúng dường
các thứ này, nhưng cũng cúng dường tất cả những gì dễ chịu và đẹp
đẽ mà ta thấy quanh ta, như các vườn tược và công viên, hoa cỏ, chim
muông, thú vật, và ngay cả vẻ nguy nga của các thành phố lớn với mọi sự
giàu có và phong phú của chúng. Chúng ta cúng dường tất cả những thứ này
cho Guru Rinpoche và đoàn tùy tùng của ngài gồm chư Phật và Bồ
Tát, bằng cách đó chúng ta tích tập
công đức to lớn.
Cách
thức phi thường và hiệu quả nhất của việc thực hiện sự cúng dường như
thế là
Sự Cúng dường như Mây của Đức Phổ Hiền: khi quán tưởng chính ta là Bồ
Tát Phổ Hiền, từ tim mình chúng ta phóng ra hàng ngàn tia sáng chói lọi,
mỗi tia sáng đó mang theo các vật
cúng dường rộng lớn cho chư Phật khắp mười phương. Trên
đầu mỗi tia sáng này lại có Đức Phổ
Hiền, và lại có những tia sáng và vật cúng dường và v.v… cho tới
khi tất cả sự bao la vĩ đại của không gian hoàn toàn tràn
ngập các vật cúng dường vô hạn. Thêm vào đó, chúng ta cần cúng dường từ
sâu thẳm của trái tim ta bất kỳ điều gì ta yêu quý nhất trong thế gian
như thân thể chúng ta, con cái, vợ
chồng, tài sản của ta…Chúng ta nên thực hiện nhiều sự cúng dường
trong khả năng của ta, cả tinh thần lẫn vật chất, như hàng ngàn, hàng
vạn, hay hàng triệu ngọn đèn bơ.
Trong cách này, chúng ta sẽ tiến bộ nhanh chóng trên con đường.
SỰ SÁM HỐI
Nhánh thứ ba là sám hối.
Trong khi duy trì sự tỉnh giác về Pháp Thân bao la chói ngời, hay
trạng thái tuyệt đối, chúng ta sám hối các ác hạnh của thân, ngữ, và tâm
làm ngăn ngại sự tiến bộ hướng về giác ngộ của ta.
Từ vô
thủy chúng ta đã từng tái sinh trong đại dương sinh tử luân hồi. Mặc dù
một vị Phật trong sự toàn giác của ngài biết rõ từng cuộc đời trong các
cuộc đời của chúng ta đã sống, cho dù ngài nói rõ toàn bộ một đại kiếp,
ngài cũng không thể tả hết tất cả
những cuộc đời đó. Suốt trong mỗi cuộc đời trong vô lượng cuộc đời này,
chúng
ta đã từng tích tập các dấu vết của
những ác hạnh. Về thân, các ác hạnh này bao gồm sự sát sinh, lấy
đi cái gì không được cho, và sự tà dâm. Về ngữ, chúng bao
gồm việc nói dối, phỉ báng người khác, nói chuyện tầm phào vô ích, và
làm đau lòng người khác bằng những lời nói ác. Về tâm, chúng bao
gồm sự tham muốn, ước muốn làm hại người khác, và sự bám chấp các tà
kiến. Các ác hạnh khác của ba cửa bao hàm các vi phạm những giới nguyện
giải thoát cá nhân (pratimoksa),
các giới nguyện Bồ Tát, và các samaya của Mật thừa.(33) Cái chúng
ta gọi là ác hạnh, hay hành động tiêu cực, không phải là cái gì có thể
thấy được như vết sơn, nhưng đúng
hơn, nó rất giống một hạt giống được gieo trồng trên mặt đất tâm thức
của chúng ta hay một giấy nợ ràng buộc cho tới khi sự việc chín mùi. Tất
cả các hành động của chúng ta,
dù trắng hay đen, sẽ không thể tránh được việc kết thành quả.
Chính sự kết thành quả không thể tránh khỏi và chắc chắn này khiến cho
việc sám hối và tịnh hóa các ác hạnh của ta trở thành điều cấp
thiết. Ví dụ, chúng ta đừng bao giờ cho rằng một ác hạnh thật nhỏ bé như
nói một lời ác ý với người nào đó sẽ
không bị các hậu quả; kết quả của bất kỳ hành động nào, dẫu cho
nhỏ bé tới đâu, sẽ không bao giờ dễ dàng tan biến đi mà sẽ sinh ra hậu
quả đúng lúc của nó.
Mặc dù các ác hạnh của chúng
ta có thể không chín mùi suốt trong tiến trình của đời
này, chúng sẽ nhất định chín mùi vào lúc chúng ta chết, rất giống cái
bóng của một con chim không thể nhìn thấy được khi chim bay trên
cao, nó sẽ bất ngờ xuất hiện lúc chim đáp xuống đất. Sau khi chết, khi
tâm thức chúng ta đang lang thang
trong bardo,(34) sức mạnh các ác hạnh của chúng ta sẽ xô đẩy ta vào nỗi
đau khổ ghê gớm của sự tái sinh trong các cõi thấp. Hiện tại, chúng ta
có cơ hội để tịnh hóa những
ác hạnh này và các hậu quả của chúng nhờ thực hành sám hối.
Có nói
rằng phẩm tính tốt đẹp duy nhất của ác hạnh là nó có thể được tịnh hóa.
Thật vậy, không có ác
hạnh nào trầm trọng đến nỗi không thể được tịnh hóa.
Chúng
ta có thể bắt đầu tịnh hóa sự tiêu cực này bằng cách sử dụng và nương
cậy vào bốn sức mạnh.
Sức mạnh thứ nhất là sức mạnh của sự nương tựa. Trong nỗ lực sửa chữa sự
tai hại do các ác hạnh của chúng ta gây nên, ta cần tới một đối tượng
thích hợp như nơi nương tựa cho việc sám hối của ta. Trong trường hợp
này, nơi nương tựa là Guru Rinpoche. Chúng ta quán tưởng ngài ở trước
mặt ta và dâng cúng sự sám hối cho ngài.
Thứ
hai là sức mạnh của sự ân hận. Đây là sự hối hận chân thành về các hành
động của
chúng ta và nỗi đau buồn vì đã mắc phạm chúng. Sự hối hận này phát sinh
khi ta nghĩ: “Tuyệt vọng biết bao vì năng lực của tất cả các ác hạnh tôi
đã liên tục mắc
phạm trong vô số cuộc đời của tôi trong quá khứ, giờ đây tôi đã bị trói
buộc phải
tái sinh giữa các súc sinh, ngạ quỷ, hay chúng sinh ở địa ngục. Chính
các ác hạnh này đang
ngăn cản không cho tôi đi tới Giác ngộ.”
Kế
tiếp là sức mạnh của sự đối trị, là phương pháp sám hối thực sự và bao
hàm sự khẩn cầu Guru
Rinpoche với lòng sùng mộ mãnh liệt trong khi cúng dường sự sám hối
của chúng ta cho ngài. Đáp lại lòng sùng mộ mãnh liệt này, chất cam lồ
và các tia sáng phát ra từ
trái tim và toàn thể thân tướng Guru Rinpoche. Chúng hòa tan vào
chúng ta, hoàn toàn tẩy sạch và tịnh hóa mọi lỗi lầm và tiêu cực của
chúng ta. Thân thể
được tịnh hóa của chúng ta trở nên
tinh khiết và trong vắt như pha lê, tràn đầy chất cam lồ trí tuệ. Guru
Rinpoche mỉm cười rạng rỡ rồi nói với chúng ta rằng: “Tất cả các
che chướng của con đã được tịnh hóa.” Với hành động này, ngài tan ra
thành ánh sáng và hòa nhập vào ta. Sau đó, chúng ta an trụ một lúc trong
một trạng thái hợp nhất với tâm Guru
Rinpoche.
Thứ tư
là sức mạnh của lời hứa. Sau khi đã sám hối, ân hận, và tịnh hóa tất cả
các ác hạnh của chúng
ta, khi ấy ta phải quyết định một cách mạnh mẽ sẽ tự chế không mắc phạm
các hành động như thế trong tương lai, ngay cả phải trả giá bằng cuộc
đời của chính ta. Nếu sự quyết định hay lời hứa này không được thực hiện
thì sự sám hối không có ích lợi
nhiều. Nếu chúng ta nghĩ: “Nếu cơ hội để mắc phạm
ác hạnh này xảy ra trong tương lai, tôi sẽ không thể tự chế để đừng tái
phạm nó,” hay nếu ta nghĩ:
“Việc phạm vào sai lầm không quan trọng vì sau này tôi có thể dễ
dàng tịnh hóa nó,” thì chúng ta sẽ ít đạt được tiến bộ. Trước khi nghe
Giáo Pháp, chúng ta không biết tới các hậu quả ghê gớm của các ác hạnh
và cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, bây
giờ, khi đã có một sự hiểu biết rõ ràng về những điều này, chúng
ta cần thực hiện một hứa nguyện không thể lay chuyển để tránh những hành
động như thế trong tương lai.
Theo
các giáo huấn cốt tủy, chúng ta có thể kết thúc sự thực hành nhánh thứ
ba bằng cách quán
tưởng tất cả các ác hạnh về thân, ngữ và tâm của ta trong hình thức
một chất màu đen kết tụ ở chót lưỡi của chúng ta. Rồi Guru Rinpoche
phóng ra từ thân thể ngài các
tia sáng chạm vào lưỡi ta, hoàn toàn làm tan rã mọi chất bất tịnh
được kết tụ này giống như những tia nắng mặt trời buổi sáng làm tan các
giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ suốt đêm. Khi nghĩ rằng mọi sự đã trở
nên tinh khiết, chúng ta chứng nghiệm tánh Không và sự trong sáng của
trạng thái tuyệt đối, tức Pháp Thân,
nó hoàn toàn thoát khỏi sự nhị nguyên, không có ngay cả dấu vết
tiêu cực nhỏ bé nhất. Chỉ vì các che chướng của ta mà chúng ta phân biệt
giữa điều thanh tịnh và điều bất
tịnh và không thể nhận ra được tánh Không của các hiện
tượng. Vì thế, trong tất cả các hình thức sám hối, cách tối thượng là
sám hối trong
Pháp Thân bao la chói lọi, là nơi
không có ý niệm về chủ thể, đối tượng, hay hành động.
TÙY HỈ CÔNG ĐỨC
Nhánh
thứ tư trong bảy nhánh là tùy hỉ công đức, sự đối trị tánh ganh tỵ và
sân hận. Ở đây
chúng ta nuôi dưỡng một niềm vui sâu xa trong tất cả các hành động tích
cực và thiện hạnh bao
gồm trong hai chân lý (chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối). Các
thiện hạnh được tán dương trên bình diện tương đối bao gồm các sự cúng
dường vật chất, ganacakra (các tiệc cúng dường) và các sự cúng dường cho
Tăng chúng, cũng như các việc lễ lạy
và đi nhiễu quanh các nơi linh thánh. Cái được tán dương trên
bình diện tuyệt đối là sự thiền định sâu xa, hay samadhi. Để có được
hiệu quả, các thiện hạnh được thực hiện trên bình diện tương đối phải
được thấm nhiễm hay củng cố bởi sự tỉnh giác về cái tuyệt đối bắt nguồn
từ thiền định.
Sự
nuôi dưỡng các hành động tích cực không được kèm theo những cảm tưởng tự
bằng
lòng hay tự phụ, ta cũng đừng nên phát triển tánh coi thường những người
mà các hành động tích cực của họ không so sánh được với mức độ của riêng
ta. Chúng ta đừng bao giờ cho rằng các sự cúng dường của ta là sâu xa và
tráng lệ nhất hay
cho rằng không ai có thể sánh được với ta về mặt đức hạnh. Cho dù đã
thành tựu các thiện
hạnh có tầm vóc phi thường, như trì tụng một trăm triệu lần thần chú
mani (Lục Tự Đại Minh) hay thần chú Vajra Guru, chúng ta có thể cảm thấy
mình đã làm tốt nhất trong khả năng
của mình, nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng ta đã
hoàn tất đầy đủ. Ta nên giống như con bò yak hoang dã: dù đã tiêu thụ
bao nhiêu cỏ chăng nữa, nó luôn luôn tìm kiếm thêm. Tương tự như
vậy, dù hành động tích cực của ta
rộng lớn tới đâu, chúng ta nên luôn luôn nỗ lực nuôi dưỡng ngay cả
một số lượng thiện hạnh to lớn hơn nữa. Mọi sự kiêu ngạo nào ta có thể
có do các thiện hạnh của ta hay mọi
hy vọng được nổi tiếng nhờ ở chúng, tất cả sẽ làm nhơ
bẩn các hành động và sự cúng dường của ta, khiến các thiện hạnh không
kết thành quả.
Các
thiện hạnh của người khác phải là một suối nguồn của đại hoan hỉ. Nếu
chúng ta cúng dường
tài sản to lớn và thấy người nào đó bố thí nhiều hơn ta, ta có thể
nghĩ rằng sự cúng dường của họ có công đức rộng lớn hơn công đức của ta
và vì thế cảm thấy tức giận hay bực bội. Điều này không đúng đắn. Thay
vào đó, ta nên nghĩ rằng họ đã thực hiện một sự cúng dường rất kỳ diệu
và ước muốn thật chân thành
rằng họ có thể cúng dường lớn lao hơn nữa, sự hoan hỉ trong cách này
không có chút dấu vết ganh tỵ nào. Với sự hoan hỉ chân thành như thế
trước việc tích tập công đức của những người khác, sự giải thoát khỏi
tính đố kỵ và lòng tham muốn phát
sinh trong chúng ta, nhờ sự hoan hỉ đó bản thân chúng ta cũng tích tập
công đức tương đương như vậy. Ví dụ, vua Prasenajit (Ba Tu Nặc)
đã thỉnh mời Đức Phật và toàn thể
Tăng chúng đến ở trong hoàng cung, cúng dường thực phẩm cho các ngài
trong trọn một tháng. Trong cùng thành phố có một người đàn bà lớn tuổi,
bà sùng mộ Đức Phật mãnh liệt và rất nghèo. Trước một biểu lộ của lòng
rộng lượng như thế, mỗi ngày bà suy tưởng, lòng vô cùng hân hoan: “Kỳ
diệu biết bao đức vua tích tập một
khối công đức bao la như thế !” Trong sự toàn giác của ngài, Đức
Phật biết điều đó. Khi tháng cúng dường chấm dứt ngài đọc lời hồi hướng
công đức, trước sự ngạc nhiên của
mọi người ngài đã hồi hướng cho người đàn bà già sùng tín này.
Chúng ta nên luôn luôn hoan
hỉ khi một vị Thầy đang giảng dạy Pháp, làm lợi lạc
chúng sinh, và đang chăm sóc việc
xây cất chùa chiền và tu viện. Chúng ta nên hoan hỉ khi thấy hay
nghe nói về những hành giả du già đi sâu vào việc thực hành các
giai đoạn phát triển và thành tựu và đang sống trong sự cô tịch. Chúng
ta nên hoan hỉ trước những người tuân giữ các giới nguyện tu sĩ
của một Sa di hay những Tỳ kheo và
nghĩ rằng: “Đức hạnh xuất sắc làm sao! Thật là phi thường khi họ có
thể làm được một điều như thế !” và ước mong rằng tất cả chúng sinh đều
có thể thực hiện tương tự như vậy.
Hành động tích cực chân thực
cốt ở việc nuôi dưỡng đức hạnh mà không bao giờ xa lìa ý tưởng rằng bản
chất của nó thì như giấc mộng, huyễn hóa, và có bản tánh trống không.
Bằng cách kết hợp hai chân lý như thế, các thiện hạnh của ta được
giải thoát khỏi sự bám chấp và tham luyến.
CẦU THỈNH CHUYỂN PHÁP LUÂN
Nhánh thứ năm trong bảy nhánh
là cầu thỉnh chuyển Pháp luân, sự đối trị vô minh. Trong
tất cả các hoạt động của một vị Phật thì chuyển Pháp luân là hoạt
động quý báu và căn bản nhất. Bài kệ
nói: “Con cầu khẩn ngài chuyển Pháp luân của ba thừa.” Mặc dù không tìm
thấy ở đây, ta có thể thêm vào một câu kệ: “Cho sự lợi lạc của ba
loại chúng sinh.” Để chúng sinh có căn cơ thấp được lợi lạc, Pháp được
giảng dạy qua các giáo lý của các
Thanh Văn(35) và các Phật Độc Giác, trong khi đối với các người
có căn cơ trung bình thì Pháp được truyền dạy qua các giáo lý Đại thừa.
Đối với lợi lạc của chúng sinh thượng căn thì có các giáo lý của Mật
Thừa. Chúng ta cần nhiệt thành cầu thỉnh rằng Pháp luân của ba thừa này
được quay chuyển.
Khi
đạt được Giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, Đức Phật thấu triệt bản tánh của
mọi hiện tượng thì
trống không. Khi đã chứng ngộ điều này, ngài cảm thấy rằng chúng
sinh vẫn còn mê đắm trong vô minh sẽ không thể thấu hiểu nó. Vì thế ngài
nói: “Ta đã tìm được một Giáo Pháp như chất cam lồ, sâu xa, an
lạc, thoát khỏi mọi tạo tác, chói ngời và bất sanh, nhưng nếu ta mở bày
nó cho người khác, họ sẽ không hiểu
nổi,” và ngài đắm chìm trong thiền định sâu xa suốt ba tuần, nghĩ rằng
thật vô ích khi giảng dạy Pháp cho chúng sinh. Tuy nhiên các vị
trên Thiên giới nhận thấy Đức Thích Ca Mâu Ni đã thành tựu Phật Quả, họ
biết rằng trừ phi Đức Phật chịu giảng dạy Pháp cho họ, lợi lạc của chúng
sinh sẽ không được rộng lớn. Vì vậy, vua Trời Indra (Đế Thích) cúng
dường một vỏ ốc xà cừ xoắn sang bên phải, và Trời
Brahma (Phạm Thiên) cúng dường một bánh-xe-một-ngàn-nan hoa bằng
vàng, cùng cầu thỉnh Đức Phật xuất định và chuyển Pháp luân. Theo sự cầu
xin của họ, Đức Phật đã
chuyển Pháp luân. Nhờ việc cầu thỉnh này, Trời Indra và Brahma đã
tích tập công đức vô biên.
Tương tự như vậy, giờ đây
chúng ta có thể tích tập công đức to lớn bằng cách cầu
thỉnh các giáo lý và hoan hỉ khi vị Thầy ban tặng chúng, vì nhờ việc này
chúng sinh sẽ được chỉ rõ con
đường vĩnh viễn giải trừ sự vô minh. Ở đây, chúng ta nên quán
tưởng chính mình như hiện thân của vô số những hình thức như các quốc
vương, Bồ Tát, Bổn Tôn và các chúng sinh bình thường, mỗi vị đều cúng
dường vỏ ốc xà cừ, các bánh xe vàng,
và các báu vật khác cho vị Thầy, cầu thỉnh ngài chuyển Pháp luân
vì lợi lạc của chúng sinh.
CẦU THỈNH VỊ THẦY Ở LẠI THẾ GIAN NÀY
Nhánh
thứ sáu là cầu thỉnh vị Thầy trụ thế. Câu kệ nói: “Con khẩn cầu ngài
đừng nhập
nirvana (Niết bàn) cho tới khi sinh tử hoàn toàn trống rỗng, mà ở lại
thế gian này để
tiếp tục làm lợi lạc chúng sinh.” Nếu trong thế gian này không có chư
Phật, các thiện tri thức hay các bậc
Thầy, thì thân người quý báu của ta, với tất cả sự tự do, năng lực
và thông minh của nó sẽ chỉ dấn mình vào các hoạt động và kế hoạch của
sinh tử. Chúng ta sẽ tiêu phí toàn bộ thời gian để bảo vệ các người thân
yêu của ta, đánh bại kẻ thù, và phấn
đấu để tích lũy của cải, danh vọng, và quyền lực. Không có ích
lợi gì trong việc này. Chúng ta sẽ không biết tới nỗi khổ trong các cõi
thấp và nguyên nhân của chúng, không biết tới chuỗi tái sinh vô tận
trong tương lai và không biết điều gì cần tu tập, điều gì cần né tránh.
Vì vậy, hãy quán tưởng chính mình là đệ tử cư sĩ Chanda, nhờ sự cầu
thỉnh của ông mà thọ mạng của Đức Phật
đã kéo dài thêm ba tháng. Chúng ta nên cầu nguyện các vị Thầy ở
lại cho tới khi tất cả chúng sinh
được cứu thoát khỏi bánh xe sinh tử luân hồi.
HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
Câu kệ
về nhánh thứ bảy và là nhánh cuối cùng, sự hồi hướng công đức, nói rằng:
“Tôi hồi hướng tất cả công đức tôi đã tích tập suốt trong ba thời cho sự
thành tựu Đại Giác ngộ.” Bất kỳ công đức nào đã được tích tập nhờ sự
thực hành sáu nhánh đầu, cũng như
bất kỳ thiện hạnh nào ta đã từng thực hiện trong quá khứ và sẽ thực hiện
trong tương lai, chúng
ta hồi hướng chúng cho tất cả chúng sinh. Chúng ta hồi hướng công
đức với ước nguyện: “Cầu mong tất cả vô lượng chúng sinh sử dụng công
đức này như nền tảng để đạt được Giác ngộ. Nhờ sự hồi hướng này, cầu
mong tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi các cõi thấp và được an lập
trên con đường giải thoát.”
Điều quan trọng đối với chúng ta là thực hiện sự hồi hướng trên một
phạm vi càng rộng lớn càng tốt. Trong cách thức này chúng ta noi gương
các Đại Bồ Tát như Phổ Hiền và Văn
Thù khi các ngài hồi hướng công đức do các hoạt động của các ngài
cho sự lợi lạc của tất cả chúng sinh. Sự hồi hướng phải hoàn toàn không
có bất kỳ sự hy vọng được tưởng thưởng nào. Càng nhiều càng tốt, chúng
ta nên tự giải thoát khỏi sự bám níu
vào ý niệm về một tác nhân, một hành động, và
một đối tượng của hành động, nhận thức rằng ba thứ này chỉ là những ý
niệm trống rỗng.
Nếu chúng ta đang thực hiện
Pháp ngưndro hay thực hành chuẩn bị, thì nó đặc biệt thích hợp với việc
thực hiện các lễ lạy trong sự kết hợp với pháp Guru yoga, trong khi tụng
đọc lời Cầu nguyện Bảy nhánh. Đó là bởi các sự lễ lạy, cúng dường mạn đà
la, và sám hối sẽ hiệu quả hơn khi được tập trung vào Đạo sư của chúng
ta. Thực hiện một lễ lạy duy nhất
đối với Đạo sư của ta thì có năng lực hơn một trăm ngàn lễ lạy
thập phương chư Phật và Bồ Tát. Đây là lý do tại sao chúng ta thực hiện
sự cúng dường bảy nhánh trực tiếp tới vị Thầy của ta, vì qua sự cúng
dường này các che chướng của ta sẽ
bị xua tan, mọi sự ban phước của vị Thầy sẽ nhanh chóng đi vào
con người chúng ta, và như thế chúng ta sẽ có thể hoàn thành các sự
tích tập công đức và trí tuệ. Nếu thâu thập và tập trung lượng nước mưa
vào duy nhất một cái phễu
rộng, ta có thể làm đầy một thùng lớn rất nhanh chóng.
Tương tự như vậy, nếu chúng ta tập
trung mọi nỗ lực bằng cách cúng dường chúng
cho vị Thầy, thì ta sẽ có thể tiến bộ nhanh chóng trên con đường.
Chúng
ta phải luôn luôn niêm phong sự thực hành của ta bằng cách hồi hướng bất
kỳ công đức nào tích tập được cho sự lợi lạc và giải thoát của tất cả
chúng sinh. Công đức
đã được hồi hướng sẽ không bao giờ bị mất đi, giống như một giọt nước
được đặt trong đại dương sẽ không
bao giờ bốc hơi. Công đức không được hồi hướng
sẽ chỉ tạo ra các kết quả phù
du, giống như một giọt nước được nhỏ trên một hòn đá
nóng sẽ bay hơi lập tức.
Guru
yoga là một phương pháp hay phương tiện thiện xảo để phát sinh trong
chúng ta lòng sùng mộ mãnh liệt khiến ta nhận ra Đạo sư chính là vị Phật
mà không cần cố gắng.
Lúc đầu lòng sùng mộ này có thể không tự nhiên hay tự phát, vì thế chúng
ta phải sử dụng nhiều kỹ thuật khác
nhau để trợ giúp ta thành tựu nó. Điều chính yếu là chúng ta phải
luôn luôn nhớ tới các phẩm tính tuyệt hảo của vị Thầy, đặc biệt là lòng
tốt của ngài đối với ta. Bằng cách liên tục phát khởi sự tín tâm, nhận
thức sâu sắc Đạo sư và lòng sùng mộ đối với ngài, sẽ tới lúc chỉ cần
nhắc tới danh hiệu của ngài
hay chỉ cần tưởng nhớ tới ngài là đủ để chấm dứt mọi nhận thức phàm
tình của chúng ta, và ta sẽ thấy ngài chính là một vị Phật.
Bài kệ mà ta dùng để dâng lời
cầu nguyện sùng mộ lên Guru Rinpoche nói :
Đức Guru Rinpoche quý báu,
xin hãy nghe con. Ngài là hiện thân quý báu nhất, vinh quang nhất của
lòng đại bi và ân phước trong tất cả chư Phật. Ngài là người bảo hộ duy
nhất và là chúa tể của tất cả chúng sinh. Không chút do dự
hay dè dặt, con dâng lên ngài tài sản, thân thể, tim phổi, lồng ngực của
con, và chính con người con. Con cúng dường ngài trọn vẹn bản thân con.
Cho tới khi con đạt được giác ngộ, dù con có thể gặp bất kỳ hạnh phúc
hay đau khổ nào, hỡi đấng tôn quý vĩ
đại, Đạo Sư Liên Hoa Sanh, ngài biết rõ mọi sự về con. Ngoài ngài
ra, con không có hy vọng nào khác; con nằm trong vòng tay ngài.
[Bây giờ chúng ta trì tụng ba
trăm lần
thần chú Vajra Guru]
Tại
sao chúng ta cầu nguyện Guru Rin-poche? Tại sao ngài là đấng chúng ta
hướng
về? Những người bình thường có khuynh hướng nương tựa vào người có ảnh
hưởng và quyền lực lớn nhất. Cũng thế, ở đây chúng ta nương cậy vào Guru
Rinpoche, ngài là sự hợp nhất của tất cả chư Phật và Bồ Tát an trụ trong
vô lượng cõi Phật khắp mười phương. Ngài là sự tập hợp mọi phẩm
tính, năng lực và sức mạnh xuất sắc của chư Phật và Bồ Tát để làm lợi
lạc chúng sinh. Trong vũ trụ này, ngài đã hiển lộ một sự thấu triệt
tuyệt đối và vô song về tất cả kỹ thuật và những thành tựu của Mật thừa.
Nơi nguồn ánh sáng chói lọi đó, ngài là đấng chúng ta hướng tới trong
thời đại này khi những cảm xúc tiêu cực và độc hại của chúng
sinh cực kỳ to lớn. Nạn đói kém, các bệnh dịch và những trận chiến tranh
chiếm ưu thế, và ngay cả một ít người khi hướng tâm họ về Pháp gặp phải
những trở ngại ghê gớm chặn
đứng sự tiến bộ của họ và ngăn cản việc thành tựu mục đích tối hậu.
Đức
Guru Rinpoche, trong sự toàn giác của ngài đã tiên đoán tất cả những
điều này, và bởi lòng
đại bi vô hạn, ngài đã cung cấp những phương pháp hữu hiệu cho chúng
sinh trong thời đại này. Vì chỉ mình ngài có khả năng giúp đỡ ta, chúng
ta có thể nương cậy vào ngài với một lòng tin không lay chuyển. Như ngài
đã nói: “Bất kỳ ai thiền định về ta là thiền định về tất cả chư Phật.
Bất kỳ ai nhìn thấy ta là thấy tất cả chư Phật. Ta là sự hợp nhất của
tất cả chư Phật. Ta là sự hợp nhất của tất cả
các sugata (Đấng Thiện Thệ), ‘những đấng đã đạt được đại lạc.’”
Ở bình diện bên ngoài, thân
ngài là Tăng, ngữ ngài là Pháp, và tâm ngài là Phật. Ở bình diện bên
trong, thân ngài là Đạo sư, ngữ ngài là Bổn Tôn, và tâm ngài là Dakini.
Ở bình diện bí mật, bình diện của ba thân (kaya), thân hiển lộ của ngài
là Hóa Thân, trong sắc tướng của Đức Padmasambhava, Đạo Sư Liên Hoa Sanh.
Ngữ của ngài là Báo Thân, trong sự hiển lộ của Đức Quán Thế Âm, vị Phật
của lòng đại bi vô hạn. Tâm ngài là Pháp Thân, trong hiển lộ của Đức
Phật A Di Đà, vị Phật của Ánh sáng
vô lượng (Đức Phật Vô Lượng Quang). Từ quan điểm này chúng ta có thể
nhận thấy rằng thực ra, Đức Guru Rinpoche chính là tinh túy của tất cả
chư Phật. Phật sự bao la của ngài được biểu lộ rõ ràng nhất cho
chúng ta qua sự kiện là đối với những chúng sinh như chúng ta bị đau khổ
bởi vô minh, ngài đã bày lộ những giáo huấn quý báu về những gì phải
tuân theo và những gì nên né tránh
trên con đường. Các giáo huấn này sẽ cho phép chúng ta đi trên con đường
Giác ngộ cho tới cùng đích.
Đức
Guru Rinpoche không ngừng chuyển Pháp luân. Ở phương diện ngữ, Guru Rin-poche
là suối nguồn của tất cả Pháp, không một lãnh vực nào trong sự mênh mông
vô hạn của các tantra và giáo lý bí mật trong thế giới mà ngài không
hiểu biết và thấu suốt. Hiện nay, chúng ta là những người cư ngụ ở cõi
Diêm phù đề này, hay trái đất, không đủ may mắn để diện kiến ngài. Mặc
dù hiện nay ngài không còn hiển lộ như một thân tướng khiến người bình
thường có thể thấy, nhưng ngài vẫn
đang hiện diện trong tất cả những giáo lý của ngài. Để giữ gìn chúng cho
sự lợi ích của những thế hệ tương lai và duy trì được hiệu lực và tính
chất tươi mới của chúng, ngài đã truyền dạy chúng cho các đệ tử thân cận
của ngài và sau đó cất giấu chúng
trong hình thức các terma, hay “các kho tàng tâm linh.” Khi những
đệ tử này tiếp tục tái sinh, các
ngài đã khám phá lại những kho tàng khác nhau được Đức Guru
Rinpoche cất giấu trong các tảng đá, trong các hồ nước, trên bầu trời,
và trong tâm các ngài. Bằng cách khám phá lại các terma vào đúng thời
gian mà chúng có lợi lạc nhất, sẽ đảm bảo được rằng trải qua quá trình
dài của sự truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác các kho tàng sẽ
không bị sai lạc. Vì lý do đó, truyền thống terma được gọi là
dòng truyền thừa ngắn.
Nếu
chúng ta thực hành những giáo lý này một cách đúng đắn, với lòng sùng mộ
và thành tâm thiết yếu,
thì không còn nghi ngờ gì nữa chúng ta sẽ có thể đạt được các
thành tựu thông thường và siêu việt. Các giáo huấn này và cơ hội để thực
hành chúng được ban tặng cho
ta giống như những mạng ăng ten đầy năng lực trong một
thành phố lớn. Vấn đề là chúng ta có chịu sử dụng chúng hay không.
Những sự cầu nguyện mãnh liệt
với Guru Rinpoche sẽ đóng lại cánh cửa dẫn tới việc tái sinh trong các
cảnh giới thấp, và an lập chúng ta một cách chắc chắn
trên con đường giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, và cuối cùng, sẽ đưa
tới sự thành tựu giác ngộ. Vì thế bậc Đạo Sư, Đức Vajradhara (Kim Cương
Trì) vinh quang, là gốc rễ
của mọi sự ban phước, qua đó mọi sự có thể được thành tựu.
Từ vị Phật nguyên thủy là Đức
Phật Phổ Hiền xuống tới chúng ta, các giáo lý sâu xa đã được truyền dạy
qua một dòng truyền thừa không đứt đoạn của các bậc Giác ngộ.
Có ba loại truyền dạy, tương ứng với các cấp độ hiện thể khác nhau. Cấp
độ cao nhất là tâm truyền tâm,
được Đức Phật Phổ Hiền trao cho Ngũ Bộ Phật (Ngũ Trí Như Lai). Sự
truyền dạy thuộc cấp độ trung bình của các Vidyadhara (Trì Minh
Vương) hay những bậc Trì giữ Giác tánh, được ban cho bằng cử chỉ hay sự
bày tỏ có tính chất tượng
trưng. Cấp độ cuối cùng, sự khẩu truyền thì thầm-bên tai, là để dành
cho những người như chúng ta.
Bản
thân Guru Rinpoche đã thọ nhận và có thể truyền lại tất cả ba cấp độ
truyền dạy.
Vì ngài có đầy đủ trí tuệ, lòng từ bi, và năng lực của tất cả chư Phật
nên ngài
thấu suốt dòng tâm-trí tuệ.
Hiển lộ trong vũ trụ này
trong hình tướng một bậc trì giữ trí tuệ kim cương, Đức Guru Rinpoche đã
du hành qua khắp các thánh địa để thọ nhận giáo lý từ tất cả các
bậc Thầy vĩ đại bao gồm tám Vidyadhara của Ấn Độ. Đặc biệt ngài đã nhận
lãnh từ Sri Simha lễ quán đảnh “sự bừng nở của Giác tánh.” Ngài có khả
năng thọ nhận và chứng ngộ
mọi giáo lý này qua cử chỉ và lời nói, và vì thế ngài nắm giữ dòng
truyền dạy tượng trưng.
Không bao giờ cần phải tu tập
hay nghiên cứu, ngài đã thọ lãnh và có thể lập tức thông suốt tất cả các
giáo huấn và mọi mức độ ý nghĩa của các cấp tantra khác nhau
trong Mật thừa. Vì thế ngài nắm giữ dòng truyền dạy toàn hảo thì
thầm-bên tai. Khi đã du hành tới mọi cõi Phật, ngài thọ nhận các giáo lý
của chư Phật.
Hơn nữa, trong Guru Rinpoche
có đầy đủ ba cội gốc. Là Đạo Sư, hay cội gốc của
các sự ban phước, ngài nắm giữ ba dòng truyền thừa như chúng ta đã vừa
thấy. Ngài còn là Bổn Tôn, hay cội gốc của sự thành tựu, và là
Dakini, hay cội gốc của sự hoạt động.
Thêm
vào đó, các mạn đà la của thân, ngữ, tâm, các phẩm tính, và các hoạt
động của tất cả chư
Phật đều hoàn toàn có trong ngài. Ở phương diện thân ngài là
Yamantaka; ở phương diện ngữ, ngài là Hayagriva; ở phương diện tâm ngài
là Yangdak Heruka; và ở phương diện hoạt động, ngài là
Vajrakilaya. Theo ước nguyện của ngài, Guru Rinpoche có thể phóng ra một
trăm lẻ tám Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ, hiển lộ toàn thể mạn đà la, hay
ngài có thể tập hợp vô lượng Bổn Tôn và nuốt các vị này vào bản thân
ngài. Ngài là Đức Phật A Di Đà, ngài là Phật Vô Lượng Quang (Amitayus),
ngài là Quán Thế Âm Bồ Tát, ngài là Thánh nữ Tara, ngài
là Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa), ngài là hàng ngàn vị Phật, ngài là
tám Hóa thân, ngài là hai
mươi lăm đệ tử, ngài là tám mươi bốn đại thành tựu giả, ngài là các
Đạo sư của tám dòng giáo lý, ngài là bổn sư của chính chúng ta. Phạm vi
các hoạt động và năng lực của ngài rộng lớn đến nỗi chỉ cần thiền định
về ngài là chúng ta có thể đạt được Phật Quả viên mãn.
Guru
Rinpoche cũng là vua của tất cả Dakini và các Hộ Pháp, bản thân các vị
là cội gốc của mọi
hoạt động. Khắp trong ba nơi chốn(36) và chỉ đơn thuần âm thanh của danh
hiệu ngài là đủ đánh thức các Daka và Dakini để họ nhận thức được ngài
là chúa tể của họ và cúng dường ngài
toàn thể lãnh vực rộng lớn như đại dương các tantra của Mật thừa.
Theo mệnh lệnh của ngài, các Daka và Dakini sẽ quét sạch các chướng ngại
trên con đường, khiến cho chúng ta có được tiến bộ nhanh
chóng.
Ngài không che dấu trong mình
kho tàng các phẩm tính kỳ diệu của ngài; lòng đại bi
luôn luôn tràn đầy của ngài là lòng đại bi của tất cả chư Phật, và năng
lực để giúp đỡ chúng sinh của ngài thì tương đương với năng lực của chư
Phật. Trong thời đại suy thoái này, khi không gì còn tồn tại
ngoại trừ các dấu vết suy đồi của những sự
toàn thiện nguyên thủy, khi những ban phước của các Bổn Tôn, các bậc
linh thánh, và tất cả các Giáo Pháp dường như đang biến mất, thì
những sự ban phước đó của Guru Rinpoche thật ra đang còn chói sáng hơn
bao giờ hết. Hoạt động bi mẫn không
ngơi nghỉ của ngài, thay vì suy giảm trong thời đại tăm tối này, đã trở
nên còn nhanh chóng và chắc chắn hơn nữa.
Chúng ta nói rằng Guru
Rinpoche là Pháp Vương hay đấng bảo hộ của mọi chúng
sinh bởi tất cả đều hướng về ngài để nương tựa. Các chúng sinh bị phiền
não bởi các cảm xúc độc hại và nghiệp lực đã tích tập, khi họ
hướng tâm về ngài, họ sẽ nhận
được lòng đại bi và các sự ban phước của ngài. Nhận thức được điều này,
chúng ta có thể cúng dường ngài một cách toàn tâm bất kỳ thứ gì chúng ta
coi là thân thiết nhất – thân thể ta, những người thân yêu, tài sản của
ta, và tận sâu thẳm của con người chúng ta – mà không có chút do dự nào.
Chúng ta thực hiện một sự cúng dường như thế, hoàn toàn thoát khỏi bất
kỳ sự nhị tâm nào, dâng cho ngài tất cả với sự dứt khoát tuyệt đối,
giống như một hòn đá rơi tòm xuống nước. Cho dù chúng ta có thể cúng
dường tất cả số vàng chứa trong toàn thể vũ
trụ, ta phải cảm thấy là chưa đủ. Không có sự cúng dường nào, dù bao la
đến đâu, có thể được coi là đủ để đền đáp thiện tâm của Guru
Rinpoche.
Từ thời điểm này trong cuộc
đời chúng ta cho tới khi ta đạt được cấp độ thành tựu
của ngài, qua sự thực hành của ta trên con đường, mọi sự việc tích cực
xảy đến cho ta, mọi dấu hiệu
và những chứng ngộ, mọi sự tịnh hóa các lỗi lầm của ta, mọi lợi
lạc của sức khỏe dồi dào, đời sống trường thọ, và sự thành đạt, đều là
nhờ lòng tốt của Guru Rinpoche. Bất
kỳ điều tốt lành nào chúng ta có thể kinh nghiệm cần
được hoàn toàn cúng dường cho Đạo Sư mà không có chút bám níu nào. Bất
kỳ hoàn cảnh bất lợi nào xảy đến cho ta, dù là bệnh tật, mất mát vật
chất, sự phê bình ác ý, hay sự tù đày bất công, chúng ta cũng nên nghĩ
rằng đó là do bậc Đạo Sư, vì qua những bất hạnh của ta, chúng ta sẽ có
thể tự tẩy sạch nghiệp xấu đã được
tích tập. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng: “Tôi đã cầu nguyện Guru
Rinpoche rất nhiều, tôi đã thực hành rất mãnh liệt, làm thế nào những
điều này lại có thể xảy ra cho tôi ?” Đúng đắn hơn, chúng ta có thể sử
dụng đau khổ của ta trên con đường, bằng cách nhận vào mình mọi đau khổ
của chúng sinh khác.
Chúng ta phải nhận thức rằng
từ bây giờ trở đi, dù chúng ta kinh nghiệm điều gì, cả tốt lẫn xấu, đều
nằm trong lòng tay của Guru Rinpoche. Dù chúng ta du hành
qua các cõi Phật để tiếp thu các giáo lý của chư Phật và Bồ Tát hay lang
thang qua những đau khổ không dứt của sinh tử luân hồi, chúng ta
nên nghĩ: “Guru Rinpoche, ngài biết
rõ mọi sự xảy ra cho con. Con ở trong tay ngài.”
Nếu chúng ta có thể phát
triển mức độ tin cậy này ở ngài, thì đối với ta Guru Rinpoche sẽ như mặt
đất ta đi lại trên đó, luôn luôn nâng đỡ chúng ta. Từ toàn bộ lòng tin
này, tất cả các phẩm tính và lợi lạc sẽ phát khởi tự nhiên. Không bị các
trở ngại che chướng, chúng ta sẽ giải thoát khỏi bệnh tật và đau khổ, ta
sẽ vui hưởng một cuộc đời
trường thọ, và mọi ước nguyện của chúng ta sẽ được hoàn tất. Tuy thế,
đây chỉ là những sự ban phước
thứ yếu. Quan trọng hơn, lòng tin này sẽ làm khởi dậy các kinh
nghiệm và sự chứng ngộ, nó sẽ cho chúng ta thành tựu cấp độ của những
Vidyadhara vĩ đại của Ấn Độ và của hai mươi lăm đệ tử chính của Guru
Rinpoche ở Tây Tạng. Đây là những sự ban phước chính yếu.
Với
tất cả những điều này trong tâm, chúng ta nên cầu nguyện một cách mãnh
liệt rằng :
Trừ
ngài ra con không có đối tượng nào khác để hy vọng. Trong thời đại suy
thoái này, khi tất cả
chúng sinh đang chìm đắm trong đầm lầy đau khổ không thể
chịu đựng nổi, xin hãy che chở cho họ khỏi mọi điều này, ôi đấng Đạo Sư
vĩ đại. Ôi Ngài, đấng sẵn đủ trí tuệ, ân sủng và sự ban phước như
hải triều, xin ban cho con bốn nhập môn, Đấng được phú bẩm lòng đại bi,
xin hãy nâng cao sự chứng ngộ của con. Đấng được phú bẩm năng lực, xin
tịnh hóa hai che chướng. Ngài là đấng con đặt những hy vọng, xin an lập
con trên con đường
đi tới Giác ngộ. Qua ngài, cầu mong
mọi sự ban phước của chư Phật đi vào giòng tâm thức của con. Giờ
đây con cầu nguyện ngài với toàn bộ con
người con. Trong sự Toàn Giác, Ngài có thể thấy rằng con sinh ra trong
thời
đại suy thoái đầy rẫy bệnh tật và
xung đột này, khi chúng sinh thì hung dữ, tự phụ và kiêu ngạo, thiếu
tinh tấn trong việc thực hành Pháp, và luôn luôn tìm kiếm những
điều không lành tốt. Trong một thời đại như thế, tham, sân, si, bệnh tật,
nạn đói kém, và chiến tranh đang luôn luôn phát triển; ở nơi đây chúng
con đang kinh nghiệm những trái quả do nghiệp của chúng con. Giống như
một người điên thích đi vào một đống lửa, chúng con vui sướng tích tập
những hạt giống đau khổ trong tương
lai của chúng con. Giống như một người mù không có người dẫn
đường hay một người điên không người chăm sóc, chúng con
hoàn toàn bị chìm đắm trong vũng bùn của đau khổ mà không có ngay
cả sự nhận thức về nó. Ngài, Guru Rinpoche, có thể che chở để con không
phải lang thang không mục đích trong chốn hoang tàn, thấp kém, tồi tệ
này. Xin ban cho con trí tuệ kim cương của thân, ngữ và tâm ngài, và xin
ban cho con bốn nhập môn để con có thể chứng ngộ ý nghĩa sâu xa của Đại
Viên Mãn. Nhờ lòng đại bi của ngài, cầu mong sự nhận thức của con tăng
trưởng, và cầu mong ngài khơi dậy
trong con trí tuệ của trạng thái tự nhiên.(37)
[Bây giờ, chúng ta trì tụng
ba trăm lần
thần chú Đạo sư Kim Cương (Vajra Guru)]
Khi sự
chứng ngộ phát khởi trong chúng ta, hai sự ngăn che – ngăn che làm tăm
tối tâm thức chúng ta
do các cảm xúc tiêu cực và ngăn che làm chướng ngại sự hiểu biết về cái
tương đối và tuyệt đối (phiền não chướng và sở tri chướng) – sẽ bị nhổ
bật lên và biến mất. Chúng ta nên cầu nguyện với sự tin tưởng tuyệt đối
rằng Guru Rinpoche sẽ nhanh chóng ban những ân phước và ngài sẽ hiển lộ
cho ta ý nghĩa của Đại Viên Mãn.
Con
cầu nguyện ngài từ đáy lòng con, không chỉ bằng môi miệng, xin ban cho
những ân phước của
ngài khiến mọi ước nguyện của con có thể được thực hiện.
Khi
thực hiện sự cầu nguyện này, chúng ta nên nghĩ: “Guru Rinpoche, con
không chỉ kêu rêu các
ngôn từ. Con không van xin ngài sự che chở trong đời này và trong
bardo để xu nịnh ngài, nhưng con cầu nguyện ngài từ thâm tâm con, từ tận
xương tủy con. Con không nghĩ tưởng điều gì khác ngoài ngài. Con không
nhớ tới điều gì ngoài ngài.
Con muốn tan biến vào ngài như một hòn đá bị ném xuống nước. Con
không thể chịu đựng nổi việc xa lìa ngài.”
Theo cách này, tâm chúng ta
hoàn toàn bị tràn ngập bởi sự hiện diện của Đạo Sư.
Mọi tư tưởng tiêu cực, dù to lớn hay
độc hại thế nào, trở nên hoàn toàn lắng dịu và tiêu tan ngay khi ta nghĩ
tưởng về Đạo Sư. Chúng ta nên cầu nguyện với tất cả năng lực và
sự mãnh liệt mà ta có cho tới khi ta được ban cho loại kinh nghiệm
này. Nếu chúng ta thực sự phát triển lòng sùng mộ chân thật như thế, khi
ấy Guru Rinpoche sẽ như một bà mẹ luôn luôn có tình thương dạt
dào nhất đối với đứa con của bà. Bất cứ khi nào một bà mẹ như thế muốn
cho con bà một thứ gì, bà không bao giờ nghĩ: “Ồ, đối với nó cái này là
quá tốt.” Đúng hơn, bà luôn luôn cho
con những món gì tốt nhất bà có thể tìm được. Chúng ta nên cầu nguyện
với Guru Rinpoche rằng: “Xin ban cho con lòng đại bi của ngài và
giải thoát con khỏi nỗi đau khổ trong đời này và những đời sau. Xin đưa
dắt con tới những cảnh giới cao và gia hộ cho con đạt được sự Giác ngộ
tối thượng.”
[Với tâm thức tràn đầy sự
sùng mộ tuyệt đối như thế, ở đây, một lần nữa chúng ta trì tụng thần
chú Đạo sư Kim Cương càng nhiều càng tốt – ít nhất bốn trăm lần.]
THẦN CHÚ ĐẠO SƯ KIM CƯƠNG
Tại
sao rất cần phải trì tụng các thần chú, và chúng là gì ? Giống như chúng
ta tự quán tưởng
mình
là một Bổn Tôn và môi trường chung quanh là một cõi Phật để tịnh hóa tri
giác bất tịnh của chúng ta về sắc tướng, chúng ta trì tụng các thần chú
để tịnh hóa tri giác
bất tịnh của ta về âm thanh. Mantra là một từ Phạn ngữ có nghĩa là “che
chở tâm,” bởi lẽ
trong khi trì tụng các thần chú, tâm được che chở khỏi ảnh hưởng của các
tư tưởng mê lầm phàm
tình.
Thần chú kết hợp mật thiết
nhất với Guru Rinpoche được gọi là thần chú Đạo Sư Kim Cương: om ah hung
vajra-guru-padma-siddhi hung. Thần chú này là
đời sống và trái tim, tinh túy của Guru Rinpoche; trong thực tế, nó là
Guru Rinpoche trong hình thức âm thanh.
OM
Âm thứ nhất, om, tương ứng
với phương diện thân của tất cả chư Phật. Mặc dù Guru
Rin-poche là Pháp Vương bao trùm của Năm Bộ Phật,(38) om trong trường
hợp cá biệt này đặc biệt tương ứng với Đức Phật A Di Đà, là
phương diện Pháp Thân của
Liên Hoa bộ.
ĀH
Âm thứ
hai, ah, tương ứng với phương diện ngữ của tất cả chư Phật. Trong trường
hợp này, nó đặc biệt ám chỉ Bồ Tát Quán Thế Âm, Đấng Bi Mẫn Vĩ đại, là
phương diện Báo Thân của Liên Hoa bộ. Từ âm ah hóa hiện tám mươi bốn
ngàn Pháp môn.
HŪNG
Âm thứ ba, hung, tương ứng
với phương diện tâm hay bản chất trí tuệ của tất cả chư
Phật, ở đây các ngài hiển lộ là Guru Liên Hoa Sanh và tương ứng với
phương diện Hóa Thân của Liên Hoa bộ. Thực ra Guru Rinpoche là sự
hoàn toàn hợp nhất của ba thân (kaya),
và ba âm đầu tiên của thần chú của ngài biểu thị điều này.
VAJRA GURU
Kế đến
vajra guru. Vajra,một từ Phạn ngữ, phát âm là benzar trong tiếng Tây
Tạng, ám chỉ chất kim cương (Tiếng Tây Tạng là rdo-rje, “chúa tể của các
loại đá”), cao tột trong các chất
thể tự nhiên. Kim cương cứng đến nỗi không thứ gì có thể cắt đứt được nó,
và phẩm tính này cho phép nó cắt đứt mọi sự. Tương tự như vậy, bản
chất trí tuệ bất biến của thân, ngữ
và tâm Guru Rinpoche không thể bị tác hại bởi các mê lầm và những cảm
xúc độc hại, trong khi thân, ngữ tâm và trí tuệ của ngài hủy diệt
mà không cần cố gắng các che chướng và mê lầm là nghiệp quả của các cảm
xúc tiêu cực và các ác hạnh. Vì thế chúng ta có thể hiểu rằng bằng từ
vajra guru (hay dorje lama trong
tiếng Tây Tạng) chúng ta muốn nói tới một bậc vĩ đại
và thành tựu đã đạt tới cùng đích tối hậu của con đường Kim Cương thừa.
Tóm lại, vajra biểu thị sự thông suốt và chứng ngộ tuyệt đối của tính
bất khả phân của ba thân (kaya).
Như
chúng ta đã đề cập tới ở trên, được dịch sát nghĩa từ Phạn ngữ thì guru
có nghĩa là “nặng” và
bao hàm ý rằng Đạo sư (Guru) trĩu nặng những phẩm tính tốt đẹp. Vì thân,
ngữ và tâm Guru Rinpoche có vô hạn phẩm tính đồng nhất với các phẩm
tính của tất cả chư Phật, chúng ta có thể coi thân, ngữ và tâm của ngài
như những vật quý giá đầy tràn trong một tủ châu báu khổng lồ –
một tủ két như thế hẳn sẽ rất nặng, và đây là lý do vì sao nó được giảng
nghĩa là “trĩu nặng những phẩm tính tốt đẹp.” Giống như vàng vừa nặng
vừa quý giá, Đạo sư là bậc nặng nhất và quý báu nhất trong tất cả chúng
sinh do bởi các phẩm tính không thể nghĩ bàn
và không lỗi lầm của ngài. Từ Tây
Tạng của Guru là Lama, có nghĩa là vật cao quý tuyệt hảo trên tất
cả mọi sự. Ví dụ, trong sự kính ngưỡng Tam Bảo, ba gốc (Guru,
Yidam và Dakini), hay ba thân (kaya), hoặc trong sự trì tụng danh hiệu
chư Phật, chúng ta
luôn luôn bắt đầu với từ Lama để biểu lộ rằng cái gì tiếp sau đó không
trội vượt được và không thể sánh được.
Ta ám chỉ vị Thầy của chúng
ta là Lama bởi vì, khi đã may mắn gặp được ngài
trong đời này và lắng nghe giáo huấn của ngài thì về sau chúng ta nhớ
tưởng tới ngài trong mọi lúc
với lòng sùng mộ lớn lao. Rồi chúng ta sẽ luôn luôn ở ngoài ảnh hưởng
của các cảm xúc tiêu cực, không bao giờ làm mồi cho các loại nghiệp và
che chướng khác nhau của luân hồi
sanh tử.
Từ khi
xuất hiện ở biên giới tây bắc xứ Oddi-yana cho tới lúc khởi hành tới đại
lục
phía đông nam của các raksasa (la sát), Guru Rinpoche đã hiển lộ và
giảng dạy mọi phương
diện của các Kinh điển và tantra. Nhưng chính yếu là bởi ngài khai mở
những giáo lý bí mật của Kim Cương thừa, qua đó, ta có thể đạt được sự
thành tựu thông thường lẫn thành tựu siêu việt trong một đời duy nhất,
nên chúng ta ám chỉ ngài là Đạo Sư Kim Cương (dorje lama), hay vajra
guru. Chính vì giảng dạy Kim Cương
thừa mà Guru Rinpoche đã hiển lộ ở thế giới chúng ta. Khi Đức Phật
chuyển Pháp luân ở Ấn Độ phù hợp với các nhu cầu và năng lực của chúng
sinh ở đó, ngài đã không
giảng dạy Kim Cương thừa thật rộng rãi.
Khi Đức Phật Thích Ca sắp thị
tịch vào cõi Niết bàn (parinirvãna), Riksum Gưnpo,
hay ba đấng bảo hộ – Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Quán Thế Âm, và Bồ Tát
Vajrapani (Kim Cương Thủ) – xuất hiện trước Ngài và nói: “Xin Ngài
chuyển Pháp luân Kim Cương thừa và theo cách đó xin làm lợi lạc
cho chúng sinh trong xứ Tuyết.” Rồi
các vị Bồ Tát nài xin Đức Phật ở lại trái đất này để đáp ứng sự cầu
thỉnh của các ngài. Đáp lại,
Đức Phật bảo các ngài rằng sau khi Phật nhập Niết Bàn, một Hóa
thân khác vĩ đại hơn sẽ xuất hiện, sinh ra trong một cách thế tinh khiết,
để truyền bá các Giáo Pháp sâu xa;
và chính các ngài – đặc biệt là Bồ Tát Quán Thế Âm – sẽ được giao
phó việc bảo vệ sự truyền Pháp ở Tây Tạng. Theo cách này, Đức Phật đã
loan báo sự ra đời của Đạo Sư Liên Hoa Sanh.
Phù
hợp với lịch sử thông thường, Đức Phật đã không khai mở và giảng dạy các
giáo lý Kim Cương thừa
bí mật. Tuy nhiên, vào lúc Đức Phật nhập Niết Bàn, nhờ
những năng lực thấu thị, năm vị trong số những đệ tử vĩ đại của Ngài
cùng tụ hội trên Núi Sắt Nóng đã nhận thức được sự nhập diệt của
Ngài. Đây là năm hiện thể phi thường, là các Vidyadhara của các cõi Trời,
các cõi raksasa (La sát), yaksa (Dạ xoa), naga (Rồng), và loài người.
“Giờ
đây bậc Thầy không còn ở thế gian này nữa,” họ than khóc. “Ai sẽ tẩy trừ
bóng tối của vô minh?
Ai sẽ chỉ cho chúng ta điều gì cần thực hành và điều gì nên tránh?”
Đáp lại nỗi đau buồn sâu xa và sự khẩn cầu mãnh liệt của các ngài, Đức
Vajrasattva đã hóa hiện từ trái tim của tất cả chư Phật trong thân tướng
của Đức Vajrapani. Ngài khám phá và giảng Mật thừa cho họ. Không lâu sau
đó, các giáo lý Mahayoga, trong hình
thức của mười tám cấp tantra của Mạng Lưới Huyền diệu của
Hiện thân, từ trên trời rơi xuống mái cung điện của vua Indrabodhi, và
các giáo lý Anuyoga tự hiển lộ trong xứ Simhala. Sau đó ngài
Garab Dorje, người đầu tiên trong
nhân loại ở trong dòng Đại Viên Mãn, bắt đầu giảng dạy và làm sáng tỏ
các thực hành Atiyoga. Đây là ba dòng sông lớn của trí tuệ chảy
vào đại dương mênh mông những giáo lý của Guru Rinpoche. Mặc dù bao gồm
toàn bộ tri thức và sự sâu xa của
Kinh điển, các giáo lý của ngài chủ yếu nhấn mạnh vào con đường Kim
Cương thừa bí mật.
PADMA
Padma, thuật ngữ Sanskrit có
nghĩa là hoa sen, phát âm theo tiếng Tây Tạng là
pema. Có tất cả năm bộ Phật – Phật bộ, Kim Cương bộ, Bảo Sanh bộ,
Liên Hoa bộ, và
Nghiệp bộ – và năm bộ này được tượng trưng bởi năm vị Phật: Tỳ Lô Giá Na
Như Lai, Bất Động Như Lai, Bảo Sanh
Như Lai, A Di Đà Như Lai, và Bất Không
Thành Tựu Như Lai, tương ứng theo các bộ. Vì Đạo Sư Liên Hoa Sanh là
nhập thể Hóa Thân của Đức Phật A Di Đà, thuộc Liên Hoa bộ nên phần đầu
của danh hiệu ngài là Padma (Liên
Hoa). Vì thế, trong thần chú của ngài, dưới ánh sáng của những gì
chúng ta vừa giảng giải, chúng ta gọi ngài là Đạo Sư Liên Hoa Kim Cương
(Vajra Guru Padma).
SIDDHI HŪNG
Ở phần
cuối của thần chú chúng ta nói “sid-dhi hung.” siddhi ám chỉ cả hai
loại thành tựu – thông
thường và siêu việt – trong khi hung là một âm để khẩn cầu, cầu xin
Guru Rinpoche ban cho chúng ta hai thành tựu này. Sự giải thoát khỏi
bệnh tật và có được mọi đặc
ân như sự thành công và đời sống trường thọ thì nằm trong các
thành tựu thông thường hay thế tục. Thành tựu siêu việt là đạt tới cấp
độ chứng ngộ của chính Guru Rinpoche. Như thế, tóm lại, toàn bộ thần chú
có thể được diễn đạt là: “Ngài, Đạo
Sư Kim Cương, đấng xuất hiện từ một bông sen, xin ban cho
con các thành tựu thông thường và siêu việt.”
Thần chú Đạo Sư Kim Cương có
mười hai âm. Đối với thân phận hiện tại của chúng
ta trong sự mê lầm và bất tịnh, các âm này tương ứng với mười hai mắt
xích căn nguyên tương thuộc (thập nhị nhân duyên), chúng bắt
nguồn từ sự vô minh và lên tới cực điểm ở sự tái sinh, và qua quá trình
hoạt động của chúng mà chúng ta lang
thang trong sinh tử luân hồi. Khi các mắt xích hay yếu tố này được tịnh
hóa, chúng tương ứng với mười hai nhánh giáo lý(39) của Đức Phật. Hơn
nữa, trong mười hai âm này của thần chú Guru Rinpoche cô đọng các thần
chú của tất cả các Đạo sư, tất cả các Bổn Tôn, và tất cả các Dakini.
Đức Guru Liên Hoa Sanh và
thần chú của ngài thì bất khả phân. Khi chúng ta trì
tụng thần chú này, nó bao gồm danh hiệu của đấng Đạo Sư, thì điều đó
giống như ta liên tục kêu gọi một người mà sự đáp ứng của họ thì
không vơi cạn. Nếu chúng ta cầu
nguyện và nhất tâm trì tụng thần chú của ngài, thì không còn nghi ngờ gì
là dù thế nào chăng nữa, Guru Rinpoche sẽ hướng lòng đại bi của
ngài về chúng ta và ban cho ta những
ân phước.
Chúng
ta cần trì tụng thần chú này với toàn bộ con người chúng ta, không đạo
đức giả, không xao
lãng, hay không có sự lập đi lập lại máy móc nào. Chúng ta đừng
nên có cảm tưởng rằng mình đã thành tựu một đại sự nào cho dù chúng ta
đã trì tụng được vài trăm hay
vài ngàn lần thần chú Đạo Sư Kim Cương. Tóm lại, việc trì tụng thần chú
này của chúng ta không được đứt quãng, như sự trôi chảy liên tục của một
con sông, và phải trở thành một với hơi thở của ta. Khi trì tụng
thần chú, chúng ta nên đồng thời
quán tưởng ta đang nhận bốn lễ nhập môn từ Guru Rinpoche.
Không có sự trì tụng nào trội
vượt hơn sự trì tụng Đạo Sư Kim Cương, là thần chú
của Guru Rinpoche. Chúng ta nên thực hiện những nỗ lực mạnh mẽ trong
thực hành trì tụng này và nhớ tưởng Guru Rinpoche với lòng sùng
mộ không lay chuyển. Cuối mỗi thời khóa, chúng ta nên nghĩ tưởng rằng
tất cả chúng sinh, được chuyển hóa thành ánh sáng, nhanh chóng xuất hiện
tan hòa vào tim Guru Rinpoche. Trong khi trì tụng lời cầu nguyện
Sangdopalri, chúng ta nên ước nguyện một cách mạnh mẽ rằng tất cả chúng
sinh được tái sinh nơi cõi Cực Lạc Sangdopalri, Núi Huy Hoàng
Màu-Đồng-Đỏ.
THỌ NHẬN BỐN QUÁN ĐẢNH
Giờ
đây, chúng ta đã học cách làm thế nào quán tưởng chính mình là
Vajrayogini với Guru
Rinpoche ở trên đầu, làm thế nào cầu thỉnh các Bổn Tôn trí tuệ đến từ
cõi Phật,
và làm thế nào các Bổn Tôn hòa nhập vào chúng ta. Chúng ta đã học về sự
tích tập công đức nhờ
việc cúng dường Lời Cầu nguyện Bảy-Nhánh và nhờ các phương
tiện khác nhau để phát khởi đức tin và lòng sùng mộ trong việc trì tụng
thần chú Đạo Sư Kim Cương. Bây giờ, để kết thúc, chúng ta phải
học cách thọ nhận bốn quán đảnh từ
Guru Rinpoche và đoàn tùy tùng của ngài gồm tập hội các hiện thể
vĩ đại.
Từ
Phạn ngữ abhiseka mà chúng ta dịch từ “empowerment” của Anh ngữ có hai
nghĩa là xé rách và làm đầy. Abhiseka xé rách hay giật tung các tấm màn
vô minh và làm chúng ta tràn ngập những sự ban phước thuộc thân, ngữ và
tâm của Đạo Sư. Chúng ta gọi việc này là một quán đảnh vì nhờ nó ta được
cho phép trau dồi các thực hành tâm linh đặc biệt mà cuối cùng sẽ nở rộ
thành sự chứng ngộ. Vì thế, quán đảnh vừa là một sự cho phép vừa là một
sự ban phước. Thực hành mà không thọ
nhận một lễ quán đảnh thì giống như cố gắng vắt cát để lấy dầu. Trước
tiên, chúng ta phải thọ nhận
sự quán đảnh từ một vị Thầy có phẩm chất, và sau đó ta có thể làm mới nó
lại nhiều lần qua sự thực hành Guru yoga.
Để
nhận lãnh bốn quán đảnh, chúng ta phải hướng tâm mình về Guru Rinpoche
với một lòng sùng mộ mãnh liệt và khát khao. Đáp ứng lại, Guru Rinpoche
sẽ
hướng tâm trí tuệ của ngài về chúng ta với lòng bi mẫn và từ ái vĩ đại.
Vào lúc này
chúng ta có thể bao gồm lời cầu nguyện tới tất cả chư Phật và các Đạo sư
của dòng Long-chen
Nyingthig, nó bắt đầu bằng các từ “Emaho ! Trong cõi Phật vô hạn và trùm
khắp…” và chúng ta có thể tìm thấy lời cầu nguyện đó trong bản dịch mở
rộng hơn về pháp Guru yoga này ngay trong chính ngưndro của dòng
Longchen Nying-thig. Vào lúc cuối
của sự cầu nguyện này, tất cả các Yidam, Daka, Dakini, các hiện thể
vĩ đại, và các đấng bảo hộ tạo thành đoàn tùy tùng của ngài, tất cả các
ngài tan thành ánh sáng và tan lẫn vào Guru Rinpoche. Bây giờ, còn rạng
ngời và rực rỡ hơn trước, sáng chói
với những sự ban phước, Guru Rinpoche tồn tại như một sự hợp nhất
tối cao của tất cả chư Phật. Chính từ ngài mà giờ đây chúng ta thọ nhận
các lễ quán đảnh.
Giữa cặp lông mày của Guru
Rinpoche, ở chính giữa trán ngài, chúng ta quán tưởng một chữ om trắng,
giống như một thứ pha lê chiếu ra những tia sáng trắng hết sức mạnh mẽ,
sáng ngời. Khi quán tưởng chính chúng ta là Vajrayogini, các tia
sáng này được hấp thu vào một chữ om trắng tương ứng trên trán của chính
chúng ta, và những ánh sáng
này lan tràn khắp thân thể ta, chảy qua mọi mạch máu hay kinh mạch vi tế,
tịnh hóa mọi ác hạnh của thân.
Có ba
kinh mạch chính: uma, hay kinh mạch trung ương; roma, hay kinh mạch phải;
và
kyang-ma, hay kinh mạch trái. Những kinh mạch này chạy từ dưới rốn
tới đỉnh đầu,
qua năm cakra, hay “bánh xe” (luân xa). Ở trán là luân xa đại lạc; ở cổ
họng là luân xa hoan
hỉ; ở tim là luân xa các Pháp hay các hiện tượng; ở rốn là luân xa của
sự hình thành; và ở trung tâm bí mật
là luân xa giữ gìn-sự hỉ lạc. Từ các luân xa này nhiều kinh mạch
nhỏ hơn tỏa ra chung quanh như các cây căm của một bánh xe.
Trong tình trạng che chướng và mê lầm hiện hành của chúng ta, các năng
lực
nghiệp (Tiếng Tây Tạng là lung, “các
gió”) – là những gì trói chặt chúng ta vào vòng sinh tử
– chạy khắp các kinh mạch khác nhau. Để chúng ta thoát khỏi sự mê lầm,
các năng lực này phải được
tịnh hóa và chuyển hóa thành năng lực trí tuệ.
Khi chúng ta nhận lãnh các sự
ban phước tuôn trào như các tia sáng từ giữa trán của
Guru Rinpoche tới riêng ta, mọi bất tịnh trong các kinh mạch này được
tẩy sạch. Đồng thời, chúng ta
nhận lãnh các sự ban phước từ thân kim cương của Guru Rinpoche.
Cái
đầu tiên trong bốn quán đảnh hay nhập môn là nhập môn bình chứa, là loại
nhập
môn chúng ta thường nhận lãnh từ vị Thầy khi quán tưởng Bổn Tôn chính
yếu và toàn thể mạn đà
la như đang hiện diện trong bình chứa được dùng trong lễ quán đảnh. Rồi
mạn đà la tan ra thành chất cam lồ, nó làm đầy tràn bình chứa, và chúng
ta nhận lãnh các sự ban phước từ
bình chứa này. Ở đây, nhờ sự hấp thu các tia sáng vào trán chúng
ta, ta làm mới lại nhập môn đầu tiên này. Nhờ nó, chúng ta được cho phép
thực hiện các thiền định, các sadhana, và các sự quán tưởng
khác nhau của giai đoạn phát triển,
ví dụ những thực hành về các Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ. Qua sự
ban phước này, hạt giống để trở thành một Vidyadhara hoàn toàn trưởng
thành được gieo trồng trong ta. Với từ Vidyadhara, chúng ta
muốn nói tới bậc mà tâm đã thuần thục thành trí tuệ. Mặc dù thân các
ngài tồn tại như một vỏ bao được tạo bởi ngũ uẩn, nhưng nó sẵn
sàng tan biến thành thân trí tuệ vào
lúc chết. Từ viễn cảnh của năm con đường, nhập môn này tương ứng với
các con đường của sự tích tập và hợp
nhất. Sự nối kết tốt lành tất yếu để thành tựu Hóa Thân, là thân
hiển lộ của Phật, được thiết lập trong chúng ta với nhập môn đầu tiên
này.
Kế
tiếp, từ giữa cổ họng của Guru Rinpoche, chúng ta quán tưởng một chữ ah
màu đỏ. Các tia sáng
chói lọi tuôn ra từ đây, như thể từ một viên rubi (hồng ngọc) sáng
rực. Các tia sáng này được hấp thu vào giữa cổ họng của riêng ta, ở đó
chúng ta quán tưởng một chữ ah tương ứng. Ánh sáng đỏ này đổ vào
thân thể chúng ta, lan tỏa ra và tẩy sạch tất cả kinh mạch của ta, như
thế tịnh hóa tất cả các ác hạnh đã
mắc phạm qua ngữ, như nói dối, phỉ báng, nói tầm phào, và nói ác. Nó
cũng tịnh hóa các năng lực nghiệp mà các ác hạnh về ngữ cưỡi lên đó.
Đồng thời chúng ta thọ nhận sự ban
phước từ ngữ kim cương của Guru Rinpoche, cũng như nhập
môn thứ hai hay nhập môn bí mật, thường được vị Thầy ban cho từ chiếc ly
bằng sọ người đựng đầy amrita, chất cam lồ bất tử. Với nghi lễ
này chúng ta được cho phép
thực hiện các sự trì tụng khác nhau, và chúng ta nhận lãnh hạt giống để
đạt tới cấp độ của bậc Vidyadhara có quyền lực đối với đời sống. Đây là
cấp độ ở đó cả tâm lẫn thân được
chuyển hóa thành trí tuệ và mối nối kết tốt đẹp khiến cho chúng
ta thành tựu cấp độ Báo Thân được thiết lập trong con người chúng ta.
Sau đó,
giữa trái tim Guru Rinpoche, chúng ta quán tưởng một chữ hung xanh dương
như màu xanh da trời trong trẻo của bầu trời thu, nó phát ra ánh sáng
chói lọi và
ánh sáng này được hấp thu vào chữ hung ở giữa trái tim của riêng ta. Một
lần nữa, ánh sáng này
lan tỏa khắp thân ta và chảy qua mọi kinh mạch, tịnh hóa ba ác hạnh
của tâm – tham muốn, hiểm ác, và tà kiến. Nó cũng tịnh hóa các tinh chất
trắng và đỏ, hay thigle, là những thứ tạo nên sự nâng đỡ của tâm.
Vào lúc này chúng ta thọ nhận những
sự ban phước từ tâm kim cương của Guru Rinpoche, cũng như nhập môn
thứ ba hay nhập môn trí tuệ. Chúng ta thường nhận sự nhập môn trí tuệ
này trong khi quán tưởng vô số các tia sáng, phát ra từ thân tướng của
tất cả các Bổn Tôn của mạn đà la,
được hấp thu vào chúng. Điều này khiến cho chúng ta chứng ngộ trí tuệ
đại lạc, thành tựu cấp độ Pháp Thân, và trở thành một Vidyadhara
mahamudra (Vidyadhara Đại Ấn). Khi Guru Rinpoche ban lễ quán đảnh
Vajrakilaya cho các đệ tử của ngài, ngài mang hình tướng của Vajrakilaya
ở trung tâm mạn đà la của ngài. Năng lực như thế cho sự phô diễn vô hạn
các hình thức trí tuệ là quả hay đặc tính
của cấp độ Vidyadhara này, được gọi là Mahamudra vì maha nghĩa là “lớn”
và mudra nghĩa là “phô diễn.”
Bây giờ một chữ hung màu xanh
thứ hai xuất hiện từ chữ hung ở giữa tim Guru
Rin-poche và giống như một ngôi sao băng xuyên vào giữa trái tim ta để
hòa lẫn không thể chia cắt với tâm chúng ta, làm tràn ngập toàn
thân chúng ta bằng ánh sáng. Điều
này hoàn toàn tịnh hóa các ô nhiễm vi tế của thân, ngữ, và tâm ngăn che
sự nhận thức và nền tảng mê lầm của chính các ô nhiễm, là kunshi. Được
gọi là alayavijnana (a lại da thức)
trong Phạn ngữ, trong thực tế đây là kho chứa mọi khuynh
hướng thông thường, cũng như nghiệp tốt và xấu. Đối với hai che chướng,
sự nhập môn này xé toang loại che chướng ngăn trở sự giác ngộ hay
sự thấu suốt tối thượng. Màn che này là kết quả của việc quan niệm một
chủ thể, hành động, và đối tượng, tiếng Tây Tạng gọi là ba khái niệm bao
vây. Qua nhập môn này chúng ta cũng
thọ nhận sự ban phước của thân, ngữ và tâm của Guru Rinpoche được
làm thành một sự hợp nhất.
Nhập
môn thứ tư này hay nhập môn ngôn từ là sự dẫn nhập vào trạng thái tự
nhiên của mọi hiện
tượng; qua đó chúng ta trở thành một pháp khí đích thực đối với thực
hành Dzogchen, Đại Viên Mãn. Hạt giống cũng được gieo trồng trong chúng
ta để đạt tới cấp độ của vidyadhara thành tựu tự nhiên, nó khiến
ta thành tựu tự nhiên năm kaya,(40) là cấp độ của chính Guru Rinpoche.
Đây là Phật Quả tối thượng, sự không
thể phân chia của ba thân (kaya), hay svabhavikakaya, Thân Chân
Tánh. Vào lúc này thân, ngữ và tâm chúng ta trở nên không thể phân cách
và đồng một vị với thân, ngữ, và tâm
của Guru Rin-poche. Sau đó, an trụ trong sự xả bỏ,
trong trạng thái nhất vị này, chúng ta tiếp tục trì tụng thần chú. Trạng
thái này được gọi là “cái thấy khuôn mặt đích thực của Đạo Sư
tuyệt đối.” Như vậy, nếu chúng ta chứng ngộ được tâm ta chính là Pháp
Thân thì điều đó đồng với việc được nhận
lãnh quán đảnh của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và
tương lai.
Có năm
cấp độ có thể được thừa nhận trong sự thực hành Guru yoga. Cấp độ bên
ngoài, để tích tập công đức, bao gồm sự quán tưởng Đạo Sư và đoàn tùy
tùng của ngài trong không gian trước mặt ta, sự quy y, phát khởi Bồ đề
tâm, cúng dường bảy nhánh, và v.v…,
trong khi ghi nhớ rằng các Bổn Tôn chỉ là sự hiển lộ của tâm trí tuệ của
Đạo Sư. Cấp độ bên trong, để tịnh hóa những tri giác của ta, bao hàm
sự quán tưởng Đạo Sư ở trên đầu mình và thọ nhận các sự ban phước của
ngài. Cấp độ bí mật, để cho trí tuệ
đột nhiên xuất hiện trong ta, bao hàm sự quán tưởng
Đạo Sư trong tim ta. Cấp độ bí mật nhất, trong đó ta nhận biết Bổn Tôn
là chính mình, bao hàm sự quán tưởng chính mình như một Bổn Tôn,
chứng ngộ rằng thân, ngữ, và tâm
mình không hề phân cách với thân, ngữ và tâm của Đạo Sư, và xuất
hiện trong hình tướng của Bổn Tôn. Ở cấp độ tuyệt đối, khi đã hòa nhập
tâm mình với tâm Đạo Sư, ta chứng
ngộ bản tánh tối hậu của Đạo Sư, sự mở trống tuyệt
đối không có các khái niệm và điều kiện, và an trụ không chút nỗ lực
trong trí tuệ chói sáng không thể nghĩ bàn này.
SỰ CHUYỂN DI
VÀO LÚC CHẾT
Sau
bốn nhập môn, và trước khi kết thúc sự thực hành, chúng ta cầu nguyện
với bài
kệ này :
Khi cuộc đời con tới lúc chấm
dứt,
Thân tướng nguyên thủy của
con, Vajrayogini,
Chuyển hóa thành một khối cầu
ánh sáng chói ngời
Và hòa
lẫn bất khả phân với Đấng Quý Báu Liên Hoa Sanh,
Cầu mong con đạt được Phật
Quả, trạng thái hợp nhất vĩ đại,
Trong
núi Huy Hoàng Ngayab tự xuất hiện,
Cõi Phật hóa hiện không hai.
Điều này ám chỉ lúc chết. Mọi
hiện tượng và tri giác của cuộc đời này tan biến, trong khi các hiện
tượng và tri giác của đời sau bắt đầu ló dạng. Bị Thần Chết tóm bắt mà
không hay biết, chúng ta không thể quả quyết rằng mình sẽ được miễn trừ
khỏi nỗi đau khổ to lớn trong các đời sau của ta. Vì vậy, chúng
ta cần khẩn cầu Guru Rinpoche một cách nhiệt thành :
Guru Rinpoche, vào giây phút
này khi cái chết đến, xin thương tưởng tới con với
lòng đại bi của ngài. Không có thiện tâm bền bỉ của ngài thì việc giải
thoát khỏi sự lang thang trong vô minh của luân hồi sinh tử sẽ
không bao giờ tới!
Vẫn tự
quán tưởng mình là Vajrayogini, khi chúng ta khẩn cầu với lòng sùng mộ
mãnh liệt, Guru
Rinpoche nhìn xuống chúng ta với lòng từ bi vĩ đại và ngài mỉm cười. Từ
trung tâm tim ngài phát ra những tia
ánh sáng đỏ, chói sáng như mặt trời mọc, nồng ấm những sự ban
phước, và tràn đầy lòng bi mẫn và phúc lạc. Những thứ này tan lẫn vào
tim ta. Ánh sáng này giống như một sứ giả tới mời thỉnh và đưa chúng ta
tới Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ.
Rồi chúng ta tan ra thành ánh sáng và từ từ hòa tan từ đỉnh đầu và gót
chân đến giữa trái tim ta, biến thành một trái cầu nhỏ có ánh
sáng đỏ chói lọi rồi vụt lên bầu trời. Trái cầu ánh sáng đỏ này giống
như tinh túy của lòng sùng mộ của chúng ta, tung lên, bay vút lên bầu
trời để hòa tan vào trái tim
Đạo Sư. Sau đó chính Guru Rinpoche, như một cầu vồng tan biến trong bầu
trời, hòa tan thành ánh sáng và tan lẫn với pháp giới tuyệt đối.
Rồi chúng ta ở trong một trạng thái
bất nhị, không phân biệt giữa tâm Đạo Sư và tâm của chúng ta. Nếu có thể,
chúng ta nên an trú trong sự đơn giản tự nhiên này, trong một trạng thái
nơi chúng ta không đi theo các tư tưởng sinh khởi cũng không cố
gắng ngăn chặn sự xuất hiện của chúng. Đây là cách tốt nhất trong mọi
cách thức để kết thúc thực hành Guru yoga. Đây cũng là phương pháp sâu
xa và thiết yếu để thực hiện phowa, sự chuyển di tâm thức vào lúc chết:
nếu bất ngờ hay không trông đợi, chúng ta bị đối diện với cái chết của
chính mình, chúng ta nên quán tưởng thật rõ ràng
chính mình hòa tan vào trái tim bậc Đạo Sư và tâm ta hợp nhất với tâm
ngài.
Đây là
phương diện giai đoạn thành tựu của pháp Guru yoga này. Sau đó chúng ta
lập lại câu kệ cuối của bài nguyện ta đã nói ở trước đó:
Con
cầu nguyện ngài từ đáy lòng con chứ không từ môi miệng, xin ban cho con
những sự ban phước từ phạm vi bao la của trái tim ngài khiến mọi ước
nguyện của con có thể
được đáp ứng.
Tâm Guru Rinpoche và tâm
chúng ta trở thành một, và chúng ta an trụ một lúc trong trạng thái
Không-lạc không bị ô nhiễm bởi những tạo tác của tâm thức – là sự đơn
giản tự nhiên của tâm Đạo Sư.
Khi chúng ta tỉnh thức từ
trạng thái này, chúng ta nên nhận thức rằng mọi hình tướng
là sự hiển lộ của Đạo Sư, mọi âm thanh là thần chú, và mọi tư
tưởng là sự phô diễn của trí tuệ.
Sau đó, với lòng từ và bi rộng lớn, chúng ta nên hồi hướng công
đức sự thực hành của ta cho tất cả chúng sinh không ngoại trừ ai và đem
lại cho mọi hoạt động của chúng ta
sự thấu suốt mà ta đã đạt được trong thực hành này. Để hồi hướng,
chúng ta có thể dùng các lời cầu nguyện được tìm thấy trong ngưndro hay
các thực hành chuẩn bị mở rộng của dòng Longchen Nyingthig.
Nói
chung, chúng ta cần liên tục thực hiện những lời cầu nguyện rộng lớn cho
sự lợi lạc của tất cả
chúng sinh rằng: “Cầu mong các bậc Thầy được trường thọ; cầu mong các
giáo lý trường tồn và lan truyền khắp thế giới; cầu mong con trở nên lợi
lạc vô hạn cho chúng sinh và cho các
giáo lý.” Khi rơi vào giấc ngủ chúng ta nên nghĩ: “Cầu mong tất
cả chúng sinh thành tựu trạng thái tuyệt đối”; khi thức dậy:
“Cầu mong tất cả chúng sinh tỉnh thức trạng thái giác ngộ”; khi đứng dậy:
“Cầu mong tất cả chúng sinh thành tựu thân tướng của một vị Phật”; khi
mặc quần áo: “Cầu mong tất cả
chúng sinh có đức khiêm tốn và cảm thức hổ thẹn”; khi nhóm lửa: “Cầu
mong tất cả chúng sinh thiêu rụi củi cảm xúc rối loạn”; khi ăn: “Cầu
mong tất cả chúng sinh được dùng thực phẩm thiền định”; khi mở cửa: “Cầu
mong tất cả chúng sinh mở toang cánh cửa vào thành phố giải thoát”; khi
đóng cửa: “Cầu mong tất cả chúng sinh đóng lại cánh cửa đi vào cõi thấp”;
khi đi ra ngoài: “Cầu mong con khởi
hành trên con đường để giải thoát tất cả chúng sinh”; khi đi lên dốc:
“Cầu mong con đưa tất cả
chúng sinh lên các cõi giới cao”; khi xuống dốc: “Cầu mong con ra
đi để giải thoát chúng sinh khỏi các cõi thấp”; khi thấy điều hạnh phúc:
“Cầu mong tất cả chúng sinh thành tựu hạnh phúc của Phật Quả”; khi nhìn
thấy nỗi đau khổ: “Cầu mong nỗi khổ của tất cả chúng sinh được lắng dịu.”
Ta được biết rằng cách thức mà cuối cùng chúng ta sẽ có thể làm lợi lạc
chúng sinh thì tùy thuộc vào tầm mức rộng lớn của những lời cầu nguyện
mà ta thực hiện khi ở trên con đường. Một
trong những lời cầu nguyện này được Đức Gyalwa Longchenpa sáng tác là :
Trong mọi cuộc đời, bất kỳ
con sinh ra ở đâu,
Cầu mong con có được bảy phẩm
tính cao quý của các cõi giới cao.
Khi sinh ra, mong cho con
được gặp Pháp
Và được tự do thực hành Pháp
trong một cách thế đúng đắn.
Rồi, làm vui lòng bậc Đạo sư
linh thánh,
Cầu mong cho con thực hành
Pháp ngày lẫn đêm.
Khi đã chứng ngộ Pháp và
thành tựu mục đích cốt yếu,
Trong đời đó, mong cho con
vượt qua đại dương sinh tử luân hồi.
Khi dạy Thánh Pháp cho thế
giới,
Cầu
mong con không bao giờ mỏi mệt trong việc hoàn thành ích lợi của chúng
sinh.
Nhờ con sóng lớn lợi lạc vô
phân biệt cho những người khác,
Cầu
mong tất cả chúng sinh đồng thành tựu Phật Quả.
Như
vậy, điều cốt yếu là phải niêm phong sự thực hành của chúng ta bằng cách
hồi
hướng công đức cùng với những nguyện ước rộng lớn.
Nói chung, bằng thuật ngữ
“hành giả Pháp,” chúng ta muốn nói tới một người có thể vận
dụng mọi loại hoàn cảnh, tốt cũng như xấu, người có thể sử dụng ngay cả
những kinh nghiệm tệ hại nhất
như các chất xúc tác để trợ giúp cho những tiến bộ vượt trội hơn
nữa trong thực hành của họ. Những hoàn cảnh trong đó chúng ta tự nhận
biết mình phải thực sự làm sáng tỏ sự thực hành, những kinh nghiệm và sự
chứng ngộ của ta, và chúng ta cần có
khả năng thấu hiểu mọi tình huống, cả thuận lợi lẫn bất lợi, như những
giáo lý trên con đường.
Đừng
bao giờ để các chướng ngại có thể phát sinh từ những hoàn cảnh tốt lẫn
xấu cản
trở hay khống chế chúng ta. Chúng ta phải như đất, nó dung chứa tất cả
chúng
sinh, không phân biệt cái tốt hay xấu, thuận lợi hay bất lợi. Đất chỉ
đơn giản nhẫn
chịu. Khi đối mặt với những tình huống khó khăn, một hành giả nên sử
dụng chúng như một cơ
hội để củng cố thực hành của mình, giống như một cơn gió mạnh, thay vì
dập tắt một ngọn lửa lại làm cho nó mạnh thêm và thậm chí còn làm cho
lửa bùng cháy hơn nữa.
Khi
gặp những hoàn cảnh bất lợi, như các ảnh hưởng xấu, những lời nói ác, sự
chỉ
trích, hay ngay cả khi bị ném vào tù, chúng ta đừng nghĩ: “Tôi đã cầu
nguyện Tam Bảo quá
nhiều; tôi không đáng bị sự đối xử như thế.” Chúng ta nên hiểu rằng mọi
khó khăn như thế xuất hiện là kết quả của việc làm hại những người khác
trong suốt những đời quá khứ của ta, chúng ta nên chịu đựng những đau
khổ và gian khó và suy nghĩ rằng: “Qua những gì xảy đến cho tôi, cầu
mong nỗi đau khổ của chúng sinh khác
do những ác hạnh mà họ đã tích tập trong những đời quá khứ, tất cả
đều được tích tụ lại và cạn kiệt trong tôi.” Chúng ta nên luôn luôn nhận
thức rằng những tình huống
thử thách chúng ta thực sự là một biểu lộ của phương tiện thiện
xảo của Guru Rinpoche, là đấng trong cách thức này ban cho ta những cơ
hội để tịnh hóa nghiệp bất thiện của chúng ta.
Vì thế, chúng ta nên vui vẻ
chấp nhận bất kỳ sự đau khổ hay chỉ trích nào, và nghĩ rằng: “Điều này
được ban cho tôi là nhờ thiện tâm vĩ đại của Thầy tôi.” Ví dụ, nhiều
người Tây Tạng, trong khi chịu đựng sự cùng khổ và giam cầm khốc liệt
suốt trong hai mươi lăm năm
qua ở Tây Tạng, không bao giờ bị lay chuyển lòng sùng mộ vĩ đại đối với
vị Thầy và nhiệt tâm chân thành trong việc thực hành Pháp. Trong trường
hợp này, kinh nghiệm của họ về nỗi khổ tột bực đã xoay chuyển tâm họ
hướng về Pháp và củng cố quyết tâm của họ để thực hành Pháp.
Nếu chúng ta gặp những hoàn
cảnh may mắn, đừng bao giờ bám níu vào chúng mà nên coi chúng như những
giấc mộng hay ảo ảnh. Nếu chúng ta thành công và
giàu có, sống trong một lâu đài đẹp đẽ, ta đừng cho rằng mình là quan
trọng hay vĩ đại; cũng đừng tích trữ của cải hay suy tính để có được
ngôi nhà lộng lẫy hơn nữa. Chúng ta đừng bận tâm về sự nổi danh
và quyền lực. Đúng đắn hơn, chúng ta nên nhận thức rằng bất cứ sự may
mắn tốt lành nào đến với ta đều đơn giản là nhờ thiện tâm của vị Thầy.
Nếu thâu đạt được điều gì có giá trị hay thành tựu điều gì to lớn, chúng
ta đừng bao giờ quên rằng chẳng có gì trong thế gian này là thường hằng.
Như Kinh điển có nói: “Cái gì được sinh ra sẽ chết đi, cái gì được tụ
hội sẽ phân ly, cái gì được tích tập sẽ cạn kiệt và cái gì ở trên cao sẽ
bị đưa xuống thấp.”
Trong
những hoàn cảnh thuận lợi, chúng ta nên ước nguyện: “Cầu mong mọi sự
thịnh
vượng tôi đang hưởng sẽ được phân phát cho tất cả chúng sinh, cầu mong
nó được cúng dường cho
Guru Rinpoche, và cầu mong bản thân tôi hài lòng với việc chỉ
có vừa đủ thực phẩm và y phục.” Để bản thân tồn tại, thực ra chúng ta
chỉ cần đủ quần áo để
che chở ta đối với các môi trường và chỉ cần có đủ thực phẩm để duy trì
đời sống. Như các bậc thánh trong quá khứ, chúng ta nên vừa lòng với
những nơi cư trú như các hang
núi và các ẩn thất cô tịch.
Tất cả
những vị thánh vĩ đại trong quá khứ đã sống trong các hang động, với thú
vật hoang dã là bạn đồng hành, bởi vì các ngài đã xoay chuyển từ tận sâu
thẳm con
người các ngài hướng về Pháp. Các ngài đặt căn bản sự thực hành của mình
trên đời
sống khổ hạnh của một người lang thang đã từ bỏ mọi sự. Tâm của một
người từ bỏ như thế
bao giờ cũng tràn đầy Pháp, và sự nghĩ tưởng về Pháp dẫn dắt các ngài
đến đời sống cô tịch trong một hang
núi, ở đó sự tinh cần của các ngài được sự suy tưởng về cái chết
thường xuyên thôi thúc. Càng nhiều càng tốt, chúng ta nên chấp
nhận tâm trạng này như của chính chúng ta.
Theo cách này chúng ta có thể
ngăn ngừa ngay cả những tình huống tốt đẹp khỏi trở
thành những chướng ngại cho sự thực hành của ta. Nếu không, có thể xảy
ra việc các hành giả Pháp sau khi thành tựu một vài tiếng tăm,
bắt đầu tự coi mình là các vị Thầy
hay Lạt ma. Suy nghĩ theo lối này, họ bắt đầu cảm thấy mình xứng đáng
được hưởng thực phẩm thơm ngon, quần áo đắt tiền, danh vọng to
lớn và v.v… Khi điều này xảy ra, sự
bám chấp và tự phụ trở nên kiên cố, và động lực ban đầu để thực
hành Pháp hoàn toàn tiêu tan. Như vậy thì thật không ổn. Bằng cách nhìn
những hoàn cảnh thuận lợi như giấc mộng và ảo ảnh, chúng ta có
thể tránh được các cạm
bẫy và làm kiên cố thêm sự thực hành
của ta.
Chúng
ta có thể nhìn những trạng thái chuyển biến của sự thực hành của ta
trong cách thức tương
tự. Nếu chúng ta gặp khó khăn ngay trong sự thực hành, như hôn trầm, các
tư tưởng rối loạn, hay sự quán tưởng nghèo nàn, chúng ta nên dùng nó như
một cơ hội để nuôi dưỡng tri giác thanh tịnh. Điều này có nghĩa là sự
nhận thức về môi trường của chúng ta
và các chúng sinh sống trong đó không là những gì tầm thường, mà
như Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ, nơi các Daka và Dakini cư trú. Nó cũng có
nghĩa là sự nhận thức mọi hình tướng xuất hiện là Guru Rinpoche, mọi âm
thanh là sự ngân vang của thần chú của ngài, và mọi tư tưởng là trò
chơi của trí tuệ ngài.
Nếu
chúng ta may mắn trực nhận được Giác tánh rất trong sáng và những kinh
nghiệm tốt đẹp trong sự thực hành của ta, chúng ta đừng nghĩ: “A ha ! Ta
đã trở thành
người thực sự cao siêu. Ta phải là một vị Thầy!” Đúng đắn hơn, chúng ta
đừng gán cho việc đó
sự quan trọng thái quá, và ta nên an trú trong một sự tỉnh giác trong
trẻo và sống động của giây phút hiện tại, không có những mục đích lẫn
tham luyến.
Tóm
lại, trên con đường, bất kỳ thành tựu hay thâu hoạch điều gì thuộc về
của cải, sự thành công,
danh tiếng, thực phẩm, y phục, hay các kinh nghiệm tâm linh, chúng
không bao giờ được phép làm phát sinh sự bám chấp hay tham luyến trong
chúng ta. Nếu những cảm xúc này xuất hiện, chúng ta phải ngồi yên lặng,
tống xuất hơi thở cũ ba lần – suy tưởng rằng cùng ba hơi thở đó tham,
sân, và si đã được tẩy trừ – và nhớ lại những sự thành tựu phù du
này thì không có thực chất và thoáng qua như thế nào.
Trong quá khứ xa xưa, Đức
Phật đã xuất hiện trong xứ Ấn Độ siêu phàm và đạt
được sự Toàn Giác. Ở đó, tại nhiều nơi, Ngài đã chuyển Pháp luân khiến
cho nhiều ngàn A La Hán thành
tựu chứng ngộ. Những bậc chứng ngộ như thế đã có thể du
hành trên bầu trời và thi triển nhiều năng lực kỳ diệu khác. Ngày nay,
những kỳ công này không còn
lại gì ngoại trừ các tên gọi đơn thuần của những nơi chúng đã xảy
ra. Về sau, Pháp được đưa sang Tây Tạng, nơi đó nhanh chóng bắt rễ và
lan rộng, sản sinh ra nhiều đại
thánh là những vị tiếp tục trao truyền nhiều giáo lý vĩ đại. Ngày
nay, tất cả những bậc vĩ đại này đã đi về những cõi Cực Lạc khác, và ở
đây trên trái đất không một điều gì của các ngài còn sót lại. Nhớ
tới điều này, chúng ta phải nhận thức rằng bất kỳ điều gì chúng ta có
thể thâu đạt hay thành tựu đều không có nền tảng lẫn thực chất. Chúng ta
đừng bao giờ bám níu vào những sự việc thế gian hoặc các thành tựu thuộc
về Pháp và nên hoàn toàn thoát khỏi sự bám chấp.
Đôi
lúc, trong thực tế hay trong những giấc mộng, chúng ta có thể bắt gặp
những ảnh
hưởng dữ dội hay những thế lực tiêu cực đến từ các tinh linh hoang dã và
những kẻ phá rối. Nếu những điều này xảy ra, chúng ta đừng bao giờ nghĩ
tới việc tiêu diệt
những tinh linh họa hại đó ngay cả trong những giấc mộng. Thay vào đó,
ta nên suy nghĩ rằng tất cả chúng
sinh gây nên các chướng ngại này thực ra là những cha mẹ tốt lành của ta
trong những đời quá khứ. Mặc dù có một lúc cha và mẹ ta đã nuôi dưỡng và
chăm sóc ta, ngày nay, họ kiên quyết gây tổn thương và làm hại ta.
Ta phải chiêm nghiệm và tìm thấy lý do của điều này trong những ác hạnh
đã được thực hiện trong những đời
quá khứ của chính ta. Chúng ta nên hiểu sâu xa hơn nữa là nếu
những lực lượng tiêu cực như thế hãm hại ta, đó cũng là vì bản thân họ
đang hành động dưới ảnh hưởng xấu của ác nghiệp của riêng họ, và khi làm
như thế họ đang gây ra những nguyên nhân đau khổ cho chính họ trong
tương lai. Suy nghĩ về điều này, chúng ta nên phát khởi lòng đại
bi đối với họ.
Nếu họ
có vẻ nhất quyết làm hại ta, chúng ta nên coi điều đó như một cơ hội để
tịnh hóa những che chướng của riêng ta. Mọi bệnh tật và chướng ngại, các
bệnh hoạn của thân, và những đau khổ
của tâm có thể được sử dụng như con đường nếu
chúng ta chỉ coi chúng như sự hiển lộ trí tuệ của Đạo Sư của chúng ta.
Theo cách này, ta có thể tịnh
hóa ác nghiệp của ta cũng như những đau khổ do nó gây ra. Nếu ta
có thể duy trì loại thái độ này, các lực lượng tiêu cực như thế sẽ không
thể gây ra bất kỳ chướng ngại thực sự nào. Nhưng nếu thay vì như thế,
chúng ta lại coi họ như những kẻ thù, nghĩ rằng ta phải tiêu diệt họ,
thì chúng ta sẽ chỉ làm cho vấn đề tệ hại hơn.
Ngày nay, là kết quả của
những tư tưởng thô lậu và bất định, nhiều người kinh nghiệm những loại
xáo trộn tiêu cực chỉ đơn thuần là các sản phẩm tâm thức của chính họ.
Nếu thay vì ngộ nhận chúng là các ảnh hưởng bên ngoài, họ nhận thức được
rằng những kinh nghiệm như thế là các tặng phẩm của Đạo Sư, nhờ chúng họ
có thể tiến bộ trên con đường, và nếu họ nhất tâm khẩn cầu Đạo Sư trong
khi phát khởi lòng đại bi đối với
những quỷ ma mà họ đang tri giác, thì họ sẽ được che chở trước
mọi tai họa.
Nếu
chúng ta bị các kinh nghiệm với các năng lực tiêu cực như thế quấy rối,
ta nên
truy xét bản chất sự hiện hữu bề
ngoài của chúng. Chúng ta nên xác định xem những gì ta có thể nắm
được trong bàn tay hay đập nó với một cây gậy ấy có gì là cụ thể hay xác
thực không. Nếu những năng lực tiêu cực như thế hiện hữu thì vị trí của
chúng ở đâu, chúng bắt nguồn từ đâu, và đâu là các nguyên nhân và điều
kiện khiến chúng có thể xuất hiện?
Với sự phân tích đó trong tâm, chúng ta nên trì tụng thần chú
Vajra Guru với một sự nhất tâm, nghĩ rằng: “Cầu mong nhờ lòng đại bi của
Đức Guru Rinpoche những tinh linh
này chỉ gặp được các giáo lý tốt lành và lợi lạc, và cầu mong họ không
làm tổn hại cho bản thân họ lẫn những người khác. Cầu mong Bồ Đề
tâm quý báu phát khởi trong tim họ.”
Đặc
biệt ích lợi khi hợp nhất tri giác về những tinh linh này, tâm của chính
ta, và tâm giác ngộ của Guru Rinpoche thành một với lòng đại bi. Khi ta
thấu hiểu mọi hình
tướng đều là sự hiển lộ trí tuệ của Đạo Sư, thì ngay cả từ “chướng ngại”
cũng sẽ tan biến.
Dù điều gì xảy đến cho ta,
chúng ta phải luôn luôn duy trì cái thấy thuần tịnh, nhận
thức mọi hiện tượng đều hoàn toàn thanh tịnh và đừng bao giờ cho
phép tâm thức chúng ta trệch hướng
vào việc quan niệm các hiện tượng là cái gì hơi chút bất tịnh.
Chúng ta phải luôn luôn nhìn nơi ta đang ở như cõi Cực Lạc Núi Huy Hoàng
Màu-Đồng-Đỏ và mọi chúng sinh trong đó, dù là các côn trùng nhỏ bé hay
các bằng hữu và thân quyến của chúng
ta, đều là những Daka và Dakini. Mọi sự chúng ta nghe thấy phải
được coi như âm thanh bất tuyệt của thần chú Vajra Guru.
Khi
ngồi, chúng ta nên nghĩ tưởng bậc Đạo Sư trên đầu chúng ta và hướng lòng
sùng
mộ không ngơi nghỉ của ta đến ngài. Khi đi ta nên luôn luôn cảm nhận
rằng Guru Rinpoche và
Cõi Phật của ngài ở ngay trên vai phải của ta và ta đang đi nhiễu thật
thành kính quanh ngài. Chúng ta nên phát triển tư tưởng rằng không chỉ
có một cõi Cực Lạc Núi Màu-Đồng-Đỏ,
mà trong mỗi lỗ chân lông của thân tướng Đức
Guru Rinpoche hiện hữu hàng tỷ cõi Cực Lạc với Guru Rinpoche và đoàn tùy
tùng của ngài trong mỗi cõi Cực Lạc đó.
Trước khi ăn hay uống bất kỳ
thứ gì, trước hết chúng ta nên nghĩ tưởng rằng món đó đã chuyển hóa
thành nectar, amrita (chất cam lồ) thanh tịnh, và cúng dường
miếng đầu tiên cho Đạo Sư đang ở trong cổ họng chúng ta. Rồi chúng ta
nên nghĩ tưởng rằng những gì
ta ăn hay uống – phần còn lại của món cúng dường – đã được
ban cho ta như một sự ban phước để ta có thể duy trì đời sống của mình.
Theo cách này ta sẽ tẩy sạch
mọi bám níu hay tham muốn đối với thực phẩm..
Ban đêm, trước khi ngủ, chúng
ta nên nghĩ tưởng rằng Guru Rinpoche, người đã suốt ngày an trụ trên đầu
ta, giờ đây đi vào đầu ta và từ từ đi xuống tim ta, đến ngồi trên một
bông sen đỏ sáng chói có bốn cánh hé mở. Đóa sen này sáng rực, trong mờ,
và sống động. Rồi Guru Rinpoche phóng ra vô số tia sáng, chiếu sáng toàn
bộ thân thể và căn phòng của ta, trải rộng và tràn ngập vũ trụ với vẻ
rực rỡ và đầy ánh sáng. Như thế, khi toàn thể vũ trụ đã được chuyển hóa
thành ánh sáng thanh tịnh, chúng ta
nghỉ ngơi trong sự giản đơn, duy trì bản chất của
Giác tánh. Sau đó, ngay khi ta tự
cảm thấy đang đi vào giấc ngủ, ta nên nhìn thế giới
ánh sáng bên ngoài tan hòa vào chúng
ta. Rồi chúng ta tan ra thành ánh sáng và tan hòa vào Guru
Rinpoche, chính ngài, bây giờ có kích thước bằng ngón tay cái của
chúng ta, tan ra thành ánh sáng và hòa nhập vào không gian. Rồi chúng ta
nên hoàn toàn an trụ trong sự
buông xả trong phạm vi bao la, tuyệt đối của tánh Không-quang
minh. Vì giấc ngủ và cái chết là những tiến trình rất giống nhau, sự
thực hành này đặc biệt quan trọng để
bản thân chúng ta chuẩn bị cho giây phút lìa đời.
Nếu
chúng ta thức giấc và thấy mình không thể duy trì sự quang minh này
trong suốt đêm, chúng
ta nên nhiệt thành cầu nguyện với Đức Guru Rinpoche, nói rằng: “Cầu
mong con có thể tri giác sự quang minh.” Nghỉ ngơi trong sự giản đơn,
khi ấy ta nên ngủ trở lại. Nếu tâm thức ta không yên nghỉ và tư
tưởng trở nên lộn xộn, ngăn trở ta
không ngủ được, chúng ta nên nhận thức rằng những tư tưởng này không có
nguồn gốc, cũng không nơi an trú và không ngừng dứt. Nếu chúng ta
không bị các tư tưởng quấy rầy, ta
nên chỉ đơn giản an trụ không phóng tâm trong trạng thái tự nhiên.
Nếu các giấc mộng xuất hiện, ta nên cố gắng nhận ra trong giấc mộng rằng
ta đang mơ.
Buổi
sáng, khi thức dậy, chúng ta nên nhìn thấy hiển lộ trên bầu trời trước
mặt chúng
ta là tập hội rộng lớn của Guru Rinpoche và đoàn tùy tùng của ngài. Tất
cả các Daka và Dakini
vây quanh ngài đang kêu gọi chúng ta ra khỏi giấc ngủ bằng cách làm tràn
ngập không gian với âm thanh của thần chú Vajra Guru và thiên nhạc. Khi
ra khỏi giường, ta nên nghĩ tưởng rằng đang bước vào cõi Cực Lạc
Sangdopalri. Tất cả những người cư trú ở đó là các Daka và Dakini, và
chúng ta chính là Vajrayogini, một
thực tại không do tạo tác hiện hữu từ vô thủy.
Chúng ta kêu gọi Đạo Sư với
lòng khát khao và sùng mộ: “Lama Kyeno, Lama
Kyeno!” – “Ngài, Đạo Sư, ngài thấu biết, ngài thấu biết!” Đức Guru
Rinpoche đang an tọa trên một bông sen đỏ ở giữa trái tim ta; bây
giờ đóa sen này mở lớn ra và ngài
xuất hiện, một lần nữa an trụ trên đầu chúng ta. Chúng ta khẩn cầu ngài
không
dứt và nói: “Cầu mong tâm con hướng
về Pháp, cầu mong Pháp của con tiến triển
theo con đường và cầu mong mọi hình tướng huyễn mộng được chuyển hóa
thành trí tuệ.”
Chúng ta nên nuôi dưỡng thực
hành này cho tới khi tâm ta thường xuyên nhớ tưởng Đạo Sư. Bất kỳ hoạt
động nào của ta, dù khi ăn, ngủ, đi hay ngồi, niệm tưởng
về Đạo Sư phải luôn luôn hiện diện sống động. Như vậy, ta không thể đạt
được sự thành tựu chỉ nhờ gặp được vị Thầy và nhận được một vài
chỉ dạy vắn tắt. Bậc Đạo Sư không chỉ được tìm thấy ở bên ngoài, mà luôn
luôn hiện diện trong bản tánh giác ngộ của tâm ta.
Guru
Rinpoche nói: “Ta không bao giờ xa rời những người có lòng sùng mộ.” Nếu
chúng ta nghĩ rằng Đạo Sư là một
chúng sinh với xương thịt bình thường, thì sẽ rất khó phát sinh
lòng sùng mộ mãnh liệt cần thiết cho sự tiến bộ. Như vậy, chúng ta nên
nhận thức Đạo Sư là hiện thân trí tuệ bất biến của Guru Rinpoche, Đức
Liên Hoa Sanh, mà sự toàn giác tràn ngập tam giới và biết rõ những ai
đang cầu khẩn ngài ngay giây phút lời cầu nguyện phát ra, cho dù hàng
triệu chúng sinh đang cầu nguyện
cùng một lúc.
Lòng
sùng mộ là cốt tủy của con đường, và nếu chúng ta không có gì trong tâm
ngoài
bậc Đạo Sư và không cảm xúc điều gì trừ lòng sùng mộ mãnh liệt, thì bất
kỳ điều gì xảy đến đều
được nhận thức là sự ban phước của ngài. Nếu chúng ta chỉ đơn giản
thực hành với lòng sùng mộ luôn luôn hiện diện này, thì tự nó đây chính
là sự cầu nguyện.
Khi
mọi tư tưởng thấm đẫm lòng sùng mộ đối với bậc Đạo Sư, thì có một lòng
tin tự
nhiên rằng bất kỳ điều gì xảy đến
đều được chăm sóc. Mọi sắc tướng là bậc Đạo Sư, mọi âm thanh là
lời cầu nguyện, và mọi tư tưởng thô và tế xuất hiện như lòng sùng mộ.
Mọi sự được giải thoát tự nhiên trong bản tánh tuyệt đối, như những nút
thắt trong không trung. Đây chính là
pháp Guru yoga tối thượng, trong đó bậc
Đạo Sư được chứng ngộ như ba thân (kaya) bất khả phân. Điều này sẽ được
thành tựu mà không phải nương tựa vào những nghi thức của giai
đoạn phát triển, không
cần phải nương nhờ ẩn thất bí mật,
các linh ảnh tánh Không, hay duy trì hơi thở và việc hơi thở đi vào kinh
mạch trung ương. Nhờ độc nhất sự thực hành này, mọi thực hành
khác chỉ đơn giản hòa nhập vào lòng sùng mộ nhất tâm, như đã xảy đến
với ngài Gyalwa Gưtsangpa và các vị thánh vĩ đại khác, là những bậc an
trụ trong một trạng thái sùng
mộ nhất tâm cả ngày lẫn đêm trong nhiều năm tháng, để mặc thời
gian trôi đi và thậm chí không quan tâm tới sự đói khát.
Nhờ
lòng sùng mộ này, không cảm xúc điều gì ngoại trừ sự nhàm chán đối với
những
lôi cuốn của đời này, ta không đi lạc vào những công việc thế gian. Có
được một
phán đoán đúng đắn về nhân quả, ta không đi lạc vào các ác hạnh. Mọi
khao khát đạt được an
lạc cho riêng mình đã chấm dứt, ta không đi lạc vào các con đường thấp.
Nhìn mọi hiện tượng như những Bổn Tôn, những âm thanh, và đại lạc, ta
không đi lạc vào những tri giác bình
phàm. Nhìn mọi sự như bậc Đạo Sư, cùng mọi tư tưởng của ta được bao bọc
trong lòng sùng mộ mãnh liệt, ta không lạc vào những
tà kiến. Theo cách này, sự từ bỏ và hoàn toàn không phóng tâm xuất hiện
tự nhiên, mọi điều cần xả bỏ
tự biến mất, sự thiền định và sau thiền định hòa nhập làm một, và
chân tánh của cái tuyệt đối, là giác tánh trí tuệ của riêng ta, trở nên
thật hiển nhiên.
Chúng
ta nên luôn luôn thực hành cái thấy thanh tịnh cho tới khi chúng ta thấy
được một cách tự nhiên
rằng vũ trụ và tất cả chúng sinh đều hoàn toàn thanh tịnh và toàn
thiện. Đặc biệt, dù những chuyển động của tâm chúng ta được hướng về các
hiện tượng bên ngoài hay đang
tập trung vào những ấn tượng thâm sâu, chúng ta nên nhận
biết bản tánh của chúng và để chúng giải thoát tự nhiên. Chúng ta nên
tránh đắm chìm trong những hồi ức sống động về những hoạt động
trong quá khứ, hãy chặt đứt chúng khi chúng phát khởi. Nếu để chúng
phóng túng, các tư tưởng chẳng hạn như sự hồi tưởng các cuộc chiến
thắng kẻ thù hay thưởng thức các kế hoạch
làm ăn, hay bất kỳ tư tưởng lập đi lập lại nào trong tương lai về những
thành công thế tục đã đạt
được trong quá khứ, tất cả những hồi ức đó sẽ làm cho tư tưởng phát
triển, giống như gió thổi trên mặt hồ tạo ra những gợn sóng không dứt.
Nếu chúng ta lạc lối trong những hồi tưởng về các tình huống liên quan
tới sự tham muốn, sân hận, kiêu ngạo, và ganh ghét, thì chúng ta tự trói
chặt mình hơn nữa vào sự mê lầm.
Chính bởi bận tâm với những loại tình huống này mà nghiệp phát triển và
đau khổ xảy ra.
Khi một tư tưởng phát khởi,
chúng ta phải ghi nhận một cách đơn giản là nó xảy ra, trong khi đồng
thời hãy nhớ rằng nó không đến, không đi, không nơi an trụ, không để lại
dấu vết trên đường đi của nó như một cánh chim bay lượn trên bầu trời
không để lại dấu tích. Theo cách này,
khi các tư tưởng sinh khởi, chúng ta có thể giải
thoát chúng vào pháp giới tuyệt đối. Khi tư tưởng không sinh khởi, chúng
ta nên nghỉ ngơi trong sự đơn giản trống trải của trạng thái tự
nhiên.
Tóm lại, dù tiến hành hoạt
động nào, chúng ta đừng bao giờ xa lìa sự nhớ tưởng
sống động về Đức Guru Rinpoche. Lợi
lạc to lớn sẽ sinh ra từ điều này. Thêm nữa, tất cả các hoạt động của
chúng ta phải nhắm đến và hồi hướng một cách có ý
thức cho sự lợi lạc của tất cả chúng sinh khắp thế giới bao la. Tư tưởng
này về những người khác là
điểm khởi đầu, là sự chuẩn bị căn bản cho sự phát triển Bồ đề tâm quý
báu.
Trong
phạm vi của sự thực hành chính yếu, mọi hành động của chúng ta phải được
soi sáng bằng sự thấu suốt tánh Không và tâm chúng ta phải được nhất tâm
vào chính sự thực hành. Đây là điểm thứ hai. Nếu vì bất cứ lý do nào,
chúng ta gặp khó khăn hay không thể phát triển sự thấu suốt tánh Không
vào giai đoạn ban đầu này
trong thực hành của chúng ta, thì ta cần tập trung với sự tinh tấn to
lớn vào chính Guru Rinpoche, ngăn ngừa không cho tâm thức chúng ta nuôi
dưỡng ngay cả cảm xúc tiêu cực vi tế
nhất.
Cuối
cùng, và đây là điểm thứ ba, chúng ta nên kết thúc mọi điều chúng ta làm
với sự hồi hướng công
đức, cúng dường một cách có ý thức bất kỳ công đức nào đã được tích tập
nhờ sự thực hành và các thiện hạnh khác của ta cho sự lợi lạc của tất cả
chúng sinh.
Những
điều này được xem như ba vấn đề trọng yếu của Đại thừa: sự chuẩn bị, cho
phép sự thực hành của chúng ta thành tựu kết quả tối thượng của nó; phần
chính yếu,
bảo vệ thực hành của ta khỏi bị những chướng ngại và sự lạc lối; và phần
kết thúc
hay hồi hướng, nó bảo đảm sự thực hành của ta sẽ tăng trưởng vô hạn lợi
lạc.
Nếu tâm ta đã phát triển khả
năng tập trung, chúng ta sẽ gặp rất ít hay không bị
khó khăn trong sự thực hành pháp Guru yoga này. Nhưng nếu chúng ta không
tu hành tâm thức một cách
đúng đắn và không nuôi dưỡng những phẩm tính của con đường
Đại thừa, và thay vào đó cứ khẳng định rằng ta chỉ ước muốn thực hành
Dzogpa Chenpo, hay Đại Viên Mãn, thì điều đó sẽ không giúp ích gì
cho ta. Cái thấy của Đại Viên Mãn thì cao vút, trong lúc vào lúc này
giòng tâm thức của chúng ta thật
thấp kém. Một đứa bé hai hay ba tuổi không có kinh nghiệm, các năng lực
và sự hiểu biết mà một người trưởng thành hai mươi tuổi có được.
Nếu suốt mọi cuộc đời của ta, chúng ta nhớ tới các giáo huấn của Đạo Sư,
thì ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi
chúng ta, và dần dần, trong ta sẽ phát triển một nhận thức vững chắc về
các giai đoạn khác nhau của con đường.
Để đảm bảo rằng Đạo Sư luôn
luôn ở lại với chúng ta, chúng ta phải thực hành bền bỉ. Sẽ có ít lợi
lạc khi cho rằng chỉ cần một vài tháng hay một năm thực hành là đủ để
thành tựu. Chúng ta cần thực hành từ bây giờ cho tới khi ta trút hơi
cuối cùng. Sự tinh tấn như thế là cần thiết nếu chúng ta muốn có được
niềm xác tín để duy trì lòng tin và sự hiểu biết của ta về giây phút khó
khăn và đáng sợ của cái chết. Chúng ta phải tự hỏi rằng, cuối cùng, khi
cái chết đến với ta, ta sẽ có thể nhớ lại
tất cả các giáo huấn của Đạo Sư hay không. Cho dù ta có thể nhớ được
chúng, thì có lẽ thực sự khó khăn để đưa chúng vào thực hành khi
chúng ta bị phiền não bởi nỗi khổ của cái chết, trừ phi ta đã tự chuẩn
bị bằng một đời người được trải qua trong sự thực hành bền bỉ.
Một
hành giả Pháp cần có khả năng đương đầu với mọi hoàn cảnh có thể xảy ra,
không phấn chấn bởi cái tốt mà cũng không rơi vào thất vọng do cái xấu.
Trong cả hai trường
hợp, không hy vọng và nghi ngờ, ta cần tưởng nhớ tới Đạo Sư. Hạnh phúc
lẫn đau buồn, niềm vui và nỗi khổ, mặc dù tự chúng không là gì cả, có
thể trở thành một sự trợ lực hoặc
một chướng ngại trên con đường. Điều chúng ta làm lợi lạc cho
chính mình từ những kinh nghiệm này là sự khảo xét về tính chất chân
thực sự thực hành của ta. Đây là cốt
tủy chân thật của pháp Guru yoga này và chính nó là sự thực hành
chính yếu. Nếu chúng ta thực hành điều này trong khả năng tốt
nhất của ta, thì không có giáo lý nào khác được coi là “sâu xa” hơn nó.
Các sự
quán tưởng của kyerim, hay giai đoạn phát triển, có bốn loại, nếu được
thực
hành trong một phương pháp hết sức công phu. Chúng tương ứng với sự tịnh
hóa bốn loại sinh ra:
sinh ra từ trứng (noãn sanh), sinh ra từ thai tạng (thai sanh), sinh ra
từ hơi ấm và ẩm (thấp sanh), và sự sinh ra kỳ diệu (hóa sanh). Nhưng
pháp Guru yoga này là cốt tủy của
tất cả những kiểu sanh ra này và không đòi hỏi sự công phu chi
tiết như thế. Mọi phương diện khác của thực hành kyerim cũng được bao
gồm trong Guru yoga, mặc dù chúng không được lưu ý riêng biệt. Những
phương diện này là “sự xuất hiện rõ ràng,” là sự quán tưởng rõ ràng về
Bổn Tôn; “chánh niệm thanh tịnh,”
muốn nói tới sự thấu hiểu về tất cả các biểu tượng và phương diện
của Bổn Tôn (ví dụ một đầu, tượng trưng cho tính chất nhất như của bản
tánh tuyệt đối, và hai bàn tay tượng trưng cho phương tiện và trí tuệ);
và “sự tự hào kiên cố” ám chỉ sự tin
tưởng và xác tín hoàn toàn rằng, từ vô thủy, ta luôn luôn là Bổn
Tôn.
Ta được biết rằng nếu chúng
ta chỉ quán tưởng bổn sư (Đạo Sư gốc) của ta thật trong sáng và sống
động trong giây lát, thì điều đó mang lại lợi lạc to lớn hơn là thiền
định về một trăm ngàn Bổn Tôn khác. Pháp Guru yoga này cũng là tinh túy
của dzogrim, hay giai đoạn thành tựu. Trong dzogrim, chúng ta
tìm thấy sáu yoga: tummo, hay nội nhiệt, là gốc rễ của con đường;
gyulu, hay huyễn thân, là nền tảng của con đường; milam, hay yoga
giấc mộng, là sự đo lường tiến bộ trên con đường; ưsel, hay quang minh,
là cốt tủy của con đường; bardo, hay trạng thái trung gian, là sự mời
gọi tiếp tục trên con đường; và phowa hay sự chuyển di tâm thức, cho
phép ta vượt qua phần còn lại của con đường.
Tất cả các phương pháp này
phải mở bày trong phạm vi của Guru yoga. Các thực
hành nội nhiệt và huyễn thân tương ứng với yoga về thân vajra hay thân
kim cương của Đạo Sư; các thực hành giấc mộng và quang minh tương
ứng với yoga về ngữ kim cương của
Đạo Sư; bardo và phowa tương ứng với yoga về tâm kim cương của
Đạo Sư. Đây là lý do tại sao pháp Guru yoga cũng là tinh túy của sự thực
hành trong giai đoạn thành tựu.
Nếu chúng ta khao khát sự
chứng ngộ thị kiến rộng lớn hay sự quán chiếu sâu xa, thì
có câu nói rằng :
Sự chứng ngộ trí tuệ bẩm sinh
của bạn là kết quả của các sự tích tập, tịnh hóa, và
các sự ban phước của một Đạo Sư
chứng ngộ. Bạn nên biết rõ rằng nương cậy
bất kỳ vào phương pháp nào khác là vô nghĩa.
Cũng có nói rằng :
Bất cứ kẻ nào muốn tìm thấy
trí tuệ siêu vượt trí thông minh mà không cầu nguyện với Đạo Sư của họ
thì giống như người mong đợi mặt trời chiếu rọi một cái hang quay về
hướng bắc. Họ sẽ không bao giờ nhận ra rằng các hình tướng
và tâm họ là một.
Vì guru yoga là phương pháp
tối hậu để chứng ngộ trạng thái tự nhiên của mọi sự,
cho nên, như được đề cập tới trong bản văn, nó là “cốt lõi của trạng
thái tự nhiên”. Bằng thuật
ngữ “cốt lõi” chúng ta muốn nói tới bản chất được che dấu, nó có thể
không hiển nhiên nhưng là tâm yếu của mọi sự. Có vô số giáo huấn đối với
các giai đoạn phát triển, thành tựu, và Đại Viên Mãn, nhưng hết thảy
chúng đều hiện diện với hình thức cô
đọng trong Guru yoga. Guru yoga giống như mối liên kết thiết
yếu trong một sợi dây xích nhờ nó mà mọi giáo huấn được thắt chặt. Nó là
một thực hành dễ thực hiện, không có những khó khăn thật sự hay nguy cơ
lạc đường, và sẽ đưa dẫn tới kết quả cao tột. Như một cỗ máy được
chế tạo khéo léo có thể hoàn thành trong một giờ công việc của hàng trăm
công nhân, ở đây một giáo huấn duy nhất tập hợp tất cả các giáo huấn
khác trong chính nó; không giáo huấn nào, không vấn đề nào dù sâu xa đến
đâu chăng nữa phải bị loại trừ. Guru yoga là
phương pháp chính yếu để ta tiến bộ hơn nữa trong sự thực hành và để
giải tan mọi chướng
ngại. Nó là “một pháp thành tựu tất cả pháp”.
Nói một cách chuyên môn, Guru
yoga là bộ phận của những thực hành được gọi là
chuẩn bị, nhưng thật ra nó là cốt lõi của sự thực hành chính yếu. Trong
mọi trường phái khác nhau của giáo lý đạo Phật – đó là Nyingma, Sakya,
Kagyu, hay Geluk – không có một con đường nào không lấy Guru yoga làm
nền tảng chính yếu.
Trong
truyền thống Sakya, chúng ta tìm thấy giáo lý Lamdre nổi tiếng, sự thực
hành
đồng thời “con đường và quả.” Trong giáo lý này chúng ta cũng sẽ bắt đầu
với sự
thực hành “con đường sâu xa của Guru yoga.” Trong giáo huấn đó, chúng ta
sẽ nhận lãnh sự ban
phước hay nhập môn về thân, ngữ và tâm của Đạo Sư và sau đó sẽ thiền
định về ngài. Lại nữa, dòng Kagyu cũng nổi danh là người thừa kế của
thực hành sùng mộ mãnh liệt. Đi vào
sự thực hành Pháp mà không có lòng sùng mộ thì giống như một người không
có đầu. Dù ta có thể thực hành bao nhiêu các nhánh khác nhau của
con đường chăng nữa, nếu chúng ta thiếu lòng sùng mộ, là sự tôn
kính nồng nhiệt đối với vị Thầy, nó cho phép ta nhìn ngài như một vị
Phật thực sự, thì ta sẽ không có cơ may để những kinh nghiệm và chứng
ngộ phát khởi trong ta.
Vị Thầy vĩ đại phái Kadampa,
ngài Gyalse Ngulchu Thogme không có pháp thực
hành chính yếu nào khác ngoài sự thiền định về việc nhìn vị Thầy của
ngài là Đức Atisa như vị Phật thực sự, và phụng sự Thầy bằng toàn
bộ thân, ngữ và tâm trong suốt cuộc đời mình. Trong giáo huấn nổi tiếng
nhất của dòng Kadampa, Bảy Điểm Tu hành Tâm thức, bước đầu tiên là
thực hành Guru yoga. Đối với truyền thống Nyingma, trong tất cả các
dòng khác nhau là Kama,(41) hay sự giảng dạy truyền khẩu, và Terma, hay
sự trao truyền kho tàng được khám phá, thì cũng hoàn toàn
tương tự như vậy. Không có con đường hay sự thực hành nào mà không bắt
đầu bằng cách tự củng cố
trong phạm vi của Guru yoga.
Không
giống như những thực hành của các giai đoạn phát triển và thành tựu,
pháp
Guru yoga có thể được thực hành trong mọi lúc. Ví dụ, nếu chúng ta đang
thực hành
kyerim và dzogrim, thì có nhiều vấn đề trọng yếu liên quan đến tư thế
của thân thể, ngữ và
tâm cần được tuân thủ. Trong kyerim, khi làm một cuộc nhập thất, chúng
ta phải phân chia sự thực hành của ta thành bốn thời khóa vào những thời
điểm đặc biệt trong suốt ngày, và chúng ta phải sắp đặt một bàn thờ với
những vật cúng dường bên ngoài là nước, hoa, hương và v.v… cũng như các
vật cúng dường bên trong là torma,
rakta và amrita. Nhưng pháp Guru yoga thì có thể được thực hành bất cứ
lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và tuy thế đem lại mọi thành tựu
của giai đoạn phát triển.
Trong
dzogrim, hay giai đoạn thành tựu, sự thực hành nội nhiệt và sự tu tập
các thực
tập vật lý khác nhau chẳng hạn như bình chứa lớn và sự cầm giữ hơi thở
bộc lộ
các nguy hiểm do sự chướng ngại và lạc đường, đặc biệt là nguy hiểm của
việc gia tăng lung,
hay “năng lực tinh túy”, và sự rối loạn theo sau của tâm thức mà sự gia
tăng như thế có thể phát sinh. Trái
lại, thực hành Guru yoga không mang lại sự nguy hiểm như vậy, và
nhờ nó các lung khác nhau sẽ đi vào kinh mạch trung ương một cách
tự nhiên. Giống như việc dùng thực phẩm lập tức giải trừ cơn đói, thực
hành Guru yoga sẽ phát sinh sự chứng ngộ trí tuệ sẵn có trong chúng ta.
Khi ngủ, khi thức, khi đi lại
hay làm việc hoặc thực hiện bất kỳ loại hoạt động nào,
chúng ta nên cần khẩn cầu Đạo Sư, nghĩ tưởng rằng: “Đạo Sư, ngài thấu
biết. Xin nhìn con với thiện tâm.” Nếu chúng ta luôn luôn duy trì
lòng khao khát và sùng mộ như thế, thì tâm chúng ta sẽ trở nên tương ưng
với những sự ban phước của vị Thầy.
Như có câu nói: “Khi tâm trở nên sẵn sàng, bậc Đạo Sư không ở bên ngoài.”
Tâm thức chúng ta trở nên sẵn
sàng nếu, sau khi lắng nghe một vị Thầy và nương tựa vào
ngài, chúng ta luôn luôn nhớ tưởng một cách rõ ràng cái gì cần tránh và
điều gì phải tuân theo và duy
trì sự cẩn mật bền bỉ trong những hành động, lời nói, và tư tưởng
của ta. Được trang bị sự hiểu biết này, chúng ta phải kiên quyết, ngay
cả trong khi mộng, không bao giờ làm
ngay cả một ác hạnh nhỏ bé nhất. Đồng thời, chúng ta
nên nuôi dưỡng ngay cả những thiện hạnh nhỏ nhất, vì giống như một thùng
chứa lớn đặt dưới một giòng nước nhỏ giọt được làm đầy trong một
thời gian rất ngắn, vì thế chúng ta có thể tiến bộ nhanh chóng trên con
đường bằng sự chú tâm như thế vào
các thiện hạnh. Nếu chúng ta không phát triển loại tâm thức hay sự tỉnh
giác mạnh mẽ này, rất có thể
chúng ta sẽ không địch nổi sức mạnh của các tập quán xấu và các
chiều hướng tiêu cực, và vì thế sẽ có khuynh hướng không biết được điều
gì là tích cực.
Chúng
ta cũng phải phát triển một năng lực đối với “sự hồi quang phản chiếu
cẩn
mật”, qua đó chúng ta thường xuyên tỉnh thức về các hoạt động của ta từ
sáng cho tới
đêm. Theo cách này, nếu nhận thức rằng ta đã làm các ác hạnh, chúng ta
nên suy
nghĩ: “Xin thương tưởng tới con ! Con đã thọ nhận quá nhiều giáo lý từ
Đạo Sư tốt
lành của con, tuy vậy con vẫn rơi vào những ác hạnh. Con cảm thấy bối
rối trước sự
hiện diện của ngài. Tất cả các Daka và Dakini chắc hẳn hết sức thất vọng
về con.” Rồi chúng ta cần thực hiện một sự sám hối trong sáng, chân
thành, và phát sinh
một ý hướng không thể lay chuyển là từ giờ trở đi ta chỉ thực hiện những
thiện hạnh.
Nếu chúng ta đã có thể tích tập các thiện hạnh trong suốt ngày, chúng ta
nên luôn
luôn nhớ củng cố chúng bằng ba điểm hay ý niệm siêu việt: sự chuẩn bị
hay phát khởi Bồ đề tâm, ở đây là ý hướng hành động nhân danh tất cả
chúng sinh; phần
chính yếu, hay sự chứng ngộ tánh
Không kết hợp với sự thiền định nhất tâm; và sự kết
thúc, trong đó bất kỳ công đức hay lợi lạc nào có được từ các hành động
của ta đều được hồi hướng cho
sự giải thoát mau chóng của tất cả chúng sinh.
Từ sự thảo luận của chúng ta
về những vấn đề này, ta có thể thấy rằng sự tỉnh giác
và hồi quang phản chiếu cẩn mật tạo nên Đạo Sư bên trong và Đạo Sư gốc
chân thực. Không có ai như
tôi, đắp y và ngủ trên một cái ngai! Nếu chúng ta luôn luôn duy
trì sự tỉnh giác và cẩn mật như thế, chúng ta sẽ tích tập các thiện hạnh
và loại trừ các ác hạnh không chút khó khăn.
Guru yoga là cốt tủy của tám
vạn tư Pháp môn. Không có gì sâu xa hơn và không có
gì rộng lớn hơn nó. Tất cả các bạn, các đệ tử may mắn, cần giữ sự thực
hành này tận đáy lòng. Ngay cả khi bạn đến tuổi tám mươi, bạn
phải như Patrul
Rinpoche, người mỗi sáng không quên
đánh thức lòng sùng mộ bằng thực hành Guru yoga này. Ngài Jamyang
Khyentse Wangpo có sự thấu triệtà tám thừa của sự thành tựu.(42) Ngài
không chỉ hiểu biết về chúng, mà cũng đã thực hành tất cả chúng.
Tuy nhiên, thực hành chính của ngài là pháp Guru yoga của dòng Long-chen
Nyingthig này. Ngài thường xuyên cầu nguyện Guru Rinpoche. Nghĩ rằng mặc
dù pháp Guru yoga này rất dễ thực hành và kinh nghiệm, nhưng đồng thời
là một thực hành phi thường và sâu xa nhất, ngài đã bền bỉ giảng dạy nó
cho các đệ tử của ngài.
Có thể có những thực hành rất
cao, như trekchư và thưgal(43) trong Dzogpa Chenpo (Đại Viên Mãn), nhưng
đối với chúng ta thực hành các pháp đó vào lúc này thì
giống như cho một em bé quá nhỏ ăn thực phẩm cứng đặc. Em bé sẽ không
thể tiêu hóa được thực phẩm như thế, và nó chỉ làm hại em. Giờ
đây nếu chúng ta cố gắng thực hành
những giáo lý cao cấp đó, chúng sẽ hoàn toàn vô ích. Trái lại, nhờ
những sự ban phước xuất phát từ nỗ lực chân thực trong việc thực hành
pháp Guru yoga này, sự chứng
ngộ Dzogpa Chenpo sẽ tự phát khởi từ sâu thẳm của con người chúng
ta giống như mặt trời buổi sáng, và ý nghĩa của sự thực hành trekchư và
thưgal sẽ hé nở trong chúng ta. Chúng ta đừng nên cho rằng vì pháp Guru
yoga này ngắn gọn nên nó là một thực hành không quan trọng, như thể Đạo
Sư chỉ cho ta vài mẩu thực
phẩm. Không phải như vậy; nó là thực hành tinh túy nhất trong tất
cả thực hành. Như chính Jigme Lingpa nói trong bản văn này: “Pháp Guru
yoga này mở toang cánh cửa đi vào kho tàng mênh mông như bầu trời
của terma cốt tủy này.” Pháp Guru yoga phát sinh từ phạm vi bao la của
sự chứng ngộ của ngài Jigme Lingpa.
Nếu chúng ta có lòng tin nơi ngài, thì chúng ta cũng nên có lòng tin vào
pháp Guru yoga này. Không có đức tin như thế, bất kỳ giáo lý sâu xa nào
khác như Yeshe Lama(44) cũng chẳng giúp ích được gì. Nếu bạn nhất tâm
thực hành pháp Guru yoga và
từ chối không rơi vào sai lầm khi nhìn nó như một thực hành không
quan trọng thì sự chứng ngộ cao nhất sẽ hé nở trên chính pháp môn này.
Pháp
Guru yoga này được nhắc đến như một “thực hành bên ngoài,” nhưng đây
tuyệt nhiên không phải
là một thuật ngữ chỉ sự không tán thành. Ví dụ, ngữ và tâm tùy
thuộc vào “lớp vỏ bên ngoài” của thân người, không có nó bất kỳ tiến bộ
nào trên con đường sẽ rất khó
khăn. Tương tự như vậy, pháp Guru yoga bao gồm toàn bộ con
đường. Ngày nay, dường như người ta cho rằng họ nên tìm kiếm một
thực hành “cao cấp” hơn. Họ cần nhớ rằng những vị Thầy vĩ đại nhất đã
dùng pháp Guru yoga này như thực
hành chính trong suốt cuộc đời các ngài.
Nếu
chúng ta thực hành kyerim, như đã đề cập tới, ta phải quán tưởng rõ ràng,
phải nhớ lại biểu
tượng, và ta phải có sự tự hào kim cương rằng chúng ta chính là
Bổn Tôn. Hơn nữa, chúng ta phải chú trọng tới các phương diện khác nhau
của sự trì tụng: nyenpa, “sự tiếp cận”; drupa, “sự thành tựu”; và
drupchen, “sự thành tựu vĩ
đại.” Chúng ta phải kiên trì nhiều năm tháng, tích tập nhiều trăm ngàn
lần trì tụng, trước khi có thể thâu hoạch kết quả của sự thực
hành. Ngoài điều này cũng còn có bốn hoạt động.(45) Nếu tất cả những
phương diện này không được thực hiện trong
một cách thế hoàn toàn chính thống, thì các sự thành tựu thông thường và
siêu việt không thể được hoàn tất bằng pháp kyerim.
Trong
dzogrim thì cũng vậy, chúng ta phải nỗ lực một thời gian dài trong các
thực hành, và không phải là không nguy hiểm nếu chúng không được thực
hành đúng đắn. Nhưng
trong Guru yoga, nếu chúng ta có chiếc vòng đức tin, thì cái móc đại bi
và trí tuệ của Đạo Sư sẽ dễ dàng đưa chúng ta tới sự chứng ngộ tối
thượng.
Chính
Guru Rinpoche đã ban tặng pháp Guru yoga này. Như được nói tới trong các
tiên
tri của dòng Longchen Nyingthig: “Từ trong cung điện của kinh mạch trung
ương, Đức Guru Pema
Thưtrengtsal sẽ ban tặng giáo huấn này, ban ân phước của ngài bằng
một cách biểu tượng.”
“Cung
điện kinh mạch trung ương” là quang minh của tâm-như-vậy, trong khi
“Pema Thưtrengtsal” có
nghĩa là “Sức mạnh Hoa Sen của Vòng Đầu lâu.” Hoa Sen là danh hiệu của
Guru Rinpoche, và vòng đầu lâu mà ngài đeo tượng trưng cho cái
chết của mọi tư tưởng mê lầm và chiến thắng của sự Toàn Giác. Tiết đoạn
này trích từ bản văn cũng nói rằng sự chứng ngộ thâm sâu của Jigme
Lingpa trở nên tương đương với sự chứng ngộ của Guru Rinpoche.
Như chúng ta đã thấy lúc đầu,
tiên tri có liên quan tới dòng Longchen Nyingthig biểu thị rõ ràng rằng
tất cả chúng sinh thiết lập mối liên hệ với những giáo lý
và thực hành này – đặc biệt là Guru yoga này và cả Rigdzin Düpa, sadhana
Đạo Sư chính yếu – sẽ đi tới
các cõi Cực Lạc Núi Màu-Đồng-Đỏ. Chúng ta nên có lòng tin kiên cố vào
điều này và hãy nhất tâm thực hành. Nếu chúng ta thực hành phương
pháp này, chẳng hạn như trong một năm, mà không kinh nghiệm sự chứng ngộ
phi thường nào, thì chúng ta đừng nên ngã lòng, cũng đừng hoài nghi về
sự thực hành. Như ngài Jetsun Milarepa nói: “Đừng ấp ủ những hy
vọng một sự chứng ngộ tức thì, mà hãy thực hành suốt đời bạn.”
Nếu bạn suy nghĩ với sự hoàn
toàn quyết tâm: “Tôi sẽ thực hành cho tới khi thân xác tôi được đưa ra
nghĩa địa,” thì mọi kinh nghiệm và chứng ngộ về con đường sẽ phát khởi
một cách tự nhiên. Trái lại, nếu chúng ta chỉ thực hành trong một
thời gian ngắn với sự thiếu kiên nhẫn, thì các kinh nghiệm này sẽ không
xảy ra. Như có nói: “Pháp
không có chủ nhân ngoại trừ những người kiên trì trong nó.” Nếu ai có
sự quyết tâm thực hành Pháp, thì pháp này đã sẵn sàng để được thực hành./.
1.
Samsara : Vòng sinh
tử vô tận, bao gồm cuộc đời hiện tại này, nó tràn ngập nỗi đau
khổ.
2.
Một tertưn (gter-ston)
hay “người khám phá kho tàng” là một hiện thân của Guru
Padma-sambhava hay của một vị trong các đệ tử mà ngài đã ban cho các lễ
quán đảnh và các giáo huấn ở
Tây Tạng hay các nơi khác. Khi ấy trong từng thời điểm, ngài giao
phó cho một trong các đệ tử của ngài để làm người trì giữ một
giáo lý đặc biệt và tiên tri liên quan tới sự tái sinh trong tương lai
của đệ tử và các điều kiện (duyên)
nhờ đó người ấy (nam hay nữ) sẽ khám phá các giáo lý này. Như thế
Guru Rinpoche đã cất dấu giáo lý, trong hình thức của một loại chữ
Dakini tượng trưng, trong các tảng đá, hồ nước v.v…, và giao cho một Hộ
Pháp bảo vệ nó. Sau này, khi
tới lúc các giáo lý này mang lại lợi lạc cho chúng sinh,
vị tertưn sẽ có các linh kiến hay dấu hiệu chỉ rõ cách khám phá giáo lý.
Trong
trường hợp của “Kho Tàng Tâm,” các
giáo lý không được phát hiện một cách vật lý nhưng xuất hiện trong tâm
của vị tertưn nhờ sự ban phước của Guru Rinpoche. Vị tertưn đầu tiên là
Sangye Lama (1000?-1080?), và năm vị tertưn “như
vua” là Nyangral Nyima Ưser (1124-1192), Guru Chưwang (1212-1270), Dorje
Lingpa (1346-1405), Pema Lingpa (1450-?), và Pema Ưsel Do-nga Lingpa
(Jamyang Khyentse Wangpo, 1820-1892).
3.
Rigdzin Jigme Lingpa (1729-1798) là một hiện thân của Đại học giả
Vimalamitra, vua
Trisong Detsen, Gyalse Lharje, và Ngari Panchen Pema Wangyal
(xem chú thích 9), cũng như tái hiện thân trực tiếp của Rigdzin Chưje
Lingpa, cũng được gọi là Dakpo Rogje Lingpa (1682-1725). Sự hiển lộ của
ngài trong
thế giới này đã được tiên tri bởi các đại tertưn Guru Chưwang
(1212-1270), Sangye
Lingpa (1340-1396), Chưling, và những vị khác.
Trong thời thơ ấu ngài đã có
nhiều linh kiến về các vị thánh trong quá khứ. Năm
lên sáu tuổi ngài vào tu viện Palgi Riwo, “Núi Huy Hoàng” và thọ nhận
danh hiệu Pema Khyentse Ưser. Năm mười ba tuổi ngài gặp vị Guru
gốc của ngài là Rigdzin Thekchog Dorje, người ban cho ngài các giáo huấn
thuần thục tinh túy. Trong đời sau này Jigme Lingpa có nhiều linh kiến
về vị Thầy của mình. Ngài cũng nhận
lãnh các giáo huấn về các truyền thống
Kama
và Terma từ nhiều vị Thầy khác. Không phải nghiên cứu miệt mài, nhờ sự
chứng ngộ nội tâm,
ngài có thể thấu suốt và diễn đạt toàn bộ giáo lý Phật giáo. Vào năm hai
mươi tám tuổi, ngài làm một cuộc nhập thất-ba năm trong ẩn thất Thigle
Nyakchik, “Tinh Túy Duy Nhất,” gần
Tu viện Palri, lấy Drolthik Shitro của Drodul Lingpa làm thực
hành chính, và ngài có nhiều dấu hiệu thành tựu. Khi ngài đang thiền
định về Hayagriva, con ngựa trên đầu Hayagriva hí lên, và Guru Rinpoche
hiện ra với ngài và ban cho ngài
danh hiệu Pema Wangchen. Rồi ngài có các linh kiến trong đó kho
tàng tâm linh Longchen Nyingthig được tiết lộ cho ngài. Như được mô tả
phần Dẫn nhập, ngài thực hiện cuộc nhập thất-ba năm khác tại Động Hoa ở
Chimphu, phía trên Samye. Sau thời gian này, theo một linh kiến và tiên
tri của Tsele Natsok Rangdrol
(1608-?), ngài đi tới Tsering Jong, không xa lăng mộ của Vua
Songtsen Gampo ở Chongye, và tại đó thành lập ẩn thất Pema Ưsel Thekchog
Chưling, nơi vô số đệ tử đến từ khắp nơi ở Tây Tạng và các xứ
lân cận. Các đệ tử chính của ngài, Jigme Trinle Ưser, Jigme Gyalwe Nyugu,
Jigme Kundrol, Jigme Gocha, và những vị khác, đã truyền bá các giáo lý
của ngài đến các biên giới
Trung Hoa, Bhutan, và Ấn Độ.
Nhờ năng lực của lòng bi mẫn
và các lời nguyện của ngài, Longchen Nyingthig
của Jigme Lingpa đã trở thành một trong những giáo lý thực hành rộng
lớn nhất, và vẫn còn tồn tại trong thời đại của chúng ta. Giáo khóa
terma được khám phá lại cùng các tác phẩm khác của ngài đã được tuyển
tập trong chín quyển sách. Trong số
này có Yưnten Rinpoche Dzư, trong đó là tinh túy cô đọng của
Phật đạo. Ở tuổi bảy mươi, khi đã hoàn thành tất cả các ước nguyện làm
lợi lạc chúng sinh và giáo lý, ngài rời bỏ thế giới này về cõi Phật Liên
Hoa Quang giữa các dấu hiệu kỳ diệu. Các tái hiện thân trực tiếp
của ngài là Jamyang Khyentse Wang-po
(1820-1892), hiện thể về thân của ngài; Patrul Rinpoche Orgyen Jigme
Chưkyi Wangpo (1808-1887), hiện thể về ngữ; và Do Khyentse Yeshe
Dorje (1800-?), hiện thể về tâm của ngài. Có năm hiện thể chính của
Jamyang Khyentse Wangpo và Do Khyentse được phối hợp, trong những vị đó
Jamyang Khyentse Chưkyi Lordư (1893-1959) và H. H. Dilgo Khyentse
Rinpoche (1910-1991) đã hiển lộ hoạt động trùm khắp và không ngừng nghỉ
vì lợi lạc của chúng sinh và giáo lý.
4.
Urgyen
(TT. O-rgyan): Đức Phật thứ hai, Guru Pemajungne (TT. Padma ‘Byung-gnas;
Phạn. Padmakara hay Padmasambhava), vị “Đạo Sư Sinh từ Hoa Sen” là đấng
phù hợp với điều tiên tri của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã hóa hiện từ
trung tâm tim của Đức Phật A Di Đà và xuất hiện một cách huyền diệu trên
một hoa sen trong thân tướng của một em bé tám tuổi. Ngài dạy tất
cả chín thừa, bao gồm các loại
tantra khác nhau, là giáo lý Đức Phật chỉ giảng dạy hết sức hy
hữu và ở mức độ thông thường.
5.
Yeshe Tsogyal (TT. Ye-shes
mtsho-rgyal): Công chúa xứ Karchen, hiện thể của Jetsun Drolma, người
trở thành đệ tử và người phối ngẫu lỗi lạc nhất của Guru Rinpoche. Bà
ghi chép hầu hết các giáo lý của Guru Rinpoche được cất dấu như các
terma.
6.
Palri Thekchogling (TT.
dPal-ri theg-mchog-gling): Một tu viện được Tertưn Trengpo
Sherap Ưser (1517-?) sáng lập ở Chongye, trong thung lũng Yarlung (ở
phía đông nam Samye miền trung Tây Tạng).
7.
Một trăm Bổn Tôn hòa
bình và phẫn nộ (TT. Zhi-khro dam-pa rigs-rgya) tượng trưng cho các
phương diện thuần tịnh của các hiện tượng và tri giác thông thường bên
trong và bên ngoài. Ví dụ như, năm uẩn (sắc, thọ v.v…) là các vị Phật
nam của Ngũ bộ Phật, và năm nguyên tố (đất, nước v.v…) là các vị Phật nữ
của Ngũ bộ Phật.
8.
Jampal She-nyen (Phạn.
Manjusrimitra): Dòng truyền thừa Đại Viên Mãn, hay Ati
Yoga, bắt đầu với Phật nguyên thủy Samantabhadra (Phổ Hiền), và sau đó
tiếp tục với Vajrasattva, Garab Dorje – vị Guru đầu tiên trong loài
người – và Jampal She-nyen.
Theo một tiên tri được ban cho trong một linh kiến của Đức Văn
Thù, Jampal She-nyen đi tới gặp Guru của mình là Garab Dorje, và theo
hầu ngài trong bảy mươi lăm năm. Khi Garab Dorje thành tựu thân
ánh sáng và biến mất vào bầu trời, và khi Jampal She-nyen than khóc
trong sự hoàn toàn tuyệt
vọng thì bàn tay của Garab Dorje lại
xuất hiện trong bầu trời và thả xuống cho Jampal She-nyen một cái
hộp đựng các giáo huấn cốt tủy của “Ba Lời đánh vào
điểm trọng yếu” (TT. Tshigs gsum gnad rdegs). Jampal She-nyen là Đạo
Sư của Sri Simha, là người trở thành Đạo Sư của Guru Padmasambhava và
Vimalamitra.
9.
Ngari
Panchen Pema Wangyal (1487-1542) (TT. mNgá-ris panchen pad-ma dbang-rgyal):
Một trong năm vị hiện thể tertưn của Vua Trisong Detsen. Ngài cũng là
tác giả của tác phẩm nổi tiếng Domsum Namnge (TT. sDom gsum rnam nges),
nó giảng giải ba giới nguyện prati-moksa (giải thoát cá nhân), Bồ Tát,
và Mật thừa, và cách chúng tương quan với nhau.
10.
Dorje
Drolư (TT. rDo-rje gro-lod): Trong nhiều dịp, Guru Padmasambhava hiển lộ
trong tám phương diện khác nhau, được gọi là Guru Tsen Gye (Gu-ru mtshan
brgyad).
Trong những phương diện này, Guru
Dorje Drolư, thường cưỡi trên một con hổ cái, là một thân tướng phẫn nộ
mà Guru Rinpoche đã hiển lộ khi điều phục các thế lực tiêu cực và khi
cất dấu vô số kho tàng tâm linh ở Paro Tak-tsang và các nơi khác.
11.
Damchen Dorje Lekpa (TT.
Dam-can rdo-rje legs-pa): Cùng với Mamo Ekajati và Rahula, Damchen Dorje
Lekpa là một trong ba Hộ Pháp chính của truyền thống Nyingma.
12.
Yidam (TT. yi-dam):
Trong ba cội gốc – Lama, Yidam, và Khandro – Yidam hay Bổn
Tôn bảo hộ, là cội gốc của thành tựu tâm linh. Đó có thể là một Bổn Tôn
hòa bình hay phẫn nộ được (hoặc không được) vây quanh bởi một mạn đà la
và một đoàn tùy tùng, mà người ta thiền định. Tính chất tượng
trưng của nó được giải thích trong
các thực hành liên quan. Bài kệ được Damchen Dorje Lekpa nói ra
là một bài kệ cầu nguyện “Sampa Lhundrup”, bài nguyện “Sự Hoàn thành Tự
nhiên Mọi Ước nguyện”, được tìm thấy trong terma của Rigdzin Gưdem.
13.
Núi
Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ (TT. Sangdo-palri [Zang mdog dpal ri]): Cõi Cực
Lạc của Guru
Padmasambhava, trên tiểu lục địa Ngayab, ở hướng tây nam.
14.
Jarungkashor (TT. Bya-rung bka’-shor): Tháp (stupa) nổi tiếng được một
người đàn bà nuôi gà vịt và bốn con trai của bà xây dựng ở
Nepal
để bảo vệ một vài xá lợi
của Đức Phật Ca Diếp (xem Huyền thoại của Đại Bảo Tháp). Bốn người con
trai này, do năng lực của sự cầu nguyện họ đã thực hiện sau khi hoàn
thành công trình, đã được tái sinh là Guru Padmasambhava, Tu viện trưởng
Santaraksita, Vua Trisong Detsen, và Ba Mi Trisher (một thượng thư Phật
tử).
15.
Dakini (TT. khandro [mkha-’gro])
là phương diện nữ, tượng trưng cho trí tuệ của tánh Không. Theo nghĩa
đen, khandro có nghĩa là “người du hành trong pháp
giới,” và biểu thị việc chuyển động trong phạm vi trí tuệ.
16.
Vua
Trisong Detsen (790-844) (TT. Khri-srong ldeu-btsan): Pháp Vương vĩ đại,
người đã thỉnh cầu Tu
viện trưởng Santaraksita (TT. Shi-watso) – cũng được gọi là
Khanchen Bodhisatto – và Guru Padmasambhava từ Ấn Độ để xây dựng tu viện
Samye và thiết lập Phật giáo Tây Tạng. Sau đó, ngài cầu thỉnh một trăm
lẻ tám đại học giả Ấn Độ dưới
sự dẫn dắt của Vimalamitra để dịch thuật tất cả các Kinh điển Phật giáo
sang tiếng Tây Tạng, đồng thời với số học giả Tây Tạng tương tự
do ngài Vairocana hướng dẫn. Cùng với hai mươi lăm đệ tử chính yếu khác
của Guru Rinpoche, ngài nhận lãnh lễ quán đảnh đầu tiên do Guru
Rinpoche ban cho ở Tây Tạng, tại tu
viện Samye Chimphu. Về sau, ngài liên tiếp tái sinh làm nhiều vị
thánh và tertưn vĩ đại, trong đó có Rigdzin Jigme Lingpa và
Jamyang Khyentse Wangpo.
17.
Samantabhadra (TT.
Kun-tu bzang-po): Đức Phật Phổ Hiền, Phật nguyên thủy, là đấng khi hiển
lộ từ nền tảng nguyên thủy, đã trở thành một vị Phật nhờ nhận ra sự sanh
khởi này không là gì khác hơn là sự phô diễn của tự tánh ngài. Vì thế
ngài không trở thành một vị Phật nhờ sự tích tập công đức và trí tuệ –
nghĩa là, nhờ nguyên nhân và hoàn cảnh (nhân và duyên).
18.
Rahula (TT. gZa’): xem
chú thích 11.
19.
Đấng
Bi Mẫn Vĩ Đại (TT. Thugs-rje chen-po): Một danh hiệu phổ biến của Đức
Quán Thế Âm (TT. sPyan
ras gzigs; Phạn. Avaloki-tesùvara), vị Phật của lòng bi mẫn.
20.
Samye
(TT. bSam-yas): Tu viện đầu tiên ở Tây Tạng do Guru Padmasambhava xây
dựng, nơi những Kinh điển Phật giáo được dịch ra tiếng Tây Tạng và là
nơi Guru Rinpoche ban nhiều giáo lý
và những lễ nhập môn sâu xa.
21.
Kunkhyen Longchen Rabjam (1308-1363) (TT.
Kunmkhyen klong-chen rab-’byams): Bậc xuất sắc nhất trong tất cả các học
giả và các vị thánh Nyingmapa, người đầu tiên biên soạn các ý nghĩa của
mười bảy tantra của Ati Yoga (rDzogs-chen rgyud
bcu-bdun), trong tác phẩm nổi tiếng Bảy Kho Tàng (mDzod-bdun) của
ngài, nó cũng chứa đựng một trình bày hoàn hảo về chín thừa. Trong các
linh kiến, ngài gặp Guru Rinpoche và Khandro Yeshe Tsogyal, và bản thân
ngài đã đạt tới cấp độ của Đức Phật nguyên thủy Samantabhadra (Phổ Hiền).
22.
Vimalamitra (TT. Dri-me
she-nyen [Dri-med bshes-bsnyen]): Học giả vĩ đại người
Ấn Độ, hiện thân của Đức Văn Thù, vị Phật của trí tuệ, và là đệ tử của
Sri Simha và Jnanasutra. Ngài tới Tây Tạng, phô diễn vô số điều huyền
diệu, và hướng dẫn các học
giả Ấn Độ tham dự vào việc dịch thuật Kinh điển Phật giáo. Sự
truyền dạy các giáo lý Dzogchen của ngài, Vima Nyingthig, được phó thác
cho Nyang Wen Tingdzin Zangpo (Nyang-wen
ting-’dzin bzang-po).
23.
Drati
Rikpe Dorje, vị “yogi khùng điên ở Kongpo” (TT. bKra-ti rig-pa’i rdo-rje):
Một hiện thể của
Gelong Namkhe Nyingpo (Nam-mkha’i snying-po), một trong những người lỗi
lạc nhất trong hai mươi lăm đệ tử của Guru Rinpoche. Ngài là đệ tử thân
cận của Jigme Lingpa. Ngài cũng thỉnh cầu Jigme Lingpa sáng tác bài cầu
nguyện nổi tiếng về “Nền tảng, Con Đường và Quả” của Đại Viên Mãn.
24.
Đại
Viên Mãn hay Đại Toàn Thiện (TT. rDzogs-pa chen-po): Thừa thứ chín và
tối hậu. Nó ám chỉ sự
thuần tịnh nguyên thủy của tất cả các hiện tượng và sự hiện hữu tự nhiên
các phẩm tính của Phật trong tất cả chúng sinh. Nó được gọi là Đại Viên
Mãn bởi mọi hiện tượng được bao gồm trong sự viên mãn nguyên thủy này.
Đại Viên Mãn có ba dòng truyền thừa chính: dòng Khandro Nying-thig (mKha-’gro
snying-thig), đến từ Guru Rinpoche; dòng Vima Nyingthig (Bi-ma
snying-thig), đến nhờ Vimalamitra; và Vairo Nying-thig (Bai-ro
snying-thig), đến nhờ Vairocana.
25.
Kinh mạch: Các mạch vi
tế (TT. rtsa), trong đó luân chuyển các năng lực khác nhau
(rlung) của thân thể, các năng lực chuyên chở dọc theo những mạch này
các tinh chất trắng và đỏ (thig-le). Trong trạng thái mê lầm,
ba thứ này được liên kết với ba độc
là tham, sân và si; trong trạng thái trí tuệ chúng được liên kết với ba
kaya (ba thân) (xem chú thích 29).
26.
Tư thế bảy điểm của
Vairocana (TT. rNam-snang chos bdun):
(1) Chân xếp chéo trong tư
thế kim cương, chân phải ở trên chân trái.
(2) Hai bàn tay nắm lại
thành nắm đấm, với ngón tay cái ép vào gốc ngón thứ tư, được đặt trên
bắp đùi nơi khớp nối với xương chậu và khuỷu tay khi ấy được khóa chặt
lại. (Hai biến thể của tư thế này là đặt lòng bàn tay
ngửa lên, tay phải trên tay trái nơi chỗ trũng, với khuỷu tay hướng về
phía sườn, hoặc đặt cả hai
lòng bàn tay úp xuống, thư giãn, trên đầu gối.)
(3) Hai vai giương ra và
hơi ngả về phía trước.
(4) Xương sống cần giữ
thẳng, “giống như một cọc tiền vàng.”
(5) Cằm hơi gập xuống hướng
về cổ họng.
(6) Đầu lưỡi nên uốn cong
lên chạm vào vòm miệng.
(7) Mắt nên giữ bất động
tập trung vào một khoảng cách bằng bề rộng mười hai ngón
tay ở phía trước đầu mũi, không nháy mắt.
27.
Nước
có tám phẩm tính (TT. chu yan-lag brgyad ldan): Nước mát, ngọt, thanh,
dịu, trong,
tinh khiết, và làm dạ dày khó chịu cũng không làm đau cổ họng.
28.
Tám thức:
(1) Thức căn bản không có
tính quyết định và vô định hình, đã bị vô minh che chướng, nhưng không
có tính quyết định đối với thiện hạnh và ác hạnh.
(2-6) Thức liên kết với mỗi
một trong năm giác quan.
(7) Ý thức hay nhận thức về
các thức.
(8) Mạt na thức là thức bị
ô nhiễm chủ yếu là bởi các phiền não (Phạn. klesùas).
Sáu
thức đầu không tích tập nghiệp, trong khi hai thức sau thì có.
29.
Các kaya: Các phương
diện khác nhau của Phật Quả. Ta nhận ra hai, ba, bốn, hay năm kaya.
Hai
kaya: Dharmakaya (Pháp Thân), thân tuyệt đối; và Rupakaya (Sắc thân),
thân sắc
tướng.
Ba kaya: Dharmakaya hay thân
tuyệt đối ; Sambhogakaya (Báo Thân), hay thân hỉ lạc thiêng liêng; và
Nirmanakaya (Hóa Thân), hay thân hiển lộ. Các thân này tương ứng với tâm
ngữ, và thân của một vị Phật Giác ngộ và được biểu lộ như năm trí tuệ.
Bốn
kaya: Svabhavikakaya, hay thân cốt tủy, được thêm vào cho ba kaya và
tượng trưng cho tính bất khả phân của chúng.
Năm
thân: đối với ba kaya, người ta thêm vào Avikaravajrakaya, “Thân Kim
cương bất biến,” và Abhisambodhikaya, “Thân Toàn Giác.”
30.
Các trường phái và
dòng truyền thừa: Tám trường phái đầu được gọi là “tám thừa của dòng
thành tựu,” trong khi trường phái thứ chín là Geluk cũng được gọi là
Kadam Sarpa, Tân Kadam. Các chi tiết về tám thừa này có thể được tìm
thấy trong tuyển tập Damnga
Dzư (TT. gDams-ngag mdzod), trong đó các giáo huấn chính yếu của
tám dòng này đã được ngài Jamgưn Kong-trul Lodrư Thaye (’Jam-mgon
kong-sprul blo-gros mtha-yas) thâu thập lại thành mười tám quyển.
31.
“Xứ sở của Đấng Cao
Quý” (Phạn. Aryavarta) ám chỉ xứ Ấn Độ, được gọi như thế vì ở nơi đó Đức
Phật đã sống và thành tựu sự Giác ngộ.
32.
Tirthika nghĩa đen
là “những người cư ngụ trên bờ sông,” như nhiều nhà khổ hạnh
người Ấn Độ hoặc sống gần các bờ những con sông linh thiêng hoặc thường
đi
hành hương tới đó. Nói rộng ra, thuật ngữ này ám chỉ một người trung
thành với bất kỳ lý thuyết nào khác hơn là Phật Pháp.
33.
Ba lời nguyện (TT.
sdom gsum) :
(1) Các lời nguyện
pratimoksa liên quan tới tất cả các giới luật cư sĩ và tu sĩ về
hạnh kiểm đạo đức được Đức Phật
giảng dạy trong Luật.
(2) Các giới nguyện
bodhisattva (Bồ Tát) trong thực chất là ước nguyện phát triển,
nuôi dưỡng, và giữ gìn giới nguyện để hồi hướng mọi tư tưởng, lời
nói, và hành động của ta độc nhất vì lợi lạc của những người khác. Một
cách tương đối, các giới nguyện này có nghĩa là sự thực hiện lòng từ ái,
lòng bi mẫn, và sáu ba la mật, cuối cùng dẫn dắt tất cả chúng sinh tới
sự Toàn Giác.
(3) Các giới nguyện samaya
là các mối liên hệ có tính chất nghi lễ được tạo nên
khi một đệ tử phụng sự một Đạo Sư tâm linh và nhận từ ngài một lễ nhập
môn. Mặc dù có nói rằng có một trăm ngàn samaya trong Mật thừa, chúng
có thể được cô đọng lại thành các samaya liên quan với thân, ngữ, và tâm
của Guru.
34.
Bardo
hay “trạng thái trung gian” thường ám chỉ trạng thái và khoảng thời gian
xảy ra
giữa cái chết và sự tái sinh kế tiếp. Chính xác hơn, người ta có thể
nhận thức sáu bardo:
bardo ï sinh ra và đời sống, bardo thiền định, bardo giấc mộng, bardo
vào lúc chết, bardo bản tánh tuyệt đối, và bardo khi tìm kiếm một hiện
hữu mới.
35.
Thanh Văn và Phật Độc
Giác, “những bậc nghe” và “những đấng tự mình thành
Phật,” tạo thành Tăng đoàn hay cộng đồng của Tiểu thừa.
36.
Ba nơi
chốn hay các mặt phẳng trong không trung, trên mặt đất, và dưới lòng đất.
37.
Ở đây
cũng như ở chỗ khác, các bài kệ cốt lõi được bàn rộng nhờ luận giải do
Đức Dilgo Khyentse
Rinpoche ban cho.
38.
Năm bộ Phật: Pháp Thân,
trạng thái tuyệt đối, tự biểu lộ thành năm trí tuệ và năm bộ Phật – Phật
bộ, Kim Cương bộ, Bảo Sanh bộ, Liên Hoa bộ, và Nghiệp bộ – của Báo Thân,
thân vi tế của sự hỉ lạc thiêng liêng. Chỉ có chư Phật giác ngộ mới
hoàn toàn nhận thức được Báo Thân này.
Chư vị
Bồ Tát an trụ trong một
trong mười cấp bậc hay bhumi (địa) nhận thức được một phần.
39.
Mười hai nhánh giáo lý
:
(1) mdo-sde: Các kinh điển
trong đó ý nghĩa cô đọng (mdor-bsdus) được sắp xếp
thành các tiết đoạn (sde).
(2) dbyangs-bsnyad: trong
đó các giáo lý trước đây được trình bày trong một cách thức
rất
chi tiết và bằng văn xuôi, thì nay được tuyên thuyết (bsnyad) thành các
bài thi kệ (dbyangs).
(3) lung-bstan: trong đó
các tiên tri được ban cho liên quan tới các thời đại tương lai.
(4) tshigs-bcad: là loại
được viết thành kệ từ lúc đầu.
(5) chad-du brjod-pa: các
giáo lý được trình bày (brjod-pa) có chủ đích (chad-du)
để giữ gìn giáo thuyết, mà không có bất kỳ ai đặc biệt thỉnh cầu
chúng.
(6) gleng-gzh: trong đó các
giáo lý phức tạp được ban cho trên nền tảng (gzhi) của
một thuyết giảng (gleng) đã được ban cho như một giới luật theo sau
một vài hành động không đúng đắn do người nào đó mắc phạm.
(7) rtogs-brjod: trong đó
các câu chuyện được Đức Phật kể lại về những hành vi
đương thời do những người khác làm.
(8) de lta-bu byung-ba: ý
nghĩa đã xảy ra như vậy, trong đó thuật lại các câu chuyện
trong quá khứ.
(9) skye-rabs: trong đó
thuật lại những chuỗi (rabs) những sự sinh ra đời (skye)
trong quá khứ của Đức Phật khi Ngài là những vị Bồ Tát.
(10) shin-tu rgyas-pa:
trong đó các giáo lý rộng lớn và sâu xa được trình bày cực kỳ
chi tiết.
(11) rmad-byung: trong đó
trình bày các giáo lý kỳ diệu và phi thường chưa bao giờ
được tiết lộ trước đó.
(12) gtan la dbab-pa: trong
đó ý nghĩa của Luật và Kinh được thiết lập với sự chính
xác nhờ các phân loại
(rab-dbye) về các uẩn, các nguyên tố (đại), các chủ thể và đối tượng của
sự nhận thức, và các Pháp khác về luân hồi sinh tử; sự
mô tả (rnam-bzhag) các giai đoạn, con đường, các sự thiền định,
và các Pháp khác của con đường; sự liệt kê (rnam-grangs) về các kaya
(thân), các trí tuệ, và các Pháp khác về quả.
40.
Năm kaya: Xem chú
thích 29.
41.
Kama (TT. bKa’-ma): Sự
khẩu truyền dài, được truyền lại không đứt đoạn từ thời Đức Guru
Rinpoche. Nó bao gồm các sự thực hành chính, các nhập môn, giáo
huấn, và các luận giảng của truyền thống Nyingma. Trước tiên nó được tập
hợp thành một tuyển tập các giáo lý bởi Minling Terchen Gyurme
Dorje (cũng được gọi là Rigdzin
Terdak Lingpa; TT. Rig-’dzin gter-bdag gling-pa [1646-1714]),
vị tertưn và sáng lập vĩ đại của Mindroling (TT. smin grol gling) và đã
được trao truyền như thế mãi cho tới thời đại của chính chúng ta. Được
kể đến là dòng truyền thừa dài, so với dòng ngắn hay trực tiếp của Terma.
42.
Xem chú thích 30.
43.
Trekchư và thưgal (TT. khregs-chod và thod-rgal): Những thực hành về
việc cắt đứt tính
vững chắc của sự bám chấp và về cái thấy trực tiếp, hai thực hành này
liên quan tương ứng với sự thuần tịnh nguyên thủy (ka-dag) và sự thành
tựu tự nhiên (lhun-drup).
44.
Yeshe Lama (TT.
Yeshes bla-ma): Các giáo lý từ Longchen Nyingthig trình bày các
thực hành trekchư và thưgal.
45.
Bốn hoạt động (TT.
las-bzhi): Làm an định (tức tai), làm tăng trưởng (tăng ích), làm chủ (kính
ái), và làm hàng phục với sự phẫn nộ (hàng phục).
LỜI CẢM TẠ
Các giáo
lý này được Đức Dilgo Khyentse Rinpoche giảng dạy vào mùa xuân năm 1985
tại Tu viện Shechen Tennyi Dargyeling, Kathmandu, Nepal, theo khẩn cầu của
Daniel Staffler, Chris và Constance Gianniotis, nhằm làm sáng tỏ việc thực
hành của họ. Các giáo lý được ban giảng cùng những lễ quán đảnh cho giáo
khóa trọn vẹn của truyền thống Longchen Nyingthig mà Đức Dilgo Khyentse
đang trao truyền tại Tu viện Shechen.
Chúng
tôi xin cảm tạ tất cả các Pháp hữu đã rộng lượng khi cộng tác trong việc
ghi chép và biên tập những giáo lý này. Bài dịch ghi âm được S. Lhamo ghi
lại; dịch giả biên tập sơ lược và cuối cùng được hoàn chỉnh bởi Michael và
Phyllis Friedman, Ani Ngawang Chodron, Daniel Staffer, và Larry
Mermelstein.
.......
“Guru (Đạo Sư) giống như một viên ngọc như ý ban tặng mọi phẩm tính của sự
chứng ngộ, một
người cha và bà mẹ dâng hiến tình thương của mình cho mọi chúng sinh, một
con sông lớn của lòng bi mẫn, một ngọn
núi vượt lên trên những bận tâm thế tục và không bị lay động bởi
những ngọn gió cảm xúc, và như một đám mây lớn chứa đầy mưa làm dịu mát
những dày vò của dục vọng. Tóm lại,
ngài ngang bằng với tất cả chư Phật. Thiết lập mối quan hệ với ngài,
dù là nhìn thấy ngài, nghe giọng nói của ngài, tưởng nhớ tới ngài, hay
được tay ngài xúc chạm, sẽ dẫn dắt chúng ta tới sự giải thoát. Hoàn toàn
tin tưởng nơi ngài là con đường chắc chắn để tiến tới sự giác ngộ. Sự nồng
ấm của trí tuệ và đại bi của ngài sẽ nấu chảy quặng mỏ ở con người chúng
ta và lấy ra được chất vàng ròng của Phật tánh trong đó.
Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, lòng sùng mộ đối với Đạo sư tâm
linh và đức tin trọn vẹn nơi
ngài được coi là tối cần thiết trong việc đạt được giác ngộ. Dựa trên các
giáo lý của bậc thánh và vị thấu thị vĩ đại Rigdzin Jigme Lingpa vào thế
kỷ mười tám, các giáo huấn của Dilgo Khyentse trong quyển sách này nhắm
vào các thực hành sùng mộ của Guru Yoga, “hòa lẫn với Tâm Đạo Sư.”
Đức Dilgo Khyentse Rinpoche, sinh ở miền đông Tây Tạng năm 1910, là một
thiền sư và học giả cao cấp
tôn kính, một trong những bậc Thầy lỗi lạc nhất của dòng Nyingma thuộc
Phật giáo Tây Tạng.
Ngài cũng là cố vấn tâm linh cho hoàng gia Vương quốc Bhutan.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/ngoc_nhu_y.htm
|
|