Chagme Rinpoche
Nếu bạn hỏi ta tham dự vào việc
lắng nghe, suy niệm và thiền định về giáo lý như thế nào thì câu trả lời
là ta cần làm những điều đó không chỉ vì lợi ích của ta, nhưng bởi lợi lạc
của tất cả chúng sinh. Như vậy bạn phát triển Bồ Đề tâm ra sao? Trước hết
bạn thiền định về lòng từ ái, và sau đó là lòng bi mẫn. Làm thế nào bạn
biết là mình có Bồ Đề tâm hay không? Người không phân biệt giữa bạn và
thù, người ấy có Bồ Đề tâm. Điều này rất khó khăn đối với người mới bắt
đầu, bạn nghĩ thế phải không? Vậy tại sao khó khăn? Từ vô thủy chúng ta đã
bám chấp vào ý niệm sai lầm của cái tôi và đã lang thang suốt trong sinh
tử.
Rốt cuộc vào lúc này, cho dù
bạn thiền định về Bồ Đề tâm nhưng nó không dễ dàng phát khởi. Vậy ta làm
thế nào để có thể phát triển Bồ Đề tâm? Nó giống như việc nuôi con. Bạn
bắt đầu bằng cách cho chúng thức ăn mềm, dễ tiêu. Khi lần đầu tiên ngài Xá
Lợi Phất phát triển Bồ Đề tâm, một người đàn ông đã hỏi xin nhãn cầu (mắt)
của ngài. Xá Lợi Phất trao nó cho ông ta và người đàn ông để nó trên mặt
đất rồi đạp lên. Khi Xá Lợi Phất hỏi lý do tại sao thì ông ta nói khi đạp
lên một nhãn cầu, nó tạo nên một âm thanh thật hay. Vì thế thay vì phát
triển Bồ Đề tâm Xá Lợi Phất đã quyết định đi theo con đường Thanh Văn.
Jigten Sumgon nói rằng khi bạn thực hành tonglen bạn không nên lập tức
nhảy vào phòng tuyến cuối cùng. Khi thực hành tonglen ta nhận vào mình
bệnh tật, đau khổ, và sự bất hạnh của những người khác và hiến tặng họ
hạnh phúc của ta. Tonglen là như thế. Nếu chúng ta thực hành tận đáy lòng
mình thì sẽ xảy ra việc ta có thể nhận bệnh tật của những người khác vào
mình. Nếu điều này xảy ra và bạn đã đi quá nhanh, bạn có thể hối tiếc việc
thực hành, nó sẽ bị uổng phí. Khi ấy mọi lợi ích của việc thực hành của
bạn sẽ mất đi.
Vì thế khi nào là lúc thích hợp
để bắt đầu thực hành tonglen? Nếu bạn biết tâm bạn sẽ không xao động cho
dù kinh nghiệm tiêu cực nào xuất hiện thì bạn nên thực hành tonglen. Những
người mới bắt đầu nên thực hành tonglen như thế nào? Họ có thể nhìn thấy
nỗi khổ của những người khác, có lòng bi mẫn và sự cảm thông đối với họ và
cầu nguyện cho họ. Những lời cầu nguyện này có thể có rất nhiều năng lực.
Chỉ ngồi xuống và nói rằng bạn đang thực hành tonglen thì không đủ. Nó đòi
hỏi một tâm thức kiên cố để có đủ năng lực hoàn thành thực hành này. Nếu
bạn khao khát mang lại lợi ích cho người khác thì những lời cầu nguyện của
bạn sẽ thành công. Nhưng nếu bạn thiếu sự nhất tâm thì những lời cầu
nguyện ấy không có lợi lạc.
Như vậy chúng ta phát triển Bồ
Đề tâm ra sao? Tôi đã giảng điều này trước đây vì thế nó đã trở nên quen
thuộc. Đức Phật đã dạy rằng bạn có thể bắt đầu thực hành sự rộng lượng (bố
thí) bằng cách chuyển vật nào đó từ bàn tay này sang bàn tay kia. Bạn có
thể bắt đầu bằng cách biếu tặng những vật không có giá trị lớn, như cho đi
những rau trái úa vàng. Nếu bạn đi từng bước một thì sự bố thí của bạn sẽ
càng lúc càng phát triển. Jigten Sumgon nói rằng trước khi bạn củng cố tâm
bạn thì bạn không thể nào hiến tặng thân thể bạn. Một vài truyền thống nói
bạn nên bắt đầu với pháp tonglen và cho đi càng nhiều càng tốt trong khả
năng của bạn. Nhưng nếu bạn thực hành con đường từng bước một thì bạn sẽ
thấy rằng bạn không thể bắt đầu với tonglen hay hiến tặng thân thể bạn.
Nếu chúng ta tham dự vào việc bố thí từng bước một bằng cách cho đi những
rau trái úa vàng thì ta sẽ đạt tới chỗ có thể hiến tặng thân thể ta. Vào
lúc đó bạn sẽ không tham luyến thân thể hơn những rau trái úa vàng. Nếu
bạn đạt tới chỗ này thì bạn có thể dấn mình vào việc bố thí thân thể.
Khi bạn tham dự vào những thực
hành này tâm bạn trở nên trong sáng và bạn đạt tới chỗ không có đau khổ.
Vào lúc này việc chặt đứt chân tay sẽ không làm bạn đau khổ. Một tu sĩ
hiến tặng thân thể mình trong khi thực hành. Trời Đế Thích hỏi ông có hối
tiếc điều gì không. Tu sĩ trả lời: “Không, bởi tôi không tham luyến. Và
nhờ năng lực của sự thiền định của tôi, tôi có thể thay thế chân tay tôi
bằng những lời cầu nguyện.” Có một lần Jigten Sumgon mắc bệnh cùi rất
nặng. Ngài nói rằng ngài không quan tâm tới cái chết nhưng chết vì một
bệnh tật kinh hãi như thế làm ngài buồn bã. Sau đó ngài thiền định về lòng
bi mẫn và nhận ra rằng bệnh tật của riêng ngài thì thật nhỏ bé nếu so sánh
với những đau khổ của tất cả chúng sinh. Ngài bắt đầu thiền định vào buổi
sáng khi những thú vật được đưa tới cánh đồng cỏ. Vào buổi tối khi đàn thú
trở về thì ngài đã thành tựu một lòng bi mẫn không thể bị lay chuyển đối
với tất cả chúng sinh và được chữa lành bệnh. Đó là điều được nói tới
trong tiểu sử bí mật của ngài. Trong tiểu sử thông thường của ngài có nói
rằng ngài được chữa khỏi bệnh trong ba ngày, bởi ngài nghĩ rằng mọi người
sẽ không tin ngài nếu ngài nói ngài lành bệnh trong một ngày. Khi ta bắt
đầu thiền định về lòng bi mẫn, trước hết ta nên phát triển lòng bi mẫn đối
với bà mẹ của ta trong đời này. Tôi đã giảng cách nhớ lại thiện tâm của bà
mẹ của ta trong những bài giảng trước đây.
Vào lúc bắt đầu ta cần có giáo
huấn của Lạt Ma của chúng ta, cần đọc Kinh điển và lắng nghe giáo lý.
Nhưng chỉ nghiên cứu thì không đủ. Những gì chúng ta học cần được cất giữ
trong tâm ta. Nếu bạn thiền định về việc bà mẹ của bạn quý báu ra sao thì
bạn sẽ cảm nhận được điều đó từ tận đáy lòng bạn. Nếu bạn không thực hành
thì giả sử có ai xuất hiện và phê bình mẹ bạn, bạn có thể bị lung lay bởi
ý kiến đó. Đó là bởi tâm bạn không kiên cố. Bạn cần thiền định từng bước
một, bắt đầu với những thành viên trong gia đình bạn. Vậy chúng ta đang nỗ
lực để đạt tới cái gì? Để tới một thời điểm khi ta không thể phân biệt
được ai là kẻ thù và ai là bằng hữu của ta. Vào lúc đó có thể nói rằng bạn
thực sự có Bồ Đề tâm.
Từ tiểu sử của Jigten Sumgon
chúng ta có thể thấy được năng lực của Bồ Đề tâm. Nó là cội gốc của 84.000
Pháp môn. Nếu bạn không có Bồ Đề tâm, cho dù bạn thực hành điều gì thì bạn
cũng không thể giác ngộ. Năng lực của Bồ Đề tâm thật vĩ đại. Không gian
không thể bị cạn kiệt, nhưng năng lực của thần chú thì còn vĩ đại hơn thế.
Sức mạnh đứng sau thần chú là Bồ Đề tâm. Có một câu chuyện về một pháp sư
có năng lực vĩ đại bằng cách sử dụng thần chú và trở nên thật giàu có và
nổi tiếng. Những vị pháp sư có thể dùng năng lực của các thần chú để gây
tổn hại cho những người khác. Có một lần ông ta bao quanh một torma ba
vòng xích và bằng năng lực của việc trì tụng thần chú, ông làm đứt tung
sợi dây xích. Nhưng bởi vị pháp sư này không có Bồ Đề tâm nên ông bị tái
sinh làm một con cá lớn trong một cái hồ. Tất cả đệ tử của ông bị sinh làm
những con cá nhỏ ăn thịt con cá lớn. Vì sao xảy ra điều này? Nếu bạn chỉ
phán đoán từ quan điểm thực hành các sadhana thì ông ta đã thực hành Pháp,
nhưng ông không có Bồ Đề tâm, vì thế ông ta rớt xuống con đường lầm lạc.
Tất cả những yoga và tantra đều có những năng lực vĩ đại, nhưng nếu bạn
không có Bồ Đề tâm thì nó giống như những thực hành của một truyền thống
phi-Phật Giáo. Nếu bạn không có thời gian để ngồi xuống và thiền định về
Bồ Đề tâm, bạn có thể thực hành nó trong đời sống hàng ngày của bạn. Nếu
bạn làm việc với ước muốn giúp đỡ những người khác, bạn có thể phát triển
Bồ Đề tâm theo cách này.
Chúng ta không thành tựu Phật
Quả là bởi ta bám chấp vào một cái “tôi.” Cách đối trị siêu việt cho điều
này là Bồ Đề tâm. Bằng cách thực hành Bồ Đề tâm, sự bám chấp của ta càng
lúc càng bớt đi. Sự đau khổ xuất phát từ việc bám chấp vào một cái ngã.
Nhờ thực hành Bồ Đề tâm sự chấp ngã này giảm bớt. Nguồn mạch của hạnh phúc
là Bồ Đề tâm. Khi chúng ta có sự may mắn và tiện nghi, ta nghĩ rằng ta
hạnh phúc. Nhưng đây không phải là hạnh phúc bởi những hoàn cảnh của ta có
thể thay đổi. Nhưng nếu ta có Bồ Đề tâm thì hạnh phúc của ta sẽ tồn tại từ
đời này sang đời khác.
Bây giờ chúng ta sẽ có những
câu hỏi.
Hỏi: Chúng con có thể tu hành
tâm thức ra sao để tâm không bị ảnh hưởng bởi những
nỗi khổ và những vấn đề của thân xác?
Đáp: Thân thể chúng ta là kết
quả của những hành động trước đây của ta và tâm ta
phụ thuộc vào chúng. Tư tưởng “tôi mệt” do tâm tạo ra. Khi ta già đi, ta
mắc bệnh và ta nghĩ “Tôi đau yếu,” điều này làm những đau khổ của ta tăng
trưởng. Bởi ta bám chấp vào những kinh nghiệm, ta phóng đại những nỗi khổ
của ta. Nếu một hành giả không bị tác động bởi những tư tưởng này thì họ
sẽ không đau khổ. Một tu sĩ trong tu viện của tôi mất vào năm 88 tuổi,
nhưng khỏe mạnh cho tới lúc mất. Hai tháng trước đó ông nói: “Hôm nay là
một ngày lành.” Ông dùng bữa và qua đời. Những hành giả cao cấp này không
bị rơi vào sự thống trị của thân thể họ. Khi tôi đang nhập thất ở Ấn Độ
thì một ni cô mất. Chúng tôi đưa cô vào bệnh viện và cô rất an định và
nói: “Nếu chết thì chết.” Cô giải tán mọi người, ngồi thẳng lên và thị
tịch. Nếu chúng ta có một thực hành mãnh liệt ta sẽ không quên nó khi chết
và nhờ đó ta làm chủ được những đời sau của ta.
Hỏi: Trong tonglen nếu có ai
nhận lãnh bệnh ung thư của người khác thì họ có cảm
nhận sự đau đớn của bệnh ung thư đó không?
Đáp: Khi thích hợp để thực hành
tonglen, bạn sẽ nhận đau khổ của những người khác.
Nhưng nếu bạn đã phát triển Bồ Đề tâm, tâm bạn sẽ có sự tự do, tự chủ và
bạn sẽ kiên trì trước nỗi khổ đau. Bạn có thể bị đau khổ và bệnh tật dữ
dội xuất phát từ thực hành này. Ví dụ như khi Milarepa bị đầu độc, người
làm điều đó yêu cầu được nhận nỗi đau đớn của ngài. Milarepa nói: “Ông
không thể chịu đựng nổi điều đó. Tôi sẽ chỉ cho ông một phần của nó.” Chỉ
sau vài phút ông ta xin ngài thu hồi sự đau đớn ấy. Ông ta sám hối và ăn
năn về hành động của mình.
Hỏi: Thầy thuốc Tây Tạng có sử
dụng tonglen?
Đáp: Tôi đoán là một số vị có
sử dụng. Jigten Sumgon đã dạy rằng đó là một cơ hội
đúng đắn cho thực hành này.
Hỏi: Sự đau đớn có thể xuất
hiện với một bác sĩ chỉ bởi lòng bi mẫn của họ đối với
bệnh nhân?
Đáp: Nếu bạn không thiền định
về tonglen, bạn sẽ không nhận nỗi khổ của người khác
một cách tự nhiên. Nếu điều này xảy ra khác đi, nó là kết quả của nghiệp
của bạn. Nhưng bạn có thể thực hiện những sự cầu nguyện và nguyện ước khi
bạn bị bệnh và bao gồm cả chúng sinh khác trong lời cầu nguyện của bạn.
Có hai loại thiền định: thiền
định phân tích (vipashyana, quán) và thiền định an tĩnh (shamatha, chỉ.)
Với thiền định phân tích chúng ta xem xét quan điểm Trung Đạo, nhìn những
đối tượng và xem xét bản tánh của chúng. Đây là một phương pháp để chứng
ngộ tánh Không. Thiền định an tĩnh được phân chia thành thiền định có sự
hỗ trợ và thiền định không có sự hỗ trợ. Khi ta thiền định có sự hỗ trợ,
ta có thể sử dụng bất kỳ điều gì thích hợp với ta, như một cây gậy hay một
hòn đá. Hoặc ta có thể dùng một tượng Phật và tập trung vào sợi lông giữa
cặp lông mày của Ngài. Sau đó ta kiểm tra xem sự chú tâm của ta có đi
trệch khỏi điểm này không. Trước tiên tâm bạn sẽ lang thang, nhưng nó
không thành vấn đề. Đây là bởi ta đang nhận ra rằng tâm ta không yên tĩnh.
Điều tương tự như thế cũng xuất hiện trong đời sống hàng ngày của ta nhưng
ta không ý thức về nó. Như thế nếu tiếp tục thực hành tâm ta sẽ có thể an
trụ trên đối tượng thiền định. Khi bạn có thể làm điều này, bạn nên thực
hành thiền định không có sự hỗ trợ. Khi tâm bạn có thể thiền định mà không
có ý niệm, mọi loại kinh nghiệm hỉ lạc sẽ xuất hiện trong thân bạn. Một
vài người nói rằng điều này rất kỳ diệu và ước muốn an trụ trong đó. Một
số người có thể an trụ trong trạng thái hỉ lạc này bao lâu theo ý muốn của
họ. Nhưng đây không phải là mục đích của việc thiền định, và bạn không nên
bám chấp vào điều đó. Nếu bạn không dính mắc vào sự hỉ lạc, bạn sẽ có kinh
nghiệm về sự trong sáng của tâm. Sau đó bạn sẽ có những kinh nghiệm về sự
vô niệm, ở đó bạn thấy toàn bộ sinh tử là tánh Không.
Thuật ngữ chỉ sự thiền định
trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là thâu hoạch những kinh nghiệm. Nói mọi sự
trống không thì không đủ. Sự thực hành đòi hỏi phải nhận ra nó. Một số
người bị lạc trong cái thấy đức hạnh và ác hạnh đều không hiện hữu. Bởi
cái thấy này họ thâu nhận rất nhiều ác hạnh. Vì thế bây giờ chúng ta sẽ
thực hành shamatha trong năm phút. Nếu thân bạn khỏe mạnh thì tốt nhất là
ngồi trong tư thế bảy điểm. Nhưng vấn đề là đừng bị dính mắc trong tư thế,
nó có thể hoàn toàn thư thản. Nó giống như việc cắt đứt sợi dây cột một bó
cỏ. Bó cỏ nằm yên khi rơi xuống. Hãy để thân và tâm bạn tự nhiên và thư
dãn.
Trước đây chúng ta đã nói về
lòng từ ái và bi mẫn. Có một mối liên kết giữa lòng từ ái và bi mẫn với
thiền định shamatha không?
Nyima đã trả lời: “Nếu bạn
không nuôi dưỡng Bồ Đề tâm thì khi bạn cố gắng thiền định tâm bạn sẽ ngập
đầy những cảm xúc tiêu cực.” Pete đã nói rằng: “Khi bạn thực hành shamatha
tâm bạn rộng mở và bạn bi mẫn một cách tự nhiên.” Michael nói rằng: “Khi
bạn thấy tánh Không và nhận ra rằng những người khác không thấy và đau khổ
vì điều đó, tâm bạn tự nhiên phát triển lòng bi mẫn đối với họ.”
Như thế tất cả các bạn có một
vài kinh nghiệm thiền định. Giống như các bạn đã đề cập, có hai loại Bồ Đề
tâm, là Bồ Đề tâm tương đối và tuyệt đối. Tánh Không là Bồ Đề tâm tuyệt
đối. Điều quan trọng nhất là vị Lạt Ma có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng
sinh. Khi đã chứng ngộ tánh Không, Lạt ma cảm thấy lòng bi mẫn đối với
chúng sinh không chứng ngộ nó. Lòng bi mẫn và tánh Không thì bất khả phân.
Nếu ta nghĩ rằng ta không phải lo lắng về hành động (hạnh) sau khi chứng
ngộ tánh Không, thì điều đó không đúng. Nếu bạn muốn xác định một người có
chứng ngộ tánh Không hay không, hãy xem họ nói về nhân và quả ra sao. Nếu
họ đã chứng ngộ tánh Không, họ nói về điều đó rất thận trọng. Jigten
Sumgon đã nói rằng nếu bạn tham gia vào ác hạnh, thì ngay cả một Bồ Tát
thập địa cũng sẽ phải chịu nhân quả. Vấn đề chính là nhận ra sự hợp nhất
của tánh Không và lòng bi mẫn.
Những gì bạn đã nói thì tốt
đẹp. Nó tốt đẹp đối với việc nghiên cứu Pháp, nhưng sau đó bạn phải đặt
tâm bạn trong sự quân bình thiền định. Pháp rất quý báu. Đức Phật Thích Ca
Mâu Ni đã nói về việc nghe một câu kệ thì quý báu ra sao. Trong một đời
trước Đức Phật đã cúng dường thân Ngài như một ngọn đèn để được nghe một
câu kệ duy nhất. Trong tiểu sử của Tilopa và Milarepa có nói về việc các
ngài coi Pháp quý báu ra sao. Nó quý báu bởi nếu ta thực hành thì ta cũng
thành công như thế. Tilopa nói: “Giáo lý của ta chỉ quý báu nếu con thực
hành nó.” Khi bạn thấu hiểu sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn thì
nếu có ai hỏi mua nó, họ sẽ không thể mua được cho dù trả bao nhiêu chăng
nữa. Nhưng với sự thực hành bạn có thể tạo ra nó cho bản thân bạn.
Tất cả chúng ta đều nói ta muốn
hạnh phúc. Nếu có người phát khởi Bồ Đề tâm, họ sẽ giúp đỡ chúng sinh dù
trong tình huống nào và những người khác sẽ hài lòng về họ. Nếu có ai
nghèo khổ nhưng có lòng từ ái và bi mẫn, họ sẽ không có những vấn đề tinh
thần bất kể hoàn cảnh nào. Nếu bạn có lòng từ ái và bi mẫn thì nếu bạn gặp
một kẻ thù bạn sẽ thích thú vì có cơ hội thực hành Bồ Đề tâm.
Như thế chúng ta đã có được
thân người quý báu này với những sự tự do và phú bẩm của nó và đã gặp và
có một cơ hội để thực hành Pháp. Việc đạt được thân người này là một kết
quả của sự tích tập công đức và trí tuệ trong nhiều đời. Khi chúng ta nói
về tantra, là giáo lý mang lại sự Giác ngộ trong một đời người, nếu không
làm việc cực nhọc trong nhiều đời trước thì chúng ta không gặp được tantra
hay nếu chúng ta có gặp thì ta cũng không có niềm tin và lòng sùng mộ đối
với nó. Vì thế chúng ta đã trải qua nhiều đời tích tập công đức và trí
tuệ. Có thể chúng ta được sinh ra vào thời này để truyền bá Giáo Pháp tại
Mỹ. Trước khi có Phật Giáo ở Tây Tạng, nhiều vị đã tái sinh ở Tây Tạng để
Phật Giáo có thể phát triển ở đó. Cùng cách thế đó, trong những đời trước
của ta, hẳn chúng ta đã từng lập những ước nguyện và phát triển nghiệp
khiến ta có thể gặp nhau ở đây. Nếu các bạn lấy tôi làm một ví dụ thì tôi
rời Tây Tạng bởi có một nạn đói sau khi người Trung Quốc tới đó. Vào thập
niên 1980 tôi cảm thấy Giáo Pháp quý báu nên tôi đi Ấn Độ để thực hành.
Điều đó rất nguy hiểm nhưng tôi đã thành công, nhờ đó tôi có thể thực
hành. Khi rời Tây Tạng tôi không có kế hoạch đi Mỹ, tôi hoàn toàn bị
nghiệp mang đi.
Hỏi: Ngài có thể giảng về những
sự cúng dường torma cho những tinh linh địa phương?
Đáp: Có nhiều loại sự vật chúng
ta cúng dường cho những tinh linh này. Đó là những
sự cúng dường khói, những sự cúng dường torma đặc biệt, những sự cúng
dường sur (thịt) trắng và đỏ. Sự cúng dường sur đỏ chỉ được thực hiện bởi
các Lạt Ma cao cấp. Có những sự cúng dường serkyim.
Hỏi: Ngài muốn nói gì khi nói
chúng ta nên có niềm tin ở Pháp?
Đáp: Có những loại niềm tin
khác nhau. Đó là niềm tin trong sáng, niềm tin mong mỏi
hay khát khao, và niềm tin xác quyết. Niềm tin quan trọng nhất là niềm tin
xác quyết. Trước hết chúng ta phải phân tích xem Pháp nó có ích lợi hay
không. Nó giống như việc bạn kiểm tra vàng khi đi mua vàng. Sau khi kiểm
tra bạn có sự xác tín rằng nó là vàng. Cùng cách thế đó, sau khi khảo sát
bạn quyết định là Pháp thật ích lợi. Đây là niềm tin xác quyết.
Hỏi: Ngài có thể giảng làm thế
nào chúng con có thể mang sự thực hành theo mình
vào công việc?
Đáp: Nói chung thì lý do chính
khiến chúng ta làm việc là tiền bạc. Nhưng khi ta đi tới
sở làm, ta nên cố gắng hoàn thành mục đích của ông chủ của ta và ta nên
làm điều này một cách chân thành không giả dối. Một vài ông chủ tốt lành
và một số thì không. Cho dù ông chủ của bạn không tốt nhưng nếu bạn duy
trì thiện tâm này thì bạn sẽ chuyển hóa được ông ta. Chúng ta không nên
phê bình những người khác, đó là điều chỉ mang lại những đau khổ, mà hãy
hành động khiến ta có thể chuyển hóa thái độ của họ. Nếu có ai làm hại
bạn, bạn nên thực hành nhẫn nhục ba lần. Khoảng 90% những trường hợp đó
người khác sẽ bị ấn tượng. Nhưng số còn lại thì họ sẽ không thay đổi thái
độ. Sau lần thứ ba, hãy lên tiếng. Một vài người bị tràn ngập bởi những
cảm xúc phiền não và không thể sửa đổi.
Hỏi: Người ta nói suốt ngày:
“Tôi thích cái này..,” điều đó chỉ làm tăng thêm tánh ích
kỷ (chấp ngã) của riêng ta. Ngài xử sự ra sao với việc này?
Đáp: Chúng ta cần có lòng bi
mẫn. Bạn hiểu vấn đề chấp ngã, nhưng họ thì không.
Hãy cố gắng nhẫn nhục ba lần. Nếu ta không nhẫn nhục thì sự tiêu cực của
người khác còn tác hại hơn nữa trong chúng ta và ngược lại.
Khi ta thực hành Pháp, ta cần
lập đi lập lại nhiều lần. Cuối cùng thì tâm bạn sẽ trở nên vững chắc.
Chúng ta phải làm cho quen thuộc với tâm. Nếu ta không làm thế thì những
cảm xúc phiền não sẽ nhập thất cùng chúng ta. Nếu thực hành ta sẽ gặp Bổn
Tôn của ta trong ẩn thất. Nếu những niệm tưởng và phiền não của ta mạnh mẽ
thì trong ẩn thất những tư tưởng của ta sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ hơn. Trong
ẩn thất ta sẽ nhìn thấy những người chúng ta không thích và họ sẽ trò
chuyện với ta, mặc dù đây chỉ là một phóng chiếu của tâm. Tôi có biết một
thiền giả có thể sống trong ẩn thất mà không cần tới thực phẩm. Nhưng bởi
ông sân hận người Trung Quốc nên việc thực hành Pháp của ông không vững
chắc và ông mắc bệnh. Ông nói hiện nay các gián điệp Trung Quốc ở khắp mọi
nơi, họ vào nhà chúng ta vào ban đêm khi ta ngủ. Vấn đề chính là không kẻ
thù nào có thể làm hại ta trong từng giây phút bởi họ có cuộc đời của họ.
Nhưng những cảm xúc phiền não của ta làm hại ta trong mọi lúc, ngay cả
trong những giấc mộng khi chúng ta ngủ./.
Nguyên tác: “Cultivating
Bodhicitta”
by Chagme Rinpoche
http://buddhism.inbaltimore.org/bodhicitta.html
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/