- Bức thông điệp từ
con người của Đức Phật
- Thích Trí Chơn
A. Lời
nói đầu
Cuộc đời hoằng pháp của Đức
Thích Ca được nhân loại chiêm ngưỡng, khảo nghiệm dưới nhiều góc độ:
giải thoát học, tôn giáo học, khoa học, triết học, sử học... Song, tất
cả đều có chung một mẫu số rằng: "Suốt 25 thế kỷ qua, Đức Phật,
người sáng lập ra đạo Phật, luôn được coi là một trong những nhà tư
tưởng vĩ đại nhất của nhân loại".
Bằng tuệ giác siêu việt đạt
được trong đêm hành đạo, Đức Phật trải gót khắp xứ Ấn Độ, đem
hạt giác ngộ gieo khắp "đất tâm", muốn tất cả chúng sanh đều
được giác ngộ như chính Ngài. Và chẳng bao lâu, hoa trái giác ngộ rộ nở
khắp nơi, tạo thành vườn đạo lý hiện hữu sinh động giữa cuộc đời
và liên tục phát triển trên khắp năm châu cho đến ngày nay.
B. Nội dung khái
quát về Đức Phật
Sống giam mình trong ngục thất
vàng ngọc, và bị ràng buộc bởi tình ái thê nhi, Thái tử Siddhattha (Sĩ
Đạt Đa) vẫn không có được chút thảnh thơi, an lạc. Cuộc sống luôn bị
rình rập bởi già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não; chàng quyết định
từ bỏ vinh hoa phú quý, làm vị Sa môn vô gia cư để tìm đường giải
thoát, cứu mình và nhân xưng.
Gần một năm theo học với hai đạo
sĩ Alara Kalama, lãnh đạo phái Samkhya ở thành Vesali (Phệ Xá Ly) và với
Uddaka Ramaputta, lãnh tụ phái Yoga (Du già) tại kinh đô Rajagaha (Vương Xá),
Sa môn Gotama đã quán triệt tất cả những gì hai đạo sĩ đạt được,
nhưng Ngài không thỏa mãn; vì cho rằng chúng chưa phải là quả vị giác
ngộ tối thượng. Ngài quyết định từ bỏ hai đạo sĩ, sau đó cùng với
5 đệ tử của Uddaka là Kondanna, Bhaddya, Vappa, Mahanama và Assaji xuôi về
Nam, đến Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) lập cứ tu hành. Cuộc tìm kiếm chân lý
trên đường khổ hạnh kéo dài sáu năm, kết quả cũng chẳng có gì ngoài
những cảm giác đớn đau, kiệt sức, ngất xỉu.... Ngài một lần nữa chối
bỏ pháp tu (khổ hạnh) vô nghĩa và "tự mình thắp đuốc lên mà
đi".
Sau 49 ngày đêm tư duy thiền quán dưới
cội cây Assatha, và một đêm, khi sao mai vừa ló dạng, tuệ giác siêu việt
bừng sáng nội tâm, Sa môn Gotama chứng Vô thượng Chánh đẳng giác
(Anuttara samma samboddhi), được trời, người cung kính với 10 tôn hiệu: Ứng
Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng
Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nhận lời thỉnh
cầu của Phạm Thiên Sahampati (Tự Tại Thiên), Thế Tôn rời cội bồ đề,
bắt đầu cuộc hành trình dài 45 năm, truyền bá đạo giác ngộ.
Hình ảnh một Thái tử sống trong
nhung lục với vợ đẹp, con xinh, nhận thức được sự thật cuộc đời,
vượt thành xuất gia làm Sa môn, khổ hạnh, cuối cùng tự tu, tự chứng
ngộ, nắm được quy luật vận hành của vũ trụ-nhân sinh, đã trở thành
thiên sử kỳ diệu vô tiền khoán hậu trong lịch sử tôn giáo của nhân
loại. Thiên sử ấy là bản hùng ca, là khúc khải hoàn trác tuyệt vang vọng
trong sự sống suốt gần 3 thiên kỷ nay với những cung bậc đầy âm điệu,
vừa nhân thế, vừa siêu thế qua các điểm dưới đây.
I. Ý nghĩa thành
đạo:
1. Thế Tôn - bậc Thánh khai sáng đạo
Phật - là một người như bao nhiêu con người, tự giác ngộ chân lý, rồi
đem sự giác ngộ ấy dạy lại cho con người. Ngài không phải là Thượng
đế, thiên sứ hay thần linh ở một thế giới xa xăm nào xuất hiện giữa
cuộc đời. Đức Phật dạy, nếu ai hiểu một cách chân chính về Ngài
thì hãy hiểu rằng, Ngài là vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời
vì hạnh phúc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích,
vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người (Trung Bộ I, kinh số
4, Tr.53). Chân lý được Thế Tôn chứng ngộ, do đó, cũng ở ngay trong thế
giới (hơn 5 tỷ người) này. Chân lý đó là những quy luật vận hành của
vũ trụ-nhân sinh (định lý Duyên khởi - Paticcasamuppada). Nó tồn tại
khách quan trong sự sống, Đức Phật dù xuất hiện hay không xuất hiện
ở đời, nó vẫn luôn vận hành như vậy (Tương Ưng Bộ kinh II, Chương I,
phẩm 2, tr.51). Định lý này thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch
tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu; chỉ có người trí mới hiểu
thấu (kinh Trường Bộ I, số 13, tr.486).
2. Với ý nghĩa đó, Đức Phật là
người "thấy" được chân lý mà không phải tạo dựng ra chân
lý. Ngài cực lực phản đối những luận điệu cho rằng ngài là người
sáng tạo ra một học thuyết. Tỳ kheo Sunakkhatta là người mắc phải sai lầm
nghiêm trọng này khi phát biểu giáo lý của Đức Phật được hình thành
là do quá tình suy tư, phán đoán, suy luận, mường tượng rồi sau đó kiểm
nghiệm, phổ biến và thuyết giảng. Và tất nhiên, Đức Phật đã cải
chính sự hiểu biết sai lệch này (Trung Bộ I, kinh số 22, tr.161).
3. Sống trong sự hưởng thụ dục
lạc (khi còn ở cung) không có hạnh phúc chân thật, nhưng ép sát khổ hạnh
(lúc tu với 5 anh em Kondanna) cũng chẳng được an vui. Từ bỏ hai cực đoan
này, thực hành Bát chánh đạo, Thế Tôn tìm được an lạc trên con đường
này. Và đây cũng là Trung đạo đưa đến sự chứng ngộ tối thượng
(Trung Bộ I, kinh số 9, tr. 111; Tương Ưng 4, chương 8, tr.518).
4. Từ bỏ hai đạo sĩ thời danh và
5 người bạn đồng tu để "tự mình thắp đuốc lên mà đi", là
bài pháp thân giáo sinh động, thể hiện sự tự tu, tự chứng ngộ của bậc
Đạo Sư, cho chúng ta đang tiến bước trên lộ trình giải thoát giác ngộ.
Ngài luôn dạy đừng giao phó thân mạng, tư tưởng, lý tưởng, mục đích
sống cho bất cứ ai chủ thuyết nào, ý hệ nào dù chúng đã trở thành
truyền thống, tập tục; vì chỉ có mình là chủ nhân tác nghiệp, tạo
nên khổ đau hay hạnh phúc. Từ kinh nghiệm tu chứng bản thân, Đức Phật
dạy các đệ tử hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương
tựa nơi chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn
đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ có nương tựa một gì
khác (Trường Bộ I, kinh số 15, tr. 584; kinh Tương Ưng III, chương I, phẩm
5, tr.83).
5. Mặt khác, "tự mình thắp
đuốc lên mà đi" cũng có nghĩa là tự bên trong mỗi con người, vì rằng
"tất cả chúng sinh đều có Phật tính" (Nhất thiết chúng sinh
giai hữu Phật tính - kinh Pháp Hoa), tức là ai cũng có khả năng thành Phật.
Tiến trình đạt đến quả vị Phật là tiến trình chiến đấu với tự
thân, chiến đấu với vô minh (avijjà) và ái dục (tanhà). Đức Phật tuyên
bố: Biển có thể cạn, núi có thể sụp đổ, quả đất có thể băng hoại,
nhưng khổ đau không bao giờ chấm dứt đối với người còn vô minh và
ái dục (Tương Ưng III, chương 1, phẩm 5, tr. 267). Ngài đã đoạn trừ được
vô minh và ái dục, nên Ngài là bậc tối tôn ở đời; Ngài thân dù ở
trong muôn loài, tâm đã cao thượng trên tất cả muôn loài.
6. Một yếu tố tối trọng ảnh hưởng
đến việc thành đạo của Thế Tôn: Chánh tinh tấn. Bốn mươi chín ngày
đêm ròng rã tĩnh tọa dưới cội bồ đề là biểu hiện của sự kiên
trì, tinh tấn, nhờ tinh tấn mà Thế Tôn chứng được đạo quả. Cảnh giới
Niết bàn không có bóng dáng của kẻ biếng lười, cánh cửa giải thoát cũng
không hé mở cho người không có sức mạnh tinh tấn.
7. Từ góc độ lịch sử, sự kiện
thành đạo của Thế Tôn là điểm son trong lịch sử tôn giáo của nhân loại,
mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã
và từ bi. Bậc thầy vĩ đại của nhân loại xuất hiện từ đây, đạo
Phật - đạo giải thoát vì hạnh phúc cho muôn loài - cũng bắt đầu từ
đây.
II. Thánh hạnh vĩ
đại của Đức Phật
Với thánh cách vô thượng và
thánh hạnh vô song, Thế Tôn đã du hành qua nhiều quốc gia, cảm hóa được
nhiều thành phần trong xã hội. Từ vua, quan, quý tộc, thức giả, tỷ phú
đến giới thương gia, nông gia, nô lệ, tướng cướp, kỹ nữ, cho đến
ngoại đạo, tất cả đều được Ngài thâu nhận làm đệ tử tu hành
thanh tịnh trong hội chúng của Ngài. Sự tổng hợp đa thành phần trong xã
hội hỗn tạp thành đoàn thể hòa hợp thanh tịnh là điều kỳ diệu, nếu
không phải Thế Tôn sẽ không thực hiện được điều này. Kết quả kỳ
diệu này là do đức chiêu cảm của bậc giác ngộ, nhưng phần lớn nhờ
vào những lời dạy nhiệm mầu cùng với những phương thức giáo hóa vi
diệu của Thế Tôn. Trong phần này, ta không lật lại những trang giáo lý,
mà chỉ tìm hiểu những thánh hạnh, thánh cách và một vài con đường hoằng
pháp của Ngài.
1. Sau khi hành đạo, Thế Tôn nghĩ
ngay đến việc giác ngộ cho hai vị đạo sĩ Alara Kalama và Uddaka Ramaputta.
Tuy không phải là hai vị thầy đối thượng, hai vị này là những vị thầy
đầu tiên hướng dẫn Thế Tôn tu tập mà Ngài đã đạt được những quả
vị nhất định. Không độ được vì họ đã qua đời, nhưng lòng tưởng
nhớ của Thế Tôn vẫn gợi lên trong ta tinh thần đại nghĩa của Ngài.
Sau đó, Ngài nghĩ ngay đến năm anh em Kondanna và khởi hành đến Baranasi, cảm
hóa họ thành những đệ tử đầu tiên. Ngài cũng không quên cảm hóa những
thân chủ năm xưa: Sujata - cô thôn nữ cúng Ngài bát sữa, đánh dấu sự từ
bỏ khổ hạnh vô nghĩa; Svastika - cậu thiếu niên cúng 8 bó cỏ mịn để
lót ngồi thiền mà sau đó Ngài chứng Vô thượng Chánh đẳng giác. Hình
ảnh bậc Đạo Sư nhớ đến những vị thầy đã theo học lúc chưa thành
đạo, những người bạn đồng tu, những thân chủ năm xưa, cho ta một cái
nhìn đầy lạc quan, tin tưởng vào tình người của Ngài.
2. Tín - một ý nghĩa vô cùng quan
trọng trong mọi lĩnh vực giữa con người với con người. Đức Phật, dù
đối với vua chúa, quý tộc hay thứ dân, đều trân trọng chữ tín. Vua
Bimbisara, lúc Thế Tôn chưa thành đạo, có đề nghị nếu tìm được đạo
thì hãy nhớ hóa độ vua; vì vua vừa muốn có bậc Đạo Sư nương tựa
tinh thần, vừa muốn giao hảo với Thế Tôn để cho xứ Magadha có mối
quan hệ tốt với Kapilavatthu. Đồng thời, nếu Thế Tôn trở thành bậc Thầy
vĩ đại thì vua Bimbisara sẽ ảnh hưởng được Ngài về mặt quần chúng.
Đức Thế Tôn thừa hiểu việc này, vẫn giữ lời hứa năm nào, đến
Magadha cảm hóa vua Bimbisara, cuối cùng vua đã trở thành vị đệ tử nhiệt
thành.
Một lần khác, trong lúc đang ở
Vesali, Đức Phật nhận lời mời của kỹ nữ Ambapàli đến thọ thực tại
nhà cô ta vào ngày hôm sau. Cùng lúc ấy, nhóm quý tộc Licchavi cũng thỉnh
Ngài thọ thực tại nhà của họ, đúng vào ngày Ambapàli mời. Đức Phật
từ chối trong sự thật rằng, Ngài đã nhận lời mời của Ambapàli trước
rồi nên phải giữ chữ tín (Trường Bộ I, kinh số 15, tr. 579).
Khi ở tuổi 80, sắp vào Niết bàn,
Đức Phật giảng bài pháp về 4 thần túc của bậc giác ngộ, có khả năng
kéo dài tuổi thọ. Tôn giả A Nan nghe nhưng không thỉnh Thế Tôn trụ thân
ở đời một thời gian trong khi ác ma thỉnh Ngài nên sớm vào Niết bàn.
Đến khi Thế Tôn sắp nhập diệt, A Nan khẩn nài Ngài trụ thêm một thời
gian, Ngài đã từ chối vì đã "hứa" với ác ma.
3. Không ít người đã dùng lăng kính
"nhân giới" để tìm chữ hiếu trong "Phật giới" nên đã
không tìm thấy, rồi vội kết luận Đức Phật bỏ gia đình, trốn cha mẹ
xuất gia là bất hiếu. Cái hiếu của bậc hiền trí không phải là
"quạt nồng ấp lạnh" hay "sửa gối dâng trà", mà là cảm
hóa phụ mẫu về với chánh đạo. Muốn vậy, phải tu theo chánh đạo và
đạt được chánh đạo. Tinh thần hiếu của Đức Phật là cái đại hiếu
của người đi phương xa để tìm "món thuốc" trường sinh bất tử
về để cứu cha mẹ, mà không chịu ở quanh cha mẹ lo bát cơm, tách nước.
Do đó, ta thấy sau khi thành đạo và đã có được một số đông đệ tử,
Đức Phật trở về quê hương Kapilavatthu để hóa độ thân phụ và các
thân tộc họ Thích-ca (Sakya). Kinh còn kể, Đức Phật vận thần thông lên
cõi trời Đâu suất để giáo hóa thân mẫu Maya chứng quả A La Hán.
Như thế, rõ rằng Đức Phật là bậc
đại hiếu. Lòng hiếu của Ngài thoát khỏi chữ hiếu thường tình, không
nhuốm màu ái dục. Đó là tinh thần hiếu đạo xuất thế của bậc giác
ngộ.
III. Một vài đặc
tính hoằng pháp của Đức Phật
Với trí tuệ siêu phàm , Đức Phật
đã hóa độ vô số thành phần trong xã hội với vô số phương thức khác
nhau. Những phương thức này tùy vào bối cảnh, đối tượng mà Ngài tùy
cơ giáo hóa. Ngài không bao giờ đặt ra những bài học hay công thức cho
việc truyền pháp. Ở đây có thể rút ra một vài phương thức được tìm
thấy trong cuộc đời hoằng pháp của Ngài.
1. Tính nhất quán: Nước trong bốn
bể vô lượng, nhưng chỉ có một vị duy nhất - vị mặn. Cũng vậy, giáo
lý của Đức Phật nhiều vô số, nhưng chỉ có một vị duy nhất - vị giải
thoát. Bốn mươi lăm năm truyền đạo của Ngài là 45 năm khai mở đạo mạch
giải thoát để tưới nhuần cho muôn loài, giải thoát khỏi tham, sân, si;
giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Dưới cặp
mắt của bậc Đại Giác, thế giới này là vô thường, cuộc sống này
là vui ít khổ nhiều, con người này là vô ngã. Đây là ba dấu ấn để
thẩm định lời dạy của Đức Phật. Một bản kinh, một bài kệ thiếu
những dấu ấn này được xem là không phải lời Phật thuyết. Những ai
chấp nhận rằng thế giới này là thường còn, cuộc sống này là hạnh
phúc, con người này là thật ngã, thì không bao giờ đặt được chân lên
bờ giải thoát. Cho nên, dù kinh điển có nhiều, pháp môn tu có nhiều, nhưng
chỉ có một mục đích duy nhất là đưa ta đến sự giải thoát tối thượng.
2. Tính ảnh dụ thực tiễn: Có lẽ
đây là phương thức phổ biến nhất trên đường hoằng pháp của Đức
Phật. Hầu như các bộ kinh Đức Phật thuyết đều ít nhiều mang đặc tính
này. Cho đến ngay cả các tên kinh đều là biểu hiện của tính ảnh dụ,
chẳng hạn như: kinh Ví dụ tấm vải, kinh Mật hoàn, kinh Gò mối, kinh Ví
dụ cái cưa, kinh Dụ dấu chân voi, kinh Ví dụ lõi cây... Những bộ kinh
này, Ngài đưa ra những ảnh dụ thực tiễn, cụ thể để làm sáng tỏ lời
dạy của Ngài. Chẳng hạn như kinh Ví dụ con rắn, số 22 trong Trung Bộ I,
Ngài dạy các dục ví như đầu rắn; người học giáo lý áp dụng cho việc
tu hành mà không nắm được những pháp môn căn bản, cũng như bắt rắn mà
không biết cách bắt sẽ bị rắn cắn.
3. Tính bất biến-tùy duyên: Tính bất
biến-tùy duyên dạy ta có thể uyển chuyển trong mọi tình huống để làm
việc đạo, nhưng không đánh mất tính chất thật của mình. Nhờ phương
thức này mà giáo lý của Đức Phật dễ dàng có mặt ở mọi nơi, mọi
chốn, mọi hoàn cảnh, đi đến đâu cũng dễ thích nghi, phù hợp với nơi
đó. Đức Phật, với tinh thần này, rất linh hoạt trong mọi hoàn cảnh để
thực hiện việc truyền bá chánh pháp. Nhờ vào tinh thần này mà Phật
giáo mang nhiều màu, nhiều vẻ nhưng không đánh mất chất Phật - bản thể
của đạo. Phật giáo Việt Nam không giống Phật giáo Nhật Bản, Phật
giáo Trung Hoa không giống Phật giáo Thái Lan (tùy duyên), nhưng tất cả các
hình thức Phật giáo đều thể hiện tinh thần từ bi, bình đẳng, giải
thoát của Đức Thích Ca (bất biến).
4. Tính khế lý-khế cơ: Đây là một
trong những yếu tố quan trọng mà Đức Phật ứng dụng trong việc hoằng
pháp độ sinh. Tính khế lý dạy ta phải nắm vững chân lý, quy luật vận
hành của thế giới nhân sinh. Tính khế cơ dạy ta phải biết áp dụng
chân lý sống đúng thời, đúng lúc, đúng đối tượng; đặc biệt hiểu
được căn cơ, trình độ và tư tưởng của đối tượng để theo đó sử
dụng những "khế cơ" trình độ và tư tưởng của đối tượng
để theo đó sử dụng những "khế cơ" thích hợp áp dụng cho đối
tượng. Tính khế lý-khế cơ khi mới khảo sát, nó gần giống với tính bất
biến-tùy duyên, nhưng nghiên cứu kỹ thì hai phương thức này khác nhau.
Tính tùy duyên-bất biến dùng để áp dụng trong bối cảnh không gian-thời
gian; trong khi đó, tính khế lý-khế cơ dùng ứng dụng cho đối tượng là
con người. Cũng là giáo lý vô thường (bất biến), nhưng có lúc Đức Phật
xem nó như một dòng chảy, có khi Ngài nhìn nó như sự bốc cháy (tùy
duyên). Vô thường là chân lý tồn tại khách quan trong cuộc sống (khế
lý), Đức Phật xét thấy cơ bản, trình độ của 3 anh em ông Uruvela
Kassapa - những Bà La Môn thờ lửa - có thể thích hợp với giáo lý này,
Ngài đã thuyết giảng cho họ một bài pháp rất vô thường, rất tâm lý
(khế cơ): tất cả đều đang bốc cháy, đang thiêu hủy. Sau bài pháp này,
3 anh em Kassapa và 1.000 đệ tử của họ đều quy y Phật. Như vậy áp dụng
tính khế lý-khế cơ đòi hỏi hành giả phải có tuệ nhãn sâu sắc hơn
để tùy đối tượng trí, ngu mà ứng dụng giáo lý cao thấp để hóa độ.
C. Kết luận
Đức Phật, một con người hùng vĩ
xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện
qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch
sử tôn giáo và triết học.
Gần ba thiên niên kỷ trôi qua, tiến
trình phát triển của con người đã bao lần thay da đổi thịt, vô số
bài diễn văn được chép vào trang đại sử; trong đó, cuộc đời hoằng
pháp của Đức Phật là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo
nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng
là con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì
thế, đứng ở góc độ nào, người ta vẫn thấy được hiện thân của
Ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi. Thật vậy,
không phải thấy được xác thân bốn đại của hơn 2.000 năm trước mới
gọi là thấy Phật. Ngài dạy, những ai thấy được lý Duyên khởi -- luật
vận hành của nhân sinh-vũ trụ -- người ấy thấy được Pháp; những ai
thấy được Pháp, người ấy thấy được Như Lai (Trung Bộ I, kinh số
28).
Vâng, tất cả nhân loại đang tìm
về chân lý, hướng về chân lý, đang mơ ước được diện kiến Như
Lai....
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/p-006-thongdiep.htm