- VÀI QUAN NIỆM VỀ ĐỨC PHẬT VÀ
ĐẠO PHẬT
- HT. Thích Trí Quảng
Ngài hiện hữu trên cuộc đời
này, bên trong thân tứ đại hàm chứa một Báo thân viên mãn. Nghĩa là cuộc
sống của Đức Phật tỏa sáng lòng từ bao la, đức hạnh cao quý, hiểu
biết siêu quần, thể hiện thành những việc làm cứu đời, lợi ích cho
người. Nhờ đó, chúng sanh mới hướng về Ngài và phát tâm tiến bước
theo con đường giải thoát của Phật vạch ra.
***
I. QUAN NIỆM VỀ ĐỨC
PHẬT
Theo lịch sử, Đức Phật Thích-ca
xuất thân là Thái tử, sống trong cảnh quyền uy nhung lụa, nhưng thường
băn khoăn về kiếp sống trầm luân khổ đau của con người. Ngài từ bỏ
nếp sống xa hoa vật chất để đi tìm con đường giải thoát sanh tử cho
mình và mọi người. Trải qua 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh chốn rừng
già và 49 ngày tư duy dưới cội bồ-đề, Ngài đã chứng quả Vô thượng
Chánh đẳng giác.
Trên bước đường hoằng hóa độ
sanh, Đức Phật trước tiên đến độ 5 anh em Kiều-trần-như, lập thành
mô hình Tam bảo đầu tiên của Phật giáo. Với thời gian, giáo đoàn dưới
sự hướng dẫn của Đức Phật đã phát triển, lên đến 12.000 Tỳ-kheo và
6.000 Tỳ-kheo-ni cùng nhiều cư sĩ, từ vua chúa cho đến thường dân đều
quy ngưỡng theo Phật. Đến năm Ngài 80 tuổi, thân tứ đại cũng hoại diệt
như mọi người, kết thúc một đời giáo hóa độ sanh. Tuy nhiên, cách đánh
giá sự nghiệp của Đức Phật một cách giản đơn như vậy không được
chấp nhận ở thời kỳ Phật giáo phát triển. Để xác định tư cách
siêu phàm của Đức Phật, nhiều quan niệm khác nhau kiến giải về Ngài
đã được hình thành theo hướng nhìn về chiều sâu tâm linh.
Trước kia, người ta nghĩ rằng Ngài
xuất hiện trên cuộc đời này, bỏ ngôi vua đi tu, ngồi cội bồ-đề thành
Phật; tức quan niệm Ngài vừa mới tu thành Phật. Nhưng nay, theo tinh thần
Phật giáo phát triển, Đức Phật đã trải qua nhiều kiếp hành Bồ-tát
đạo, tích lũy đạo hạnh và tri thức, nên hiện đời mới kết thành quả
Vô thượng Đẳng giác. Kinh Bổn Sanh, Bổn Sự cũng nhằm nói lên quá
trình tu Bồ-tát hạnh của Phật.
Trên nền tảng ấy, dưới lăng kính
Đại thừa Phật giáo, Đức Phật hiện hữu cao quý và trường tồn chính
là vì Ngài đã thành tựu Báo thân. Nghĩa là Đức Phật không chỉ có nếp
sống đơn thuần như một con người bình thường, nhưng cuộc đời Ngài
là kết tinh của phước đức, trí tuệ và việc làm siêu việt. Ngài đã
thành công trong việc giáo hóa là do đức hạnh và tri thức của Ngài đã
tác động cho người thăng hoa thánh thiện.
Từ căn bản nhận thức về Báo
thân Phật hay thân phước đức, trí tuệ, kinh Hoa Nghiêm triển khai thêm,
đưa ra quan niệm về Tỳ-lô-giá-na Pháp thân. Phật Tỳ-lô-giá-na tiêu biểu
cho ánh sáng tuệ giác, có khả năng truyền thông khắp pháp giới, truyền
đến tâm thức của tất cả chúng sanh mà không hề chướng ngại. Khi Tỳ-lô-giá-na
Pháp thân chi phối đến đâu, chúng sanh tiếp nhận thì phát Bồ-đề tâm
tu hành, ai cũng thành Phật. Với lý giải ấy, Phật không còn mang hình thức
nào cố định, không có một cái gì không phải là Phật mới là Phật.
Lý giải Pháp thân Tỳ-lô-giá-na biến
chiếu, thể hiện vô tất cả loại hình. Từ loài người cho đến loài
thú, kể cả cây cỏ, đều là Phật. Quan niệm một Đức Phật như thế
quá bao la, khó nắm bắt.
Từ đó, chuyển sang kinh Pháp Hoa,
đưa ra quan niệm kết hợp Pháp thân Phật của Hoa Nghiêm với Báo thân Phật,
để hình thành một Đức Phật thường trú, hiện hữu ở dạng thức gọi
là thế gian thường trụ Tam bảo.
Lý Hoa Nghiêm mà không có giải
thích bổ sung của Pháp Hoa thì dễ làm chúng ta lầm tưởng Pháp thân Tỳ-lô-giá-na
biến chiếu bàng bạc, vô ảnh vô hình.
Nhưng kinh Pháp Hoa đã kéo ý niệm
ấy trở lại thực tế; theo đó, Tỳ-lô-giá-na Pháp thân cũng phát xuất từ
tứ đại ngũ uẩn thân. Vì Đức Phật cũng tu tập từ sanh thân tứ đại
mà tạo thành Tỳ-lô-giá-na Pháp thân, và Ngài sử dụng Pháp thân ấy để
tác động ngược lại chúng sanh.
Nói khác, Ngài hiện hữu trên cuộc
đời này, bên trong thân tứ đại hàm chứa một Báo thân viên mãn. Nghĩa
là cuộc sống của Đức Phật tỏa sáng lòng từ bao la, đức hạnh cao quý,
hiểu biết siêu quần, thể hiện thành những việc làm cứu đời, lợi
ích cho người. Nhờ đó, chúng sanh mới hướng về Ngài và phát tâm tiến
bước theo con đường giải thoát của Phật vạch ra.
Đức Phật dùng Báo thân viên mãn
đầy đủ phước đức trí tuệ để làm hạt nhân tạo thành Pháp thân Tỳ-lô-giá-na
Phật. Tỳ-lô-giá-na Pháp thân hay ánh sáng trí tuệ rọi vào các pháp, điều
động các pháp thành phương tiện giáo hóa của Như Lai, chuyển hóa xã hội
đương thời.
Ta chưa thành Phật vì không có Báo
thân viên mãn, tức chưa đầy đủ phước đức trí tuệ, nên Pháp thân Tỳ-lô-giá-na
Phật của ta không có tác dụng, gọi là Như Lai tại triền.
Vì vậy, theo tinh thần Pháp Hoa, việc
quan trọng trên bước đường tu là phải nuôi lớn Báo thân Phật của
chính chúng ta, tức nỗ lực tu hành phát triển hiểu biết, đạo hạnh giống
như Phật, bằng với Phật.
Thấm nhuần sâu sắc tinh thần
này, Nhật Liên thánh nhân được nhân dân Nhật kính trọng như Thượng Hạnh
Bồ Tát, là một trong bốn vị Bồ-tát tùng địa dũng xuất của kinh Pháp
Hoa. Ngài đả phá cực mạnh những ai tu hành mà chỉ lo cầu khẩn ông Phật
bên ngoài. Vì càng chạy theo tìm kiếm cái gì ở ngoài ta, thì càng làm cho
Phật bên trong ta ốm o, gầy mòn. Ngài đưa ra hình ảnh chim trong lồng lắng
nghe tiếng chim bên ngoài hót mà nó hình dung ra bầu trời bao la, tự do, tươi
mát. Chúng ta ví như chim trong lồng, gia công tu tập theo dấu chân Phật, để
đánh thức được Phật tâm bên trong của chúng ta mới là việc chính yếu
phải thực hiện.
Thiết nghĩ, mặc dù có Phật lực
gia bị cho ta trên bước đường vượt 500 do tuần đường hiểm, nhưng điều
cốt lõi là chúng ta nương theo lực của Phật để cải tạo thân tâm ta,
thăng tiến lên địa vị hiền thánh, không phải núp bóng Phật để Ngài
che chở cho ta mãi mãi. Chẳng thể có sự chở che của bất cứ vị Thánh
nào lại dành cho những con người ăn bám, giúp đỡ những tâm hồn hèn mọn.
Với tinh thần huân tu để thành tựu
thân thanh tịnh, hòa hợp, trang nghiêm bằng phước đức, trí tuệ ở ngay
trên cuộc đời này, thể hiện rõ nét ý nghĩa thường trụ Tam bảo hiện
hữu đầy đủ trong mỗi con người chúng ta.
Tóm lại, trên lộ trình Pháp Hoa,
trở về với chính mình, tiến tu ngõ hầu phát huy đạo hạnh, tri thức,
việc làm vô ngã vị tha, lợi lạc cho người. Theo thời gian tu học, hành
Bồ-tát đạo, đến khi nào thân tâm chúng ta cũng kết tinh bằng phước trí
vẹn toàn, viên mãn hạnh lợi tha như Đức Phật, thì chúng ta chính là Phật
vậy.
II. PHẬT GIÁO, ĐẠO GIÁC
NGỘ
Phật giáo có phải là một tôn
giáo không? Có rất nhiều câu trả lời khẳng định cũng như phủ định,
nhưng tựu trung, đó vẫn là một vấn đề khó khăn đối với các học giả
nghiên cứu Phật giáo.
Khi Đức Phật tại thế, trong 5
năm tìm đạo, Ngài quan sát thấy các tôn giáo đương thời bày ra nhiều
phương cách tu có tính cách mê tín, huyễn hoặc như tự hành hạ thân xác
hay chủ trương hưởng thụ khoái lạc cùng cực, hoặc giết hại súc vật
v.v... để cúng tế, cầu khẩn Thượng đế che chở, ban phước, và sau khi
chết, mong được trở về làm con dân phục vụ cho Thượng đế.
Tất cả hiểu biết và hành xử
sai lầm của hàng ngoại đạo bấy giờ là một đề tài lớn cho Đức Phật
suy gẫm. Ngài suy tư đến cao độ, gọi là nhập thiền định, thấy được
đáp số của vấn đề sanh tử, hiện hữu, chuyển biến đổi thay của muôn
loài trong vũ trụ. Nói khác, Đức Phật đắc đạo, đạt đến đỉnh cao
giác ngộ, thấy biết muôn sự muôn vật đúng như thật.
Từ đó, Ngài bắt đầu giáo hóa
độ sanh, dạy người tu tập thiền quán để đạt hiểu biết đúng đắn,
sống tự tại, an vui trong hiện đời và trong kiếp tương lai. ng dụng lời
Phật dạy, phần lớn đệ tử Ngài đắc A-la-hán, giải thoát được phần
vật chất và thức uẩn.
Quan sát người tu ở dạng thể
nghiệm lời Phật dạy trong cuộc sống, được thành quả giác ngộ như vậy,
chúng ta thấy rõ đạo Phật chưa hề có chút biểu hiện nào của tôn
giáo.
Tuy nhiên, vì có giáo chủ là Đức
Thích-ca và tổ chức giáo đoàn gồm những vị đức hạnh, vượt trội
hơn các tôn giáo khác, cũng như Ngài có truyền bá tư tưởng, người nghe
theo được lợi lạc, sanh niềm tôn kính Phật và Thánh chúng. Vì vậy, Phật
giáo được coi như một tôn giáo, mặc dù Đức Phật chưa bao giờ xác định
lời Ngài dạy là một tôn giáo cần phải tuân thủ; và cũng chưa bao giờ
Phật chủ trương thờ phụng, cúng bái Ngài hay bất cứ cái gì.
Nhưng sau khi Đức Phật nhập diệt,
các vị Tổ sư tiếp nối, thể hiện những tư tưởng và việc làm cao
quý trong cuộc sống. Điều này tác động cho người tu ở thời kỳ Phật
giáo phát triển hình dung ra mối quan hệ mật thiết, vô hình giữa Phật
và chư vị thừa kế. Với lòng hoài vọng kính ngưỡng, họ bắt đầu tạc
tượng Phật và Thánh chúng để tôn thờ, lễ lạy. Khởi điểm từ đây,
Phật giáo mang màu sắc tôn giáo.
Trong thời kỳ này, các sư tụng niệm,
lễ bái, cầu nguyện, tức thể hiện hình thức tín ngưỡng giống như các
tôn giáo khác. Tuy nhiên, điều khác biệt chính yếu của Phật giáo là
hành giả không hề phó thác vận mạng cho đấng sáng tạo hay thần linh,
nhưng biết kết hợp việc cầu nguyện, lễ bái với công phu tu hành.
Thể nghiệm pháp này, tu sĩ Phật
giáo Mật tông chuyên trì chú, cầu nguyện, nhờ lực siêu nhiên tác động
qua con người thực. Khi kết hợp được với lực siêu nhiên, tức giữa
hành giả và thiên nhiên hòa nhập thành một, tạo thành lực bất tư nghì,
mà Mật tông tiêu biểu bằng đồ hình tổng thể Mạn-đà-la. Mặc dù cầu
nương vào lực tam mật gia trì, nhưng hành giả Mật tông cũng phải tự tịnh
hóa bản thân, đạt đến chứng đắc vô ngã vị tha, mới có thể sử dụng
được toàn lực của tổng thể Mạn-đà-la. Thực tế cho thấy các tu sĩ
Mật tông ở Tây Tạng thành tựu pháp, tạo được khả năng vượt hơn
con người bình thường như đi trong hư không, đi trên nước dễ như đi trên
đất liền hoặc nằm trên tuyết vẫn khỏe mạnh v.v... Đó là sự phát
triển của Phật giáo Mật tông thể hiện rõ nét tính thần bí của tôn
giáo.
Bên cạnh sự phát triển pháp tu
mang đậm màu sắc thần bí của Mật tông, lại nảy sanh ý tưởng của những
người kém cỏi hơn, không có khả năng kết hợp lực cá nhân và tổng thể.
Họ cảm thấy thân phận bé nhỏ, cần nương tựa vào một lực khác để
tồn tại, thăng hoa. Từ đó, hình thành pháp môn Tịnh độ, hành giả hướng
tâm cầu nguyện Đức Phật A-di-đà ở thế giới Tây phương Cực lạc,
cũng cảm nhận an lành, quên đi oi bức của cuộc đời. Tất nhiên, gá
tâm đến thế giới khác để cầu nguyện như vậy đã đi khá xa giáo lý
chính thống của Đức Phật.
Khi tư tưởng của Tịnh độ tông
không được chấp nhận nữa, chúng ta thấy phát sanh chủ trương quan sát
ngược lại thời nguyên thủy, xem Đức Phật làm gì. Hiển nhiên, ai cũng
biết Đức Phật do tu tập thiền định, khai mở tâm trí, thấy rõ chân
lý và sử dụng phương tiện đưa người đến chân lý một cách toàn
bích. Nhận thức sâu sắc điều đó dẫn đến sự ra đời của tông phái
Thiền.
Thiền tông không trì chú hay sử dụng
lực siêu nhiên như Mật tông và cũng không cầu tha lực như Tịnh độ tông.
Hành giả cố tìm lại thời Phật tại thế tu tập và hành đạo như thế
nào, đạt kết quả ra sao, để rồi suy tư và ứng dụng giáo lý nguyên thủy
vào cuộc sống, ngõ hầu minh tâm, kiến tánh, trở thành thánh thiện, minh
triết ngay trên cuộc đời này. Trên nền tảng ấy, hành giả không quan
tâm đến cúng kính, lễ bái, nhưng đặt nặng vấn đề tham khảo công án
hay thể nghiệm cuộc sống như Phật.
Tóm lại, kết hợp ba dạng thức
tu của Mật tông, Tịnh độ tông và Thiền tông, chúng ta thấy được Thường
Tịch Quang chơn cảnh. Nói khác, chúng ta hành thiền, lắng yên suy nghĩ xem
thế giới mầu nhiệm Tịnh độ như thế nào, thế giới do lực siêu
nhiên tác động như thế nào, và mang đối chiếu với cuộc sống của Phật
cùng Thánh chúng để tự vạch cho mình cách hành xử trên lộ trình tu Bồ-tát
đạo. Dần dần, chúng ta cũng đắc đạo, nhận ra được chân lý mà Phật
và Thánh chúng đã chứng ngộ.
Trên bước đường tu, đối với
chúng ta, Thường Tịch Quang chơn cảnh là thế giới quan lý tưởng với hiện
hữu của Phật, Bồ-tát và Thánh chúng. Vì vậy, chúng ta không bao giờ rời
bỏ thế giới đó. Làm thế nào để trực nhận bản tâm thanh tịnh của
chính mình và hài hòa được với thế giới lý tưởng ấy, để trở lại
thực tế hàng phục được mọi chướng ngại của thế giới Ta bà, khai
tri kiến Phật cho chúng hữu tình ngay trên cuộc đời này.
Phật giáo là tôn giáo hay không phải
là tôn giáo, thiết nghĩ chẳng có gì quan trọng. Làm sống dậy hình ảnh
cao quý của Đức Từ Tôn, thể hiện cuộc sống thánh thiện như Ngài,
mang tình thương, hiểu biết, an lạc, giải thoát cho mọi loài. Đó mới
chính là những gì Đức Phật truyền trao cho hàng đệ tử và là chất liệu
vô giá nối kết mạng mạch Phật giáo trường tồn hơn 25 thế kỷ.
III. PHẬT GIÁO, TRIẾT
LÝ SỐNG THỜI ĐẠI
Ngày nay, nói đến Phật giáo, người
ta thường xem như một tôn giáo nặng phần cúng bái, cầu nguyện. Thiết
nghĩ việc cúng lễ, cầu nguyện là điều đương nhiên không thể thiếu
đối với tôn giáo.
Tuy nhiên, thực chất của đạo Phật
đặt nặng vấn đề tu hành hơn; vì vậy cầu nguyện, lễ bái cũng là một
trong những phương pháp tu hành, không phải là cứu cánh. Thật vậy, Đức
Phật khẳng định Ngài đưa ra vô số phương tiện, thường được tiêu
biểu bằng con số 84.000 pháp tu, để giúp mọi người đạt đến cứu cánh
giác ngộ, giải thoát.
Pháp phương tiện Đức Phật chỉ
dạy nhiều như vậy, vì tùy hoàn cảnh, khả năng của từng người khác
nhau; tùy phong tục, tập quán, luật lệ thay đổi theo từng địa phương và
tùy thời điểm mà Ngài hướng dẫn pháp tương ưng thích hợp cho người
chấp nhận được.
Một cách khách quan, chúng ta thấy
rõ nhu cầu tín ngưỡng là đòi hỏi thiết yếu, không thể thiếu được
trong cuộc sống con người ở thời Đức Phật. Vì vậy, với trí tuệ của
bậc Chánh Biến Tri, Ngài chấp nhận thực tại khách quan ấy; nhưng thực
sự, Đức Phật ít nói đến việc cầu nguyện, mà thường đề cập đến
vấn đề tu tập để làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ thiên
nhiên : đó là mục tiêu chính trong việc giáo hóa của Đức Phật.
Điều này thể hiện rõ nét trong hầu
hết các kinh điển, Đức Phật thường hướng dẫn người thực hiện 3
việc: làm chủ bản thân, làm chủ xã hội và làm chủ thiên nhiên; nói
khác, Ngài khẳng định con người không lệ thuộc thần linh, nhưng buộc
thần linh phải phục vụ cho người.
Trước nhất, Đức Phật dạy rằng
mọi người đều có khả năng thành Phật, tức đạt đỉnh cao của tri thức
và việc làm siêu việt, nhưng chúng ta tự đánh mất khả năng cao quý ấy,
kinh gọi là đánh mất bản tâm. Tự mình đánh mất khả năng làm chủ bản
thân và tự van xin cầu nguyện, đem trao vận mạng cho thế lực thần quyền
quyết định giùm, mà không hề biết họ là ai. Từ đó, con người tưởng
tượng ra đủ các thứ thần có quyền năng chi phối cuộc sống họ, cần
phải cầu nguyện: từ thần sông, thần núi, thần cây..., thậm chí đến
thần vôi, thần bếp. Vì không thấy được khả năng vô tận của mình,
nên cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên bao la, sợ hãi thế lực siêu
nhiên đè bẹp, nên tự hạ thấp mình, cầu nguyện các thế lực khác. Và
thực tế cho thấy các thế lực đó chẳng giúp được gì cho con người,
nên không mấy người cầu nguyện được kết quả.
Phải chăng người cầu nguyện có
kết quả là nhờ họ biết kết hợp việc cầu nguyện với sự phát huy
khả năng mình. Trên tinh thần ấy, Phật giáo chủ trương có vấn đề tha
lực chi phối ta, nhưng bản thân ta cũng cần hướng về đối tượng để
tự phát huy khả năng. Điển hình như người tu pháp môn Tịnh độ,
nương vào Đức Phật A-di-đà ở cảnh giới Tây phương. Phật A-di-đà
tiêu biểu cho vị đã thành đạt vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng
công đức; nói khác, Ngài có đầy đủ trí tuệ, sức khỏe và phương tiện.
Khi Đức Phật Thích-ca dạy chúng
ta tu nương với Phật A-di-đà hay mười phương Phật, Ngài đều đưa ra những
đức tánh tốt của những vị đó, nhằm gợi ý cho chúng ta phát huy những
đức tánh ấy ở chính cuộc sống chúng ta. Nương Phật A-di-đà tu cũng có
nghĩa là đánh thức khả năng hiểu biết, khả năng sống lâu, khả năng sử
dụng phương cách độ sanh, giúp người. Nhờ nương với vị sáng suốt,
tuổi thọ cao, nhiều phước đức như Phật Di Đà, từng bước mình cũng
khắc phục được mặt yếu và phát huy được bản thân.
Khi kết hợp tha lực với tự lực,
tạo được sức mạnh cho bản thân, lúc ấy, chủ động được cuộc sống,
nên không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ bên ngoài nữa, và giảm thiểu
việc cầu nguyện để tự giải quyết. Quá trình tiến tu này đạt kết
quả nhờ khéo kết hợp cầu nguyện và tu hành. Trái lại, chỉ cầu nguyện
mà không tu, giao phó toàn bộ cho Phật làm giùm ta, chắc chắn không thể
được và cũng không phải là điều Phật muốn.
Ngày nay, chúng ta nương theo Đức
Phật A-di-đà tu, suy nghĩ về vô lượng thọ của Ngài, tức vấn đề sức
khỏe, tại sao Ngài sống đạm bạc mà lại khỏe mạnh, trường thọ. Từ
đó, chúng ta tu, làm chủ bản thân hay làm thế nào để xây dựng cuộc sống
mình không bị khổ sở vì bịnh tật thể xác lẫn tinh thần hành hạ.
Kinh nghiệm cho thấy ốm đau sanh ra
vì sống không hợp lý, như người tu khổ hạnh ép xác, không đủ dinh dưỡng,
tất phải bịnh. Ngược lại, các vị Thiền sư sống rất đơn giản
nhưng lại rất khỏe, tuổi thọ cao. Quan sát thấy rõ các Ngài thường sống
ở môi trường không khí trong lành, yên tĩnh, lượng thực thực phẩm đủ
dinh dưỡng dùng cho cơ thể và sống không tổn hại cho các loài, không
tranh chấp tính toán vơ vét lợi cho mình. Phương cách sống như vậy hoàn
toàn phù hợp với tinh thần khoa học ngày nay. Thật vậy, qua các kiểm
nghiệm khoa học cho biết không khí ô nhiễm, ăn uống quá độ, ăn nhiều
thứ độc tố, cùng với đủ thứ stress vì lo toan, thủ lợi cho cá nhân một
cách quá tham lam, mù quáng, cộng với vô số tiếng động đinh tai nhức
óc, hoặc chạy theo biết bao bận rộn không cần thiết trong cuộc sống...,
tất cả đã tác hại rất nhiều cho sức khỏe, gây ra đủ thứ bịnh tật,
làm giảm tuổi thọ con người.
Vì vậy, trên bước đường tu theo
Phật giáo, làm chủ lấy mình, tự lành mạnh hóa thân tâm, cố làm sao bớt
lệ thuộc vật chất, ăn mặc, giảm tiêu hao năng lượng, tránh gây ồn
náo, bớt tác hại ô nhiễm môi sinh, hạn chế tranh giành hơn thua, đừng
quá tham lam ích kỷ. Thực hiện được phần nào những điều ấy, tinh thần
chúng ta chắc chắn có được phần nào sảng khoái, cơ thể tươi vui, khỏe
mạnh.
Bước thứ hai của người tu phát
tâm Đại thừa, giáo hóa chúng sanh, thường nghĩ chúng ta không thể nào sống
một mình và không thể tốt với xã hội không tốt. Chúng ta ý thức sự
tác hại lớn lao của ô nhiễm môi sinh, không dám làm gì tổn hại, nhưng
người khác không nhận thức như vậy hoặc quá tham lam cứ gây ô nhiễm,
tất nhiên cuộc sống ta cũng bị vạ lây. Hoặc chúng ta đạo đức trong một
xã hội tuột dốc, sa đọa, nhiều tệ nạn nhiễu nhương, thì cũng khó
lòng an ổn.
Vì vậy, Bồ-tát hành đạo không
tìm chỗ trong lành, yên tĩnh, an nhàn như giai đoạn một, mà tiến một bước
xa hơn nhằm tịnh hóa xã hội và thiên nhiên, tức con người và thế giới
con người. Bấy giờ, Bồ-tát lo giải quyết việc cho người, làm sao giúp
họ hiểu được gây ô nhiễm tác hại cho sự sống của họ, của tất cả
mọi người, mọi vật trên hành tinh này. Bồ-tát đã lo xong phần tự
giác và đến giai đoạn giác tha, dùng vô số phương tiện để nâng hiểu
biết của người, khiến họ ý thức được tốt xấu, lợi hại, điều
đáng làm và điều không nên làm.
Trên tinh thần ấy, bước thứ hai,
Bồ-tát đã thực hiện công việc giáo dục người, vì theo Phật dạy, tất
cả thành bại đều do con người quyết định. Hướng dẫn cho người đồng
tình với mình trong việc bảo vệ thiên nhiên, làm cho xã hội lành mạnh,
đó chính là xây dựng Tịnh độ ở Ta bà.
Với ý thức như vậy, Bồ-tát dấn
thân không biết mệt mỏi, giúp người an lành là giúp mình an lành, cứu
người thoát khổ là cứu mình khỏi khổ. Mang tinh thần giáo dục rộng lớn
vô cùng ấy mà Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi cho biết tất cả chúng sanh thành
Phật, thì Ngài mới thành, hoặc Địa Tạng Bồ-tát phát nguyện nếu còn
chúng sanh trong địa ngục thì Ngài không thành Phật.
Tóm lại, Phật giáo hướng dẫn
triết lý sống hiểu biết đúng đắn, lành mạnh, đạo đức cho riêng bản
thân mỗi người, được hàng Thanh Văn tu tập, ứng dụng ở giai đoạn một.
Sau khi đạt được thành quả tốt đẹp ở bước đường tự giác xong,
Thanh Văn tiến tu Bồ-tát đạo, giáo dưỡng cho người hướng thiện, xây
dựng xã hội tốt đẹp, thế giới hòa bình, an lạc. Triết lý sống tròn
đủ chân thiện mỹ của Phật giáo đã trường tồn hơn 25 thế kỷ và cũng
sẽ là mô hình lý tưởng hiện đại và trong tương lai cho nhân loại nương
theo để kiến tạo ngôi nhà chung xanh sạch, đầy cảm thông, hiểu biết,
đầy tình thương, hạnh phúc, ấm no.
- VI. QUAN NIỆM VỀ ĐẠO PHẬT SAU KHI
PHẬT THÍCH CA NHẬP DIỆT
Đức Phật Thích Ca hiện thân trên cuộc đời,
mang thân tứ đại như chúng ta. Tuy nhiên, qua cuộc đời giáo hóa độ sanh
của Ngài, chúng ta thấy thể hiện rõ nét ba đặc tính: Trí tuệ, Từ bi,
Bình đẳng, hàm chứa đầy đủ trong con người siêu phàm ấy.
Thật vậy, Đức Phật tiêu biểu cho một bậc
thánh nhân toàn giác, toàn thiện, toàn mỹ, vì mọi việc làm của Ngài
trong suốt 49 năm cứu nhân độ thế đã tỏa sáng trí tuệ tuyệt vời,
tình thương bao la và tinh thần bình đẳng tuyệt đối.
Trên bước đường vân du hóa độ, tinh thần bình
đẳng, từ bi và trí tuệ của Đức Phật đã là chất liệu thu hút đông
đảo quần chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội theo Ngài, sống gắn bó với
Ngài. Nhìn vào giáo đoàn của Đức Phật, thấy rõ một sự kết hợp hài
hòa từ vương tôn công tử, các nhà quyền quý, trưởng giả cho đến hạng
người trí thức, thương gia hay thường dân và kể cả những người nghèo
khổ, cùng đinh.
Đặc biệt có nhiều giáo chủ của các tôn
giáo khác quy phục Đức Phật. Điển hình như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên,
Ca-diếp là giáo chủ những ngoại đạo nổi tiếng đương thời trở thành
đệ tử Phật, vì họ cảm nhận được lòng từ bi sâu xa, vô lượng của
Ngài bao phủ trọn vẹn tâm hồn họ. Thật vậy, sống với ngoại đạo thì
họ luôn tranh cãi, chống báng nhau; nhưng về với Phật, mọi bất hòa, hiềm
khích tự tan biến như mây khói, không có ý thức chống đối nào có thể
khởi lên trước ánh sáng từ bi cao cả của Đức Phật.
Thực tế cuộc đời giáo hóa của Đức Phật
thể hiện lòng từ ái bao dung của Ngài, đã từng làm dịu mát tâm ác độc
của Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp đang sôi sục sân hận, ghét ganh, trở thành
người biết ăn năn và xin từ bỏ những việc làm tội lỗi, bỏ cả quyền
lợi của một giáo chủ lãnh đạo tu viện với 500 đệ tử, để theo Phật
tu hành. Điều đó thật không phải chuyện đơn giản, thiết nghĩ ngoài tấm
lòng từ bi vô lượng của Đức Phật ra, không ai có khả năng cảm hóa như
vậy.
Trí tuệ Phật, hay hiểu biết của Ngài về cuộc
đời, về mọi việc trong vũ trụ giúp cho người thấy vấn đề sáng ra,
trong kinh điển thường gọi là khai ngộ. Chưa gặp Phật, chấp đủ thứ,
bị mọi định kiến ràng buộc, nhưng không giải quyết được gì. Về với
Phật, trí tuệ Ngài chỉ đạo cho họ tháo gỡ mọi gút mắc, thoát khỏi
những sai lầm trói buộc một cách nhẹ nhàng. Nói khác, nương theo Phật
tu, trí sáng ra, nên họ tự vượt khó khăn dễ dàng, tự giải quyết được
đúng đắn, lợi ích.
Chúng ta còn nhớ Xá-lợi-phất hạnh ngộ Đức
Phật, trí tuệ Ngài đã tác động vị thánh đệ tử này, giải tỏa được
mọi thắc mắc, khổ đau cho ông. Bao nhiêu ẩn số về cuộc đời tồn đọng,
làm đau đầu, nhức óc đại luận gia Xá-lợi-phất bỗng chốc được
khai thông. Quả là kỳ diệu, ông đã thấy rõ đáp số cho mọi vấn đề
khi vừa nhìn thấy hình bóng giải thoát của Đức Phật. Phần lớn những
nhà trí thức theo Phật, thoát khỏi hố sâu của lý luận, thắc mắc tự
tiêu tan, nhẹ nhàng thanh thản trước cuộc đời, thường được diễn tả
là giải thoát tri kiến.
Mặc dù Đức Phật được tôn là đấng Vô Thượng
Sư, nhưng trong cuộc sống, Ngài đối xử với mọi người rất bình đẳng.
Sinh hoạt của giáo đoàn dưới sự hướng dẫn của Ngài, thể hiện tinh
thần phá bỏ giai cấp một cách triệt để. Đức Phật sống hài hòa với
tất cả đệ tử, tâm bình đẳng của Ngài bao phủ trọn vẹn đại chúng,
khiến họ tự quên mình thuộc giai cấp nào. Vì vậy, người quyền quý,
giàu có, trí thức tu chung với người nghèo khổ, bình dân mà vẫn hòa hợp,
thanh tịnh, không chướng ngại.
Ba đức tính cao quý: Trí tuệ, Từ bi, Bình đẳng
của Đức Phật được các thánh đệ tử tiếp nhận và tiếp tục thắp
sáng trên bước đường truyền giáo. Các vị A La Hán hành đạo khắp nơi
trên thế giới, đến nơi nào cũng thể hiện ba điều cao quý ấy, tạo
thành nếp sống hài hòa với mọi người, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mà
kinh thường gọi là tùy duyên.
Thí dụ khi đặt chân đến Trung Hoa, các nhà sư
truyền giáo đã kết hợp hài hòa tinh ba của Phật pháp với văn hóa truyền
thống sẵn có là Lão-Trang, Khổng-Mạnh. Hài hòa đến độ dân chúng nơi
ấy thấy các nhà sư Phật giáo là người của Lão-Trang hơn cả Lão-Trang.
Trong lịch sử, cũng thể hiện rõ nét tinh thần
ấy. Như Đạo Dung, Đạo Sanh, Tăng Triệu, Tăng Duệ là học trò nổi tiếng
của hai đạo Lão-Trang và Khổng-Mạnh, sau này trở thành đệ tử của ngài
Cưu Ma La Thập, đóng vai trò trợ thủ đắc lực nhất cho Ngài trong việc
phiên dịch kinh điển.
Thiết nghĩ, nối gót theo tinh thần bình đẳng,
vô ngã hoàn toàn, các nhà sư truyền đạo không mang định kiến đạo Phật
phải là thế này, không thể thế kia. Nhưng đối với họ, tinh ba của con
người là một phần của đạo Phật, nên thường lựa chọn những gì tốt
nhất của con người thì phát huy cái đó. Theo tinh thần ấy, các nhà truyền
giáo đã lấy những điểm hay, đẹp của Lão-Trang, Khổng-Mạnh để kết
hợp với áo nghĩa của đạo Phật, dùng phương tiện hài hòa ấy mà chuyển
hướng họ dần theo chánh pháp. Có thể khẳng định bản chất của người
tu sĩ vô ngã vị tha, lấy văn minh của xã hội, những điều hay đẹp của
quần chúng trang nghiêm cho đời, nên họ và người hài hòa được với
nhau.
Cũng trên tinh thần vô ngã, Phù Vân Quốc sư
khuyên Vua Trần Thái Tông không nên bỏ ngai vàng để vô núi tu. Con đường
thăng hoa cuộc sống tâm linh đối với vua là phải lấy tâm người làm
tâm mình, lấy yêu cầu của quần chúng làm yêu cầu của mình, trở về
triều lo việc trị nước an dân. Phật giáo trên con đường phát triển,
truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan v.v..., đến
nơi nào, đạo Phật đều thích hợp với văn hóa dân tộc bản địa và
trở thành lẽ sống cho người thăng hoa, tạo thành thế Phật giáo tồn tại
vững chắc, lâu dài, hiền hòa. Sống tách biệt, chống đối, thù hiềm, mưu
cầu lợi ích riêng tư... chưa bao giờ là hành trang của người đệ tử
chân chính nối gót chân Phật.
Đức Phật đã thể hiện trọn vẹn tinh thần
vì lợi ích cho số đông trên bước đường giáo hóa, tạo thành nét đẹp
tuyệt vời của một giáo đoàn thanh tịnh, hòa hợp với xã hội.
Tinh thần hài hòa của Đức Phật là chất liệu
quý báu đưa Phật giáo phát triển khắp năm châu, tồn tại hơn 25 thế kỷ.
Đặc biệt ngày nay, Phật giáo đang lần bước mở rộng ở các nước Tây
phương. Và những vị Thiền sư cũng theo tinh thần phục vụ vô ngã, đã
nhẹ nhàng ảnh hưởng cho người phát triển tâm linh, khai thông được những
bức bách của xã hội văn minh.
Tóm lại, hàng đệ tử Phật đời sau nối tiếp
hạnh nguyện của Ngài, thể hiện được chân tinh thần trí tuệ, từ bi,
bình đẳng, vô ngã vị tha, thì hành đạo ở nơi nào cũng được mọi
người kính mến, quý trọng, thành tựu mọi việc lợi cho đời, tốt cho
đạo.
Theo dòng thời gian, Phật giáo nhẹ nhàng lặng lẽ
đi vào lòng người ở khắp mọi nơi trên thế giới. Không đâu không có
hình bóng những người nối chí Phật, được kinh Hoa Nghiêm diễn tả là
Pháp thân Phật.
Thiết nghĩ, lòng từ bi bao la, vì người, lo cho
người được soi sáng bởi trí tuệ toàn giác theo Phật dạy chắc chắn
có giá trị muôn đời, ở bất cứ nơi nào trên trái đất này.
Cảm nhận sâu sắc những đức tính cao thượng
tuyệt vời ấy của Đức Từ Phụ, chúng ta sung sướng hướng về Ngài,
ca ngợi, đảnh lễ:
Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly
Phật diện du như mãn nguyệt huy
Phật tại thế gian thường cứu khổ
Phật tâm vô xứ bất từ bi.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/p-012-quanniem.htm