ẢNH HƯỞNG PHẬT
GIÁO ÐỐI VỚI NHÂN LOẠI
Nguyên tác: T.T: Nyanatiloka Maha Thera
Chuyển ngữ: H.T. Thích Trí Chơn
Khoảng vài ba mươi năm trước đây, bất cứ người nào ở các
nước Tây Phương có cảm tình với Phật giáo đều được coi là hạng người thiếu
suy xét. Vào thời đó, người ta còn xem đạo Phật đại để như một tôn giáo
đầy màu sắc thần bí lẫn mê tín dị đoan và không ai tin rằng Phật giáo sẽ
có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự hướng dẫn đời sống tinh thần
cho các dân tộc Tây Phương như hiện nay. Có nhiều người Âu Châu, phần đông
thuộc các tín ngưỡng đối lập, họ đã chỉ trích xuyên tạc Phật giáo, cũng
như đã cố gắng thuyết minh cho những bạn bè của họ tin rằng ảnh hưởng của
Phật giáo rất tai hại vì nó gieo rắc tư tưởng bi quan yếm thế cho con
người. Do đó, dưới mắt họ, Phật giáo là một chướng ngại nguy hiểm cho mọi
hoạt động xã hội và phát triển quốc gia. Tuy nhiên, những người có hiểu
biết đạo Phật ít nhiều hoặc đã từng sống ở các quốc gia thuần túy theo
Phật giáo chẳng hạn như Miến Ðiện, Thái Lan, nơi mà dân chúng cảm thấy
cuộc sống hầu như được an lành và hạnh phúc nhất trên thế giới thì họ sẽ
nhận thấy ngay những lời phê bình trên về Phật giáo của một số người Tây
Phương là hoàn toàn vô căn cứ, sai hẳn sự thật.
Dưới đây, chúng ta sẽ thấy rằng, một học thuyết cao siêu toàn hảo như Phật
giáo chỉ có thể gây nên những ảnh hưởng tốt đẹp cho tâm tính con người và
đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội, quốc gia. Phật giáo luôn nhắc
nhở con người nên tin ở mình, tinh tấn tu hành để tự giải thoát. Thật chưa
có tôn giáo nào xác nhận tinh tấn là động lực chính giúp con người vươn
đến cõi toàn thiện và trái lại giải đải (biếng nhác) là nguyên nhân khiến
con người phải sa đọa khổ đau như Ðức Phật đã dạy:
“Tinh tấn là đường dẫn đến Niết Bàn,
Giải đải và trì hoản là đường về sanh tử”
Chỗ khác đức Phật bảo: “Này các Tỳ Kheo! Nhờ ý chí cương quyết thiền
định mà Ta đã giác ngộ cũng bởi sự tinh tấn chuyên tu mà Ta đã được giải
thoát hoàn toàn. Hỡi các Tỳ Kheo! Nếu các con biết mãi mãi tinh tấn tu
hành, không bao lâu các con cũng sẽ chứng được quả Bồ Ðề Vô
Thượng”. Và trước khi nhập Niết Bàn, trong lời di chúc cuối
cùng Đức Phật cũng dạy: “Các con hãy nỗ lực tinh tấn để tự giải thoát”.
Bởi thế, trên đường tu tập, người Phật tử luôn trông cậy vào sự cố gắng
của chính mình. Họ không ỷ lại vào một ngoại lực nào, vì họ thừa hiểu rằng
không một ai, dù là đấng có quyền phép đến đâu cũng chẳng cứu giúp cho họ
thoát khỏi được trong đời hiện tại, những nghiệp quả khổ đau mà họ đã lở
gieo nhân từ tiền kiếp. Cho nên.” Lành do ta mà dữ cũng do ta. Tịnh hay
bất tịnh đều bởi ta. Không ai có thể làm cho người khác thanh tịnh được”.
Phật giáo dạy rằng, mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm lấy những hành động
thiện hoặc ác mà chúng ta đã gây ra và cuộc đời hạnh phúc hay đau khổ cũng
do tự bàn tay chúng ta xây dựng lấy. Vì: “Mọi hành động xấu đều không
phải do cha mẹ, bạn bè của ta gây nên mà bởi ta đã tạo ra, cho nên chính
ta phải gặt lấy những kết quả đau khổ đó”. Người Phật tử biết rằng
không phải hoàn toàn ỷ lại vào sự giúp đỡ của đức Phật, Giáo Hội, hay của
chư Tăng mà mình có thể giải thoát được, nên người Phật tử buộc phải trông
cậy vào nỗ lực tu tập nơi chính bản thân để tự cứu lấy mình. Nhờ thế mà họ
đạt được cao độ của tinh thần tự tín. Cũng không ai chối cãi được rằng, sự
tin tưởng vào một đấng Thượng Đế hay bất cứ một năng lực tưởng tượng nào
đều làm con người mềm yếu, mất hết đức tính tự tin và tự trách nhiệm.
Trong khi đó trái lại, kẻ biết tự tin vào năng lực của chính mình họ sẽ
trở nên cương quyết và mạnh mẽ.
Không những Phật giáo đã làm phát triển đức tánh tự tin nơi con người mà
còn khuyên con người phải sáng suốt trước khi tin một điều gì. Phật giáo
phủ nhận lối tin vào những tập tục mù quáng hay những quyền lực vu vơ.
Muốn đạt được chân lý, giải thoát mọi khổ đau, con người phải tin tưởng
vào khả năng giác ngộ và thiền định nơi chính mình. Ðức Phật dạy: “Ðừng
tin vào một điều gì dầu điều ấy là lời khẩu truyền hay những tập quán.
Đừng tin theo điều gì dù điều ấy do một bậc Thầy dạy lại., Những điều nào
các con tự xét thấy là sai lầm, xấu xa sẽ gây đau khổ cho các con và
mọi người khác thì các con hãy đừng tin theo”. Một học
thuyết nêu cao khả năng giác ngộ của con người như thế không thể nào gây
ảnh hưởng tại hại cho nhân loại được.
Những tôn giáo phủ nhận lý trí cá nhân, buộc tín đồ mù quáng tin vào thần
quyền, giáo điều hoặc những lễ nghi tập tục sai lầm, mới thật đưa con
người vào con đường mê tín dị đoan, phá sản xã hội. Cho nên tinh thần con
người chỉ tiến bộ được khi họ có tự do tư tưởng. Và ai cũng nhận thấy
rằng, lòng tin mù quáng vào giáo điều, tín ngưỡng đã gây nên ở con người
bệnh cố chấp và lòng phân chia hẹp hòi ích kỷ. Ngày nay họ còn nhớ tới xã
hội thời Trung cổ (Middle Ages) với những hình phạt tra tấn, thiêu đốt
chém giết, tàn sát con người một cách dã man cùng những cuộc Thánh chiến
rùng rợn. Tất cả những hành động phi nhân này đều là kết quả của lòng tin
cuồng nhiệt vào giáo điều của những tôn giáo Thần quyền. Nói tóm, mọi chủ
trương độc tài tín ngưỡng và tàn bạo bao giờ cũng đưa xã hội con người đến
cảnh suy vong, man rợ phản tiến hóa vậy.
Trái lại, một nền tiến bộ tự do và hòa bình trong sự phát triển xã hội,
đạo đức, kiến thức, nghệ thuật, khoa học và triết học chỉ có thể xuất hiện
trong một quốc gia biết tôn trọng đức tánh khoan dung cũng như tự do tư
tưởng con người. Và không thể có được trong một quốc gia mà nơi đó có sự
kỳ thị về tôn giáo, chính trị hay sự tự do của con ngưòi bị bóp chết hoàn
toàn. Bây giờ điều trên hết để giúp chúng ta phát triển đức tánh khoan
dung này trong nhân loại là lòng từ bi, mà theo Phật giáo nó là nền tảng
luân lý để xây dựng cho mọi sự tiến bộ xã hội và đạo đức con người. Đúng
vậy, dân chúng những quốc gia thật sự theo Phật giáo đều thấm nhuần tinh
thần từ bi này. Nó không phải là kết quả của đức tin mù quáng vào những
giáo điều cố định mà là kết quả của sự hiểu biết chân chính rằng, tất cả
chúng sanh từ loài người đến côn trùng đều có tương quan mật thiết: “Ta
là tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh là ta”.
Bởi sự sống của ta với sự sống của mọi chúng sanh là một, nên con người
không có quyền sát hại bất cứ sinh mạng nào. Không có tôn giáo nào trên
thế giới đề cập đến lòng từ bi như Phật giáo. Nó thể hiện qua những lời
kinh chân thành mà thường nhật chư Tăng tụng đọc với mục đích cầu nguyện
cho chúng sanh không phân biệt chủng loại luôn thoát khổ được vui. Cho
nên, tại các nước Phật giáo, kinh Từ Bi (Metta Sutta) đã được dùng tụng
hàng ngày hai buổi sáng tối cho tất cả hàng chư Tăng, Ðại Ðức cũng như
hàng Thượng Tọa, lớn cũng như nhỏ mà tôi xin trích một đoạn ngắn dưới đây:
“Như bà mẹ chăm sóc bảo vệ hết sức đứa con độc nhất của mình.
Làm thế khi chúng ta đối với tất cả chúng sanh,
Hãy phát tâm từ bi rộng lớn,
Tràn khắp vũ trụ bao la,
Trên dưới mọi nơi,
Không còn những tâm niệm hận thù ganh ghét …..”.
Trong khi đó, những kẻ cuồng tín tin vào Thần quyền lại khuyên tín đồ:
“Hãy giết chết những kẻ thù của anh bất cứ nơi nào anh gặp
chúng. Hãy tắm chúng trong máu đào bởi đó là hình phạt dành cho
những kẻ bất tín”. Hay là “Hãy chiến đấu chống lại những kẻ thù
của anh cho đến khi chúng chịu đầu hàng, cho đến khi nào chúng chịu tôn
thờ Thượng Đế.Phải bắt chúng chịu mọi sự đau khổ của sự trả thù”
Như vậy, chúng ta thấy rằng ở đâu lời khuyên răn tàn bạo được chấp
nhận thì nơi đó sẽ phát sanh ảnh những hưởng tai hại của sự cuồng tín, độc
ác và có thể gây cho thế giới con người sự đau khổ và âu lo khủng khiếp.
Ðiều ai cũng thấy là lòng từ bi và đức tánh khoan dung nói trên thường
được nhắc đến trong các kinh điển Phật giáo, một đặc điểm mà ở các kinh
sách những tôn giáo khác rất khó tìm thấy.
Thật vậy, chưa có nhà truyền giáo tên tuổi nào của Phật giáo có ý tưởng
phỉ báng hay sân hận chống đối những kẻ khác tín ngưỡng với mình và cũng
không bao giờ có sự kỳ thị về tôn giáo quốc gia hay chính trị nơi một dân
tộc đã thực sự thấm nhuần chân tinh thần từ bi của Phật giáo. Nhờ thế mà
không cần đến súng đạn hay giáo gươm, Phật giáo vẫn chinh phục được tâm
hồn của hàng trăm triệu người trên thế giới. Trong lịch sử, như chúng ta
đã biết, từ lúc Phật còn ở đời cho đến hôm nay, chưa có một giọt máu nào
đã chảy vì danh nghĩa của đức Phật hay bởi sự truyền bá giáo lý của Ngài.
Nhưng với các tôn giáo khác thì sao? Thật không thể nào dẫn chứng hết ở
đây tất cả những phương tiện man rợ mà một vài tôn giáo đã dùng đến để
truyền bá đạo lý của họ.
Hơn nữa, Phật giáo cũng dạy rằng đức tin và những hình thức phát triển bên
ngoài không hẳn hoàn toàn giúp người Phật tử đạt đến sự giác ngộ giải
thoát và truyền bá Phật giáo bằng vũ lực có nghĩa là bành trướng những đức
tính công bình và tình thương bằng phương tiện bất công và tàn bạo. Người
Phật tử không xem sự cải giáo của tha nhân là trọng. Với một kẻ tự nhận
mình là Phật tử hay không, điều ấy không mấy cần thiết đối với họ, bởi
người Phật tử biết rằng, chỉ có chính bản thân họ học hiểu và thực hành
giáo lý, họ mới đến gần được cứu cánh giải thoát của đức Phật.
Người Phật tử chỉ muốn tạo sự an lạc cho những kẻ khác bằng cách hướng dẫn
họ trở về với ánh sáng đạo đức, trí tuệ cùng chỉ cho họ một con đường giải
thoát khỏi mọi khổ đau mà thôi. Và ngay từ xưa, tinh thần từ bi này cũng
đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các dân tộc theo Phật giáo, khiến dân chúng thực
hiện được nhiều công tác từ thiện hữu ích như thiết lập trên các quốc lộ
những nhà tạm trú miễn phí cho khách bộ hành mõi mệt hoặc cung cấp thức
ăn, nước uống cho người và vật; xây cất những nhà thương thí và phát thuốc
không cho các bệnh nhân v..v…..
Như vậy, có thể nói rằng thay vì gây ảnh hưởng tai hại cho loài người- như
các quốc gia Tây Phương thường bày tỏ- trái lại, Phật giáo là một trong
những tôn giáo của thế giới bao hàm nhiều phương pháp tốt đẹp nhất, có thể
cải thiện và giáo dục tâm tánh cho con người. Nó đánh thức nơi con người
đức tính tự trọng và tinh thần trách nhiệm bản thân. Phật giáo còn khích
lệ sự tiến bộ tinh thần bằng cách tán dương năng lực suy tưởng của chính
con người. Nó phổ biến trong nhân loại đức tánh khoan dung và giúp cho
loài người thoát khỏi bệnh cuồng tín cố chấp hẹp hòi vì tín ngưỡng quốc
gia. Nó phát huy trong nhân loại đức tính từ bi, tình huynh đệ, cùng dứt
trừ được nơi con người lòng sân hận và bạo tàn.
Nói tóm, Phật giáo đã nêu cao tinh thần tự tín bằng cách dạy rằng số phận
con người nằm trong tay của nó, và chính con người có đủ tìm lực để phát
triển những đức tánh tốt đẹp, hầu đạt đến qủa vị giải thoát, chứ Thượng Đế
và đức Phật không bao giờ có thể giúp con người điều ấy. Cho nên, tự
trọng, tự tín, khoan dung, từ bi, trí tuệ là những đức tánh tốt đẹp có thể
tạo được cho nhân loại nhờ ảnh hưởng của Phật giáo. Và trong một quốc gia
mà mọi dân chúng đều thấm nhuần những đức tính ấy thì chắc chắn là hạnh
phúc, hòa bình sẽ hiện đến và một quốc gia như thế sẽ là một quốc gia kiểu
mẫu cho toàn thế giới, một nhân gian tịnh độ vậy.
Trích
tập “Influence of Buddhism On A People”
Phát
hành tại Tích Lan (Sri Lank).
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/phatgiao_nhanloai.htm