Thượng Tọa Deshung
Rinpoche(1)
Trong
việc nghiên cứu Phật Pháp, chúng ta cần hiểu rằng có một cách thế đúng đắn
để thực hiện điều đó. Khi bạn nghe giảng những giáo lý Phật giáo này, hãy
đặt sang một bên mọi sự xao lãng và tập trung tâm bạn với ý hướng nhất tâm
trên những ngôn từ và ý nghĩa của chúng. Điều này cũng phải được thực hiện
với một thái độ nhớ tưởng tới tất cả những chúng sinh khác không thể nghe
giáo lý Giác ngộ. Hãy đưa họ vào tâm bạn với những niệm tưởng từ bi và với
một quyết định rằng, nhân danh họ, bạn sẽ học tập Pháp một cách đúng đắn,
nhớ tới nó, kinh nghiệm và chứng ngộ nó bằng những nỗ lực của riêng bạn.
Để tịnh hóa những sự khái niệm
hóa tầm thường về bản tánh và giá trị của Pháp trong tâm bạn, bạn cũng nên
nghĩ tưởng rằng vị Thầy của bạn không khác gì bản thân Đức Phật Thích Ca
Mâu Ni. Bởi nếu chính Đấng Giác ngộ hiện diện ở đây trước mặt bạn , Ngài
sẽ chẳng giảng điều gì khác Giáo Pháp này.
Hãy quán tưởng vị Thầy của bạn
trong thân tướng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tưởng tượng rằng vô số
tia ánh sáng vàng chiếu rọi từ thân ngài chạm vào tất cả chúng sinh. Những
ánh sáng này tẩy trừ khỏi họ và bản thân bạn những chướng ngại cho kinh
nghiệm về Pháp Giới và an lập tất cả trong sự hỉ lạc thanh tịnh của sự
giải thoát. Khi những tia sáng này chạm vào tim bạn, hãy nghĩ tưởng rằng
trong tâm bạn phát khởi sự quán chiếu vào ý nghĩa chân thực của Pháp đang
được thuyết giảng.
Hãy nghĩ tưởng rằng bản thân
bạn không khác gì Bồ Tát của Trí tuệ, Đức Manjushri (Văn Thù), bậc trong
khi hoàn thành hạnh nguyện của ngài đã khám phá không chút mệt mỏi những
Giáo Pháp nhân danh những chúng sinh đau khổ. Hãy tưởng tượng rằng bạn
đang nhận Pháp này trong một cõi tịnh độ của chư Phật. Ở đó mọi sự vật
được nhìn thấy không kiên cố và thực có theo cách chúng ta nhìn chúng bằng
sự mê lầm, nhưng giống như những hình ảnh xuất hiện trong một ảo ảnh hay
một giấc mơ. Không bám chấp vào bất kỳ điều gì như thực có, hãy để cho tâm
bạn an trụ trong trạng thái tánh Không. Trong những cách thế này, những nỗ
lực của bạn để học tập ở đây và bây giờ sẽ gần giống sự truyền dạy Thánh
Pháp khi nó xảy ra trên mức độ thực tại tối hậu.
Tất cả những cơ hội như thế này
– lắng nghe, học tập, và hòa nhập trong tâm thức của riêng ta những giáo
lý giác ngộ được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy – thì cực kỳ hi hữu.
Rất ít chúng sinh có được một cơ hội như thế. Nhiều người khi sống cuộc
đời của họ đã bị cô lập với Pháp. Họ không có lối vào con đường giác ngộ.
Kết quả là họ đau khổ và bởi sự mê lầm, họ tạo thêm đau khổ cho bản thân
và chúng sinh khác. Nỗi khổ này cứ tiếp tục mãi; nó kéo dài vô tận và hiển
lộ thật đa dạng.
Các Kinh điển có nói một cách
chân thành rằng thậm chí danh hiệu của Đức Phật cũng hiếm có chúng sinh
nào được nghe thấy. Suốt trong vô lượng kiếp sống, hầu hết chúng sinh
không có ngay cả nhiều cơ hội để giải thoát khỏi sự mê lầm và nỗi khổ của
họ. Do đó, mỗi giáo lý phải được trân trọng như bảo vật hiếm có, và được
quý mến ấp ủ trong khi ta còn có cơ hội để nhận lãnh nó.
Những chúng sinh may mắn như
chúng ta, là những người giờ đây đang có một đời người với những thuận lợi
và sự nhàn nhã trong một thời đại mà các giáo lý đang còn hiện diện, phải
chánh niệm về tình huống của chúng ta. Đời người thì cực kỳ ngắn ngủi. Nó
trôi qua còn nhanh hơn nước đổ xuống trong một dòng thác núi. Cuộc đời
chúng ta nhanh chóng trôi qua và cái chết nằm phía trước mỗi người trong
chúng ta. Trong thế giới này, những sự xao lãng thật nhiều và chướng ngại
thì đầy rẫy. Khó tìm ra được sự quyết tâm thực hành Pháp. Khó đánh thức
được trong tâm ta quyết định đạt được Giác ngộ, khó có thể chuyên tâm một
cách đúng đắn vào quyết định này theo một cách thế thực sự mang lại lợi
lạc cho bản thân ta và người khác.
Dù thế nào đi nữa, chúng ta
phải tìm ra sức mạnh để đánh thức quyết định này trong bản thân ta bằng sự
quán chiếu những yếu tố của sự hiện hữu làm người và những yếu tố của sự
sống như một toàn thể. Bởi chúng ta, giống như chúng sinh khác, đã bị mang
đi bởi dòng sông vĩ đại của những khuynh hướng nghiệp chướng (những hành
động phát khởi từ tham, sân và si). Vào lúc chết, những khuynh hướng trong
tâm ta sẽ quyết định tương lai ta: hoặc sẽ tìm lại được một cơ hội như thế
để thọ nhận và thực hành Pháp hoặc chúng ta sẽ vĩnh viễn mất nó, hoặc sẽ
chịu đau khổ trong những cõi thấp giữa những chúng sinh trong địa ngục,
những ngạ quỷ, và súc sinh, hoặc tự thấy mình mất hết Giáo Pháp giữa những
vị trời và a tu la.
Định luật nghiệp báo xoay
chuyển bánh xe vĩ đại của sự căn nguyên tương thuộc (sự duyên sinh), vòng
tròn không thể lay chuyển được của những tiến trình mê lầm trong tâm thức,
sẽ cuốn chúng ta ra khỏi cơ hội độc nhất vô nhị này để nắm bắt được Giáo
Pháp cứu sinh và được nó giải thoát. Nếu chúng ta vẫn nằm dưới sự chi phối
của vòng quay mê lầm này, tiến trình mười hai nidana, hay những mối liên
kết của căn nguyên tương thuộc (duyên sinh) sẽ khiến chúng ta phải lang
thang vô ích từ một trạng thái hiện hữu này sang trạng thái khác. Nếu
chúng ta không thoát khỏi bánh xe mê lầm bằng trí tuệ và sự hiểu biết đúng
đắn về Con Đường, thì chắc chắn là ta sẽ tiếp tục trải nghiệm nỗi khổ đau.
Nếu chúng ta không trốn thoát khỏi ba loại đau khổ này – đau khổ vì sự vô
thường, đau khổ vì bản thân đau khổ (trong những cõi thấp), và đau khổ vì
sự sống có điều kiện – sẽ tiếp tục quấy rầy ta. Đây là tương lai chờ đợi
mỗi người trong chúng ta, là những người không có khả năng tạm ngừng nghỉ,
quán chiếu, và thực hiện một nỗ lực chân thành để chứng ngộ những chân lý
Pháp này.
Trong tình huống như của chúng
ta, chúng ta phải làm gì? Đây là vấn đề mà Đấng Giác ngộ, Đức Phật Thích
Ca Mâu Ni, đã cân nhắc trong nhiều năm và chính nhờ lòng đại bi của Ngài
đối với chúng sinh như bản thân chúng ta mà ta đã khám phá cho mình một
cách thế nhờ đó ta có thể giải thoát mình khỏi cảnh ngộ khốn khó.
Đức Phật đã giảng dạy một con
đường giải thoát được đặt nền trên sự thanh tịnh và đạo đức, một con đường
của sự chứng nghiệm bao gồm việc nghiên cứu, quán chiếu và thiền định đúng
đắn, một con đường có cùng đích là sự thành tựu hạnh phúc vĩ đại của sự
giải thoát. Bằng sự thiện xảo của Đức Phật trong những phương tiện và sự
thấu suốt những loại chúng sinh và những khuynh hướng nghiệp khác nhau là
những gì đã làm cho chúng sinh khác biệt nhau, Đức Phật đã thuyết giảng
một vài hệ thống thực hành.
Trước tiên, Ngài đã giảng hệ
thống Phật Giáo Tiểu thừa với ý niệm giải thoát cá nhân của nó. Đối với
những người có năng lực tâm linh lớn lao hơn, Ngài giảng những giáo lý cao
quý của Con Đường Lớn của Phật Giáo Đại thừa với ý niệm phổ độ của nó.
Trong hệ thống Đại thừa, ta thọ giới nguyện Bồ Tát để giải thoát tất cả
các sinh loài cũng như bản thân ta. Kết quả của nó là sự thành tựu ba thân
(Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân), hay những phương diện của sự giác ngộ
viên mãn. Tuy nhiên, con đường thực hành Đại thừa này đòi hỏi ba a tăng kỳ
kiếp để hoàn thiện những phẩm tính của Phật Quả.
Với những người có lòng bi mẫn
đối với thế gian thật mãnh liệt, là những người nhận ra rằng khó có thể
chịu đựng nổi việc chúng sinh đã phải chờ đợi quá lâu trước khi ta có thể
giải thoát họ khỏi nỗi đau khổ và an lập họ trong niềm hạnh phúc của sự
giải thoát, Đức Phật đã giảng dạy con đường nhanh chóng của Phật Giáo Kim
Cương thừa. Nhờ những kỹ thuật thiền định siêu việt của hệ thống này, hành
giả có thể đạt được Phật Quả trong một quãng thời gian rất ngắn.
Nếu ta trì giữ những giới
nguyện và thiền định một cách mãnh liệt thì ta sẽ đạt được sự Giác ngộ
viên mãn – Phật Quả - ngay trong đời này. Nhưng hệ thống này đòi hỏi ta
phải có những năng lực tinh thần siêu việt: phải cực kỳ thông tuệ và tinh
tấn. Tuy nhiên nếu ta chỉ có những năng lực, sự thấu suốt và tinh tấn
trung bình thì ta có thể tin tưởng là sẽ đạt được Giác ngộ hoặc trong
trạng thái bardo hoặc trong đời sau. Cho dù ta có sự phát triển tâm linh
rất ít ỏi và không thể thực hành gì hết, ta vẫn được bảo đảm rằng sẽ đạt
được Phật Quả trong không quá mười sáu đời.
Vì thế, hệ thống cuối cùng này
do Đức Phật giảng dạy thì cực kỳ hữu hiệu. Những Phật tử bị lay động bởi
lòng bi mẫn mãnh liệt đối với thế gian, là những người đã quyết định nhanh
chóng giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ và an lập họ trong sự hạnh phúc
nên chú tâm vào hệ thống thực hành này. Những phẩm tính được đòi hỏi ở đây
là lòng dũng cảm, sự tinh tấn trong thực hành, và nhiệt tâm đối với đức
hạnh.
Ba hệ thống Giáo Pháp này được
giảng dạy cho chúng sinh có những năng lực tâm linh khác nhau đều mang lại
những lợi lạc to lớn cho thế gian. Nhờ những hệ thống giáo lý này, tất cả
chúng sinh có thể tìm ra con đường dẫn tới giải thoát. Bất kỳ ai thọ nhận
Giáo Pháp cũng nhận được sự lợi lạc bởi nó được Đấng Bi Mẫn giảng dạy để
giúp chúng ta đạt được những mục đích của mình. Tất cả chúng ta đều tìm
kiếm hạnh phúc và cố gắng tránh xa đau khổ. Giáo Pháp chỉ cho ta con đường
giải trừ những nguyên nhân của đau khổ và đạt được sự chứng nghiệm hạnh
phúc vô thượng.
Tuy thế có một mối nguy hiểm
trong việc nắm giữ Pháp một cách sai lạc. Nếu sự nguy hiểm này không tránh
được và sự tiếp cận với Pháp của ta sai lầm thì ‘Pháp’ trở thành một
nguyên nhân của tai họa thay vì lợi lạc. Đây không phải là mục đích của
Các Đấng Giác ngộ mà cũng không phải của các Đạo sư đã giao phó Pháp cho
chúng ta.
Hãy nhận ra và tránh xa mối
nguy hiểm này: nó được gọi là ‘tư tưởng hẹp hòi’. Nó biểu hiện trong những
giáo đoàn trong hình thức của sự bộ phái: một thái độ phân biệt, một
khuynh hướng hình thành những sự vướng mắc mê lầm đối với dòng phái của
riêng ta và bác bỏ những trường phái Phật Giáo khác như cái gì thấp kém.
Tôi từng nhận thấy tư tưởng hẹp
hòi này làm giảm giá trị của Phật Giáo ngay trong xứ sở Tây Tạng của tôi
và trong thời gian hai mươi năm qua khi tôi sống ở Mỹ, tôi cũng nhìn thấy
nó phát triển trong những trung tâm Giáo Pháp do những vị Thầy Tây Tạng và
các đệ tử của họ thành lập ở đây. Tôi rất lấy làm đau khổ khi nhận thấy sự
bộ phái đã bám rễ giữa những trung tâm Giáo Pháp. Chính bởi nghiệp của
tôi, với tư cách là một người đại diện của Phật Giáo và là một người Tây
Tạng, mà tôi có cơ hội và trách nhiệm để chống lại, khi được yêu cầu, ‘kẻ
thù nội tại’ này.
Thông thường thì ở Tây Tạng
những người ít phát triển tâm linh nhất ủng hộ mỗi một trong bốn dòng phái
lớn để nuôi dưỡng tinh thần bộ phái này. Những tu sĩ và đệ tử cư sĩ của
một dòng phái thường từ chối không tham dự những buổi lễ của các dòng phái
khác. Những tu sĩ từ chối không nghiên cứu hay đọc kinh văn của những phái
khác chỉ vì chúng là những tác phẩm của các Đạo sư thuộc dòng truyền thừa
khác – bất luận kinh văn ấy có thể tốt lành tới đâu.
Dòng Nyingma vĩ đại – Dòng của
Những Bậc Cổ xưa (Cổ Phái) – có sự tự phụ đặc biệt của nó. Một số môn đồ
của dòng này tin rằng, là những thành viên của trường phái xuất hiện sớm
nhất, họ có những giáo lý sâu xa mà những trường phái sau này của Phật
Giáo Tây Tạng không biết tới. Họ xác nhận rằng bằng cách nào đó giáo lý
‘Đại Viên Mãn’ của họ thì siêu việt hơn nhận thức ‘Mahamudra’ (Đại Ấn) về
thực tại tối hậu. Họ khẳng định điều này mặc dù bằng luận lý học và những
giáo lý của chính Đức Phật, chúng ta biết rằng không thể có bất kỳ khác
biệt nào trong việc chứng ngộ thực tại tối hậu. Họ cũng khẳng định rằng
giáo lý của họ là con đường siêu việt được ban tặng những giáo lý bí mật
và những cấp độ Giáo Pháp mà các trường phái khác không biết.
Phái Gelugpa, do Đức Tsongkhpa
vĩ đại sáng lập, cũng có những người ủng hộ kiêu ngạo của nó. Họ nghĩ họ
là những người bảo vệ duy nhất của giáo lý đã được đại học giả Atisha
truyền sang Tây Tạng, mặc dù những giáo lý này sẵn sàng được sử dụng và
thực hành phổ biến trong những phái khác. Họ tự phụ khi tuyên bố có một sự
siêu việt trong thiện hạnh. Họ có cảm tưởng rằng việc bảo vệ giới luật tu
viện và tập quán hiến mình nhiều năm để nghiên cứu trước khi cuối cùng
chuyển sang thực hành thiền định đã tạo nên một cách tiếp cận tối thượng
với sự thực hành Kim Cương thừa. Họ tự coi mình là siêu việt trong thái độ
hành xử lẫn trong sự nghiên cứu.
Một vài môn đồ của phái Sakya
cũng có sự tự phụ về việc nghiên cứu. Họ tin rằng chỉ có phái của họ là
hiểu biết và giữ gìn những giáo lý sâu xa được đưa từ Phật Giáo Ấn Độ vào
Tây Tạng. Thông thường thì những học giả Sakya này xem thường những hành
giả của các dòng khác, cho rằng những Phật tử Tây Tạng khác là những hành
giả dốt nát, sự thực hành của họ không được nâng đỡ bởi sự hiểu biết đúng
đắn chân nghĩa của Giáo Pháp.
Một số người ủng hộ phái Kagyu
có sự tự phụ riêng của họ. Họ khẳng định rằng dòng truyền những Đạo sư của
họ thì siêu việt tới nỗi bản thân họ được coi là siêu phàm – như những
người kế thừa của Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa và Dagpo. Những Đạo sư
này đúng là rất vĩ đại nhưng không nhất thiết những người khẳng định mình
là người ủng hộ truyền thống của họ cũng vĩ đại như thế. Sự vĩ đại của
những Đạo sư này phụ thuộc vào sự chứng ngộ của các ngài. Sự trung thành
mù quáng với những Đạo sư này không thể làm cho các hành giả Kagyu trở nên
siêu phàm.
Tất cả những thái độ này rất
thường được tìm thấy trong những tu sĩ và cư sĩ Phật Giáo Tây Tạng. Chúng
có thể là những thái độ phổ biến nhưng không là những thái độ Phật Giáo.
Kongtrul Rinpoche, Đạo sư Kagyu vĩ đại và là người đề xướng phong trào
Ris-med (2) đã nói rằng một bậc hiền minh sẽ có niềm tin nơi giáo lý của
tất cả các dòng phái, sẽ yêu quý Pháp tìm được trong mỗi dòng phái đó
giống như một bà mẹ thương yêu tất cả những đứa con của bà. Tâm một bậc
hiền minh như thế bao la như bầu trời, có nhiều khả năng để đón nhận nhiều
giáo lý, nhiều sự nội quán, nhiều sự thiền định. Nhưng tâm của một kẻ bộ
phái ngu dốt thì giới hạn, chật chội, và hẹp hòi như một cái bình chỉ có
thể ôm giữ thật nhiều. Một tâm hồn như thế rất khó phát triển trong Pháp
do bởi những giới hạn tự áp đặt cho chính mình. Sự khác biệt giữa Phật tử
hiền minh và Phật tử bộ phái thì giống như sự khác biệt giữa sự bao la của
không gian và sự chật hẹp của một cái bình. Đây là những lời dạy của
Kongtrul Rinpoche.
Nhà hiền triết vĩ đại của Phái
Sakya là ngài Sapan đã viết trong tác phẩm ‘Ba Giới nguyện’ của ngài rằng
khi còn trẻ, ngài đã nghiên cứu rộng rãi kinh văn của tất cả những dòng
phái của Tây Tạng dưới chân những Đạo sư khác nhau. Ngài đã thực hiện
những nỗ lực đặc biệt để học tập, thông suốt, và chứng ngộ những giáo
thuyết của những trường phái khác nhau này và không bao giờ xem thường bất
kỳ phái nào. Ngài yêu quý tất cả những tông phái ấy.
Long-chen Rab-jampa, học giả vĩ
đại của Phái Nyingma, cũng thực hành tương tự. Ngài thọ nhận sự truyền
Pháp từ những Đạo sư của tất cả bốn dòng phái không chút phân biệt. Từ
tiểu sử của Đức Tsongkhapa vĩ đại, chúng ta biết được rằng ngài cũng
nghiên cứu rộng rãi dưới chân những Đạo sư của mọi dòng phái. Khyentse
Wangpo (2) vĩ đại, vị Thầy xuất sắc của Ris-med, hay phong trào không bộ
phái, đã viết trong tự truyện của ngài rằng khi ngài còn trẻ, ngài đã
nghiên cứu dưới chân một trăm năm mươi Đạo sư của tất cả bốn dòng phái của
Phật Giáo Tây Tạng.
Kongtrul Rinpoche, một Đạo sư
Ris-med khác, đã đưa tất cả những giáo lý cốt tủy của mỗi một trong bốn
phái, cũng như những phụ phái vào kiệt tác vĩ đại ‘Kho tàng Giáo lý’ của
ngài.
Tất cả những Đạo sư vĩ đại này,
những tâm hồn vĩ đại nhất mà lịch sử Phật Giáo Tây Tạng từng sản sinh ra,
đều đồng ý rằng một thái độ bộ phái không có chỗ đứng trong Giáo Pháp
thanh tịnh. Bản thân Đức Phật đã giảng dạy trong Luật Tạng và trong những
Kinh khác nhau rằng những Phật tử hình thành những sự vướng mắc vào trường
phái Phật Giáo của riêng họ và khinh miệt những giáo lý, Đạo sư và môn đồ
của những dòng phái khác, sẽ tạo nên mối tai họa to lớn cho bản thân họ và
cho cộng đồng Phật Giáo nói chung.
Trước hết, người coi thường
trường phái Phật Giáo khác là coi thường Đức Phật. Họ làm suy yếu sự
truyền bá Giáo Pháp. Sự hiện diện của Pháp bị nguy hại bởi một thái độ như
thế, và người ấy bị cô lập với sự truyền dạy của Pháp. Đó là bởi những
giới nguyện quy y của ta được đặt căn bản trên sự tin cậy vào Đấng Giác
ngộ, Giáo Pháp của Ngài, và Thánh Chúng (Tăng Đoàn Thiêng liêng). Nếu ta
bác bỏ Giáo Pháp, ta sẽ làm gãy bể giới nguyện quy y của mình và bằng cách
ấy tách rời khỏi Pháp. Bằng cách bác bỏ Giáo Pháp này – cánh cửa duy nhất
dẫn tới hạnh phúc của chúng sinh và của bản thân – ta tích tập vô vàn tội
lỗi.
Do đó, Đức Phật đã giảng dạy
rằng ta cũng không nên khinh miệt Pháp của những người phi-Phật tử bởi nó
là suối nguồn hạnh phúc và lợi lạc của họ. Ta không nên xem thường hay
nuôi dưỡng sự khinh miệt đối với những giáo thuyết của các tín đồ Ấn giáo,
Cơ Đốc giáo, hay những tôn giáo phi-Phật giáo khác bởi thái độ dính mắc
vào khía cạnh của riêng ta trong khi bác bỏ khả năng của những sự dị biệt
thì có hại cho sự nghiệp tâm linh của ta.
Những người nuôi dưỡng sự khinh
miệt được nói ra hay không được bộc lộ đối với những giáo lý và dòng
truyền thừa của những trường phái khác sẽ phải gánh chịu tội lỗi to lớn và
những hậu quả khủng khiếp. Tệ hại nhất, thái độ này thì không cần thiết
giống như sự tai hại của nó.
Những người học Pháp nên bị lay
chuyển bởi niềm tin nơi giáo lý của Đức Phật để từ bỏ những sự phóng dật,
những mê lầm, và những sự trói buộc của thế gian và hướng những nỗ lực của
họ vào việc tịnh hóa tâm thức họ thoát khỏi những chướng ngại, những ngăn
che, và những tội lỗi. Họ nên hiến mình cho những nỗ lực trong việc tích
tập những đức hạnh và những chứng ngộ dẫn tới Phật Quả và những lợi lạc to
lớn cho bản thân họ và những người khác. Đây là phận sự chân chính mà mỗi
Phật tử có ở trước mặt họ. Công việc của ta không phải là ganh đua hay
cạnh tranh với những hành giả Phật tử khác, bởi điều ấy chỉ tạo nên những
chướng ngại cho họ và cho bản thân ta. Đây không phải là trách nhiệm đặt
trước chúng ta khi ta thọ những giới nguyện quy y và giới nguyện Bồ Tát.
Niềm tin là nền tảng của Pháp.
Chính niềm tin nơi tính chất xác thực và chân lý của Phật Pháp và sự tin
tưởng chắc chắn vào hiệu quả của con đường dẫn tới Giác ngộ đã thúc đẩy
chúng ta thọ nhận những cam kết của các giới nguyện tu sĩ, những giới
nguyện sa di, hay những giới luật của cư sĩ tại gia.
Trong tất cả những giới nguyện
này, niềm tin của ta nơi tính chất xác thực của Tam bảo là nền tảng của
những giới nguyện và sự tu hành mà chúng ta đã cam kết. Nếu ta bác bỏ Pháp
của những Phật tử khác thì ta phá hủy sự cam kết của ta với Pháp. Ta phá
hủy chỗ đứng của ta trong Pháp và tạo nên một sự chướng ngại cho sự tiếp
nhận của nó. Ta phá hủy nền tảng của sự nghiệp tâm linh của riêng ta.
Vì những lý do này, hãy luôn
luôn gìn giữ trong tâm giá trị vĩ đại của Pháp. Hãy loại bỏ trong bản thân
bạn vàtrong những người khác bất kỳ thái độ nào thúc đẩy sự giảm thiểu
niềm tin. Chúng ta luôn luôn nỗ lực để có niềm tin trong sạch – niềm tin
thông tuệ được đặt nền trên sự thấu hiểu rằng chúng ta phải yêu quý Tam
Bảo như nền tảng để ta hy vọng đạt được Phật Quả.
Những người chấp nhận thái độ
hẹp hòi bộ phái này thường không biết tới những giáo lý mà những dòng phái
khác có. Thay vào đó họ đặt sự bộ phái của họ trên dòng truyền thừa. Họ
chối bỏ những vị Thầy hơn là những giáo lý của những trường phái khác.
Những dòng truyền của mỗi một
trong ba hệ thống giới luật, là những gì tạo nên cấu trúc của Pháp rèn cập
mọi Phật tử, được bắt nguồn trực tiếp từ chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Những giới nguyện Biệt Giải thoát khởi đầu từ Đức Phật và được truyền liên
tiếp qua những nhà hiền triết Ấn Độ vĩ đại tới những bậc nắm giữ dòng phái
Tây Tạng. Những dòng truyền ấy đã tiếp nối trong một sự liên tục thanh
tịnh và không đứt đoạn cho tới thời hiện đại của chúng ta.
Những giáo thuyết sâu xa và
những giới luật của năm giới nguyện Bồ Tát thì cũng thế, chúng cũng do Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy và được truyền sang những bậc hiền triết
Phật Giáo Ấn Độ và Tây Tạng. Từ Đạo sư Nagarjuna (Long Thọ) chúng ta có
‘truyền thống Văn Thù’ của những giới nguyện Bồ Tát và từ Đạo Sư Asanga
(Vô Trước) và những người kế thừa của ngài chúng ta có ‘truyền thống Di
Lặc.’
Tương tự như thế, trong Kim
Cương thừa, tất cả những tantra được Đức Phật thuyết giảng trong thân
tướng Kim Cương thừa của Ngài – thân tướng của Đức Phật Vajradhara (Kim
Cương Trì). Những tantra này và những giáo huấn của chúng được trao truyền
từ Đức Vajradhara tới những Đạo sư khác nhau của Phật Giáo Tây Tạng. Cũng
chính những tantra và giáo huấn đó đã được truyền dạy một cách thanh tịnh,
không đứt đoạn, xuống tới thời hiện đại. Chúng thuộc về toàn thể bốn dòng
phái. Mặc dù dòng truyền của những Đạo sư có thể thay đổi từ dòng này sang
dòng khác, nhưng trong sự thanh tịnh và liên tục của sự truyền dạy của
chúng thì không có lỗi lầm nào.
Ba nhóm giới nguyện này cung
cấp khung sườn hay cấu trúc khiến cho mỗi người trong chúng ta đều có thể
tiến bộ trên con đường dẫn tới giải thoát. Như thế, không có lỗi lầm trong
bất kỳ trường phái nào, hay trong những giáo thuyết hoặc dòng truyền của
chúng. Một người thông tuệ có thể tìm được lý lẽ bào chữa cho sự bộ phái ở
nơi đâu trong tất cả những trường phái này?
Chắc chắn là thật tự nhiên và
có thể chấp nhận được khi chúng ta có thể cảm thấy một sự ưa thích đặc
biệt trường phái này hay trường phái khác hay bị cuốn hút vào một hệ thống
thực hành đặc biệt, vào một nhóm đặc biệt những thiền giả hay vào một vị
Thầy đặc biệt. Nhưng khi ta làm điều đó, chúng ta cũng phải quả quyết nhìn
vào tâm ta và loại trừ khỏi nó bất kỳ cảm xúc nào của sự xem thường hay ác
cảm với những trường phái Phật Giáo khác. Chúng ta không nên xa lánh những
giáo lý và những vị Thầy của họ. Bất kỳ khi nào chúng ta hành động chỉ vì
sự dính mắc vào dòng phái của riêng ta hay từ một ước muốn không dễ chấp
nhận những giáo lý hay những vị Thầy của những dòng phái khác, thì chúng
ta đang đắm mình trong thái độ hết sức tai hại này của sự bộ phái.
Một người mà sự nghiệp tâm linh
bị ô uế bởi tư tưởng hẹp hòi và sự dính mắc vào những lợi lạc của riêng
mình trong khi chối bỏ những lợi lạc của người khác sẽ chẳng bao giờ vượt
qua được những chướng ngại để đạt được trí tuệ hay sự nội quán.
Sự bộ phái biến Giáo Pháp thanh
tịnh thành thuốc độc mà qua nó, ta tích tập tội lỗi khủng khiếp. Trong đời
này ta sẽ bị ngăn trở trong những nỗ lực về Pháp của ta. Vào lúc chết, ta
sẽ rơi vào địa ngục nhanh như một mũi tên được bắn ra từ một cây cung. Đây
là những hậu quả của việc trải một đời người trong việc chối bỏ những nỗ
lực tâm linh của người khác trên những nền tảng tư tưởng hẹp hòi như thế.
Do đó hãy tỉnh thức đừng đắm
mình trong thái độ này, nó mang lại cho bạn rất nhiều sự tai họa không
được tìm kiếm. Đừng tạo nên những chướng ngại cho Pháp của riêng bạn. Thay
vào đó hãy nỗ lực để có niềm tin thanh tịnh và hãy duy trì niềm tin đó
trong mọi sự biểu lộ của Tam Bảo, cho dù Tam Bảo được hiện thân trong
trường phái này hay trường phái khác của Phật Giáo Tây Tạng. Hãy chịu khó
nuôi dưỡng những giới nguyện quy y và niềm tin thanh tịnh của bạn và bằng
cách ấy hãy phát triển thực sự trong Pháp.
Thượng Tọa Deshung Rinpoche
Nguyên tác: “Buddhism Without
Sectarianism”
www.quietmountain.org/links/teachings/nonsect.htm
Bản dịch Anh ngữ của Jared
Rhoton, Los Angeles, California
Bản dịch Việt ngữ của Thanh
Liên
Chú thích:
(1)
Deshung Rinpoche III (1906-1987) là một Lạt ma cao cấp của Phái
Sakya. Ngài tới Seattle (Washington, Hoa Kỳ) năm 1960 và giảng dạy tại Đại
học Washington.
Tái sinh của đời thứ IV của
ngài tên là Sonam Wangdu sinh ngày 12/11/1991 tại Seattle, có Pháp danh là
Ngawang Kunga Tegchen Chokyi Nyima, hiện ở Tu viện Tharlam (Katmandu,
Nepal).
(2) Ris-med (Rime): Phong trào
(cuộc vận động) không bộ phái xuất phát ở miền đông Tây Tạng vào thế kỷ 19
do vị Thầy phái Sakya là Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) khởi xướng
cùng với đệ tử của ngài là Jamgon Kongtrul (1811-1899).
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/phatgiaokhongbophai.htm