1 - Đời người như trái bóng
Có thể ví Cuộc Đời với cái gì?
Có người nói: "Cuộc đời như giấc mộng", có người nói "Cuộc đời như tấn trò",
có người nói "Cuộc đời như hạt sương"; cũng có người nói: "Đời là bể khổ",
đời người như "khách qua đường", cuộc đời như "mây trôi"! Nếu như những ví
von này xác đáng thì cuộc đời quả đáng buồn biết bao.
Thật ra, đời người là "vô thường", "vô ngã"; đời người là biết bao mưa
nắng, sinh không mang đến, tử không mang đi. Hết một đời người, nếu như
không để lại chút công, đức, ngôn; để lại chút gì có ý nghĩa, thì đúng là
"đến tay không và đi tay không"!
Có thể ví Cuộc Đời với cái gì?
Có nên nhìn cuộc đời bi quan như thế?
Xin đưa ra một sự so sánh tương đối: "Đời người như trái bóng"!
Còn nhỏ thì học hành, phấn đấu lập nghiệp, cho đến khi thành gia thất, làm
cha mẹ, khi ấy, trong mắt các con, cha mẹ giống như quả "bóng rổ". Bởi vì,
bạn hãy xem, khi chơi bóng rổ, có phải người chơi tranh nhau giành bóng,
ai cũng nói đó là "my ball" - quả bóng của tôi?
Nhưng khi tuổi tác cha mẹ ngày càng nhiều thêm, con cái bắt đầu đùn đẩy
trách nhiệm hiếu dưỡng cha mẹ, anh thứ nói đây là trách nhiệm của anh cả,
anh cả nói em út phải phụng dưỡng, em út cho rằng nên phân chia trách
nhiệm, thế là dưới sự sắp xếp của con cái, cha mẹ đành ở với đứa này 1
tháng, ở với đứa kia 2 tháng, lúc này cha mẹ đáng thương giống như quả
bóng chuyền, bị các con chuyền đi chuyền lại. Thậm chí, đến khi cha mẹ già
yếu, họ bị coi như quả "bóng đá", con cái bận công việc, bận kiếm tiền,
thấy cha mẹ tuổi cao sức yếu, chỉ hiềm nỗi không thể thuận chân đá đi mà
thôi.
Thật ra, cha mẹ cũng có thể không phải là "bóng chuyền", "bóng đá", chỉ
cần bản thân họ có đạo đức, có học vấn, có tiền tiết kiệm, lúc đó cha mẹ
lại giống như "quả tạ", dù muốn ném đi cũng không ném xa được, thậm chí
con cái còn xem cha mẹ như quả "bóng bầu dục", ôm thật chặt, nhất định
không thả ra!
Cuộc đời "giống như cái gì"? Nếu tâm bạn như Bồ tát, tự nhiên mọi người sẽ
sùng bái bạn; nếu bạn tự biến mình thành ma quỷ, đương nhiên mọi người sẽ
xa lánh bạn.
Vì thế, chúng ta có thể trù tính cuộc đời mình như "mặt đất" - nâng đỡ vạn
vật, hay như "bầu trời" - chở che mọi sinh linh, như "đất đai" - cho con
người trồng cấy, hoặc là "kho tri thức" - để mọi người dùng không hết.
Liệu cuộc đời có đáng buồn như người ta vẫn nói?
Có thể ví Cuộc Đời với cái gì?
Chẳng phải đời người cũng giống như cơn gió mùa xuân, ánh nắng ngày đông
hay sao?
2 - Học nhận lỗi
Các quan chức trong giới chính trị thường mắc phải một khuyết điểm giống
nhau, đó là chết cũng không nhận lỗi.
Chết cũng không nhận lỗi cũng là cái bệnh rất phổ biến của người Trung
Quốc, dù cho có phạm phải sai lầm lớn đến mấy, ông ta sẽ vin đủ cớ này cớ
nọ, tìm mọi lý do để lấp liếm những sai sót của mình. Ví dụ, đã hẹn 10 giờ
bắt đầu cuộc họp, ông ta đến muộn 30 phút; đến muộn mất nửa giờ thì nên
nhận lỗi, nhưng ông ta không những không thèm nhận lỗi mà còn kể lể vô số
lý do, nào là: hôm nay tắc đường; tôi chuẩn bị ra khỏi cửa thì lại có điện
thoại; tôi vừa định đi thì có khách; lúc đi thì trời đổ mưa, tôi tìm mãi
mà không thấy cái ô v.vẶ Tóm lại, ông ta lôi ra vô vàn lý do, chỉ để nói
rằng đến muộn là buộc phải thế, ông ta không hề có lỗi gì.
Nhận lỗi là một đức tính! Đạo Phật có một giáo lý tuyệt vời, đó là học
nhận lỗi; Khổng môn có cái gọi là. Mỗi nhật tam tỉnh ngô thânÕ (Mỗi ngày
phải xét mình ba lần), nhưng cửa Phật thì, có thể nói, luôn luôn phải phản
tỉnh nhận lỗi.
Thực hiện không đầy đủ giáo huấn của cha mẹ, phải nhận lỗi; giúp đỡ bạn bè
không tận tình, phải nhận lỗi; dạy dỗ con cái không đến nơi đến chốn, phải
nhận lỗi; cống hiến cho Tổ quốc, cho xã hội chưa đủ, phải nhận lỗi. Thậm
chí trong một ngày, buổi sáng dậy muộn, phải nhận lỗi; đi làm muộn, phải
nhận lỗi; Mỗi ngày không làm tốt nhất công việc của mình, cần nhận lỗi;
không chăm lo cho gia đình chu đáo, cần nhận lỗi; hàm ơn người khác mà
không báo đáp, cần nhận lỗi; có những điều không phải trong quan hệ giao
tế, cần nhận lỗi, để người khác không hài lòng về mình, cần nhận lỗi; lạm
dụng tài nguyên thiên nhiên, cần nhận lỗi.
Nhận lỗi, có thể tiến bộ; nhận lỗi, có thể tích đức. Nhận lỗi cần phải
hiểu phản tỉnh; hiểu được phản tỉnh nhận lỗi, mới có thể có thêm sức mạnh.
Nho gia dạy rằng: quá tắc vật đạn cải (phạm sai lầm đừng ngại hối cải), vì
thế, có lỗi thì chớ sợ sửa sai, chỉ có dũng cảm nhận lỗi, dũng cảm sửa sai,
mới có thể tự làm mới mình, thẳng thắn chấp nhận sai lầm, thì không cần
phải lắm lí do; Hiểu rằng nên nhận lỗi, không cần phải tìm cách che đậy gì
nữa, vì thế cửa Phật mới dạy “phát lộ”, có thể phát lộ sám hối hơn nữa,
mới gọi là đức tốt.
Đời một con người, có rất nhiều điều cần học, như học tri thức, học kỹ
năng, học đối nhân xử thế, đặc biệt là phải học nhận lỗi, đây là môn học
quan trọng của đời người, đáng để chúng ta dụng tâm học tập.
3 – Khỏe mạnh và trường thọMọi người đều mong muốn “khỏe mạnh”,
“trường thọ”.
“Khỏe mạnh” là gì?
Phàm những gì hoàn thiện, chính đáng, tinh khiết, hòa hợp đều là khỏe mạnh.
Ví dụ, khỏe mạnh về thể chất, điều này thì ai cũng có thể hiểu được. Ngoài
ra còn có khỏe mạnh về tâm lý, tức có sự phản tỉnh, chú ý và tự biết mình.
Ngoài khỏe mạnh về thể chất và tâm lý, lại có khỏe mạnh về tình cảm, khỏe
mạnh về sự nghiệp, khỏe mạnh về của cải, khỏe mạnh về quan hệ giữa mình và
mọi người, khỏe mạnh về tín ngưỡng, tôn giáo. Người bình thường, cho dù đã
có sự khỏe mạnh về tâm lý, nhưng nếu thiếu đi một trong rất nhiều những sự
khỏe mạnh vừa kể trên để vun đắp cho sự sinh tồn của mình, thì như thế,
cuộc đời vẫn là thiếu sót, cũng coi là chưa khỏe mạnh.
“Trường thọ” là gì?
Trường thọ, không có nghĩa là cơ thể hoạt động đến 80 tuổi, 100 tuổi đã
gọi là “trường thọ”. “Quy hạc diên linh”(rùa và hạc) phải là những động
vật “trường thọ”. Tùng bách nghìn năm không tàn, cũng là thực vật “trường
thọ”. Song, sau sự trường thọ của quy hạc, tùng bách, thì cống hiến của
chúng cho nhân gian suy cho cùng là được bao nhiêu? Vì thế, ngoài sự lâu
dài về tuổi thọ thể xác, chúng ta còn cần có sự trường thọ của ngôn giáo,
trường thọ của công tác, trường thọ của danh tiếng, trường thọ của đạo đức,
trường thọ của trí tuệ, trường thọ của hòa hợp.
Trường thọ, nếu chỉ là sự kéo dài về đời sống thể xác, mà thiếu đi những
giá trị tinh thần được coi như nội hàm cuộc sống như: ngôn giáo, công tác,
danh tiếng, đạo đức, trí tuệ, hòa hợp; thực ra, trường thọ cũng là một thứ
chẳng có giá trị gì.
Một người khỏe mạnh bình thường, bị người khác phê bình là “đầu óc ngu si,
tức chi phát triển”, theo bạn, kiểu khỏe mạnh này thì có giá trị gì? Có
thể thấy, cái gọi là “khỏe mạnh”, phải là sự khỏe mạnh trên mọi phương
diện: thể xác, tâm lý, tinh thần, sự nghiệp. Ví dụ, tình cảm không lành
mạnh, mặc dù là thân cường lực tráng, cũng không hạnh phúc; tín ngưỡng
không lành mạnh, sở tín phi pháp, thì cũng không như ý.
Nói đến trường thọ, phải kể đến Bành Tổ sống đến 800 tuổi, nhưng trong
lịch sử, ta có thấy ghi chép nào về những cống hiến xã hội của ông đâu? Có
thể thấy, lập công, lập đức, lập ngôn, mới là trường thọ chân chính; như
có từ, có hỉ, có xả trong Phật giáo mới là trường thọ chân chính.
Chúng ta cầu sức khỏe, chi bằng cầu kiện toàn; chúng ta cầu trường thọ,
chi bằng cầu vô lượng. Bởi vì, sức khỏe (kiện khang) không hề có nghĩa
kiện toàn! Kẻ lưu manh côn đồ, chuyên làm việc xấu, theo bạn, hắn không
khỏe mạnh ư? Những người già cả, may mắn sống trên trăm tuổi, ăn không
ngồi rồi, họ chẳng phải là rất trường thọ đó sao? Nhưng vấn đề là họ có
ích gì cho cuộc sống, cho xã hội?
Vì thế, bất kỳ ai muốn khỏe mạnh, trường thọ, không thể không biết, không
thể không chú ý đến đạo lý này!
4 - Điều chỉnh quan niệm
Quan niệm là cách nhìn, một người chỉ cần bất cứ việc gì cũng nghĩ về mặt
tốt của nó, nhìn về điểm tích cực của nó, thì tất cả đều tốt đẹp. Thậm chí,
chỉ cần cái đó bạn thích, bạn sẽ thấy nó tốt đẹp, thế mới có cái gọi là
“trong mắt tình nhân có Tây Thi”; ngược lại, nếu là cái tốt đẹp, vì anh ta
không tin, cho dù thánh nhân trước mặt, anh ta cũng biến mình thành một kẻ
ngoan cố. Vì thế, cái “chủ quan” trong quan niệm của con người quả thực có
tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới bản thân họ.
Có người hỏi: “Thiên đường, địa ngục ở đâu?” “Thiên đường địa ngục, tất
nhiên, đều ở trong quan niệm! Nếu bạn biết hài lòng, thì ở nhà tranh vách
đất cũng thấy như thiên đường; Giả dụ không biết bằng lòng, thì dù ở lầu
son gác tía, bạn cũng cảm thấy như ở địa ngục. Vì vậy, quan niệm chính là
thiên đường và địa ngục; thiên đường và địa ngục đều ở trong quan niệm
chúng ta.
Có người tới châu Phi, thấy người châu Phi phần lớn đều đi chân đất, anh
ta nghĩ, nếu sớm đầu tư vào một công xưởng sản xuất giày, làm ăn nhất định
phát đạt. Sau khi trở về, tìm người chung vốn đi xem xét tận nơi, không
ngờ có người vừa thấy đã nói: “Người châu Phi đều đi chân đất, họ không
quen đi giày, đến đây đóng giầy, làm sao có người mua?” Thế là họ đành vội
vã trở về.
Vì thế, một quan niệm, có thể tiến, có thể thoái; có thể thành, có thể bại!
Bên trong quan niệm có ánh sáng, mọi việc đều trở nên sáng sủa; trong quan
niệm có niềm tin vào thành công, bất cứ việc gì cũng sẽ thành công; trong
quan niệm có [ý thức] xây dựng, anh ta có thể vun đắp mà không làm hại đến
người tốt, việc tốt; nghĩ đến mặt tốt trong quan niệm, tất cả đều tốt đẹp.
Vì thế, quan niệm của đời người như vườn hoa vậy, có thể vun trồng nên một
đóa hoa tươi tắn, thơm ngát; quan niệm của đời người như công xưởng vậy,
có thể sản xuất ra nhiều vật phẩm có lợi cho dân sinh; trong quan niệm có
hi vọng, có thể xây dựng nên những công trình chứa chan hi vọng trong
tương lai.
Quan niệm, một thế giới bao dung, có thể xây dựng cả một pháp giới rộng
lớn vô biên. Nhưng trong quan niệm của một số người, đó lại là những cách
nhìn bi quan, tiêu cực, đều hi vọng có thể không làm mà hưởng, thậm chí
không quan tâm đến thực tế, ngông tưởng bách nhật thăng thiên, như thế làm
sao có được cuộc đời tốt đẹp đây? Bởi vậy, kẻ khóc và người cười, chỉ tại
chỗ ta quan niệm thế nào. Bạn muốn trở thành kẻ khóc, là vì bạn có quan
niệm của kẻ khóc; bạn muốn được thành người cười, cũng cần phải có quan
niệm của người cười. Bạn không nhất thiết phải hi vọng vào phồn hoa phú
quý, công danh lợi lộc, bạn chỉ cần xây dựng một quan niệm tốt, chân,
thiện, mỹ, gọi là cái nhân của quan niệm. Có cái nhân tốt, sợ gì không có
cái quả tốt?
5 – Tự mình định liệu
Con người, đối với những hỉ, nộ, ai, lạc của mình, nên “tự mình định liệu”;
đối với những được mất, thành bại của mình, cũng nên “tự mình định liệu”.
Đời người đi đến đâu, từ đâu đến, nên “tự mình định liệu”; thành vua thành
giặc, thành thánh thành hiền, càng nên “tự mình định liệu”! Con người, nên
làm chủ chính mình.
Tục ngữ có câu: “không có Thích Ca trời sinh, không có Di lặc tự nhiên”,
tất cả đều phải dựa vào nỗ lực không ngừng của bản thân; chỉ cần bạn phấn
đấu, tiến thủ, tự nhiên sẽ trả lại cho bạn một sở đắc xứng đáng.
Trên thế gian, có người vì một câu nói vu vơ của người khác, liền âu sầu,
nhớ mãi, ba bữa cơm rau mà không nuốt nổi; có người vì một chuyện cỏn con
không được như ý, đã tâm tình phiền não, trằn trọc suốt đêm. Cũng giống
như cuộc đời này, vui buồn đều bị người khác điều khiển; muốn bạn thích,
khen ngợi bạn hai câu tốt đẹp, muốn bạn phiền não, phê bình bạn vài câu
không hay. Đời người ta lúc nào cũng sống trong sự nắm giữ của người khác,
không buồn sao được!
Tương truyền, Triệu Phán Quan dưới địa ngục, phụng mệnh Diêm Vương, đến
cõi trần cho biết dương thọ của người đời còn lại bao nhiêu.
Triệu Phán Quan ngồi bên lề đường, tay rung chuông, nói với ông A đã cáo
lão hoàn hương: “Thọ mệnh của ông chỉ còn lại ba tháng; sau ba tháng nữa,
tôi sẽ vào nhà ông rung chuông, ngay khi tiếng chuông vang lên, ông sẽ
theo tôi biến mất.”
Triệu Phán Quan lại rung thêm một tiếng chuông, nói với thương gia B đang
qua đường: “Thọ mệnh của ông cũng chỉ còn ba tháng, ba tháng nữa, tôi đến
phủ của ông lắc chuông, trong tiếng chuông, ông sẽ theo tôi mà chết”.
Hai ông A, B nghe vậy, trong lòng sợ hãi, bồn chồn không yên. Từ lúc đó, A
ngày nào cũng âu sầu buồn bã, nghĩ tới ba tháng còn lại của mình, cơm ăn
không xuôi, giấc ngủ không yên. Ngày nào cũng chỉ nhìn đống tiền mình đã
kiếm được mà đau khổ, tay không ngừng đếm những của cải mà cả đời mình đã
vất vả tích cóp, chẳng biết nên làm thế nào!
Mặt khác, ông B nghĩ đến đời mình chỉ còn được ba tháng nữa, mới thấy cuộc
đời ngắn ngủi và cay đắng biết bao, gia tài vạn quan, giúp gì mình được
nữa? Thế là, ông bố thí cho mọi người, xây cầu làm đường khắp nơi, tùy
duyên giúp nghèo cứu khổ, cứ bận rộn như thế, quên cả chính mình.
Đến kỳ hạn ba tháng, Triệu Phán Quan y hẹn đến phủ ông A, do ưu sầu phiền
não, tâm thần không yên, ông A ngày nào đã trở thành một ông A thân thể
suy nhược, mới nhìn thấy Triệu Phán Quan, thì dù chuông chưa kêu, ông đã
ngã mà chết. Song ông B thì, do hành thiện bố thí, làm phúc cho quê nhà,
người dân nhớ ơn ông, để tỏ lòng, họ liên tục đem hoành phi đến tặng. Lập
tức chiêng trống vang trời, náo nhiệt không ngớt, vì thế, mặc cho tiếng
chuông của Triệu Phán Quan rung mãi, ông B vẫn không hề nghe thấy, ông
tiếp tục sống một cuộc sống tự tại, lấy việc thiện làm niềm vui.
Vì vậy, trên đường đời của con người, vui buồn được mất, tất cả là ở mình,
không hề bởi người khác!
6- Nhân sinh quan tích cực
Mỗi người đều có một nhân sinh quan khác nhau, có người lạc quan, có người
bi quan. Người lạc quan luôn nghĩ về mặt tốt của mọi việc, đều giữ cách
nhìn lạc quan; người bi quan lại luôn nghỉ về mặt xấu của mọi việc, giữ
cách nhìn bi quan.
Thật ra, trên thế giới không có lạc quan tuyệt đối, cũng không có bi quan
tuyệt đối; “Tâm sinh tắc chủng chủng pháp sinh, tâm diệt tắc chủng chủng
pháp diệt” (Tâm sinh có vô vàn cách sinh, tâm diệt có vô vàn cách diệt).
Lạc quan, bi quan, đương nhiên có nhân duyên bên ngoài, nhưng đa số đều là
tự mình tạo nên.
Có một vị quốc vương, khi ra ngoài đi săn không may làm đứt một ngón tay,
mới hỏi vị đại thần thân cận nên làm thế nào? Đại thần nói với giọng lạc
quan, nhẹ nhõm: “Đây là việc tốt!” Quốc vương nghe vậy giận lắm, trách ông
hí hửng khi thấy người khác gặp nạn, vì thế ra lệnh nhốt ông vào đại lao.
Một năm sau, quốc vương lại ra ngoài đi săn, bị thổ dân bắt sống, trói vào
đàn tế, chuẩn bị tế thần. Thầy phù thủy đột nhiên phát hiện quốc vương
khuyết mất một ngón tay, cho rằng đây là vật tế không hoàn chỉnh, bèn thả
quốc vương ra, thay vào đó viên đại thần tùy tùng làm vật hiến tế. Trong
niềm vui thoát nạn, quốc vương nghĩ tới viên đại thần vui vẻ từng nói rằng
mất ngón tay là việc tốt, liền ra lệnh thả ông, và xin lỗi vì đã vô cớ bắt
ông chịu nạn 1 năm trong ngục tối. Vị đại thần này vẫn lạc quan nói: “Cái
họa 1 năm ngồi tù cũng là việc tốt, nếu như tôi không ngồi tù, thì thử
nghĩ, vị đại thần theo người đi săn mà bị lên đàn hiến tế kia sẽ là ai?”
Bởi vậy, việc tốt chưa chắc đã tốt hoàn toàn, việc xấu cũng chưa chắc đã
hoàn toàn xấu; Phật giáo dạy “vô thường”, mọi chuyện có thể thành tốt, mọi
chuyện có thể nên xấu. Người bi quan mãi mãi nghĩ đến mình chỉ còn một
triệu đồng mà buồn lo, người lạc quan vĩnh viễn hạnh phúc chỉ vì mình vẫn
còn mười ngàn đồng.
Khi Tô Đông Pha bị giáng về đảo Hải Nam, sự cô tịch, hoang vu trên đảo, so
với thời kỳ đầu ông mới được thăng chức vùn vụt, đúng là hai thế giới khác
nhau một trời một vực. Nhưng sau đó, Tô Đông Pha nghĩ, giữa vũ trụ này,
sống trên hòn đảo cô độc này, thực ra, không chỉ có một mình ông, trái đất
cũng là một hòn đảo cô độc giữa biển cả, giống như con kiến giữa chậu nước,
khi leo lên một phiến lá, đây cũng là một hòn đảo mồ côi. Vì thế, Tô Đông
Pha cảm thấy, chỉ cần có thể yên phận, là có thể vui vẻ.
ở trên đảo, mỗi lần ăn một món hải sản địa phương, Tô Đông Pha lại thấy
mình thật may mắn vì có thể đến đảo Hải Nam này. Thậm chí, ông nghĩ, nếu
trong triều có vị đại thần nào đến đây sớm hơn ông, ông làm sao có thể
được tự mình nếm những món ăn ngon lành như thế này? Vì vậy, nghĩ đến mặt
tốt của mọi chuyện, là sẽ cảm thấy cuộc đời hạnh phúc không gì sánh nổi.
Những nhà sư xuất gia vào Phật giáo, chỉ một chiếc áo cà sa, một đôi giày
cỏ, mà chân không vân du khắp cõi. Họ có thể đồng hành cùng kẻ hành khất,
nhưng cũng có thể ngồi ngang với bậc quân vương, xem ra lẻ loi một mình,
nhưng tăng có cả pháp giới, cùng một thể với chúng sinh trong vũ trụ, vậy
nơi nào có chỗ cho cô đơn đây?
Bởi vậy, đời người không có vui buồn tuyệt đối, chỉ cần một tinh thần phấn
đấu, tích cực, chỉ cần luôn nghĩ đến mặt tốt của mọi chuyện, tự nhiên có
thể biến khổ thành vui, biến khó thành dễ, biến nguy thành an. Hải Luân
Khải Cần nói: “Hướng về ánh nắng, bạn sẽ không nhìn thấy bóng râm.” Nhân
sinh quan tích cực, chính là ánh nắng trong trái tim, lời này thật là chân
giá trị!
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/ranhgioi_me&ngo.htm