Để thấu hiểu giáo lý của Đức
Phật ta phải hiểu những mối liên hệ nhân và quả, và để thấu hiểu những mối
quan hệ nhân và quả, ta phải hiểu hai thái cực là thuyết vĩnh cửu và hư
vô. Trong đất nước này chúng ta thực sự bị khốn khổ bởi thuyết hư vô lẫn
vĩnh cửu. Về phương diện văn hoá chúng ta đã hấp thu chúng. Chúng là một
bộ phận của dòng tâm thức của chúng ta, chúng phổ biến trong toàn bộ nền
văn hoá của ta, và chúng khó bị phát hiện.
Thuyết vĩnh cửu là sự tin tưởng
rằng chúng ta sẽ tiếp tục như chúng ta là, dựa trên niềm tin nơi bản tánh
của riêng ta và sự tiếp tục của nó. Điều này thì giống như việc đòi hỏi
một cây gậy chỉ có một đầu: cây gậy bắt đầu ở một nơi nào đó và sau đó
tiếp tục mãi mãi. Thuyết hư vô là sự tin tưởng rằng không có điều gì hiện
hữu về mặt bản chất. Nó nói rằng các sự vật xuất hiện cùng một lúc trong
một vài cách thế tự nhiên, có tính chất sinh lý học hay nhờ một vài phương
tiện hoá học, nhưng không có trật tự thực sự cho nó hay không có bối cảnh
trong đó hiện hữu một kiểu mẫu tiến hoá. Nó là sự tin tưởng rằng không có
gì ngoài những gì ta nhìn thấy với đôi mắt ta hay cảm nhận với đôi bàn tay
ta hoặc những mùi hương với mũi ta. Nó là niềm tin rằng, trong hoàn cảnh
của chúng ta, ta có thể kinh nghiệm nhân mà không kinh nghiệm quả.
Đây không phải là định nghĩa
giáo khoa về thuyết hư vô, nhưng nó là sự mô tả thuyết hư vô như chúng ta
kinh nghiệm nó trong tâm thức ta. Ví dụ như chúng ta có thể hiểu những
giáo lý của Đức Phật và nhận ra tính chất luận lý của chúng, nhưng lại có
những hành động và lối sống mâu thuẫn với niềm tin đó. Chúng ta có thể
thấu hiểu rằng lòng bi mẫn gặt hái được những kết quả tốt đẹp và đem chúng
ta lại gần sự giác ngộ hơn, vì thế chúng ta biểu lộ thiện tâm và có niềm
tin. Tuy nhiên trong tâm ta, ta luôn xét nét những người khác và ôm giữ sự
sân hận và tham muốn. Ta cho rằng có thể chấp nhận được việc xử sự tử tế
với một người cho dù cùng lúc đó ta đang nghĩ ta muốn có những y phục của
người đó hay ta không thích người đó. Đây thực sự là một hình thức của hư
vô chủ nghĩa, bởi ta cảm thấy rằng những gì người ta nhìn thấy thì chẳng
có gì quan trọng, mà không hiểu rằng ngay cả những gì tồn tại trong những
tư tưởng và cảm xúc của ta cũng đem lại những hậu quả. Ta không thực sự
thấu hiểu rằng những mối liên hệ nhân và quả xảy ra từ những bình diện vi
tế nhất cho tới những mức độ to lớn nhất, và là cơ cấu tiềm ẩn của vòng
luân hồi. Do đó ta không hiểu rằng bổn tánh của ta và của mọi sự là một
hoá thân của tâm thức ta. Chúng ta thực hành thuyết hư vô một cách bền bỉ
bởi ta tin rằng điều duy nhất được tính đếm bằng cách này hay cách khác
trong quyển sách tính là những gì được nhìn thấy và có thể được phán đoán
bởi những người khác.
Chúng ta bằng lòng sống với
loại tư tưởng đó, không bao giờ nhận ra những kết quả khủng khiếp mà nó
đem lại. Ta tiếp tục dấn mình vào hoạt động không dẫn tới giác ngộ, bởi ta
không thấu hiểu chiều sâu và hậu quả thăm thẳm mà nhân và quả đặt lên
chúng ta. Ta có thể hành động trong một cách thế khi người ta chỉ nhìn vào
tâm ta, vào những chỗ bí mật của ta nơi không ai nhìn, chúng ta ích kỷ,
xét nét, thiếu lòng trắc ẩn, và ganh tị. Tất cả những phẩm tính này ta cho
phép hiện hữu trong tâm ta, và ta không hiểu rằng nếu chúng hiện hữu trong
dòng tâm thức chúng cũng sẽ xuất hiện bằng cách này hay cách khác trong
thực tại vật lý của ta. Khi ôm giữ sự sân hận trong dòng tâm thức của ta,
hay sự ganh tị, ích kỷ, bám chấp, sự cảm thấy luôn luôn thiếu thốn, sự cảm
thấy là ta phải có thứ gì đó để được hài lòng, việc hành động trong một
cách thế ích kỷ trái ngược với giáo lý của Đức Phật – những điều này đem
lại những kết quả tương tự mà hoạt động thân xác của loại cảm xúc đó đem
lại, mặc dù ta có thể không thấy lập tức những hậu quả chắc chắn sẽ chín
mùi.
Đức Phật dạy chúng ta rằng có
những nguyên nhân khác nhau mà ta nắm giữ trong dòng tâm thức của ta đã
tạo nên những hoàn cảnh khiến ta bị tái sinh trong sáu cõi khác nhau của
luân hồi sinh tử.
Trái ngược với triết học Hiện
đại nói rằng ta luôn luôn đạt được một sự tái sinh cao hơn, hay do bởi giờ
đây ta là con người ta có thể luôn luôn hy vọng ở loài người trong những
sự tái sinh trong tương lai, Đức Phật dạy rằng chúng ta thành tựu sự tái
sinh phù hợp với nội dung hay cơ cấu của dòng tâm thức của ta. Ví dụ như
nếu ta ôm giữ rất nhiều sự căm thù hay giận dữ, ta có thể bị tái sinh
trong những cõi thấp nhất được gọi là các cõi địa ngục. Những cõi này cực
kỳ khó chịu; chúng rất nóng hay rất lạnh khiến không chịu đựng nổi. Việc
sống ở đó thật quá sức chịu đựng khiến ta không thể thực hành. Nó giống
như việc bạn cố gắng thiền định trong khi có người đang cưa đứt đầu gối
bạn. Tất cả những gì bạn có thể nghĩ tới là kêu la, gào thét, và làm thế
nào nhanh chóng thoát ra khỏi nơi đó. Đó là bản chất của các cõi địa ngục.
Nếu bạn kinh nghiệm rất nhiều
sự tham muốn, bám chấp, và sự thiếu thốn, bạn sẽ bị tái sinh trong nơi
được gọi là cõi ngạ quỷ. Cõi giới này thì tràn đầy sự thèm khát tới nỗi
chúng sinh không có thân xác ở đó có những cái miệng nhỏ xíu như một lỗ
kim và bao tử của họ thì lớn như Núi Tu Di. Không thể làm thoả mãn họ. Đó
là kinh nghiệm của sự tham lam vô độ. Chúng sinh ở đó rất trống rỗng và
không thể hiểu được điều gì cần thiết.
Nếu chúng ta kinh nghiệm sự
trầm trệ, ngu đần hay vô minh, chúng ta sẽ bị tái sinh trong cõi súc sinh.
Những thú vật được coi là không thể có loại tư tưởng cần thiết trong việc
lập nên những quyết định toàn giác. Chúng là nạn nhân của bất kỳ đau khổ
nào mà con người có thể đổ lên chúng. Những con bò phải kéo những cỗ xe
nặng nề suốt ngày với rất ít thực phẩm, những con vật phải chịu đựng sự
thí nghiệm – những con vật này không thể tự cứu mình và đau khổ khủng
khiếp. Những thú vật trong chốn hoang dã bị ăn thịt hay bị những con vật
lớn hơn săn đuổi mà không biết nương tựa vào đâu. Ngay cả những con vật
cưng của chúng ta cũng không biết làm thế nào để tự lo cho mình. Nếu ta
nuôi chúng thì chúng được nuôi dưỡng, nếu ta quên chúng thì chúng bị lãng
quên.
Được tái sinh trong cõi người
được coi là hoàn cảnh tốt lành nhất bởi ở đây người ta có thể thực hành
Phật Pháp và kinh nghiệm sự giác ngộ đích thực. Mặc dù cần có rất nhiều
công đức mới được tái sinh trong loài người, nhưng cũng có một nguyên nhân
tiêu cực đối với sự tái sinh này, và đó là sự nghi ngờ. Là con người chúng
ta thường xuyên kinh nghiệm sự hoài nghi. Nó lan rộng tới nỗi ta không
hiểu sự hoài nghi của ta to lớn ra sao. Nếu ta thực sự khảo sát bản thân,
ta sẽ khám phá rằng ta suy nghĩ và cảm xúc khác biệt với cách ta tin tưởng
về mặt trí thức. Ta có thể theo một triết học nào đó, nhưng ta không bao
giờ theo bất kỳ triết học nào một cách bền bỉ bởi ta quá đầy ngập sự hoài
nghi. Trong việc theo giáo lý Đạo Phật thì cũng thế. Ta sẽ theo nó ở bề
ngoài, nhưng không kiên định cho tới khi ta tới gần sát sự chứng ngộ và có
thể tự mình hiểu biết đầy đủ và trọn vẹn về những mối liên hệ nhân quả.
Nếu chúng ta kinh nghiệm rất
nhiều sự ganh tị và tranh đua, nếu tâm ta có một đặc tính thích tranh đấu,
ta sẽ tái sinh ở nơi được gọi là một cõi trời ganh tị. Chúng sinh ở đó có
rất nhiều năng lực với những kinh nghiệm siêu-nhiên. Họ rất mạnh mẽ,
thường xuyên gây chiến tranh. Không có hoà bình, không có sự an toàn,
không có thì giờ để suy nghĩ, cảm xúc hay thương yêu. Chỉ có một nhu cầu
thường xuyên là tự bảo vệ mình để đối phó với sự xúc phạm và tấn công, và
một nhu cầu thúc bách là gây hấn khi ôm giữ bất kỳ điều gì có vẻ là của
bạn.
Cái cuối cùng trong sáu cõi là
cõi trời. Nó được coi là cõi cao nhất bởi nó là cõi nhiều lạc thú nhất và
hỉ lạc nhất. Chúng sinh ở đây tuyệt đẹp với những mùi hương kỳ ảo, những
màu sắc chói lọi, và âm nhạc hoan lạc tới nỗi nếu ta nghe thấy ta sẽ lập
tức lành bệnh. Thân thể các vị trời thuần khiết và ngát hương. Không có
một chút tàn tạ, mồ hôi, vi khuẩn, tuổi già hay bất kỳ tiến trình nào
khiến ta có những mùi hôi. Đó là một vẻ đẹp vượt khỏi sự hiểu biết của ta,
hoàn toàn không có sự xấu xí hay suy hoại nào. Kiêu ngạo là nguyên nhân
chính để bị tái sinh ở đây, và mặc dù những vị trời sống hàng ngàn năm,
nhưng cuộc đời ở đó không tồn tại mãi. Thực sự là cần có một khối lượng
khổng lồ thiện nghiệp và đức hạnh thanh tịnh để được tái sinh trong cõi
trời, nhưng trong thời gian ở đó bạn dùng cạn mọi thiện nghiệp bạn tích
tập được rất nhanh chóng, giống như một chiếc máy V-8 khổng lồ đốt ga chạy
lên đồi. Thình lình sau một thọ mạng rất dài, sự suy hoại bắt đầu. Đức
hạnh mà ta tích tập được trở nên cạn kiệt và cái chết tới gần. Thật là
khủng khiếp đối với họ bởi là những người không kinh nghiệm điều gì khác
ngoài sắc đẹp, việc không có mồ hôi, sự hỉ lạc, âm nhạc kỳ diệu, và thực
phẩm của cõi trời, giờ đây họ sắp sửa trải qua nỗi đau khổ ghê gớm. Sự vô
thường này là nỗi khổ trội vượt nhất trong cõi trời.
Là con người, chúng ta có trong
dòng tâm thức của mình mọi hạt giống của những đau khổ kỳ lạ và những đặc
tính bất hạnh được liên kết với sáu cõi luân hồi sinh tử. Đức Phật khuyên
dạy ta đừng sử dụng giáo lý này một cách tượng trưng, nhưng hãy dùng nó
một cách tuyệt đối. Ngài có thể thực sự nhìn thấy sáu cõi và có thể nhớ
lại việc Ngài đã từng sống trong những cõi đó. Sau khi đạt được sự giác
ngộ cao quý, Ngài có thể nhớ lại Ngài đã di chuyển từ những cõi này tới sự
giác ngộ ra sao. Vị lãnh đạo của dòng truyền thừa của chúng ta, His
Holiness Penor Norbu Rinpoche, đã nói rằng giá như bạn có thể vén lên
những tấm màn ngăn che đôi mắt bạn, giá như bạn nhìn thấy trong giây lát
sáu cõi luân hồi sinh tử ra sao và làm cách nào bạn đến và đi trong từng
cõi giới, và bạn đã kinh nghiệm điều gì và bây giờ bạn phải kinh nghiệm
điều gì do bởi những phẩm tính cố hữu trong sự suy tưởng của bạn – nếu bạn
có thể thấu hiểu điều này bạn sẽ không làm điều gì ngoài việc liên tục trì
tụng thần chú OM MANI PADME HUM. Bạn sẽ không bao giờ ngừng lại.
Thần chú của Đức Chenrezig
(Quán Thế Âm) là OM MANI PADME HUM. Chenrezig là Đức Phật của lòng Bi mẫn,
và có trong dòng tâm thức của Ngài một sự tỉnh giác trong trẻo và thuần
tịnh như pha lê tương tự như tâm giác ngộ. Hiện diện bẩm sinh trong tâm
thái đó là những phẩm tính đem lại việc chấm dứt sự tái sinh trong tất cả
sáu cõi. Sự tỉnh thức thường xuyên về Đức Chenrezig, và việc học tập để
phát triển tâm ta như Đức Chenrezig nhờ việc sử dụng sự quán tưởng, thần
chú, sự trì tụng và ý hướng thanh tịnh, có thể tạo nên việc chấm dứt sự
tái sinh trong vòng luân hồi sinh tử, ngay cả trong một đời người.
Tính chất luận lý ở đây là
trong sự thực hành bạn là người phát triển chính mình như Bồ Tát
Chenrezig. Bạn thành tựu tâm thái thanh tịnh này để làm lợi ích chúng
sinh. Như vậy sự chấm dứt thực sự nỗi đau khổ có thể được hiểu như năng
lực của bạn để phát triển bản thân bạn như vị Bồ Tát của lòng Bi mẫn đó,
bằng cách ấy trở thành nguyên nhân cho sự chấm dứt mọi nỗi khổ. Khi làm
như thế, ta cũng đem lại sự chấm dứt đau khổ của riêng ta.
Thần chú OM MANI PADME HUM của
Đức Chenrezig có sáu âm. Mỗi âm có khả năng tiệt trừ những nguyên nhân
của việc tái sinh trong mỗi một trong sáu cõi, bởi tự bản thân thần chú và
mỗi một âm được coi là một sự cô đọng kỳ diệu của trí tuệ. Nhờ hoạt động
của Guru Rinpoche (Đức Liên Hoa Sanh), chúng ta có thể kinh nghiệm trong
việc lắng nghe hay trì tụng những âm này và quán tưởng bản thân ta như Đức
Chenrezig, sự tịnh hoá toàn hảo những nguyên nhân cho việc tái sinh trong
tất cả sáu cõi luân hồi sinh tử. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Bạn được hứa hẹn rằng nếu bạn thực hành điều này mỗi ngày bạn có thể thành
tựu việc chấm dứt sự tái sinh trong các cõi thấp. Và nếu nó được thực hành
trong sự nối kết với những thực hành khác thì nó là một bộ phận của một
khoa kỹ thuật đã được thử thách để chấm dứt đau khổ trong tất cả các
cõi./.
Jetsunma Ahkon Lhamo
Nguyên tác: Life in the Six
Realms, Om Mani Padme Hum, A Teaching from Jetsunma Ahkon Lhamo
http://tara.org/teachings.htm
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/saucoi_Ommani_padme_hum.htm