Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
SỰ TỪ BỎ
Tsenshab Serkong Rinpoche

Tsenshab Serkong Rinpoche là người duy nhất trong bảy phụ tá tâm linh của Đức Đạt Lai Lạt Ma trốn thoát khỏi Tây Tạng. Ngài là Lạt Ma Hóa Thân cao cấp nhất của Tu viện Ganden Jangtse. Với sự thấu triệt mọi Kinh điển và tantra, ngài đã ân cần giảng dạy giáo lý sau đây tại Tushita (1) vào ngày 7 tháng Mười Hai, 1979. Ngài thị tịch năm 1983.

Từ Dharma (Pháp) trong Phạn ngữ, cho trong tiếng Tây Tạng, có nghĩa là nắm giữ, hay giữ gìn, duy trì. Cái gì được nắm giữ, hay được duy trì? Đó là sự tiệt trừ đau khổ và thành tựu Giác ngộ. Pháp thực hiện điều này không chỉ cho bản thân ta, mà cho tất cả chúng sinh.

Những đau khổ mà ta trải nghiệm có hai loại: Những đau khổ mà loài người chúng ta có thể nhìn thấy tức thì, và những đau khổ  mà chúng ta không thể nhìn thấy nếu không có những năng lực tâm linh. Loại đau khổ đầu tiên bao gồm nỗi khổ liên quan tới tiến trình sinh ra, sự khó chịu của việc đôi khi bị bệnh tật, nỗi khổ được kinh nghiệm cùng với việc già đi, và nỗi khiếp sợ cái chết.

Những đau khổ xuất hiện sau cái chết thì một người bình thường không thể nhìn thấy được. Ta có thể nghĩ rằng sau khi ta chết có lẽ ta sẽ được tái sinh là một con người. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết đúng như vậy. Ta không có lý do hợp lý nào để thừa nhận rằng một sự tiến triển như thế sẽ xảy ra. Cũng không có chút gì chắc chắn là sau khi chết ta sẽ không tái sinh.

Về loại tái sinh đặc biệt mà ta sẽ nhận, đây là điều rất khó hiểu, là điều hiện thời không có trong phạm vi hiểu biết của ta. Nếu ta phát triển nghiệp tích cực trong đời này, thì hệ quả tự nhiên là ta sẽ nhận những hình thức tái sinh may mắn trong tương lai. Trái lại, nếu chúng ta thường gây nghiệp tiêu cực thì ta sẽ không có một tái sinh may mắn, mà sẽ trải nghiệm những khó khăn ghê gớm trong những trạng thái thấp kém của sự hiện hữu. Điều này thì chắc chắn. Sự tái sinh vận hành theo cách này. Nếu ta trồng một hạt giống lúa mì thì một cây lúa mì sẽ mọc lên. Nếu ta trồng một hạt giống lúa, một cây lúa được sinh ra. Tương tự như thế, bởi tạo nghiệp tiêu cực ta gieo trồng những hạt giống của sự tái sinh ở một trong ba cõi thấp là chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

Có bốn trạng thái hay cõi địa ngục khác nhau: những địa ngục nóng, lạnh, lân cận và không thường xuyên. Nếu phân chia thêm nữa thì có tám địa ngục nóng khác nhau. Địa ngục đầu tiên là ‘Địa ngục Sống lại.’ Nếu nói một cách tương đối thì đây là một địa ngục ít đau khổ nhất. Để hiểu được mức độ của nỗi khổ được trải nghiệm ở đây, ta có thể hình dung rằng nỗi đau khổ của một người bị mắc kẹt trong một đống lửa lớn thì còn quá nhẹ nếu so với nỗi khổ của chúng sinh trong địa ngục nóng đầu tiên. Mỗi địa ngục ở dưới ‘Địa ngục Sống lại’ có một mức độ đau khổ dữ dội càng lúc càng tăng lên.

Mặc dù chúng ta không thể thấy được những đau khổ của các ngạ quỷ và chúng sinh trong địa ngục, nhưng mắt ta có thể nhìn thấy những đau khổ của súc sinh. Nếu ta tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu bản thân ta bị tái sinh trong loài súc sinh, ta có thể nhìn những con vật ở quanh ta và nghĩ tưởng rằng ta sẽ giống chúng biết bao khi phải mang thân phận của chúng. Pháp là cái gì kềm chế ta và bảo vệ ta khỏi phải trải nghiệm đau khổ trong những cõi thấp này.

Toàn bộ bánh xe của sự tái sinh, toàn bộ vòng luân hồi sinh tử, đều có bản chất đau khổ. Pháp là cái gì bảo vệ ta thoát khỏi mọi nỗi khổ sinh tử. Hơn nữa, Pháp mahayana, những giáo lý của Đại thừa, mang lại sự che chở không chỉ cho bản thân ta mà còn cho tất cả chúng sinh.

Trong Phật Giáo ta nghe nói nhiều về ba bảo vật của sự nương tựa (Tam Bảo) – Phật, Pháp và Tăng Đoàn. Bảo vật đầu tiên gồm tất cả những bậc giảng dạy Pháp, là những đấng đã hoàn toàn giác ngộ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - đấng chuyển Pháp Luân lần đầu tiên tại Varasani (Ba la nại) bằng việc giảng dạy bốn chân lý cao quý (Tứ Đế) - thì quan trọng nhất đối với chúng ta. Chân lý cuối cùng trong Tứ Đế – chân lý của con đường (Đạo Đế) – là Pháp được thực hành để thành tựu sự giải thoát. Đây là đối tượng quy y được gọi là Pháp Bảo.

Việc thực hành Pháp đòi hỏi hai điều: nhận ra cội gốc của nỗi đau khổ trong sinh tử và tiệt trừ cội gốc này. Cội gốc của vòng luân hồi sinh tử là gì? Đó là sự bám chấp rằng một cái ngã thực sự hiện hữu và những hiện tượng cũng thực sự hiện hữu. Chúng ta cần phải phát triển một sự nhàm chán đối với sự bám chấp này, là cái đã mang lại cho ta mọi đau khổ. Ta phải phát triển một sự thấu hiểu về cách đối trị thái độ bám chấp vào sự hiện hữu thực sự này. Cách đối trị này là trí tuệ của sự vô ngã hay sự phi-đặc tính. Chính việc thấu hiểu sự vô ngã này sẽ làm cho ta thoát khỏi đau khổ.

Những đau khổ mà ta kinh nghiệm trong vòng luân hồi không xảy ra mà không có một nguyên nhân. Chúng được tạo nên bởi những mê lầm và nghiệp do những mê lầm tạo ra. Cội gốc của mọi mê lầm và nghiệp là sự chấp ngã. Vậy tại sao ta không phát triển sự đối trị trong dòng tâm thức của ta? Tại sao ta không thấu hiểu sự vô ngã? Một lý do là ta không đủ tỉnh giác về cái chết và sự vô thường.

Sự sinh ra chỉ có thể đưa tới một hậu quả duy nhất là cái chết. Chắc chắn là chúng ta sắp chết. Không có một sinh loài nào mà cuộc đời họ không kết thúc bằng cái chết. Người ta thử nhiều phương pháp để ngăn ngừa cái chết xảy ra, nhưng không thể được. Không loại thuốc nào có thể chữa cho ta khỏi chết.

Chỉ nghĩ: “Tôi sắp chết,” không phải là cách thức đúng đắn để suy niệm về cái chết. Dĩ nhiên là mọi người sắp chết, nhưng chỉ nghĩ về sự kiện này thì không thật hiệu quả. Nó không phải là phương pháp đúng đắn. Cùng cách đó, chỉ suy nghĩ về sự kiện ta sắp bị tan rã và suy hoại, ta sắp bị thối rữa, thì không đủ. Điều chúng ta phải suy nghĩ là làm cách nào ngăn ngừa sự suy vi của ta.

Nếu chúng ta nghĩ về nỗi sợ hãi xảy ra vào lúc chết và về cách giải trừ nỗi sợ ấy, thì sự thiền định của ta về cái chết sẽ có hiệu quả. Những người từng tích tập nhiều nghiệp tiêu cực trong đời họ sẽ trở nên hoảng sợ vào giờ chết. Họ kêu khóc, nước mắt ràn rụa trên má, miệng chảy nước dãi, họ bài tiết ra quần áo và hoàn toàn bị áp đảo. Đây là những dấu hiệu rõ ràng của nỗi khổ xảy ra vào lúc chết do nỗi sợ hãi được tạo nên bởi những hành vi tiêu cực đã làm trong đời. Ngược lại, nếu trong đời ta, ta tự kềm chế không phạm những hành động tiêu cực, chúng ta sẽ rất dễ dàng đối mặt với giờ chết. Ta sẽ kinh nghiệm sự hỉ lạc giống như  sự hỉ lạc của một đứa trẻ đang trở về nhà cha mẹ nó. Nếu chúng ta đã tịnh hóa bản thân thì ta có thể chết thật hạnh phúc. Nhờ tự chế không làm mười ác hạnh và vun trồng mười thiện hạnh, cái chết của ta sẽ dễ dàng và kết quả là ta sẽ không phải trải nghiệm sự tái sinh trong một thân phận đau khổ. Chúng ta có thể tin tưởng là sẽ được tái sinh trong những trạng thái may mắn hơn. Nhờ gieo trồng hạt giống của những cây thuốc, chúng ta sẽ có những loại cây có khả năng chữa bệnh. Bởi gieo trồng hạt giống của những loại cây độc hại, chúng ta sẽ chỉ cung cấp những trái quả có hại. Nếu ta gieo trồng những chủng tử của các thiện hạnh trong tâm thức ta, ta sẽ kinh nghiệm hạnh phúc trong những tái sinh trong tương lai. Ta sẽ có những tình huống may mắn cả tinh thần lẫn thể xác. Giáo lý căn bản này của Pháp – tránh mười ác hạnh và vun trồng mười thiện hạnh – được giảng dạy không chỉ trong Phật Giáo mà cả trong nhiều tôn giáo khác, kể cả Cơ Đốc Giáo.

Chúng ta suy niệm về cái chết và sự vô thường ra sao? Như đã đề cập ở trên, chỉ nghĩ: “Tôi sắp chết,” thì không thật ích lợi. Chúng ta nên nghĩ: “Nếu tôi từng tạo ra bất kỳ điều gì trong mười ác hạnh, thì vào lúc chết tôi sẽ phải đương đầu với rất nhiều nỗi sợ hãi và đau khổ, và kết quả là tôi sẽ nhận một tái sinh với sự bất hạnh ghê gớm. Trái lại, nếu trong đời tôi, tôi từng làm những việc đức hạnh, thì vào lúc chết tôi sẽ không trải nghiệm sự sợ hãi và đau khổ và sẽ được tái sinh trong một trạng thái may mắn hơn.” Đó là cách đúng đắn để suy niệm về cái chết.

Sự thiền định này không nên đơn thuần là tư tưởng ảm đạm, bi quan: “Tôi sắp chết và không thể làm điều gì về nó.” Đúng hơn, ta nên suy nghĩ  về những gì sẽ xảy ra khi ta chết. “Tôi sẽ đi về đâu sau khi chết? Tôi đã tạo ra những loại nguyên nhân nào? Tôi có thể làm cho cái chết của tôi trở thành cái chết hạnh phúc? Làm cách nào? Tôi có thể làm thế nào để những tái sinh sau này của tôi trở thành tái sinh hạnh phúc?”

Khi suy niệm về những tái sinh trong tương lai ta nên nhớ rằng không có nơi nào trong vòng luân hồi sinh tử là đáng tin cậy. Cho dù ta có được loại thân tướng nào, cuối cùng thì nó cũng phải chết. Ta đọc trong lịch sử về những người từng sống một trăm năm hay thậm chí một ngàn năm, tuy nhiên, cho dù những miêu tả ấy phi thường tới đâu chăng nữa, cuối cùng thì ta không thấy có ai mà không phải chết. Bất kỳ loại thân tướng nào chúng ta có cũng đều bị lệ thuộc vào cái chết.

Cũng không có nơi nào ta có thể tới để tránh cái chết. Cho dù ta là ai, khi tới lúc thì ta sẽ phải chết. Khi ấy không có lượng thuốc men, thần chú hay thực hành nào có thể cứu giúp được ta. Những cuộc giải phẫu có thể chữa khỏi một vài loại bệnh tật trong thân thể ta, nhưng không có phương pháp nào có thể ngăn ngừa cái chết.

Cho dù ta có loại tái sinh nào, nó cũng sẽ bị lệ thuộc vào cái chết. Tiến trình vẫn còn  đang tiếp diễn. Việc suy niệm về hậu quả dài hạn của những hành động của ta và tiến trình của sự sinh ra, của sự sống, cái chết và sự tái sinh tiếp nối liên tục ra sao sẽ giúp cho ta phát triển nhiều thiện nghiệp hơn nữa.

Mặc dù đôi khi ta lập kế hoạch thực hành Pháp, nhưng ta thường trù tính làm điều đó vào ngày mai, hay những ngày sau. Tuy nhiên, không ai có thể nói cho ta biết khi nào ta chết. Nếu ta được bảo đảm rằng chắc chắn là ta còn sống một trăm năm nữa thì ta sẽ có một quãng thời gian tự do để sắp xếp việc thực hành. Nhưng không có gì chắc chắn là khi nào ta chết. Trì hoãn sự thực hành của ta là một việc làm thật ngu ngốc. Một số người chết trong bụng mẹ ngay cả trước khi ra đời, những người khác chết khi còn là những em bé trước khi học đi. Không có gì chắc chắn là bạn sẽ sống một cuộc đời trường thọ.

Thân thể ta rất mỏng manh. Nếu chúng được làm bằng đá hay sắt thì có lẽ chúng có thể cho ta một cảm nhận nào đó về sự kiên cố. Nhưng nếu ta xem xét kỹ lưỡng thì ta sẽ nhận ra rằng thân thể con người rất yếu ớt. Nó rất dễ bị trục trặc. Nó giống như một cái đồng hồ đeo tay mỏng manh được chế tạo từ vô số bộ phận nhỏ xíu và dễ gãy. Nó không phải là vật đáng tin cậy. Có nhiều hoàn cảnh có thể gây nên cái chết của ta: thực phẩm trở nên độc hại, vết cắn của một côn trùng nhỏ xíu hay thậm chí vết chích của một chiếc gai độc. Những tình huống nhỏ bé như thế có thể giết chết ta. Thức ăn và nước uống mà ta dùng để kéo dài cuộc đời ta có thể trở thành những tình huống để chấm dứt nó. Không có gì chắc chắn là khi nào ta sẽ chết, hay những tình huống nào sẽ gây nên cái chết của ta.

Cho dù ta cảm thấy chắc chắn là ta sẽ sống một trăm năm, nhưng nhiều năm trong quãng thời gian đó đã trôi đi và ta đã không hoàn thành được gì nhiều. Ta tiến gần tới cái chết giống như một người ngủ trên một toa xe lửa, liên tục tiến càng lúc càng gần tới đích mà không hay biết gì về tiến trình của chuyến đi. Những gì ta có thể làm được để ngăn chặn tiến trình này thì rất ít ỏi. Ta liên tục tiến càng lúc càng tới gần cái chết.

Cho dù ta có bao nhiêu tiền bạc, châu báu, nhà cửa hay y phục mà ta từng tích tập trong đời ta, điều đó chẳng tạo nên bất kỳ khác biệt nào vào lúc ta chết. Khi ấy ta sẽ ra đi tay không. Ta cũng không thể mang theo mình ngay cả một món đồ nhỏ xíu. Chính thân thể cũng phải bị bỏ lại đằng sau. Thân và tâm tách lìa nhau và dòng tâm thức tự nó tiếp tục. Không chỉ không thể mang theo ta bất kỳ của cải nào, ta không thể mang theo ngay cả thân thể ta.

Cái gì sẽ đồng hành với tâm thức ta sau cái chết? Nếu ta phải rời bỏ thân xác của ta, những bằng hữu và của cải của ta, thì liệu có người trợ giúp nào hay sự vật nào sẽ cùng đi với tâm thức ta tới đời sau?

Có một thứ sẽ đi theo tâm thức sau cái chết: đó là những dấu vết nghiệp mà ta từng tích tập trong đời này. Nếu ta từng phạm vào bất kỳ điều nào trong mười ác hạnh, thì một món nợ nghiệp tăm tối sẽ đồng hành với dòng tâm thức khi nó tiến tới sự tái sinh trong tương lai. Bởi giết hại chúng sinh, trộm cắp của cải của những người khác hay đắm mình trong sự tà dâm, những món nợ nghiệp tối đen từ những ác hạnh này thuộc về thân sẽ được đặt vào dòng tâm thức. Bởi nói dối, vu khống người khác, gây sự bất hòa trong mọi người, nói điều vô nghĩa hay làm hại người khác bằng lời nói, những món nợ nghiệp tăm tối của những ác hạnh thuộc về ngữ (khẩu) sẽ cùng du hành với ta vào lúc chết. Nếu chúng ta từng có nhiều tư tưởng tham muốn, thường ao ước của cải của người khác; nếu ta có ác ý đối với người nào đó, ước muốn họ bị hại hay mong muốn điều xấu sẽ xảy ra cho họ; hoặc nếu ta từng giữ những quan điểm lệch lạc, chẳng hạn như ‘không có đời trước hay đời sau,’ ‘không có nhân và quả,’ ‘không có cái gì gọi là sự nương tựa (quy y),’ thì những ác hạnh này thuộc về tâm sẽ phát triển một món nợ nghiệp tối đen, nó cùng đi và hướng dẫn tâm ta tới những tái sinh sau này.

Nếu ta từng làm những thiện hạnh và tránh không tạo điều tiêu cực thì những hạt giống nghiệp của năng lực tích cực như thế sẽ lưu chuyển trên dòng tâm thức của ta và tạo nên những tình huống tốt đẹp hơn trong những đời sau của ta.

Khi ta thực sự suy nghĩ về tình huống mà ta đang gặp, ta sẽ quả quyết nỗ lực bằng mọi cách để phát triển nghiệp tích cực và tiệt trừ nghiệp tiêu cực. Ta nên nỗ lực tự tịnh hóa càng nhiều càng tốt điều tiêu cực, không để lại đời sau ngay cả món nợ nghiệp nhỏ bé nhất mà ta phải trả.

Ta cần xét xem loại tình huống nào có thể xảy ra trong luật nhân quả. Có một câu chuyện về một người có rất nhiều phẩm tính tốt nhưng nói năng thật cộc cằn. Ông ta sỉ nhục người khác: “Ông nói như chó sủa.” Kết quả là ông ta bị tái sinh làm một con chó trong 500 kiếp. Một hành động tưởng chừng nhỏ bé có thể có một hậu quả rất to lớn.

Tương tự như thế, một thiện hạnh rất nhỏ có thể tạo nên một kết quả vĩ đại. Có một câu chuyện về một đứa trẻ dâng một món cúng dường khiêm tốn cho Đức Phật và kết quả là nó được tái sinh là vị vua vĩ đại Ashoka, người đã xây dựng hàng ngàn công trình kiến trúc Phật Giáo và thực hiện vô số hoạt động siêu phàm.

Việc suy niệm về những loại ác hạnh khác nhau mà ta từng phạm và những hậu quả của chúng là một phương cách hết sức hữu hiệu để bảo đảm cho hạnh phúc và niềm vui của ta. Nếu ta nghĩ tưởng về nỗi khổ mà bản thân ta sẽ phải trải nghiệm như hậu quả của sự tiêu cực của ta và nhờ đó phát khởi một ao ước thật mãnh liệt không muốn phải trải nghiệm loại đau khổ này thì ta đã phát triển thái độ được gọi là ‘sự từ bỏ.’

Việc làm quen với loại suy tưởng này tự nó là một hình thức thiền định. Trước tiên, ta nên phát triển sự chánh niệm về nỗi khổ của riêng ta; sau đó ta mở rộng chánh niệm này tới tất cả các sinh loài. Hãy suy xét làm thế nào tất cả chúng sinh đều không ước muốn đau khổ nhưng lại bị mắc kẹt trong một tình huống khốn cùng. Loại suy tưởng này khiến ta phát khởi lòng bi mẫn. Nếu ta không phát triển ước muốn thoát khỏi mọi nỗi khổ của riêng ta, thì làm thế nào ta có thể phát triển ước muốn chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ của họ? Ta có thể chấm dứt mọi nỗi khổ của riêng ta, nhưng điều này không mang lại lợi ích rốt ráo. Ta nên trải rộng ước muốn này tới tất cả chúng sinh, là những người cũng ước muốn hạnh phúc. Ta có thể tu hành tâm thức và phát triển ước muốn mọi người đều hoàn toàn thoát khỏi nỗi khổ của họ. Đây là một phương cách suy tưởng rộng lớn hơn và lợi lạc hơn nữa.

Tại sao ta nên quan tâm tới sinh loài khác? Đó là bởi ta đã thọ nhận quá nhiều từ họ. Ví dụ như sữa ta uống phát xuất từ lòng tốt của những con bò và những con trâu, quần áo ấm che chở ta không bị gió lạnh xuất phát từ len của những con cừu và dê, và v.v.. Đây chỉ là một ít ví dụ về lý do tại sao ta nên nỗ lực tìm ra một phương pháp có thể tiệt trừ những đau khổ của họ.

Cho dù ta làm loại thực hành nào – trì tụng thần chú hay mọi loại thiền định – ta nên luôn luôn duy trì tư tưởng: “Cầu mong điều này làm lợi lạc tất cả chúng sinh.” Thái độ này cũng mang lại lợi lạc cho bản thân ta một cách tự nhiên. Những tình huống của đời sống bình thường của ta có thể mang lại cho ta một nhận thức sâu sắc về điều này. Ví  dụ như một người rất ích kỷ và luôn luôn làm việc vì tư lợi, anh ta sẽ không thực sự được người khác ưa thích. Trái lại, người tử tế và luôn nghĩ tới việc giúp đỡ người khác thì thường được mọi người quý mến.

Tư tưởng cần được phát triển trong dòng tâm thức của ta là: “Cầu mong mọi người được hạnh phúc và cầu mong không ai phải đau khổ.” Ta phải nỗ lực đưa tư tưởng này vào dòng suy tưởng của ta bằng cách luôn luôn nhớ tới nó. Điều này có thể hết sức lợi lạc. Những chúng sinh trong quá khứ đã phát triển cách nghĩ tưởng này hiện tại là những vị Phật, Bồ Tát hay thánh nhân vĩ đại; tất cả những vĩ nhân thực sự của thế giới đã đặt nền móng cuộc đời các ngài trên tư tưởng này. Nếu bản thân ta có thể cố gắng phát triển nó thì tuyệt diệu biết bao!

Hỏi: Có phải chúng con được khuyên là không tự bảo vệ khi có người cố hãm hại chúng con?

Đáp: Câu hỏi này đưa vào một chủ đề rất bao quát. Nếu có ai đánh lên đầu bạn bằng một dùi cui hay một cây gậy, câu trả lời hay nhất là thiền định rằng do bởi những ác hạnh của chính bạn trong quá khứ nên bạn phải trải nghiệm điều này. Hãy nghĩ tưởng rằng giờ đây người này đang làm cho món nợ nghiệp đặc biệt này chín mùi thay vì vào lúc nào đó trong tương lai. Bạn nên cảm thấy biết ơn vì anh ta đã giải trừ món nợ nghiệp đen tối này khỏi dòng tâm thức của bạn.

Hỏi: Nếu có người tấn công vợ hay con của con là những người chịu sự bảo vệ của con thì sao? Con không được bảo vệ họ? Làm như thế có phải là một hành động tiêu cực không?

Đáp: Vì bổn phận của bạn là phải bảo vệ vợ và con bạn, bạn phải nỗ lực để làm điều đó trong một phương cách càng thiện xảo thì càng tốt. Bạn phải khôn ngoan. Cách tốt nhất để bảo vệ họ là không làm hại kẻ tấn công. Nói các khác, bạn cần tìm ra một phương pháp để bảo vệ họ nhờ đó bạn không gây ra bất kỳ sự tổn hại nào.

Hỏi: Hắn có thể làm hại các con của con nhưng con thì không thể làm hại hắn? Không phải là chúng con có bổn phận bảo vệ con cái chống lại những hành vi man rợ và độc ác hay sao? Chúng con sẽ hy sinh cuộc đời mình?

Đáp: Để xử sự với tình huống này một cách khéo léo, bạn phải hết sức dũng cảm. Có một câu chuyện về một đời trước của Đức Phật, trong đời đó ngài là một hoa tiêu vượt biển cùng một nhóm năm trăm người để tìm kiếm một kho tàng được chôn dấu. Một người trong nhóm này có tư tưởng rất tham lam, và để đánh cắp toàn bộ châu báu, hắn ta âm mưu giết chết năm trăm người. Bồ Tát (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong một đời trước) biết rõ điều này và nghĩ rằng để cho tình huống này phát triển là sai lầm, vì một người sẽ giết cả năm trăm người. Vì thế ngài phát khởi tư tưởng hết sức dũng cảm là giết chết người này để cứu năm trăm người, sẵn sàng nhận toàn bộ trách nhiệm của việc sát sinh. Nếu bạn ước muốn chấp nhận bị tái sinh trong một địa ngục để cứu những chúng sinh khác thì bạn có một tư tưởng hết sức dũng cảm. Như thế bạn có thể dấn mình vào những hành động đó, giống như bản thân Đức Phật đã làm.

Hỏi: Trong hoàn cảnh như vậy việc sát sinh có còn bị coi là một hành vi tiêu cực?

Đáp: Đức Nagarjuna (Long Thọ) nói trong tác phẩm Bức Thư Thân mật của ngài rằng nếu có người phạm vào điều tiêu cực để bảo vệ cha mẹ, con cái, Phật Giáo hay Tam Bảo, người đó sẽ phải trải nghiệm những hậu quả. Sự khác biệt nằm ở chỗ bạn có tỉnh giác về những hậu quả và có ước muốn nhận chúng vào bản thân bạn để bảo vệ vợ và con bạn một cách vô ngã hay không. Nếu bạn làm hại kẻ thù thì bạn sẽ kinh nghiệm một sự tái sinh đau khổ. Tuy nhiên, bạn nên ước muốn đối mặt với tình huống này bằng cách nghĩ tưởng: “Tôi sẽ nhận vào mình nỗi đau khổ đó và như thế vợ con tôi sẽ không đau khổ.”

Hỏi: Như vậy theo Phật Giáo nó vẫn là một hành vi phi-đạo đức?

Đáp: Bảo vệ vợ và con của bạn là một thiện hạnh, nhưng làm hại kẻ thù thì phi-đạo đức. Bạn phải ước muốn chấp nhận những hậu quả của cả hai điều này.

Hỏi: Ngài nói rằng nếu ta tạo ác nghiệp ta sẽ phải chịu đau khổ trong tương lai, nhưng nếu ta làm điều tốt lành thì hạnh phúc sẽ theo sau. Những thiện hạnh này có thể dẫn tới sự cứu vớt (che chở) toàn diện, theo ý nghĩa là không phải trải nghiệm sự tái sinh?

Đáp: Nếu bạn muốn được cứu vớt, bạn phải tuân theo những giáo lý một cách trọn vẹn và cẩn trọng. Ví dụ như nếu bạn đang theo đạo Cơ Đốc, bạn phải tuân theo giáo lý của Đức Chúa thật toàn hảo. Khi ấy sự cứu rỗi Cơ Đốc có thể xảy ra. Một mình Đức Chúa Jesus không thể cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi; bản thân ta phải làm điều gì đó. Nếu không thì tại sao Đức Chúa Jesus đã không nói tới tội lỗi? Nếu chúng ta tuân theo một cách đúng đắn những gì Chúa Jesus dạy, thì tôi nghĩ rằng sự cứu rỗi Cơ Đốc có thể xảy ra. Nếu ta tuân theo những giáo lý của Đức Phật một cách đúng đắn, thì sự cứu vớt (che chở) của Phật Giáo có thể xảy ra.

                                                                                           Tsenshab Serkong Rinpoche

Nguyên tác “Renunciation”

http://fpmt.org/Teachings/more.renunc_serkong.asp

Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Chú thích:

1. Tushita: Trung tâm Thiền định Đại thừa Tushita là trung tâm FPMT (Hội Bảo vệ Truyền thống Đại thừa) ở New Delhi, Ấn Độ.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/sutubo.htm

 


Vào mạng: 1-11-2005

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang