- Tám Pháp Thế Gian
Bài nầy viết dựa theo tập
sách "The Eight Worldly Conditions", do Hòa thượng Nàrada viết năm
1970, và bác Phạm Kim Khánh dịch năm 1972 với tựa đề "Những Bước
Thăng Trầm".
*
Tiếng Pali của "tám pháp thế gian" là "atthalokadhamma".
"Attha" là tám, "loka" là thế gian, và "dhamma"
là pháp. Atthalokadhamma còn được dịch là Bát Pháp, hay Bát Phong, là
tám ngọn gió làm rung chuyển thế gian. Đó là: được (làbha) và mất
(alàbha), danh thơm (yasa) và tiếng xấu (ayasa), ca tụng (pasamsà)
và khiển trách (nindà), hạnh phúc (sukha) và đau khổ (dukkha).
Trong kinh "Tùy Chuyển Thế Giới",
Tăng Chi Bộ, Chương Tám Pháp, Đức Phật dạy:
Này các Tỳ-khưu, có tám pháp thế
gian làm tùy chuyển thế giới. Thế nào là tám? Đó là: lợi dưỡng và
không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, an
lạc và đau khổ.
Sau đó, Ngài nói lên bài kệ:
Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng
Tán thán và chỉ trích
An lạc và đau khổ
Những pháp này vô thường
Không thường hằng, biến diệt
Biết chúng, giữ chánh niệm
Bậc trí quán biến diệt
Pháp khả ái, không động
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận hay nghịch
Ðược tiêu tan không còn.
Sau khi biết con đường
Không trần cấu, không sầu
Chơn chánh biết sanh hữu
Ði đến bờ bên kia.
Ngài giảng rằng khi chúng ta gặp
phải một trong tám sự kiện ấy (lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng,
không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ), chúng ta không nên
bám theo các điều thuận lợi như: lợi dưỡng, danh vọng, tán thán, an lạc;
và chúng ta cũng không nên sân hận với các điều bất thuận lợi như: không
lợi dưỡng, không danh vọng, chỉ trích, đau khổ. Chúng ta không nên để
các điều đó ngự trị và lấn áp tâm trí. Trái lại, chúng ta nên nhận
biết rõ ràng rằng: "Sự kiện này đang khởi lên nơi ta. Tuy nhiên, sự
kiện ấy là vô thường, khổ, biến hoại", để có một thái độ bình
thản, tỉnh giác. Vị Thánh đệ tử nào đoạn tận thuận ứng, nghịch
ứng như vậy, sẽ được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu,
não. Từ đó, vị ấy thoát khỏi mọi ô nhiễm ràng buộc, và tiến đến
bờ giải thoát.
*
1. Ðược và Mất (Làbha
và Alàbha)
Trên đường đời, chúng ta thường
phải gặp cả hai điều: được và mất, hay nói cách khác, lợi lộc và lỗ
lã. Dĩ nhiên, khi được lợi thì người ta thỏa thích, vui mừng. Nhưng đến
khi lỗ lã thì phiền não bắt đầu khởi phát. Nhiều trường hợp lỗ lã
quan trọng làm cho người ta loạn trí, lắm khi đưa đến cảnh quyên sinh mạng
sống, nếu không còn chịu đựng được nữa. Chính trong những hoàn cảnh
tương tợ, ta phải biểu dương tinh thần dũng cảm và giữ tâm bình thản,
không để quá chao động. Trong lúc vật lộn với đời sống, tất cả mọi
người đều phải gặp những lúc thăng, lúc trầm, và chúng ta phải sẵn
sàng chịu đựng, sẵn sàng đối phó, nhất là trong nghịch cảnh.
Mất một vật gì, tất nhiên ta cảm
thấy buồn. Nhưng chính cái buồn ấy không giúp ta tìm lại được vật đã
mất. Ta phải nghĩ rằng ai đó có thể hưởng vật kia, mặc dầu họ hưởng
một cách bất chánh. Ước mong người ấy được vui vẻ, an lành và hạnh
phúc. Hoặc giả ta có thể tự an ủi: "Ðây chỉ là một mất mát nhỏ
nhen, không quan trọng." Hoặc giả ta có thể chấp nhận một thái độ
triết lý cao thượng: "Không có gì là 'Ta', không có cái gì là 'Của
Ta'".
Ta phải dũng cảm chịu đựng những
lỗ lã, thua thiệt, mất mát. Phải đương đầu với nó, và như câu "họa
vô đơn chí" diễn tả, nó có thể đến một cách đột ngột, từng
đoàn, từng đám đông, chớ không đơn độc. Ta phải điềm tĩnh đối phó,
với tâm Xả (upekkhà) hoàn toàn, và nghĩ rằng: đây là cơ hội vàng
ngọc để thực hành đức tánh Xả ly cao thượng nầy.
*
2. Danh Thơm và Tiếng Xấu (Yasa
và Ayasa)
Danh thơm và tiếng xấu là cặp thăng
trầm khác mà ta phải đối phó hàng ngày.
Danh thơm, chúng ta hoan hỷ đón mừng.
Tiếng xấu thì chúng ta không thích. Danh thơm làm phấn khởi tinh thần. Tiếng
xấu làm cho ta phiền muộn, khổ đau. Chúng ta thích được trứ danh. Chúng
ta rất thỏa thích thấy những hoạt động của mình, dầu không đáng kể,
được tường thuật và được nhiều người nhắc nhở, nhiều người biết
đến. Lắm khi ta cũng cố gắng, một cách bất chánh, làm cho người ta chú
ý đến mình.
Thật ra, chúng ta không cần chạy
theo danh thơm, tiếng tốt. Nếu ta xứng đáng, ắt nó sẽ đến mà không cần
tìm. Khi hoa đượm mật đầy đủ thì ong, bướm sẽ đến. Hoa không cần
mời ong, hay mời bướm.
Còn tiếng xấu thì sao? Chúng ta
không thích nghe, hay nghĩ đến. Chắc chắn là khi những lời nói xấu lọt
vào tai, nó sẽ làm cho tâm ta bàng hoàng, khó chịu. Nỗi khổ tâm càng sâu
đậm hơn, nếu những lời gọi là tường thuật hay báo cáo ấy tỏ ra bất
công và hoàn toàn sai lạc.
Nhưng cũng nên nhớ rằng cho dù ta
có thể sống đời đạo đức trong sạch như một vị Phật, nhưng ta không
thể tránh những lời chỉ trích, tấn công và nguyền rủa. Ðức Phật là
vị giáo chủ trứ danh nhất thời bấy giờ mà cũng thường bị những
người ác ý tìm cách vu oan, ám hại, nói xấu.
Ta không nên phung phí thì giờ để
đính chánh những lời đồn đãi sai lạc, nếu hoàn cảnh không bắt buộc
ta phải làm sáng tỏ vấn đề. Kẻ thù nghịch sẽ lấy làm thỏa thích
mà thấy ta bực bội vì lời nói của họ. Ðó chính là điều mà họ mong
muốn. Nếu ta thản nhiên, lời vu oan sẽ rơi vào tai điếc.
Giáo Pháp có dạy:
"Hãy như sư tử, không run sợ
trước tiếng động.
Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới.
Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục mọc lên,
Nhưng không bị nước đục và bùn nhơ làm ô nhiễm.
Hãy vững bước, đơn độc một mình, như con tê giác."
Là chúa sơn lâm, sư tử không sợ
hãi. Bẩm chất thiên nhiên của sư tử là không run rẩy giựt mình khi nghe
tiếng gầm thét của các loài thú khác. Trên thế gian nầy, chúng ta thường
nghe thuật lại những câu chuyện trái tai, bất lợi, những lời buộc tội
giả mạo, những tiếng vu oan phỉ báng đê hèn. Như sư tử, ta không cần
để tâm đến.
Chúng ta đang sống trong thế gian bùn
nhơ, nước đục. Nhiều đóa hoa sen đã từ đó vượt lên, tô điểm đời
sống, mà không bị nước đục và bùn nhơ làm hoen ố. Chúng ta phải cố
gắng sống như hoa sen, một cuộc đời trong sạch và cao quý, không màng
quan tâm đến bùn nhơ mà người khác có thể ném vào ta. Phải sẵn sàng
đón nhận bùn nhơ, mà người khác có thể ném vào mình, thay vì mong đợi
những đóa hoa hồng mà người ta có thể tặng. Như thế, ta sẽ không thất
vọng.
Mặc dầu là điều khó khăn, chúng
ta phải cố gắng trau giồi hạnh từ khước, buông bỏ, không luyến ái.
Không cần để ý đến nọc độc của những lời nói ác ý. Ðơn độc một
mình, chúng ta hãy ra đi đó đây, tận lực phục vụ và tạo an lành cho kẻ
khác.
*
3. Ca Tụng và Khiển Trách (Pasamsà
và Nindà)
Ðược ca tụng và bị khiển trách
là hai hoàn cảnh thăng trầm khác, hằng ảnh hưởng đến nhân loại. Lẽ
dĩ nhiên, khi được ca tụng thì ta nở mặt nở mày, hân hoan thỏa thích.
Lúc bị khiển trách thì tinh thần suy sụp, ủ dột buồn rầu. Ðức Phật
dạy rằng giữa những lời ca tụng hay khiển trách, bậc thiện trí không
thỏa thích, cũng không ủ dột ưu phiền, mà tựa hồ như tảng đá vững
chắc, không lay chuyển dưới cơn bão táp phong ba của đời sống. Nếu chúng
ta xứng đáng, những lời khen tặng quả thật êm tai. Nhưng nếu ta không xứng
đáng, như trường hợp có người nịnh bợ, thì những lời ấy dù có êm
tai, cũng sẽ làm cho ta thất vọng, và là một tai hại.
Người thực hành Giáo Pháp thì
không tin vào những lời nịnh bợ, cũng không muốn được nịnh bợ. Khi
khen tặng ai xứng đáng, người Hiền trí thật lòng khen tặng mà không ẩn
ý ganh tị. Khi khiển trách, các Ngài khiển trách mà không ẩn ý khinh khi.
Các Ngài chỉ khiển trách vì lòng bi mẫn, muốn cải thiện người lầm
đường lạc nẻo.
Còn khiển trách thì sao? Ðức Phật
dạy: "Người nói nhiều bị khiển trách. Người nói ít bị khiển
trách. Người lặng thinh cũng bị khiển trách."
Ðức Phật cũng nói: "Người
thế gian phần đông sống không kỷ luật. Như voi chiến ở trận địa, hứng
lãnh lằn tên mũi đạn từ mọi hướng dồn dập bắn đến, cùng thế ấy,
Như Lai hứng chịu mọi nguyền rủa của thế gian."
Kẻ si mê lầm lạc chỉ tìm cái xấu,
cái hư của người khác mà không nhìn cái tốt cái đẹp của ai. Ngoại trừ
Ðức Phật, không có ai hoàn toàn tốt lành. Cũng không có ai hoàn toàn xấu
ác. Giữa chúng ta, bên trong con người tốt nhất, cũng có phần hư hỏng.
Trong con người xấu nhất, cũng có điểm tốt đẹp. Ð?c Phật dạy rằng
người nào biết câm lặng như cái mõ bể khi bị tấn công, nguyền rủa,
chửi mắng, thì, mặc dầu chưa chứng ngộ Niết Bàn, người ấy cũng đã
đứng trước Niết Bàn.
Nguyền rủa, chửi mắng là chuyện
thường tình. Càng hoạt động, càng phục vụ, chúng ta càng trở nên trưởng
thành hơn, và càng phải chịu vu oan, nói xấu, phỉ báng nhiều hơn.
*
4. Hạnh Phúc và Ðau Khổ (Sukha
và Dukkha)
Hạnh phúc và đau khổ là cặp thăng
trầm cuối cùng. Nó cũng có nhiều năng lực nhất, ảnh hưởng đến đời
sống nhân loại.
Ðiều gì làm được dễ dàng là hạnh
phúc. Cái gì khó chịu đựng là đau khổ. Thông thường, thỏa mãn điều
mong ước là hạnh phúc. Nhưng, liền khi vừa đạt được điều mong ước
ấy, ta đã ước mong một loại hạnh phúc khác. Phần đông chúng ta thỏa
thích trong sự thọ hưởng những lạc thú của đời sống. Nhưng cũng có
hạng người thỏa thích trong sự từ khước, buông bỏ các lạc thú ấy.
Không luyến ái, hay vượt lên trên mọi khoái lạc vật chất, là hạnh
phúc đối với người đạo đức. Hạnh phúc Niết Bàn -- tức trạng thái
thoát ra khỏi mọi đau khổ -- là hình thức hạnh phúc cao thượng nhất.
Chúng ta vui vẻ đón mừng hạnh
phúc. Nhưng đau khổ thì không được niềm nở tiếp nhận. Ðau đớn (vật
chất) và phiền muộn (tinh thần) đến với ta dưới nhiều hình thức.
Chúng ta đau khổ khi phải chịu bệnh hoạn, già yếu, đó là lẽ tự
nhiên. Phải điềm tĩnh chịu đựng những khổ đau đó.
Lắm khi chúng ta phải xa lìa thân bằng,
quyến thuộc. Cảnh biệt ly vô cùng đau khổ. Chúng ta phải nhận thức rằng
mọi kết hợp đều phải chấm dứt trong cảnh biệt ly. Đó là luật Vô
thường, và đây là cơ hội quý báu để ta thực hành tâm Xả.
Trên bước thênh thang trong vòng
luân hồi, chết là mối ưu phiền trọng đại nhất mà chúng ta phải đối
phó. Ðôi khi cái chết không đến lẻ loi cho một người thân, mà đến trùng
hợp cho nhiều người thân trong một lúc. Cái chết không thể tránh, đến
với tất cả mọi người, không trừ ai. Và ta phải bình thản đối phó.
*
Ðức Phật dạy rằng:
"Cũng như trên đất, ta có
thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ. Ðất
vẫn thản nhiên một mực trơ trơ, không giận cũng không thương. Vậy, cùng
thế ấy, trong hạnh phúc, trong phiền muộn, lúc thăng lúc trầm, ta phải
giữ tâm bình thản như đất."
Trước những thăng trầm của thế
gian, tâm của các vị Thánh A-la-hán không bao giờ chao động. Vì vậy, noi
theo gương các Ngài, giữa những hoàn cảnh được và mất, danh thơm và tiếng
xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ, chúng ta hãy cố gắng
giữ tâm bình thản.
Bình Anson,
Tháng 8-2004, Perth, Tây Úc.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/
tamphap.htm