-
Thấy mọi vật
như chúng là
-
Zoketsu Norman Fischer
-
-
Zazenkai,
Khoá Tu ngày 22 tháng 11, năm 1997, Thiền viện Karuna, Vancouver, B.C.
Thật là vui vẻ
khi cuối tuần nầy đa số chúng ta đã buông bỏ mọi âu lo, thành tựu và vấn đề,
để có thời gian ngồi thiền ở nơi đây. Tôi vừa bước ra ngoài đi dạo một lát
và gặp một cơn mưa phùn. Và rồi tôi nghĩ, việc thực tập thiền của chúng ta
cũng giống như mưa vậy, vì mưa liên tục nuôi dưỡng, cũng như thấm nhuần
vào cuộc sống của chúng ta. Mưa làm ẩm ướt hạt giống đã lâu bị chôn vùi
trong lòng mỗi chúng ta, và khi hạt giống nẩy mầm nó sẽ đâm chồi kết lộc.
Cho dù thiền tập đôi lúc gặp trở ngại và mưa đôi lúc có thể thay thế bằng
bão giông. Tuy vậy, mưa và thiền tập đều cần thiết. Mưa rơi vì bản chất tự
nhiên của nó, mưa không cần đấu tranh hoặc tự đặt câu hỏi, mưa không nghi
ngờ hoặc than vãn, nó chỉ đơn giản rơi, từ đầu đến cuối. Và thiền tập của
chúng ta cũng giống như vậy.
Khi chúng ta ngồi
thiền một thời gian lâu, chúng ta nhận thấy rất nhiều, rất nhiều thứ trong
vòng tròn nhỏ của chính niệm. Chúng ta nhận thấy hơi thở đến và đi, chúng
ta thấy các ý tưởng xuất hiện rồi biến mất, chúng ta nhận diện các cảm
giác, nhận diện những cảm xúc của thân, nhận diện sự hoạt động của cái thấy,
cái nghe, sự xúc chạm, và vị giác. Như Dogen đã nói, « Chúng ta nhận thấy
rất nhiều thứ, thấy tất cả những gì mà mắt chúng ta có thể nhìn thấy được. »
Nhưng mọi thứ mà chúng ta có thể thấy và cảm nhận với các giác quan ;
trong Phật giáo, tâm thức được coi là một giác quan, mọi thứ mà chúng ta cảm
nhận được nhờ các giác quan không phải là tất cả những gì mà chúng ta đang
trải nghiệm qua. Đây là sự thách thức của con người, và các vấn đề của con
người bắt đầu từ đây, bởi vì con người được sanh ra với chút tự kiêu.
Chúng ta nghĩ rằng chúng ta nhận thấy và hiểu biết về chính bản thân mình,
và chúng ta nhìn thấy cũng như hiểu rõ thế giới của chúng ta. Và rồi chúng
ta tự cho rằng chúng ta đã nhìn thấy và hiểu đúng về thế giới nầy, chúng
ta có thể đánh giá nó, và chúng ta nhận thấy sự khiếm khuyết của thế giới
và ngay của chính bản thân chúng ta nữa. Và như vậy, chúng ta nghĩ rằng
chúng ta cần phải thay đổi thế giới, hoặc thay đổi chính bản thân, và
chúng ta trở nên đau khổ vì sự khiếm khuyết, rối loạn, cùng với những ham
muốn, tham đắm .
Nhưng tất cả chỉ dựa vào sự đánh giá
rất giới hạn trong đời sống con người. Chúng ta tin tưởng vào ước định nầy,
vì nó đã nằm sâu trong tâm tư chúng ta, nhưng thật ra không phải như vậy,
tôi có thể nói, sự thật không hẳn như vậy. Thế giới mà chúng ta thấy bằng
mắt rất chân và rất thật, chỉ có điều chúng ta không nhìn thấy thế giới với
tất cả mọi mặt của nó ; chúng ta không có khả năng thấy rõ kích thước toàn
diện của nó. Các giác quan của chúng ta không thế vượt xa để mà thấu hiểu.
Tuy nhiên, khi chúng ta quyết tâm ngồi thiền, quyết tâm trở về với giây
phút hiện tại, dẹp bỏ mọi việc, mang toàn tâm tư trở về giây phút hiện tại,
không gián đoạn, không xa cách, chúng ta có thể nhận thức được cái cảm
giác chân thật của sự bao la chứa đựng trong vòng tròn nhỏ chính niệm. Khi
chúng ta nhận thấy các ý nghĩ của chúng ta không hẳn chỉ là những ý nghĩ,
những cảm giác của chúng ta không hẳn chỉ là những cảm giác, cái thấy và
nghe không hẳn chỉ là cái thấy và cái nghe hạn chế… Tất cả mọi thứ đều ở
ngay nơi đây, từng giây từng phút. Trong một thế giới có những thế giới được
tạo thành và bị huỷ diệt với từng hơi thở ra vào.
Khi chúng ta thấy rõ sự kiện nầy,
chúng ta sẽ không còn bị vướng bận bởi các vấn đề cá nhân. Tất nhiên chúng
ta vẫn còn những vấn đề, và chúng ta vẫn phải giải quyết các vấn đề nầy.
Chúng ta vẫn phải chọn lựa, vẫn phải ứng phó về các lựa chọn của chúng ta,
và phải chịu đựng những hậu quả, nhưng chúng ta sẽ có khả năng thấy tất cả
mọi việc một cách đầy đủ hơn, và đánh giá chúng một cách sâu sắc hơn, và
như vậy năng lực và sự an lạc của chúng ta cũng sẽ gia tăng.
Tôi biết rằng đa số chúng ta, cuối
tuần ngồi thiền ở đây để tiếp nhận Mười Sáu Giới Bồ Tát, chúng ta học và
suy ngẫm về các điều nầy. Các giới luật như thế nầy : một vật thật nhỏ, thật
đơn giản sẽ mở ra một chân trời bao la. Giới luật mới nghe tưởng như là luật
lệ hoặc sự ngăn cấm, nhưng thật ra giới luật cũng giống như thực tập thiền,
xuyên qua các giới luật nầy, chúng ta sẽ thấu hiểu về cuộc sống vô cùng của
chúng ta.
Ba giới đầu tiên của Mười Sáu Giới Bố
Tát là Tam Bảo, như chúng ta đã tụng kinh tối qua, và chúng ta sẽ tụng mỗi
buổi chiều sau khi xả thiền, đó là Quy y Phật, Pháp, và Tăng. Tam Bảo là
giới luật căn bản trong Mười Sáu Giới, và tất cả những giới khác đều nằm
trong ba giới đầu nầy. Khi chúng ta nói quy y Phật – Pháp – Tăng, nghĩa
là, chúng ta quay về nương tựa nơi Phật – Pháp – Tăng, chúng ta quay về với
căn bản ban đầu, chấp nhận rằng Phật, Pháp, và Tăng không khác gì với thân
và tâm của chúng ta. Lần nữa, chúng ta cảm kích bản chất, và thực chất của
thân và tâm, rồi đến các vấn đề của chúng ta, những lo âu, cho dù chúng vẫn
hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta không nghĩ về chúng, và
không xem chúng quan trọng như trước đây nữa.
Vừa rồi ở Tassajara, thiền viện của
chúng ta, chúng ta thực hành một bài tập đã từng được hướng dẫn bởi thầy
Uchiyama Roshi tại Nhật bản, thực tập nầy gọi là « khoá thiền yên tịnh » .
Nghĩa là khoá thiền không có pháp thoại, không có độc tham, không có tụng
kinh, không có gì hết. Mọi người ngồi đối diện với bức tường, không có sự
giúp đỡ nào khác. Tôi có nói chuyện với một thiền sinh ở Tassajara về việc
nầy, và cô ta nói sau khi đã thực tập một thời gian, mỗi khoá thiền đều có
một bài pháp thoại, cô ta để ý và thấy rằng mỗi lần sắp sửa đến giờ pháp
thoại là cô ta chờ đợi pháp thoại, rồi chờ đợi giờ giải lao, giờ nghỉ ngơi
sau khi ngồi thiền. Và tôi chợt nhận ra rằng, trách nhiệm của tôi là nói
pháp thoại, như cho giải lao và giúp đỡ một chút, và mong rằng bài pháp
thoại đóng góp phần nào về khía cạnh giáo dục.
Giờ đây, tôi xin ngưng pháp thoại một
lát để các vị giải lao và gửi đến các vị bài phê bình về một quyển sách có
tính cách giáo dục. Có lẽ các vị đã biết rồi. Quyển sách ấy có tên là « Kết
cấu của Thực Tại : Khoa học về các vũ trụ song song và Những Liên Quan mật
thiết của chúng », của tác giả David Deutsch. Các vị có biết quyển sách nầy
không ? Nghe tựa sách không cũng đã thấy quá hấp dẫn rồi. Đây chỉ là một
bài phê bình nhỏ, sau khoá thiền, nếu các vị cần đọc một quyển sách, hãy đọc
quyển sách nầy.
Bài phê bình sách bắt đầu với một
thí nghiệm thông thường về vật lý học mà mọi người đều biết, ở đây tác giả
muốn nói đến « Thí nghiệm Chia Hai xa xưa cũ rích ». Tất cả các vị dĩ
nhiên đã biết về Thí nghiệm Chia Hai nầy đúng không nào ? Cá nhân tôi thì
chưa nghe qua bao giờ, nhưng tác giả nhấn mạnh rằng mọi người đều biết về
điều nầy.
Cũng may là nhà phê bình đã giải
thích về Thí Nghiệm Chia Hai : « Nếu các vị nhắm bắn một tia phân tử
(photon) vào phim hình, kế đó dùng một tấm cạc-tông đã bấm hai lỗ, chắn
ngang đường đi của các phân tử. Kế đó, anh bít một trong hai lỗ, và các
phân tử sẽ tự động đi xuyên qua lỗ hổng còn lại, và để lại một đốm trên
phim hình. » Tới đây cũng dễ hiểu, phải không nào ? Cũng có lý lắm – các
photons đi xuyên qua đó và để lại một đốm. « Việc gì sẽ xảy ra khi anh
không bít lỗ trống thứ hai ? » A, anh nghĩ rằng các photons sẽ di chuyển
xuyên qua hai lỗ hổng và anh có thể nhận thấy hai đốm, bên cạnh nhau,
tương ứng với hai lỗ hổng trên tấm cạc-tông. Thật ra, anh không thấy hai đốm
đâu. « Mở cả hai lỗ hổng làm cho các photons đi theo một mô hình đối lập rắc
rối, và một dạng hình xen nhau giữa các dải băng tối và sáng, mô tả sự hiện
diện và vắng mặt của các photons. » Điều nầy thật là lạ lùng. Tại sao lại
như vậy ? Ông ta nói rằng, « Mở cả hai lỗ hổng sẽ ngăn chận một phân tử đi
theo tiến trình ban đầu của nó. »
Nhà vật lý John Bell đã nói về tình
trạng rắc rối nầy, nhưng bây giờ đã trở nên thông thường một cách kỳ quặc
( trừ chúng ta), nghĩa là « chỉ cần có khả năng đi xuyên qua lỗ hổng kia,
sẽ làm ảnh hưởng đến sự chuyển động và ngăn chận các hướng đi của phân tử
đó. » Điều nầy được giải thích một cách dễ hiểu bằng học thuyết lượng tử
, ít nhất là về mặt toán học. Thuyết lượng tử có thể giải thích điều nầy,
cho dù khi anh cố gắng chuyển dịch nó vào ngôn từ và kinh nghiệm hằng ngày,
nó thách thức logic (lý luận), và chắc chắn rằng nó thách thức cả ngôn ngữ
nhân loại. Việc nầy làm cho nhà vật lý Neils Bohr nói, « Chúng ta cần phải
hiểu rõ rằng, khi nói đến các nguyên tử, ngôn ngữ chỉ có thể được sử dụng
như thi ca. »
Tuy nhiên, trong quyển sách « Kết cấu
của Thực Tại », David Deutsch đã cố gắng để giải thích trong ngôn ngữ và
các từ thông thường, hiện tượng nầy và hiện tượng khác. David Deutsch cãi
lẽ trong sách như sau, « Nếu chúng ta đánh giá bề ngoài của thuyết lượng tử,
chúng ta sẽ đi đến kết luận là vũ trụ của chúng ta chỉ là một trong những
khối vũ trụ song song, mà các nhà vật lý gọi là « Multiverse. » (nhiều vũ
trụ). Deutsch tin rằng một vài phần của các photons trong Thí Nghiệm Chia
Hai bị cản trở và xáo trộn bởi « những bóng vô hình cuả photons ở một vũ
trụ khác. » Điều nầy không phải là khoa học giả tưởng, nếu anh nghĩ đến
toán học và lượng tử cơ học, điều nầy được hình thành dựa vào các thí nghiệm
và toán học.
Sự giải thích về ĐaThế Giới là một
cách giải thích về lượng tử cơ học, đã được nhà vật lý Hugh Everett trình
bày lần đầu mấy mươi năm trước đây. Thí dụ, anh muốn đo chiều hướng của một
hạt hạ phân tử. Theo thuyết lượng tử, một phân tử không bị xáo trộn giống
như nó đang trong trạng thái bị giam cầm. Đây là lúc trước khi anh đo lường
nó. Ở tất cả mọi chiều hướng mà phân tử có thể hiện hữu, trước khi anh đo
lường, các phân tử ấy nằm trong trạng thái bị giam cầm.
Chỉ khi phân tử được đo lường, nó mới
nằm ở một vị trí nhất định. Không có lý do gì một phân tử chọn vị trí nầy
mà không chọn một vị trí khác, sự chọn lựa thật là bừa bãi. Ông Everett đã
đề nghị cách khác, theo toán học đều có vẻ hợp lý, nhưng so với cách suy
nghĩ về trạng thái thì nó đối lập với trực giác. Nghĩa là khi phân tử được
đo lường, thế giới bị chia ra thành nhiều thế giới khác nhau. Trong mỗi một
thế giới nầy điện tử (electron) nằm ở một vị trí khác. Chúng ta chỉ là bị
kẹt trong một thế giới của vô số Thế Giới đa dạng nầy.
Dù sao đi nữa, tôi cũng nghĩ là các
vị nên biết về việc nầy, nếu như các vị về nhà tối nay, và có người hỏi, «
Anh có cảm thấy phí phạm thời gian không ? » , anh có thể trả lời, « Không,
không đâu, tôi vừa học chút xíu về lượng tử cơ học. »
Trong Phật giáo, sự thực tập về cái
thấy chân thật của kết cấu thực tại, xa hẳn cái thấy hữu hạn của chính nó,
chúng ta gọi là Thực Tập về cái Thấy Rỗng Không của Tất cả Bản Chất Hiện
Tượng. Đôi lúc chúng ta gọi sự thực tập nầy là Như Thế đó, hoặc Như Vậy đó.
Hoặc giả chúng ta chỉ nói theo lối nói bình thường hàng ngày, chúng ta
nhìn thấy mọi vật như chúng là, không phải nhìn thấy chúng với sự hình
thành cụ thể có giới hạn.
Trong Phật giáo có một nhân vật thần
thoại, là Bồ Tát Manjusri, hiện thân của sự thực tập, nhìn mọi vật như
chúng là. Bồ Tát Manjusri là một hành giả phi thường. Tôi không biết anh
có bao giờ nhìn những bức tranh hay hình tượng của Bồ Tát Manjusri ? Chúng
tôi có một tượng Bồ Tát Manjusri, có lẽ lớn như người thật, ở đền thờ
Green Gulch. Tượng Bồ Tát Manjusri ở Green Gulch, và tất cả những bức vẽ về
Bồ Tát Manjusri, tất cả đều mô tả Bồ Tát Manjusri trong tư thế ngồi. Hãy
nghĩ rằng Bồ Tát Manjusri đang ngồi nơi chỗ của anh : Bồ Tát Manjusri đang
ngồi thiền nguyên cuối tuần, để thấy mọi vật như chúng là. Để đánh giá
đúng nhưng không bị giới hạn bởi vòng tròn chính niệm.
Tất cả những hình tượng vẽ Bồ Tát
Manjusri rất đẹp, rất xinh. Bồ Tát Manjusri luôn đẹp và phúc hậu. Bởi vì tầm
nhìn của chúng ta bị giới hạn, nên chúng ta xấu xí. Một khi chúng ta tiến
xa hơn, một khi chúng ta chiêm ngưỡng các hình ảnh đẹp đó dưới ánh sáng
muôn màu của thế giới chân thật, chúng ta cũng sẽ trở nên đẹp đẽ. Một việc
nữa là Bồ Tát Manjusri luôn luôn ăn mặc rất sang trọng. Quần áo của Bồ
Tát luôn được trang hoàng thật đẹp. Tôi không biết ở Canada, các vị có mốt
nầy không, nhưng chỗ chúng tôi sinh sống, có một mốt về xâu chuỗi rất thịnh
hành. Nơi đây các vị có tiệm bạn chuỗi không ? Nhà tôi là một người xâu
chuỗi rất giỏi. Cô ta có nhiều hộp đựng các hạt nhỏ để xâu lại thành chuỗi.
Các vị có thể tỉ mỉ làm ra những xâu chuỗi rất đẹp, các xâu được bện, đan
vào nhau một cách phức tạp. Cô ấy làm ra những chuỗi rất đẹp, nhất là những
xâu chuỗi phức tạp, nhưng không có chuỗi nào đẹp mắt bằng các chuỗi đeo của
Bồ Tát Manjusri. Những chuỗi đeo trên ngực Bồ Tát với những hạt thật là đẹp.
Bồ Tát Manjusri với tóc dài, mặc áo choàng có trang hoàng và đính kim tuyến.
Bồ Tát Manjusri luôn có tóc dài, được bới lên đỉnh đầu với trang sức cài
tóc thật lạ. Bồ Tát Manjusri làm tôi nhớ đến một bài thơ nổi tiếng của
Anne Waldman, tựa là « Trang điểm cho Hư Không », bởi vì Bồ Tát Manjusri
là hư không, và chúng ta cũng là hư không, thật là một điều ngoạn mục, lý
thú với ý nghĩ chúng ta trang hoàng hư không.
Thật sự chúng ta là hư không. Chúng
ta nhìn vào tự thân và chúng ta nhận thấy đối tượng chính là bản thân. Thật
vậy, giữa mỗi một phân tử và mỗi một nguyên tử trong thân thể của chúng
ta, theo khoa học, có rất nhiều khoảng trống trong thân, rất nhiều khoảng
hư không. Cả nguyên sự hiện hữu của thân thể chúng ta cũng là dựa vào sự
bao la của hư không.
Bữa nọ, tôi đang đọc báo Khoa Học,
và tôi không hiểu DNA hoạt động ra sao, nhưng báo nói về DNA và sự cấu tạo
của nó, nói về thể nhiễm sắc hoặc cái gì đó. Về những thành phần đan chéo
vào nhau để tạo thành một miếng DNA. Bài báo cho biết người ta có thể lấy
mẫu DNA trong thân thể một em bé, và thay vì để các thành phần ấy kết chặt
trong mỗi tế bào, họ trải các xâu DNA ra, nếu DNA của em bé có thể trải ra
kiểu nầy, thì nó sẽ trải dài từ Mặt Trời đến hành tinh Pluto (hành tinh xa
Mặt Trời nhất) gấp mười bảy lần. Tôi không biết rõ là bao nhiêu dặm
(miles), nhưng thật là lạ lùng khi nghĩ đến điều nầy.
Trong thiền đường của chúng ta tượng
Bồ Tát Manjusri tay cầm một cây gậy giống như thế nầy : Bồ Tát không quơ
hay vung gậy, Ngài cầm gậy một cách khéo léo để nó không bị rơi xuống đất.
Dường như Ngài chẳng hề nghĩ gậy ấy là của Ngài. Đặc trưng hơn cả là các
hình tượng của ngài Manjusri, một tay đang vung kiếm khỏi đầu. Đây là
thanh kiếm nổi tiếng thường được nhắc đến trong trường Thiền, thanh kiếm
có thể lấy đi sinh mạng cũng như cứu lấy sinh mạng. Thanh kiếm lấy mạng hoặc
cứu mạng, bởi vì thanh kiếm chặt xuyên qua cái nhìn giới hạn của chúng ta,
giữa ta và người, sống và chết, tốt và xấu. Như tôi đã nói qua, Ngài
Manjusri ở thiền đường Green Gulch của chúng ta thì cầm một thiền trượng với
một đoá hoa nhỏ ở đầu gậy.
Một sự việc khác về Bồ Tát Manjusri,
Bồ Tát là hiện thân của sự thực tập « thấy mọi việc như chúng là » , xa rời
hẳn những khái niệm giới hạn, Ngài thường được diễn tả là một người trẻ
trung. Tuổi 16 là tuổi điển hình của Bồ Tát Manjusri. Ngài được diễn tả
như là một người trẻ tuổi, vì trí tuệ của Ngài. Trí tuệ thấy được tất cả mọi
vật như chúng là, đấy là trí tuệ không phải do đạt được. Đấy không phải là
trí tuệ được kinh nghịêm qua. Thông thường thì khi có tuổi thì trí tuệ được
tăng trưởng, cái nầy cũng tốt, nhưng trí tuệ của Bồ Tát Manjusri không phải
như thế. Trí tuệ của Bồ Tát Manjusri là trí tuệ tựa như mưa rơi : trí tuệ
mát mẻ, và bất ngờ. Nó không phải là kết quả của việc học hành lâu dài hoặc
cố gắng hết sức.
Suzuki-roshi, người đã dựng nên
Trung tâm Thiền San Francisco, ông đã sử dụng một câu đề tựa cho tác phẩm
của ông, và bây giờ câu ấy rất là phổ biến, gọi là trí tuệ của Bồ Tát
Manjusri, trí tuệ của Tâm thức lúc ban đầu. Đó là thấy mọi thứ một cách mới
mẻ, thấy mọi vật trong kích thước hoàn toàn của chúng, với sự kỳ diệu,
không phán đoán, và không thành kiến. Thông thường các trẻ nhỏ có thể thấy
như vậy một cách rất tự nhiên. Chúng có thể thấy phép lạ trong bất cứ trường
hợp nào, thấy sự liên hệ vô cùng, trong mỗi vật, mỗi thứ mà chúng đối diện.
Cũng trong cách nầy mà Bồ Tát Manjusri nhìn thấy mọi sự vật, chỉ là Ngài
Manjusri thì lớn tuổi hơn một chút, vì vậy Ngài có khả năng để hành động với
lòng nhiệt huyết, hăng say và sự chính xác.
Chữ Mansjuri có nghĩa là « cao quý,
lịch sự » . Trí tuệ và tuổi trẻ của Bồ Tát Manjusri đã tạo nên hình tướng
của ngài, và tôi biết rằng Ngài Manjusri cũng đang ngồi ngay chỗ của anh,
cao quý, và lịch sự. Ngài Manjusri biết gốc cao quý của Ngài, ấy là biết
rõ bản chất tự nhiên của thân và tâm, thân và tâm không khác mọi vật,
không có giới hạn, và hoàn toàn trống không. Sự hiểu biết nầy mang lại cho
Bồ tát Manjusri một vẻ nghiêm trang trầm lặng và sức chịu đựng, có khả
năng nhận thấy sự vịêc rõ ràng và sự kham nhẫn của tất cả trạng thái của
tinh thần, kể cả đau khổ, biết rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết,
và không có gì đến hay đi, chẳng lo âu về sanh tử. Nhờ vậy Bồ Tát Manjusri
mang dáng vẻ lịch sự và cuộc sống của Ngài toát lên vẻ quý phái cao sang.
Prajna Paramita (Bát nhã ba-la-mật), khi nói về trí tuệ của Ngài Manjusri,
kinh nói rằng, «Chỉ có trí tuệ mang đến cho chúng ta sự kiên nhẫn ». Đây
là thế giới của chúng ta, đầy đủ mọi vật mặc dù chúng chưa bao giờ được cấu
tạo.
Có một kinh gọi là « Lời tiên tri về
Ngài Manjusri đạt quả vị Phật ». Trong kinh nầy, một người hỏi ngài
Manjusri, « Giác ngộ là gì ? » hoặc « Làm thế nào để đạt giác ngộ ? » Ngài
cho một câu trả lời rất sáng suốt và nhẹ nhàng. Ngài nói, « Tôi không hối
thúc bất cứ chúng sinh nào tiến đến Giác Ngộ, bởi vì chúng sinh đã không
khi nào hiện hữu, và không có bản ngã. Bằng chứng là Giác Ngộ và chúng
sinh đều giống nhau, không khác. Cái không khác nầy chúng ta gọi là Không.
Trong cái Không, chẳng có gì để mà tìm kiếm. »
Vị Manjusri đang ngồi nơi chỗ của
anh, trong vũ trụ song song, ở trên, ở dưới và ở xung quanh anh, Ngài ngồi
với dáng thật đẹp, an lạc, yên ổn trong sự hiểu biết về cái Không. Điều
chúng ta cần làm là bước một bước vào đời sống, hoàn toàn tỉnh thức trong
quá trình trải nghiệm của chúng ta, không khoảng cách, không bám víu,
không suy diễn, không ham muốn, không sửa chữa. Chỉ là bước vào đời với
kinh nghiệm sẵn có, bất cứ là kinh nghiệm gì. Và khi chúng ta làm như vậy,
Bồ Tát Manjusri có thể xuất hiện để tiếp xúc với chúng ta, thể hiện sự thực
tập của Ngài một cách hoàn hảo xuyên suốt qua cuộc sống và hoạt động của
chúng ta.
Như vậy, tôi tin rằng trong vài giờ
còn lại của buổi thiền toạ hôm nay, và ngày mai, và trong quãng đời còn lại,
kể cả trong tương lai, chúng ta có thể tuyên thệ, một cách nghiêm trang,
tiếp tục sự thực tập của Bồ Tát Manjusri. Thật vậy, tôi nghĩ thiền tập làm
cho đời sống của chúng ta có giá trị hơn. Nó làm cho cuộc sống của chúng
ta tốt đẹp, và lợi ích.
Tất cả chúng ta chỉ cần - rất đơn giản
– là ngồi thẳng, hoàn toàn tỉnh thức trong tư thế nầy và hít thở, cố gắng
theo dõi mỗi hơi thở ra vào, để ý mỗi ý nghĩ và cảm giác một cách rõ ràng
mỗi khi chúng xuất hiện, và rồi từ tốn quay về với tư thế và hơi thở.
Chỉ cần thực tập như vậy thôi. Rất
là đơn giản : bất cứ cái gì xuất hiện trong lúc thực tập, bất cứ gì xảy
ra, đều tốt. Bất cứ cái gì, đó chỉ là một chặn trên con đường của chúng ta
đi, và trong mỗi giây phút, bất kể giây phút ấy mang đến việc gì, biết đâu
đó là một cơ hội vô tận.
Colin MacDonald ghi chép lại vào
ngày 08 tháng 10, năm 2000.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/thay_moivat.htm