Nguyên tác: DR. Rajendra Prasad
Giới
thiệu tác giả:
DR.Rajendra prasad (1884-1963), là một học giả và chính trị gia Ấn Ðố
nổi tiếng. Tiến sĩ Prasad đã tham gia rất sớm phong trào tranh đấu chống
thực dân Anh để giành độc lập tự do cho xứ sở. Sau ngày Anh quốc trao trả
độc lập cho Ấn Ðộ vào năm 1947, hai lần ông được bầu làm chủ tịch Quốc
Hội. Năm 1947-1949, ông giữ chức Chủ Tịch Hội Ðồng Lập Hiến, và được bầu
làm Tổng Thống Ấn Ðộ đầu tiên từ năm 1952-1962. Ông mất năm 1963 .
(Chú thích của người dịch)
Trải qua hơn 25 thế kỷ, giáo lý đức Phật và bức thông điệp
của Ngài gửi cho nhân loại vẫn còn vững chắc tồn tại với thời gian. Trong
những sự nghiệp vĩ đại được xem như vĩnh cửu và bất biến, ta phải kể trước
nhất là giáo pháp của đức Phật. Bức thông điệp hòa bình và từ bi của Ngài
hiện nay vẫn còn sức thu hút chúng ta, mặc dù thế giới đã trải qua nhiêu
thế kỷ biến đổi xã hội và lịch sử. Giáo pháp của đức Phật bao hàm những
triết thuyết mà chúng đã bồi đắp khá nhiều cho nền tư tưởng hiện đại. Ðức
Phật là một nhà trí tuệ, và chân lý được Ngài xem như điều tối thượng,
đúng như người ta đã gọi Phật Giáo là tôn giáo của lý trí.
Ngài dạy mọi người hãy tự thanh tịnh hóa bản thân trong ánh sáng trí tuệ
của chính mình. Ðể đạt mục đích cao cả này, đức Phật đã dạy chúng ta Bát
Chánh Ðạo, bao gồm tám nguyên tắc sống chân chính, được thể hiện qua năm
giới cấm, đặc biệt là không sát sanh, không trộm cấp, không vọng ngữ,
không tà hạnh và không uống rượu. Theo đức Phật, người nào giữ gìn không
phạm năm giới điều vừa kể, và luôn hành động sáng suốt theo lý trí, họ có
thể chứng quả Niết Bàn. Thật vậy, những phương pháp sống này có một giá
trị quốc tế và không một xã hội văn minh tại bất cứ quốc gia nào trên thế
giới có thể đưa ra những lời chỉ trích hoặc phản đối lại chúng.
Ðặc điểm khác của giáo lý đức Phật là bất cứ điều gì Ngài dạy đều xuất
phát từ kinh nghiệm bản than; và đã được Ngài chứng minh bằng hành động
thực tế. Cho nên thực hành là đặc tính của Phật Giáo. Ðức Phật chỉ cho
chúng ta con đường dẩn đến Niết bàn, nhưng cùng lúc Ngài dạy rằng, mỗi cá
nhân phải cố gắng tu tập để đạt đến mục đích ấy. Nói khác, đức Phật chỉ là
bậc Thầy hướng dẫn, và hành động đi theo hay không là tùy thuộc ở mỗi
chúng ta.
Ngài cũng bảo rằng mọi người phải tự thắp lên ngọn đuốc của chính mình,
và trong đêm trường dày đặc bóng tối, con người phải tìm lấy hướng đi với
sự soi sáng của ngọn đèn lý trí. Ngũ giới và Bát Chánh Ðạo là phương tiện
giúp con người tiến trên con đường ấy. Ðức Phật xem con người là tiêu điểm
giáo lý của Ngài. Và lý trí chiếm một địa vị quan trọng, bởi đó là đặc
tính căn bản phân biệt con người với những loài chúng sanh khác.
Với gương sáng tu tập của đức Phật Ngài đã trình bày những phương pháp để
con người có thể đạt đến cảnh giới toàn thiện bằng cách hành động theo con
đường từ bi và trí tuệ. Trong những lời Ngài dạy cho các Tỳ Kheo, không
bao giờ Ngài tự nhận mình là nhân vật cao hơn người. Thật vậy, đức Phật đã
tuyệt đối phủ nhận Ngài là nhân vật thần thánh cũng như là thiên sứ. Ðức
Phật dạy chính nhờ ở năng lực thiền định, phát triển trí tuệ mà Ngài đã
giác ngộ. Nói khác, là do ở ý chí kiên trì tu theo Bát Chánh Ðạo của Ngài
vậy.
Nghiệp lực hay hành động cũng được xem như lý thuyết căn bản của Phật
Giáo. Ðức Phật tin vào sự không thể tránh của nghiệp lực, cùng tính bất
biến của luật nhân quả, nhưng Ngài cũng xác nhận rằng con người có thể
hoàn toàn tự do để làm lành và tránh ác, nhờ hành động theo lý trí và Bát
Chánh Ðạo. Theo đức Phật, cuộc sống không chỉ bắt đầu bằng sự sanh và kết
thúc bởi sự chết. Mà mọi chúng sanh đều phải trải qua vô lượng kiếp sống,
và dòng sinh tử luân hồi này chỉ chấm dứt khi nào chúng ta đã hoàn toàn
giác ngộ.
Hành động thiện ác, xấu tốt luôn luôn là vấn đề quan tâm của nhân loại.
Con người cần biết điều xấu để tránh, cũng như điều tốt để theo. Sau khi
trình bày giáo lý Bát Chánh Ðạo, đức Phật đã khuyên nhân loại nên thực
hành theo chúng, với mục đích đạt đến giác ngộ và giải thoát, chứ không
phải mong được sanh lên các cõi trời sung sướng sau khi chết. Nếu đức Phật
dạy rằng cuộc sống là khổ đau, thì cùng lúc Ngài cũng chỉ bày cho chúng ta
phương pháp diệt trừ sự đau khổ đó. Một cách tổng quát, chúng ta thấy rằng
giáo lý đức Phật bao gồm những đức tính căn bản như từ bi, hỷ xả, bất bạo
động và hoà bình.
Tôi nghĩ, chính nhờ những nguyên tắc xử thế tốt đẹp này mà Phật Giáo xưa
kia, đã từng được bành trướng mạnh mẽ và nhiều quốc gia ham chuộng. Vô số
người nam nữ đã tìm thấy sự an lạc và hạnh phúc chân thật nhờ biết hành
động theo Phật Giáo. Những lời dạy và phương pháp sống theo Phật Giáo này,
đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền tư tưởng Ấn Ðộ. Ngày nay, chúng ta thấy các
truyền thống tập quán đó đã góp phần to lớn vào gia tài văn hóa của đất
nước chúng ta.
Lịch sử Ấn Ðộ đã lưu lại qua giáo lý đức Phật nhiều công trình vĩ đại
trong mọi lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, triết học, văn chương và tổ chức
xã hội. Lý tưởng của Ngài đã giúp cho dân tộc quốc gia này thực hiện được
nhiều nỗ lực xây dựng lớn lao. Biết bao nhiêu kinh điển Phật Giáo chép
bằng cổ ngữ Pali và Sanskrit (Phạn) tồn tại đến ngày nay thực sự đã góp
một phần lớn vào gia tài văn hóa của chúng ta. Không những thế, kho tàng
kinh điển này cũng đã tô bồi phong phú cho sự phát triển văn hóa của nhiều
quốc gia Á Châu khác. Lịch sử chúng ta đã từng trải qua một thời đại hoàng
kim với sự xuất hiện của nhiều trường đại học danh tiếng như Takshashila
(1) Vikramasila (2) Nalanda (3) v.v…..được xem như là trung tâm nghiên cứu
nền triết học và văn chương Á Châu.
Những quốc gia như Trung Hoa, Ðại Hàn, Tây Tạng, Hồi Quốc, Mông Cổ, Mã
Lai, Nam Dương, Miến Ðiện xưa kia đều có liên hệ tinh thần chặt chẽ với
các Ðại Học trên. Hiện nay, tại các quốc gia này đang còn lưu lại hàng
nghìn pho kinh điển Phật Giáo chép bằng quốc ngữ của họ, trong khi tại Ấn
Ðộ những bản kinh chính đó lại không còn. Suốt trong tám thế kỷ từ thời
đại vua A Dục (4) đến triều đại Guptas (5) Phật Giáo đã trở nên nguồn sáng
tạo chính yếu cho mọi ngành mỹ thuật của chúng ta.
Nghệ thuật Phật Giáo cũng đã gây ảnh hưởng sâu xa cho nhiều khuynh hướng
nghệ thuật và văn hóa tại các quốc gia Á Châu như A Phú Hản, Ðông Á, Trung
Á, Trung Hoa và Tích Lan v. v…..Ngày nay, sự phát triển nghệ thuật của Ấn
Ðộ đang còn chịu ảnh hưởng nhiểu bởi nghệ thuật Ajanta (6) của Phật Giáo.
Giáo pháp của đức Phật, những trào lưu tư tưởng phát triển bởi Phật Giáo
trong mọi lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn chương, theo thời gian qua, đã
chiếm một phần lớn trong đời sống, tập quán và văn hóa của Ấn Ðộ. Không
riêng Ấn Ðộ mà toàn thế giới ngày nay đang khẩn thiết cần đến bức thông
điệp hòa bình, tiến bộ và xây dựng của đức Phật.
Lòng tham theo đức Phật dạy là nguyên nhân chính của mọi khổ đau. Ngài tin
rằng một khi con người biết xã bỏ tất cả những dục vọng, lúc ấy sự khổ tự
nhiên sẽ chấm dứt. Ðời sống và lòng từ bi xót thương mọi chúng sanh của
đức Phật sẽ vĩnh cửu tồn tại như một lý tưởng siêu việt trên thế giới.
Ngài dạy rằng bạo tàn không bao giờ có thể chấm dứt bằng tàn bạo, mà chỉ
có tình thương và sự thông cảm, hiểu biết mới có thể tiêu diệt được nó. A
Dục Vương là người đã biện minh hùng hồn cho sự thật của lý thuyết này.
Bởi cảm nhận sâu xa mọi nỗi khổ đau do nhà vua gây ra trong trận chiến
Kalinga (7) mà Ngài đã cố gắng thực hiện ý nghĩa của chân lý trên. Không
những vua A Dục đã áp dụng nó trong đời sống cá nhân, mà ngài còn lấy lý
tưởng đó làm nền tảng cho đường lối chung của quốc gia đương thời. Nhà vua
đã vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh, và đã tìm thấy một cuộc chiến thắng thực
sự.
Cuộc chiến tranh của chúng ta ngày nay còn khủng khiếp và tàn phá gấp ngàn
lần hơn cuộc chiến Kalinga của vua A Dục thời xưa. Hiện nay con người đang
đứng ở ngã tư đường lịch sử. Bằng vào những khám phá và phát minh khoa
học, con người tự hào nói rằng trong mọi lãnh vực nó thể vượt qua những
giới hạn của thiên nhiên. Con người đã đạt được nhiều tiện nghi vật chất,
nhưng trớ trêu là cùng lúc, cũng chính những khả năng đó, đã khiến con
người tiến gần đến sự hũy diệt hoàn toàn. Do đó mà ngày nay chúng ta thấy
trên thế giới đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh và xung đột.
Không thể dùng bạo lực để chấm dứt bạo lực cũng như không thể dập tắt đám
cháy bằng cách đổ thêm dầu vào lửa. Chỉ khi nào con người biết thực hành
theo những lời Phật dạy trên, chừng đó thế giới mới hết chiến tranh và
nhân loại mới hưởng được hạnh phúc hòa bình. Chắc chắn chúng ta phải chấp
nhận lý tưởng đó, mặc dù chúng ta không thể hoàn toàn hành động đúng theo
nó trong hoàn cảnh hiện hữu của đất nước chúng ta. Với tất cả nhiệt thành,
chúng ta phải cần sống theo những giới điều Phật dạy, lấy chúng làm châm
ngôn chung cho chủ trương quốc gia và quốc tế chúng ta.
Ước vọng duy nhất của chúng ta là mong ngày ấy chóng đến để chúng ta có
thể làm sống lại tinh thần đạo đức cao siêu mà vua A Dục xưa kia đã thể
hiện sau trận chiến thắng Kalinga. Ðể chúng ta có thể tiếp nối được sự
nghiệp vĩ đại ấy, tôi nghĩ bổn phận của các dân tộc yêu chuộng hòa bình
trên thế giới ngày nay là cần phải chấp nhận lý tưởng đó để làm nền tảng
cho chủ trương quốc gia của họ.
Tôi thiết tha hy vọng và nguyện cầu cho những cố gắng của mọi quốc gia
trong việc tán đồng chương trình hủy diệt khí cụ chiến tranh sẽ có kết quả
thực sự. Ðến lúc ấy, chúng ta có thể nói rằng thế giới không thể nào không
chú ý đến bức thông điệp của đức Phật và lý tưởng của vua A Dục mà hiện
thời chúng ta đang nỗ lực theo đuổi là tuyệt đối không dùng bạo lực. Mặc
dù ngày nay lý tưởng này xem khó bề thực hiện, nhưng tôi tin chắc rằng
ngày đó có thể đến, khi mà sự tận diệt đe dọa bởi chiến tranh buộc nhân
loại sẽ phải chấp nhận lý tưởng ấy. Trong thời đại nguyên tử này, con
người phải quyết định dứt khoát rằng nó sẽ chiến đấu với bạo lực bằng bạo
lực hoặc bằng tình thương.
Ðã có một tia sáng hy vọng hiện rõ ở chân trời. Nhiều quốc gia đang hướng
về thực hành theo ngũ giới của đức Phật, và một vài dân tộc đã hoàn toàn
chấp nhận những lời răn dạy ấy. Nhiều lãnh tụ có uy quyền, mặc dù hiện nay
họ chưa dự trù việc hũy diệt toàn bộ các dụng cụ chiến tranh, nhưng ít ra,
họ cũng đã nghĩ đến vấn đề hạn chế bớt việc sản xuất những khí giới giết
người ấy. Phải chăng một ngày mai huy hoàng sẽ hiện đến khi mà các lãnh tụ
trên thực hiện được lý tưởng này, để mọi quốc gia có dịp sử dụng năng lực
và tài nguyên của họ, không phải cho mục đích chiến tranh phá hoại, mà vì
lợi ích của hạnh phúc và hòa bình.
(Trích dịch tạp chí The Maha Bodhi,
Vol. 64. No. 7, ấn hành tại Ấn Ðộ).
Chú thích của người dịch:
(1) Takshashila
hay Taxila; ngày nay thuộc thị trấn
Rawalpindi ở Hồi Quốc (Pakistan).
Xưa kia, Taxila là thủ đô xứ Gandhara (Càng Đà La), một trong 16 tiểu quốc
của miền bắc Ấn Ðộ thời cổ (năm 600 trước Tây Lịch). Vào lúc đó, đại học
Taxila (Takshashila) là một trung tâm giáo dục nổi tiếng khắp Ấn Ðộ, nơi
mọi người từ vua quan đến dân thường, ước mong được đến học. Hầu hết các
nhà học giả của Ấn Ðộ thưở xưa đều xuất thân từ đại học này; trong đó có
cả vua Prasenajit (Ba Tư Nặc), nước Kosala ( Kiều Tát La), đồng thời với
đức Phật ; và hoàng tử Jivaka, con vua Bimbisara (Tần Bà Xa La): 546- 494
trước T.L.
Theo hai giáo sư sử học Ấn Ðộ, V.D.
Mahajan và M.L.Bhagi, thì khó xác định rõ thời kỳ nào đại học Taxila được
xây cất, chỉ biết trong thời hậu đại Phệ Ðà (Later Vedic Period), khoảng
năm 1200-600 trước T.L (theo vài học giả khác: 900-600 trước T.L), là giai
đoạn huy hoàng lừng danh nhứt của đại học này. Và trường đã bị tàn phá
hoàn toàn trước khi Ngài Pháp Hiển (Fa-Hien), danh tăng Trung Hoa, đến
viếng nơi này vào thế kỷ thế thứ 5 sau Tây Lịch.
Chương trình giáo dục tại đại học Taxila,
vào lúc ấy, gồm nhiều môn học, đặc biệt nổi tiếng về y học, luật học, võ
thuật v.v…Trường không tổ chức theo hệ thống đại học như bây giờ, không có
những giảng đường hay phòng học to lớn. Mỗi giáo sư vào lúc dạy, chỉ nhận
hướng dẫn độ 20 sinh viên. Ngoại trừ các học sinh con nhà giàu, còn hầu
hết những sinh viên nghèo, không có tiền trả học phí cho thầy thì họ chỉ
học về đêm, ban ngày phải lo làm việc để hầu hạ các giáo sư. Về quỷ tài
trợ, trường nhận sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm và giàu có đương thời.
(2) Vikramasila:
Ngày nay ở thành phố Patharghata, trong quận Bhagalpur, tiểu bang Bihar,
miền đông Ấn Ðộ, là một trong những đại học Phật Giáo danh tiếng thời xưa
; do vua Phật tử Dharmapala (770-810) triều đại PaLa (750-1150) kiến lập.
Ðại học gồm có khoảng 108 ngôi chùa và sáu học viện với sáu cổng trường to
lớn. Nơi mỗi cổng ra vào được canh gác bởi một nhân viên của trường gọi là
“học giả gác cổng” (Gatekeeper Scholar). Theo sử sách Tây Tạng, viện
trưởng của trường vào những năm 1034-1038 là Ngài Dipankara Srijnana (
980- 1053), một học giả trứ danh người Ấn, được vua Tây Tạng mời sang thăm
để hướng dẫn phong trào phục hưng Phật Giáo và về sau Ngài đã xây dựng
Phật Giáo thành quốc giáo tại sứ này.
Trường có 53 phòng dành làm nơi tu học Mật
Giáo và 54 phòng cho chư Tăng sử dụng công cộng. Ngoài giáo pháp Mật Tông
là bộ môn đại học này đặc biệt giảng truyền, trường còn dạy các môn khác
như văn pháp (grammar), triết học, luận lý học v.v…. Cấp bằng cao nhất
trường cấp phát bấy giờ là văn bằng Pandita (học giả), tương đương với Cao
học (Master of Arts) ngày nay. Phần lớn các học giả Tây Tạng thời đó, đã
sống và tu học tại đại học này. Ngoài việc nghiên cứu kinh tạng Bát Nhã và
Mật Giáo, trường còn giúp họ trong việc phiên dịch nhiều kinh sách Phật
Giáo Phạn ngữ (Sanskrit) ra tiếng Tây Tạng.
(3) Nalanda: Một thị
trấn danh tiếng của vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha) thời xưa ở Ấn Ðộ, nơi
đức Phật thường lui tới khi Ngài còn tại thế ở thành Vương Xá (Rajagriha).
Nalanda ngày nay thuộc quận Patna, tiểu bang Bihar, miền đông Ấn Ðộ. Vào
thế kỷ thứ 02 sau tây lịch, Nalanda là một trung tâm học vấn Phật Giáo, và
từ thế kỷ thứ 05 đến thế kỷ 11 Nalanda trở thành một đại học Phật Giáo nổi
tiếng khắp Ấn Ðộ. Ngài Huyền Trang (Hiuen Tsang), danh tăng Trung Hoa,
trong thời gian đến Ấn Độ từ năm 630- 643, đã ở nghiên cứu, tu học tại đây
hơn 5 năm. Ngài cho biết lúc đó, trường có khoảng 1,500 giáo sư, và số
sinh viên theo học lên tới 10,000 người.
(4) Asoka (A Dục Vương):
Một vị vua Phật tử nhiệt thành, có công đức “hộ pháp” nhiều nhất đối với
nhân loại, trong việc phát huy, bảo vệ chánh pháp của đức Phật. A Dục đại
đế là cháu nội vua Chandragupta (trị vì: 322-298 trước T.L.), người sáng
lập nên triều đại Maurya vào những năm (322-184 trước T.L.) ở Ấn Ðộ. A Dục
là con vua Bindusara và hoàng hậu Subhadrangi, trị vì vương quốc Ma Kiệt
Ðà (Magadha) vào những năm 298-273 trước T.L, với kinh đô đóng tại
Pataliputra (Hoa Thị Thành), nay là thị trấn Patna, thuộc tiểu bang Bihar
miền đông Ấn Ðộ. Sử chép rằng, vua Bindusara lấy 16 vợ và có đến 101 người
con; trong đó Sumana là con đầu, Asoka (A Dục) thứ hai, và Tishya là con
út. Sau khi nghe tin vua cha băng hà, A Dục bấy giờ đang cai trị tiểu quốc
Avanti (miền bắc Ấn Ðộ), cấp tốc kéo quân về vây hảm kinh thành
Pataliputra, giết 99 người anh của mình, trong đó có hoàng tử Sumana là
người mà vua cha Bindusara định truyền ngôi cho.
Bấy giờ, A Dục Vương nổi danh như một hung
thần bạo chúa, cai trị muôn dân bằng sắt máu. Ông dùng vũ lực xua quân đi
xâm lăng các tiểu quốc lân bang để mở mang bờ cỏi. Quân của nhà vua đi tới
đâu, cảnh lương dân bị chém giết, đầy ải; nhà cửa bị đốt cháy xảy ra đến
đó. Sau này, nhờ sự hướng dẫn của Ðại Đức Nigrodha, nhất là sau trận chiến
Kalinga, vua A Dục đã ăn năn sám hối, từ bỏ con đường xâm lược chiến
tranh. Từ đó, nhà vua quyết tâm theo đuổi con đường tích cực ủng hộ,
truyền bá giáo pháp của đức Phật; không những trong nước Ấn Ðộ, và các
quốc gia Á Châu, mà con lan rộng cả đến Ấu và Phi Châu. Vua A Dục lên ngôi
lúc Ngài 30 tuổi, và mất năm 71 tuổi: 273-232 trước T.L.
(5) Guptas:
Triều đại Guptas, do vua Chandra Gupta I sáng lập, trị vì Ấn Ðộ hơn hai
thế kỷ, khoảng từ năm 320 đến 550. Dưới triều đại này, nghệ thuật Phật
Giáo, đặc biệt ngành tạc tượng Phật trên đá, đã tiến đến một trình độ rất
cao. Nhiều chùa, tháp Phật Giáo, tượng Phật bằng đá với nét điêu khắc,
chạm trổ tinh vi nổi tiếng, còn lưu lại đến ngày nay khắp Ấn Ðộ đều được
xây cất, làm ra dưới triều đại Guptas này.
(6 Ajanta):
Tên một ngọn đồi hình móng ngựa (horseshoe form), ở gần làng Fardapur,
trong quận Aurangabad, thuộc tiểu bang Maharashtra, miền tây Ấn Ðộ. Trên
sườn ngọn đồi này, trong khoảng từ thế kỷ thứ 02 trước T.L đến thế kỷ thứ
07 sau T.L, những người Ấn thời xưa đã đục trong đá thành những cái hang
(caves) tạo nên các ngôi chùa Phật Giáo với nghệ thuật kiến trúc, chạm trổ
rất đẹp. Trong các chùa hang đá này, những họa sĩ Phật tử vô danh Ấn Ðộ
thời cổ đã sáng tác nên những bích họa (tranh vẽ trên tường), rút đề tài ở
lịch sử đức Phật, có tất cả là 29 hang. Những hang này do một nhóm người
Âu Châu đi săn tình cờ khám phá ra vào năm 1829, và hiện nay vẫn còn, và
là một trung tâm du lịch nổi tiếng tại Ấn Ðộ.
(7) Kalinga: Một tiểu
quốc và bộ tộc ở vùng biển vịnh Bengal (Bay
of Benga) vào thời vua A Dục (273-
232 trước T.L). Ngày nay, Kalinga thuộc làng Dhauli, trong quận Puri, tiểu
bang Orissa, miền đông Ấn Ðộ. Sử chép rằng, sau cuộc chiến xâm lăng
Kalinga, với 100,000 người chết, và 150,000 tù binh bị bắt đầy ải, vua A
Dục (Asoka) nhất tâm quy y Tam Bảo, ngày đêm sám hối những tội ác của mình
đã gây ra cho dân tộc Kalinga; và phát nguyện đem hết năng lực còn lại của
đời mình để phụng sự Phật Giáo và nhân loại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 2500 Years of Buddhism, Editor: Prof.
P.V. Bapat, Publications Division, Government of India,
Delhi,
1964.
2. Encycloaedia of Buddhism, Vol. II,
Edited by Dr. G. P.Malalasekera, Government of Ceylon (Sri Lanka),
Colombo, 1967.
3. A Guide to Taxila by John Marshall,
Indological Book House, Varanasi
(India), 1972.
4. The Buddhist Pilgrimage by Duncan
Forbes, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi (India) 1999.
5. Ancient Geogeaphy of India (Buddhist
Period), by A. Cunningham, Indological Book House, Delhi (India), 1979.
6. History of Buddhism in India by
Taranatha (Translated from the Tibetan by Lama Chimpa, K.P.Bagchi &
Company, Calcutta (India) 1980).
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/thongdiep_tinhthuong.htm