- TỨ ĐẾ
(tiếp theo)
4. Hành uẩn (Skt: vijñāna-skandha,
Pāli: samkhàrakkhandha). Uẩn thứ tư là chỉ cho những sự tạo tác của
tâm thức hay các hoạt động của ý chí, gồm xấu hay tốt. Những tác
nhân do tâm ý tạo ra thuộc nội tâm thì thường được gọi là nghiệp,
chúng thuộc vào uẩn nầy. Như chính đức Phật đã định nghĩa về nghiệp
như sau: "Hỡi các Tỳ Kheo, chính ý muốn ta gọi là nghiệp. Khi đã
muốn, thì người ta liền thực hành bằng thân, miệng, ý. Ý muốn là sự
tạo tác bằng tâm ý, hoạt động tâm linh. Công việc của nó là dắt dẫn
tâm ý trong phạm vi những hoạt động xấu, tốt hoặc không xấu không tốt"
(trang 19, sđd). Cũng như cảm giác (thọ) hay tri giác (tưởng), hành cũng
gồm sáu loại, tương quan với lục căn (sáu quan năng nội giới) và sáu cảnh
(6 đối tượng ngoại giới tương ứng) cho cả vật lý và tâm lý. Ở đây,
cảm giác và tri giác không phải là những hoạt động ý chí, vì chúng
không phát sinh những nghiệp quả, chỉ có những hoạt động do ý chí mới
phát sinh nghiệp quả. Có tất cả 52 tâm sở (những hoạt động tâm ý) như
thế, tạo nên hành uẩn.
Hành uẩn ở đây được quan niệm
như là những hoạt động của ý chí vậy. Cũng như cảm giác, tri giác, ý
chí có được về thế giới vật chất, chúng ta có thể nhận biết qua những
trung gian bằng mắt ... bằng xúc chạm đối với thế giới bên ngoài,
không những chỉ có tác ý thôi mà còn cộng thêm vào phân biệt nữa và
còn mang những tri giác đó trở thành đối tượng của tâm thức qua ký
ức nữa như thọ uẩn, tưởng uẩn. Nhưng ở đây, ý chí khác với cảm
giác và tri giác ở chỗ: cảm giác và tri giác không phát sinh ra những nghiệp
quả, còn hoạt động của ý chí phát sinh ra nghiệp quả. Và những ý chí
này theo đức Phật dạy trong kinh Tạp A-hàm q. 1, Đ. 1, phẩm 1, Tương
ưng I, Ngũ uẩn. Từ kinh 1 đến kinh 7, đức Phật dạy các Tỳ-kheo là
hãy quán sát và tư duy chân chánh về ý chí (hành uẩn) một cách rõ ràng
là vô thường. Tỳ-kheo nào đối với ý chí không biết, không rõ, không
đoạn tận, không ly dục thì không thể đoạn trừ khổ não; tâm không giải
thoát, thì không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết. Tỳ-kheo
nào đối với ý chí mà yêu thích, thì đối với khổ cũng yêu thích. Tỳ-kheo
nào đối với ý chí, không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không
giải thoát thì sẽ không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh,
chết. Tỳ-kheo nào yêu thích ý chí, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích
khổ thì đối với khổ không được giải thoát. Và cũng trong kinh Tạp
A-hàm q.1, Đ.1, phẩm 2, Tương Ưng I, phần Ngũ uẩn, từ kinh 8 – 12, đức
Phật cũng dạy các Tỳ-kheo, ý chí quá khứ, vị lai là vô thường huống
chi là ý chí hiện tại. Ý chí là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ
tức là chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu
của ta. Tỳ-kheo nào quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán. Hay ý
chí là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức là chẳng phải ta.
Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta. Tỳ-kheo nào
quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán. Hoặc ý chí là vô thường.
Nhân và duyên sanh ra các ý chí, chúng cũng vô thường. Vậy, các ý chí
được sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường
được? Hay ý chí là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các ý chí chúng cũng
vô thường. Vậy, các ý chí được sanh từ nhân và duyên vô thường, làm
sao có thể là thường được? Đó chính là những lời dạy của đức Phật
cho các Tỳ-kheo về hành uẩn, qua đây hành uẩn chính là những ý chí. Ý
chí này chính là ý muốn, là sự tạo tác bằng tâm ý, nói chung đó là hoạt
động tâm linh. Công việc của nó là dắt dẫn tâm ý trong phạm vi những
hoạt động xấu, tốt hoặc không xấu không tốt. Những ý chí tạo ra
nghiệp này chúng cũng mang tính chất vô thường, khổ, vô ngã. Chúng phải
được chúng ta quan sát và tư duy một cách chân chánh về chúng như vậy,
và sau khi chúng ta quan sát tư duy chân chánh như vậy rồi thì buộc chúng
ta phải xa lìa chúng, vì bản thân chúng chính là vô thường, khổ, vô
ngã, không có sở hữu. Chúng chính là khổ trói buộc, nên chúng ta muốn
giải thoát khổ trói buộc thì phải xa lìa chúng. Xa lìa chúng chính là xa
lìa sinh-già-bệnh-chết trong quá khứ hiện tại và tương lai.
5. Thức uẩn (Skt: vijñāna-skandha,
Pāli: vinnànakhandha). Uẩn thứ năm là thức, là một phản ứng có căn bản,
phát xuất từ sự phối hợp giữa sáu căn và sáu cảnh để có được sáu
thức, là một trong sáu giác quan, và đối tượng tương ứng của một
trong sáu giác quan là một trong sáu hiện tượng ngoại giới. Chẳng hạn,
nhãn thức có được nhờ con mắt tiếp xúc với một hình sắc thấy được
làm đối tượng... và cho đến ý thức có được là nhờ có tâm ý làm căn
bản, một sự vật thuộc tâm giới, như một ý niệm hay tư tưởng (pháp),
làm đối tượng, để phát sinh ra sáu thức. Như vậy, thức liên quan với
những quan năng khác và cũng như thọ, tưởng, hành, thức gồm sáu loại tương
quan với sáu căn và sáu cảnh.
Như vậy rõ ràng thức không nhận
ra một đối tượng là gì chỉ vì thức ở đây chưa qua tác ý, chỉ là một
thứ rõ biết về sự hiện diện của một đối tượng mà thôi. Như khi mắt
xúc tiếp với một màu xanh chẳng hạn, nhãn thức liền phát sinh, nhưng chỉ
là một sự ý thức về sự hiện diện của màu sắc, chứ không nhận ra
đấy là màu xanh. Ở đoạn này chỉ xuất hiện có thấy đối tượng như
là chính nó, chứ chưa qua tác ý nhận thức là gì, tức là không có sự
nhận thức. Chỉ khi nào có sự can thiệp của tri giác mới nhận ra rằng
đấy là màu xanh. Vậy "nhãn thức" là một từ ngữ triết học
ám chỉ cùng một ý như chữ thấy, nghe, ngửi mùi, nếm vị, xúc chạm,
ý, thông thường. Thấy không có nghĩa nhận biết. Các loại khác của thức
(nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức) cũng vậy. Như đức Phật
đã dạy cho một vị đệ tử tên là Sāti (What the Buddha Taught, by Ven.
Walpola Rahula (1959, 1974) Thích nữ Trí Hải dịch Saigon 1966 - trang 20): "Thức
được gọi tên tùy theo bất cứ điều kiện đối tượng nào nhờ đấy
nó phát khởi: nhờ con mắt và những hình dáng mà một thức phát sinh, và
nó được gọi là nhãn thức; nhờ tai và âm thanh mà một thức phát sinh
và nó được gọi là nhĩ thức; nhờ mũi và mùi mà một thức phát sinh
và nó được gọi là tỷ thức; nhờ lưỡi và vị mà một thức phát sinh
và nó được gọi là thiệt thức; nhờ thân thể và những sự vật sờ
mó được mà một thức phát sinh và nó được gọi là thân thức; nhờ
tâm ý và những đối tượng tâm giới (tư tưởng hoặc ý nghĩ) mà một
thức phát sinh, và nó được gọi là ý thức." Và những thức này
theo đức Phật dạy trong Kinh Tạp A-hàm q. 1, Đ. 1, phẩm 1, Tương Ưng I,
Ngũ uẩn. Từ kinh 1 đến kinh 7, đức Phật dạy các Tỳ-kheo là hãy
quán sát và tư duy chân chánh về thức (thức uẩn) một cách rõ ràng là
vô thường. Tỳ-kheo nào đối với ý chí không biết, không rõ, không đoạn
tận, không ly dục thì không thể đoạn trừ khổ não; tâm không giải
thoát, thì không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết. Tỳ-kheo
nào đối ý chí mà yêu thích, thì đối với khổ cũng yêu thích. Tỳ-kheo
nào đối với thức, không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không
giải thoát thì sẽ không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh,
chết. Tỳ-kheo nào yêu thích thức, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ
thì đối với khổ không được giải thoát. Và cũng trong Kinh Tạp A-hàm
q.1, Đ.1, phẩm 2, TươngƯng I, phần Ngũ uẩn, từ kinh 8 – 12, đức Phật
cũng dạy các Tỳ-kheo, thức quá khứ, vị lai là vô thường huống chi là
thức hiện tại. Thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức
là chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của
ta. Tỳ-kheo nào quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán. Hay thức
là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức là chẳng phải ta. Cái
gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta. Tỳ-kheo nào quán
sát như vậy gọi là chân thật chánh quán. Hoặc thức là vô thường. Nhân
và duyên sanh ra các thức, chúng cũng vô thường. Vậy, các thức được
sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
Hay thức là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các thức chúng cũng vô thường.
Vậy, các thức được sanh từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể
là thường được? Đó chính là những lời dạy của đức Phật cho các Tỳ-kheo
về thức uẩn, qua đây thức uẩn chính là những ý thức. Ý thức này
chúng cũng mang tính chất vô thường, khổ, vô ngã. Chúng phải được chúng
ta quan sát và tư duy một cách chân chánh về chúng như vậy, và sau khi
chúng ta quan sát tư duy chân chánh như vậy rồi thì buộc chúng ta phải xa
lìa chúng, vì bản thân chúng chính là vô thường, khổ, vô ngã, không có
sở hữu. Chúng chính là khổ trói buộc, nên chúng ta muốn giải thoát khổ
trói buộc thì phải xa lìa chúng. Xa lìa chúng chính là xa lìa sinh-già-bệnh-chết
trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Qua ngũ uẩn như chúng tôi trình
bày ở trên, cho thấy cái mà ta gọi là một "linh hồn" hay
"cá thể" hay "tôi", chúng cũng chỉ là một cái tên gọi,
một nhãn hiệu chúng ta đặt cho một sự tích hợp của năm uẩn đó, để
phân biệt với cái khác cùng lúc hiện hữu với nó. Nhưng nếu năm tích hợp
này đứng độc lập thì cái mà chúng ta gọi là linh hồn, bản thể, cá
thể, hay cái tôi chúng sẽ không hiện hữu. Như vậy sự hiện hữu có
được của nó là một hiện hữu giả tạm trên mặt tích hợp, do nhân
duyên hòa hợp nương vào nhau mà sinh khởi và biến dịch theo luật vô thường.
Tất cả chúng đều vô thường, tất cả đều hằng biến. "Bất cứ
cái gì vô thường đều là khổ". Đó là ý nghĩa chân chính của lời
Phật dạy: "Tóm lại, Ngũ uẩn trói buộc là khổ" (trang 421,
sđd).
Tóm lại, về ý nghĩa của đế thứ
nhất khổ, là chúng ta phải hiểu sự thật thứ nhất này một cách rõ
ràng và chính xác, bởi vì như đức Phật dạy: "Người nào thấy
rõ được khổ cũng thấy luôn nguyên nhân của khổ, cũng thấy luôn sự
diệt khổ và cũng thấy luôn con đường đưa đến sự diệt khổ"
(Trang 21 sđd). Vậy thì khổ theo như đức Phật đã dạy ở trên thì điều
này không làm cho Phật tử chúng ta buồn rầu phiền muộn, để rồi đưa
đến bi quan yếm thế như một vài người lầm tưởng. Mà ngược lại, Phật
tử chân chính chúng ta sẽ là những người hạnh phúc nhất trần gian. Bởi
vì chúng ta sẽ không phải chịu khổ đời đời, kiếp kiếp nữa, nếu chúng
ta thấy được khổ của chính chúng ta, để từ đó chúng ta thấy luôn
nguyên nhân của khổ; thấy được sự diệt khổ, sẽ được thực hiện
qua việc chúng ta thấy rõ con đường đưa đến sự diệt khổ và theo đó
chúng ta thực hành thì khổ đối với chúng ta không còn là gì nữa. Đối
với nó, chúng ta không sợ hãi lo lắng và dao động nữa. Chúng ta sẽ có
một cuộc sống an bình thanh thoát và sẽ không bị bất cứ tai nạn hay biến
chuyển nào làm cho chúng ta điêu đứng đảo điên, vì chúng ta đã thấy mọi
sự vật đúng như thật. Mặc dù cuộc sống chúng ta có bất hạnh khổ
đau, nhưng một Phật tử chúng ta không nên thất vọng và buồn đau vì
nó, và cũng không nên oán hận hay thiếu kiên nhẫn vì nó. Theo đức Phật,
oán hận hay thù ghét là một trong những điều xấu xa nhất ở đời. Vì
nó là tiền đề đưa chúng ta đến những hành động gây bất hạnh và
đau khổ cho chính chúng ta và chúng sanh khác. Nếu chúng ta có thái độ thiếu
kiên nhẫn trước khổ đau là một thái độ sai lầm. Sự thiếu kiên nhẫn
hay oán hận trước khổ đau không làm cho đau khổ biến mất. Mà ngược lại
sẽ tăng thêm rối ren và làm mọi việc trở nên trầm trọng trước một
hoàn cảnh vốn đã khó chịu đối với chúng ta. Điều quan trọng ở đây
không phải là oán hận hay thiếu kiên nhẫn, mà chúng ta phải thấu đạt
rõ ràng vấn đề khổ đau, nó đã được phát sinh thế nào, làm sao chúng
ta xua đuổi nó ra khỏi cuộc sống, và tùy đó mà hành động theo tám phương
cách chân chánh (bát chánh đạo) như chính đức Phật đã dạy, với ý
chí kiên nhẫn, có nghị lực, sáng suốt và quả quyết. Cứu cánh cuối
cùng của Phật giáo là an vui, tự tại. Theo đức Phật muốn đạt được
an vui tự tại thì phải giải thoát tất cả mọi thái độ tư tưởng buồn
đau, phiền muộn, u ám và chúng ta xem đó là một trở ngại cho việc thực
hiện chân lý đạt Niết-bàn, chúng ta cần phải loại trừ chúng.
(Còn tiếp)
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] . Đại thừa và sự liên hệ với
Tiểu thừa, HT. Thích Minh Châu dịch, tr. 327.
[2] . Đ.1, Trung A hàm 7, tr.
0462a-0462b.
[3] . Đại tỳ-bà-sa luận 77[3], tr
. 0397a-0397b-0397c .
[4] . Đại tỳ-bà-sa luận 77[4], tr
. 0397a-0397b-0397c
[5] . Câu xá luận 22[5], Đ.29, tr.
0113c-0114a.
[6] . Đại tỳ-bà-sa luận 78, Đ.
27, tr . 0401c.
[7] . kinh A hàm 15[7], Đ. 01, tr.
[8] . Câu xá luận 24, Đ. 29, tr.
0128c.
[9] . Câu xá luận, Đại 29, tr.
119b.
[10] . Hiển dương Thánh giáo luận
7, Phật quang Đại từ điển. 2, Tr. 1842a.
[11] . Đại bát Niết-bàn 7, Đ. 12
Tr. 0647a-0647c.
[12] . Thắng Man bảo khốt của Cát
Tạng quyển hạ, Phật quang Đại từ điển. 2, Tr. 1842a.
[13] . Thắng Man giảng luận, TT. Tuệ
Sỹ, tr.283-284-285.
[14] . Thắng Man giảng luận, TT. Tuệ
Sỹ, tr. 134.
[15] . kinh Niết-bàn 5. phẩm Đức
vương, Đ. 12, tr.
[16] . Nhân duyên sở sinh pháp… Đ.
30, Trung luận, phẩm Tứ đế, tr. 33)
[17] . Đại thừa và sự liên hệ
Tiểu thừa, HT. Thích Minh Châu dịch, tr. 363.
[18] . Đ. 30, Trung luận, q 4, phẩm
quán Tứ đế 24, Ārya-satya-parīkṣā, tr. 32.
[19] . Đại thừa và sự liên hệ
Tiểu thừa, HT. Thích Minh Châu dịch, tr. 340-341.
[20] . Đ. 30, Trung luận, q 4, phẩm
quán Tứ đế 24, Ārya-satya-parīkṣā, tr. 33.
[21] . Đ. 30, Trung luận, q 4, phẩm
quán Tứ đế 24, Ārya-satya-parīkṣā, tr. 33.
[22] . A-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề
là phiên âm từ Anuttarasamyuak-Sambodhi tiếng Sanskrit, là chỉ trí tuệ giác
ngộ viên mãn bình đẳng của đức Phật; còn gọi là vô thượng chánh biến
tri, hay vô thượng chánh đẳng chánh giác.
[23] . Đ. 30, Trung luận, q 4, phẩm quán Tứ đế
24, Ārya-satya-parīkā, tr. 34
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/tude1.htm