Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ THƯỜNG

 

CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG
A.- NGHĨA VÔ THƯỜNG:

Vô thường là không thường, không thường còn, không thường có, không thường tồn tại.

- Dù có cái này cái kia... có đủ thứ, nhưng không thứ nào còn hoài còn mãi, có hoài có luôn luôn. Cái nào rồi cũng mất, cũng hư hoại, đó gọi là Vô thường.

Trong cuộc sống này các pháp đều vô thường (các pháp đây có nghĩa là muôn sự muôn vật)

- Phải thấy thật rõ các pháp là vô thường. Thấy thật rõ hay rõ là chính mình chứng thật, chứ không phải chỉ hiểu qua theo lời đức Phật dạy hay Thầy nói. Phải là chính mình chứng thật mới được. Phải chứng bằng mắt, bằng tai. bằng mũi, bằng lưỡi, bằng thân và bằng tâm ý. Phải chứng ngay trên các pháp đang có và đang diễn ra.

- Có thấy như vậy mới có sức mạnh mà không bị động khi cơn vô thường đang diễn ra. Nhờ có sức mạnh mà tỉnh táo để nhìn nó diễn trò, không còn bị ảnh hưởng gì về nó nữa. Có thấy được các pháp vô thường mới nhẹ đi sự dính mắc, và dễ dàng xả bỏ những cái, những thứ mà mình có. Có vậy việc đến với đạo mới đắc lực. Muốn được vậy cũng phải đòi hỏi có công phu tu tập. Sự tu tập này chính là phương pháp quán. Phải quán sát các pháp là vô thường. Quán tức là xét xem một cách kỹ càng. Xem tới xem lui, xem lui xem tới, xem xét đến khi nào mà mình thốt lên:

À!... thì ra... là như vậy.

Ngay đó, chính là mình đã xác thật 100%, không còn lờ mờ nữa. Gọi rằng mình đã chứng. Lúc này mhắm mắt, mở mắt gì cũng rõ mồn một việc này. Mình đã chứng lý vô thường: Pháp vô thường là chân lý.

Để chứng minh pháp vô thường là chân lý, cần phải xét qua các mặt: Cảnh sắc, thân, tâm ý.

I.- VÔ THƯỜNG TRÊN CẢNH SẮC:

Cảnh sắc là chỉ chung cho cảnh giới muôn hình thù, muôn hoàn cảnh, muôn sự kiện có trong cuộc sống. Chính cảnh sắc đang vô thường. Để dễ dàng thấy sự vô thường trên cảnh sắc nên nhìn qua các hình thái chi tiết.

a. Trái đất vô thường: Trái đất ngày xưa bị coi là vô thường thì thiệt là khó tin khó hiểu. Nhưng ngày nay nhờ vào những phát hiện của khoa học cho thấy trái đất này vô thường một cách dễ dàng.

Trước hết sự hình thành của trái đất không tự nhiên mà có. Nó phải do sự chuyển động của vũ trụ sao đó mới thành ra có. Điều này các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giả thuyết, nay cũng còn đang nghiên cứu.

Và khi trái đất đang có đây, nó lại không đứng yên mà lại quay. Vì quay quanh mặt trời nên có tối và sáng. Theo vòng quay, mặt nào đang hướng về mặt trời thì sáng, mặt nào không được chiếu sáng thì tối. Việc này như trái banh đang quay trước một ngọn đèn. (Trái đất tròn như quả trứng nên gọi là quả đất, trái đất).

Trái đất đang quay, có tối có sáng thì đây là vô thường (sinh hoạt của trái đất thay đổi không đứng yên).

Vả lại, trên trái đất có các hiện tượng: động đất, sụp đất, lỡ núi, núi lửa phun, nổi cù lao, nổi đảo, đảo lặn... cho đến những đường nhăn nứt trên trái đất. Đó là những hiện tượng thiên nhiên của riêng trái đất, tự gây sự hư hoại, bất bình thường. Như vậy là vô thường.

Lại thêm sự tàn phá của con người, khai thác mỏ, khoan giếng dầu, nổ bom đạn v.v... Những việc này cũng làm cho trái đất bị vô thường.

Rồi còn sự vô thường cho trái đất được đem từ ngoài hành tinh vào. Đó là những thiên thạch, những khối đá khổng lồ của những hành tinh khác vỡ rơi trong không gian lọt vào khí quyển của địa cầu, rơi trên mặt đất. Có khối rơi sập cả một khu rừng, hay tạo thành một hố rộng trên bề mặt trái đất.

Các nhà khoa học còn kinh hãi hơn khi một sao chổi nào đó bay lạc trong không gian mà nếu đuôi nó quét trúng trái đất này thì sẽ như cây chổi tre quét trứng gà. Nếu nhẹ thì bị sứt mẻ, nếu mạnh thì sẽ bị tan vỡ.

Hiện tượng sao chổi quét nhằm hành tinh trong không gian, ngày nay các nhà khoa học cho biết xảy ra rất thường trong vũ trụ.

Như vậy để thấy rõ trái đất xưa kia con người tưởng là đứng yên, tưởng là thường, cho là an toàn nhất... thì nay được thấy rõ nó rất là bấp bênh, không bền chắc, chẳng an toàn gì, vì nó vốn bị vô thường đang diễn ra trên nó.

Và theo kinh sách nhà Phật cho biết trái đất nầy sẽ bị tam tai: phong tai, thủy tai, hỏa tai. Những tai ách này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho trái đất.

Như vậy trái đất vô thường.

Chẳng những trái đất vô thường thôi, mà cả vũ trụ này cũng vô thường. Ban đêm nhìn lên trời sẽ thấy những vì sao đổi ngôi. Sao đổi ngôi đó chính là những thiên thạch đang di chuyển.

Thế thì cả trời đất đều vô thường. Nhưng chuyện trời xa xôi mênh mông quá ta không bàn, chỉ nói việc dưới đất thôi.

Vậy ta có thể kết luận vô thường là chân lý được không?

Cả trái đất mà còn vô thường, thì những gì ở trên nó cũng phải vô thường theo. Đất đai, sông núi, cây cỏ, gió, lửa. nước... những thứ gọi là thiên nhiên trên trái đất cũng phải chịu vô thường.

Vậy thiên nhiên là vô thường, rồi loài động vật sống trên trái đất này thì sao? Từ con người, thú, chim, cá cho đến vi trùng, tất cả cũng phải chịu vô thường. Nên động vật trên trái đất này vô thường. Cho đến sản vật của con người tạo ra như nhà cửa, đền đài, xe cộ, ghe thuyền, máy móc, máy bay, phi thuyền, bao nhiêu thứ đồ dùng v.v... cũng phải chịu vô thường. Vậy của cải vật chất của con người cũng vô thường.

Tất cả những việc trên cho thấy rõ, vô thường là sự thật 100%.

Vô thường là chân lý trên trái đất.

b.- Hoàn cảnh và sự kiện vô thường: Con người sống trên trái đất, đã cùng trái đất tạo nên những hoàn cảnh, những sự kiện (Hoàn cảnh là cảnh sống của con người, trong cảnh sống có nhiều sự việc xảy ra).

Như thuở xa xưa thời tiền sử, đó là cảnh sống ăn lông ở lỗ. Hoàn cảnh sống của con người thật đơn sơ, có những sự kiện man dại. Lần hồi con người tiến bộ dần, hoàn cảnh sống đã thay đổi, biết tổ chức cuộc sống chung thành từng bộ lạc. Bộ lạc này đánh bộ lạc kia, xảy ra bao nhiêu việc. Rồi đến thời kỳ có quốc gia, có đất nước. Cho đến ngày hôm nay, hoàn cảnh và sự kiện, sử nhân loại biết bao chuyện đổi thay, chính sử đã cho thấy rõ sự vô thường trên hoàn cảnh và sự kiện.

Trong xã hội hiện tại, hoàn cảnh và sự kiện vẫn tiếp tục vô thường.

Ngày xưa hoàn cảnh, sự kiện vô thường diễn ra còn chậm. Như việc chiến tranh chẳng hạn, diễn ra rất từ từ.

Nhưng ngày nay thì khác xa, hoàn cảnh sự kiện vô thường diễn ra nhanh chóng, nhanh đến độ chóng mặt. Như thế chiến thứ nhất khác, thế chiến thứ hai khác, tốc độ vô thường nhanh hơn. Hành quân tàn phá nhanh hơn, phương tiện chiến đấu nhanh hơn. Ngày càng nhanh hơn. Và nếu thế chiến thứ ba thì... thật khủng khiếp. Tốc độ vô thường khó mà lường được là bao nhiêu phút, bao nhiêu giây.

Như vậy hoàn cảnh và sự kiện luôn luôn vô thường. Và hoàn cảnh sự kiện vô thường để thành ra sinh hoạt của con người, tức thành ra cuộc sống. Thế nên đời sống vô thường.

Vậy đời sống con người chỉ là một chuỗi dài vô thường mà thôi.

II.- VÔ THƯỜNG TRÊN CON NGƯỜI:

Có cuộc sống vì có con người. Con người là trung tâm điểm phát sinh bao nhiêu đời sống để tạo thành cuộc sống, thế nên phải từ con người mà quán sát để thấy rõ hơn về vô thường. Con người lại có ba phần: Thân xác, Tâm ý và phần sinh hoạt.

a.- Thân xác vô thường: Trước hết con người từ khi mới tượng thai, cho đến thành thai nhi. Đây là giai đoạn có nhiều đổi thay về cơ cấu hình thù. Khi thai nhi được sinh ra, được nuôi lớn lên đến 18 tuổi. Chính thức thành một con người hoàn hảo về hình thù thân xác. Đây cũng là một giai đoạn có rất nhiều đổi thay về các bộ phận trên cơ thể.

Và sau đó, thân xác cũng lại tiếp tục đổi thay. Đổi thay theo chiều phát triển và theo chiều thoái hóa. Để rồi sau cùng thực sự già đi cho đến lụn tàn. Cuối cùng thì cơ thể hoàn toàn kiệt quệ, tắt nghỉ không còn hoạt động, gọi là chết.

Sự diễn ra ở một con người qua thân xác như vậy cho thấy rõ ràng thân người là vô thuờng. Từ xưa đến nay sự thật này không một ai trên cõi đời tránh được, nên không một ai chối cải được. Vậy vô thường trên thân xác là sự thật 100%.

b.- Tâm ý (tinh thần) vô thường (một pháp trong Tứ niệm xứ): Tâm ý con người hay phần tinh thần, đây là đời sống chính yếu của con người. Có phần tinh thần này, con người mới có tư tưởng, mới thành ra giống loại ưu việt nhất trên hành tinh. Nhà toán học Pascal đã nói: "Con người là một cây sậy có tư tưởng". Và Descartes cũng đã nói: "Suy nghĩ tức là tôi".

Tư tưởng, suy nghĩ đây là phần tinh thần của con người. Trong nhà Phật gọi là tâm ý. Con người có tư tưởng, có suy nghĩ. Tư tưởng từ sự suy nghĩ mà thành, và có tư tưởng mới có sự suy nghĩ. Hai từ ngữ này tùy trường hợp, tùy chỗ mà gọi mà đăït, kỳ thực nó cũng chỉ là một tâm ý mà thôi.

Nhưng nhờ từ ngữ suy nghĩ và tư tưởng để cho dễ thấy rõ hơn về tâm ý vô thường.

Khi suy nghĩ hay tư tưởng, là lúc đầu óc đang vận động, gọi là động não, hay là lúc tế bào chất xám đang làm việc (làm việc là vô thường).

Đã suy nghĩ hay tư tưởng thì phải lần lần từ từ, tức có thời gian. Và nghĩ từ ít đến nhiều, đến đầy đủ trọn vẹn, tức có kích cở khác nhau. Như vậy việc suy nghĩ, tư tưởng này trải qua thời gian và có kích cở khác nhau, nên có sự thay đổi. Mà thay đổi thì vô thường.

Và một vấn đề có lúc nghĩ thế này là phải, có lúc nghĩ thế khác là trái, cứ thế thay đổi luôn. Đã thay đổi nên vô thường.

Và chính ngay sự suy nghĩ, sự tư tưởng không phải lúc nào cũng nghĩ cũng tưởng, mà lúc có lúc không. Có lúc đầu óc trống rỗng, chẳng nghĩ chẳng tưởng được gì cả. Như thế chính bản thân của sự suy nghĩ và tư tưởng đã không thường có, không luôn có, nên sự suy nghĩ và tư tưởng là vô thường.

Suy nghĩ và tư tưởng là tâm ý, vì thế tâm ý vô thường. Tâm ý vô thường thì tinh thần con người vô thường.

Vì tinh thần vô thường nên con người có lúc vui lúc buồn, lúc thương lúc ghét v.v... đủ thứ dạng tình cảm rất là phức tạp.

Bao nhiêu dạng tình cảm phức tạp như vậy để cho thấy rõ đời sống tinh thần cũng vô thường. Đời sống tinh thần nó vô thường như thân xác vô thường. Lúc tuổi thơ ý nghĩ tư tưởng khác, lúc trưởng thành ý nghĩ tư tưởng khác, và lúc già ý nghĩ tư tưởng lại khác nữa. Cũng một cái đầu, cái não mà trẻ, trung, già lại khác nhau. Việc này xác định tâm ý, tinh thần là vô thường. Điều này ai có đầu óc, có suy nghĩ tư tưởng đều phải chấp nhận thôi, không ai có thể phủ nhận được.

Như vậy, vô thường trên tâm ý là một sự thật 100%.

c.- Sinh hoạt của con người vô thường: Sự sinh hoạt của con người có được là do có thân và có tâm ý. Mà thân và tâm ý là vô thường, thế nên sự sinh hoạt phải vô thường.

Quả vậy, có sự sinh hoạt nào của con người mà không vô thường. Từ cái ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc. Cái nào không vô thường?

Ăn, trước phải nhai, nhai từ to đến nhỏ rồi nuốt. Nuốt chạy vô cổ họng, xuống bao tử, qua ruột. Các chất dinh dưỡng được ruột non hấp thụ tạo thành máu luân lưu trong cơ thể. Lúc đầu máu màu đỏ theo động mạch nuôi các mô, các tế bào, xong trở thành máu đen, lại theo tỉnh mạch trở về tim lọc lại. Còn các chất bả theo ruột già thành phẩn tống ra ngoài bằng ngỏ hậu môn.

Cả hệ tiêu hoá như vậy đủ cho thấy sinh hoạt ăn uống là vô thường.

Rồi hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, các sinh hoạt khác của cơ thể cũng vậy, cũng đều vô thường.

Như vậy sự sinh hoạt ngay chính bản thân người đã là vô thường.

Thế rồi từ thân người, dùng chân tay, đầu mình để làm việc. Cả cái thân đã là vô thường nên khiến chân tay, đầu mình có làm việc thì cũng là vô thường. Sự cử động tay chân vô thường, như tay cầm viết và viết chữ, thì hành động viết là vô thường. Hành động viết đã vô thường nên cho ra chữ viết thì chữ viết ấy cũng vô thường. Viết rồi xóa, xóa rồi viết là vô thường.

Ngoài ra còn bao nhiêu việc bằng tay chân, đầu mình khác cũng vậy.

Đầu thì nhìn, nghe, ngữi, nếm. nói, những thứ này ngay bản thân nó đã vô thường nên việc làm ở nó cũng vô thường. Như cái miệng, lưỡi thụt vô thụt ra, môi hé ra khép lại mới thành ra tiếng nói. Cái miệng cái lưỡi như vậy là vô thường rồi, nên tiếng nói cũng vô thường. Nói ra là mất, dù có dùng máy ghi âm thâu vào băng rồi cũng mất. Vì băng này làm từ tay, mà hành động tay là vô thường, nên sản phẩm của nó là băng cũng vô thường. Từ một việc này suy ra các việc khác cũng vậy. Sự sinh hoạt cả đầu mình, tay chân đều vô thường. Những sinh hoạt khác từ thân người vào xã hội cũng vậy, hợp tan, tan hợp, cũng là vô thường hết, kể cả xã hội cũng vô thường.

Vì xã hội là do sinh hoạt của nhiều cá nhân họp lại mà thành. Mà mỗi cá nhân tức mỗi con người. Đã là mỗi con người thì sinh hoạt của nó đã vô thường. Thế nên bao nhiêu vô thường cá nhân họp lại thì xã hội vô thường.

Như thế không một sinh hoạt nào là không vô thường.

Vậy, sự sinh hoạt của con người là vô thường 100%.

III.- KẾT LUẬN:

Qua khảo sát các mặt, từ trái đất muôn giống loại, đến hoàn cảnh sự kiện, cho đến con người, sự sinh hoạt của con người đều vô thường. Vô thường trên tất cả các pháp, nên vô thường là sự thật 100%.

Vậy vô thường là chân lý.

Pháp vô thường lại không bao giờ thay đổi, không bao giờ bị vô thường, đây là điều đặc biệt, và vì vậy có thể gọi vô thường là qui luật trong cuộc sống.

B.- TÁC GIẢ VÔ THƯỜNG:

I.- VỀ SẮC PHÁP:

Pháp vô thường là chân lý rồi, vậy ai là tác giả? Đức Phật chăng?

- Pháp vô thường là chân lý, nhưng Đức Phật không phải là tác giả.

- Đức Phật chỉ là người phát hiện chân lý vô thường, khai thác nó để lập thành pháp lý, chứ Đức Phật không phải là người đẻ ra nó. Nó không phải là sản phẩm của Ngài. Ngài chỉ là người giác ngộ và chứng lý vô thường mà thôi.

Vô thường không phải là của riêng của Đức Phật, của đạo Phật. Vậy nó là của ai?

- Nó không phải là của ai cả, không ai là tác giả. Nếu nói tác giả thì đó là cuộc sống. Vô thường ở ngay trong cuộc sống. Nó có trước khi Đức Phật sanh ra. Cũng do có vô thường mà Đức Phật sanh ra, lớn lên và chết đi.

II.- VỀ TÂM PHÁP:

Vô thường có trong tâm để có là tâm ý vô thường, thì có tác giả. Tác giả này tạo sự máy động trong tâm, gọi là Nghiệp. Vậy nghiệp tạo tác giả nảy sinh sự máy động trong tâm.

C.- TÁC DỤNG VÔ THƯỜNG:

Vô thường có tác dụng gì đối với cuộc sống với con người?

I.- VÔ THƯỜNG TÁC DỤNG ĐỐI VỚI CUỘC SỐNG:

Có vô thường mới có cuộc sống. Vô thường là một năng lực. Nhưng rất tiếc, người ta chỉ nhìn thấy tác dụng của nó mà không rờ mó đụng năng lực ấy. Đây là điều kỳ lạ. Tuy vậy nếu không có năng lực này thì không thành cuộc sống, hoặc là cuộc sống sẽ cứng đơ, hay sẽ không có sự sống, không có đời sống.

Năng lực vô thường mơ hồ như vậy, nhưng không thể nói nó chỉ là thuần lý, là sản phẩm của tư tưởng. Không! Không thể cho như vậy, vì rõ ràng nó có tác dụng thực ngay trên cuộc sống. Nó đã diễn ra dưới một dạng rất rõ theo quy luật:

THÀNH - TRỤ - HOẠI - KHÔNG

Bốn tướng thành, trụ, hoại, không đây là nói lên sự chuyển vận của vô thường.

- Thành là có ra.

- Trụ là đứng vững, tức hình thành trọn vẹn đầy đủ, là giai đoạn đang phát triển tốt, vững chắc.

- Hoại là hư, thoái hóa, là giai đoạn xấu, đi xuống.

- Không là hủy diệt, không còn gì nữa.

Vô thường tác dụng với không gian, với cảnh giới, với muôn sự vật như vậy.

II.-VÔ THƯỜNG TÁC DỤNG VỚI CON NGƯỜI:

Với con người, vô thường có tác dụng làm cho con người có cuộc sống.

Vô thường ở con người theo quy luật:

SANH - TRỤ - DỊ - DIỆT

- Sanh là đẻ ra, có là một con người.

- Trụ là lớn lên trên chiều phát triển tốt vững vàng.

- Dị là thay đổi, già cỗi, suy thoái, chiều đi xuống xấu.

- Diệt là mất, biến mất không còn nữa.

Con người và các động vật hay thực vật cũng đều phải tuân theo quy luật này không khác được. Tuy rằng quy luật bốn tướng này là do con người đặt tên, dù vậy vẫn không ngoài sự diễn ra khi vô thường chuyển vận. Nên tất cả những gì ở trong cuộc sống phải chịu chung quy luật này.

D.- TÍNH CHẤT VÔ THƯỜNG:

I.- VÔ THƯỜNG KHÔNG TÍNH CHẤT:

Vô thường đã chi phối tất cả cuộc sống, vậy nó mang tính chất gì, là tốt hay xấu cho cuộc sống, là vui hay khồ cho con người?

Tính chất là chuyện của con người. Còn vô thường trong cuộc sống nó chẳng có tính chất gì cả. Nó giống như một guồng máy vĩ đại, chỉ biết chuyển vận như một máy móc bình thường vậy thôi. Còn việc tốt hay xấu là việc của con người.

Vô thường là pháp thường nhiên, nó chỉ là như vậy. Nó không có đời sống tình cảm gì cả, như gió mây mà thôi.

Chuyện vui khổ là chuyện của con người.

Nếu cho vô thường ở trên vạn vật có tính cách là sai lầm. Đó là nhìn không đúng, quán không thấu vô thường.

SANH - TRỤ - DỊ - DIỆT hay

THÀNH - TRỤ - HOẠI - KHÔNG

là vậy đó, những tướng này có ra không phải để cho mình vui hay buồn, sướng hay khổ. Việc nó vậy thì cứ thế diễn, còn việc vui buồn, sướng khổ là tùy theo tâm ý của con người.

Như cùng một tướng SANH thôi, mà có người thì vui, có người thì buồn, có người sướng, có người khổ. Tùy theo tâm trạng của mỗi người mà có vui buồn chứ không do tướng SANH.

TRỤ - DỊ - DIỆT cũng vậy.

Và như vậy bốn tướng sanh, già, bệnh, chết cũng thế. Nó là bốn tướng của vô thường diễn ra trên thân xác con người.

Còn con người khổ vì bốn tướng sanh, già, bệnh, chết là một việc khác.

Nhưng thông thường là con người bình thường thì ai cũng khổ vì bốn tướng này. Chỉ vì con người bình thường ai cũng sống bằng thân xác vô thường và tâm ý vô thường. Mà tâm ý vô thường với tâm sinh diệt vô thường hay gây xáo trộn bất an trong lòng. Đây là điều khiến con người khổ.

Khổ vì nỗi bất an gắn trên bốn tướng vô thường. Nếu một con người phi thường siêu việt giác ngộ giải thoát thì khác. Người này đã rõ thân tâm ý đều không, chẳng sống bằng tâm sinh diệt nữa, thế nên đâu còn gì để bất an bất ổn. Đã không bất an thì nhìn sanh, già, bệnh, chết bình yên đâu có gì là khổ. Người này đối với vô thường được tự tại, vì họ sống được bằng chơn thường. Họ tiếp nhận vô thường với một tâm thái bình an, và rõ ràng vô thường là pháp thường nhiên. Nên người này nhậm vận vô thường mà sống, mặc tình vô thường biến động họ vẫn bất động.

Nhậm vận vô thường sống bằng chơn thường, đây là điều rất khó hiểu. Nhưng nói như vậy để thấy rõ vô thường không có tính chất gì hết, khổ vui đều do ở lòng người mà ra.

Biết vậy để đừng đổ thừa cho vô thường, vì vô thường mà mình khổ.

Thật ra cái vô thường làm mình khổ đó chính là cái vô thường ngay nơi tâm ý mình chứ không phải vô thường trên sanh, già, bệnh, chết, hay trên cảnh sắc.

Phải nhớ rằng vô thường trên cảnh sắc dù sự thật 100% cũng không phải để cho mình khổ. Mà khổ là do tâm ý vô thường kia.

Không rõ lẽ này, rồi cứ áp đặt là vô thường làm khổ mình, rồi oán ghét nó và gọi nó là quỷ, là ma. Gọi là quỷ vô thường nó làm khổ mình!

Đổ thừa như vậy là cứ thấy cái lỗi ở trên cảnh sắc vô thường, mà không thấy được lỗi ngay tâm ý vô thường. Đây là lỗi lớn cho mình mà không hay, nên đã bị khổ đau. Thế nên khổ đau không hết được là vậy.

Do đó có lời dạy: "Phải thường thấy lỗi mình, chớ thấy lỗi thế gian" là thế.

Hãy nhớ rằng vô thường trên cảnh sắc không mang tính chất nào

Mà vô thường có tính chất khổ là vô thường trong tâm.

II.- VÔ THƯỜNG CÓ TÍNH CHẤT:

Vô thường khổ: Trên tâm ý có vọng tưởng sanh khởi, tức là có vọng tưởng, ý tưởng có sinh ra và có diệt đi. Có ra có mất tức là vô thường. Tình trạng này được gọi là có tâm sinh diệt. Khi có tâm sinh diệt thì giống như trong nhà có nhiều đứa trẻ con chạy vô ra lăng xăng, làm cho nhà ồn ào mất trật tự, mất sự yên lặng khiến người trong nhà bắt mệt. Sự sinh hoạt như vậy làm cho nhà không yên, người dễ sanh bực bội, dễ phiền não. Đây là khổ.

Cũng vậy, trong tâm mà có nhiều tâm sinh diệt thì cũng khiến cho tâm mất đi sự yên ổn, thành bất an, làm bức rức, khó chịu, làm nóng đầu mệt óc. Nếu mà những tâm sinh diệt đó là những niệm tham, sân, si thì phải nói là rất khổ.

Như vậy tâm ý vô thường sinh diệt đây là khổ, nên có thể nói tâm vô thường có mang tính chất khổ.

Nhưng có điều, đã vô thường nên không thật.

Từ tâm sinh diệt mà có khổ, sinh diệt lại là vô thường. Nên khổ tuy có mà không phải thật và khổ liên miên không làm sao hết được.

Không phải vậy, mà khổ từ sinh diệt vô thường nên rồi khổ cũng là vô thường sinh diệt. Nên khổ rồi hết khổ, hết khổ rồi khổ... nó cứ sinh diệt, diệt sinh... (Hể có niệm khởi là có sinh diệt).

Bởi khổ là như vậy, là không thật có cho nên mới có thể trừ được, mới tu được.Vì vậy muốn trừ khổ thì phải tu pháp quán tâm vô thường là vậy.

Khi pháp quán này thành công tức tình trạng vô thường, sinh diệt trong tâm không còn nữa. Không còn nên niệm không còn sinh diệt, nên không có vô thường diễn ra. Vô thường dứt bặt, thì khổ không sinh nữa, tức hết khổ.

E.- ỨNG DỤNG VÔ THƯỜNG:

Pháp vô thường không phải của riêng đạo Phật, nên người thế gian ai cũng có thể biết được. Và vì họ có biết nên họ biết ứng dụng vô thường vào trong đời sống.

I.- NGƯỜI ĐỜI ỨNG DỤNG VÔ THƯỜNG:

Trong sinh hoạt, con người đã biết ứng dụng vô thường vào cuộc sống để nhằm cải tạo đời sống được tốt hơn. Như biết lợi dụng sự vô thường của gió, lửa, đất, nước để tạo ra các của cải vật chất mà nuôi sống dùng xài.

Về lợi dụng vô thường rõ nét nhất là nhà khoa học đã chế tạo ra trái phá như bom. Một khi trái bom vô thường (nổ) thì sức tàn phá theo ý muốn rất lớn.

Sự lợi dụng vô thường mà bằng tâm ý tham lam xấu ác sẽ đem lại hậu quả rất tai hại cho cuộc sống. Vả lại người đời dù thiện hay ác cũng sống bằng tâm ý vô thường. Mà tâm ý vô thường vốn là đời sống sinh diệt. Thế nên những sáng tạo đều nằm trong dòng sinh diệt mà thôi. Vậy việc gọi là phục vụ cho con người dù có cũng không đi đến đâu.

Ngày nay với những vũ khí vô thường (bom đạn) hiện có trên trái đất đủ để làm cho trái đất này vô thường tan hoại nhanh chóng.

Việc lợi dụng vô thường của con người đem lại cái lợi không bao nhiêu, mà đem lại cái hại cho cuộc sống quá lớn lao. Đây là điều bất tường cho hành tinh này. Và là điều bất an gây sợ hãi, khổ đau cho con người. (Những nhà trí thức khoa học tiếng tăm đã lên tiếng, những nhà tổ chức chữ thập xanh đã có kế hoạch cụ thể để bảo vệ môi trường). Con người ngày nay đã tiếp tay tạo ra vô thường cùng với vô thường sẵn có trên trái đất, trong vũ trụ, khiến cho tốc độ vô thường lại càng nhanh hơn và kinh khủng hơn.

Con người đã phá chốn mình ở, phá nơi mình ăn. vì thế hạnh phúc rất mong manh, và sự bất hạnh cứ lớn dần. Một lúc nào đó không xa, trái đất này sẽ hoang tàn cho đến rã tan như lời kinh đã nói:

Thế gian là chốn vô thường,

Cõi nước dòn bở đâu lường ngày mai.

II.- NGƯỜI ĐẠO PHẬT ỨNG DỤNG VÔ THƯỜNG:

Người trong đạo Phật biết rõ cuộc sống là vô thường, thấy được thân này là giả tạm phù du, thấy được những gì thuộc thân này (của cải v.v...) cũng đều là hư ảo, là của ai chớ chẳng phải của mình - là của vô thường. Thấy rõ chỗ ăn chốn ở là tạm bợ không gì bền chắc, nên lòng tham dính mắc trên các thứ được nhẹ đi.

Do lòng nhẹ dính mắc nên đễ dàng xả ly, bỏ hết tất cả lại cho trần gian mà lo giữ lòng trong sạch khử trừ tâm ý vô thường.

Người tu theo đạo Phật biết chuyển hóa vô thường theo chiều hướng thuận lợi để tìm đạt hạnh phúc chân thật, hạnh phúc thường hằng. Theo vô thường sớm tối mà huân tu. Theo sinh hoạt vô thường mà ăn, ngủ, làm việc và huân tu. Theo nhịp độ vô thường mà huân tu.

Biết rõ tất cả các duyên trong, duyên ngoài thảy đều vô thường, nên có thể chuyển hóa được tất cả nghiệp, duyên nghiệp, hành nghiệp. Cái nào cũng vô thường, không thứ nào là cố định, vì thế có thể chuyển nghiệp, chuyển duyên nghiệp, chuyển hành nghiệp được cả.

Do nghiệp chuyển được mới có thể chuyển từ chúng sanh phàm phu đến thành Phật được.

Tất cả những việc chuyển từ phàm phu đẻ thành Phật, đó là quá trình biết ứng dụng vô thường, lợi dụng vô thường mà nên.

Thực ra vô thường đâu phải đáng ghét, nếu không vô thường làm sao mà chuyển được, làm sao tu? Tất cả công phu tu tập được cũng là nhờ vô thường.

Như Đức Phật, rõ ràng đời tu Ngài là dòng vô thường nối tiếp:

- Thấy các tướng già, bệnh, chết (vô thường).

- Bỏ cung điển vào rừng (vô thường).

- Lột bỏ y phục Thái tử, vòng vàng mũ miện (vô thường).

- Cắt tóc, khoác áo Sa môn (vô thường).

- Nhịn ăn tẩy sạch thân xác (vô thường).

- Ngồi tréo chân dưới gốc cây rừng (vô thường).

- Tẩy sạch vọng niệm, trần lao phiền não (vô thường).

- Đứng lên rời cội Bồ đề đi giáo hóa (vô thường).

Đức Phật do thấy vô thường già, bệnh, chết mà khổ cho mình và người.

Để rồi Ngài cũng từ vô thường mà trừ khổ vì vô thường già, bệnh, chết cho mình và cho người.

Sinh hoạt của Đức Phật từ sinh đến chết đều nằm trong vô thường.

Nhưng Ngài khác hơn người thường là giác ngộ vô thường để làm lợi cho mình và cho người.

Đó chính là từ ngay vô thường sinh diệt mà Ngài giác ngộ được lẽ chơn thường vô sinh diệt.

Từ sinh là khổ, Ngài tìm ra được vô sinh. Từ già khổ, Ngài tìm ra được cái không già. Từ bệnh khổ, Ngài tìm ra được cái không bệnh. Từ chết khổ, Ngài tìm ra được cái không chết.

F.- THỂ CHƠN THƯỜNG VÔ SINH DIỆT:

Nhìn trên mặt biển, rõ ràng bao nhiêu là lượn sóng. Cả mặt biển là cả mặt sóng. Từ lượn này đùa lượn kia, lượn trước mất lượn sau tiếp nối, cứ thế mãi... Cả mặt biển cứ như thế mà diễn ra quanh năm suốt tháng. Hình ảnh này là gì? Đó chính là hình ảnh vô thường. Sóng là vô thường.

Nhưng sóng nổi dậy từ nước. Sóng thì động, mà chất nước thì không động đậy gì. Chất nước là chất ướt. Chính chất ướt này là tánh thể để xác định là nước (ướt mới là nước, không ướt không là nước).

Trong khi sóng đang dậy đầy cả mặt biển mà chất ướt này vẫn là như vậy, vẫn ướt, không chao động gì. Mà ướt chính là nước, sóng lại nổi lên từ nước. Thể nước thì lại bất động.

Sóng là tướng vô thường, nó diễn ra trên mặt nước. Mà nước thì bất động nên lìa vô thường. Vậy nước là thể của vô thường sóng. Và thể này không vô thường. Nó cứ như vậy hoài, có sóng không sóng nó vẫn là ướt. Thường như vậy gọi là chơn thường.

Hãy nhìn lên trời thấy mây trôi lang thang. Mây nổi mây tan, mây tụ mây tán, trôi nổi bồng bềnh, còn mất không chừng, đây là tướng vô thường.

Mây vô thường trong trời không. Gợn mây, áng mây nào cũng đều mang tính hư không. Không có tính hư không, không làm sao có mây được. Thế nên vầng mây nào cũng mang tính hư không. Mà tính hư không là rỗng. Cái tính rỗng này là thể tính hư không, chính nó xác định là hư không.

Mây thì vô thường, nhưng hư không thì thường. Có mây không mây, hư không vẫn là rỗng. Tính rỗng này không bao giờ thay đổi.

Vậy tính rỗng này là thể của mây.

Mây là vô thường, thể của mây là thường. Vô thường diễn ra trên thường. Cái thường không bao giờ thay đổi này là chơn thường.

Và như mảnh giấy này và chữ đang viết đây, thì chữ là vô thường. Còn mảnh giấy là thể của chữ. Bao nhiêu chữ đều mang chất giấy. Chữ có chữ này chữ kia, mà giấy chỉ là giấy. Vậy giấy là tánh thể của chữ. Nó là thường. Dù bao nhiêu chữ thì giấy cũng là giấy, cũng vậy thôi, giấy không thay đổi. Vậy giấy là chơn thường của chữ vô thường.

Qua các thí dụ để thấy rõ nghĩa chơn thường. Như vậy để thấy vô thường biến chuyển, là biến chuyển trên thể chơn thường.

Vô thường vận hành đầy ấp cả không gian đi nữa thì hư không vẫn là hư không. Hư không không bao giờ vô thường, không bao giờ hư hoại. Vì hư không là thể của vô thường. Vô thường đã trườn mình trên nền hư không mà diễn ra, nên hư không như là sân khấu, mà vô thường là diễn viên. Diễn viên thì khi không khi có, còn sân khấu thì muôn thuở. Diễn viên thì động mà sân khấu thì bất động. Bất động vì là thường.

Như thế để thấy rõ hư không là thể chơn thường của vô thường trên cuộc sống.

Trong cuộc sống này còn có một thể chơn thường, đây là ân huệ sau cùng của đấng tạo hóa.

Thể chơn thường không chỉ là ở hư không thôi mà còn ở ngay chính con người, ở ngay loài động vật trong cuộc sống. Nhưng tiếc thay mấy ai nhận ra được thể chơn thường này. Vì không nhận ra nên cứ sống bằng vô thường cho nên cứ khổ hoài khổ mãi. Thật đau đớn thay!

Những con thú vật vẫn có thể chơn thường, nhưng chúng không bao giờ hay ra biết đến, nên không bàn tới. Chỉ ở con người có tánh linh hơn muôn vật nên mới có khả năng, có thể hay ra được thể chơn thường hết sức quan trọng, quan trọng bậc nhất cho kiếp người!

Như đã nói, con người sống bằng thân vô thường, tâm ý vô thường nên có khổ. Vì lòng tham của con người cứ muốn cho cái gì của mình là mình, thì phải còn hoài, ở mãi với mình, nhưng rất tiếc cái nào cũng hư hoại mất, cũng vô thường. Vì vậy lòng tham không thực hiện được nên tức bực phiền não, thành ra khổ. Cứ thế mà khổ hoài. Rất tội nghiệp cho thân phận làm người là vậy.

Nhưng may thay, còn một "ân huệ" sau cùng của đấng tạo hóa là thể chơn thường đang gài sẵn tại tâm ý của mỗi con người.

Hãy nhớ trường hợp của mây. Nếu không có hư không làm gì có mây nhiều như vậy. Từ đây nhìn lại tâm ý con người.

Tâm ý con người rất nhiều ý tưởng, rất nhiều vọng tưởng. Vọng tưởng, ý tưởng như là mây, thì do đâu mà có mây vọng tưởng, ý tưởng nhiều vô số, gây thành một chuỗi vô thường thái quá làm con người trở thành điên đảo khổ não như vậy?

Nếu giống như trường hợp mây thì vọng tưởng, ý tưởng phải từ hư không mà có. Chúng phải từ một bầu không rỗng mà ra.

Đúng vậy, vọng tưởng, ý tưởng từ thể tánh KHÔNG mà ra. Thể tánh không như hư không vậy.

Vậy mây vọng tưởng, ý tưởng diễn ra là diễn trong bầu trời tánh không. Mà tánh không là rỗng, vốn không mây vọng.

Vậy vọng tưởng, ý tưởng là vô thường, thì tánh không là thể chơn thường.

Như thế nên ngay con người mình, chính tại tâm mà hay ra (ngộ) được tánh không này, tức là hay ra được thể chơn thường, thì bao nhiêu vô thường biến hiện cũng đều là vô nghĩa. Chúng hoàn toàn mất tác dụng và sẽ triệt tiêu tức khắc. Ngay đó tâm thể chỉ là tánh không rỗng lặng không một bóng hình vọng tưởng, ý tưởng gì. Vọng tưởng, ý tưởng đã không còn có, thì còn gì bất an nữa, không bất an thì không còn khổ. Bao nhiêu khổ đều không còn nữa. Chỗ này nên hiểu thêm qua thí dụ gương và bóng. Thể tánh không như là sự trong suốt của gương. Bóng thì rất nhiều thứ, nhưng là vô thường. Bóng hiện ra từ sự trong suốt của gương. Chính sự trong suốt này là thể chơn thường. Nó bất động, không bóng nào, thường hằng sáng soi. Nên bóng không thật có trong gương.

Từ tánh không mà sống, thì tánh không hòa nhập cùng hư không. Tánh không mênh mông trùm khắp cả trời đất. Như vậy cả tướng vô thường trên cảnh sắc cũng trở thành vô nghĩa mất tác dụng.

Người sống lúc này là sống bằng tánh không thuần túy, nên tự tại giữa vô thường biến động. Sống bằng tánh không ngay tự tâm thể tức sống bằng thể chơn thường ngay tự tâm mà cũng là chơn thường ngay cảnh sắc vô thường.

Người này gọi là người giác, là người giải thoát khỏi ngục tù thân, tâm ý và cảnh sắc. Nhười này mới thực là con người chân thật, vì con người đang sống bằng tâm chân thật. Tâm chân thật mới đúng là tâm. Đây gọi là tâm thể hay tâm bản thể, là tâm gốc, tâm cội nguồn (bản tâm).

Tâm ý vì vậy chỉ là cái bóng của tâm bản thể này thôi.

Tâm bản thể như con người thật, còn tâm ý giống như bóng của con người trên tường , trên đất hay trong gương soi.

Như vậy mới thấy rõ người nhận lầm tâm bóng làm tâm thật, nguy hiểm đến chừng nào? Hãy nhớ chuyện chàng Trương của Việt Nam qua thơ của vua Lê thánh Tôn. Bài miếu Vợ chàng Trương:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ
Dòng nước chi cho lụy đến nàng
Chứng quả có đôi vầng nhựt nguyệt
Giải oan chi mượn đến đàn tràng
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.

"Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ". Đừng nghe, đừng nhìn qua bóng mà cho là thật, đừng sống bằng bóng, với bóng, hậu quả là đau khổ ngất người. Đó là thảm kịch người đời!

G.- SỰ LỢI ÍCH KHI GIÁC NGỘ LYÙ VÔ THƯỜNG:

Giác ngộ lý vô thường tùy theo trình độ sâu cạn mà có sự lợi ích tương ứng:

- Không còn nặng về tài sản của cải vật chất.

- Không còn nặng về cảnh đời, cảnh giới.

- Không còn coi thân xác là quí nhất trên đời. Không còn phải lo nhiều cho thân.

- Không còn quá quan trọng về tâm ý.

- Dễ xả bỏ những kiến chấp, những quan điểm.

- Dễ xả bỏ vọng tưởng, ý tưởng.

- Dễ tiến đạo.

- Từ bớt khổ đến hết khổ vì vô thường.

- Được bình an trong cơn vô thường chuyển biến.

- Không còn sợ hãi cuộc sanh tử.

- Dùng được vô thường để tiến tu lợi sanh.

- Đời sống trở nên linh động hơn.

- Sẽ giác ngộ được chơn thường.

- Được tự tại giải thoát khỏi khổ sanh tử.

Người có sống được bằng sự giác ngộ vô thường sẽ không còn những từ ngữ như: Trời ơi!. Chết tôi rồi!. Trời đất ơi!,. Khổ tôi quá!. Khốn nạn quá!. Chao ơi!. Ối!. Trời!... hay những lời nguyền rủa cay độc, hoặc không còn trạng thái ngất xỉu, chết điếng hay chết khi gặp một trường hợp quá đột ngột đau khổ tận tim gan.

Mà họ đón nhận tất cả tình trạng vô thường trong tâm thái dửng dưng, hờ hửng, bình thường như không có chuyện gì. Nghe một chuyện có vẻ động trời đối với họ đi nữa họ cũng vẫn bình an từ trong lòng đến ngoài miệng và cử chỉ.

Cử chỉ họ điềm đạm, thái độ ung dung, thốt lời nhẹ nhàng; hay cười nhẹ: Vậy sao!. Thế à!. Ừ!. Biết rồi! Đủ rồi!...

Hay họ chỉ im lặng. Một sự im lặng trọn vẹn và khi phải hành động vì việc vô thường họ làm như không có gì xảy ra. Dù phải đối mặt với tử thần cũng vậy. Họ thốt lời với thần chết:

"Sống như mặc áo ấm mùa Đông

Chết như được cởi áo vào mùa Hạ".

Chẳng những thế thôi, bình an điềm đạm thôi, họ còn tiếu nữa là khác. Khi phải chết lại không chịu chết bình thường, lại chết bằng kiểu này kiểu nọ, lựa kiểu lạ đời để mà chết, như trồng chuối ngược để mà chết!

Hoặc gần chết lại vác quan tài đi cùng đường, gõ mõ rao lên: Tôi sắp chết đây! Sẽ chết hướng này, hướng nọ, ngày này ngày nọ lăng xăng. Hay trước khi chết lại biểu diễn như hát xiếc, hoặc hét to lên để rồi chết...Tất cả những chuyện như vậy để thấy rằng người đã tự tại trong vô thường.

Một câu chuyện xưa của người Trung Hoa thường được người biết khi nói đến chuyện mất mát, rủi may. Tức là nói đến sự vô thường trong đời sống thường tình, đó là chuyện "Tái ông mất ngựa":

Ông họ Tái mất ngựa. Người hàng xóm đến chia buồn sự rủi ro. Ông trả lời: Mất ngựa đâu đã rủi! Vài bửa sau, con ngựa của ông lại về còn dẫn theo một con ngựa quí nữa. Người hàng xóm lại mừng sự may mắn. Ông nói: Được thêm ngựa có gì là may.

Sau đó con trai ông thấy ngựa mới, thích quá trèo lên cỡi, bị ngựa mới hất té gãy tay. Người hàng xóm đến chia buồn sự xui rủi. Ông nói: Té gãy tay có gì là rủi.

Thế rồi sau đó có chiến tranh, thanh niên trong làng bị bắt xung vào lính, bị chết chóc. Con trai ông vì bị gãy tay được miễn dịch ở nhà bình yên.

Tái ông đón nhận vô thường như thế ấy!

*********

Thơ: CHUYỆN VÔ THƯỜNG

Nắng mưa là chuyện của trời
Khổ vui là chuyện của người mà thôi
Trời, người tách được làm đôi
Chuyện trời, trời sắp, chuyện người, người lo
Người lo diệt niệm nhỏ to
Sạch dòng niệm lự so đo không còn
Nghiệp xưa nay đã giũa mòn
Còn đâu sinh diệt! Giác tròn ,khổ tan
Trời già cay nghiệt đa đoan
Đâu còn đày đọa, đâu can dự gì
Đời người phủi sạch sầu bi
Vô thường trải khắp, người đi cứu đời
Ai hay trời đất tuyệt vời
Chơn thường trên mỗi bước đi vô thường.

******

(Trích dẫn: Pháp nhà Phật, soạn giả HUYỀN LINH)

Sưu tầm: Thanh-Sơn

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/vothuong.htm

 


Vào mạng: 1-4-2002

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang