- Cuộc đời và ánh đạo
của tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất)
- (tiếp theo)
8. Hai nhiệm
vụ quan trọng:
Bên cạnh sự hoằng pháp về Nam
Ấn, kiến thiết tinh xá Kỳ Hoàn, tôn giả Sàriputta còn đảm nhận hai nhiệm
vụ vô cùng quan trọng.
Nhiệm vụ đầu tiên: Tôn giả là
người duy nhất được đức Thế Tôn chọn để truyền trao pháp môn Tịnh
Độ, thuyết giảng kinh A Di Đà. Ngày nay, Phật pháp được lưu truyền khắp
mọi nơi trên thế giới, tất cả đều tập trung vào ba tông phái chính: Tịnh
Độ tông, Thiền tông và Mật tông. Trong ba tông phái này, Tịnh Độ tông
vẫn là tông phái được giới Phật tử áp dụng để tu tập nhiều nhất.
Sự thật là xưa nay, tôn giả Sàriputta chưa được xem là ông Tổ của Tịnh
Độ tông, nhưng thật sự chính Tôn giả là người đầu tiên được đức
Phật gọi đến để truyền trao pháp môn này. Kinh A Di Đà, bộ kinh được
Tịnh Độ tông chọn làm tôn chỉ, được thọ trì, tụng đọc thường
xuyên trong các thời công phu chiều và tối. Kinh này được tóm gọn trong
mười mấy trang, thế mà danh từ Xá-lợi-phất (Sàriputta) được đức Phật
nhắc đến ba mươi tám lần.
Tại sao có hàng ngàn Tôn giả khác
nhưng đức Phật không chọn để truyền trao pháp môn này, mà lại chọn
tôn giả Sàriputta? Một trong những lý do chính là: Tông chỉ pháp môn này
luôn xây dựng trên đức tin (Tín). Niềm tin là mẹ đẻ của các công đức,
là điều không thể thiếu trong việc hành trì pháp môn này; niềm tin
không đòi hỏi phải có trình độ hay không có trình độ. Do sợ đời sau
cho rằng, pháp môn này chỉ hợp với người có căn cơ thấp, còn người
có trình độ, có căn cơ cao thì không thích hợp với việc tu tập pháp
môn này! Khi tôn giả Sàriputta, bậc Trí tuệ bậc nhất trong hàng Thanh văn
đệ tử của đức Phật cúi đầu đảnh lễ, nhận lãnh pháp môn này.
Thì ai trong chúng ta, những người trên cõi đời hiện nay dám cho ta là
hàng trí thức, hàng đại căn để chê bai pháp môn này.
Ngày nay, pháp môn Tịnh độ đang
phát triển huy hoàng. Những người chọn pháp môn Tịnh độ để tu tập
chắc không bao giờ quên được hình bóng của bậc Đại trí bậc nhất,
người đã đảnh lễ thọ trì pháp môn này để được lưu truyền, phát
triển cho đến ngày nay.
Nhiệm vụ thứ hai: Một sự việc
“vô tiền khoáng hậu” đã xảy ra trong thời đức Phật và khó có thể
xảy ra sau này, đó là sự "phá pháp luân Tăng” của tôn giả Đề-bà-đạt-đa.
Nhận xét về tôn giả Đề-bà-đat-đa, công bình mà nói thì Tôn giả là
người rất có tài năng trên mọi lãnh vực: Giàu sang, quyền thế, văn
chương, kiếm cung, tu tập ... chỉ tiếc là tài năng ấy khi đứng cạnh đức
Thế Tôn nó bị lu mờ như các vì sao đứng cạnh mặt trăng rằm, như Chu
Du đứng gần Gia Cát Lượng. Từ thuở nhỏ vương tử Đề-bà-đạt-đa đã
nổi bật và giỏi trên nhiều lãnh vực, là đối tượng cao nhất để
tranh giành với thái tử Tất-đat-đa, tranh giành từ con thiên nga trong thuở
ấu thời, cho đến tranh giành người đẹp Da-du-đà-la vào lúc trưởng thành
và tranh giành cả ngai vàng cao quý.
Khi xuất gia làm đệ tử với đức
Phật, ông nổ lực tu tập và chứng đắc được thần thông. Nhưng sau đó,
ông cấu kết với thái tử A-xà-thế để tranh giành quyền lãnh đạo
Tăng đoàn. Ông khuyến dụ thái tử A-xà-thế giết vua cha là Tần-bà-sa-la
để làm vua, còn mình giết Phật để làm Phật và lãnh đạo Tăng đoàn.
Sau khi thái tử A-xà-thế đã giết vua cha và lên làm vua, Đề-bà-đạt-đa
được vua A-xà-thế trọng dụng và ông đã tiến hành mưu sát Phật, ông
đã thuê những sát thu chuyên nghiệp để ám sát Phật, lăn đá để giết
Phật, thả voi say để giẫm Phật v.v.. kết quả không thành!
Được sự ủng hộ của vua A-xà-thế,
ông đã có quyền lực, giàu sang và danh vọng, ông ra sức chia rẽ Tăng đoàn,
sáng lập luật mới, lôi kéo những vị Tỳ-kheo theo mình. Kết quả là
ông đã quy tụ đến năm trăm vị tỳ-kheo theo mình, sinh hoạt, tu tập cũng
như thọ hưởng vật chất .. . tạo nên đại tội, tội “phá pháp luân Tăng”.
Trước tình hình rạn nứt của Tăng
đoàn như thế, đức Phật đã cử tôn giả Sàriputta và Moggallàna đến để
thuyết pháp chỉ dẫn cho các vị tỳ-kheo còn mê muội đi theo tôn giả Đề-bà-đạt-đa.
khi thấy hai tôn giả Sàriputta và
Moggallàna đến với mình, tôn giả Đề-bà-đạt-đa tưởng hai Tôn giả cũng
đã theo mình, Ông lấy làm đắc ý, tự cao và giao năm trăm vị Tỳ-kheo
cho hai tôn giả dạy bảo để vào phòng nghỉ. Tôn giả Sàriputta đã thăng
tòa thuyết giảng, phân tích đâu là tà, chánh, chân ngụy, đâu là sự xuất
gia chân chính… Năm trăm vị Tỳ-kheo sau khi nghe tôn giả Sàriputta thuyết
giảng đã nhận thấy sự sai lầm của mình, họ liền từ bỏ Đề-bà-đạt-đa
và cùng theo tôn giả Sàriputta về với đức Thế Tôn, Tăng chúng trở lại
hòa hợp, thanh tịnh như xưa, chấm dứt sự chia rẽ, rạn nứt trong Tăng
đoàn. Khi tôn giả Đề-bà-đạt-đa thức dậy thấy chẳng còn vị Tỳ-kheo
nào, Ông tức giận đến thổ ra máu tươi.
Một lần nữa, tôn giả Sàriputta
đã cho chúng ta thấy tài năng, cũng như đã hoàn thành trọng trách to lớn
chưa từng có trong Phật pháp, hàn gắn lại sự rạn nứt trong Tăng đoàn,
chấm dứt sự “Phá Pháp Luân Tăng”, mang lại sự an lạc, thanh tịnh và
hòa hợp cho Tăng đoàn.
9. Đức hạnh của
tôn giả Sariputta:
Người xuất gia bao giờ cũng lấy
đức hạnh làm chính, tôn giả Sàriputta không những có tài năng tuyệt vời
như thế mà đức hạnh của Ngài còn tỏa sáng cả Tăng đoàn. Đây lại
là một điểm son để chúng ta càng thêm kính trọng và chiêm ngưỡng. Đức
hạnh của Ngài bao gồm tất cả các hạnh, vị tha, nhẫn nhục, tri ân,
khoan dung, hiếu hạnh v.v...
Hạnh vị tha: Cuộc đời của một
vị xuất gia bao giờ cũng nỗ lực để tiêu diệt sự vị kỷ, phát triển
lòng vị tha, hoàn thiện đức tánh từ bi hỷ xả. Suốt cuộc đời của tôn
giả Sàriputta là một tấm gương vị tha vĩ đại. Ngay từ lúc xuất gia,
chứng đắc thánh quả, đảm trách nhiệm vụ “Đại đệ tử” của đức
Tôn sư, Ngài đã sống tất cả cho Tăng đoàn, không những Ngài đảm trách
mọi công việc quan trọng như hoằng dương chánh pháp về Nam Ấn, kiến
thiết tinh xá Kỳ Hoàn, đem lại sự hòa hợp cho chư Tăng… mà Ngài còn
làm những việc nhỏ nhất như chăm sóc từng vị Tỳ-kheo bệnh, dọn dẹp
rác rưởi, nhà vệ sinh, nhà tắm v.v…
"Vị trưởng lão này không
đi khất thực trong lúc sáng sớm như những vị Tỳ-kheo khác. Thay vì thế
khi các vị đã đi rồi, Ngài thường thả bước xung quanh tịnh xá, và bất
cứ ở đâu nếu Ngài tìm thấy đồ đạc không thu xếp, chỗ ngủ không sạch
sẽ, Ngài liền dọn dẹp quét hốt mọi rác rưởi, và sửa soạn ngay cả
giường chiếu, bàn ghế, chén bát, bình nước, thứ tự và sẵn sàng để
cho những vị kia đi về sẽ dùng. Ngài làm như thế, ngoài đức chăm sóc
cho chư Tăng còn nghĩ rằng: “Những đạo sĩ khác không phải người trong
Phật giáo khi viếng thăm tịnh xá, có thể thấy được sự vô trật tự
rồi chỉ trích chư Tỳ-kheo hoặc coi rẽ Tăng chúng.”
Đức hạnh vị tha, sống với đức
Phật, lo cho Tăng đoàn, chăm sóc từng vị Tỳ- kheo già, Tỳ- khoe ốm, cho
đến những vị Sa-di bé bỏng. Cuộc sống vị tha hy sinh ấy đến nỗi Ngài
không có thời gian rảnh để tự thân chiêm nghiệm, hưởng thọ pháp lạc
của tâm giải thoát: "Còn mình? Buổi sáng vừa thấy trọn vẹn đạo
bất tử, buổi chiều đã về đây dự cuộc lễ nhận vai trò làm Đại Đệ
Tử, buổi tối thì nghe pháp và thuyết pháp…quả thật ta chưa có thì giờ,
một khoảng trống nào để tự mình chiêm nghiệm, liễu tri trạng thái vô
hành của tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Bây giờ (buổi tối) là phải
thời để làm điều ấy ."
Hạnh tri ân: Với nhân duyên kỳ ngộ,
tôn giả Sàriputta đã gặp được tôn giả Assaji (A-thị-thuyết) và sau đó
đã nhận được đạo bất tử. Để cảm niệm ân tình sâu sắc và cao cả
ấy, lúc nào tôn giả Sàriputta cũng không quên vị ân sư này. Ban ngày tôn
giả khất thực về thường dâng cúng thức ăn cho tôn giả Assaji, cho đến
lúc ngủ Tôn giả cũng không quên hình bóng của vị ân sư này: "Đức
Xá-lợi-phất tìm chỗ vắng lặng của mình để tọa thiền hoặc đi kinh
hành. Trước lúc đi nghỉ, nghiêng lưng một lát thôi, đức Xá-lợi-phất
luôn nhớ đến chỗ của Đại đức Assaji trong tịnh xá hay ở phương nào
để quay đầu về hướng đó. Cho chí sau này, trên đường hoằng pháp
theo chân đức Bổn sư, đêm nghỉ tại thị trấn, làng mạc, rừng sâu,
nghĩa địa … chỗ có mái che hay không có mái che, đức Xá-lợi-phất vẫn
giữ thông lệ như vậy, quay đầu về phương hướng mà vị thầy ban đầu
của mình đang cư ngụ.”
Hạnh nhẫn nhục:
Từ một người ngoại đạo mới
xuất gia, lại trở thành một bậc "Đại đệ tử” đứng đầu trong
Tăng đoàn, tôn giả Sàriputta đã làm mọi Tỳ-kheo kính phục. Tuy nhiên
bên cạnh ấy vẫn còn những Tỳ-kheo hữu lậu ghen ghét và đố kỵ nên họ
đã có những lời nói và hành động thô lỗ với tôn giả Sàriputta.
Channa (Xa-nặc) nghĩ mình có oai thế đã nói lời xúc phạm, phỉ báng đến
Tôn giả, Ngài ôn hòa nhẫn nhịn không tranh biện. Đức Thế Tôn hay việc
này đã gọi đại đức Channa đến quở trách và dạy rằng: "Này
Channa! ông nên nhớ rằng hai vị đệ tử của Như Lai là những người bạn
tốt, tốt nhất trên nhân loại. Được làm bạn với họ là hạnh phúc,
vô cùng an vui và lợi lạc vô cùng".
Đức hạnh và tài năng của Tôn giả
vượt hẳn người thường, tiếng đồn về Ngài ngày càng vang xa mãi. Có
một ông Bà-la-môn nghi ngờ về việc ấy nên muốn thử Ngài. Một hôm,
ông rình bên đường đợi Tôn giả Sàriputta đi khất thực ngang qua, bất
thần từ phía sau, ông dùng gậy đánh trên lưng Ngài thật mạnh. Nhờ an
trú chánh niệm tỉnh giác nên Tôn giả vẫn giữ tâm mình bình thản như
không có gì xảy ra, tiếp tục đi khất thực. Vô cùng kính phục trước
thánh hạnh ấy, ông Bà-la-môn này liền xin tạ tội và xuất gia làm đệ
tử của Tôn giả.
Có một vị tỳ kheo trẻ thiếu tu
tập, cảm thấy mình buồn bã không được quan tâm trong đại chúng, vị
này đã vô cớ buồn bực vu khống tôn giả Sàriputta ỷ có quyền thế đánh
mình và xin đức Thế Tôn phân xử. Trước đại chúng đông đảo, đức
Thế Tôn đã hỏi tôn giả Sàriputta có việc ấy không? Tôn giả Sàriputta
đã nêu lên chín tâm hạnh cao cả mà mình đã tu tập: Tu tập tâm như đất,
mặc cho ai chà, ai đạp, ai bước tới bước lui, quăng lên đấy tất cả
mọi dơ uế bất tịnh, ai đại tiện, tiểu tiện lên ấy cũng được…Tu
tập như nước, như gió, như lửa… “Bạch đức thế tôn! Chín điều
ấy là con, con là chín điều ấy. Tất cả mọi phẩm hạnh, mọi đức tính
của một Sa môn mà đức Thế Tôn hằng giáo giới, dẫu con chưa thành tựu
vẹn toàn, nhưng con vẫn đang đi từng bước một, vững chắc và ổn định.
Từ khi thấy đạo, thấy quả đến nay con chưa hề hổ thẹn một điểm nào
về giới luật để đến nổi phải tự khiển trách chính mình. Xin đức
thế tôn và cả đại địa chứng minh cho con sự thật ấy”.
Khi tôn giả sàriputta trình bày về
tâm hạnh tu tập cao cả của mình như thế, cả đại chúng đều vô cùng
kính phục, vị Tỳ-kheo trẻ vô cùng hối hận đã tự thú nhận tội lỗi
của mình trước đức Phật, tôn giả và đại chúng, để cầu xin sám hối.
Hạnh nguyện của Sàriputta là hạnh
nguyện của một bậc thánh, do vậy những đức hạnh của Ngài chúng ta
không thể kể hết được. Ngoài những đức hạnh vị tha, tri ân, nhẩn
nhục trên, tôn giả Sàriputta còn thể hiện hiếu hạnh (sẽ trình bày
sau), hạnh khoan dung, hạnh nhường nhịn, hạnh hi sinh v.v… mỗi một đức
hạnh của Ngài là một tấm gương bằng pha lê trong suốt để hàng con Phật
chúng ta noi theo mà tu tập và thực hành.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/
xaloiphat.htm