Trang tiếng Anh |
...... ... | .. | . | .. | . | . |
A. DẪN NHẬP Sống trong cuộc đời, khi con người đang hưởng thụ với một khung cảnh trướng rủ màn che, phú quý vinh hoa, vợ đẹp con ngoan và uy quyền thế lực…; chắc hẳn chúng ta không ai có thể từ bỏ cơ hội may mắn hạnh phúc này. Thế nhưng, chàng thanh niên Sĩ Đạt Ta, vị Thái Tử cao qúy với đầy đủ tài đức song toàn, con Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia, đang sống hạnh phúc bên người vợ yêu kiều diễm lệ cùng người con trai ngoan hiền trong hoàng cung lộng lẫy như thế; điều gì đã làm cho Thái Tử từ bỏ sau lưng ngôi vị đế vương tương lai, từ giã cuộc sống hoàng tộc, thế phát xuất gia, truy tìm chân lý giải thoát giác ngộ? Trong phạm vi này, chúng ta không thuật lại một cách chi tiết về sự xuất gia và tu học của Thái tử Sĩ Đạt Ta dựa theo truyền thuyết, mà chỉ đưa ra những điểm then chốt tiêu biểu để cùng nhau nghiên cứu, khám phá đằng sau bức rèm truyền thuyết đó ẩn chứa những triết lý thâm sâu vi diệu gì qua lăng kính sử liệu và khoa học hiện nay.
B. XUẤT GIA 1. Cuộc du ngoạn của Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha - Người Toại Nguyện) qua bốn cửa thành Như chúng ta biết, sau khi nhớ lại lời tiên đoán của A Tư Đà rằng Thái tử Sĩ Đạt Ta tương lai sẽ là bậc vĩ nhân, tu chứng Phật qủa trở thành bậc Giác Ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác[1]; vua Tịnh Phạn luôn lo lắng và cố tìm mọi cách để ngăn cản chí hướng từ bỏ thế tục của Thái tử. Điển hình rằng vì không muốn Thái Tử nhìn thấy cuộc sống tranh chấp của thế gian và những cảnh khổ cực ở đời, nên trước khi cho phép Thái Tử ra 4 cửa thành du ngoạn, vua Tịnh Phạn đã ra lệnh tất cả những người già, xấu xí, bệnh hoạn…, không được phép ra ngoài đường phố; dĩ nhiên là ngoại trừ những người trẻ đẹp, khoẻ mạnh và bình thường khác. Thậm chí, những khu vườn hoa, cây cảnh… cũng không để một chút dấu hiệu chết chóc và tàn lụi nào. Nhưng tiếc thay! Chúng ta không thể lấy đôi tay khoẻ mạnh của mình để phủ kín cả bầu trời sống của vạn hữu. Cũng như vậy, hiện tượng của cuộc đời không thể che đậy được bản chất vô thường tạm bợ của nó. Đó là điều tất yếu. Chúng ta hãy nghiên cứu về chuyến du ngoạn thị sát dân tình của Thái tử ra sao qua 4 hiện tướng là gặp: một người Già ở Đông môn; một người Bệnh ở Nam môn; một người Chết ở Tây môn; và một vị Tu Sĩ ở Bắc môn.[2] Dựa vào những chứng cứ lịch sử, chúng ta có thể nhận xét vấn đề này qua 2 điểm như sau: (1) trong Kinh tạng Nikāya chỉ đề cập về 4 hiện tướng trên qua 4 cuộc du hành của Đức Phật quá khứ Vipassi (Tỳ Bà Thi) khi còn là Thái tử, chứ không đề cập về Thái tử lịch sử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) mà chúng ta thường nghe nhắc trong lịch sử truyền thuyết.[3] Thật tế, kinh điển Nikāya và một số tư liệu khác không đề cập về cuộc du hành của Thái tử Sĩ Đạt Ta như đã nói ở trên[4]. Nhưng mặt khác, Ngài Narada và một số tác giả khác lại đề cập rằng (có lẽ dựa theo truyền thuyết) Thái tử Sĩ Đạt Ta tận mắt thấy 4 hiện tướng ấy khi du ngoạn[5]. (2) Vấn đề thứ hai, chúng ta nhận thấy hầu hết kinh điển và các sách nghiên cứu đã miêu tả Thái Tử đi du ngoạn trong vườn ngự uyển chứ không đề cập đi qua 4 cửa thành như đã nói.[6]
2. Sự xuất gia của Thái Tử a. Nhận thức về cuộc đời qua 3 hiện tướng: Già, Bệnh và Chết Sau khi tận mắt chứng kiến và nghe sự giải thích của người hầu cận Xa Nặc, Thái tử nhận thức rằng: cuộc đời không phải lúc nào cũng đem đến những điều an lạc và hạnh phúc cho con người, mà ngay phía đằng sau của nó vẫn sẵn chứa đựng sự khổ đau vô thường chi phối kiếp sống nhân sinh qua các hiện tướng Già, Bệnh và Chết [7] Trong phần này muốn nói rằng: Người muốn xuất gia học đạo, trước hết cần phải thấu triệt về cuộc đời là vô thường, khổ đau. Tất cả vạn hữu vũ trụ được hình thành hay hoại diệt đều do sự biến đổi không ngừng của các yếu tố nhơn duyên kết hợp. Mọi hiện tượng của vạn pháp luôn bị chi phối bởi sự phá huỷ của búa thời gian được biểu hiện qua 4 qui luật tất yếu của hiện tướng Sanh, Già, Bệnh và Chết; hay nói khác là ‘Thành, Trụ, Hoại và Không’; hoặc ‘Sanh, Trụ, Dị và Diệt’. Khi nhận thức đúng đắn bằng sự trực nhận của tự tâm, hành giả thật sự đã vượt qua bước khởi điểm đầu tiên của người phát tâm xuất gia trên lộ trình tu học giác ngộ giải thoát.
b. Hoàn thành tâm nguyện của Vua cha Như chúng ta đã đọc trong sử liệu rằng vì muốn ràng buột Thái tử bằng sợi dây tơ hồng để chàng quên đi ý định xuất gia, Vua Tịnh Phạn yêu cầu Thái Tử lập gia đình và sinh con để kế nghiệp ngôi vị đế vương. Theo ý nguyện của song thân, Thái Tử (1) lập gia đình với công chúa Gia Du Đà La (Yasodharā - con gái của Vua Suppabuddha, là Cậu của Thái Tử. Tức là em họ của Ngài) vào độ tuổi trăng tròn 16 (năm 547 BC); và (2) sau 13 năm chung sống hạnh phúc, Thái Tử và nàng Gia Du Đà La đã sanh cho họ một vị hoàng nam tên La Hầu La (Rāhula).[8] Qua 2 tình huống trên, chúng ta có thể nhận xét rằng: (1) Vì tôn trọng tinh thần hiếu đạo làm con (Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu) và thuận theo phong tục tập quán của Ấn Độ (Cha mẹ tự chọn người trăm năm cho con cái), nên Thái tử lập gia đình và sinh con. Điều này chứng minh Thái tử đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với gia đình theo tinh thần hiếu nghĩa làm đầu. (2) Việc sinh con trễ sau 13 năm chung sống, ở đây chúng ta có thể đặt vấn đề rằng: đối với Gia Du Đà La, việc không muốn có con sớm có lẽ nàng sợ nhang sắc tiều tụy và sợ Thái tử sẽ bỏ rơi nàng. Tâm trạng này không những chỉ riêng nàng Gia Du Đà La; mà còn là tâm trạng chung của hầu hết những người vợ hiền trong mỗi gia đình. Điều này rất hiển nhiên và phù hợp trong thực thế cuộc sống của con người. Đối với Thái tử Sĩ Đạt Ta, việc có con muộn có lẽ Ngài không muốn bị ràng buột và trở ngại chí hướng của mình chăng? hoặc cũng có thể Ngài muốn biểu hiện trách nhiệm của người chồng dành trọn tình cảm đặc biệt lâu dài của mình để chăm sóc và chia sẽ mặn nồng với người vợ yêu kiều diễm lệ của mình? Điều này rất hiển nhiên đối với tâm lý chung của đấng mày râu, vì trên thực tế nếu sanh con sớm thì cả vợ chồng đều không có thời gian trao cho nhau những tình cảm riêng tư của mình, và cũng từ đây chí hướng của họ sẽ bị gián đoạn khi họ phải bắt đầu công việc bận rộn nuôi dạy con trẻ…. Do vậy, việc sanh con muộn giữa Thái tử và nàng Gia Du Đà La không có gì đáng phải ngạc nhiên; nó không những là một vấn đề hiển nhiên mà còn đã và đang trở nên khá phổ biến cho hầu hết những cặp vợ chồng trẻ hiện nay; đặc biệt ở các nước Châu Mỹ, Úc, Âu và thậm chí đến Châu Á cũng vậy. (3) Việc lập gia đình và sinh con, Thái Tử Sĩ Đạt Ta muốn thể hiện bản chất của một con người bình thường giống như bao nhiêu con người khác qua những biểu hiện lập gia đình, sinh con … để hiểu rõ về bản chất giả tạm của “hạnh phúc lứa đôi” mà con người cho là chơn thật vĩnh cữu. Một đặt câu hỏi có thể đặt tại đây rằng nếu không lập gia đình và sinh con thì Thái tử dựa vào đâu để khẳng định “tình yêu và hạnh phúc lứa đôi” là giả tạm khi ngài chưa tùng kinh nghiệm qua? Ở đây, chúng ta thấy rõ tinh thần “tuỳ duyên bất biến” của Ngài rất tuyệt vời và cao thượng.
c. Sự xuất gia của Thái Tử Một vấn đề khác mà chúng ta nên lưu ý đó là vào lúc nửa đêm, Thái Tử vào phòng từ giã vợ đẹp con ngoan, sau đó Ngài cùng Xa Nặc (Channa- người quản xa) hướng về phía Đông môn vượt thành xuất gia ở độ 29 tuổi, vào năm 534 BC. Vượt dòng sông A-Nô-Ma (Anomā) qua bờ bên kia, Ngài tự cạo bỏ râu tóc và khoác áo Sa Môn[9]. Khi đề cập vấn đề này, chúng ta có những nhận xét như sau đây về sự xuất gia của Thái Tử: (1) thái độ ‘từ giã vợ con’ một cách vương vấn trước khi xuất gia có phải Ngài hối tiếc chăng? Không. Cử chỉ ấy thể hiện cho chúng ta rõ hai vấn đề: (a) biểu hiện phong cách lịch sự tế nhị của người chồng đối với vợ trước khi ra đi; (b) trong tình cảm của thế gian, không có gì khó khăn và đau khổ bằng sự chia tay với cha mẹ, anh em và người thân nhất của mình; đặt biệt là sự chia tay với người mình yêu. Đó là sự ràng buột chặt chẽ nhất mà người đời không thể vượt qua được. Vì vậy, người muốn xuất gia trước hết cần phải có lý trí, nghị lực và quyết tâm mới có thể cắt đứt được sợi ràng buột ấy. (2)‘ban đêm’ tượng trưng cho màn vô minh luôn ngự trị và ru ngũ tâm tư của con người đang say sưa trong ngũ dục của cuộc đời. Xuất gia vào ban đêm có nghĩa là luôn tỉnh thức trước màn đêm vô minh dẫy đầy những dục lạc khi con người muốn tìm cầu chân lý giải thoát giác ngộ. (3) hình ảnh Thái tử ‘vượt sông A-Nô-Ma, tự cạo bỏ râu tóc và khoác áo Sa Môn’ là muốn nói rõ rằng người phát tâm xuất gia cần phải trang nghiêm 2 mặt thân và tâm trong chánh niệm tỉnh giác: (a) Về thân: cạo bỏ râu tóc và khoác áo Sa Môn là muốn nhắc nhở chúng ta nên xã bỏ và không bị đắm nhiễm bởi những ràng buột thế gian như: tiền bạc, vật chất, địa vị, và danh vọng…; giữ vững lý chí và nghị lực trước những cạm bẫy cám dỗ ở đời. (b) Về Tâm: vượt qua dòng sông A-Nô-Ma cũng tức là vượt qua dòng sông tham dục, sân hận và si mê của chính mình. Có như thế, sự xuất gia mới đúng ý nghĩa thật sự của nó. Ta hãy xem Đức Phật kể lại chí nguyện xuất gia của Ngài: “… khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ…” [10]
C. SỰ TU HỌC CỦA THÁI TỬ SĨ ĐẠT TA 1. Tham học với các Đạo sĩ Sau khi từ giã vợ con, tự cạo bỏ râu tóc và khoác trên mình tấm y vàng theo hạnh tu sĩ, Thái tử đến tham học với Đạo sư Ālāra Kālāma tại Tỳ Xá Ly (Vaishali) về lối thiền định và đã đạt đến quả vị Vô Sở Hữu Xứ (Nonexistence – Ākiñcaññayatana). Kế tiếp, Ngài tham học với Đạo sư Uddaka Rāmaputta tại Vương Xá Thành (Rājagaha) về phương pháp thiền định và đã chứng đắc quả vị Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Neither Perception nor Non-Perception– Nevasanna Nasannayatana). Đó là 2 cấp thiền theo phép Du Già thuộc cõi Vô Sắc Giới. Trước hết, chúng ta tìm hiểu về quả vị Vô Sở Hữu Xứ (Nonexistence– Ākiñcaññayatana), nó là xứ thứ 3 trong 4 xứ (Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hứu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ) thuộc Vô Sắc Giới. Người tu thiền định, đầu tiên quán hư không là vô biên và chứng đắc quả vị này gọi là Không Vô Biên Xứ; kế đến rời bỏ cái Không vô biên để tiếp quán về Thức là vô biên, chứng đắc quả vị này gọi là Thức Vô Biên Xứ; sau đó rời bỏ Thức vô biên để quán tiếp cái sở duyên của nó (Không và Thức) đều là không có, chứng đắc quả vị này gọi là Vô Sở Hữu Xứ.[11] Kế đến, quả vị Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Neither Perception nor Non-Perception–Nevasanna Nasannayatana) có nghĩa là: chẳng phải tưởng, chẳng phải không tưởng; là xứ thứ 4 trong 4 xứ (như trên). Người tu pháp thiền định cực kỳ tịch tĩnh, không như thô tưởng ở tầng dưới, tâm tưởng tuy có nhớ nhưng là không, nên gọi là phi tưởng. Nếu tưởng hoàn toàn không còn nữa thì giống si ám, vì vẫn còn tế tưởng cho nên gọi là phi phi tưởng. Hay nói khác, người tu phép thiền định này phải đạt tới tâm lý trong đó cả hai niệm về hữu tri và vô tri đều được loại trừ, chứng đắc quả vị này gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.[12] Ở phần này, chúng ta nhận thấy tinh thần nổ lực quyết tâm cầu học của Thái tử rất cao. Trong suốt sáu tháng tu học, Ngài không một chút sao lãng việc thực hành thiền định và không bao giờ tự thỏa mãn điều mà mình đã chứng đắc từ 2 vị Đạo sư Ālāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta. Cuối cùng, Thái Tử Siddhattha đã trực nhận rõ ràng rằng: Qua hai phương pháp thực hành thiền định hướng sâu vào nội tâm (đó là lối thiền định qua cách sống và an trú pháp) của hai vị đạo sư chỉ đưa đến quả vị Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, nhưng chưa phải là chân lý tối hậu, không đưa đến sự thoát ly tham dục, sự an tịnh, sự xã ly, sáng suốt, sự giác ngộ và giải thoát hoàn toàn[13]. Vì vậy, Ngài từ giã 2 vị đạo sư và quyết định chọn lối tu khổ hạnh cho chính mình. 2. Sáu năm tu khổ hạnh Rời khỏi am thất của đạo sư Uddaka Rāmaputta và hội chúng, Ngài du hành về hướng Tây nam đến một khu rừng hoang vu xa vắng tại Uruvela, thị trấn của Senāni, một khu rừng thật sự rất khó khăn cho việc tu đạo đối với một vị Thái tử Sát-đế-lỵ ở độ tuổi 30 mươi. Chúng ta có thể hình dung khu rừng đó ra sao khi đọc lại một đoạn kinh mà Đức Phật đã kể cho Bà la môn Jānussoni: “Thật khó kham nhẫn những trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn, đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Ta nghĩ rằng rừng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỳ kheo chưa chứng thiền định…Những sa môn hay Bà la môn nào, thân…, khẩu,… ý nghiệp không thanh tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước… chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên.”[14] Ở phần này, chúng ta có thể nhận ra quá trình hành trì khổ hạnh của Thái tử ở nhiều giai đoạn khác nhau qua phương pháp tu hướng nội và hướng ngoại như được trình bày rõ ràng như dưới đây: a. Tu hướng nội Nhà khổ hạnh trẻ Siddhattha bắt đầu thực hành khổ hạnh qua lối tu hướng nội bằng cách nghiến răng, chận lưỡi trên vòm họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm và đánh bại tâm bằng cách kiềm hãm ý niệm bất thiện với ý niệm thiện, … Kết quả là mồ hôi đổ ra từ hai nách, thân chịu sự đau đớn, bị khuấy động và không khinh an.[15] Kế tiếp, Ngài “hành thiền nín thở” bằng cách kiềm chế hơi thở từ mũi, miệng và lỗ tai, … Kết quả là cảm giác nóng bỏng đốt cháy toàn thân, những cơn đau nhức khủng khiếp trong đầu và những cơn đau co thắt dạ dày[16], … nhưng kết quả là không đạt được sự an tịnh trong tâm hồn. Ngài đã trực nhận rằng TÂM là phương tiện có thể làm cho thuần thục, nhưng cứu cánh và giác ngộ thì không thể đạt được bằng sự ép buột khổ hạnh và thiếu trí huệ. Từ hai phương pháp tu hướng nội như trên, chúng ta nhận ra một vấn đề rằng dù hành giả có cố gắng chế ngự và ép buột tâm bằng sự nghiến răng, chận lưỡi, hoặc đè nén hay nín hơi thở của mình, … Tất cả đều vô dụng, không có lợi ích thiết thực cho một hành giả tìm cầu giải thoát giác ngộ mà trái lại tâm càng dao động, không đem lại sự an tịnh và khinh an cho nội tâm. Ngài lại tiếp tục nghiên cứu lối tu thiền theo chiều hướng ngoại. b. Tu hướng ngoại Ngài bắt đầu với lối sống lõa thể, không nhận thức ăn đem đến mà phải đi khất thực. Hạn chế trong ăn uống, một tuần ăn một lần. Không tắm rữa, không ngồi mà chỉ đứng, dựa lưng, hoặc ngồi hổm trên gót chân. Khi cần nằm thì nằm trên gai nhọn… Mùa đông mặc toàn giẻ rách, vải liệm tử thi, rơm cỏ, da súc vật khô…; ban ngày sống trong rừng thưa, ban đêm sống ngoài trời. Mùa hạ ban ngày sống dưới ánh nắng mặt trời, ban đêm sống trong rừng rậm… Kết quả cuối cùng trong quá trình tu hướng ngoại là sức tàn, hơi kiệt, cơ thể gầy yếu và xương cốt loài ra…, không đạt kết quả giải thoát thù thắng.[17] Chúng ta đã chứng kiến trong suốt thời gian dài sáu năm hành trì khổ hạnh từ hướng ngoại đến hướng nội, Thái Tử Siddhattha không đạt được mục đích giác ngộ và giải thoát tối thượng; mà trái lại, kết quả mang đến chỉ là sự suy nhược và đau đớn về thể xác cũng như tinh thần[18]. Ngài đã tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng: “…theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được pháp Thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí huệ. Chính Thánh trí huệ này chứng được thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau (…even by this procedure, by this course, by this mortification, did not reach states of further-men or the excellent knowledge and insight befitting the Aryans. What was the cause of this? It was that by these there is no reaching the Aryan intuitive wisdom which, when reached, is Aryan, leading onwards, and which leads onwards the doer of it to the complete destruction of anguish)” [19] Thật sự, với một thân thể gầy gò bạc nhược phô bày mọi dấu hiệu kiệt quệ không thể là tối ưu để mưu cầu giải thoát tâm linh, vì thế Ngài đã từ bỏ lối sống tu hành khổ hạnh, nhịn ăn và trở về một lối sống quân bình hơn. Đó là lối sống tu tập theo con đường Trung Đạo (Middle Path)[20], một con đường tu tập trách xa hai cực đoan: ép xác khổ hạnh và đời sống sung túc. Hay nói khác hơn, con đường Trung Đạo đó chính là Bát Chánh Đạo.
D. KẾT LUẬN Qua sự nghiên cứu về đề tài “Xuất gia và Tu Học” của Thái Tử Siddhattha, chúng ta có thể khẳng định mạnh mẽ rằng: Đối với người muốn phát tâm xuất gia cầu đạo giải thoát trong thời đại ngày nay, vị ấy trước hết nên cần phải: a. Liễu ngộ về bản chất vô thường khổ đau của cuộc đời theo qui luật tất yếu của hiện tướng: Sanh, Già, Bệnh và Chết; hay ‘Thành, Trụ, Hoại và Không; hoặc ‘Sanh, Trụ, Dị và Diệt’ bằng sự trực nhận tự tâm. Khi nhận thức được như thế, vị ấy mới có thể mạnh mẽ vượt qua mọi cạm bẫy cuộc đời (sự tranh chấp, sát hại, danh lợi, địa vị, vật chất, uy quyền, thế lực…) b. Làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội. Ở đây, không phải giống như Thái tử Siddhattha là phải lấy vợ, sanh con…, mà chính là sự hài hòa trách nhiệm của mình giữa gia đình và xã hội trên tinh thần ý thức, quyết tâm và hợp lý. c. Trên con đường tu hành tầm cầu đạo giải thoát, hành giả cần phải có một tinh thần sáng suốt, một ý chí kiên quyết, nhẫn nại và vượt khó trước mọi thử thách, chông gai từ những quy luật tất yếu của cuộc đời mang lại. d. Tầm cầu một vị minh sư đúng nghĩa với đầy đủ tài đức song toàn để nương bóng tu học Pháp và Luật. e. Nương theo lý “Trung Đạo” làm nền tảng tu học vững chắc trên tinh thần “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” trong suốt hành trình xuất gia tu học. Có như thế, ý nghĩa “xuất gia và tu học” của Phật giáo ngày càng tăng thêm giá trị thiết thực của nó trong cuộc sống hiện đại, và tô điểm thêm cho nền triết học văn chương Phật Giáo càng thêm phong phú. Thật hạnh phúc thay! Nếu như mỗi người xuất gia chúng ta đều hé nở cho mình một đoá hoa tâm tươi đẹp hòa quyện với những làn hương đức hạnh tinh khiết, thì cuộc đời sẽ chuyển hoá thành một vườn hoa giải thoát đang khoe sắc dưới những tia nắng ấm áp của Giới Định Huệ với đầy đủ muôn pháp.
SÁCH THAM KHẢO I. KINH TẠNG
T. W. & C. A. F Rhys Davids (trans.); T. W. Rhys Davids (ed), The Dialogues of the Buddha, Vol. II, London: PTS. 1995.
Woodward, F. L. (tr.), The Book of the Gradual Sayings, Vol. I London: PTS, 2000. Horner, I.B., The Middle Length Sayings, Vol.I (2000); Vol.II (1997), London: PTS. Minh Châu, Thích Trường Bộ Kinh, Vol. I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991. Minh Châu, Thích Tăng Chi Bộ Kinh, Vol. I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996. Minh Châu, Thích Trung Bộ Kinh, Vol. I & II, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992.
II. SÁCH
Ambedkar, B.R., The Buddha and His Dhamma, Nagpur – India: Buddha Bhoomi Publication, 1997. Heinz Bechert & Richard Gombrich (ed), The World of Buddhism, London: Thames and Hudson, 1984. Lamotte, E., History of Indian Buddhism, Louvain-la-Neuve - Paris: Institut Orientaliste de I’Université Cotholique de Louvain, 1988. Lowentstein, T., The Vision of the Buddha, London: Duncan Baird Publishers, 2000. Ñāṇamoli, The Life of the Buddha, Kandy – Sri-Lanka: Buddhist Publication Society, 1998. Nhất Hạnh, Thích Đường Xưa Mây Trắng, Sài Gòn: Lá Bối, 1994. Oldenberg, H., Buddha: His Life, His Doctrine, His Order, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1997. Schumann, H.W. (Auth); Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997. Singh, Rana P.B., Where the Buddha Walked, Varanasi: Indica Books, 2003. Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, Kandy: Buddhist Publication Society, 1997. Wickremesinghe, K.D.P., The Biography of the Buddha, Colombo: Priyanka Lakshman Wickremesinghe, 2002. III. TỪ ĐIỂN
Hastings, J. (ed), Encyclopaedia of Religion and Ethics, Vol. II, London & New York: T&T Clark Ltd, 2003. Chân Nguyên & Tường Bách, Nguyễn Từ Điển Phật Học, Huế: Nhà Xuất bản Thuận Hoá, 1999. Kapoor, S., The Buddhists Encyclopaedia of Buddhism, New Delhi: Cosmo Publications, 2001. Kim Cương Tử, Từ Điển Phật Học Hán Việt, Vol. II, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1994. Malalasekera, G.P.(ed.), Encyclopaedia of Buddhism , Vol. I, Ceylon: The Department of Buddhist Affairs, Ministry of Buddhasasana, 1997. Trung Còn, Đoàn Phật Học Từ Điển, Vol. III, TPHCM: Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh, 1997.
[1] Thích Minh Châu, Đức Phật của Chúng Ta, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2005, trang 47ff; Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng, Sài Gòn: Lá Bối, 1994, trang 39. [2] Xem thêm K.D.P. Wickremesinghe, The Biography of the Buddha (Lịch Sử Đức Phật), Priyanka Lakshman Wickremesinghe, 2002, trang 32ff. [3] The Mahāpadāna Suttanta (The Sublime Story) trong The Dialogues of the Buddha II, T. W. & C. A. F Rhys Davids (trans.), T. W. Rhys Davids (ed), London: PTS, 1995, trang 18f; HT. Thích Minh Châu, ‘Kinh Đại Bổn’ trong Trường Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, trang 431ff. [4] The Mahāpadāna Suttanta (The Sublime Story) trong The Dialogues of the Buddha II, T. W. & C. A. F Rhys Davids (trans.), T. W. Rhys Davids (ed), London: PTS, 1995, trang 18ff; HT. Thích Minh Châu, ‘Kinh Đại Bổn’ trong Trường Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, trang 462ff; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 119ff; Etienne Lamotte, ‘The Buddha, His Teachings and His Sangha’ trong Heinz Bechert & Richard Gombrich (ed), The World of Buddhism’, London: Thames And Hudson, 1984, trang 41; Dr. B.R. Ambedkar, The Buddha and His Dhamma, Nagpur – India: Buddha Bhoomi Publication, 1997, trang 10ff; Tom Lowentstein, The Vision of the Buddha, London: Duncan Baird Publishers, 2000, trang 12f. [5] Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, Kandy: Buddhist Publication Society, 1997, trang 4; Hermann Oldenberg, Buddha: His Life, His Doctrine, His Order, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1997, trang 103; A.S. Geden, ‘Buddha, Life of The’ trong James Hastings (ed), Encyclopaedia of Religion and Ethics, Vol. II, London & New York: T&T Clark Ltd, 2003, trang 681f; A.S. Geden, ‘Buddha, Life of The’ trong Subodh Kapoor, The Buddhists Encyclopaedia of Buddhism, Vol. I, New Delhi: Cosmo Publications, 2001, trang 182; Rana P.B. Singh, Where the Buddha Walked, Varanasi: Indica Books, 2003, trang 17; E. Lamotte, History of Indian Buddhism, Louvain-la-Neuve: Institut Orientaliste de I’Université Cotholique de Louvain, 1988, trang 15. [6] The Mahāpadāna Suttanta (The Sublime Story) trong The Dialogues of the Buddha II, T. W. & C. A. F Rhys Davids (trans.), T. W. Rhys Davids (ed), London: PTS, 1995, trang 18ff; HT. Thích Minh Châu, ‘Kinh Đại Bổn’ trong Trường Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, trang 462ff; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 119ff; Etienne Lamotte, ‘The Buddha, His Teachings and His Sangha’ trong Heinz Bechert & Richard Gombrich (ed), The World of Buddhism’, London: Thames And Hudson, 1984, trang 41; Dr. B.R. Ambedkar, The Buddha and His Dhamma, Nagpur – India: Buddha Bhoomi Publication, 1997, trang 10ff; Tom Lowentstein, The Vision of the Buddha, London: Duncan Baird Publishers, 2000, trang 12f. [7] Xem thêm The Book of the Gradual Sayings I (.3.38), F. L. Woodward (tr.), London: PTS, 2000, p. 128f; HT. Thích Minh Châu, ‘Được Nuôi Dưỡng Tế Nhị’, Chương Ba Pháp trong Tăng Chi Bộ Kinh I (3.38), TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996, trang 259ff. [8] Xem thêm Dr. B.R. Ambedkar, The Buddha and His Dhamma, Nagpur – India: Buddha Bhoomi Publication, 1997, trang 13f; Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, Kandy: Buddhist Publication Society, 1997, trang 3; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 75ff; Etienne Lamotte, ‘The Buddha, His Teachings and His Sangha’ trong Heinz Bechert & Richard Gombrich (ed), The World of Buddhism’, London: Thames And Hudson, 1984, trang 41; E. Lamotte, History of Indian Buddhism, Louvain-la-Neuve: Institut Orientaliste de I’Université Cotholique de Louvain, 1988, trang 15. [9] Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, Kandy: Buddhist Publication Society, 1997, trang 5; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 119ff; HT. Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng, Sài Gòn: Lá Bối, 1994, trang 69ff. [10] HT. Thích Minh Châu, ‘Kinh Thánh Cầu’ trong Trung Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, trang 367; I.B. Horner, ‘Discourse on the Aryan Quest’ trong The Middle Length Sayings I.26, London: PTS, 2000, trang 207. [11] Xem thêm ‘Vô Sở Hữu Xứ’ (Nonexistence - Ākiñcaññayatana) trong G.P Malalasekera (ed.), Encyclopaedia of Buddhism, Vol. I, The Department of Buddhist Affairs, Ministry of Buddhasasana, 1997, trang 350f; HT. Kim Cương Tử, Từ Điển Phật Học Hán Việt, Vol. II, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1994, trang 1873; Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, Vol. III, Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh, 1997, trang 648; Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, Từ Điển Phật Học, Nhà Xuất bản Thuận Hoá - Huế, 1999, 473; HT. Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng, Sài Gòn: Lá Bối, 1994, trang 82f. [12] Xem thêm Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Neither Perception nor Non-Perception– Nevasanna Nasannayatana) trong HT. Kim Cương Tử, Từ Điển Phật Học Hán Việt, Vol. II, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1994, trang 1179; Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, Vol. III, Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh, 1997, trang 641f; Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, Từ Điển Phật Học, Nhà Xuất bản Thuận Hoá - Huế, 1999, 473; HT. Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng, Sài Gòn: Lá Bối, 1994, trang 89f. [13] Xem thêm Đạo Sư ‘Ālāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta’ trong HT. Thích Minh Châu, ‘Kinh Thánh Cầu’ trong Trung Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, trang 367ff; I.B. Horner, ‘Discourse on the Aryan Quest’ trong The Middle Length Sayings I.26, London: PTS, 2000, trang 207ff; HT. Thích Minh Châu, ‘Kinh Bồ Đề Vương Tử’ trong Trung Bộ Kinh II, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, trang 569; I.B. Horner, ‘Discourse to Prince Bodhi - Bodhirājakumārasutta’ trong The Middle Length Sayings II.85, London: PTS, 1997, trang 281; K.D.P. Wickremesinghe, The Biography of the Buddha (Lịch Sử Đức Phật), Priyanka Lakshman Wickremesinghe, 2002, trang 53ff; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 125ff; Bhikkhu Ñāṇamoli, The Life of the Buddha, Kandy – Sri-Lanka: Buddhist Publication Society, 1998, trang 13ff; Dr. B.R. Ambedkar, The Buddha and His Dhamma, Nagpur – India: Buddha Bhoomi Publication, 1997, trang 64f; Tom Lowentstein, The Vision of the Buddha, London: Duncan Baird Publishers, 2000, trang 14; Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, Kandy: Buddhist Publication Society, 1997, trang 5ff; HT. Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng, Sài Gòn: Lá Bối, 1994, trang 80ff- 89ff. [14] HT. Thích Minh Châu, ‘Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm’ trong Trung Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, trang 43; I.B. Horner, ‘Discourse on Fear and Dread’ trong The Middle Length Sayings I.4, London: PTS, 2000, trang 22. [15] Xem thêm HT. Thích Minh Châu, ‘Đại Kinh Saccaka’ trong Trung Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, trang 531f; I.B. Horner, ‘Greater Discourse to Saccaka’ trong The Middle Length Sayings I.36, London: PTS, 2000, trang 297; K.D.P. Wickremesinghe, The Biography of the Buddha (Lịch Sử Đức Phật), Priyanka Lakshman Wickremesinghe, 2002, trang 58f; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 134f; Bhikkhu Ñāṇamoli, The Life of the Buddha, Kandy – Sri-Lanka: Buddhist Publication Society, 1998, trang 17; Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, Kandy: Buddhist Publication Society, 1997, trang 13. [16] Xem thêm HT. Thích Minh Châu, ‘Đại Kinh Saccaka’ trong Trung Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, trang 532ff; I.B. Horner, ‘Greater Discourse to Saccaka’ trong The Middle Length Sayings I.36, London: PTS, 2000, trang 297ff; K.D.P. Wickremesinghe, The Biography of the Buddha (Lịch Sử Đức Phật), Priyanka Lakshman Wickremesinghe, 2002, trang 59; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 135; Bhikkhu Ñāṇamoli, The Life of the Buddha, Kandy – Sri-Lanka: Buddhist Publication Society, 1998, trang 17f; Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, Kandy: Buddhist Publication Society, 1997, trang 13f. [17] Xem thêm HT. Thích Minh Châu, ‘Đại Kinh Saccaka’ trong Trung Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, trang 536ff; I.B. Horner, ‘Greater Discourse to Saccaka’ trong The Middle Length Sayings I.36, London: PTS, 2000, trang 300ff; HT. Thích Minh Châu, ‘Đại Kinh Sư Tử Hống -Mahāsīhanādasutta’ trong Trung Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, trang 180ff; I.B. Horner, ‘Greater Discourse the Lion’s Roar - Mahāsīhanādasutta’ trong The Middle Length Sayings I.12, London: PTS, 2000, trang 103ff; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 135ff; Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, Kandy: Buddhist Publication Society, 1997, trang 14f. [18] Dr. B.R. Ambedkar, The Buddha and His Dhamma, Nagpur – India: Buddha Bhoomi Publication, 1997, trang 63ff-65ff. [19] HT. Thích Minh Châu, ‘Đại Kinh Sư Tử Hống -Mahāsīhanādasutta’ trong Trung Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, trang 187f. Xem thêm I.B. Horner, ‘Greater Discourse the Lion’s Roar - Mahāsīhanādasutta’ trong The Middle Length Sayings I.12, London: PTS, 2000, trang 108. [20] Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, Kandy: Buddhist Publication Society, 1997, trang 17f. http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/xuatgia_tuhoc_Si_DatTa.htm |
Vào mạng: 1-7-2006 |