NHÂN
DUYÊN HÌNH THÀNH NGÔI CHÙA
- Nam mô A Di Đà Phật.
- - Ngưỡng bạch chư Tôn Đức, Tăng-Ni,
- - Kính thưa toàn thể chư liệt quí vị,
Việt Nam Phật Quốc Tự
là tên gọi của một ngôi chùa Việt Nam, lần đầu tiên có mặt trên đất
nước Ấn Độ. Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, gần Bồ-đề
Đạo tràng, nơi Đức Từ Phụ Thích-ca ngồi dưới cội Bồ-đề thành đạo
cách nay gần 3 thiên niên kỷ, và cũng chính là Thánh tích quan trọng và
có ý nghĩa nhất trong bốn Thánh tích của Phật giáo, được khắp năm châu
biết đến như ngày hôm nay.
Lần đầu tiên khi chúng
tôi đặt chân đến nơi này, lòng dâng lên một niềm cảm xúc vô hạn khi
nhận thấy cái nôi Phật giáo, nơi sản sinh ra một bậc vĩ nhân, mang lại
ánh sáng trí tuệ, bình đẳng và sự thịnh vượng cho nhân dân Ấn Độ nói
riêng và nhân loại nói chung, sự đóng góp đó hơn suốt 10 thế kỷ.
Nhưng kể từ thế kỷ thứ 13 trở đi, Phật giáo Ấn Độ chẳng may bị
pháp nạn Hồi giáo làm mất đi gần hết những di sản quí báu nhất, để
ngày nay, Phật giáo Ấn Độ chỉ còn là một con số rất khiêm tốn so với
các tôn giáo khác đang có mặt. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á vẫn tiếp
nối và phát triển mạnh nền tảng triết lý Từ bi, Vô ngã, Vị tha và
Bình đẳng của Đạo Phật như là một người bạn đồng hành, một nguồn
sinh lực không thể thiếu trong cơ thể, để quân bình đời sống giữa vật
chất và tinh thần cho từng cá nhân qua nhiều thời đại, trong đó, có đất
nước và dân tộc Việt Nam. Nên khi, nhìn thấy các chùa của nhiều nước
trong khu vực đã và đang góp phần làm hồi sinh lại cái nôi Phật giáo tại
Thánh địa Bồ-đề đạo tràng, như gìn giữ những di sản vô giá cùa
nhân loại, thì lẽ đâu, Phật giáo Việt Nam lại không có sự góp phần
thiết thực vào công cuộc thiêng liêng đó. Vì vậy, chúng tôi đã ấp ủ
nguyện ước khi còn ngồi trên ghế của Trường đại học Nalanda, xây dựng
một ngôi chùa Việt Nam, để mỗi khi chư tôn đức Tăng-Ni, quí Phật Tử
khắp nơi trên thế giới nói riêng và cho tất cả những người con Phật
nói chung trở về cội nguồn chiêm bái các Thánh tích, có được một nơi
trang nghiêm thanh tịnh để tăng trưởng Bồ-đề tâm, và cảm nhận thêm
nhiều niềm hạnh phúc, an lạc trong những ngày tháng lưu lại trên đất
Phật.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi
đi hơn suốt 20 năm, chúng tôi nhận được khá nhiều những niềm khích lệ
lớn lao từ các bậc trưởng thượng, các pháp lữ và những tấm lòng son
thiết tha yêu mến đạo pháp của quí Phật Tử khắp nơi hướng về. Chính
vì những lý do đó, chúng tôi không ngần ngại đem chút ít tài sơ đức bạt
để đóng góp cho nền Văn hiến mấy nghìn năm của dân tộc trên đất Phật
lịch sử. Như chúng ta đã thấy các truyền thống văn hoá của Phật giáo
Việt Nam không thua kém bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Là người
Phật tử Việt Nam chúng ta cần nâng cao ý thức bảo tồn những di sản văn
hóa mà các bậc tiền nhân đã dầy công tạo dựng. Niềm mơ ước muốn
đem cái giá trị đích thực đó giới thiệu đến các nước cộng đồng
Phật giáo trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung đã trở thành động
lực chính yếu giúp chúng tôi bền chí bám trụ và vượt qua những năm tháng
cực kỳ khó khăn, biến nguyện ước trở thành hiện thực. Cuối cùng,
duyên lành đã hội đủ; chúng tôi mua được miếng đất, và làm lễ đặt
viên đá đầu tiên vào ngày 24-05-1987, đó cũng chính là ngày đáng ghi nhớ
để đưa ngôi chùa Việt Nam đi vào hoạt động trên đất Phật như ngày
hôm nay.
II. ĐỊA
PHẬN CỦA CHÙA
Việt Nam Phật Quốc Tự tọa
lạc trên một khu đất rộng khỏang 15 công, giữa những ruộng đất bao
la, cách Bồ-đề đạo tràng và khu thị tứ 2 km về phía Tây Nam. Vì, đất
mua được đến đâu chúng tôi cho xây dựng những công trình đến đó,
nên chu vi và những cấu trúc cũng bị lệ thuộc theo không gian hiện có của
chùa. Đó là sự việc ngoài ý muốn của chúng tôi. Tuy nhiên khu đất rộng
rãi đã tạo nên quang cảnh của chùa yên tĩnh, thoáng mát và đầy những
tiếng chim chóc hót líu lo khi ngồi nghỉ chân dưới những tàng cây rợp
bóng mát. Một khung cảnh an tĩnh như vậy chắc chắn rất thích hợp cho việc
tu tập và thiền định trong những ngày quí vị đến chiêm bái Thánh địa
và lưu lại nơi đây. Khác với những ngôi chùa lân cận vốn được xây
dựng bằng kinh phí của quốc gia, Việt Nam Phật Quốc Tự được dựng lên
bằng những nỗ lực cá nhân cộng với sự hỗ trợ của tăng ni Phật tử
các nơi nên các phương tiện vật chất của chùa cũng khiêm tốn và kém
tiện nghi. Song, nó đã được sự bù lấp lại bằng sự có mặt của nhiều
cây ăn trái và hoa quả từ quê hương mang sang. Vì vậy, trong những ngày lưu
lại nơi đây các vị sẽ cảm nhận phần nào hương vị của một "Việt
Nam xanh và thiên nhiên" trên mảnh đất trù phú của Ấn Độ.
- III. CẤU TRÚC
- 1/ Chính điện
Từ cổng chính đi vào, các
vị sẽ thấy ngôi chùa được xây dựng kiên cố bằng bê-tông, cốt sắt
với cấu trúc hình vuông và 2 mái cong vươn cao giữa những tàng cây, như
đóa sen vượt khỏi mặt nước bùn lầy, tỏa hương thơm nhằm góp phần
mang lại sự trong sáng, tinh khiết, để tô điểm cho cuộc sống mỗi ngày
thêm được thăng hoa và đầy ý nghĩa. Đồng thời, kiến trúc của ngôi
chánh điện cũng thể hiện được truyền thống bất khuất trước ngoại
xăm của dân tộc Việt Nam.
Chánh điện có chu vi 64m
vuông với chiều cao 24m, gồm 3 tầng. Tầng trệt là pháp xá có thể dung
chứa cho 30 mươi vị khách Tăng mỗi khi trở về chiêm bái Thánh địa. Tầng
thứ 2 dùng để trưng bày những di tích, kinh sách, pháp khí trong và ngoài
nước. Tầng thứ 3 là tôn thờ Đức Bổn Sư Thích-ca và chư vị Bồ-tát.
Phía sau chính điện là hậu Tổ, tôn thờ các vị Thánh đệ tử và các vị
Thánh Tăng Việt Nam qua các triều đại. Đối diện với bàn thờ Tổ là
bàn tưởng niệm các vị anh linh tổ quốc Việt Nam.
2/ Tháp Vạn
Phật
Được an trí phía trước bên
trái của chính điện, với bán kính là 12m và tổng chiều cao là 22m, chia
đều cho 7 tầng. Bên trong tôn thờ Xá-Lợi Đức Phật Thích-ca và 10.000 vị
Phật, còn lại tầng hầm sẽ thờ chư hương linh quá vãng.
3/ Đài
Quan Âm
Có thể nói đây là nét
riêng của Việt Nam Phật Quốc Tự, vì Bồ-tát Quán Âm có 3 gương mặt khác
nhau, để thể hiện tính độ sinh bất khả tư nghì của ngài:
- " .. Quan Âm sức trí diệu,
- hay cứu đời thoát khổ,
- đầy đủ sức thần thông,
- rộng tu trí phương tiện,
- các cõi nước mười phương,
- không cõi nào chẳng hiện.."
Tổng diện tích của đài
Quan Âm sẽ gấp bốn lần, và cấu trúc hoàn toàn giống chùa Một cột ở
Miền Bắc hiện nay, nhằm để giới thiệu nét văn hóa của Phật giáo Việt
Nam cho các nước Phật giáo bạn.
Tuy nhiên, Tháp Vạn Phật
và đài Quan Âm chỉ mới đặt nền mống và sẽ được xây dựng trong tương
lai gần đây khi chúng tôi có đủ kinh phí và người cộng sự. Sau khi hoàn
tất 2 công trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng gác chuông, gác trống.
Hiện nay chúng tôi đã có đại hồng chung, nặng 2 tấn rưỡi, với bán
kính 1,50m và chiều cao là 2,60m; trống sấm có bán kính là 1m và chiều
dài là 1,50m, tất cả đều được làm từ trong nước, để mang nét đặt
thù của dân tộc.
IV. PHÁP
XÁ
Hiện nay, chùa đã đưa vào
sử dụng 2 dãi pháp xá, một dãi được xây dựng dọc theo khu đất với
chiều dài là 47m, gồm có 3 tầng và 21 phòng, mỗi phòng có thể chứa được
3 người. Tuy nhiên, trong thời gian qua do chờ đợi chính điện hoàn tất,
chúng tôi đã sử dụng 2 phòng to để làm chính điện và thiền đường,
cho chư tôn đức Tăng-Ni và quí Phật Tử có nơi tụng niệm, lễ bái và
tu tập thiền định, ngỏ hầu tăng thêm phước báu trong những ngày lưu lại
tại bổn tự. Phía trước mỗi phòng đều có bia đá khắc tên các vị
Thánh tăng và danh Tăng Việt Nam, nhằm bày tỏ niềm kính nhớ công hạnh
và sự đóng góp to lớn của quí ngài cho quê hương. Và dãi pháp xá thứ
2 được xây dựng theo chiều ngang của khu đất, với chiều dài 49m, chiều
ngang 16m, gồm có tất cả là 13 phòng, trong đó một nhà ăn 8 x 12m có thể
để được 3 dãi quá đường. Dự kiến, dãi pháp xá này sẽ được lên
thêm 2 tầng và đồng thời trang trí nội thất một tầng hầm, dành cho những
phái đoàn có đi chiêm bái vào mùa Hè thì cũng sẽ có nơi nghỉ ngơi, để
tránh cái nóng khắc nghiệt của thời tiết xứ Ấn độ.
V. KHU VƯỜN
Như chúng tôi đã đề cập,
do vì không được sự hổ trợ kinh phí của quốc gia, nên chúng tôi chỉ
xây cất chùa theo khả năng có được từ những tấm lòng son của chư tôn
đức Tăng-Ni, quí Phật Tử, đệ tử và những người học trò của chúng
tôi ủng hộ. Vì vậy, chúng tôi đã phát huy khu vườn với nhiều cây
trái để tạo cảnh thiên nhiên cho ngôi chùa; đồng thời cũng là một biểu
hiện góp phần gìn giữ môi sinh để quân bình sinh thái cho nhân loại
tránh đi nạn thiên tai, lũ lụt trong những thập niên qua.
1/ Cây
ăn trái
Dọc theo những con đường
nhỏ quanh co uốn lượn trong khuôn viên của chùa, chúng tôi trồng nhiều
cây ăn trái của vùng nhiệt đới và quen thuộc với người Việt Nam như:
cây trái vãi, măn cục, mít, táo, cam, bưởi, xoài (gồm có 30 loại khác
nhau), ổi xá lị (cũng có đến 12 loại), và nhiều loại cây trái khác, đã
và đang cho quả trong nhiều năm qua.
2/ Các loại
hoa kiểng
Phía trước chính điện và
2 dãi pháp xá, chúng tôi đã trồng nhiều loại hoa kiểng được mang giống
từ quê nhà sang: Hoa đào, mai vàng, mai trước thuỷ, lan, sứ, thiên lý ...,
và các loại cây kiểng: Tùng, trắc bá diệp, sao, thông, tre, tầm vong,
trúc, cau, ngâu, phượng vĩ, điệp tây... Mặc dù, cây kiểng hoa quả được
trồng khá nhiều trong khuôn viên, nhưng mỗi lần về thăm quê huơng, hoặc
có những Phật Tử sang đây, chúng tôi đều cố gắng hoặc nhờ người
mang thêm nhiều loại khác để giúp cho khung cảnh của chùa trở nên phong
phú và thật sự là thiên nhiên Việt Nam.
3/ Những
cây cỏ có liên quan đến lịch sử Đức Phật
Chúng tôi không chỉ tạo cảnh
thiên nhiên thuần túy cho chùìa và môi sinh mà còn hướng đến sự duy trì
lịch sử Phật giáo, qua những loại cây cỏ có liên quan đến đời sống
của Đức Phật ngày xưa: cây Sampala mà Đức Phật đã hái nắm lá để
chỉ cho hàng Thánh đệ tử về giáo pháp của Ngài "... ý thậm thâm
vi diệu của giáo pháp mà tôi đã chứng đắc, nhiều như lá trong rừng,
và những gì tôi đã thuyết giảng cho các thầy chỉ bằng như nắm lá
trong tay của tôi vậy..." Cây quan trọng không kém đó là cây Long-Hoa
(Nagarsana) mà Đức Phật đã thọ ký cho ngài Di-lặc sẽ ngồi dưới cội
cây này thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong tương lai. Cây
đó, hiện nay tại Ấn Độ dường như đã mất giống. Chúng tôi đã sang
tận nước Miến Điện để mang về trồng. Kế đến là một loài cỏ mà
ngày xưa Đức Phật đã nhận sự cúng dường từ một đứa bé trai chăn
bò, dùng để trải dưới cội Bồ-đề ngồi thiền định. Ngoài ra, còn
nhiều loại cây khác như: Trúc, Ta-la Song thọ, Ashok (Vô Ưu) ... đã được
chúng tôi chăm sóc cẩn thận như gìn giữ một di sản vô giá của Phật
giáo.
VI. LỜI
KẾT
Thưa các vị, chúng tôi đã
sống xa quê hương hơn 30 năm chỉ với một nguyện ước duy nhất là cố
gắng xây dựng được một ngôi chùa mang tên Việt Nam thân yêu, trên mảnh
đất cội nguồn của Đạo Phật, như mang đóa hoa đến một vườn hoa để
tạo nên một gam màu hài hòa cho cuộc sống mỗi ngày thêm đầy ý nghĩa.
Đồng thời, cũng muốn góp tiếng nói nho nhỏ cho quê hương, cho dân tộc
và Phật giáo Việt Nam, ra thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, những thành công
khiêm tốn này của thầy trò chúng tôi chỉ như là người lót đá đầu
tiên cho một con đường, nên còn rất nhiều sự thiếu sót bởi khả năng
và những mặt khách quan khác. Vì vậy, chúng tôi luôn nguyện cầu Tam Bảo
gia hộ, để trong tương lai có được các vị chân tu, thật tài đến đây
gìn giữ và phát triển đúng với tầm vóc, một ngôi chùa đại diện cho
dân tộc và Phật giáo Việt Nam trên đất Phật; đồng thời, góp phần
tô điểm cho Thánh địa nở hoa Từ-bi, để mang lại nền hòa bình chân
chính cho nhân loại trong thế kỷ thứ 21 này.
Ngoài ra, chúng tôi cũng ước
mong chư tôn đức Tăng-Ni và quí Phật Tử khắp nơi trên thế giới, hãy một
lần trở về cội nguồn đất Phật để chiêm bái các Thánh tích, nhằm
phát triển đạo tâm và niềm hạnh phúc, an lạc cho đời này và nhiều đời
sau. Đồng thời, hình ảnh của các vị sẽ là một trong những yếu tố
làm làm hồi sinh lại các Thánh tích và Phật giáo Ấn Độ, để nhân loại
có một hướng đi "Trung Đạo" quân bình giữa vật chất và tinh
thần mà không phải mất cân đối như hiện nay!
Việt Nam Phật Quốc Tự sẽ
nhiệt tâm chào đón toàn thể chư liệt quí vị trong những ngày tháng đến
chiêm bái Thánh địa và lưu lại bổn tự, như là niềm khích lệ lớn lao
cho thầy trò chúng tôi trên bước đường phụng sự "Phật pháp"
! Đồng thời, thành tâm kính chúc toàn thể quí vị được vô lượng công
đức, vô lượng an lạc, hạnh phúc sau chuyến chiêm bái. Kính mong rằng,
khi trở về các vị sẽ được thành công trên nhiều phương diện, ngỏ hầu
làm tốt đạo đẹp đời cho quê hương Việt Nam trong hiện tại và mãi đến
ngàn sau!
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát.
- Thay mặt hội đồng điều hành VNPQT.
- Kính ghi,
- TT. THÍCH HUYỀN DIỆU
(Hiệu đính
ngày 16-6-2000)