Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Hành Hương Nhật Bản

 

(Chương trình du lịch Nhật Bản do Chùa Minh Giác tổ chức từ ngày 7 đến ngày 14 thâng tư 1999.)

 

Sáu giờ 15 sáng ngày 08-04-1999 máy bay của hãng Qantas đáp xuống phi trường

Narita, Tokyo. Có sẵn xe Bus chở về khách sạn Shiba Park. Nhân viên cho hay là phòng chỉ sẵn sàng lúc 12 giờ trưa nên Thầy Thích An Thiên, trưởng đoàn dẫn đi thăm một ngôi chùa gần đó. Đi loanh quanh chừng hai ba con phố là tới nơi. Đây là chùa Tăng Thượng Minh Trị tiếng Nhật là Jojo-ji.

Chùa ngự trên một khu đất rộng với những kiến trúc trông rất đồ sộ nhờ mái chùa rất to và thân chùa ở trên nền cao. Tam quan là một cái tori lớn. Sân rất rộng, có những hàng quán bán quà bánh hay nước uống ở hai bên.

Phía trước chánh điện có lập một cái đài chăng vải với hàng chữ Nhật và ngày 8 tháng Tư, trên đài có tượng thái tử Tất đạt đa lúc đản sinh. Thiện nam tín nữ dùng gáo múc nước xối lên làm lễ tắm Phật. Người Nhật chỉ dùng Dương lịch, nên lấy luôn ngày 8 tháng Tư của DL làm ngày Phật Đản trong khi trên Thế giới chưa nơi nào làm lễ cả.

Không thể vào bên trong chánh điện vì có rào chặn, chỉ có thể nhìn sâu vào trong thôi nên không thấy thật rõ ràng các pho tượng Phật. Đi men phía hành lang thấy hai bên có hai cái trống sơn son gắn vào miếng gỗ như lưỡi lửa rất mỹ thuật. Trở ra sân, đi về bên phải thấy có một dãy bàn và năm sáu vị sư đứng rót trà đãi khách, trà uống rất ngon và miễn phí. Đi quá nữa về phía bên phải

thì có nhiều lều chăng dài thành những hàng quán bán bánh ngọt, trà. Tận cùng bên phải là những lớp lớp tượng nhỏ, đội nhiều thứ mũ đỏ và mặc nhiều áo đỏ khác nhau, tay cầm chong chóng, không hiểu đó là những hũ tro trí tự và hôm nay là thanh minh hay tượng có những ý nghĩa khác.

Một bảng viết bằng chữ Nhật có pha rất nhiều Hán tự ghi là ngoài chùa thờ Phật ra còn có miếu thờ Thánh Đức thái tử là vị đã cho đem Phật giáo vào nước Nhật và lăng mộ của Tướng quân Đức Xuyên tiếng Nhật là Tokugawa Shogun.

Trở về chùa nhận phòng ốc. Nhân viên tiếp đãi rất lịch sự. Có rất nhiều người Nhật mặc quần áo complet (bộ đồ lớn) xách cặp đi đi lại lại có vẻ như đến tham dự một cuộc hội thảo kinh doanh.

Hotel mang tên Shiba Park, chữ Nhật viết là Chi Bát. Chi Bát có lẽ là tên một khu vực vì lối vào chùa Tăng Thượng có một cái cổng lớn mang tên Chi Bát Đại môn.

Đến 2 giờ Thầy dẫn ra phố, không biết đi đâu, đi mỏi chân vì khá xa, trời lại lộng gió và lạnh. Khi đến hiệu cơm chay Bồ Đề Thụ lúc 3 giờ mới biết là Thầy dẫn đi ăn trưa. Thầy tu theo Thiền Tông, ít nói và phái đoàn đông tới 47 người ồn ào, mỗi người mỗi ý, thích nói hơn nghe nên có lẽ Thầy đã nói là dẫn đi ăn trưa mà nhiều người không biết. Thầy đã đặt trước 47 phần ăn nhưng chỉ 40 người ăn gây ra khó khăn về lãnh đạo và tài chính.

Ăn no nê, lúc về lại đi xe lửa nên rất thoải mái. Khách sạn nằm rất gần Tháp Tokyo nên Thầy dẫn phái đoàn đến xem. Người Nhật rất thán phục và say mê Tháp Eiffel của Pháp tại Paris nên đã dựng lên Tháp Tokyo theo hình dáng Tháp Eiffel nhưng nhỏ hơn. Ban ngày nhìn không đẹp vì màu sơn hung hung đỏ nhưng ban đêm khi bật đèn thì tuyệt. Một số mua vé đi thang máy lên tháp, một số chờ tại gian hàng bán đồ kỷ niệm và cá vàng dưới chân tháp. Đến 6giờ 15 trở về khách sạn.

 

Thứ sáu 09 Tháng Tư 1999

Chính thức du lịch bằng Đi Tour Tokyo cả ngày do hãng du lịch Sachi tổ chức.

8giờ30 lên xe bus. Tour guide là cô Mimi (tên thật cô có nói nhưng không nhớ), cô đã tu nghiệp Anh Ngữ một năm tại nước Anh nên nói rất trôi chẩy. Cô cắt nghĩa từng chút một nhiều khi còn nói tiếng Nhật với Thầy nữa, nhưng trong xe bà con nói đủ thứ chuyện, ồn ào quá, khiến lắng tai mà vẫn không nghe hết những lời dẫn giảng của cô Mimi.  Tokyo là kinh đô hiện nay của Nhật,

âm Hán Việt là Đông Kinh. Trước đó kinh đô ở Kyoto (Kinh đô) và trước nữa là Kamakura (Kiếm Thương). Tokyo có 12 triệu dân, nhà cửa san sát có vẻ chật chội nhưng rất sạch sẽ và đẹp. Du khách thường đến thăm Hoàng Cung, Cầu Nijubashi, Công viên Ueno (để ngắm hoa anh   đào), Khu cửa hàng sang trọng Ginza, Akasaka Palace, Đền Minh Trị Thiên Hoàng, Các vườn Koraku, Kiyosumi và Riksugi, Viện bảo tàng Minh Trị và Tháp Đông Kinh. Thì giờ không nhiều nên chúng tôi chỉ thăm được vài nơi chính.

Trước nhất đến đền thờ vua Minh Trị (Mejji Shinto Shrine). Đây là ngôi đền  Thần Đạo (Shinto), tôn giáo đặc thù của Nhật thờ đức Thái Dương Thần Nữ cùng các vị thần khác, vua hay Thiên Hoàng được coi như thần thánh. Đền nằm trên khu đất khá rộng được sắp xếp và trang trí rất thanh nhã mỹ thuật. Cổng là một cái tori lớn, bên cạnh có cây tùng đã sống năm ngàn năm. Bước qua cổng ta thấy phía bên trái có một nhà nhỏ, một vị tu sĩ Thần đạo mặc lễ phục,

mặt đánh phấn, ngồi im như pho tượng, giống như vua hay các tướng quân trong phim Nhật. Đền chính là toà nhà lớn nhưng cũng như mọi nơi, chính điện bị ngăn ra, chỉ có thể nhìn từ xa chứ không phép đến gần. Thấy các nam tu sĩ và nữ tu sĩ tụ họp, xách cái thùng chạy, không biết làm gì  Phía tay phải có gian hàng bán đồ kỷ niệm.

Khi ra về, chỗ cổng vào có hồ nước và những dòng nước toát ra từ các mầm đá, du khách Nhật dùng những chiếc gáo bằng tre múc rửa tay và uống.

Ngoài cổng có một gian hàng sang trọng bán đồ kỷ niệm. Minh Trị vị vua danh tiếng vì đã duy tân nước Nhật trong vòng 30 năm. Chúng ta cần điểm sơ qua lịch sử Nhật. Căn cứ vào các di tích khảo cổ, các đảo Nhật bản đã có người đến ở từ 30,000 năm trước đây. Nhưng nước Nhật có lẽ được thành lập từ sự phối hợp của hai nhóm người, một từ bán đảo Mã Lai hay quần đảo Nam Dương, một từ đại lục Á Châu đến chinh phục thổ dân là người Ái Nô, xua đuổi họ lên các đảo miền cực bắc. Sử Nhật chỉ là những truyền thuyết cho đến khoảng năm 660 trước công nguyên mới được ghi chép rõ ràng. Vị vua đầu tiên là Jimmu. Đến năm 300 trước Công nguyên dân Nhật mới học được từ bên ngoài cách trồng lúa, đúc đồng, sắt và nghề dệt. Trong thế kỷ thứ 4, triều đại Yamato đánh thắng và thống nhất tất cả các hàng tướng sĩ tại trung tâm Honshu (Bản

đảo) và xây nhiều lăng tẩm to lớn. Dần dần chế độ phong kiến thành hình. Nghệ thuật viết chữ được nhập từ Cao ly vào TK 5. Phật giáo từ Cao ly du nhập Nhật bản vào TK 6, văn hóa Trung Quốc được mọi người chấp nhận. Chế độ quân chủ chuyên chế theo lối Trung quốc được củng cố, quyền hành thực sự nằm trong tay một số gia đình phong kiến như Fujiwara, Minamoto và Taira. TK 12 chứng kiến sự thành lập các chính phủ sứ quân (Shogunate) kéo dài tới năm 1868 là năm Sứ quân Đức Xuyên hay Tokugawa, thấy nước Nhật có thể bị các  nước Tây phương xâm chiếm nên trao trả hết quyền hành lại cho Thiên Hoàng.

Thiên Hoàng Minh Trị đã làm cho nước Nhật trở thành một cường quốc theo kiểu Tây phương trong thời gian kỷ lục là ba mươi năm.

Xe bus đưa chúng tôi đến Hoàng Cung. Nằm giữa khu có nhiều cao ốc là một giải tường thành bằng đá xám có hào sâu bao bọc. Đền đài của vua nằm bên trong, chúng tôi đứng ngoài xa nhìn chứ không được phép vào.

 

Chùa Quán Âm (Sanso-ji, Asakusa, Tokyo.

Chùa rất to, trên nền cao, nhìn thẳng ra một con phố có mái che, hai bên là vôsố các gian hàng bán đồ kỷ niệm, khách đi mua sắm đông nườm nượp. Vì thì giờ eo hẹp nên không vào trong chùa, vả lại chưa chắc đã được vào vì có rào cản.

Chỉ đứng bên ngoài ngắm nghía, chụp ảnh sau đó mau mau đi mua sắm. Phái đoàn  bi các sản phẩm mỹ thuật của Nhật “hớp hồn” nên chỉ la cà hết gian hàng này sang gian hàng khác quên hết thời gian khiến Thầy phải đi sau chót hối thúc đi mau cho kịp giờ. Một cái cổng lợp ngói, cột sơn son, treo một cái lồng đèn bằng giấy phất mầu đỏ đề chữ Lôi môn,chấm dứt ngõ bán đồ kỷ niệm. Nhìn bảng thấy mấy chữ “Kim Long Sơn”, có lẽ chùa này thuộc sơn môn Kim Long.

Ăn trưa tại một cửa hàng bán thức ăn thuần túy Nhật với cơm, đậu hũ ướp nước  đá, tempura, canh bằng đậu tương say, rau sống. Đáng chú ý là người Nhật say củ cải trắng để trộn với nước chấm. Họ có món gia vị đặc biệt gồm bẩy thứ tán nhỏ trộn vào nhau như ớt, vỏ cam, vỏ chanh. Tráng miệng là nửa trái bưởi nhỏ rắc đường cho bớt chua.

 

Từ 3giờ đến 4 giờ 50 xe bus chạy ra bến tầu để đi cruise mà theo quảng cáo của Symphony, Tokyo bay restaurant and party cruise, thì đó là cách hay nhất để ngắm hải cảng Tokyo. Tàu rất đẹp, salon, bàn ghế rất sang và nhân viên ăn mặc sang hơn du khách nhiều. Bát đĩa sang trọng nhưng chỉ có một tách cà phê (hay trà) và một đĩa bánh ngọt. Ăn xong là ra ngoài boong xem phong cảnh. Hãng Sea Line Tokyo tổ chức ba loại cruise: lâu 150 phút chạy ra cửa biển bên ngoài lượn quanh cái Tokyo light beacon, lâu 120 phút cũng ra outer harbor nhưng hải trình ngắn hơn, lâu 55 phút là loại chúng tôi đi chỉ chạy chút xíu trong inner harbor nên lúc nào cũng thấy kho hàng, nhà cửa và không biết đại dương ra sao.

Trên đường về khách sạn, xe chạy dọc phố chính của khu Ginza (Ngân tòa) là khu có nhiều cửa hàng sang trọng nhất Tokyo. Cô guide MiMi cắt nghĩa, vào TK 15,16 đây là khu tập trung của những thợ bạc, họ làm ăn khá, giàu có và dần dần biến khu này thành khu thương mại sầm uất.

Xe bus đưa phái đoàn về hotel. Mấy vị trẻ tuổi rủ nhau ra phố chơi tới khuya.

Thời gian ở lại Nhật quá ngắn nên phải tận dụng.

 

 

Thứ bảy 10-04-1999

Đi núi Phú sĩ và khu Hakone cả ngày, hãng du lịch đãi ăn trưa.

Rời thành phố, xe bus chạy ra vùng ngoại ô nên thấy nhà cửa và ruộng vườn Nhật tại thôn quê. Nhật bản có tên là Phù Tang tam đảo nhưng những đảo này tương đối nhỏ, lại lắm núi nên đất có thể trồng trọt rất ít. Nhật không có những cánh đồng cỏ ngút ngàn để làm mục trường như Trung Hoa, Mỹ hay Úc. Đúng là tấc đấc tấc vàng, họ tận dụng đất đai chứ không để cỏ dại mọc hoang tàn. Đường lên cao dần vì đã vào vùng núi. Hoa anh đào hầu như mọc khắp nơi nở trắng xóa hay hồng hồng coi đẹp như tranh vẽ. Chạy qua vài thị xã thì đến chân núi Phú sĩ.

 

Phú sĩ sơn là một ngọn núi lửa đã tắt hơn 300 năm nay. Nước Nhật có chừng 300 núi lửa nhiều ngọn vẫn còn phun lửa. Đường lên núi chia ra làm nhiều tầng, càng lên cao càng lạnh và thấy tuyết lác đác trên hai bên đường như nước đá bào. Các cây thông phía dưới thì cao lớn, càng lên cao càng lùn lại. Người Nhật rất “mê” núi Phú sĩ nên có câu: “Ai không leo núi Phú sĩ là người điên”. Nhưng nếu “Ai leo núi Phú sĩ hai lần cũùng là người điên luôn”. Chúng tôi không may mắn

vì trời mưa, càng lên cao càng mưa và tuyết đổ nhiều, cây cối và cảnh vật chung quanh trắng xóa một màu. Cô Mimi cho hay núi Phú sĩ được ví với cô gái cả thẹn, ít khi chịu lộ mặt cho thiên hạ ngắm. Núi thường thấy rõ vào mùa hạ với cái chóp phủ đầy tuyết trắng toát. Đến tầng thứ năm ở độ cao 2020 m xe ngừng lại. Đỉnh núi ở độ cao 2337 m nhưng không lên vì tuyết xuống nhiều quá. Chúng tôi tắp vào một cái shop bán đồ kỷ niệm. Phải dương dù che nước mưa. Trong shop đốt sẵn hai lò gaz nên rất ấm áp.

Chủ shop tặng mỡi du khách một cái chuông lấy hên nhỏ xíu bằng đồng. Hàng đẹp nhưng giá quá đắt, chúng tôi vẫn mua vài món có chữ Phú Sĩ Sơn để ghi dấu đã lên đây hay để tặng cho người thân. Mua bán trong vòng 20 phút rồi lo xuống cho lẹ vì sợ tuyết phủ ngập đường. Được cho biết xe chúng tôi là xe cuối cùng lên núi, mấy xe sau không lên được vì đường lên núi đã đóng.

Ăn trưa tại một nhà hàng rất sang, đĩa vàng muỗng bạc, nhưng người sang chỉ ăn hương ăn hoa nên ăn xong mà thấy như chưa ăn.

 

2giờ45 chiều, đến thăm Tháp Xá Lợi Phật tại Phú sĩ (The mount praying for world peace). Cái cổng vào đã đẹp rồi tuy đơn sơ với hai cây cột trắng ghi những chữ Phú Sĩ Phật xá lợi tháp và Diệu Pháp tự. Một bảng khác ghi chữ Công viên Hòa bình. Tháp ngự trên một khu đất lớn chừng tám hectares, trồng nhiều cây được tỉa xén rất mỹ thuật, chùa Diệu Pháp, các trụ đèn bằng đá trồng hai bên lối đi, mỗi trụ có khắc tên các vị Phật, Bồ tát và A la hán. Chùa rất đẹp với vườn và thác nhưng nổi bật là ngôi Tháp Xá Lợi được dựng lên ngày 24-7 năm 1964 để cầu Hòa bình Thế giới. Tháp cao 47 m 50, đường kính là 45 m, trên đỉnh tháp có để xá lợi của Phật Thích Ca, vốn là quốc bảo của Ấn độ được giữ trong Viện Bảo tàng Delhi và được thủ tướng Ấn là ông Nehru tặng cho Nhật bản. Trời mưa nên phải hấp tấp chạy cho mau từ nơi này qua nơi khác. Đúng là cưỡi ngựa thăm hoa, nhưng biết làm sao. Cố chụp vài tấm hình để về nhà xem chứ không thể nào nhớ các nơi một cách chớp nhoáng như thế!

Rời khỏi Tháp Xá lợi, phái đoàn đến trạm xe treo Hakone Komagatake ropeway để  ngắm phong cảnh. Komagatake ngọn núi lửa nằm giữa rặng Hakone cao 1,327 m so với mặt biển. Đường xe dây dài 1,800 m nối liền đỉnh núi với công viên Hakone và xe chạy trong bảy phút. Xe có thể chở được 101 người và từ trên xe du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh hồ Ashimoko và các núi chung quanh. Vào những bữa trời quang đãng có thể nhìn thấy tận Sagani, vịnh Suruga và bảy hòn đảo Izu. Đỉnh Komagatake là nơi rất tốt để ngắm cảnh hùng tráng của núi Phú sĩ. Hết xe

dây, phái đoàn xuống tầu du hành trên mặt hồ Ashimoko. Rất tiếc là trời mưa lất phất và sương mù nên không thể nhìn cảnh xa, ngay cảnh gần cũng mù mù mịt mịt.

Thăm các nơi chính thức ngắn ngủi thôi nhưng đường đi rất xa. Mãi 7giờ30 mới về tới Tokyo.

 

Ngày Chủ nhật 11 tháng Tư năm 1999: Đi tour Nikko cả ngày.

Nikko tiếng Hán Việt đọc là Nhật Quang là một cao nguyên rất đẹp. Dự định đi thăm Chùa Đại Luân Vương, Kotoshogu, đền thờ sứ quân Tokugawa, và hai cái thác Long đầu và Kegon (Hoa Nghiêm). Cảnh rất đẹp, đền chùa rất to và đặc sắc nhưng trời mưa to hạt nên mất hết hứng thú. Phải mua vé vào xem nhưng chỉ xem có một hai nơi chứ không thể đi khắp. Du khách lo mua sắm đồ kỷ niệm nhiều hơn là ngắm cảnh. Thác Long đầu và thác Hoa nghiêm đẹp nhưng có lẽ không lớn đẹp bằng những thác bên Việt Nam.

Điểm đáng chú ý là tại đền thờ Tokugawa có một cái phù điêu chạm ba con khỉ, bịt mắt, bịt tai, bịt miệng mà Thầy cho là một công án thiền. Thầy giảng, bịt mắt không phải là để không nhìn, mà ý nghĩa là nhìn nhưng không thấy (thị nhi bất kiến) những cái thị phi chỉ thấy cái gì tốt đẹp thôi. Bịt tai là không nghe những âm thanh tạp nhạp làm loạn tâm mà tập sao cho nhĩ căn viên thông. Bịt miệng là cẩn thận lời nói. Ta biết là bệnh do miệng mà vào, tai họa do từ miệng mà ra. Người Nhật ít nói vì thế. Không biết chăn giữ tai, miệng, mắt để chúng buông lung thì thật là nguy hiểm.

Đi đến vùng Nhật Quang, vùng có ánh nắng chói chan mà lại mưa dầm dề, thật là quá uổng phí nhưng biết sao.

 

Thứ hai 12 tháng Tư 1999

Hôm nay, theo chương trình là một ngày tự do nhưng phái đoàn muốn đi thăm vài ngôi chùa nữa nên Thầy liên lạc với cô Mimi thuê xe bus và cô để đi viếng vùng Kamakura (Kiến thương).

Kamakura là vùng lịch sử nổi tiếng của Nhật. Các vịsứ quân (shogun) đóng đô tại đây  từ năm 1192 đến 1333 đã có công đẩy lui hai đợt xâm lăng của quân Mông Cổ xuất phát từ Cao Ly.

Trời nắng ráo nên ngắm phong cảnh rất thú vị.

Trước hết chúng tôi thăm Kencho-ji (Kiến trường tự, nói cho đủ là Kiến trường hưng quốc thiền tự). Đây là ngôi chùa được xếp hạng nhất trong năm ngôi thiền  tự lớn tại Kamakura, và là thiền viện xưa nhất tại Nhật. Chùa được khởi công xây cất theo lệnh của Thiên Hoàng Gofukakusa 1227-1263 và hoàn thành vào niên hiệu Kencho (1253) nên lấy niên hiêụ làm tên.

Vị tổ khai sơn Kiến trường tự là ngài Rankei Doryu (Lan-hsi Tao-lung 1213-1278) một thiền sư Trung quốc thời nhà Tống. Ngài rời Trung quốc năm 1246, sang Nhật dạy thiền, ở vài năm tại Kyushu và Kyoto trước khi đến Kamakura lập Kiến trường tự. Khi Ngài thị tịch, thiên hoàng Gouda ban mấy chữ Daikaku Zenji (Đại thành Thiền sư). Đây là lần thứ nhất trong lịch sử Nhật bản một thiền sư được vua ban thụy hiệu.

Câu ngữ lục sau đây có thể cho ta thấy tông chỉ của Ngài: “Nếu đánh mất chân ngã thì vạn pháp chỉ đem lại phiền não. Nếu khám phá ra tinh yếu của tâm thì chẳng muốn gì khác mà chỉ đi theo chánh đạo thôi.”

Hojo Tokiyori, nhiếp chính thứ năm ở Kamakura, là vị hộ trì chính cho chùa về hai phương diện tinh thần, tài chính và cũng tập thiền đến trình độ rất cao gần thành thiền sư.

Chùa, lúc đầu gồm bẩy tòa nhà chính và 49 ngôi đền phụ, nhưng hầu hết bị tàn phá bởi một loạt hỏa tai trong hai thế kỷ 14 và 15. Dưới thời Tokugawa, thiền sư Takuan (1573-1645) với sự hỗ trợ của sứ quân, đã trùng tu Kiến trường tự như ngày nay. Hiện thời phức hợp Kiến trường tự gồm có 10 ngôi đền phụ và các kiến trúc sau đây:

1-Somon (Tổng môn): Cổng này khi xưa dựng tại đền Hanju Zanmai ở Kyoto, nổi tiếng vì là nơi để các bài vị của gia đình Thiên hoàng.

2-Sanmon (Cổng chính): Cổng hiện nay do ngài Bantetsu, phương trượng Kiến trường tự, dựng năm 1754. Dân chúng ở Kanto (miền đông) Nhật bản đã hết lòng đóng góp công của. Truyền thuyết nói một con chồn đã dùng phép biến thành một vị tăng đi khuyến hóa. Chồn làm như vậy để trả ơn các vị tăng trong chùa đã đối xử rất tốt với chồn. Cho đến tận nay, cổng này vẫn còn được gọi là Tanuki Mon (cổng chồn).

3-Bonsho (đền chuông) Chuông được đúc năm 1255, có khắc những lời của vị tổ khai sơn là ngài Rankei Doryu, được Chính phủ xếp vào hàng báu vật của quốc gia.

4-Junipers (đỗ tùng), những cây già hơn 700 năm này mọc từ những hạt giống Tổ sư mang từ Trung quốc, được xếp vào hàng báu vật thiên nhiên.

5-Butsuden (điện Phật) và Karamon (cổng Trung quốc). Những kiến trúc này đều là những di sản văn hóa quan trọng, xưa kia thuộc lăng mộ Shogun tại chùa Tăng thượng Jojo-ji ở Tokyo. Chúng được rỡ từng mảnh và ráp lại tại đây năm 1647. Tấm ảnh lớn bên trong điện Phật là ngài Jizo Bosasu (Bồ tát Địa tạng vương)

6-Hatto (Pháp đường) dựng năm 1814. Tất cả các buổi lễ có đại chúng tham dự đều được làm tại đây. Đây là ngôi đền bằng gỗ lớn nhất của miền đông Nhật bản.

7-Hojo (Điện chính) được mang tới từ ngôi đền Hanju Zanmai ở Kyoto. Lúc đầu được dùng làm chỗ ở của vị phương trượng, nay là nơi hành lễ cho hàng tín  chúng của chùa. Tượng thờ đây là Phật Shake Nyorai (Thích Ca). Hojo thường được gọi là Ryuo-den (Điện Long vương)

8-Vườn: phía sau Điện Hojo là một cái vườn lớn do thiền sư Muso Kokushi vẽ kiểu. Cái ao trong vườn mang hình dáng chữ tâm nên gọi là Shin-ji Ike hay Ao chữ Tâm.

9-Hanso-bo: Đây là ngôi cấm điện của chùa. Khi xưa nó thuộc chùa Hoko ở Shizuoka, được đem về đây năm 1890 theo sự yêu cầu của thiền sư Ozora Kando.

10-Tu viện (hoàn toàn cấm người ngoài) là nơi các tu sĩ tích cực tu tập thiền, gồm có thiền  đường, tổ sư đường, khu hành chính.

Không ai hướng dẫn lại không đọc được chữ Nhật nên chúng tôi không biết chỗ nào với chỗ nào nhưng vẫn thích thú vì cảnh chùa rất đẹp.

 

Chùa Engaku-ji (Viên giác)

Đọc đầy đủ tên chùa thì như sau: Zuiroku-san Dai-Engaku Kosho Zen-ji. Zen-ji là thiền tự. Vậy chùa Viên Giác cũng giống như chùa Kiến trường là chùa của Thiền tông.

Khoảng bảy trăm năm trước đây, vào thời Bun-ei và Koan, Nhật Bản hai lần bị quân Mông Cổ tấn công. Đây là biến cố lớn lao chưa hề xảy ra trước đây cho nước Nhật. Tướng quân Tokimune Hojo ngay khi bận rộn đối phó với quân xâm lăng  vẫn hàng ngày chăm chỉ tu tập thiền dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Mugaku Sogen (Bukko Kokushi) từ Trung Hoa tới. Nước Nhật đã trên dưới một lòng một dạ chiến đấu chống kẻ thù ghê gớm và đẩy lui quân Mông Cổ. Sau khi công cuộc chống xâm lăng đã thành công, Tokimune muốn truyền bá Thiền vì nhờ nó mà ông đã có chỗ

nương tựa vững chắc về tinh thần cũng như muốn siêu độ cho bao nhiêu chiến sĩ Nhật và Mông cổ đã thương vong trong các trận chiến. Ông cũng muốn tỏ lòng nhớ ơn Thầy là thiền sư Bukko. Chùa Viên Giác được xây cất để đáp ứng những mong

muốn đó. Trong khi đào xới đất, công nhân tìm thấy một hộp đá bên trong có quyển kinh Viên Giác, do đó Viên Giác được dùng để đặt tên chùa.

Sự thành lập phái Bukko được tiếp nối từ Koho Ken-nichi ở chùa Nasu Ungen đến Muso Soseki ở chùa Tenryu. Muso được đặc biệt kính trọng vì là Thầy của Bẩy Thiên hoàng trong thời đại Nam Bắc triều (1336-1392). Thiền phái này có ảnh

hưởng lớn lao đến thiền giới Nhật bản trong thời Muromachi (1338-1573).

Chùa bị cháy nhiều lần và cũng bị suy tàn trong một thời gian. Thiền sư Seisetsu thuộc cuối thời Edo (1603-1867) đã tái thiết và làm cho chùa có cơ sở vững chắc như ngày nay. Ngài đã sửa đổi lại môn phái và duy trì lề lối khắc khổ đối với các thiền sinh.

Dưới thời Minh trị (188-1912), các du tăng và cư sĩ học thiền với ngài Imakita Kosen và môn đệ ngài là Shaku Soen. Chùa trở thành trung tâm của sinh hoạt thiền dưới thời Kanto.

Những lớp dậy tham thiền tại chùa Kojirin đã đào tạo vô số người tài giỏi xuất  chúng trong lịch sử oai hùng của Nhật.

Tọa lạc giữa nơi yên tĩnh và rất dễ đến từ Tokyo, Chùa Viên Giác mang lại an lạc cho du khách. Tại đây có dậy đủ loại thiền và mở khóa tu mùa hè cho công chúng.

Viên giác tự có mười tám chùa thống thuộc trong khu vực cộng thêm chùa Jochi, chùa Tolei và chùa Zuisen ở kế bên. ác nơi chính là:

1-San-mon: cổng chính. Được xây lại vào năm thứ ba thời Tenmei (1783) bởi thiền sư Daiyu Kokushi (Seisetsu), vị này đóng góp rất nhiều vào việc tái thiết chùa. Kanzeon Bosatsu (Quán âm Bồ tát) và Lakans (La hán?) được thờ trong những tháp. Bảng viết chữ Engaku Kosho Zen-ji do Thiên hoàng Fushimi viết sau khi ngài đã truyền ngôi để dưỡng già.

2-Butsu-den: đền thờ. Ngôi đền, để tưởng nhớ Hokan Shaka Nyorai, được tái thiết vào năm Showa thứ ba mươi chín (1964). Mây và rồng trên trần do họa sĩ Seison Maeda vẽ.

3-Senbutsu-jo: Tuyển Phật đường. Nơi lựa chọn các vị Phật. Được cất năm 1699 và trước đây dùng làm nơi tham thiền.

4-Kojirin: thiền đường cho hàng cư sĩ. Tòa nhà này được Koji Tesshin Yagyu tặng và di chuyển đến đây vào năm Showa thứ ba (1928), nguyên là Trường dạy kiếm đạo Yagyu ở Ushigome, Tokyo.

5-Hojo: chỗ ở của thiền sư cai quản tăng chúng. Hojo nghĩa là phương trượng, phương là vuông, trượng là mười thước ta, danh từ này gốc từ Ấn độ liên quan tới ngài Koji Yuima tu trong một căn thất một trượng vuông. Phương trượng là nơi ở của vị sư lớn nhất, cai quản tất cả tăng chúng trong chùa, nhưng tòa nhà này bây giờ được dùng làm nơi hành lễ.

6-Hyaku Kan-non: Một trăm tượng Quán âm. Một trăm tượng và bảng khắc hình Quán âm bằng đá được ngài Sesso Sonja thờ vào thời Edo và được thiền sư Kosen tu bổ vào thời Minh Trị. Những hư hại do trận động đất lớn Kanto gây ra được sửa chữa tối đa theo khả năng. Trước kia những tượng này được để ở ngôi chùa thống thuộc Shorei-In, nhưng gần đây được dời về khu vườn của Hojo.

7-Shari-den: Đền thờ răng Phật (báu vật quốc gia) Đây là nơi thờ răng Phật. Răng do chùa Nonin-Ji in So, Trung quốc tặng ngài Sanetomo Minamoto. Xây cất theo kiểu đặc biệt Kara du nhập từ Trung quốc vào thời Kamakura (1192-1333). Ngôi đền được xếp hạng báu vật quốc gia vì vẻ đẹp của nó.

8-Kaiki-Byo: lăng mộ của Tokimune Hojo, vị bảo trợ ngôi chùa.

9-Hakuroku-do: Động nai trắng. Người ta đồn có một đàn nai thần màu trắng hiện ra từ động này để đến nghe bài thuyết giảng của vị Tổ sư vào ngày khai trương.  Sau khi nghe lời đồn, đền được đặt tên là Zuirokusan nghĩa là Điềm lành do nai trắng đem tới.

10-Ohbai-in: ngôi chùa thống thuộc Mai vàng. Vợ của Tokumune, sư ni Kakusan dâng cúng chùa Kegon (Hoa nghiêm) để cầu phước báo cho chồng. Sau đó các vị Ashikagas xây cất chùa này cho Muso Kokushi trên cùng một vị trí.

11-Ohgane: Đền chuông (báu vật quốc gia). Chuông do Sadatoki Hojo dâng cúng

năm 1301 để cầu quốc thái dân an cho nước Nhật. Đây là ngôi đền chuông biểu tượng của thời Kamakura (1192-1333) Chùa có những khóa lễ mỗi buổi sáng, thuyết giảng mỗi chủ nhật, mỗi cuối tuần nhóm thiền Do-nichi Zazen Kai họp, Gakusei Zazen Kai tổ chức các lớp học thiền

6 ngày cho thiền sinh vào đầu tháng Ba, Năm, Mười một, cuối tháng Tám, Chạp tại Kojirin, Lớp thiền mùa hè.

Cảm tưởng chung là người Nhật có biệt tài làm cho đất, cây cỏ, đá và gỗ ngói của các tòa kiến trúc hòa hợp thành một toàn cảnh thật đẹp. Như cái vườn đá cuội trắng, đơn giản đến tận cùng vì không có gì ngoài đá cuội, vài hòn đá to để ở giữa vườn cùng một cây bonsai lá được tỉa sén kỹ lưỡng, cuội cũng được cào thành luống nhỏ. Vậy thôi mà đẹp lạ lùng, nhìn mãi không chán.

 

Chúng tôi đi ăn trưa ở một hiệu ăn thuần túy Nhật bản, bàn ăn thấp, ngồi trên chiếu (tatami). Nữ tiếp viên dọn cho mỗi người một cái hộp bằng sơn mài, mở ra thấy có bốn năm món, trông thật mỹ thuật, ăn ngon. Thầy An Thiên nói: “Bữa nay mình ăn theo lối vua chúa, nghĩa là ăn thật chậm để thưởng thức”. Tuy nhiên phái đoàn chỉ ăn chậm một lúc thôi rồi ăn ào ào cho xong bữaa. Thì giờ ít quá, nên dành cho shopping chứ đâu có lòng dạ nào ngồi nhấm nháp từng chút một. Ăn xong ra phố, hai bên đường trồng hoa anh đào đang nở rộ khoe sắc trắng tinh khiết hay hồng nhạt dễ thương, một dãy đèn lồng phất giấy đỏ càng làm tôn cảnh trí vui tươi. Các hiệu san sát nhau khoe đủ loại hàng kỷ niệm khiến phái đoàn nô nức, nhưng Thầy chưa cho mua đồ vội. Đi thăm thần xã của Kamakura đã. Thần xã coi như đình làng, nhưng không phải là một cái nhà ngói nằm trên khu đất hẹp như đình làng ở miền Bắc Việt Nam. Thần xã chiếm một khu đất rộng với đền, miếu, hồ nước, cầu bắc ngang với những kiến trúc đặc thù Nhật bản. Nếu không

được nói trước ta dễ lầm với một khu chùa Phật giáo nào đó. Thăm một lát thì đa số rút ra phố mua đồ. Không đáng trách đâu vì mai đã ra phi trường đón máy bay về Úc. Đúng giờ hẹn tất cả có mặt đầy đủ tại chỗ đậu xe bus để đi thăm

 

Chùa Trường Cốc Quán Âm. Chùa đẹp lắm, nằm trên đồi cao, phải leo nhiều bậc đá

nên một số vị lớn tuổi ở lại phía dưới. Bên dưới cũng rất đẹp với các vườn

cảnh, hồ nước và hang động. Bên trên có chính điện và rất nhiều tượng đức Địa tạng vương bồ tát.

Sau cùng là đi thăm Tượng Phật lớn Daibutsu. Đây là tượng Phật A di đà bằng đồng

đúc năm 1252 bởi các điêu khắc sư Ono-Goroemon và Tanji-Hisatomo theo lời thỉnh cầu của cô Idano-no-Tsubone và nhà sư Joko. Các vị này không những có sáng kiến về việc đúc tượng và đền thờ liên hệ mà còn lo việc quyên góp tiền  bạc để thực hiện công trình này. Năm 1495 một đợt sóng quét ngôi đền đi mất chỉ còn trơ lại nền nhà nhưng pho tượng không hề hấn gì cả. Tượng cao trên 30m ruột rỗng, nặng 121 tấn. Du khách được phép vào, leo cầu thang lên cao và từ

mắt Phật có thể ngắm phong cảnh chung quanh. Nhưng chúng tôi chỉ leo được một nửa thang, phía trên bị rào lại và có bảng yêu cầu đừng leo cao hơn nữa.

Do đó chỉ thấy phía trong ruột Phật thôi. Daibutsu là một niềm hãnh diện cho Kamakura trong thời gian khá lâu vì là pho tượng đồng lớn nhất thế giới. Nhưng vào khoảng vài chục năm trở lại đây, Trung Quốc đã xây hay đúc những pho tượng Phật cao hơn nhiều tại Lantau Hongkong và Vô Tích ở Hàng Châu, pho Địa Tạng tại Cửu Hoa Sơn khi hoàn thành sẽ cao 99m.

 

Ngày 13 tháng Tư 1999

Ngày cuối cùng tại Nhật. Thầy có ý định dẫn phái đoàn đi thăm một vài chùa nữa nhưng hầu hết muốn đi mua hàng nên Thầy chiều theo. Dùng xe điện đi đến khu Akihabana Electric Town để mua đồ điện. Hai vị mua hai nồi cơm điện tối tân nhất của Nhật, số còn lại vào cửa hàng Duty Free mua đồ kỷ niệm như búp bê, tượng, chén bát v.v...Akihabana là một khu khá hấp dẫn với rất nhiều gian hàng và quầy hàng bán đồ điện. Đủ loại, từ những chiếc TV to lớn, màn ảnh hình chữ nhật dài như màn ảnh đại vĩ tuyến đến những đồ điện gia dụng, những linh kiện điện tử và vi tính. Tuy có nhiều thì giờ nhưng không thoải mái lắm vì cứ canh chừng đồng hồ để về khách sạn trước 3giờ, chúng tôi đã check out trước 12 giờ vì để trễ hơn sẽ bị tính thêm một ngày. Hành lý gửi tại lobby của khách sạn. Khi về chỉ kéo ra cửa chất lên bus và trực chỉ sân bay. Thầy An Thiên còn ở lại Nhật thêm một thời gian nữa.

Lên sân bay quá sớm nên cứ ngồi đó chờ. Mãi bẩy giờ hơn mới trình vé, cân hành lý và chín giờ hơn mới boarding (lên máy bay). Công ty hàng không của Nhật rất chiều khách nên rất thoải mái, máy bay không về thẳng Sydney mà xuống Brisbane, chờ một tiếng, đổi máy bay khác về Sydney. Từ Sydney đi xe bus về Adelaide. Tôi cảm thấy mệt mỏi vì gần 48 giờ liên tiếp không được nằm. Nhưng mọi sự cũng qua đi. Adelaide thanh thản và căn nhà mới thân thương làm sao.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phattich/hanhhuongNhatBan.htm

 


Vào mạng: 1-2-2002

Trở về mục "Phật tích và Danh thắng"

Đầu trang