Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Ngài Quán Thế Âm Ấn Ðộ và Trung Hoa có gì khác nhau?

 

I- Dẫn Nhập

   Khi nhắc đến hình tượng Ngài Quán Thế Âm, thì bất kỳ người Việt Nam nào dù là tín đồ Ðạo Phật hay là tín đồ của các tôn giáo bạn đều biết đến Ngài như là một vị Bồ Tát có tấm lòng từ bi vô lượng, luôn luôn cứu khổ cứu nạn cho mọi loài chúng sanh, là vị Bồ tát được xưng tụng là Mẹ Hiền của thế gian. Do đó, trên hầu hết đại đa số các bàn thờ Phật của Phật Tử Việt Nam đều tôn thờ hình tượng Ngài Quán Thế Âm.

Ngài Quán Thế Âm (hay Quán Âm) xuất hiện với một hình tướng Bồ Tát có trí tuệ bát nhã siêu việt, sự quán chiếu thông suốt ngũ uẩn giai không và hạnh nguyện cao cả mà bất cứ ai thành tâm cầu nguyện với Ngài, thì Ngài sẽ lập tức ứng hiện cứu khổ và ban mọi phước lành cho người ấy ngay trong hiện tại.

Ngay tại Việt Nam và Trung Hoa thì Ngài Quán Thế Âm đều mang hình tướng một người phụ nữ hiền từ và phúc hậu. Nhưng hình tượng đích thực của Ngài Quán Thế Âm xuất phát từ Ấn Ðộ là hình tướng của người nam, nhưng tại sao khi Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa, rồi sang Việt Nam thì lại chuyển đổi sang hình tướng của một người phụ nữ?

   Ðối với vấn đề này, trên các diễn đàn nghiên cứu văn hóa Phật Giáo, đã có nhiều sự tranh luận và cũng đã có rất nhiều nhà nghiên cứu với những nhận định khác nhau cho rằng, vào khoảng giữa thế kỷ thứ 8 sau công nguyên, một họa sĩ nổi tiếng của đời nhà Ðường Trung Hoa là Ngô Ðạo Tử lúc khắc họa hình tượng Ngài thì đã họa thành hình tướng một người phụ nữ. Ðồng thời cũng có người lại cho rằng, khi Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa, đã ít nhiều ảnh hưởng văn hóa truyền thống nhân gian đương thời của xã hội Trung Hoa. Người Trung Hoa lúc bấy giờ đã biết đề cao tình yêu bác ái của người mẹ, và trong tư tưởng đã hình thành sự đề cao giá trị của người phụ nữ, cho nên trong điều kiện tất yếu của xã hội đó đã xuất hiện một hình tượng Mẹ Hiền Quán Âm với tấm lòng yêu thương chúng sanh như con.

Ngoài hai nhận định trên, còn có một nhận định khác cho rằng, vào thời kỳ nhà Ðường, hình ảnh đức mẹ Maria của Thiên Chúa Giáo du nhập vào Trung Hoa, và đã trở thành một hình tượng Thánh Mẫu Phương Tây trên đất phương đông, nên cũng cần có một hình tướng Thánh Mẫu đại diện cho Phương Ðông, từ đó xuất hiện hình tượng Thánh Mẫu Phương Ðông là Ngài Quán Thế Âm. Như vậy, thông qua những nhận định hoàn toàn không thống nhất trên, chúng tôi mạo muội đi tìm hiểu so sánh hình tượng của Ngài Quán Thế Âm dưới góc nhìn văn hóa Ấn Ðộ và văn hóa Trung Hoa, để làm sáng tỏ sự khác nhau giữa hai hình tướng Ngài Quán Âm Nam và Nữ, khác nhau ở đâu và khác nhau như thế nào?

 

II- Sự khác biệt giữa hình tướng của Ngài Quán Thế Âm Ấn Ðộ và Trung Hoa

 1- Hình tướng Ngài Quán Thế Âm Ấn Ðộ

 “Quán Thế Âm” hay “Quán Âm” tiếng phạn là Avalokita Svara, Ngài Huyền Trang dịch là “Quán Tự Tại”, cùng một âm tiếng phạn nhưng tại Trung Hoa khi chuyển ngữ đã có những tên gọi khác nhau. Avalokita hán dịch là “Quán”( tức là quán sát soi chiếu), Svara hán dịch là “Âm” ( tức là âm thanh của người cầu nguyện), nghĩa là Bồ Tát khi quán chiếu sự thống khổ của thế gian, thì cảm ứng được những lời cầu nguyện tha thiết của mọi loài mà tức thì ứng hiện để cứu khổ độ sanh, Trung Hoa cổ thì gọi là “Quán Âm”.

Nhưng có nhiều nhà nghiện cứu lại cho rằng: “Quán” nghĩa là “Quán cảnh”, là“Chánh giác” hay “ Trí tuệ vô thượng”; “Âm” nghĩa là “nhất thiết tự tại” hay “ bất khả chướng ngại”, nghĩa là một vị Bồ tát đã hoàn toàn giác ngộ có trí tuệ vô thượng, Ngài tự tại ứng hiện khắp mọi nơi mà không có gì có thể làm chướng ngại, Huyền Trang dịch là “Quán Tự Tại”, mà dân gian Trung Hoa thường gọi là “Mẹ Quán Thế Âm”, “Bồ tát Quán Âm” hay “Ðức Bồ Tát”. Dân gian Việt Nam thường gọi là “ Phật Bà”, “Mẹ hiền Quán Âm”, “Phật Quán Âm”, “Bồ Tát Quán Thế Âm”…

Tại sao Ngài Quán Âm ở Ấn Ðộ lại có hình tướng dũng mãnh của một nam nhi đại trượng phu? Các nhà nghiên cứu đã xác định vấn đề này có liên quan đến văn hóa truyền thống của Ấn Ðộ cổ đại. Chúng ta đều biết, xã hội Ấn Ðộ cổ đại là một xã hội bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ, chế độ thống trị đã chà đạp và coi thường nhân phẩm của người phụ nữ bấy giờ.

Xã hội Ấn Ðộ đương thời sớm nhất đã hình thành 2 giai cấp là: giai cấp của những người thống trị da trắng gọi là giai cấp Nhã Lợi An và giai cấp của những người nô lệ da màu gọi là giai cấp Ðạt La, về sau giai cấp Nhã Lợi An được phân ra làm 3 giai cấp chủ yếu là giai cấp Bà La Môn (brahmana), giai cấp Sát Ðế Lợi ( kshatriyas) và giai cấp Phệ Xá (vaisyas), còn giai cấp Ðạt La về sau được gọi là giai cấp Thủ Ðà La (sudras), từ đó mà xã hội Ấn Ðộ phân chia thành 4 giai cấp chính thống như vậy. Trong 4 giai cấp trên, giai cấp Thủ Ðà La là giai cấp thấp hèn nhất, bao gồm những người bị các chế độ thống trị xâm chiếm đất đai của họ và bắt làm nô lệ, họ không có được quyền làm người, và suốt đời chịu làm thân trâu ngựa để phục dịch các giai cấp thượng đẳng.

Trong những tài liệu của những tôn giáo cổ xưa nhất Ấn Ðộ có ghi lại về địa vị của người phụ nữ trong thời đại đó rằng: Người phụ nữ cho dù thuộc giai cấp nào cũng không bao giờ được giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, càng khao khát muốn được giải thoát bao nhiêu mà không được giải thoát, đó là nỗi thống khổ nhất trong kiếp sống làm thân người nữ, trừ khi có thể làm được thân trai ở kiếp sau, thì mới được giải thoát mà thôi.

Khi Phật Giáo xuất hiện, đã đưa ra giáo lý bình đẳng phá bỏ tư tưởng bất bình đẳng của xã hội, mọi chúng sanh đều được hưởng quyền bình đẳng như nhau, đồng thời với giáo lý nghiệp lực luân hồi đã chỉ cho chúng sanh thấy nhân quả số mệnh hoàn toàn do con người quyết định, mà không do một sức mạnh thần quyền nào khác chi phối, phá bỏ đặc quyền của nam giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ, đề cao vai trò và địa vị của người phụ nữ trong xã hội. Nhưng với giáo lý và chủ trương của Phật Giáo chỉ tạm thời cải thiện một phần nào mà không thể hoàn toàn thay đổi quan niệm vốn đã ăn sâu vào tư tưởng của con người trong xã hội cổ đại bấy giờ. Mọi hoạt động của tôn giáo đều do nam giới lãnh đạo và toàn quyền quyết định, phụ nữ hoàn toàn không được quyền tham gia vào bộ máy hoạt động của tôn giáo như: quyền hạn, chức vụ, đia vị, chủ trìcác nghi lễ cúng tế của tôn giáo…

Trong gia đình mình, người phụ nữ chỉ được xem là những kẻ phục dịch nô lệ cho chồng con mà không có một quyền hạn nào của một người vợ hay người mẹ như trong xã hội hiện đại. Trong một xã hội với những luật lệ bất bình đẳng và những quy định khắc nghiệt, cuộc đời của người phụ nữ càng thảm thương hơn, họ bị coi là nguyên nhân dẫn dắt người đàn ông đến sự trụy lạc, xã hội luôn cho rằng phụ nữ là thứ bất tịnh, dơ bẩn nên mọi thứ tội lỗi đều trút xuống đầu họ. Khi lấy chồng, gia đình mình không có một tài sản quý giá nào để đưa cho gia đình chồng thì họ sẽ suốt đời luôn bị chồng dày vò đánh đập, thậm chí còn có thể bị gia đình chồng đánh chết hoặc thiêu chết mà không có một luật pháp nào có quyền can thiệp.

Vai trò của người phụ nữ và tư tưởng của con người trong xã hội bấy giờ quá thấp kém như thế, đồng thời khi giáo lý của Phật Giáo xuất hiện đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa truyền thống cổ đại Ấn Ðộ, do đó Ngài Quán Âm Ấn Ðộ tất yếu phải mang hình tướng Nam Nhi mà không thể nào mang hình tướng Nữ Nhi được.

 

2- Hình tướng Ngài Quán Thế Âm Trung Hoa

Trong kinh A Di Ðà, Ngài Quán Thế Âm có mối quan hệ rất mật thiết với Ðức Phật A Di Ðà (Amintabha), Ngài là một trong Tam Thánh của thế giới Tịnh Ðộ, và cũng có truyền thuyết cho rằng Ngài cũng là hóa thân của Ðức Phật A Di Ðà. Nhưng vấn đề mà chúng ta cần đi tìm hiểu ở đây chính là sự sáng tạo hình tượng Ngài Quán Thế Âm hoàn toàn mới lạ, và mang đầy sắc thái của văn hóa Trung Hoa.

Trong “kinh Bi Hoa” có chép, Ngài Quàn Thế Âm là một trong những vị Bồ Tát có chí nguyện cao cả nhất “Thượng cầu phật đạo hạ hóa chúng sanh”, với 12 lời nguyện Ngài hóa thân Ðại Sĩ ứng hiện khắp nơi để cứu khổ mọi loài chúng sanh, khi công hạnh hoàn toàn viên mãn, Ngài được thọ ký thành Phật kế thừa hạnh nguyện của Ðức Phật A Di Ðà ở thế giới Tây Phương Tịnh Ðộ. Trong kinh còn có ghi lại, Ngài đã từng làm Phật trong Quà khứ hiệu là “ Chánh Pháp Minh Như Lai” nhưng vì lòng thương chúng sanh vô hạn nên đã hóa hiện làm thân Bồ Tát, Ngài có mặt trong vô lượng vô biên thế giới, hóa hiện ngàn vạn pháp thân để dìu dắt chúng sanh ra khỏi biển khổ đau, đến bến bờ an lạc hạnh phúc.

Phật Giáo sau khi du nhập vào Trung Hoa, khởi đầu từ đời nhà Ðông Hán cho đến triều đại nhà Hậu Ðường, đã ít nhiều ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của xã hội phong kiến bấy giờ, tạo nên những sắc thái văn hóa mới, sản sinh những làn sóng tư tưởng mới đầy tiến bộ. Ngài Quán Thế Âm đã đi sâu vào lòng của người Trung Hoa với hình tượng một người mẹ hiềnTừ Bi Bát Ái vô lượng, thương yêu chúng sanh như con của mình.

Nhưng vì lý do gì mà khi hình tượng Ngài truyền đến Trung Hoa thì lại biến đổi thành hình tướng nữ giới, mà không còn là hình tướng dũng mãnh đại trượng phu vốn có từ Ấn Ðộ? Trong một số kinh điển của Phật Giáo Trung Hoa thì cho rằng hình tướng của Ngài là trung tính tức là Phi Nam Phi Nữ không phân biệt rõ Ngài mang hình tướng Nam hay hình tướng Nữ. Trong kinh “ Mạn Thù Sư Lợi” thì có nói về hình tướng và tính biệt của Ngài tùy theo tình huống môi trường và căn cơ của mỗi loài chúng sanh mà ứng hiện làm thân Nam hoặc Thân Nữ để tùy cơ cứu độ mọi loài.

Phật Giáo Trung Hoa phát triển cực thịnh nhất là từ thời nhà Ngụy Tấn cho đến thời kỳ nhà Ðường, trong giai đoạn này dân tộc Trung Hoa rất chú trọng về các giá trị mĩ học, các thể loại văn hóa nghệ thuật và lý luận về mĩ thuật cực kỳ phát triển. Sự phát triển và thay đổi về sắc thái nghệ thuật đó không thể nào không nhắc đến Phật Giáo, Phật Giáo là nhân tố chính thúc đẩy quá trình phát triển về những bộ môn nghệ thuật mang đậm truyền thống dân gian.

Quá trình dung hợp giữa giáo lý Phật Giáo và niềm tin tôn giáo của hầu hết người dân đã đưa đến sự hình thành một vị Bồ Tát mang hình tướng Nữ Nhi, một bước đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực ý thức hệ của giai đoạn đất nước còn lạc hậu, con người còn bảo thủ, còn nặng về tư tưởng trọng nam khinh nữ của một xã hội phong kiến Trung Hoa.

Vì vậy Phật Giáo ở thời kỳ này cũng đã phát triển một cách nhanh chóng, khắp nơi xuất hiện nhiều ngôi chùa dành cho nữ giới xuất gia, số lượng nữ giới quy y làm đệ tử Phật ngày một đông hơn, trong đó có không ít là tầng lớp phu nhân thượng lưu quan lại. Vào thời kỳ Bắc Triều, đã có 17 vị quý phi xuất gia làm ni cô, đánh dấu một bước ngoặc thay đổi mới trong lịch sử Trung Hoa, người phụ nữ tự cởi trói cho mình và tự mình quyết định số mạng cũa mình, xé bỏ rào cản trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến.

Vào thời nhà Ðường, thì nghệ thuật đúc tạo tôn tượng được nhà nước coi trọng hơn và hình tượng Ngài Quán Thế Âm đã trở thành đối tượng chủ yếu cho các tác phẩm điêu khắc, xuất hiện tôn tượng Ngài với nhiều hình tướng khác nhau, nhiều tên gọi khác nhau, phong phú về hình thức, đa dang về nghệ thuật, đặt biệt các tôn tượng của Ngài đều mang hình tướng Nữ Nhi.

Ngài Quán Thế Âm du nhập vào Trung Hoa với hình tướng là một vị bồ tát có tấm lòng từ bi vô lượng, thương mọi loài chúng sanh như con của mình, và khi được dân gian Trung Hoa biến chuyển thành hình tướng Nữ nhi, thì Ngài được tôn xưng như là một người mẹ “Mẹ Quán Thế Âm”, “Ðức Mẹ Quán Âm”…Cách xưng hô đó khiến cho chúng sanh cảm thấy Ngài thân thiết gần gủi hơn với mọi loài, tình cảm yêu thương của Ngài với chúng sanh giống như tình cảm Me con, khiến cho giữa chúng sanh và đấng tối cao không có một khoảng cách nào cả., do đó mà khi con đói khổ cầu cứu đến Mẹ , thì Mẹ tức thì xuất hiện cứu khổ cho những người con đang gặp ách nạn của mình.

Cho nên khi chúng sanh xưng danh hiệu Mẹ thì cảm thấy Mẹ luôn có mặt trong ta, với tình thương bao la, tấm lòng từ ái, với nụ cười thánh thiện trên môi Mẹ che chở dìu dắt những đứa con của mình vượt qua mọi nổi khổ đau và ách nạn của thế gian. Mẹ có mặt khắp nơi trong hư không, vượt ra ngoài không gian và thời gian, nơi nào có chúng sanh đau khổ thì nơi đó có Mẹ.

Với niềm tin Ngài là Mẹ Hiền của mình, nên Ngài Quán Thế Âm không chỉ được tôn thờ trong các ngôi chùa miếu, mà hầu hết được thờ ngay trong nhà của từng gia đình người dân, ngay cả những cơ sở buôn bán làm ăn …đều có tôn thờ hình tượng của Ngài để họ dễ dàng sớm hôm lễ bái cầu nguyện Ngài gia hộ ban phước lành cho mọi thành viên trong gia đình có được một cuộc sống sung túc ấm no và bình yên.

Ngài Quán Thế Âm đã trở thành một hình tượng không thể thiếu trong Phật Giáo Trung Hoa, thông qua sự tiếp thu có chọn lọc và quá trình dung hòa giữa tôn giáo với văn hóa truyền thống dân tộc mà Phật Giáo Trung Hoa đã tạo cho mình một sắc thái mới, sự tương tác lẫn nhau cũng tạo cho nền văn hóa nghệ thuật điêu khắc và hội họa Trung Hoa thời bấy giờ có những đột phá mới, những bước tiến bộ đáng kể, trong đó phải nói đến hình tượng Ngài Quán Thế Âm với hình tướng một người phụ nữ mĩ lệ khoan dung và độ lượng. Sự xuất tất yếu của Ngài cũng nói lên rằng xã hội đương thời đã biết đề cao người phụ nữ, đặc biệt con người trong xã hội đương thời cũng đã nhận thức được giá trị của người Mẹ, tình mẫu tử cũng được chú trọng và đề cao.

Nhưng vào những năm đầu của thời kỳ nhà Ðường, xuất hiện câu chuyện tu sĩ Pháp Lâm, cũng đã phần nào ảnh hưởng đến quan niệm của mọi người về hình tướng của Ngài Quán Thế Âm. Pháp Lâm một vị tăng nhân phạm tội đang chờ ngày ra pháp trường tử hình, ông vì tìm cách thoát nạn mà thay đổi cách niệm danh hiệu Ngài Quan Thế Âm bằng niệm danh hiệu của Vua Ðường Thái Tông Lý Thế Dân, và xưng tụng rằng đức vua chính là Ngài Quán Thế Âm hóa thân. Câu chuyện này được lan truyền rộng rãi và đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi tín đồ tăng tục Phật Giáo, như vậy đến giai đoạn này Ngài Quán Thế Âm lại chính thức quay về với hình tướng của một người nam nhi đại trượng phu.

Cho đến thời Nữ Hoàng Ðế Võ Tắc Thiên lên nhiếp chính triều đình, vì nhu cầu củng cố quyền lực chính trị của mình, bà đã không ngừng cho phát triển Phật Giáo, đặt biệt trên phương diện nghệ thuật bà đã đề xướng điêu khắc tôn tượng và in ấn kinh điển có liên quan đến Ngài Quán Thế Âm để truyền bá trong quần chúng nhân dân. Hình thức điêu khắc đều dựa vào sự miêu tả từ trong kinh điển, nên hầu hết hình tượng Ngài lưu truyền trong dân gian ở thời kỳ này đều là hình tướng Nam giới.

Trong vấn đề tín ngưỡng, Phật Pháp ngày đã một đi sâu vào cuộc sống thường nhật của dân gian, Ngài Quán Âm xuất hiện là sự tất yếu của nhu cầu tâm linh của hầu hết đa số tầng lớp người dân, không phân biệt cao thấp giàu nghèo của xã hội phong kiến bấy giờ, đưa mọi người từ giai cấp thống trị và giai cấp bị trị xích lại gần nhau hơn.

Vào thời nhà Nguyên, dưới sự tác động của tầng lớp phụ nữ quý tộc quan lại triều đình, nhiều tác phẩm hội họa nghệ thuật điêu khắc và thơ truyện về Ngài Quán Âm xuất hiện và lưu truyền trong dân gian ngày một phong phú và đa dạng nhưng lạị với hình tướng của một người Phụ Nữ, tục truyền Ngài xuất thân từ giai cấp quan lại, là thân phận một Công Chúa giác ngộ Phật Pháp mà xuất gia.

Niềm tin Mẹ Hiền Quán Thế Âm được lan rộng trong tâm linh của mọi tầng lớp người dân, cho dù những người không theo hoặc có theo Phật Giáo không hề biết đến Ðức Phật Thích Ca, nhưng không thể không biết đến Ngài Quán Thế Âm, nhắc đến Phật Giáo thì người ta có thể nghĩ ngay đến Ngài và hình dung ra Ngài với hình tướng một người phụ nữ mỹ lệ đoan nghiêm, tay cầm nhánh liểu và bình nước cam lộ.

Tuy vậy ở trong hầu hết kinh điển đều không xác nhận rõ Ngài là thân Nam hay thân Nữ, mà miêu tả cho rằng Ngài tùy theo nguyện vọng của chúng sanh mà ứng hiện ra tất cả mọi hình tướng bất luận là Nam, Nữ, Già, Trẻ, Phạm Thiên hay Ðế Thích v.v.v. để phương tiện cứu độ mọi loài chúng sanh đang gặp khổ nạn.

Ngài Quán Thế Âm cũng xuất hiện trong Ấn Ðộ giáo ngày này, và cũng lại với hình tướng là một người Phụ Nữ. Cho nên từ thời nhà Ðường Tống trở lại đây, quá trình điêu khắc tôn tượng Ngài đều là mang hình tướng Nữ Giới không phải tự nhiên mà có, mà đã chịu ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân như đã trình bày ở trên.

Chúng ta cũng biết, những con người quanh năm suốt tháng sinh sống trên biển cả, sự sống chết đối với họ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, những trận phong ba bão táp gầm thét của biển cả sẽ nuốt chững những con người nhỏ bé bất cứ lúc nào, mạng sống của họ chỉ trông chờ vào niềm tin của số mạng, của thần linh, của thượng đế. Do đó sự xuất hiện của Ngài đã đem đến cho họ một niềm tin mới, một sự cứu độ từ bi vô lượng của một người Mẹ Hiền thương đàn con vô tội, vì thế hầu hết đại đa số dân chúng sinh sống quanh vùng đồng bằng duyên hải rất sùng bái và tuyệt đối tín ngưỡng vào Ngài. Như tại phía nam của vùng biển Ấn Ðộ có Quán Âm Ðạo Tràng, tại các tỉnh ven biển Trung Quốc như Tô Châu, Triết Giang, Phúc Kiến, Hồng Kông, Ma Cao, Ðài Loan…người dân địa phương ở đây vô cùng tín ngưỡng Ngài Quán Âm và hầu hết đều có tôn thờ hình tượng của Ngài.

Ngày nay hầu như khắp nơi trên dải đất rộng lớn của Trung Hoa, nơi nào có Phật Giáo thì nơi đó xuất hiện hình bóng Ngài Quán Thế Âm, hình tướng của Ngài không những đa dạng về hình thức mà còn phong phú về nghệ thuật. Bất luận là Ðại Bi Quán Âm, Thiên Thủ Quán Âm, Bạch Y Quán Âm, Quá Hải Quán Âm hay là Tống Tử Quán Âm … đều tuyệt đối mang hình tướng Nữ Giới.

Phật Giáo tại Ấn Ðộ hay Trung Hoa đều sản sinh rất nhiều tông phái, cho nên cũng có nhiều hình tượng, tên gọi và sự tín ngưỡng khác nhau. Trong Phật Giáo Tây Tạng cho đến hiện nay Ngài Quán Thế Âm vẫn còn mang hình tướng Nam Nhi, và Ngài được dân chúng Tây Tạng tôn thờ như một đấng sáng tạo ra xứ sở Tây Tạng và cũng là một vị thần tối cao luôn che chở bảo vệ cho dân tộc Tây Tạng, dân chúng gọi Ngài là “Trì Liên Giả”.

Ðứng về mặt thời gian mà nói, thì Ngài Quán Thế Âm xuất hiện tương đối muộn trong tín ngưỡng tôn giáo dân gian. Sự xuất hiện của Ngài đều được xây dựng trên giáo lý, nghi thức, tín ngưỡng của Phật Giáo, mà vấn đề nay cũng đã được Ðức Bổn Sư thuyết giảng rất rõ ràng cho chúng đệ tử về nguyên nhân và quá trình xuất hiện của Ngài trong phẩm Phổ Môn thứ 32 của kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

 

III- Kết Luận

Qua những ghi nhận về nhiều phương diện trên, chúng ta có thể thấy rằng sự xuất hiện hình tướng Nữ Giới của Ngài Quán Thế Âm vào khoảng thế kỷ thứ 5-6 sau công nguyên. Ðồng thờ, tại Trung Hoa vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5, Phật Giáo Mật Tông phát triển rất mạnh mẽ cùng với sự phát triển của bộ môn văn hóa nghệ thuật điêu khắc mà sản sinh ra Ngài với 7 hình tướng đặc biệt khác nhau: Thánh Quán Âm, Thập Nhất Diện Quán Âm, ThiênThủ Thiên Nhãn Quán Âm, Quyến Tố Quán Âm, Như Ý Luân Quán Âm, Chuẩn Ðề Quán Âm và Mã Ðầu Quán Âm.. Nhưng đại đa số dân chúng chỉ thích hình tướng Ngài là một người Mẹ Hiền mà thôi.

Phật Giáo Ấn Ðộ sau khi truyền nhập vào Trung Hoa, đã bị ảnh hưởng bởi văn hóa và môi trường sống của người dân địa phương, mà từ đó hình thức và nội dung của Phật Giáo Trung Hoa mang hoàn toàn bản sắc văn hóa truyền thống dân gian Trung Hoa. Ðặc biệt là hình tướng Ngài Quán Thế Âm xuất hiện trong một xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ của Trung Hoa, từ hình tướng Nam Nhi biển đổi thành hình tướng Nữ Nhi, đã ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của mọi tầng lớp xã hội bấy giờ, một sự chuyển biến mạnh mẽ và táo bạo trong nhận thức bình đẳng nam nữ giữa người với người. Sự xuất hiện của Ngài phù hợp với nhu cầu tất yếu phát triển của Phật Giáo trên đất Trung Hoa, và đồng thời cũng là thỏa mãn nhu cầu văn hóa nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc của thế gian. Do đó có thể nói rằng văn hóa truyền thống dân gian đã có phần nào tác động đến sự biến đổi hình tướng của Ngài.

Vì Vậy, chúng ta thấy được rằng hình tướng của Ngài Quán Thế Âm Ấn Ðộ và Trung Hoa từ trong kinh điển cho đến thế gian tuy có nhiều sự khác biệt rất lớn, cho dù là Nam hay Nữ , cho dù ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề như đã trình bày ở trên, nhưng vấn đề chính yếu là về mặt giá trị nội dung thì hoàn toàn giống nhau. Với 12 lời thệ nguyện cứu khổ mọi loài chúng sanh mà Ngài có mặt trên thế gian này, ứng theo những lời cầu nguyện của từng chúng sanh mà Ngài lập tức ứng hiện với nhiều hình tướng khác nhau, đem tấm lòng từ bi bát ái của Ngài trải khắp thế gian này, cứu khổ độ mê làm cho chúng sanh thoát mọi khổ nạn, khiến mọi loài tỉnh mê khai ngộ mà hướng về con đường giải thoát giác ngộ của Phật Giáo. Khiến cho chúng sanh có được một đời sống bình yên và an lạc trong hiện tại và đồng thời cũng sẽ có một đời sống giải thoát giác ngộ trong tương lai. Ðấy chính là hạnh nguyện lớn lao của Ngài Quán Thế Âm.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phattich/quanam_TrungHoa&AnDo.htm

 


Vào mạng: 1-12-2006

Trở về mục "Phật tích và Danh thắng"

Đầu trang