- PHẬT GIÁO VÀ MÔI TRƯỜNG
- Thích Thiện Hữu
Thực hiện lời Phật dạy, người
Phật tử chúng ta nên bắt tay vào việc trồng cây xanh tạo thêm bóng mát
đễ kích thích xã hội làm sạch môi trường. Mỗi người một tay, mỗi
người một cây, mỗi chùa một khuôn viên xanh nhỏ thì lo gì không có những
vườn cây xanh tươi mát cho thế hệ ngày mai!
***
Thế giới ngày nay đang nói nhiều về
tình trạng khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng đạo
đức và nghiêm trọng hơn là khủng hoảng môi trường. Những cơn mưa
acid, hiệu ứng nhà kính, lũ lụt liên miên, đất canh tác dần dần bị sa
mạc hóa và tầng ozone bảo vệ bầu khí quyển hầu như mất tác dụng là
những mối hiểm họa đang đe dọa sự sinh tồn của quả đất và con người.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên hiểm họa này là việc khai
phá rừng và tận dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên của nó.
Rừng là nơi cộng trú của nhiều
loài động, thực vật khác nhau. Các loài động vật thường sống hài
hòa và phụ thuộc vào thiên nhiên theo chu trình sinh thái. Giống như động
vật, loài người cũng tùy thuộc vào môi trường sống và trở thành một
yếu tố môi trường đối với những thành viên khác trong một hệ thống
cân bằng sinh thái.
Vào thời tiền sử, loài người sống
cộng sinh và hòa hợp với thiên nhiên. Họ cư trú trong rừng, hang động và
những nơi có nguồn nước tự nhiên. Thiên nhiên cung cấp cho họ những
nhu cầ赠cần thiết về thức ăn, chỗ ở, y phục và
thuốc men. Hầu hết những dụng cụ của họ đều làm bằng đá và gỗ rất
thô sơ. Họ không có máy móc và thiết bị hiện đại để tiện nghi cuộc
sống như chúng ta ngày nay, nên rừng vẫn còn giữ được trạng thái
nguyên sinh. Dần dần con người khám phá ra lửa và biết sử dụng đồ
kim khí. Họ bắt đầu chăn nuôi gia súc, trồng trọt hoa mầu, xây dựng
nhà cửa và sống tụ tập thành những cộng đồng nho nhỏ. Khi nền văn
minh thiết lập, con người biết tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên chế
tạo ra nhiều vật dụng để đáp ứng và phục vụ cho đời sống mới.
Cuộc sống văn minh bao nhiêu, nhu cầu tiện nghi đòi hỏi càng nhiều, khoa
học kỹ thuật phát triển càng nhanh, thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên
bị tận dụng và khai thác cho đến cạn kiệt.
Trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ
con người thành công rực rỡ trong việc chinh phục thiên nhiên, nhưng cũng
chưa bao giờ con người gánh chịu nhiều thiên tai, hiểm họa như ngày nay,
bằng chứng là gần đây nhứt, tại miền Nam Việt Nam , thiên tai lũ lụt
đã gây vô lượng, vô sốthiệt hại về người và của cải. Đây là một
tiến trình xảy ra tương ứng theo lý duyên khởi của Phật giáo phù hợp
với khoa học tự nhiên về môi trường sinh thái. Vì ở vùng Tây Tạng,
tình trạng rừng không được bảo vệ một cách kỷ lưởng và triệt để
nên lượng nước băng mặc tình chảy xuống đồng bằng một cách trọn vẹn.
Chính vì vậy mà các nước phụ cận, lệ thuộc vào khu vực dãy Hi-mã-lạp
Sơn như Việt Nam, Lào , Campuchia v.v. . . đã bị ảnh hưởng lũ lũt trầm
trọng. Thiên nhiên, đặc biệt là rừng cung cấp cho con người nhiều nguồn
sống cần thiết, nhưng khi bị tận dụng quá mức, rừng mất khả năng phục
hồi đưa đến tình trạng mất cân bằng sinh thái, và tạo nên những thảm
họa không lường được!.
Theo tài liệu nghiên cứu của các
nhà sinh thái, ngoài khả năng tự phục hồi và tái tạo, rừng còn có chức
năng điều hòa khí hậu, làm màu mỡ đất đai, ngăn ngừa lũ lụt, lưu giữ
và cung cấp những lượng nước cần thiết cho mọi loài. Cây xanh qua quá
trình quang hợp trao đổi diệp lục tố, nhã ra những lượng oxy cần thiết,
tẩy sạch khí độc carbon và thường thoát ra hơi nước làm cho bầu không
khi tươi mát trong lành. Những khu đất rộng lớn ít cây xanh bao phủ thường
là những môi trường sống khô cằn không lành mạnh. Do đó, bảo vệ rừng
và trồng nhiều cây xanh là vấn đề cần thiết nhất, để giữ môi trường
trong sạch và cân bằng sinh thái. Nếu rừng bị khai phá quá mức, sẽ
đưa đến những hậu quả tai hại như đất đai bị xói mòn, lũ lụt và
hạn hán thường xuyên xảy ra. Một khi rừng được bảo vệ, nó trở
thành nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu cho chúng hữu tình, có khả
năng ngăn chặn những cơn gió lốc thổi mạnh, và làm dịu bớt khí hậu
nóng, hay lạnh. Khi mùa mưa đến, những giọt mưa đầu tiên thường rơi
trên những tán lá, rồi mới chảy xuống mặt đất, ngấm dần qua lớp lá
mới rơi, đến lớp rác rưỡi mục nát, lớp đất mùn và thấm sâu xuống
lòng đất tạo thành những mạch nước ngầm. Trái lại ở những vùng rừng
bị đốn phá trơ trọi, nước mưa rơi thẳng vào mặt đất tạo thành những
dòng chảy xiết, cuốn phăng tất cả những lớp đất mùn màu mỡ được
hình thành cả hàng trăm năm. Những dòng chảy xiết này tạo thành lũ lụt
phá hủy đời sống và mùa màng ở những khu vực hạ lưu. Dòng nước chảy
mạnh còn gây ra nạn sụt lỡ đất đai và những tai họa khác ở bất cứ
nơi nào nó chảy qua. Hơn thế nữa, khi tất cả nước mưa đều trôi theo
dòng lũ, mặt đất mất đi tính đàn hồi, khô cằn nhanh chóng sau cơn
mưa, và nạn hạn hán tất yếu sẽ xảy ra đúng theo lý duyên sanh của Phật
giáo: "cái này có頴hì cái kia có; cái này sanh,
thì cái kia sanh."
Đức Phật ra đời vàthành đạo không
gì hơn là vì lòng thương tưởng đến chúng sanh đang khổ đau do ba độc
tham, sân, si hoành hành. Do lòng tham muốn thỏa mãn nhu cầu vật chất, con
người phải chịu nhiều thảm họa khổ đau. Muốn chấm dứt đau khổ,
con người phải sống đúng theo chánh pháp, tức sống theo qui luật tự
nhiên hay luật nhân duyên sanh khởi. Theo qui luật này, con người, loài vật,
cỏ cây cùng tồn tại trong mối liên hệ hổ tương và tùy thuộc lẫn
nhau. Thiên nhiên cung cấp môi trường sống cho loài người và động vật.
Ngược lại loài người phải có ý thức bảo vệ thiên nhiên để giữ môi
trường trong sạch và cân bằng sinh thái.
Cách đây trên 2.500 năm, thấm nhuần
tiến trình nhân duyên sanh diệt, người Phật tử đã ý thức được nhu cầu
cần thiết trong việc gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên. Đấng đạo sư của
tăng đoàn Phật giáo là bậc được sanh ra và trưởng thành trong cung vàng
điện ngọc, nhưng ngài đã từ bỏ vật chất giàu sang và tiện nghi tạm
bợ nơi hoàng cung để tìm kiếm một cuộc sống cao thượng có ý nghĩa
hơn. Trên con đường tìm chân lý, Ngài sống và tu tập trong những khu rừng.
Cuối cùng ngài chọn cây Bồ-đề làm nơi cư trú để phát triển tâm linh
và chính nơi đây ngài đã chứng đạt đạo quả vô thượng chánh đẳng,
chánh giác. Sau khi chứng ngộ, Đức phật cùng chư đệ tử vẫn thích sống
nơi núi non rừng rậm, hang động, và cư trú dưới những cội cây. Ngài
khuyên chư đệ tử không nên đốn phá cây cối, cho dù là chặt cành hay bẻ
lá. Điều này được chứng minh rất rõ trong một đoạn kinh như sau:
"Cây xanh cho chúng ta bóng mát trong lành, giúp chúng ta có nơi ngủ nghỉ
qua đêm hay ngồi thiền định. Chặt cành hay bẻ lá của cây đều là
hành vi phi đạo đức." Đức Phật còn chế giới không được ném bỏ
rác rưởi hay khạc nhổ trên nước, vì sẽ làm ô nhiễm môi trường. Điểm
nổi bật này được dạy chu đáo trong Hai Mươi Bốn Oai Nghi và được nói
rõ trong Oai Nghi Thứ 9 của một vị Sa-di theo truyền thống Đại thừa của
Trung Quốc và Việt Nam. Điểm nổi bật và vô cùng quan trọng nữa nhằm
nói lên tính nhân đạo của Đức Phật là vào mùa mưa, Ngài dạy tăng đoàn
tìm chỗ an cư thích hợp để tránh việc đi ra đường dẫm đạp lên cỏ
non và giết hại côn trùng. Điều này, chẳng những chứng tỏ thái độ tôn
trọng sự sống muôn loài vạn vật của Đức Phật mà còn biểu hiện
lòng từ mẫn vô biên của Ngài đối với tất cả chúng hữu tình!!!
Thực hiện lời Phật dạy, người
Phật tử chúng ta nên bắt tay vào việc trồng cây xanh tạo thêm bóng mát
đễ kích thích xã hội làm sạch môi trường. Mỗi người một tay, mỗi
người một cây, mỗi chùa một khuôn viên xanh nhỏ thì lo gì không có những
vườn cây xanh tươi mát cho thế hệ ngày mai!
***
Phỏng viết theo tài liệu "Môi
Trường và Phật giáo" trong Bộ Bách Khoa Tự Điển về Sinh Thái,
Môi Trường và Ô Nhiễm Môi Trường, tập 3, do M. C. Chitakara chủ bút,
nhà xuất bản Aph Publishing Corporation, năm 1998.
http://www.buddhismtoday.com/viet/sinhthai/003-moitruong.htm