- Xin cứu độ Mẹ
Ðất
Lời nói
đầu
Từ nay cho đến năm 2000, có nhiều
người đang chờ đợi một tai họa lớn lao khủng khiếp sẽ xảy đến trên
Trái Ðất, vì có nhiều sấm ký thuộc vài tôn giáo khác nhau đã nói đến
cuộc thay đời đổi thế. Như trong đạo Chúa, sách thánh kinh Khải Huyền
(Apocalypse) có nói đến ngày tận thế, tức cuộc chiến đấu cuối cùng
giữa hai mãnh lực thiện và ác, giữa Thiên Chúa và quỷ Satan. Trong cuộc
chiến này, nhân loại trên địa cầu sẽ bị tàn sát và tiêu diệt gần hết
bởi chiến tranh, thiên tai, bão lụt, hạn hán, cướp bóc v.v... Sấm Trạng
Trình cũng có nói đến việc chết bảy còn ba, chết hai còn một lúc đó
thiên hạ mới được thái bình. Một số tín đồ của Ðạo Cao Ðài, Hòa
Hảo, theo sấm ký của Huỳnh Giáo Chủ và các bậc tôn sư của họ, cũng
đã lo chuẩn bị tu nhân tích đức, làm lành lánh ác để đón chờ ngày tận
thế và hội Long Hoa. Ngoài ra còn nhiều đạo giáo khác cũng đang sửa soạn
cho cuộc đổi đời, như phong trào New-Age (Kỷ nguyên mới) của Mỹ, họ
ca ngợi và rao giảng tình thương cùng những sự tu tập mới lạ, hầu có
thể tiếp nối thích ứng với kỷ nguyên mới, tức kỷ nguyên Bảo Bình
(Ere du Verseau) bắt đầu từ năm 2000 trở đi. Theo họ, con người trong kỷ
nguyên mới này sẽ có đời sống đạo đức, tâm linh rất cao, không còn
bám víu vào những chủ nghĩa duy vật, không còn đam mê vật chất, biết sống
an vui hạnh phúc trong tình thương chân thật. Ở cuối kỷ nguyên Song Ngư
(Ere du Poisson), con người mặc dù có tiến bộ về khoa học, nhưng trình độ
tâm linh còn nghèo nàn, ấu trỉ và thoái hóa! Chỉ biết lấy, nhận mà
không biết cho và chia xẻ. Chỉ biết vơ vét làm giàu cho mình, còn kẻ
khác nghèo đói thì mặc kệ. Chỉ biết hưởng thụ khoái lạc vật chất
nhất thời mà không ý thức được hậu quả tai hại về sau.
Riêng trong đạo Phật của chúng ta
không thấy nói gì về sự biến chuyển của cuối thế kỷ 20. Thiết nghĩ
không cần phải có sấm ký của Phật hay Tổ để lại mới nhận ra được
rằng quả đất đang lâm nguy. Chỉ cần thấy nhân là có thể đoán biết
quả sẽ ra sao ? Nhưng chúng ta đâu có để ý thực tại, còn mải mê tầm
chương trích cú, dịch kinh giảng luận, đi tìm chân lý trong kinh sách,
trong khi đó kinh sách không phải là chân lý mà chỉ là những ngón tay chỉ
mặt trăng. Chân lý cần được tìm thấy trong thực tại sống động, vậy
mà chúng ta vẫn còn cố gắng bám víu vào những hình thức cũ xa xưa. Chúng
ta chỉ hạn cuộc Ðạo Phật của mình trong việc xây chùa, đắp tượng,
hay việc ăn chay, tụng kinh, niệm Phật. Phải chăng vì thế mà Phật Giáo
Việt Nam ở Hải Ngoại không hấp dẫn thu hút và truyền bá được cho
người Tây Phương?
Chúng ta vẫn thường nói những
câu như: Phật Pháp bất ly thế gian pháp, hay Phật tại thế
gian bất ly thế gian giác v.v... Như vậy chúng ta phải hành động ra
sao?
Nếu tình trạng chính trị, kinh tế,
xã hội thoái hóa, Phật tử làm ăn thất nghiệp, hao hụt thì lấy tiền
đâu ra cúng chùa? Nếu ngày mai cả vùng tiểu bang California bị động đất
mạnh và sụp xuống biển thì mấy chục ngôi chùa sẽ dời đi đâu? Hay
là chùa ai sụp thì cứ sụp, chùa tôi đã có Phật độ lo chi!
Ðạo Phật là đạo tỉnh thức.
Ðã đến lúc chúng ta cần tỉnh thức lớn, không những chỉ tỉnh thức
cuộc đời là bể khổ mà cần tỉnh thức thêm rằng quả Ðất của
chúng ta ở đang lâm nguy và mong rằng tất cả Phật tử cùng nhau đóng
góp vào việc cứu độ Trái Ðất.
Kundreul Ling, đầu Xuân
1993
Thích Trí Siêu
- Chân thành cảm ơn tác giả đã gởi
tặng tác phẩm
http://www.buddhismtoday.com/viet/sinhthai/cuu_do_me_dat.htm